Việt Nam kêu gọi Nga tích cực "đảm bảo an ninh" khu vực (VOA, 24/03/2018)
Việt Nam hôm 23/3 kêu gọi Nga tích cực giúp "gìn giữ hòa bình ổn định khu vực" và "tự do hàng hải" trước chính sách bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) và người đồng cấp của Nga Sergey Lavrov trong một buổi họp báo tại Hà Nội hôm 23/3. Việt Nam mong muốn Nga tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc gìn giữ an ninh khu vực, theo lời ngoại trưởng Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đưa ra lời kêu gọi này trong cùng ngày Việt Nam phải tạm dừng một dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi do áp lực từ Trung Quốc, và Bắc Kinh lên án hoạt động thể hiện "quyền tự do hàng hải" của Mỹ trên Biển Đông.
Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Sergey Lavrov tại Hà Nội, người đứng đầu bộ ngoại giao Việt Nam kêu gọi Nga "tiếp tục đóng vai trò quan trọng, tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ổn định khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không" trên biển Đông.
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Hà Nội, Ngoại trưởng 2 nước kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khu vực thông qua các giải pháp phù hợp với luật quốc tế.
Theo hãng thông tấn Nga Itar-Tass, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố Nga và Việt Nam đều ủng hộ "việc tôn trọng luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc".
VNExpress trích lời Ngoại trưởng Việt Nam ra tuyên bố tương tự khi ông Minh kêu gọi các bên tôn trọng "tiến trình ngoại giao, pháp lý" và giải quyết hòa bình tranh chấp biển Đông theo luật quốc tế kể cả "công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Moscow cuối tháng 6 năm ngoái, ông Trần Đại Quang đã cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lời kêu gọi hãy giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng giải pháp hòa bình theo luật lệ quốc tế.
Tại Moscow, hai nhà lãnh đạo Việt-Nga ra tuyên bố chung, trong đó hai nước nhất trí bất cứ tranh chấp nào về lãnh thổ và biên giới cũng cần được giải quyết một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực, phù hợp với luật quốc tế.
Mặc dù tòa quốc tế La Hague bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra với ý đồ chiếm trọn biển Đông, nước này vẫn tiếp tục gây căng thẳng với các nước láng giềng vì những hoạt động để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình.
Những tranh cãi về các dự án khai thác dầu trên biển Đông được cho là lý do khiến các quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng từ giữa năm ngoái. Ngày 23/3, Việt Nam lần thứ 2 phải tạm ngưng dự án khoan dầu trên biển Đông do sức ép từ Bắc Kinh.
Chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Lavrov, ban đầu dự kiến vào ngày 19 và 20/3 nhưng bị hủy vào phút chót, còn nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nga và Việt Nam. Nga vẫn là nước bán thiết bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam, kể cả 6 tàu ngầm lớp Kilo đã được Hà nội đặt hàng từ năm 2009.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại trưởng Lavrov và các nhà lãnh đạo nước chủ nhà bàn thảo và trao đổi "những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm".
Trong ngày thứ 2 và cuối cùng tại Hà Nội, Ngoại trưởng Lavrov sẽ gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước khi trở về Nga.
**********************
Việt Nam 'bỏ dự án Cá Rồng Đỏ' ở Biển Đông (BBC, 23/03/2018)
Lần thứ hai chỉ trong vòng một năm, Việt Nam phải hủy bỏ một dự án dầu khí quan trọng ở Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc, BBC được biết.
Hai nước đã có cuộc đối đầu căng thẳng hồi 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng một dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam, một nguồn đáng tin cậy trong ngành nói.
Điều này đồng nghĩa với việc Repsol và các đối tác có thể sẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án.
Đây là tin không ai ngờ, bởi vì các công tác chuẩn bị cuối cùng cho việc khoan thương mại đã diễn ra.
Có thể Trung Quốc xem diễn tiến này là thắng lợi quan trọng.
Quyết định của Việt Nam dường như cho thấy sự phô trương sức mạnh của Hoa Kỳ tại Biển Đông trong thời gian gần đây đã không làm thay đổi các tính toán chiến lược của Việt Nam.
'Trả giá đắt'
Kể từ 2009, Việt Nam đã tìm cách thăm dò, phát triển mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ.
Một phần của dự án Cá Rồng Đỏ, giàn khoan có tên Ensco 8504, theo dự kiến lẽ ra khởi hành từ Singapore tới địa điểm khoan vào hôm thứ Năm.
