RFI, 08/09/020
Hôm 08/09/2020, Ấn Độ và Trung Quốc tố cáo lẫn nhau về vụ nổ súng ở khu vực biên giới đang tranh chấp giữa hai nước trên cao nguyên dãy Himalaya. Sau vụ giáp lá cà khiến hàng chục người thiệt mạng vào tháng 6 vừa qua, đây là lần đầu tiên từ mấy thập niên qua hai bên đã nổ súng ở biên giới trên bộ này.
Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tố cáo Ấn Độ là đã có hành động "khiêu khich quân sự nghiêm trọng", vì lính Ấn Độ đã vượt làn ranh phân chia hai nước ngày 07/09/2020, rồi "bắn chỉ thiên" cảnh cáo lực lượng Trung Quốc.
Thông cáo nói thêm : "Lính biên phong Trung Quốc buộc phải đưa ra biện pháp thích ứng để ổn định tình hình trên thực địa", nhưng không nêu thêm chi tiết.
Trong khi đó, New Delhi đổ lỗi cho phía Trung Quốc. Trong một thông cáo, Ấn Độ tố cáo binh lính Trung Quốc đã "bắn mấy phát súng chỉ thiên để hù dọa" lính Ấn Độ, và nói rõ là "mặc dù bị khiêu khích, nhưng binh sĩ Ấn đã tự kềm chế, hành xử với tinh thần trách nhiệm".
Từ lâu nay, đường ranh giới hai bên ở vùng Himalaya, chính thức gọi là Đường Kiểm soát Thực tế ("Line of Actual Control" - LAC), đã không được vạch ra rõ ràng để tránh xung đột bùng lên thật sự, quân đội hai bên đều không sử dụng súng ở dọc theo đường biên giới này, và khu vực không hề nghe tiếng súng từ năm 1975 đến nay.
Trong vụ xung đột chết người vào tháng Sáu vừa qua, hai bên chỉ sử dụng gậy đá hoặc tay không.
Sau sự cố đó, lãnh đạo quân đội hai bên đã liên tục tiếp xúc với nhau hầu làm dịu tình hình. Thứ Sáu tuần qua, hại bộ trưởng quốc phòng đã có một cuộc trao đổi tại Moskva bên lề một hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nhưng ngay sau đó, qua những thông cáo thì lại tiếp tục tố cáo nhau là đổ dầu vào lửa.
Cuộc chiến tranh lần cuối giữa hai quốc gia đông dân nhất hành tinh xảy ra vào năm 1962, và Ấn Độ đã bị Trung Quốc đánh bại.
Mai Vân
*************************
Ấn Độ, Trung Quốc đồng ý hạ nhiệt căng thẳng biên giới
VOA, 06/09/2020
Ấn Độ và Trung Quốc ngày thứ Bảy cho biết hai nước đã đồng ý nỗ lực hướng tới giảm thiểu căng thẳng ở vùng biên giới tranh chấp, sau cuộc họp bộ trưởng quốc phòng của hai cường quốc Châu Á có vũ khí hạt nhân.
Hai nước đều đã triển khai lực lượng bổ sung dọc theo biên giới chạy qua vùng phía tây dãy Himalaya sau một cuộc đụng độ vào tháng 6, làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn Độ trong các cuộc giao tranh tay đôi. Trung Quốc vẫn chưa công bố con số thương vong cho quân đội của họ.
Trong cuộc tiếp xúc chính trị trực diện cấp cao nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ khi căng thẳng bùng phát lần đầu tiên dọc biên giới vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh của Ấn Độ và người tương nhiệm Ngụy Phượng Hòa của Trung Quốc hội kiến vào cuối ngày thứ Sáu bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moscow.
Cả hai nước nhất trí rằng "không bên nào nên thực hiện thêm bất kì hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang vấn đề ở khu vực biên giới", Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói trong một thông cáo.
Ông Ngụy cho biết hai bên nên thúc đẩy hòa bình và ổn định và nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng hiện thời, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một bản tin về cuộc gặp được đăng trên website của họ.
Tuy nhiên, ông nói "Ấn Độ hoàn toàn chịu trách nhiệm" về những căng thẳng gần đây, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia của mình.
Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ tăng cường kiểm soát các lực lượng tiền tuyến của mình, kiềm chế các hành động khiêu khích và "tránh cố tình thổi phồng và lan truyền thông tin tiêu cực".
RFI, 05/09/2020
Reuters hôm 05/09/2020 dẫn lời bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ cho biết đôi bên đã thỏa thuận với nhau về việc làm giảm bớt căng thẳng ở khu vực biên giới, không bên nào làm phức tạp thêm tình hình. Tuyên bố trên đây được đưa ra sau cuộc gặp gỡ với đồng nhiệm Trung Quốc tại Moskva hôm qua.
Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa đôi bên từ khi xảy ra một cuộc đụng độ hồi tháng Sáu ở vùng biên giới Ladakh, làm 20 lính Ấn Độ tử thương.
Bộ trưởng quốc phòng Ấn, ông Rajnath Singh gặp đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) hai tiếng đồng hồ, bên lề cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nga, Kazakhstan, Kyrghyzstan, Tajikistan, Uzbekistan).
Theo AP, ông Singh tuyên bố trong cuộc họp : "Hòa bình và an ninh khu vực cần có được không khí tin cậy, không gây hấn, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng và tôn trọng luật lệ quốc tế".
Về phần ông Ngụy Phượng Hòa trên trang web cho biết đã nói với ông Singh các bên cần "làm dịu tình hình", "duy trì hòa bình và ổn định",tuy nhiên trách nhiệm về tình trạng căng thẳng"hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ", "Trung Quốc không thể để mất một tấc đất nào".
Vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước đông dân nhất thế giới dài 3.500 km chạy dài từ vùng Ladakh ở phía bắc đến bang Sikkim của Ấn Độ. Sự kiện lính Trung Quốc dùng chùy đinh và gậy gộc tấn công dã man làm 20 lính Ấn Độ thiệt mạng đã làm dấy lên phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc. Cả Ấn Độ và Trung Quốc sau đó đã tăng cường lực lượng dọc theo biên giới.
Vụ đụng độ mới nhất xảy ra tại vùng núi hiểm trở ở độ cao 4.300 m, mỗi bên đều tố cáo bên kia khiêu khích. Tổng tư lệnh quân đội Ấn, tướng M.M. Naravane hôm 03 và 04/09 đến tận nơi khích lệ binh sĩ đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của quân Trung Quốc cuối tuần rồi, còn Bắc Kinh cho rằng phía Ấn đã vượt qua đường biên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho biết Hoa Kỳ rất vui nếu giúp giải quyết được xung đột biên giới Ấn-Trung, mà theo ông, tình hình đang "rất tệ hại".
Thụy My
******************
Trung Quốc, Ấn Độ điều xe tăng, máy bay tới Nam Pangong giữa căng thẳng biên giới
VOA, 05/09/2020
Tranh chấp biên giới Ấn-Trung lại nổi sóng giữa lúc hai nước điều xe tăng tới biên giới trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục cao, Taiwan News trích dẫn các bản tin cho biết hôm thứ Sáu 4/9.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 22/6/2020, do Maxar Technologies cung cấp cho thấy Đường Kiểm soát thực tế (Line of Actual Control-LAC) ở biên giới Ấn-Trung. "AFP Photo / Satellite image ©2020 Maxar Technologies"
NDTV xác nhận tin này, nói rằng phía Trung Quốc đã tăng cường lực lượng ở khu vực miền Nam Pangong thuộc tỉnh Đông Ladakh với nhiều đơn vị xe tăng và pháo binh sau khi quân đội Ấn Độ chiếm quyền kiểm soát nhiều khu vực miền cao trong khu vực hôm 30/8.
Xét tầm bắn của các khẩu súng Trung Quốc, pháo binh Trung Quốc có thể đặt ở các vị trí chiến lược, hơn 20 km tính từ Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control - LAC).
NDTV trích dẫn nguồn tin cho thấy sự hiện diện của thêm nhiều lực lượng xe tăng phụ trội đã được phát hiện không xa các vị trí của Trung Quốc ở Moldo ở Nam Pangong.
Những sự di chuyển của các vũ khí hạng nặng Trung Quốc được quan sát từ những vị trí trên cao của quân đội Ấn Độ vốn "vẫn nắm quyền kiểm soát các khu vực miền cao từ Thakung tới Mukpari", bao gồm Đèo Spanggure Gap chiến lược dài tới hơn 2 km với độ rộng đủ để xe tăng hoạt động.
Quân đội Ấn Độ cũng tăng cường các lực lượng thiết giáp trong khu vực, và triển khai thêm lực lượng để củng cố các khu vực miền cao mà Ấn Độ đang kiểm soát dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế đang tranh chấp.
NDTV tường trình rằng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế, các hoạt động không quân cũng nhộn nhịp hơn giữa lúc Không lực Trung Quốc triển khai thêm máy bay chiến đấu từ cả hai căn cứ không quân Ngari-Gunsa và Hotan ở Tây Tạng.
"Tình hình ‘hơi căng thẳng hơn’, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Mukund Naravane nói sáng 4/9, ông cho biết phía Ấn Độ đã "thực hiện một số vụ triển khai như biện pháp thận trọng để tăng cường sự an toàn và an ninh của chúng tôi" dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế.
Không quân Ấn Độ, cũng được triển khai quy mô tại nhiều căn cứ không quân trên khắp miền Bắc Ấn Độ, sẽ đáp ứng trước hoạt động không quân Trung Quốc bằng cách thực hiện các phi vụ dọc theo . Thống tướng Không quân Ấn Độ RKS Bhadauria đã tới thăm các căn cứ không quân trong khu vực đông-bắc Ấn Độ ngày hôm trước.
Tuy vậy, theo Taiwan News dẫn nguồn tin UDN, thuật lại phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar nói rằng ông vẫn tin rằng giải pháp cho cuộc đối đầu ở biên giới sẽ là giải pháp thuần ngoại giao, vì tầm quan trọng toàn cầu của vấn đề.
Chủ đề tìm giải pháp hòa bình có phần chắc sẽ được lặp lại tại phiên họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở thủ đô Moscow của Nga, nơi các Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ gặp gỡ vào chiều tối thứ Sáu.
*********************
BBC, 04/09/2020
Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đồng ý nói chuyện với người tương nhiệm Trung Quốc Nguỵ Phượng Hòa tại Moscow để phá thế bế tắc trong xung đột ở Himalayas từ tháng 5.
Căng thẳng dâng lên quanh việc Ấn Độ xây một con đường ở Ladakh
Cùng tham dự Diễn đàn Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Moscow, hai bộ trưởng quốc phòng của Ấn Độ dự kiến sẽ gặp nhau ngay tối 04/09/2020.
Đêm hôm trước, quân đội Ấn Độ đã "giành thắng lợi chiến thuật" ở vùng tranh chấp dọc Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control - LAC) ở Đông Ladakh.
Từ tháng 5, quân đội Trung Quốc đã chiếm giữ một số điểm phía Bắc của Pangong Tso nhưng trong cuộc tiến quân đêm 03/09, phía Ấn Độ nói họ đã "giành lại một số điểm gần hồ Pangong" và chiếm ưu thế độ cao.
