Nhật đặt mua radar của Mỹ để đối phó với Trung Quốc (RFI, 02/07/2018)
Reuters hôm 02/07/2018 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết Nhật Bản sẽ đặt mua radar SPY-6 hiện đại của Mỹ để trang bị cho hệ thống hỏa tiễn phòng không. Việc nâng cấp này nhằm đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đồng thời xoa dịu Hoa Kỳ trước những bất đồng về thương mại.
Tàu chiến được trang bị radar SPY-6. Ảnh : Wikipedia
Cho dù vẫn coi Bình Nhưỡng là mối nguy hiểm trước mắt, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không quên mối đe dọa lớn hơn về lâu về dài, là sức mạnh quân sự đang lên của Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc đang sở hữu một kho vũ khí hùng hậu, trong đó có hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo có thể bắn sang lãnh thổ Nhật.
SPY-6 là radar ba chiều được sản xuất cho các chiến hạm Mỹ trang bị hệ thống Aegis – hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo xuyên quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Hệ thống này sẽ giúp Nhật bắn chận được tên lửa của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trị giá của hai hệ thống Aegis Ashore được ước tính khoảng 2 tỉ đô la. Theo một viên chức chính phủ Nhật, đây sẽ là "một món quà giá trị cho tổng thống Trump". Đề nghị mua radar được cho là còn có mục đích làm giảm căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật.
Trong chuyến thăm Tokyo tháng 11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh việc Nhật Bản mua chiến đấu cơ tàng hình F-35, khuyến khích Nhật mua thêm vũ khí và hàng hóa Mỹ. Từ đó đến nay, ông Trump không ngừng gây áp lực lên Tokyo qua việc tăng thuế hải quan lên mặt hàng thép, đe dọa đánh thêm thuế lên xe hơi, và kêu gọi thương lượng về tự do mậu dịch song phương.
Thụy My
******************
Nhật đề nghị Mỹ hợp tác chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương (RFA, 29/06/2018)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang ở thăm Tokyo vào hôm 29 tháng 6 đã đề nghị Mỹ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được chào đón bởi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo vào ngày 29 tháng 6 năm 2018. AFP
Ông Abe nói quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật không chỉ mang lại hòa bình và an toàn cho Nhật Bản mà còn là trụ cột hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về phía Mỹ, ông Mattis cho biết Washington luôn coi Nhật là đồng minh ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và bày tỏ mong muốn quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển.
Hãng Kyodo trích một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản vào ngày 29 tháng 6 cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có chuyến công du đến Nhật vào đầu tháng 7 và sẽ gặp Thủ tướng Abe.
Theo dự kiến, ông Ngoại trưởng Mỹ đến Triều Tiên vào tuần sau trước khi đến Nhật Bản vào ngày 7 – 8 tháng 7. Tokyo cũng nêu mong muốn được biết về các cuộc hội đàm giữa ông Pompeo và các quan chức Bình Nhưỡng và khẳng định hợp tác nhằm giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970 và 1980.
******************
Tại Tokyo, bộ trưởng quốc phòng Mỹ cam kết duy trì tập trận với Nhật Bản (RFI, 29/06/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến Tokyo vào hôm nay, 29/06/2018 trong khuôn khổ vòng công du Châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera (phải) và đồng nhiệm Mỹ James Mattis trước cuộc hội đàm tại Tokyo. Ảnh 29/06/2018. Tomohiro Ohsumi/Pool via Reuters
Trong một động thái nhằm trấn an đồng minh Nhật Bản đang lo ngại trước việc Hoa Kỳ giảm sự hiện diện trong khu vực, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã khẳng định rằng Mỹ vẫn sẽ bảo đảm một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ trong khu vực đề phòng Bắc Triều Tiên, trong đó liên minh Mỹ-Nhật chiếm một vị trí quan trọng. Một cách cụ thể, các cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật vẫn được duy trì.
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Tokyo với đồng nhiệm Nhật Bản Itsunori Onodera, ông Mattis đã hứa rằng Washington sẽ không lơ là cảnh giác cho dù tổng thống Mỹ đã loan báo đình chỉ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn sau thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore.