Địa điểm đặt giàn khoan nằm trong Lô 07/03, nơi Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính là có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí gas.
Hãng đã thuê công ty Yinson của Malaysia cung cấp một bể chứa dầu nổi (Floating Production Storate and Offloading - FPSO) tại địa điểm này trong 10 năm, với chi phí ước tính trên một tỷ đô la.
Hơn nữa, Repsol đã thuê hãng Keppel FloaTEC của Mỹ xây một dàn kỹ thuật (production platform) để phục vụ cho địa điểm này với mức chi phí có lẽ là hàng chục triệu đô la.
Theo nguồn tin BBC có được, nhìn chung, Repsol và các đối tác trong dự án (gồm Mubadala Petroleum và PetroVietnam) nhiều khả năng bị thiệt hại khoảng 200 triệu đô la.
Repsol và các công ty liên đới hiện chưa hồi đáp các câu hỏi của BBC về những diễn biến mới nhất này.
Đây là lần thứ hai Repsol bị yêu cầu ngưng hoạt động khoan.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh Lô 136/03, nơi mà Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng Bảy năm ngoái.
Image captionLô 07/03 nằm cạnh Lô 136-03 mà Việt Nam phải ngưng khai thác hồi 7/2017
Hồi đó, có tin nói quyết định được đưa ra sau khi Trung Quốc dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam ở vùng nước nông gần đó, Bãi Tư Chính.
Các tường thuật từ tháng 07/2017 nói rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là những người đưa ra quan điểm rằng việc khoan thăm dò ở Lô 136/03 phải dừng lại để tránh đối đầu với Trung Quốc.
Có thể những toan tính giống vậy cũng đã tác động tới quyết định lần này.
Đã có một số quan điểm trong khu vực cho rằng cách tiếp cận cứng rắn hơn của ông Donald Trump đối với Trung Quốc cùng thái độ hành xử quyết liệt hơn của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông có thể tạo ra những khoảng không chính trị để chính phủ các nước Đông Nam Á vững tâm bảo vệ quyền trên biển một cách hiệu quả hơn.
Chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam hồi cuối năm ngoái cùng các cuộc trao đổi sau đó giữa ông với giới lãnh đạo Việt Nam dường như cho thấy chính phủ hai nước đang hợp tác để đối phó với áp lực từ Trung Quốc.
Các nước khác trong khu vực cũng rất muốn khai thác nguồn trữ lượng dầu khí ngoài khơi của mình.
Malaysia, Brunei và Philippines đang đều bị áp lực từ phía Trung Quốc trong việc phải chấp nhận "khai thác chung" trong các khu vực mà theo Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS) là hoàn toàn thuộc quyền của các nước đó.
Cho đến nay, toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á đều chống lại áp lực này.
Việt Nam đã chọn phát triển các mỏ khí một mình, và kết quả là đã bị Trung Quốc đe dọa về quân sự.
Nay, với việc lần thứ hai Hà Nội phải xuống thang, người ta đang đặt câu hỏi về khả năng khai thác ngoài khơi của Việt Nam.
Giờ đây người ta sẽ đồn đoán về số phận của dự án khí Cá Voi Xanh của Exxon Mobil ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Tuy nhiên, dự án này nằm gần bờ hơn và do đó có thể sẽ không khiến cho Trung Quốc tức giận.
Bill Hayton
*******************
Biển Đông : Việt Nam dừng thêm một dự án dầu khí vì sức ép từ Bắc Kinh (RFI, 23/03/2018)
Hãng tin Anh Reuters ngày 22/03/2018 trích dẫn thông tin từ BBC cho biết tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PetroVietnam đã yêu cầu tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol đình chỉ dự án khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, sau khi bị Trung Quốc gây sức ép.
Một dàn khoan dầu của Petro vietnam.(DR)
Còn theo một nguồn tin xin ẩn danh từ giới công nghiệp năng lượng với Reuters lẽ ra giàn khoan Ensco 8504 đã phải rời cảng Singapore ngày 21/03 để đi đến địa điểm khoan ngoài khơi Việt Nam, và bắt đầu việc khoan hút dầu.
Với quyết định tạm dừng của Việt Nam, tập đoàn Tây Ban Nha Repsol cùng với các đối tác được giao quyền khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ (tên tiếng Anh là Red Emperor) có khả năng bị mất đến 200 triệu đô la đầu tư. Giới lãnh đạo Repsol và PetroVietnam cũng như bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa phản ứng trước yêu cầu bình luận của Reuters.