Theo trang Hindustan Times, thì hoạt động mới nhất này của Ấn Độ đã "xóa đi ưu thế về độ cao" của quân Trung Quốc.
Tuy thế, chưa thấy truyền thông Trung Quốc bình luận về chuyển động quân sự mới nhất này của Ấn Độ.
Mấy tháng qua, các xung đột nhỏ lẻ đã gây tử vong cho một số quân sĩ hai nước vốn là hai cường quốc nguyên tử, gây lo ngại ở khu vực về nguy cơ căng thẳng leo thang.
Truyền thông Ấn Độ cho biết tư lệnh quân đội, tướng Manoj Mukund Naravane vừa thăm các đơn vị ở vùng tranh chấp và khen ngợi các chiến sĩ sơn cước "luôn sẵn sàng, có tinh thần cao".
Quân đội Ấn Độ đã dịch chuyển tới độ cao còn tầm nhìn xuống hồ nước và giành ưu thế chiến thuật ở bờ nam của hồ, theo tờ báo.
Xe quân sự Trung Quốc trong một đợt tập trận
Báo Ấn Độ cho rằng ý nghĩa của cuộc gặp mặt giữa bộ trưởng Singh và Thượng tướng Nguỵ rất quân trọng vì tướng TQ có chức danh 'ủy viên quốc vụ' (state councillor), và ủy viên Quân ủy Trung ương.
Tờ Hindustan Times nhắc rằng Quân ủy Trung ương do chính lãnh tụ Tập Cận Bình làm chủ tịch.
Dự kiến Bộ trưởng phụ trách đối ngoại của Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar sẽ gặp Ngoại trưởng Vương Nghị cũng tại Moscow ngày 10/09.
Ấn Độ không chỉ tăng cường hoạt động quân sự đối đầu với Trung Quốc ở vùng núi biên giới mà còn giành được ủng hộ của Nga trong quan hệ quốc phòng.
Hải quân Ấn Độ sẽ cùng ba tàu chiến của Liên bang Nga tập trận tại Biển Andaman trong các ngày 4-5 tháng 9 này.
Từ trước tới nay, hai bên mới chỉ có một lần giao tranh, vào hồi 1962, và Ấn Độ đã thảm bại trong lần đó.
Ba tàu của Nga gồm hai khu trục hạm, Đô đốc Vinogradov, Đô đốc Tributs, và tàu tiếp dầu Boris Butoma.
Những chiến hạm này đã đi từ Vladivostok tới thăm cảng Hambantota (Sri Lanka) từ cuối tháng 8 và sau khi diễn tập với Hải quân Ấn Độ thì sẽ về Nga.
Quan hệ quân sự Ấn Độ với Hoa Kỳ cũng gia tăng đáng kể.
Hình ảnh vệ tinh ở khu vực đụng độ ngày 15/6
Hôm 31/08, phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ - Ấn, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun nhấn mạnh về vai trò an ninh vùng của Bộ Tứ : Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.
Ông Biegun nói với quan chức Ấn Độ dự diễn đàn rằng sau bầu cử tháng 11 này, dù Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, hay một tổng thống khác lên thay thì "bắt đầu bằng Bộ Tứ, đây sẽ là điều chúng ta triển khai lên".
Một thời gian qua giới quan sát nêu ra ý tưởng về khối quân sự NATO ở Phương Đông sau khi Hoa Kỳ đề cập nhiều tới 'nhóm hạt nhân' cho an ninh Châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Giữa tháng 6/2020 vừa qua, xung đột bùng phát tại vùng biên giới với Ấn Độ-Trung Quốc, gây tổn thất lớn về nhân mạng cho cả hai phía, lần đầu tiên kể từ năm 1975. Mặc dù hai bên duy trì đàm phán, đối thoại, nhưng nguy cơ bùng nổ đụng độ lớn trong thời gian tới tiếp tục treo lơ lửng. Câu hỏi đặt ra là : Vì sao lại xảy ra xung đột đẫm máu giữa Trung Quốc với Ấn Độ vào thời điểm này ?
Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn tại biên giới, đốt ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/06/2020. Reuters - Adnan Abidi
Nguyên cớ có thể dẫn đến xung đột thì có nhiều : tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, thiếu căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp tại một khu vực hơn trăm nghìn cây số vuông tại vùng biên giới Ấn - Trung, không khí dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ, hay thế đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ cùng các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đang thành hình, mà New Delhi là một bên tham gia, để ngăn chặn các tham vọng bá quyền của Trung Quốc…
Tuy nhiên, các nguyên nhân nói trên dường như chưa đủ để giải thích cho việc căng thẳng tại vùng biên giới Ấn - Trung đột ngột bùng phát thành xung đột đẫm máu. Bởi từ trước đến nay, Bắc Kinh vẫn chủ trương chiến lược lấn dần, giành thế thượng phong tại "các vùng xám" (mà Biển Đông là một ví vụ tiêu biểu), kiềm chế không để căng thẳng vượt ngưỡng thành xung đột, để bất chiến tự nhiên thành. Vậy tại sao xung đột với Ấn Độ lại bùng lên ? Tại sao Bắc Kinh lại quyết định để xung đột bùng phát với New Delhi, đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc ?
Theo nhiều chuyên gia, nhà quan sát, một lý do cơ bản khiến Trung Quốc quyết định gây hấn với Ấn Độ là do khủng hoảng nội bộ có khả năng đã vượt tầm kiểm soát, vị thế của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình suy yếu, thậm chí lung lay, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 từ Vũ Hán lan ra khắp thế giới, kinh tế Trung Quốc gặp khó do chiến tranh thương mại với Mỹ. Giết gà để dọa khỉ : xung đột với Ấn Độ có thể chính là thủ đoạn bất đắc dĩ của lãnh đạo tối cao nhằm dập tắt mọi tiếng nói chỉ trích trong nội bộ. Mục "Theo dòng thời sự" của RFI hôm nay xin giới thiệu một số phân tích theo hướng này.