Theo ông Mattis, quyết định ngừng tập trận Mỹ-Hàn là nhằm tạo điều kiện cho đàm phán về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và "tăng cơ may đạt được một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên", nhưng không hề làm yếu vị thế của Mỹ ở Châu Á. Ông giải thích : "Chúng tôi vẫn duy trì một cơ cấu phòng thủ chung mạnh mẽ để đảm bảo rằng các nhà ngoại giao của chúng tôi tiếp tục đàm phán trong thế mạnh".
Riêng đối với Nhật Bản, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết là đã thảo luận với bộ trưởng quốc phòng Onodera về các khả năng "tăng cường sức mạnh của liên minh, củng cố hợp tác và nâng cao tình hình an ninh khu vực". Hai bên đã đồng ý tiếp tục các cuộc tập trận song phương để tăng cường năng lúc ứng phó của liên minh Mỹ-Nhật.
Về phần Nhật Bản, dù công nhận rằng việc đình chỉ tập trận Mỹ-Hàn có thể "hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao", ông Onodera vẫn nhắc lại quan điểm của Tokyo theo đó các cuộc tập trận Mỹ-Hàn rất "quan trọng cho sự ổn định trong khu vực, kể cả trong thời gian tới".
Ngoài vấn đề an ninh quốc phòng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng trấn an Nhật Bản rằng Hoa Kỳ, khi đàm phán với Bắc Triều Tiên, cũng rất chú ý đến hồ sơ công dân Nhật bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc trong những năm 1970-1980. Có điều là ông Mattis không cho biết thêm chi tiết về vấn đề mà Tokyo đặt thành ưu tiên hàng đầu.
Trọng Nghĩa
*******************
Rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Hàn (RFI, 29/06/2018)
Mỹ đơn phương đình chỉ các chương trình tập trận với Hàn Quốc, nêu lên khả năng rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên ; Seoul từ chối đề nghị của Washington đòi Hàn Quốc chia sẻ gánh nặng quân sự trong vùng Đông Bắc Á và thái độ vồ vập của tổng thống Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên sau thượng đỉnh Singapore, đó là những dấu hiệu đe dọa trục Mỹ-Hàn.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis (trái) bắt tay đồng nhiệm Hàn Quốc, Song Young-moo, nhân chuyến thăm Seoul ngày 28/06/2018. Chung Sung-Jun/Pool via Reuters
Trong thông cáo chung kết thúc buổi làm việc trong vài giờ đồng hồ tại Seoul ngày 28/06/2018, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, tướng James Mattis và đồng nhiệm Hàn Quốc Song Young-moo cho biết : Đôi bên cùng đồng ý tin tưởng vào thiện chí giải trừ vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng nhưng đồng thời đòi chế độ Kim Jong-un đưa ra những "biện pháp cụ thể và không thể đảo ngược" về tiến trình phi hạt nhân hóa báo đảo Triều Tiên. Đây là một trong những điều kiện quan trọng mở đường cho việc xóa bỏ cấm vận Bắc Triều Tiên.
Về quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống Mỹ-Hàn thời kỳ hậu thượng đỉnh Singapore, bộ trưởng quốc phòng hai nước đồng ý "tiếp tục hợp tác một cách chặt chẽ" để đem lại hòa bình cho khu vực này. Seoul và Washington cam kết "tiếp tục củng cố hợp tác và trao đổi chiến lược". Liên quan đến các chương trình tập trận chung trong tương lai, hai ông Mattis và Song cho biết sẽ "quyết định sau" và điều đó còn tùy thuộc vào tiến triển phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap chú trọng đến tuyên bố quan trọng của lãnh đạo Lầu Năm Góc đó là "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả những khả năng ngoại giao và quân sự" để bảo đảm cho một nước "Hàn Quốc vững mạnh". Trong số các biện pháp này, có cả biện pháp "duy trì như hiện tại quân số lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên".
