Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Indonesia : Đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình chống luật lao động

RFI, 09/10/2020

Từ ba ngày qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường tại thủ đô và nhiều thành phố khác ở Indonesia nhằm phản đối đạo luật lao động mới. Va chạm dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra trong ngày 08/10/2020.

indonesia1

Va chạm giữa người biểu tình và cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối luật lao động sửa đổi, bị tố cáo là có lợi cho giới chủ và nhà đầu tư, Jakarta, Indonesia, ngày 08/10/2020.  AFP – Bay Ismoyo

Bất chấp lệnh cấm biểu tình do dịch bệnh virus corona chủng mới, những cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra cho đến khi nào đạo luật mang tên "Omnibus" được rút bỏ theo như lời kêu gọi các nghiệp đoàn lao động.

Theo tường thuật của AFP, nguồn cội của sự bất mãn bắt nguồn từ việc hôm thứ Hai, 05/10/2020, Quốc hội Indonesia thông qua một loạt các sửa đổi dầy hơn 1.000 trang nhằm cứu vãn nền kinh tế đang bị suy thoái. Đạo luật sửa đổi có liên quan đến các vấn đề môi trường, thuế khóa, luật lao động và nhiều quy định môi trường nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lao động tố cáo những sửa đổi đạo luật này là một "thảm họa" cho người làm công ăn lương. Họ phản đối việc cắt giảm mức bồi thường trong trường hợp người lao động bị sa thải và việc giảm nhẹ những ràng buộc của doanh nghiệp đối người được tuyển dụng trong các hợp đồng dài hạn.

Bất bình, các nghiệp đoàn đã thành lập một liên minh chưa từng có với nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, cũng chỉ trích gay gắt những sửa đổi này là sẽ hợp pháp hóa "nạn phá rừng không kiểm soát".

Tại thủ đô Jakarta và nhiều thành phố lớn khác như Surabaya, Bandung và Makassar, hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối. Va chạm giữa người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra. Tại thủ đô, cảnh sát đã dùng đến hơi cay để giải tán người biểu tình đến đốt phá các trạm xe buýt và đồn cảnh sát.

AFP cho biết, trong vòng hai ngày, ít nhất có khoảng 400 người đã bị bắt ở thủ đô. Gần 9.000 cảnh sát đã được triển khai tại Jakarta hòng ngăn chận người lao động và sinh viên đến biểu tình trước phủ tổng thống và trụ sở Quốc hội.

Sự bất mãn của người dân Indonesia còn được lan truyền trên các mạng xã hội. Nhiều tin tặc đã khóa trang mạng của Quốc hội và thay đổi tên trang này là "Hội đồng những kẻ phản bội".

Minh Anh

***********************

Biểu tình chống luật lao động mới ở Indonesia biến thành bạo lực

VOA, 09/10/2020

Các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố ở Indonesia biến thành bạo lực hôm 8/10 khi hàng ngàn sinh viên và công nhân phẫn nộ chỉ trích một luật mới mà họ cho là sẽ làm tê liệt quyền lao động và gây hại cho môi trường, theo AP.

indonesia2

Biểu tình ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 8/10/2020.

Các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ném đá và cảnh sát chống bạo động đã nổ ra gần dinh tổng thống ở Jakarta khi cảnh sát cố gắng giải tán người biểu tình, bao gồm công nhân, học sinh trung học và sinh viên đại học.

Tổng thống Joko Widodo hiện đang đi thăm tỉnh miền trung Kalimantan và không có mặt tại dinh thự.

Cảnh sát đã bắn hơi cay vào những người biểu tình từ rất nhiều trường trung học và đại học khi họ cố gắng tiếp cận khu dinh thự, biến những con đường thành một chiến trường đầy khói lửa. Những người biểu tình đã chống trả bằng cách ném đá và chai lọ vào cảnh sát.

Một đám đông giận dữ đốt trụ sở cảnh sát giao thông tại một ngã tư gần dinh tổng thống, trong khi những người biểu tình khác đốt lốp xe và rào chắn đường.

Khi đêm xuống, một số người biểu tình đã phóng hỏa vào một nơi trú ẩn gắn với ga tàu điện ngầm ở trung tâm thành phố Jakarta, biến khu vực này trở nên có màu cam.

Các cuộc đụng độ tương tự cũng xảy ra tại các thành phố lớn trên khắp Indonesia, bao gồm Yogyakarta, Medan, Makassar, Manado và Bandung, thủ phủ của tỉnh miền tây Java, nơi cảnh sát đã bắt giữ 209 người trong hai ngày biểu tình bạo lực.

Các nhà tổ chức đã kêu gọi một cuộc đình công trên toàn quốc kéo dài ba ngày, bắt đầu từ thứ Ba, yêu cầu chính phủ thu hồi luật.

Luật Tạo việc làm được Quốc hội Indonesia thông qua hôm thứ Hai 5/10 dự kiến sẽ thay đổi đáng kể hệ thống lao động và quản lý tài nguyên thiên nhiên của nước này. Luật được cho là nhằm cải thiện hiệu quả bộ máy hành chính như là một phần trong nỗ lực của chính quyền Widodo nhằm thu hút nhiều đầu tư hơn vào Indonesia.

Những người biểu tình nói rằng luật gây tổn hại cho người lao động bằng cách giảm tiền trợ cấp thôi việc, loại bỏ các hạn chế đối với lao động chân tay của người lao động nước ngoài, tăng cường sử dụng lao động thuê ngoài và chuyển đổi việc trả lương tháng sang lương giờ.

Có những lo ngại về số ca nhiễm virus corona gia tăng từ các cuộc biểu tình, vốn đang được tổ chức khi tỷ lệ lây nhiễm đang đang tăng lên ở nhiều khu vực. Số người chết được xác nhận ở Indonesia hôm thứ Năm 8/10 đạt mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Chính phủ Indonesia hôm 8/10 cho biết tổng số ca bệnh được xác nhận trên toàn quốc đã lên đến 320.564 ca, trong đó có 11.580 ca tử vong. Riêng ở Jakarta có 83.372 ca với 1.834 ca tử vong.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Nước này đang háo hức thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở quốc gia có gần một nửa dân số (270 triệu người) dưới 30 tuổi.

********************

Vì sao dân Indonesia phản đối dự luật việc làm được cho là có lợi cho người lao động ?

VOV, 07/10/2020

Ngày 5/10, việc quốc hội Indonesia thông qua Dự luật việc làm (Omnibus) gây tranh cãi đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình bạo loạn và đình công trên toàn Indonesia.

indonesia3

Người biểu tình cầm biển hiệu "Dự luật việc làm biểu tượng cho cái chết của nền dân chủ" (Nguồn : Tribunnews)

Vì sao dự luật mà chính phủ Indonesia cho rằng cải cách kinh tế, thu hút đầu tư và tạo thêm việc làm cho người dân lại vấp phải sự phản đối dữ dội của chính tầng lớp lao động và các nhà môi trường?

Published in Châu Á