***
Trước hết xin giới thiệu nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc hàng đầu tại Ấn Độ, ông Jayadeva Ranade, chủ tịch trung tâm tư vấn Centre for China Analysis and Strategy, tác giả cuốn "China Unveiled : Insights into Chinese Strategic Thinking" (tạm dịch là : Trung Quốc lộ diện : giải mã tư duy chiến lược của Bắc Kinh).
Cuộc tấn công "đã được lập kế hoạch"
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo The Hindu, ngày 07/06/2020, về lý do đằng sau hành động của Trung Quốc tại thung lũng Galwan, vùng biên giới với Ấn - Trung, nơi xẩy ra các đụng độ đẫm máu (" China’s internal pressures are driving Xi Jinping’s tough stance on border, says veteran Beijing watcher, Jayadeva Ranade"), chuyên gia Ấn Độ bác bỏ cách lý giải của bộ trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh, theo đó căng thẳng song phương xuất phát từ quan niệm khác nhau về Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Chuyên gia Jayadeva Ranade nhấn mạnh là ông thiên về quan điểm cho rằng việc quân đội Trung Quốc xâm nhập sang vùng Ấn Độ kiểm soát là hoàn toàn có chủ ý và "đã được lập kế hoạch từ trước".
Chuyên gia Ấn Độ lưu ý là chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bất mãn ngày càng gia tăng trong nước, với số lượng người thất nghiệp tăng vọt (từ 20 triệu lên 70 triệu), giới trí thức, sinh viên, cán bộ về hưu bất bình với chế độ độc tài cá nhân của ông Tập Cận Bình… Có nhiều dấu hiệu cho thấy trong tầng lớp cán bộ cao cấp và trung cấp, có nhiều người không chấp nhận cách điều hành hiện nay của ông Tập Cận Bình. Bản thân Quân Đội Trung Quốc, vốn rất ít thể hiện quan điểm, hồi đầu tháng 5, đã công bố một bài viết dài, tỏ ra lo ngại về viễn cảnh kinh tế ảm đạm. Dân chúng ngày càng mất tin tưởng vào "Giấc mộng Trung Hoa", với viễn cảnh kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ vào năm 2049, không đủ tin tưởng là nhóm cầm quyền hiện nay hành động "một cách hiệu quả", và "kiểm soát được tình hình".
Chuyên gia Ấn Độ cho rằng chính quyền Tập Cận Bình có chính sách cứng rắn hơn với bên ngoài, với Ấn Độ, với Biển Đông, hay với Đài Loan, chính là nhằm xua tan các hoài nghi, bất mãn trong dân chúng.
"Phục hồi các vùng đất bị mất" - cơ hội níu kéo Giấc mộng Trung Hoa ?
Trong bài trả lời phỏng vấn báo New India Express, ngày 27/06, nhà Trung Quốc học Jayadeva Ranade cho biết thêm : "hoạt động triển khai quân sự quy mô rất lớn của Trung Quốc có thể là để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc khỏi các vấn đề trong nước và sự bất mãn ngày càng tăng đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Có những đòi hỏi chưa từng có yêu cầu ông Tập phải từ chức, vì nhiều chính sách của ông ta, trong đó có cách xử lý sai vụ dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Mọi người đang mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, và bắt đầu đặt câu hỏi về lời hứa của ông về "Giấc mộng Trung Hoa", khi Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia khá giả toàn diện vào năm 2021 - dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc (tức là năm tới)". "Phục hồi chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất do các hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc nước ngoài" là một cam kết của ông Tập Cận Bình trong chủ trương Giấc mộng Trung Hoa. Cổ vũ cho các hoạt động quân sự trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng dường như là ngọn cờ duy nhất mà ông Tập khả dĩ có thể giương lên, để quy tụ niềm tin trong xã hội Trung Quốc.
Trong bài tổng thuật mới đây về tình hình nội bộ Trung Quốc trên Le Monde ("En Chine, la "pensée Xi Jinping" ne fait pas l’unanimité", ngày 16/06/2020), nhà báo Frédéric Lemaitre ghi nhận thái độ phản ứng ngày càng dữ dội của nhiều trí thức Trung Quốc đối với chế độ Tập Cận Bình. Tình hình khác hẳn thời điểm cách nay hơn 2 năm, khi ông Tập còn được nhất loạt tung hô, tư tưởng Tập Cận Bình về "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa" được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc.
Cựu giáo sư trường Đảng : Đảng cộng sản - "thây ma chính trị", Tập Cận Bình - "thủ lĩnh mafia"
Trên các mạng xã hội, trong những ngày gần đây lan truyền một phát biểu, được ghi âm, lên án trực diện lãnh đạo tối cao Trung Quốc, của bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư luật, Trường Đảng trung ương Trung Quốc. Phát biểu dường như được đưa ra trong một "cuộc họp bí mật của thành phần những người có vai vế trong hàng ngũ chế độ cộng sản". Cựu giáo sư Trường Đảng Trung Quốc, một mặt khẳng định "sức sống của xã hội Trung Quốc", "người Trung Quốc tài năng", mặt khác lên án ông Tập Cận Bình là người "cản trở sự tiến lên của đất nước và của chính Đảng cộng sản".
