Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/02/2017

Chiến lược Đông Á của Hoa Kỳ thời Donald Trump

RFI tiếng Việt

Nhật Bản không tuần tra với Mỹ tại Biển Đông (RFI, 06/02/2017)

Vì tự do hàng hải tại Biển Đông, Nhật Bản tăng cường hợp tác với Mỹ và ủng hộ hoạt động của hải quân Mỹ, nhưng không gửi chiến hạm đến Biển Đông. Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada, một ngày sau khi đón tiếp đồng nhiệm Mỹ James Mattis tại Tokyo.

donga1

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada trong cuộc họp báo với đồng nhiệm Mỹ James Mattis, ngày 04/02/2017, tại Tokyo - Reuters

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản tuyên bố với báo chí là hải quân Nhật sẽ không tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ tại vùng biển mà Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á.

Theo Reuters, tuyên bố trên đây của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản hôm Chủ nhật 05/02/2017 là nhằm làm sáng tỏ lập trường của Tokyo, sau những cam kết với tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và được phía Mỹ bảo đảm hết lòng bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkeku/Điếu Ngư do Nhật quản lý ở biển Hoa Đông.

Một ngày trước, trong cuộc họp báo chung hôm thứ Bảy, bộ trưởng Tomomi Inada tuyên bố, các hoạt động của hải quân và các hành động khác của quân đội Mỹ ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam hải) góp phần bảo vệ tự do hàng hải theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Bà nói thêm : Tokyo ủng hộ các họat động này và sẽ gia tăng họat động quân sự tại Biển Đông cùng với Mỹ.

Trung Quốc lập tức phản ứng gay gắt, lên án thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Nhật và đe dọa "sẽ chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông". Theo Reuters, có lẽ vì thế mà ngày hôm sau, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản lùi một bước với tuyên bố xác minh : Tôi có nói với bộ trưởng James Mattis rằng Nhật Bản ủng hộ họat động quân sự của Mỹ trong chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, nhưng lực lượng phòng vệ Nhật sẽ không xuống tận Biển Đông.

Tuy nhiên, nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật một lần nữa khẳng định Tokyo sẽ gia tăng ngân sách quân sự, tăng cường khả năng tự vệ qua các thỏa thuận "hợp tác quốc phòng và huấn luyện".

Tú Anh

***********************

Mỹ-Nhật thử nghiệm thành công tên lửa chặn tên lửa (RFI, 06/02/2017)

donga2

Thử nghiệm tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA ngoài khơi bờ phía tây Hawaii, 03/02/2017. @mda

Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 06/02/2017, Hoa Kỳ và Nhật Bản thử nghiệm thành công tên lửa bắn chặn tên lửa vào cuối tuần trước. SM-3 Block IIA được phóng đi từ một tàu khu trục của Mỹ ngoài khơi đảo Hawaii, với bài tập là chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung.

Đài truyền hình Mỹ trích dẫn thông cáo từ phía bộ Quốc Phòng Nhật Bản và cơ quan MDA của Hoa Kỳ cho biết vụ thử nghiệm đã diễn ra ngày 03/02/2017 đúng vào lúc bộ trưởng James Mattis đang có mặt tại Seoul và Tokyo.

Tên lửa SM-3 Block IIA do Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng chế tạo. Theo lời một giới chức quân sự Mỹ, đây là một bước tiến quan trọng đối với cả hai nước, cho phép "đôi bên cùng nâng cao khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa ngày càng lớn bị tên lửa đạn đạo tấn công".

Nhật Bản và Mỹ bắt đầu dự án hợp tác phát triển tên lửa từ năm 2006. Loại tên lửa chặn lửa SM-3 Block IIA được thiết kế để phóng đi từ các tàu có trang bị hệ thống radar Aegis của Mỹ. Đây là lần đầu tiên tên lửa mới này được bắn thử trên biển. Hai lần phóng thử từ mặt đất đã được tiến hành tại California –Hoa Kỳ vào năm 2015.

Aegis là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo được Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng, với những chức năng như theo dõi cùng lúc nhiều mối đe dọa, phát hiện mìn, ngư lôi, tàu ngầm, tên lửa chống hạm hay đạn đạo. Hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc cùng được trang bị hệ thống Aegis của Mỹ.

Thanh Hà

*******************

Mỹ-Nhật-Hoa Đông : James Mattis khẳng định bảo vệ Senkaku-Điếu Ngư (RFI, 05/02/2017)

donga3

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada (T) đón đồng nhiệm Mỹ James Mattis (P) tại bộ Quốc Phòng, Tokyo, ngày 04/02/2017. Reuters

Bắc Kinh lại tố Mỹ "gây bất ổn" khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi thăm Seoul, ngày 04/02/2017, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đến Tokyo và được chính thủ tướng Shinzo Abe đón tiếp. Cũng như vài giờ trước tại Seoul, chủ nhân mới Lầu Năm Góc tái xác quyết lời cam kết của Mỹ ủng hộ hai nước đồng minh khi bị xăm lăng.

Đặc biệt là đối với Nhật Bản, Hoa Kỳ "tiếp tục nhìn nhận quyền quản lý của Tokyo trên các đảo ở Hoa Đông và sẽ đẩy lui mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật và vào những nơi này" đúng theo điều 5 của hiệp ước quốc phòng hỗ tương. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường thuật :

Vừa đặt chân đến Tokyo, bộ trưởng quốc phòng Mỹ được thủ tướng Shinzo Abe, chứ không phải là người đồng cấp Tomomi Inada, tiếp kiến. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố ngay "Hoa Kỳ 100% vai kề vai với nhân dân Nhật Bản" và sau đó ông nói thêm để trấn an lãnh đạo Nhật Bản là theo hiệp định an ninh chung, Hoa Kỳ cũng có bổn phận bảo vệ các hải đảo tí hon Senkaku-Điếu Ngư đang bị Trung Quốc, từ khi tranh giành chủ quyền, thường xuyên đưa tàu chiến vãng lai dòm ngó. 

Tokyo đang tìm cách thăm dò ý định của Washington từ khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn xét lại những cam kết quân sự với Nhật Bản trong khu vực mà nguy cơ Bắc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân để tấn công càng ngày càng được xem là có xác suất cao. 

Cựu đại tướng James Mattis rất được kính trọng tại Nhật Bản, ông từng phục vụ tại Okinawa trong một thời gian của đời binh nghiệp.

Thế nhưng chính phủ Nhật tự hỏi liệu những cam kết của chủ nhân Lầu Năm Góc có được chủ nhân Nhà Trắng chia sẻ "100% hay không" ?

Trong mùa tranh cử vừa qua, ông Donald Trump đã gián tiếp cho biết là muốn để cho Nhật Bản một mình lo liệu, trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ nếu Tokyo từ chối đóng góp thêm cho các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản. Từ nay, Nhật Bản phải thích ứng với một chính quyền mị dân và khó lường tại Washington".

Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ

Theo AFP, ngay sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố "ủng hộ Nhật bảo vệ Senkaku-Điếu Ngư", Tân Hoa Xã Trung Quốc, trích dẫn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng, lên án Washington "đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ từ xa xưa của Trung Quốc, gây bất ổn định cho khu vực".

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)