Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thượng đỉnh Khí hậu : Tổng thống Biden nâng gấp đôi cam kết của Mỹ và hối thúc thế giới "hành động"

Trọng Thành, RFI, 23/04/2021

Trong ngày đầu tiên của Thượng đỉnh Khí hậu hôm 22/04/2021, tổng thống Joe Biden đã công bố mức cam kết mới của Mỹ, cắt giảm từ 50 đến 52% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2030, so với mức 2005. Cam kết ở mức gần như gấp đôi so với chỉ tiêu trước đây của Mỹ đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, như một dấu hiệu cho thấy sự trở lại thực sự của Mỹ trong cuộc chiến khí hậu, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris dưới thời Donald Trump.

khihau1

Tổng thống Mỹ Joe Biden trên màn hình đặt tại văn phòng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, nhân cuộc họp thượng đỉnh thế giới về Khí hậu, Bruxelles, Bỉ, ngày 22/04/2021.  Reuters – Johanna Geron

Tiếp sau Hoa Kỳ, lãnh đạo nhiều quốc gia tham dự thượng đỉnh trực tuyến do Washington tổ chức đã công bố các cam kết khí hậu mới. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada sẽ cắt giảm từ 40 đến 45% khí thải vào năm 2030, so với năm 2005. Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga khẳng định Tokyo sẽ cắt giảm 46% khí thải vào năm 2030, so với năm 2013, tức gần gấp đôi so với mục tiêu trước đây (26%). Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuy không công bố mức cam kết mới, nhưng hứa sẽ đưa ra trong những tháng tới. Đặc biệt đáng chú ý là Seoul cam kết chấm dứt đầu tư vào các dự án điện than ở nước ngoài.

Cũng trong ngày họp thượng đỉnh hôm qua, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tăng gấp đôi các tài trợ cho những nước đang phát triển (so với nhiệm kỳ Obama), từ đây đến 2024, để cắt giảm khí thải và thích nghi với biến đổi khí hậu, do tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, và cũng để bù đắp cho việc tài trợ bị cắt giảm mạnh trong nhiệm kỳ Trump. Các cam kết mới vì khí hậu được Hoa Kỳ và nhiều nền công nghiệp hàng đầu thế giới đưa ra đã gây phấn chấn. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định thượng đỉnh này là một thành công, một "bước ngoặt" trong cuộc chiến vì khí hậu, cho dù chặng đường tiếp theo còn dài. 

Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :

"Hoa Kỳ không chờ đợi, chúng tôi kiên quyết hành động, tổng thống Joe Biden khẳng định như vậy. Hiện tại, nguyên thủ Hoa Kỳ vẫn còn chưa chắc chắn là kế hoạch chấn hưng cơ sở hạ tầng, vốn được coi là trụ cột trong dự án chuyển sang nền kinh tế xanh, có được thông qua hay không, tuy nhiên ông Biden đã đưa ra một mục tiêu mới đầy tham vọng, và kêu gọi lãnh đạo các nước khác noi gương.

Tổng thống Biden nói : các quốc gia nào mà hành động ngay từ bây giờ để sáng tạo ra nền công nghiệp của tương lai, thì cũng sẽ là những nước thu hoạch được các lợi ích kinh tế, nhờ ở sự phát triển đột biến của các năng lượng sạch đang diễn ra. Đây là một mệnh lệnh về đạo lý và kinh tế.

Phát biểu của tổng thống Mỹ được tất cả lãnh đạo các nước hoan nghênh. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói : Tôi vui mừng... tuyên bố của tổng thống Joe Biden làm thay đổi cục diện. Lãnh đạo các nước lần lượt công bố các cam kết. Canada, Nhật Bản đã đưa ra các mục tiêu mới. Ngay cả tổng thống Brazil, vốn được coi là người xa lạ với các cam kết vì sinh thái, cũng hứa hẹn sẽ chấm dứt nạn phá rừng từ đây đến năm 2030. 