Tuy nhiên theo giới quan sát đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ đó, đã có một sự rạn nứt giữa Hàn Quốc với đồng minh Hoa Kỳ. Dấu hiệu thứ nhất là đúng vào lúc ông Mattis có mặt tại Seoul thì Hàn Quốc thông báo "từ chối" yêu cầu của Mỹ đòi chính quyền của tổng thống Moon Jae In chia sẻ thêm gánh nặng quân sự, do Washington đã triển khai nhiều vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên.
Vào đầu tuần, hai phái đoàn Mỹ và Hàn Quốc họp tại Seoul, đàm phán về Hiệp Định Chia Sẻ Chi Phí Quân Sự lần thứ 10 – SMA, thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực vào năm 2019. Từ năm 1991, Seoul đồng ý đài thọ một phần phí tổn cho việc hơn 28.000 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Trong tài khóa 2017, Seoul đóng góp 861 triệu đô la. Con số này cao hơn rất nhiều so với hiệp định SMA đầu tiên được ký kết vào năm 1991.
Dấu hiệu thứ nhì cho thấy Washington và Seoul đang có bất đồng liên quan đến việc tổng thống Trump vội vã thông báo ngưng tập trận chung với Hàn Quốc. Tuyên bố này được đưa ra ngay tại Singapore hôm 12/06/2018 sau cuộc tiếp xúc lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Seoul ngỡ ngàng vì quyết định của Nhà Trắng.
Bên cạnh đó tổng thống Trump cũng khen ngợi ông Kim Jong-un hết lời và tin rằng từ sau thượng đỉnh Singapore, "tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên không còn là một mối đe dọa". Tổng thống Trump còn lạc quan nói với báo chí rằng số lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc sẽ chóng "trở về với gia đình", Hoa Kỳ giảm được gánh nặng quân sự trong khu vực Đông Bắc Á này.
Nhưng rồi chỉ 10 ngày sau thượng đỉnh Singapore, cũng tổng thống Hoa Kỳ đã nói ngược lại với tuyên bố này để thuyết phục Quốc hội Mỹ duy trì cấm vận với Bình Nhưỡng.
Dù vậy, Washington tuần trước thông báo ngưng cuộc tập trận gìn giữ hòa bình Freedom Guardian và "đình chỉ vô hạn định" các chương trình diễn tập khác với Hàn Quốc. Tới nay Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận Mỹ-Hàn là một hành vi khiêu khích và là một mối đe dọa trực tiếp nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Sau cùng, việc tổng thống Trump vội vàng thông báo ngưng tập trận với Hàn Quốc và nêu lên khả năng rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên làm mất đi một lá bài quan trọng để Seoul mặc cả với Bình Nhưỡng về tương lai bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó một cựu chuyên gia của bộ quốc phòng Mỹ ông James Schoff cho rằng, Seoul ngày càng nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của đồng minh Hoa Kỳ. Seoul được Mỹ thông báo tới mức độ nào về tiến trình đàm phán giữa Washington với Bình Nhưỡng đang do ngoại trưởng Pompeo tiến hành ? Donald Trump sẵn sàng nhượng bộ Kim Jong-un đến đâu ? Họ mặc cả với nhau những gì ?
Đó là tất cả những câu hỏi mà chưa ai có thể giải đáp và chính điều đó đang gây chia rẽ giữa hai đồng minh lâu đời là Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nếu đúng là như vậy, chỉ riêng trên điểm này Bắc Triều Tiên đã ghi được một bàn thắng quan trọng.
Thanh Hà
*******************
Bộ trưởng Mattis xác quyết Mỹ tiếp tục "chiến đấu" bảo vệ Hàn Quốc (RFI, 29/06/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết với Seoul là Hoa Kỳ sẽ luôn dấn thân bảo vệ an ninh cho đồng minh, nhất là duy trì quân số đóng tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và đồng nhiệm Hàn Quốc, Song Young-moo trong tại Seoul ngày 28/06/2018. Zimbio
Sau chuyến viếng thăm "đối tác" Bắc Kinh, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Seoul ngày 28/06/2018, chặng thứ nhì trước khi tới Tokyo, hai thủ đô đồng minh của Mỹ tại Châu Á.
Trước khi hội kiến với đồng nhiệm Hàn Quốc Song Young Moo, bộ trưởng Mỹ tuyên bố là quân đội hai nước Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục "sát cánh, cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu" trong trường hợp an ninh Hàn Quốc bị đe dọa.
