Cuộc chiến chống ma túy Philippines : Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết điều tra giết người (BBC, 11/07/2019)
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu mở cuộc điều tra về tội ác được cho là xảy ra trong cuộc chiến chống ma túy của chính phủ Philippines.
Các nhóm nhân quyền đã vận động để Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết.
Nghị quyết, được thông qua với số phiếu sát nút, yêu cầu có báo cáo bằng văn bản toàn diện về tình hình nhân quyền tại nước này.
Phúc trình này sẽ tập trung vào tin đưa về các vụ giết người phi pháp, bắt giữ tùy tiện và các vụ người mất tích sau khi bị bắt.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát động chiến dịch chống ma túy vào năm 2016, để đối phó với vấn đề ma túy ở diện rộng.
Kể từ đó, ít nhất 6600 người buôn bán hoặc sử dụng mà túy bị giết, theo cảnh sát. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng con số thực cao hơn nhiều và ở mức hơn 27000.
Tuần trước, một bé gái ba tuổi là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của cuộc đàn áp sau khi bé bị bắn chết trong một cuộc đột kích ma túy. Cảnh sát cho biết cháu bé đã được cha mình dùng làm lá chắn sống nhưng gia đình không cho là vậy.
Ông Duterte và chiến dịch chống ma túy của ông được người dân Philippines ủng hộ nhiều. Một cuộc thăm dò ý kiến đầu năm nay cho thấy ông đạt tỷ lệ tín nhiệm là 79%.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát động chiến dịch chống ma túy vào năm 2016
Nghị quyết mới nhất của Liên Hợp Quốc được thông qua với sự ủng hộ của 18 quốc gia trong hội đồng 47 thành viên, trong khi 14 quốc gia phản đối và 15 quốc gia từ chối tham gia biểu quyết.
"Chúng tôi đã đưa ra một văn bản cân bằng với một yêu cầu rất khiêm tốn - chỉ cần yêu cầu Cao ủy chuẩn bị báo cáo nhằm để thảo luận vào tháng Sáu năm sau", đại sứ Iceland, người bảo trợ cho nghị quyết, cho biết hôm thứ Năm.
Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc đã phản ứng lại nghị quyết ngay sau khi bỏ phiếu.
"Chúng tôi sẽ không chấp nhận một nghị quyết thiên vị về chính trị và bị một chiều", ông đọc một tuyên bố thay mặt cho Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin Jr.
"Nghị quyết này không đại diện cho một chiến thắng về nhân quyền mà là một trò hề", ông nói thêm. "Rồi sẽ có hậu quả".
Hội đồng đã không đi tới việc thiết lập một ủy ban điều tra đầy đủ, nhưng cam kết của họ tiến tới việc đưa ra một báo cáo chi tiết đã được các nhóm nhân quyền hoan nghênh.
"Lá phiếu này mang lại hy vọng cho hàng ngàn gia đình mất người thân ở Philippines", Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một tuyên bố. "Đó là một bước quan trọng đi tới công lý và trách nhiệm".
Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền văn phòng Geneva (HRW), Leila Matar, cho biết đây là một bước "khiêm tốn nhưng hết sức quan trọng".
******************
Philippines : Ân Xá Quốc Tế vạch trần mặt trái cuộc chiến chống ma túy (RFI, 08/07/2019)
Sáu ngàn sáu trăm (6.600). Đây là con số chính thức về số người bị giết chết trong chiến dịch được tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gọi là "cuộc chiến chống ma túy" trong vòng ba năm gần đây. Tuy nhiên số liệu đó thấp hơn nhiều so với thực tế.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại lễ bàn giao súng trường bắn tỉa Galil bên cạnh Cảnh sát trưởng Quốc gia Ronald Bato Dela Rosa, thành phố Quezon, ngày 19/04/2018. Reuters/Dondi Tawatao
Trong một bản báo cáo được công bố hôm 08/07/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã tố cáo cách thức tiến hành "cuộc chiến" đó và lên án tình trạng tùy tiện giết người, chủ yếu là dân nghèo.