Cho dù cần phải biến các hứa hẹn này thành hành động, Joe Biden đã thành công trong việc tạo ra một xung lực mới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đánh giá, thượng đỉnh này đánh dấu một bước ngoặt. Duy chỉ có một vài trục trặc kỹ thuật nhỏ khiến cho thượng đỉnh bị lu mờ đi phần nào về mặt hình thức".

Về phía nước Pháp, trong một phát biểu được ghi âm trước, tổng thống Emmanuel Macron đã hoan nghênh cam kết mới của chính quyền Mỹ, đồng thời kêu gọi "tăng tốc thực thi các mục tiêu 2030". Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh điều quan trọng trong những tháng tới là các bên liên quan, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu, phải xây dựng được "một kế hoạch hành động chính xác, có thể đo lường được, có thể kiểm chứng được". Ngay trước khi Thượng đỉnh Khí hậu diễn ra tại Washington, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% khí thải với năm 2030, so với năm 1990.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 23/04/2021

**************************

Thượng đỉnh Trái đất, do Mỹ tổ chức, giúp gì cho cuộc chiến khí hậu ?

Trọng Thành, RFI, 22/04/2021

Ngày 22 và 23/04/2021, tại Washington diễn ra một thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, do chính quyền Joe Biden chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia. Bản thân thượng đỉnh, với sự tham gia của Trung Quốc và Nga, hai quốc gia mà quan hệ với nước Mỹ không ngừng trở nên căng thẳng, đã là một thành công ngoại giao của chính quyền Biden. Tuy nhiên, thượng đỉnh nói trên có thể mang lại những gì thực chất cho cuộc chiến khí hậu ?

khihau2

Cuộc tuần hành tại Paris, Pháp, kêu gọi hành động vì công lý khí hậu, ngày 12/12/2015, ngày cuối cùng của thượng đỉnh COP15.  Photo : Coalition Climat 21

1. Điều gì đáng chú ý hàng đầu trong dịp thượng đỉnh đặc biệt này ?

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, thượng đỉnh về khí hậu do chính quyền Mỹ chủ trì trước hết là dịp để các quốc gia phát thải hàng đầu khẳng định trách nhiệm với cộng đồng nhân loại, vào thời điểm chỉ ít tháng nữa sẽ diễn ra thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí hậu COP26 tại Glasgow (Anh quốc). Dịp thượng đỉnh mà nhiều người cho rằng là cơ hội cuối cùng của nhân loại để xác định lộ trình hành động giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, theo Hiệp định Paris. Bởi vượt quá mức nhiệt độ này, các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan trên Trái đất sẽ diễn ra ngày càng nhiều, với quy mô và mức độ ngày càng lớn, vượt quá khả năng ứng phó của xã hội con người. Giới khoa học cảnh báo nếu việc cắt giảm khí thải không được làm mạnh trong những năm tới thì sẽ là quá trễ.

Ngay trước khi thượng đỉnh diễn ra, ngày 19/04, chính phủ Anh của thủ tướng Boris Johnson đã thông báo mức cắt giảm khí thải đến 78% vào năm 2035. Trong đêm ngày 20 qua ngày 21/04, 27 quốc gia Liên Âu, sau 14 giờ thương lượng liên tục, đã đạt được thỏa thuận cắt giảm ít nhất 55% khí thải vào năm 2030.

Cam kết của nước Mỹ hiện vẫn còn được giữ bí mật. Trong bài viết trên trang mạng The Conversation (Climat : qu’attendre du "sommet Biden" ce jeudi à Washington ?,  ngày 20/04/2021), kinh tế gia về khí hậu Pháp, giáo sư Christian de Perthuis, Đại học Paris Dauphine, ghi nhận thượng đỉnh về khí hậu khai mạc hôm nay chính là "trắc nghiệm đầu tiên trên thực địa" về khả năng hành động của chính quyền Biden trong lĩnh vực khí hậu. Tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện lời hứa : tổ chức thượng đỉnh về khí hậu, trong vòng 100 ngày từ khi lên nắm quyền. Cuộc thượng đỉnh được sự hưởng ứng của lãnh đạo tất cả các nền kinh tế phát thải chính của hành tinh.