Lời tuyên bố này nhằm trấn an hai nước đồng minh Đông Bắc Á sau khi Washington quyết định ngưng một phần chương trình tập trận chung với Hàn Quốc nhất là cuộc tập trận thủy quân lục chiến và Freedom Guardian
Theo Reuteurs, quyết định của Donald Trump ngưng tập trận chung để tạo không khí thuận lợi hòa giải với Bắc Triều Tiên là một sự nhượng bộ rất lớn và có thể phản tác dụng làm suy giảm khả năng chiến đấu của lực lượng Mỹ-Hàn. Tuy nhiên, tại Seoul, lãnh đạo Lầu Năm Góc xác quyết Hoa Kỳ vẫn hậu thuẫn Hàn Quốc như "sắt thép".
Sau cuộc hội kiến giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Hàn, bản thông cáo chung cho biết thêm "Bắc Triều Tiên tiếp tục bị trừng phạt cho đến khi nào Bình Nhưỡng thi hành các biện pháp phi hạt nhân hóa một cách cụ thể và không thể đảo ngược".
Tú Anh
Nhật Bản không tuần tra với Mỹ tại Biển Đông (RFI, 06/02/2017)
Vì tự do hàng hải tại Biển Đông, Nhật Bản tăng cường hợp tác với Mỹ và ủng hộ hoạt động của hải quân Mỹ, nhưng không gửi chiến hạm đến Biển Đông. Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada, một ngày sau khi đón tiếp đồng nhiệm Mỹ James Mattis tại Tokyo.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada trong cuộc họp báo với đồng nhiệm Mỹ James Mattis, ngày 04/02/2017, tại Tokyo - Reuters
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản tuyên bố với báo chí là hải quân Nhật sẽ không tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ tại vùng biển mà Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Reuters, tuyên bố trên đây của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản hôm Chủ nhật 05/02/2017 là nhằm làm sáng tỏ lập trường của Tokyo, sau những cam kết với tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và được phía Mỹ bảo đảm hết lòng bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkeku/Điếu Ngư do Nhật quản lý ở biển Hoa Đông.
Một ngày trước, trong cuộc họp báo chung hôm thứ Bảy, bộ trưởng Tomomi Inada tuyên bố, các hoạt động của hải quân và các hành động khác của quân đội Mỹ ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam hải) góp phần bảo vệ tự do hàng hải theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Bà nói thêm : Tokyo ủng hộ các họat động này và sẽ gia tăng họat động quân sự tại Biển Đông cùng với Mỹ.
Trung Quốc lập tức phản ứng gay gắt, lên án thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Nhật và đe dọa "sẽ chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông". Theo Reuters, có lẽ vì thế mà ngày hôm sau, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản lùi một bước với tuyên bố xác minh : Tôi có nói với bộ trưởng James Mattis rằng Nhật Bản ủng hộ họat động quân sự của Mỹ trong chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, nhưng lực lượng phòng vệ Nhật sẽ không xuống tận Biển Đông.
Tuy nhiên, nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật một lần nữa khẳng định Tokyo sẽ gia tăng ngân sách quân sự, tăng cường khả năng tự vệ qua các thỏa thuận "hợp tác quốc phòng và huấn luyện".
Tú Anh
***********************
Mỹ-Nhật thử nghiệm thành công tên lửa chặn tên lửa (RFI, 06/02/2017)
Thử nghiệm tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA ngoài khơi bờ phía tây Hawaii, 03/02/2017. @mda
Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 06/02/2017, Hoa Kỳ và Nhật Bản thử nghiệm thành công tên lửa bắn chặn tên lửa vào cuối tuần trước. SM-3 Block IIA được phóng đi từ một tàu khu trục của Mỹ ngoài khơi đảo Hawaii, với bài tập là chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung.
Đài truyền hình Mỹ trích dẫn thông cáo từ phía bộ Quốc Phòng Nhật Bản và cơ quan MDA của Hoa Kỳ cho biết vụ thử nghiệm đã diễn ra ngày 03/02/2017 đúng vào lúc bộ trưởng James Mattis đang có mặt tại Seoul và Tokyo.