Theo bà Rachel Chhoa-Howard, đồng tác giả bản báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, cuộc chiến mà ông Duterte khởi động chủ yếu nhắm vào các thành phần nghèo nhất trong xã hội Philippines. Theo nhà nghiên cứu này :
"Họ bị nhắm tới chỉ vì họ không đủ khả năng tự vệ, là những mục tiêu dễ dàng. Cảnh sát thường xuyên công bố số liệu thống kê về người thiệt mạng trong các chiến dịch. Mục tiêu là để chứng minh rằng cái gọi là "cuộc chiến chống ma túy" là một thành công".
Dù là những người nghèo, nhưng các đối tượng này, theo cảnh sát Philippines, lại có đủ tiền để mua vũ khí. Theo Ân Xá Quốc Tế, sau mỗi vụ hành quyết, cảnh sát đều đưa ra cùng một giải thích : Họ đến để bắt giữ và bị buộc phải nổ súng, vì nghi phạm có vũ khí. Nói cách khác, họ chỉ sử dụng quyền tự vệ chính đáng mà thôi.
Ân Xá Quốc Tế đã bác bỏ hoàn toàn lập luận kể trên. Bà Rachel Chhoa-Howard cho biết :
"Bản điều tra nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng cách giải thích của cảnh sát không đáng tin cậy… Lập luận đó luôn luôn bị gia đình các nạn nhân phản bác, họ luôn kể lại một kịch bản giống nhau : Cảnh sát phá cửa xông vào nhà vào giữa đêm, rồi nổ súng hạ sát những người vừa bị lôi ra khỏi giấc ngủ, bất chấp việc họ cầu xin tha mạng".
Theo Ân Xá Quốc Tế, cảnh sát không chỉ khủng bố dân chúng, mà còn hù dọa cả các chính quyền địa phương, bị buộc phải cung cấp cho cảnh sát họ tên của những người có khả năng sử dụng hoặc buôn bán ma túy. Người từ chối cung cấp thông tin lập tức bị nghi ngờ là có liên quan đến buôn bán ma túy.
Biệt đội tử thần
Báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng nhắc lại sự tồn tại của các đội quân tử thần đang hoành hành tại Philippines, được cho là đã xử tử tới 23.000 người. Các nhóm võ trang đó thực sự là ai ?
Theo bà Chhoa-Howard :
"Bản báo cáo và những điều tra nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện vào năm 2017 đã xác định mối liên hệ giữa cảnh sát và các đội vũ trang này. Những người mà chúng tôi hỏi thường giải thích rằng đó là những cảnh sát mặc thường phục, và đó là một cách để miễn mọi trách nhiệm cho cảnh sát về những vụ giết người đó.
Chúng tôi tin rằng những tay súng đó hiện vẫn tiếp tục giết người, và chính phủ vẫn chưa chính thức công nhận sự tồn tại của các đội quân tử thần đó. Trong nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, chúng tôi cũng đã cho thấy rõ là cảnh sát đã chỉ đạo và trả tiền cho những kẻ sát nhân đó".
Theo nhà nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, tất cả những điều đó đã làm tăng tình trạng phạm tội mà không bị trừng phạt tại Philippines, nơi mà bất kỳ sĩ quan cảnh sát hoặc cá nhân nào khác đều có thể giết người mà không sợ bị hậu quả.
Trọng Nghĩa
**********************
Tổ chức nhân quyền kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra cuộc chiến chống ma túy ở Philippines -(VOA, 08/07/2019)
Hôm 8/7, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra các vụ trừng phạt và hành quyết bất hợp pháp liên quan tới cuộc chiến chống ma túy đang diễn ra không có hồi kết ở Philippines, theo Reuters.
Người dân Philippines biểu tình phản đối cuộc chiến chống ma túy.
Ân xá Quốc tế có trụ sở ở London nói rằng sau ba năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến bài trừ ma túy, chính quyền Phillipines đã xử tử hàng loạt tội phạm dưới vỏ bọc các chiến dịch truy quét của cảnh sát trong khi Manila không hề điều tra.