Tuy nhiên, rõ ràng là ý nghĩa hàng đầu của dịp thượng đỉnh này là để bản thân chính quyền Hoa Kỳ chính thức khẳng định mức cắt giảm khí thải mới, và tốc độ chuyển sang nền kinh tế trung hòa về khí thải, để hãm lại đà hâm nóng Trái đất, tương ứng với mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015. Vấn đề trước hết tại thượng đỉnh này như vậy vẫn là bản thân nước Mỹ "có đưa ra được các cam kết về khí hậu đủ tầm cỡ hay không, và khả năng của tân chính quyền trong việc mang lại niềm tin rằng đây là các cam kết khả thi, và qua đó, tạo hiệu ứng lôi cuốn phần còn lại của thế giới".

2. Phải chăng Thượng đỉnh chính là dịp để xem xem chính quyền Mỹ có thực sự trở lại dẫn đầu cuộc chiến Khí hậu hay không, sau 4 năm cầm quyền của Donald Trump, rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris ? 

Kinh tế gia về khí hậu Christian de Perthuis nhấn mạnh, bên cạnh mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2050, giờ đây đã trở thành một "cam kết mang tính bắt buộc trong lĩnh vực ngoại giao khí hậu" (với đa số các nước), sự chú ý của quốc tế đặc biệt tập trung vào cam kết của nước Mỹ với đích ngắm 2030, được coi như là bước đệm, để hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải 2050.

Năm 2015, chính quyền Hoa Kỳ của tổng thống Obama đã từng cam kết, đến năm 2025, sẽ cắt giảm từ 26-28% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005. Nếu chính quyền Biden vẫn duy trì mục tiêu này, thì đây là dấu hiệu cho thấy Washington "hoàn toàn thiếu vắng nỗ lực". Trên thực tế, tân chính quyền Biden đã đưa ra nhiều dấu hiệu do thấy nước Mỹ sẽ xem xét lại các cam kết quốc tế về khí hậu trong dịp thượng đỉnh này.

Trước thềm thượng đỉnh, ngày 13/04/2021, một liên minh hơn 400 lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư (Liên minh We Mean Business ) đã gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Joe Biden, khẳng định sự ủng hộ đối với chủ trương chính quyền Mỹ trở lại vị trí đi đầu trong cuộc chiến khí hậu, hối thúc chính quyền Biden đặt ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% khí thải vào năm 2030, so với năm 2005. Liên minh We Mean Business sử dụng khoảng 7 triệu lao động tại 50 bang nước Mỹ, có thu nhập hàng năm tổng cộng hơn 4.000 tỉ đô la. Liên minh có sự tham gia của các đại tập đoàn như Google, Amazon, Apple, Facebook.

Đề xuất của liên minh We Mean Business lấy lại khuyến nghị của kinh tế gia Robert Keohane, từng là cố vấn về năng lượng – khí hậu của tổng thống Obama. Mức cắt giảm nói trên được coi là tương đương với mức cắt giảm mà Liên Hiệp Châu Âu vừa thông qua (giảm 55% so với năm 1990). Cắt giảm ít nhất 50% khí thải vào năm 2030 được coi là bước đi cần thiết để hướng đến mục tiêu trung hòa về khí hải vào năm 2050.

Kinh tế gia về khí hậu Christan Perthuis, nhấn mạnh là, nếu Hoa Kỳ đưa ra chỉ tiêu ở dưới mức này, thì đây sẽ là một "tín hiệu xấu". Ngược lại, nếu đặt cái mốc cao hơn, thì đây sẽ là "một tín hiệu mới (tích cực) gửi đến các nước Châu Âu".