Tên lửa SM-3 Block IIA do Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng chế tạo. Theo lời một giới chức quân sự Mỹ, đây là một bước tiến quan trọng đối với cả hai nước, cho phép "đôi bên cùng nâng cao khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa ngày càng lớn bị tên lửa đạn đạo tấn công".
Nhật Bản và Mỹ bắt đầu dự án hợp tác phát triển tên lửa từ năm 2006. Loại tên lửa chặn lửa SM-3 Block IIA được thiết kế để phóng đi từ các tàu có trang bị hệ thống radar Aegis của Mỹ. Đây là lần đầu tiên tên lửa mới này được bắn thử trên biển. Hai lần phóng thử từ mặt đất đã được tiến hành tại California –Hoa Kỳ vào năm 2015.
Aegis là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo được Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng, với những chức năng như theo dõi cùng lúc nhiều mối đe dọa, phát hiện mìn, ngư lôi, tàu ngầm, tên lửa chống hạm hay đạn đạo. Hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc cùng được trang bị hệ thống Aegis của Mỹ.
Thanh Hà
*******************
Mỹ-Nhật-Hoa Đông : James Mattis khẳng định bảo vệ Senkaku-Điếu Ngư (RFI, 05/02/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada (T) đón đồng nhiệm Mỹ James Mattis (P) tại bộ Quốc Phòng, Tokyo, ngày 04/02/2017. Reuters
Bắc Kinh lại tố Mỹ "gây bất ổn" khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi thăm Seoul, ngày 04/02/2017, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đến Tokyo và được chính thủ tướng Shinzo Abe đón tiếp. Cũng như vài giờ trước tại Seoul, chủ nhân mới Lầu Năm Góc tái xác quyết lời cam kết của Mỹ ủng hộ hai nước đồng minh khi bị xăm lăng.
Đặc biệt là đối với Nhật Bản, Hoa Kỳ "tiếp tục nhìn nhận quyền quản lý của Tokyo trên các đảo ở Hoa Đông và sẽ đẩy lui mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật và vào những nơi này" đúng theo điều 5 của hiệp ước quốc phòng hỗ tương. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường thuật :
Vừa đặt chân đến Tokyo, bộ trưởng quốc phòng Mỹ được thủ tướng Shinzo Abe, chứ không phải là người đồng cấp Tomomi Inada, tiếp kiến. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố ngay "Hoa Kỳ 100% vai kề vai với nhân dân Nhật Bản" và sau đó ông nói thêm để trấn an lãnh đạo Nhật Bản là theo hiệp định an ninh chung, Hoa Kỳ cũng có bổn phận bảo vệ các hải đảo tí hon Senkaku-Điếu Ngư đang bị Trung Quốc, từ khi tranh giành chủ quyền, thường xuyên đưa tàu chiến vãng lai dòm ngó.
Tokyo đang tìm cách thăm dò ý định của Washington từ khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn xét lại những cam kết quân sự với Nhật Bản trong khu vực mà nguy cơ Bắc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân để tấn công càng ngày càng được xem là có xác suất cao.
Cựu đại tướng James Mattis rất được kính trọng tại Nhật Bản, ông từng phục vụ tại Okinawa trong một thời gian của đời binh nghiệp.
Thế nhưng chính phủ Nhật tự hỏi liệu những cam kết của chủ nhân Lầu Năm Góc có được chủ nhân Nhà Trắng chia sẻ "100% hay không" ?
Trong mùa tranh cử vừa qua, ông Donald Trump đã gián tiếp cho biết là muốn để cho Nhật Bản một mình lo liệu, trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ nếu Tokyo từ chối đóng góp thêm cho các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản. Từ nay, Nhật Bản phải thích ứng với một chính quyền mị dân và khó lường tại Washington".
Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ
Theo AFP, ngay sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố "ủng hộ Nhật bảo vệ Senkaku-Điếu Ngư", Tân Hoa Xã Trung Quốc, trích dẫn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng, lên án Washington "đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ từ xa xưa của Trung Quốc, gây bất ổn định cho khu vực".
Tú Anh