Báo Đài Loan Taiwan News, ấn bản Anh ngữ (trong bài "Chinese professor calls CCP "political zombie", Xi "mafia boss"", ngày 16/06) dẫn lời của cựu giáo sư Thái Hà, gọi Đảng cộng sản Trung Quốc là "một thây ma chính trị", và chủ tịch Tập Cận Bình là "một trùm mafia" điều khiển đất nước, và dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ hoàn toàn, nếu lãnh đạo tối cao không bị lật đổ. Theo Taiwan News, phát biểu ngày 03/06/2020 của giáo sư Thái Hà đã được trang mạng China Digital Times xác thực, bản dịch Anh ngữ được đưa lên mạng ngày 12/06.
Mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc dường như đã ở mức thượng tầng của hệ thống quyền lực, theo ghi nhận của báo chí Đài Loan. Bài "Signs of infighting surface among Chinese leadership", Taiwan News, 08/06/2020, cho biết mâu thuẫn giữa hai nhân vật quyền lực nhất trong chế độ cộng sản Trung Quốc hiện rõ giữa ban ngày trong cách đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau về thực trạng kinh tế Trung Quốc. Trong kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, một năm trước thời điểm mà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành xã hội khá giả toàn diện, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra con số thống kê khẳng định, có đến 600 triệu người dân Trung Quốc vẫn đang sống với mức thu nhập hàng tháng 1.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 140 đô la Mỹ), có nghĩa là ở mức nghèo ("không đủ để thuê được một căn phòng ở tại một đô thị cấp hai", theo thủ tướng Trung Quốc). Cũng trong dịp họp này, thủ tướng Trung Quốc kêu gọi phục hưng lại "nền kinh tế vỉa hè", mà theo ông sẽ mang lại cơ hội cho sự phục hồi kinh tế. Chính sách này hoàn toàn đi ngược lại chủ trương chính thống hiện nay, coi "kinh tế vỉa hè" là đi ngược lại với một xã hội văn minh. Khoảng một tuần sau, các phát biểu của thủ tướng đồng loạt bị báo chí chính thống dỡ bỏ, hoặc sửa đổi.
Ủng hộ dân nghèo : Phát biểu của thủ tướng bị báo chí Nhà nước cắt bỏ
Nhà quan sát về tình hình Trung Quốc lâu năm, nhà hoạt động nghiệp đoàn cánh tả Vincent Kolo, trong bài "China : Has the pandemic strengthened or weakened Xi Jinping ?" (trên trang mạng chinaworker.info, ngày 21/06/2020) cũng ghi nhận tình trạng thất nghiệp chưa từng có tại Trung Quốc, do khủng hoảng kinh tế. Ngoài con số 26 triệu dân thành phố thất nghiệp (theo số liệu chính thức, mà chắc chắn là thấp hơn nhiều so với thực tế), "không có số liệu nào nói về thất nghiệp ở thành phần lao động nhập cư". Theo Vincent Kolo, trong số 290 triệu người lao động, có hộ khẩu nông thôn, ra thành thị làm việc, chỉ có 129 triệu người, tức ít hơn một nửa trở lại xí nghiệp, do đại dịch.
Vincent Kolo ví tuyên bố của thủ tướng Lý Khắc Cường, thừa nhận 600 triệu dân Trung Quốc có thu nhập thấp, chẳng khác nào "một trái bom chính trị", trong bối cảnh chế độ Trung Quốc cố tình bưng bít thông tin. Việc thủ tướng Trung Quốc cổ vũ cho việc phát triển "kinh tế vỉa hè" để tạo điều kiện cho người dân nghèo, có thể tham gia các hoạt động buôn bán nhỏ, để có việc làm, thúc đẩy kinh tế, nhưng ngay lập tức bị hệ thống chính trị kiểm duyệt, loại bỏ, càng làm nổi bật chính sách đô thị hóa mang tính phân biệt đối xử, đầy kỳ thị đối với dân nghèo hiện nay của chế độ Tập Cận Bình. Nhà quan sát Vincent Kolo dự đoán mối quan hệ giữa hai lãnh đạo cao nhất trong chế độ Trung Quốc sẽ có thể trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Đọ sức Tập - Lý tại Bắc Đới Hà ?
Về mâu thuẫn trên thượng đỉnh quyền lực tại Trung Quốc, nhà nghiên cứu Pháp Jean-Paul Yacine có loạt bài đáng chú ý (ba kỳ) trên trang mạng chuyên về Trung Quốc, questionchine.net, mang tựa đề "Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải chăng đang xung khắc ? Một thách thức đối với sự bền vững của chế độ" (Xi Jinping et Li Keqiang à couteaux tirés ? Un défi à la résilience de l’appareil, 17/06/2020).
Nhà nghiên cứu Jean-Paul Yacine chú ý đến đợt phản công của phe cánh lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, chống lại các tuyên bố của thủ tướng họ Lý, đứng đầu là ông Hoàng Khôn Minh (Huang Kunming), lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của Đảng. Tổng cục Thống kê, vốn trực thuộc chính phủ, cũng ngay lập tức ra thông báo cải chính cách đánh giá của thủ tướng về thu nhập của người Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Pháp Jean-Paul Yacine, dường như lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đang tìm mọi cách dập tắt mọi ý kiến bất đồng trong nội bộ, trước hết là của người đứng đầu chính phủ, trước khi ban lãnh đạo Trung Quốc bước vào cuộc họp kín quan trọng hàng năm tại Bắc Đới Hà, trong dịp cuối hè. Lãnh đạo họ Tập dường như lo ngại bị thủ tướng Lý Khắc Cường lấn át, vào thời điểm phương thức điều hành độc đoán của Tập Cận Bình rõ ràng đang để lại những hệ quả ngày càng nghiêm trọng cho xã hội Trung Quốc.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 01/07/2020
Đụng độ Ấn - Trung : Mỹ chia buồn với Ấn Độ, căng thẳng vẫn ở mức cao
Chính phủ Mỹ ngày 19/06/2020 gởi lời chia buồn đến New Dehli sau cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ trong một cuộc va chạm tàn khốc với quân đội Trung Quốc tại khu vực mà hai cường quốc Châu Á này có tranh chấp lãnh thổ.
Biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm biên giới tấn công quân đội Ấn Độ, ngày 17/06/2020 tại New Delhi. Reuters - ANUSHREE FADNAVIS
Trên mạng xã hội Twitter, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết : "Nước Mỹ gởi lời chia buồn chân thành nhất đến nhân dân Ấn Độ, vì những người đã ngã xuống sau cuộc đối đầu với Trung Quốc. Chúng tôi chia sẻ nỗi đau cùng với gia đình, người thân và những cộng đồng xung quanh các binh sĩ này".
Theo hãng tin Reuters, mặc dù New Delhi và Bắc Kinh tuyên bố phải tìm cách giảm leo thang, nhưng tình hình căng thẳng vẫn ở mức cao sau vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ hôm thứ Ba, 16/06/2020, tại vùng Ladakh trên dãy Himalaya mà hai cường quốc hạt nhân Châu Á có tranh chấp chủ quyền.
Sau vụ đối đầu này, nhiều cuộc thương lượng quân sự giữa hai bên đã được tổ chức nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào. "Tình hình vẫn chưa có tiến triển, chưa có một sự tháo gỡ nào, nhưng cũng không có sự điều động thêm binh sĩ", theo như tiết lộ của một nguồn thạo tin với Reuters.
Theo nhận định của hãng tin Anh, vụ việc xảy ra vào lúc dịch Covid-19 đang hoành hành đặt thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước những thách thức ngoại giao khó khăn nhất kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2014.
Làm thế nào Ấn Độ có thể cân bằng ảnh hưởng của các siêu cường, giữa một bên là Trung Quốc - một đối tác kinh tế thiết yếu của New Dehli - và bên kia là Hoa Kỳ, luôn tìm cách lôi kéo Ấn Độ ra khỏi chiếc áo "không liên kết" để cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này chặn đà bành trướng quân sự và kinh tế của Trung Quốc ? Đây sẽ là một bài toán khó cho ông Modi.
Trung Quốc thả 10 binh sĩ Ấn Độ
Trung Quốc ngày 18/06/2020 cho biết thả 10 binh sĩ Ấn bị bắt trong vụ va chạm giữa quân đội hai nước trên dãy Himalaya. Đợt thả tù binh này là kết quả của các cuộc thương lượng giữa hai bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau vụ đối đầu hôm thứ Ba 16/06.
Minh Anh
********************
Thung lũng Galwan : Trung Quốc bác bỏ chuyện bắt giữ binh sĩ Ấn Độ (BBC, 19/06/2020)
Trung Quốc phủ nhận đã bắt giữ binh sĩ Ấn Độ trong vụ đụng độ chết người giữa hai nước hôm thứ Hai, sau khi truyền thông đưa tin ngày thứ Năm rằng 10 binh sĩ Ấn Độ đã được thả.
Lễ hỏa táng một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng được tổ chức hôm thứ Năm
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm thứ Sáu 19/6 rằng Trung Quốc "không bắt giữ binh sĩ Ấn Độ nào".
Truyền thông Ấn Độ đưa tin một trung tá và ba thiếu tá nằm trong số binh sĩ bị Trung Quốc giữ.
Chính phủ Ấn Độ chỉ nói rằng không có binh sĩ nào bị mất tích.
Các nguồn tin trái ngược nhau tiếp tục gây khó hiểu về chuyện gì đã thực sự xảy ra hôm thứ Hai ở Thung lũng Galwan, vùng biên giới có tranh chấp.
Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ, diễn ra không có súng đạn vì một thỏa thuận hồi 1996 cấm hai bên sử dụng súng và chất nổ tại khu vực này.
Ít nhất 76 binh sĩ Ấn Độ đã bị thương.
Phía Trung Quốc chưa đưa ra thông tin nào về con số thương vong, mặc dù Ấn Độ nói cả hai bên đều có mất mát.
Hai quốc gia đều cáo buộc nước kia đã vượt qua đường biên giới được xác định không rõ ràng và khiêu khích dẫn đến đụng độ.
Shiv Aroor, biên tập viên của tờ India Today, viết trên Twitter hôm thứ Năm một số chi tiết mà theo ông là chuyện binh sĩ Ấn Độ được Trung Quốc thả. Ông nói việc trao trả binh sĩ là một điểm quan trọng trong đàm phán giữa hai bên vào thứ Tư.
Trong một thông cáo phủ nhận Trung Quốc đã giữ binh sĩ Ấn Độ, ông Triệu, người phát ngôn Trung Quốc, nói "việc đúng sai là rất rõ ràng và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ".
Ông nói hai bên đã có liên hệ qua các kênh ngoại giao và quân sự.
"Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể làm việc với Trung Quốc để duy trì sự phát triển quan hệ song phương lâu dài", ông nói thêm.
Các nguồn tin mâu thuẫn được đưa ra sau khi xuất hiện hình ảnh hôm thứ Năm, được cho là vũ khí thô sơ được dùng trong cuộc đụng độ.
Bức ảnh cho thấy các thanh sắt có hàn đinh bọc quanh được một quan chức quân sự Ấn Độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc gửi đến BBC. Người này nói đây là vũ khí quân Trung Quốc đã sử dụng.
Nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla, người đầu tiên đưa hình ảnh này lên Twitter, đã mô tả việc sử dụng các vũ khí như vậy là "man rợ".
Việc không có đụng độ bằng súng bắt nguồn từ thỏa thuận năm 1996 giữa hai bên rằng súng và chất nổ bị cấm tại đường biên giới tranh chấp, để ngăn leo thang xung đột.
Hình ảnh này được chia sẻ rộng rãi trên Twitter ở Ấn Độ, làm nhiều người dùng mạng xã hội hết sức phẫn nộ. Cả hai phía Ấn Độ và Trung Quốc đều không bình luận.
Truyền thông đưa tin hai bên xung đột trên dãy núi ở độ cao gần 4300 mét với vách núi dựng đứng, và một số binh sĩ đã rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết trong nhiệt độ âm.
Đoàn quân xa Ấn Độ di chuyển đến Ladakh hôm thứ Tư
Hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã trích dẫn một tuyên bố quân đội nói rằng Trung Quốc "sở hữu chủ quyền đối với khu vực Thung lũng Galwan". Ấn Độ bác bỏ tuyên bố này và nói nó "được phóng đại và vô lý".
Người dân cả hai nước đều biểu tình phản đối vụ đụng độ ở vùng Himalaya có tranh chấp, trong lúc quan chức hai bên phát biểu thận trọng hơn và hướng tới một giải pháp ngoại giao.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết các ngoại trưởng của cả hai nước đã có cuộc trao đổi qua điện thoại về những diễn biến và "đồng ý rằng tình hình chung nên được xử lý một cách có trách nhiệm".
"Đưa ra những tuyên bố cường điệu và không có cơ sở là trái với cách hiểu này", ông Srivastava được trích dẫn bởi hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.
Vì sao không dùng súng đạn ?
Thung lũng sông Galwan ở Ladakh, với khí hậu khắc nghiệt và địa hình vùng cao, nằm dọc theo khu vực phía tây của Đường Kiểm soát Thực tế và gần Aksai Chin, khu vực tranh chấp do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát.
Tin cho hay bính lính đụng độ trên các rặng núi ở độ cao gần 4.267 mét dọc theo địa hình dốc với một số binh sĩ thậm chí rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết, dài 80km trong điều kiện nhiệt độ âm.
Đây không phải là lần đầu tiên hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đụng độ mà không có vũ khí thông thường ở biên giới.
Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp và tuyên bố lãnh thổ chồng chéo dọc theo hơn 3,440 km tại Đường Kiểm soát Thực tế.
Vụ nổ súng cuối cùng ở biên giới xảy ra vào năm 1975 khi bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại một đèo ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc.
Cuộc đụng độ được các nhà ngoại giao trước đây mô tả như một cuộc phục kích và cũng có người nói đó là một tai nạn.
Nhưng kể từ đó hai phía không bắn một viên đạn nào.
**********************
Thung lũng Galwan : Ấn Độ bác bỏ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc (BBC, 18/06/2020)
Ấn Độ đã bác bỏ tuyên bố về đất của Trung Quốc tại thung lũng sông Galwan, nơi xảy ra cuộc ẩu đả chết người đầu tiên giữa hai nước trong ít nhất 45 năm.
Tối 15/6, quân đội hai nước Trung - Ấn đã xảy ra xung đột nghiêm trọng khiến 19 binh sĩ hai bên chết và bị thương (Ảnh: Đông Phương).
Một cuộc ẩu đả vào tối thứ Hai đã khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với thung lũng là "cường điệu và không có cơ sở".
Trong khi đó, hình ảnh vũ khí bị cho là được sử dụng để tấn công binh lính Ấn Độ đã gây phẫn nộ ở Ấn Độ.
Ảnh những thanh sắt có hàn đinh bọc quanh được một quan chức quân sự Ấn Độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc gửi đến BBC. Người này nói đây là hình ảnh thật.
Quân đội của hai nước chưa bình luận về bức hình này.
Nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla, người đầu tiên đưa hình ảnh này lên Twitter, đã mô tả việc sử dụng các vũ khí như vậy là "man rợ".
Việc không có đụng độ bằng súng bắt nguồn từ thỏa thuận năm 1996 giữa hai bên rằng súng và chất nổ bị cấm tại đường biên giới tranh chấp, để ngăn leo thang xung đột.
Cả hai bên đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các cuộc đụng độ ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya.
Trung Quốc không công bố con số thương vong.
Tin đưa chưa được xác nhận trên phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết ít nhất 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Một số binh sĩ Ấn Độ được cho là vẫn còn đang mất tích.
Hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã trích dẫn một tuyên bố quân đội nói rằng Trung Quốc "sở hữu chủ quyền đối với khu vực Thung lũng Galwan".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết các ngoại trưởng của cả hai nước đã có cuộc trao đổi qua điện thoại về những diễn biến và "đồng ý rằng tình hình chung nên được xử lý một cách có trách nhiệm".
"Đưa ra những tuyên bố cường điệu và không có cơ sở là trái với cách hiểu này", ông Srivastava được trích dẫn bởi hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.
Một tuyên bố của chính phủ Ấn Độ sau cuộc trò chuyện của Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã cố dựng một cấu trúc ở phần đất của Ấn Độ tại biên giới thực tế, Đường Kiểm soát thực tế, tại Thung lũng Galwan có tầm quan trọng chiến lược.
Tuyên bố này mô tả đây là "hành động được lên kế hoạch trước và trực tiếp gây bạo lực và thương vong" và kêu gọi Trung Quốc "thực hiện các bước khắc phục tình hình".