Đây là lần thứ hai trong vòng vỏn vẹn 8 tháng, Hà Nội đã bị Bắc Kinh đe dọa và phải đình chỉ các dự án khai thác quan trọng trong vùng biển gần Việt Nam nhưng lại bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Lần mới đây là vào giữa năm ngoái 2017, Việt Nam đã phải đề nghị tàu thăm dò của hãng Repsol rời khỏi khu vực 136/03 ngoài khơi miền Nam Trung Bộ Việt Nam và đình chỉ việc thăm dò, sau khi bị Trung Quốc đe dọa là sẽ đánh vào các cơ sở của Việt Nam tại Trường Sa nếu Hà Nội không cho ngừng các hoạt động thăm dò.
Mỏ Cá Rồng Đỏ, là một phần của lô (Block) 07/03 tại khu vực Bể Nam Côn Sơn, cách thành phố biển Vũng Tàu, phía đông nam của Việt Nam khoảng 440 km (273 dặm). Đây là khu vực nằm gần đường "lưỡi bò" mà Trung Quốc đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, và bị Bắc Kinh cho là ăn vào vùng mỏ thuộc quyền của Trung Quốc.
Vào cuối năm 2017, báo chí Việt Nam đã liên tiếp trích dẫn các giới chức lãnh đạo dầu khí Việt Nam ca ngợi tiềm năng của mỏ khí Cá Rồng Đỏ, có thể sản xuất 25.000-30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí mỗi ngày.
Theo báo cáo kinh doanh năm 2017 của Repsol, tập đoàn này đã chi khoảng 33 triệu euro (41 triệu đô la) để thăm dò ở Việt Nam trong năm, và mỏ Cá Rồng Đỏ được coi là một trong những dự án giúp Repsol tăng trưởng trong tương lai.
Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở Biển Đông
Trong một động thái thị uy, báo chính thức của Quân Đội Trung Quốc ngày 23/03/2018 cho biết là Hải Quân nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông, trong khuôn khổ các "hoạt động tập trận thường niên".
Trong một tin ngắn trên tài khoản WeChat, tờ Giải Phóng Quân Báo xác nhận là các cuộc tập trận sắp mở ra, nhưng không cho biết là ở đâu, bao giờ và lực lượng nào sẽ tham gia.
Hải Quân và Không Quân Trung Quốc thường xuyên tập trận ở Biển Đông, nơi mà họ đã bồi đắp nhiều hòn đảo nhân tạo và xây dựng trên đó các cơ sở quân sự.
Bắc Kinh thường bác bỏ những lời chỉ trích các hoạt động của họ ở Biển Đông, tuyên bố rằng đó là lãnh thổ của Trung Quốc nên họ muốn làm gì thì làm.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm 22/03 đã tuyên bố bác bỏ lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông mà Trung Quốc lại đơn phương ban hành, cho rằng quyết định đó vi phạm luật pháp quốc tế.
Trọng Nghĩa
*****************
Việt Nam ngưng khai thác dầu ở biển Đông do sức ép của Trung Quốc (RFA, 23/03/2018)
PetroVietnam vừa yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam do sức ép từ Bắc Kinh. Hãng tin BBC loan tin này hôm thứ sáu ngày 23/3.
Hình ảnh từ video từ tàu tuần duyên của Việt Nam hôm 1/6/2014 cho thấy tàu tuần duyên Trung Quốc (trái) đang đuổi theo tàu Việt Nam gần một mỏ khai thác dầu trong vùng nước tranh chấp ở biển Đông. AFP
Theo BBC, quyết định ngưng khai thác đưa ra vào đúng lúc Repsol đang làm những bước chuẩn bị cuối cùng để khoan khai thác. Giàn khoan Ensco 8504 dự kiến sẽ rời Singapore để đến mỏ khoan vào thứ năm tuần này. Quyết định ngưng đột ngột có thể khiến Repsol và các đối tác của công ty này mất 200 triệu đô la đầu tư.
Repsol trước đó đã ước tính lô 07/03 có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ mét khối ga.
Hiện Repsol và các công ty đối tác là PetroVietnam và Mubadala Petroleum chưa đưa ra bình luận nào về quyết định mới này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa có bình luận gì về thông tin mới. Tuy nhiên tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bà không biết gì về thông tin Trung Quốc gây sức ép lên phía Việt Nam hay Repsol.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm qua, Việt Nam phải yêu cầu công ty nước ngoài ngưng dự án khai thác dầu khí ở biển Đông do sức ép từ Trung Quốc.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03. BBC cho biết, vào lúc đó, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch là những người kiên quyết yêu cầu Repsol ngưng khai thác để tránh đối đầu với Trung Quốc.