3. Một điểm quan trọng khác của thượng đỉnh, do Washington tổ chức, phải chăng chính là để làm sáng tỏ chiến lược hành động của Trung Quốc trong lĩnh vực khí hậu ?

Thái độ của Trung Quốc, chịu trách nhiệm hơn một phần tư lượng phát thải toàn cầu, là một chủ đề trọng tâm khác. Việc chủ tịch Trung Quốc nhận lời mời tham gia thượng đỉnh là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, theo kinh tế gia về khí hậu Christian de Perthuis, chính sách khí hậu của Bắc Kinh hiện đang trong tình trạng hoàn toàn không rõ ràng, thậm chí đầy mâu thuẫn. Nếu như tháng 9/2020, tại Đại hội đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên tuyên bố Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2060. Đây là có thể coi là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, cũng cùng thời gian này, chính quyền Trung Quốc đã giảm bớt các quy định hạn chế đầu tư vào than đá, ở trong nước, được coi là nguồn phát khí thải số một (Trung Quốc sử dụng đến một nửa sản lượng than đá toàn cầu, và khoảng 70% lượng điện tại Trung Quốc là do nhiệt điện than). Năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 2015, đầu tư xây dựng các nhà máy điện than tăng trở lại. Đây rõ ràng là một bước lùi nghiêm trọng.

Chuyên gia Carole Mathieu (phụ trách các chính sách của Châu Âu về Năng lượng và Khí hậu, Viện IFRI), trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp (20 Minutes, ngày 21/04/2021), nhận định là chủ tịch Trung Quốc sẽ phải có một "bài diễn văn quan trọng" trong dịp thượng đỉnh này, và "Trung Quốc muốn chứng tỏ quốc gia này là một trong các trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương, nhưng ít có khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra các cam kết bằng số, cần phải đến khi hợp tác được chính thức hơn, Bắc Kinh mới có thể làm như vậy". Có thể nói, thái độ của Trung Quốc là một ẩn số lớn tại thượng đỉnh này.

4. Trung Quốc rõ ràng là tâm điểm chú ý. Nhưng điều này dường như có thể khiến công chúng phần nào ít chú ý hơn đến hiểm họa đáng sợ không kém, đến từ các nền kinh tế phát thải cao khác, một ẩn số quan trọng khác tại thượng đỉnh Khí hậu Washington ?

Kinh tế gia Christian de Perthuis lưu ý là ba nền kinh tế phát thải số một thế giới, là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (bao gồm cả Anh quốc), có tổng lượng phát thải là 47% tổng lượng phát thải toàn cầu vào năm 2018, "phần còn lại của thế giới" là 53%. Trong nhóm các nước này, các quốc gia sản xuất và xuất khẩu năng lượng hóa thạch – như các nước Cận Đông, Nga hay Indonesia (quốc gia xuất khẩu than đá hàng đầu) – là các nước đang có lượng khí phát thải tăng mạnh nhất. Nhìn chung, kể từ thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP-1 (Berlin, 1995) cho đến nay, các quốc gia nhóm này thường đóng vai trò hãm phanh hay ngăn chặn các thương thuyết về khí hậu, đặc biệt từ khi vấn đề gia tăng các cam kết về khí hậu bắt đầu được đặt ra. Cần đưa được nhóm nước này tham gia vào tiến trình, bởi cộng đồng quốc tế không thể thực hiện được mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, nếu không có việc tổ chức lại triệt để các nền kinh tế thuộc nhóm các quốc gia khai thác và xuất khẩu năng lượng hóa thạch.