Trong khi đó, một tuyên bố của Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị nói : "Trung Quốc một lần nữa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với Ấn Độ và yêu cầu phía Ấn Độ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng... và ngăn chặn mọi hành động khiêu khích để đảm bảo những điều tương tự không tái diễn".
Bản đồ khu vực xảy ra tranh chấp.
Thung lũng sông Galwan ở Ladakh, với khí hậu khắc nghiệt và địa hình vùng cao, nằm dọc theo khu vực phía tây của Đường Kiểm soát Thực tế và gần Aksai Chin, khu vực tranh chấp do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát.
Tin cho hay bính lính đụng độ trên các rặng núi ở độ cao gần 4.267 mét dọc theo địa hình dốc với một số binh sĩ thậm chí rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết, dài 80km trong điều kiện nhiệt độ âm.
Đây không phải là lần đầu tiên hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đụng độ mà không có vũ khí thông thường ở biên giới.
Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp và tuyên bố lãnh thổ chồng chéo dọc theo hơn 3,440 km tại Đường Kiểm soát thực tế.
Vụ nổ súng cuối cùng ở biên giới xảy ra vào năm 1975 khi bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại một đèo ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc.
Cuộc đụng độ được các nhà ngoại giao trước đây mô tả như một cuộc phục kích và cũng có người nói đó là một tai nạn.
Nhưng kể từ đó hai phía không bắn một viên đạn nào.
****************
Đụng độ đường biên Trung-Ấn, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết (BBC, 17/06/2020)
Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với các lực lượng Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya, các quan chức Ấn Độ cho biết.
Quân đội Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ Ấn đã tử thương trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc .
Sự việc xảy ra sau khi căng thẳng gia tăng, và là cuộc đụng độ chết người đầu tiên ở khu vực biên giới trong ít nhất 45 năm.
Quân đội Ấn nói "các sĩ quan cao cấp của hai bên đang họp để tháo gỡ tình thế", và nói cả hai bên đều chịu thương vong.
Nhưng sau đó hôm thứ Ba, các quan chức cho biết một số binh sĩ bị thương nặng đã tử thương.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc phá vỡ một thỏa thuận tôn trọng đường LAC tại thung lũng Gan-oan giữa hai bên đã đạt được vào tuần trước.
Phóng viên ngoại giao của BBC James Robbins nói rằng bạo lực giữa hai đội trên dãy Hy Mã Lạp Sơn rất nghiêm trọng, và áp lực lên hai cường quốc hạt nhân để làm làm sao không cho xảy ra tình trạng xung đột toàn diện đang tăng lên.
Sáng thứ Ba, quân đội Ấn Độ cho biết ba binh sĩ của họ, gồm một sĩ quan, đã chết trong một cuộc đụng độ ở Ladakh, trong khu vực Kashmir đang tranh chấp.
Sau đó trong ngày, họ đưa ra một tuyên bố nói rằng hai bên đã ngưng chiến.
Họ nói thêm là "17 binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng trong lúc thi hành nhiệm vụ" và đã tử thương, đẩy "tổng số thương vong lên đến 20".
Trung Quốc phản ứng bằng việc kêu gọi Ấn Độ không có các hành động đơn phương hoặc gây xáo trộn tình hình, hãng tin Reuters tường thuật.
Trung Quốc cũng cáo buộc Ấn Độ là đã vượt qua đường biên và tấn công lính Trung Quốc, theo hãng tin AFP.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được dẫn lời nói rằng Ấn Độ đã vượt qua biên giới, "khiêu khích và tấn công nhân viên Trung Quốc, gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng, va chạm thân thể giữa các lực lượng biên phòng hai bên".
Bắc Kinh chưa công bố con số thương vong của bên Trung Quốc.
Vụ va chạm diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa hai nước.
Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang đưa hàng ngàn quân vào thung lũng Galwan ở Ladakh.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua có người thiệt mạng trong cuộc đối đầu giữa hai nước.
Từ trước tới nay, hai bên mới chỉ có một lần giao tranh, vào hồi 1962, và Ấn Độ đã thảm bại trong lần đó.
Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng 38 ngàn cây số vuông lãnh thổ Ấn Độ.
Một số vòng đàm phá trong ba thập niên qua đã thất bại, không giải quyết được các tranh chấp biên giới.
Hồi tháng Năm, hàng chục lính Ấn Độ và Trung Quốc đã xô đẩy, đấm nhau trong một cuộc va chạm ở khu vực đường biên ở bang Sikkim ở miền đông bắc.
Vào 2017, hai nước đụng độ tại khu vực này sau khi Trung Quốc tìm cách mở rộng một con đường biên giới chạy qua vùng cao nguyên đang tranh chấp.
Quân đội hai nước - cũng là hai lực lượng quân đội lớn nhất thế giới - đã đối đầu nhau ở nhiều điểm.
Hai bên được phân chia bởi Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control - LAC), phân định ranh giới không chuẩn xác. Các mốc là sông, hồ, đỉnh núi phủ tuyết khiến cho đường kiểm soát này có thể bị dịch chuyển, gây đối đầu giữa hai bên.
Có một số lý do gây căng thẳng dâng cao vào thời điểm này, nhưng những điểm chiến lược thì nằm ở gốc rễ vấn đề, và cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau.
Ấn Độ đã xây dựng một con đường mới trong cái mà các chuyên gia nói là khu vực xa xôi hẻo lánh và dễ bị tổn thương nhất dọc theo LAC ở Ladakh.
Và việc Ấn Độ quyết định tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng này dường như đã khiến cho Bắc Kinh tức giận.
Con đường mới sẽ làm tăng năng lực của Delhi trong việc nhanh chóng đưa người cùng vật chất thiết bị tới nơi trong trường hợp có xung đột.