Trung Quốc trấn dẹp văn hóa ‘fan cuồng’
VOA, 01/09/2021
Trung Quốc ngày 27/8 trấn dẹp văn hóa ‘fan cuồng’, cấm các diễn đàn không được đăng danh sách những người nổi tiếng và cấm bán các sản phẩm nhắm vào fan hâm mộ sau một loạt các vụ ồn ào liên quan tới nghệ sĩ.
Chơi game trên mạng tại quán cà phê internet ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Cơ quan theo dõi Internet hàng đầu của Trung Quốc nói sẽ có hành động chống lại việc lan truyền ‘thông tin độc hại’ trong các nhóm fan hâm mộ và đóng các kênh thảo luận chuyên tung tin scandal của người nổi tiếng hoặc ‘khiêu khích sinh sự.’
Các diễn đàn không còn được đăng tải danh sách các cá nhân nổi tiếng và các nhóm fan hâm mộ phải được quy định, cơ quan này loan báo.
Cơ quan quản lý Internet cũng cấm một số chương trình thu tiền người hâm mộ khi họ bầu chọn các tiết mục yêu thích trên mạng. Cơ quan này cũng lên tiếng phản đối việc dụ dỗ cư dân mạng mua sản phẩm của những người nổi tiếng.
Trung Quốc có những quy luật nghiêm ngặt về nội dung từ trò chơi video cho đến phim ảnh, âm nhạc và kiểm duyệt bất cứ thứ gì mà nhà cầm quyền xem là vi phạm những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Việc trấn dẹp văn hóa hâm mộ người nổi tiếng diễn ra giữa một chiến dịch rộng lớn hơn về các quy định đối với các đại công ty internet ở Trung Quốc.
Bê bối của người nổi tiếng
Các câu lạc bộ fan hâm mộ người nổi tiếng trở thành một hiện tượng lan tràn tại Trung Quốc. Tờ Paper địa phương dự đoán nền ‘kinh tế thần tượng’ của nước này có thể lên đến 21,59 tỉ đô la vào năm 2022.
Tuy nhiên, người nổi tiếng cũng bị chỉ trích vì làm ảnh hưởng tới thanh thiếu niên và gây mất trật tự xã hội, với các câu lạc bộ fan hâm mộ mắng chửi nhau qua lại trên mạng hay chi các khoản tiền khổng lồ để bình bầu cho các ngôi sao họ yêu thích trong các chương trình thi thố thần tượng.
Khi ngôi sao nhạc pop người Trung Quốc gốc Canada Ngô Diệc Phàm bị cảnh sát Trung Quốc bắt hồi tháng trước tình nghi tội tấn công tình dục, các fan cuồng của anh đã lớn tiếng bênh vực cho anh trên truyền thông xã hội. Hầu hết các tài khoản fan page và các tài khoản của ca sĩ này trên mạng xã hội đã bị đóng.
iQiyi, được ví von như Netflix của Trung Quốc, trước đây trong năm từng bị chỉ trích sau khi fan hâm mộ một trong những show thi thố tài năng của iQiyi bị ghi hình phí phạm sữa để đủ điều kiện bỏ phiếu. Hôm 27/8, iQiyi tuyên bố sẽ không phát hình các show tranh tài thần tượng nữa.
Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu vào người nổi tiếng trong nước sau một số vụ việc gây tranh cãi.
Vào tháng Giêng năm nay, diễn viên Trịnh Sảng dính scandal thuê người mang thai hộ tại Mỹ nhưng từ chối nhận con. Sau đó, cô bị chính quyền điều tra thuế. Hôm 27/8, thẩm quyền thuế Thượng Hải cho biết họ quyết định phạt diễn viên này 299 triệu nhân dân tệ vì trốn thuế.
Trong một diễn biến khác, các diễn đàn video ở Trung Quốc ngày 27/8 cho gỡ bỏ các bộ phim có Triệu Vy thủ vai hay làm đạo diễn, viện dẫn các quy định và luật lệ liên hệ khiến người ta đồn đoán về lý do. Triệu Vy là một trong những ngôi sao lớn nhất Trung Quốc. Tên của cô cũng bị gạch ra khỏi danh sách diễn viên trên mạng.
Những người nổi tiếng Trung Quốc trong quá khứ từng bị đối xử như vậy khi bị thất sủng với nhà cầm quyền hay với tình cảm công chúng.
Theo Reuters
*******************
Thanh thiếu niên Trung Quốc phẫn nộ trước các quy định hạn chế chơi game
VOA, 31/08/2021
Các game thủ trẻ Trung Quốc lên mạng xã hội bày tỏ phẫn nộ trước các quy định mới trong đó giới hạn thời gian chơi game của họ chỉ 3 giờ/tuần, theo Reuters.
Một tiệm cafe internet ở Bắc Kinh, ngày 31/8/2021.
Nhà chức trách cho rằng những hạn chế này là cần thiết để ngăn chặn tình trạng nghiện chơi game đang gia tăng và tờ Nhân dân Nhật báo, trang thông tin chính thức của Đảng cộng sản cầm quyền, cho biết chính phủ đã phải "tàn nhẫn" vì trò chơi trực tuyến này làm ảnh hưởng đến cuộc sống học tập bình thường và sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên.
Các biện pháp hạn chế là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và tăng cường kiểm soát đối với xã hội mà nước này cho là đã trở nên quá lỏng lẻo sau nhiều năm tăng trưởng tự do cho lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp khác.
Tuy nhiên, các game thủ trẻ tuổi đã rất tức giận.
"Các ông, các bác đưa ra các quy định và luật lệ này, các ông, các bác đã từng chơi game chưa ? Các ông có hiểu rằng độ tuổi tốt nhất của những người chơi thể thao điện tử là ở độ tuổi thiếu niên không ?", một bình luận trên Weibo viết.
"Đồng thuận quan hệ tình dục ở tuổi 14, đến tuổi 16 thì có thể ra ngoài làm việc nhưng chơi game thì phải đủ 18 tuổi mới được chơi. Đúng là một trò đùa", một bình luận khác viết.
Ông Mio Kato, một nhà phân tích xuất bản thuộc quỹ đầu tư SmartKarma cho biết : "Gốc của vấn đề ở đây không phải là tác động đến doanh thu ngay lập tức. Vấn đề là động thái này phá hủy toàn bộ bản chất hình thành thói quen chơi game khi còn nhỏ".
"Điều mà ngành game online thực sự lo sợ là nếu chính phủ ngừng phê duyệt các trò chơi mới như họ đã làm vào năm 2018", một nhà đầu tư cổ phần tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, đề cập đến khoảng thời gian 9 tháng khi Trung Quốc đình chỉ phê duyệt các tựa trò chơi điện tử mới như một phần của chiến dịch đại tu các cơ quan quản lý giám sát trong lĩnh vực này.
Theo Reuters