Lô 136/03 được cho là nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông, đòi chủ quyền đến 90% diện tích khu vực này. Tòa Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.
Lô 07/03 được cho là cũng nằm rất gần với đường đứt khúc 9 đoạn.
Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hồi năm ngoái đã có lúc căng thẳng do Việt Nam muốn khai thác dầu tại hai lô này. tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 năm ngoái, và một giao lưu quốc phòng giữa hai nước cũng bị hủy bỏ vì Trung Quốc phản đối Việt Nam khai thác dầu.
Trung Quốc lúc đó cũng đã đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu Việt Nam không cho ngừng khoan thăm dò tại lô 136/03.
Việt Nam sau đó đã gửi đoàn làm việc sang Bắc Kinh, và quyết định ngưng khai thác được đưa ra sau chuyến thăm này.
*****************
Việt Nam ngưng dự án Repsol ở Biển Đông do áp lực Trung Quốc (VOA, 23/03/2018)
Việt Nam vừa tạm dừng một dự án khoan dầu ở lô Cá Rồng Đỏ ngoài khơi bờ biển đông nam được cấp phép cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha do áp lực từ Trung Quốc, ba nguồn tin biết trực tiếp về tình hình cho Reuters hay hôm 23/3.
Cờ Repsol tại một đại hội cổ đông ở Madrid, Tây Ban Nha, tháng 5/2017
Đây là lần thứ nhì trong vòng chưa đầy một năm Việt Nam phải đình chỉ một dự án dầu lớn ở Biển Đông do sức ép từ Trung Quốc.
Một nguồn tin thông thạo nói rằng các bộ sở liên quan đã tạm dừng dự án trong khi Bộ Chính trị, cơ quan làm quyết định, thảo luận liệu nên tạm ngưng hay chấm dứt hợp đồng vô thời hạn.
Quyết định sẽ căn cứ vào liệu mức phí tổn do hủy hợp đồng có lớn hơn cái giá mà Việt Nam phải trả nếu cưỡng lại áp lực của Trung Quốc hay không. Nguồn tin cho hay là quyết định sẽ không được đưa ra cho đến khi Bộ Chính trị nhóm họp.
Nguồn tin đề nghị không nêu tên vì tính nhạy cảm của tình hình, nói : "Các bộ xác định sẽ chấm dứt hợp đồng".
Hai nguồn tin tại Repsol khẳng định dự án này, một liên doanh với công ty dầu khí quốc gia PetroVietnam, đã ngừng sau áp lực từ phía Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của Repsol ở Madrid từ chối bình luận. Các lãnh đạo PetroVietnam cũng từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp ngay lời đề nghị bình luận gửi đến họ qua email.
Được hỏi tại cuộc họp thường kỳ có phải Trung Quốc đã gây sức ép với Việt Nam hoặc Repsol không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà không biết những tin tức đó xuất phát từ đâu, và bà không nói gì cụ thể hơn.
Cá Rồng Đỏ, còn gọi là Red Emperor, là một phần Lô 07/03 tại bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km.
Khu mỏ trị giá một tỷ đôla được xem là một tài sản quan trọng để giúp giảm đà suy thoái của hoạt động khai thác dầu khí Việt Nam.
Nhưng lô này nằm gần đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc đã vạch ra để đòi chủ quyền mộtvùng biển rộng lớn ở Biển Đông.
Nằm ở độ sâu khoảng 350 m dưới biển, khu mỏ được cho là sẽ có hoạt động có lời khi giá dầu từ khoảng 60 đôla/thùng trở lên. Giá dầu thô Brent hiện là gần 70 đôla/ thùng.
Ước tính trữ lượng của mỏ là khoảng 45 triệu thùng dầu thô, gần 4,9 tỷ m3 khí tự nhiên và 2,3 triệu thùng condensate, một dạng dầu thô siêu nhẹ, chủ yếu là một phụ phẩm của việc khai thác khí đốt.
Theo báo cáo về lỗ lãi năm 2017 của Repsol, hãng này đã chi khoảng 41 triệu đôla cho công tác thăm dò dầu khí ở Việt Nam hồi năm ngoái. (Reuters)