Hiện tại, các nước ít phát triển nhất, đa số nằm tại Châu Phi, phía nam sa mạc Sahara và vùng Nam Á, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong lượng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các quốc gia này đi vào vết xe đổ của nền kinh tế công nghiệp dựa vào năng lượng hóa thạch, thì chính họ sẽ trở thành các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới trong tương lai. Để tránh viễn cảnh tồi tệ này xảy ra, cần bắt đầu tiến trình chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp với việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng tại các quốc gia nghèo này. Đây là việc cần làm khẩn cấp, bởi các nước này cũng chính là các nước bị tổn hại nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế, do đại dịch Covid-19.

Các quốc gia nghèo tự mình không đủ sức thực hiện cuộc tái định hướng phát triển hướng về nền kinh tế Xanh, bởi thiếu đi nhiều nguồn lực công nghệ và tài chính. Theo chuyên gia Christian de Perthuis, việc Hoa Kỳ ngay lập tức đề nghị giảm nợ, và cam kết đầu tư mạnh cho mô hình Kinh tế Xanh cho các quốc gia này, chính là một nỗ lực quý báu và cần thiết, để khẳng định vị trí dẫn đầu trở lại của nước Mỹ trong cuộc chiến khí hậu toàn cầu. Nếu tổng thống Biden quyết định chọn hướng đi này, và thu hút được cả Trung Quốc và Châu Âu tham gia cùng, thì thượng đỉnh do Washington tổ chức có thể là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến khí hậu toàn cầu.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 22/04/2021

***********************

Thượng đỉnh khí hậu : Cơ hội để Tổng thống Mỹ Biden khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới

Thùy Dương, RFI, 22/04/2021

Hôm 22/04/2021 tổng thống Mỹ Joe Biden khai mạc thượng đỉnh thế giới trực tuyến 2 ngày về khí hậu. Sáng hôm nay nguyên thủ Mỹ có bài phát biểu qua cầu truyền hình trước khoảng 40 lãnh đạo nước ngoài, trong đó có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron và cả Giáo hoàng Francis.

khihau3

Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia thượng đỉnh Khí hậu trực tuyến với lãnh đạo 40 quốc gia, Nhà Trắng, Washington, 22/04/2021.  Reuters – Tom Brenner

Nhiều chuyên gia hy vọng tổng thống Mỹ Biden sẽ công bố những mục tiêu đầy tham vọng của Washington, chẳng hạn từ nay đến năm 2030 giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ so với năm 2005. Thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để ông Biden khẳng định vị trí của nước Mỹ trên trường quốc tế về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích :

"Ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, tổng thống đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, và giờ đây ông Biden muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Để làm được điều đó, tổng thống Mỹ phải lấy lại lòng tin của các đối tác trên trường quốc tế với những cam kết cụ thể, nhưng ông cũng phải thuyết phục được người dân Mỹ. Joe Biden đã đặt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành tâm điểm của kế hoạch đầu tư hơn 2.000 tỷ đô la vào hạ tầng cơ sở. Văn bản được đưa ra thương lượng với rất nhiều khó khăn tại Quốc Hội.

Joe Biden không ngừng nhắc rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra những việc làm được trả lương cao, nhưng ông vẫn gặp nhiều khó khăn để có được sự ủng hộ của các dân biểu Cộng hòa. Về đối nội, tổng thống Mỹ đang đấu tranh để đạt các mục tiêu trong nước. Ông muốn có thể được nêu ra làm gương. Ông Biden khẳng định việc tiến hành công cuộc chuyển đổi sinh thái này là cách duy nhất để bảo đảm vị trí của nước Mỹ trên thế giới.

Bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này, tổng thống Mỹ hy vọng sẽ có được lời hứa từ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Ông Biden muốn nước Mỹ lấy lại được uy tín đã mất dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, trong lĩnh vực chống lại tình trạng khí hậu bị hâm nóng".