Tổ chức này hôm 8/7 kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc phê chuẩn một nghị quyết kêu gọi điều tra việc chính quyền Philippines thực hiện các vụ hành quyết bất hợp pháp và lạm dụng quyền lực của cảnh sát.
Một cuộc bỏ phiếu để thông qua nghị quyết của hội đồng có 47 thành viên dự kiến diễn ra vào cuối tuần này, theo Reuters.
Tổ chức này cho biết, số người chết trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte không thể xác minh độc lập, nhưng nói rằng nhiều ngàn người đã thiệt mạng, trong số đó có khoảng 6.600 người mà cảnh sát nói là đã được vũ trang và chống trả lại cảnh sát.
Trong một phúc trình có nhan đề "Họ chỉ giết người" (They Just Kill), Ân xá Quốc tế cho biết, chính quyền đã sử dụng "hành vi cố ý che giấu và thông tin sai lệch" khiến chúng ta không thể theo dõi quy mô của các vụ giết người, phần đông nhắm vào các cộng đồng nghèo khó và bị đặt ra ngoài lề, thiếu điều kiện khiếu kiện cảnh sát.
Phúc trình của Ân xá Quốc tế, được biên soạn vào tháng 4, tập trung vào tỉnh Bulacan, trung tâm mới của cuộc đàn áp, trong đó nêu rõ 27 vụ giết người qua 20 vụ việc, và có đến 18 vụ là các chiến dịch chính thức của cảnh sát.
Bị cáo buộc "biển thủ công quỹ", tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte ngày 30/09/2017 thông báo không hợp tác với các cơ quan điều tra, đồng thời khẳng định không chịu trách nhiệm trước cơ quan này.
Người biểu tình đốt hình nộm tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Manille, 21/09/2017Reuters
Trong một phát biểu nặng lời, xỉ vả, tổng thống Rodrigo Duterte giận dữ chỉ trích cơ quan điều tra chống tham nhũng là "vô tích sự", những lời cáo buộc là những lời "dối trá", các bằng chứng đưa ra là "tạo dựng", và các nhà điều tra là những kẻ "nói dối như Cuội"…
Tổng thống Philippines đã có thái độ như trên là do hồi tuần trước cơ quan chống tham nhũng thông báo điều tra về những cáo buộc cho rằng ông Duterte cất giấu nhiều tài khoản ngân hàng trị giá ước tính hàng triệu đô la.
Tuy nhiên, phản ứng trên của tổng thống Philippines đã trái ngược hoàn toàn với thông cáo trước đó. Phát ngôn viên phủ tổng thống khẳng định ông Duterte sẽ tuân thủ và tin tưởng vào sự công minh của cơ quan điều tra.
Cuộc điều tra được mở ra theo đơn kiện của nghị sĩ đối lập, Antonio Trillanes, cáo buộc tổng thống Philippines đã biển thủ công quỹ trong suốt hai thập niên làm thị trưởng thành phố Davao, một thành phố lớn ở phía nam Philippines.
AFP nhắc lại ông Rodrigo Duterte, 72 tuổi, được bầu làm tổng thống vào năm 2016 dựa trên một chương trình chống buôn ma túy và tham nhũng triệt để.
RFI tiếng Việt
Những dấu hiệu phản đối cuộc chiến chống ma túy, mà tổng thống Rodrigo Duterte của Philippnes phát động từ lúc lên nắm quyền, càng ngày càng tăng lên.
Các nhà hoạt động phản đối các vụ giết người không qua xét xử do liên quan ma túy ở Manila vào ngày Nhân Quyền, 10/12/2016. AFP photo
Đó là nhận dịnh của các viên chức điều tra nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc. Bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt về vấn đề lạm quyền bắt giữ và xử phạt tùy tiện, nói rằng hàng ngàn người bị giết chết không những đưa chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Phi đến việc chấp nhận tội ác một cách đương nhiên và dìm đất nước vào tình trạng vô pháp luật lẫn bạo động.
Theo tin của Reuters, hơn 7.600 người đã bị cảnh sát Phi bắn chết trong chiến dịch bài trừ ma túy kể từ tháng 7 năm ngoái cho đến nay. Phần lớn số bị giết được nói là người nghiện hoặc người bán ma túy trên toàn quốc.