Rừng Amazon : Nhiều NGO Brazil đề nghị Mỹ không tin vào hứa hẹn của Bolsonaro

Tham dự thượng đỉnh khí hậu do Mỹ tổ chức trong hai ngày 22-23/04 có tổng thống Brazil Bolsonaro. Và theo chương trình nghị sự ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đề cập đến việc bảo vệ rừng Amazon. AFP cho biết Hoa Kỳ đang thương lượng với Brazil để ký kết một thỏa thuận hạn chế việc phá rừng. Washington hứa tài trợ, nhưng chỉ chuyển tiền cho Brazil với điều kiện Brasilia phải đưa ra các bảo đảm về việc bảo vệ Amazon, điều mà Brasilia vẫn chưa làm.

Tại Brazil, nhiều tổ chức phi chính phủ Brazil đề nghị tổng thống Mỹ Biden không tin vào những lời hứa của Bolsonaro, bởi vị tổng thống dân túy không có được lòng tin ngay tại chính quê nhà trong lĩnh vực môi trường.

Chống biến đổi khí hậu : Đa phần doanh nghiệp lớn trên thế giới bị chậm

Trước thềm thượng đỉnh khí hậu, sáng hôm nay, công ty đầu tư Arabesque của Anh Quốc công bố một nghiên cứu theo đó mới chỉ có gần 25% doanh nghiệp lớn trên thế giới có các biện pháp cho phép thế giới đạt mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Đi đầu trong nhóm tiên phong này là các doanh nghiệp Châu Âu, đặc biệt là Thụy Điển, Đức, Phần Lan và Pháp. Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2019, với gần 700 tập đoàn lớn ở 14 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật, Pháp …

Trong khi đó, cũng trong sáng hôm nay 22/04, Cơ quan Châu Âu về kiểm soát tình hình biến đổi khí hậu (Copernicus), cho biết khí hậu Châu Âu tiếp tục nóng lên trong năm 2020, đặc biệt là vùng Siberia.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 22/04/2021

Published in Quốc tế

Tiền ảo Bitcoin gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Trung Quốc, do tiêu thụ rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, theo nghiên cứu mới của một nhóm khoa học gia Trung Quốc. Phát triển tiền ảo đe dọa mục tiêu cắt giảm khí thải để hãm lại đà hâm nóng khí hậu, mà chính quyền Tập Cập Bình hứa hẹn với quốc tế. Vùng đông bắc Ấn Độ tiếp tục đón nhận dân tị nạn Miến Điện bất chấp lệnh cấm của chính quyền trung ương.

bitcoin1

Tiền ảo Bitcoin mang lại các khoản lợi nhuận không ngờ, nhưng cũng gây tổn hại trầm trọng khi môi trường, do sử dụng nhiều điện. Bitcoin có thể khiến Bắc Kinh thất bại trong các cam kết khí hậu - Ảnh minh họa 

Tại Mỹ, vụ xử viên cảnh sát bị cáo buộc giết người da đen George Floyd bước sang khúc quanh mới : một chuyên gia hàng đầu về hô hấp khẳng định nạn nhân chết do thiếu oxy. Biến thể virus Brazil của Covid-19 gây lo sợ tại Nam Mỹ, với mức độ lây nhiễm cao hơn, cũng như khiến cả người bệnh từng nhiễm Covid tái nhiễm khá dễ dàng. Biến thể Brazil Covid có thể trở thành mối đe dọa đáng sợ mới không chỉ với Nam Mỹ. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

"Đào tiền ảo Bitcoin" : Tốn điện ngang với Ý

Đồng tiền ảo Bitcoin gây nhiều thèm muốn, cũng như lo sợ. Bitcoin được coi là mang lại những món lợi trời cho với khá nhiều người này, trên thực tế, gây rất nhiều tổn hại cho môi trường. Theo một nghiên cứu, vừa được công bố trên tạp chí Nature, ngày 06/04/2021, đồng tiền ảo này tốn rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, sẽ có thể làm Bắc Kinh thất bại trong mục tiêu cắt giảm khí thải đúng hạn. Hiện tại, điện cho Bitcoin đã chiếm 0,6% điện tiêu thụ toàn cầu. Theo nghiên cứu này, nếu không có biện pháp, từ đây đến 2024, ngành công nghiệp Bitcoin sẽ tạo thêm mỗi năm hơn 130 triệu mét khối khí thải CO2, ngang với điện tiêu thụ của Ý, một cường quốc công nghiệp. Đặc phái viên thường trú của RFI Stéphane Lagarde cho biết thêm :