Philippines nhờ Trung Quốc chống hải tặc (RFI, 01/12/2017)
Tuần duyên Philippines, Mindanao, 25/09/2015. AFP PHOTO / Dennis Jay Santos
Tổng thống Philippines Duterte tối hôm qua, 31/01/2017, cho biết là đã nhờ Trung Quốc tham gia tuần tra trên biển phía nam Philipppines để chống nạn cướp biển mà thủ phạm là các nhóm vũ trang Hồi giáo.
Phát biểu trước các sĩ quan vừa được thăng chức tướng, ông Duterte hy vọng Trung Quốc sẽ cử tàu đến vùng biển nói trên, như đã từng làm vào năm 2009 ở Vịnh Aden, để bảo vệ tàu Trung Quốc chống lại hải tặc Somalia.
"Tôi đã yêu cầu Trung Quốc là nếu có thể, thì gởi tàu đến tuần tra ở vùng biển quốc tế, không nhất thiết phải vào vùng biển các quốc gia trong khu vực". Tuy nhiên ông Duterte đã nói ngay rằng ông không cần Trung Quốc gởi tàu Hải Quân mà chỉ cần tàu Hải Cảnh mà thôi, như trong trường hợp ở Vịnh Aden.
Manila thường xuyên tố cáo các lực lượng Hồi giáo cực đoan là tác giả các vụ tấn công thương thuyền, bắt cóc người ở vùng biển Sulu phía nam Philippines, giáp giới với phía đông Malaysia. Đây là vùng có nhóm Abu Sayyaf hoành hành.
Số vụ tấn công và bắt cóc thủy thủ đã tăng vọt trong năm 2016 và Văn Phòng Hàng Hải Quốc Tế đã khuyên các tàu buôn tránh vùng biển này mà đi vòng qua ngả phía tây Borneo (Indonesia).
Theo nhận định giới quan sát, việc ông Duterte kêu gọi đến Trung Quốc trợ giúp, thay vì đồng minh Mỹ, đã lại càng xác nhận sự thay đổi hẳn hướng ngoại giao của Manila.
Mai Vân
**************************
Philippines : Ân Xá Quốc Tế lên án những vụ giết người tùy tiện (RFI, 01/12/2017)
Chiến dịch chống ma túy của tổng thống Philippine Rodrigo Duterte bị giới bảo vệ nhân quyền lên án, Manila, 29/01/2017. REUTERS/Ezra Acayan
Trước con số hơn 7.000 nghi phạm bị hạ sát tại Philippines, từ tháng Sáu 2016 đến nay, trong chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Rodrigo Duterte, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế/Amnesty International ngày hôm nay 01/02/2017 đã lên tiếng tố cáo những hành vi giết người hoàn toàn có thể bị quy thành "tội ác chống nhân loại".
Trong một bản báo cáo điều tra về cuộc chiến chống ma túy do tổng thống Philippines khởi xướng, Ân Xá Quốc Tế cho rằng phần lớn các vụ giết người đều mang dấu hiệu của những hành vi được tiến hành "ngoài khuôn khổ của luật pháp…, một cách có hệ thống, có kế hoạch và do chính quyền tổ chức". Đối với Amnesty International, tất cả những hành vi này đều có thể được coi là tội ác chống nhân loại.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Luân Đôn (Anh Quốc) đã kêu gọi chính phủ Duterte tôn trọng quyền con người trong cuộc chiến chống ma túy, đồng thời kêu gọi cảnh sát và tư pháp Philippines hành xử có trách nhiệm và truy tố những kẻ can dự vào những vụ giết người tùy tiện.
Để đi đến kết luận kể trên, Ân Xá Quốc Tế đã tìm hiểu cụ thể về trường hợp của 59 người bị giết tại 20 thành phố và thị xã Philippines, và phỏng vấn 110 nhân chứng, từ thân nhân của các nạn nhân, người sử dụng ma túy, cho đến cảnh sát và cả những kẻ giết thuê.
Chính quyền Duterte chưa phản ứng về báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, nhưng chính tổng thống Philippines cho đến gần đây đã biện minh cho chiến dịch bài trừ ma túy và khẳng định rằng cảnh sát đã được lệnh là chỉ nổ súng khi bị đe dọa.
Tuy nhiên sau nhiều vụ lực lượng cảnh sát chống ma túy bị tố cáo lạm quyền quá mức, tổng thống Duterte hôm 30/01 vừa qua đã kêu gọi quân đội Philippines góp phần vào cuộc chiến chống ma túy, thậm chí bắt giữ các cảnh sát bất hảo. Bộ Quốc Phòng Philippines hôm nay xác định sẵn sàng làm công việc này, nhưng yêu cầu tổng thống Duterte phải ký lệnh bằng văn bản chính thức.
Trọng Nghĩa
************************
Philippines : Quân đội muốn tham gia bài trừ ma túy (RFA, 01/12/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) nói chuyện với Giám đốc cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 30 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Tại Philippines, Bộ Quốc Phòng nước này yêu cầu Tổng thống Rogrigo Duterte cho phép quân đội tham gia vào chương trình bài trừ ma túy, đồng thời cũng yêu cầu cho binh sĩ được quyền bắt giữ những nhân viên cảnh sát bị cáo buộc tội tham nhũng, hối lộ, tiếp tay với bọn gian.
Tin này được Bộ Quốc Phòng Phi loan báo sáng nay, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Duterte nói rằng ông muốn quân đội tiếp tay trong chiến dịch bài trừ ma túy, tệ trạng xã hội, mà ông thực hiện ngay sau ngày nhậm chức hồi cuối tháng Sáu năm ngoái.
Bản tin của Bộ Quốc Phòng Phi ghi rõ là quân đội đã sẵn sàng, chỉ còn chờ chỉ thị từ Tổng thống .
Hôm thứ Hai vừa rồi, cảnh sát Philippines loan báo tạm ngưng kế hoạch bài trừ ma túy, để dồn hết thì giờ vào công tác thanh lọc, xây dựng một lực lượng cảnh sát trong sạch, trước khi có thể tiếp tục chiến dịch bài trừ tệ trạng xã hội vào tháng Ba.
Quyết định được ông Ronald De La Rosa, Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia Phi đưa ra, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng cảnh sát Phi là lực lượng tham nhũng nhất nước, bảo thêm là cảnh sát tham nhũng đến tận cốt lõi, cần phải trong sạch hóa ngay tức khắc.
Vẫn theo lời Tổng thống Duterte, gần 40% lực lượng cảnh sát quốc gia dính líu đến các hoạt động phi pháp.
Văn phòng Tổng thống Philippines tuyên bố thắng lợi trong chiến dịch chống ma túy.
Thông báo này được ông Ernesto Abella, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, đưa ra tại cuộc họp báo hôm 27/12, kèm theo đề nghị phải đánh giá cuộc đàn áp mạnh tay tội phạm ma túy theo "cách nhìn đúng đắn".
Phát biểu tại Điện Malacanang, ông Abella nói : "Hiểm họa ma túy không chỉ là mối đe dọa an ninh quốc gia mà còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng".
Theo ông Abella, đến nay, khoảng 900.000 người nghiện đã đầu hàng cảnh sát trên cả nước. Trang International Business Times (Mỹ) dẫn lời ông Abella cho rằng sự thành công của chiến dịch chống ma túy đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ tội phạm.
Tuy cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte vấp phải không ít chỉ trích từ cộng đồng quốc tế nhưng người dân Philippines lại đánh giá cao. Điều này thể hiện qua cuộc thăm dò gần đây của Viện Nghiên cứu Social Weather Stations (Philippines), trong đó phần lớn người dân hài lòng với chiến dịch chống ma túy nhưng vẫn lo ngại các vụ giết người không qua xét xử.
Hơn 6.000 nghi phạm ma túy đã bị giết chết kể từ khi ông Duterte phát động chiến dịch từ cuối tháng 6. Gần 5.000 quan chức chính phủ tham nhũng liên quan đến hoạt động mua bán ma túy cũng bị phanh phui.
Xuân Mai