"Ngốn năng lượng còn nhiều hơn cả các trung tâm dữ liệu Internet. "Các mỏ" đào Bitcoin tại Trung Quốc – chiếm 80% số tiền ảo Bitcoin trên toàn thế giới - dự kiến sẽ tiêu thụ đến 297 terawat / giờ điện vào năm 2024. Tức là nhiều hơn điện của cả một quốc gia như nước Ý, vào năm 2016. Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, được công bố, với sự cộng tác của các đại học Surrey, Thanh Hoa và Cornell.

Các kết quả nghiên cứu được đưa ra thật không đúng lúc, bởi chúng đi ngược lại với thông báo của chủ tịch Trung Quốc hồi năm ngoái. Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện được mục tiêu đạt đỉnh về khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước 2030, và trung hòa về khí thải vào năm 2060.

"Đào mỏ tiền ảo" là hoạt động rất tốn năng lượng. Những người "đào mỏ" sử dụng các loại máy tính ngày càng mạnh hơn để có thể thực hiện được các phương trình phức tạp cho phép các giao dịch bằng tiền Bitcoin. Do đó mà các máy đào có xu hướng được đặt tại các tỉnh và khu vực của Trung Quốc, nơi điện rẻ nhất, như Vân Nam ở miền nam, Tân Cương ở miền tây và đặc biệt là các tỉnh ở miền bắc. Vùng Nội Mông còn nhiều máy đào Bitcoin hơn cả nước Mỹ (8% số máy toàn cầu so với 7,2%). Mà chúng ta biết 40% số máy này vẫn phải dùng đến điện than.

Theo ông Khương Thượng Vinh (Jiang Shangrong), tác giả chính của nghiên cứu, được nhật báo khoa hoc Trung Quốc China Sciences Daily trích dẫn, thì mức độ phát thải do ngành công nghiệp tiền ảo Bitcoin, đang trỗi dậy này, sẽ có hậu quả tiêu cực đối với mục tiêu trung hòa khí thải của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Vương Thọ Dương (Wang Shouyang), đồng tác giả nghiên cứu, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cũng lưu ý : "hoạt động với cường độ cao của công nghệ blockchain, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tiền ảo, có thể nhanh chóng trở thành mối đe dọa với nỗ lực cắt giảm khí thải".

Khu vực Nội Mông Trung Quốc đã tiếp thu thông điệp này. Vùng tự trị Nội Mông còn rất phụ thuộc vào than, chưa giới hạn được mức tiêu thụ năng lượng hồi năm 2019, theo kế hoạch. Chính quyền khu tự trị dự kiến cấm việc đào mỏ tiền ảo Bitcoin trước cuối tháng Tư này. Giới "đào tiền ảo" tại Trung Quốc có xu hướng chuyển đến các tỉnh miền nam nhiều thủy điện". 

Bắc Kinh muốn dẹp Bitcoin để bảo vệ đồng Yuan điện tử

Tuy nhiên, tương lai của các loại tiền ảo như Bitcoin, tại Trung Quốc, rất khó dự đoán. Tiền ảo Bitcoin không chỉ đe dọa mục tiêu chống hâm nóng Trái đất mà còn cạnh tranh cả với đồng yuan điện tử, mà Bắc Kinh đang muốn phát triển.

Theo hãng tin Bloomber, Trung Quốc có thể ra luật cấm sản xuất và bán tiền điện tử. Bloomberg dẫn nhận định của chuyên gia về các thị trường tiền ảo, ông Phillip Gillespie, sự phát triển của đồng tiền yuan điện tử, cùng với các quy định mới về tiền ảo tại Trung Quốc, có thể làm đảo lộn thị trường tiền ảo.

Bang đông bắc Ấn Độ đón dân tị nạn Miến Điện bất chấp lệnh cấm của trung ương

Các đàn áp của tập đoàn quân sự tại Miến Điện từ hơn hai tháng nay buộc rất nhiều người phải trốn khỏi đất nước. Trong số họ có nhiều cảnh sát và quân nhân không muốn cầm súng bắn vào nhân dân mình. Miền đông bắc Ấn Độ là nơi lánh nạn của khoảng 3.000 người Miến Điện. Bang Mizoram, cùng với ba bang Manipur, le Nagaland et l’Arunachal Pradesh, với đường biên giới tổng cộng hơn 1.600 km, là nơi đón nhận đầu tiên những người chạy nạn.

Tuy nhiên, vòng tay mở rộng của các bang đông bắc không được chính quyền trung ương hoan nghênh. Hôm 10/03, bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah gửi công văn yêu cầu chính quyền các bang nói trên có các biện pháp phù hợp để kiểm soát "dòng nhập cư bất hợp pháp" từ Miến Điện, tiến hành trục xuất ngay lập tức khi phát hiện.

Quan điểm chính thức của chính quyền trung ương gây phẫn nộ tại các bang đông bắc, nơi đông đảo cư dân vốn là những người cùng sắc tộc, với dân Miến Điện tị nạn, thậm chí cùng tôn giáo (đạo Thiên Chúa) hay nói cùng thổ ngữ. Một phóng sự của France 24, công bố hôm 07/04/2021, dẫn lời của nghị sĩ Lalrosanga, thành viên đảng Mặt trận Dân tộc cầm quyền tại bang Misoram, đông bắc Ấn Độ, đã phản đối quyết định của bộ Nội Vụ :

"Chúng tôi không đồng ý với lệnh của bộ Nội Vụ chính quyền liên bang, không đồng ý cho chúng tôi tiếp nhận những người tị nạn, và buộc phải trả người tị nạn về nước. Chúng tôi đoàn kết với họ. Đối với những người vượt biên giới để tị nạn ở chỗ chúng tôi, chúng tôi muốn bảo vệ họ, cung cấp cho họ các phương tiện mà họ cần".

Vào ngày 18/03, người lãnh đạo chính phủ bang Mizoram, ông Pu Zoramthanga, đã gửi thư cho thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh : "Mizoram không thể thờ ơ với nỗi đau khổ của những người tị nạn, Ấn Độ không thể nhắm mắt trước cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, đang diễn ra trước mắt chúng ta, ngay bên cạnh nhà mình…. Những người tị nạn là các anh chị em của chúng ta".

Chính quyền trung ương New Delhi chơi chính sách đi dây trong quan hệ với tập đoàn quân sự Miến Điện. Ấn Độ một mặt kêu gọi phục hồi dân chủ, trả tự do cho tù nhân chính trị, nhưng mặt khác không ủng hộ việc đón nhận người tị nạn, để tránh tạo cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng với tập đoàn quân sự. Gia tăng cứng rắn với dân tị nạn là chủ trương của New Delhi. Mới đây, ngày 08/04, Tòa Án Tối Cao Ấn Độ cho phép trục xuất 168 người tị nạn Rohingya, bị bắt ngày 06/03, về Miến Điện. Theo đại diện chính phủ, Ấn Độ không thể nào trở thành "trung tâm quốc tế của những người nhập cư bất hợp pháp". Prashant Bhushan, một luật sư bảo vệ người Rohingya, lên án chính quyền Ấn Độ vi phạm trắng trợn nhiều thỏa thuận quốc tế cấm trục xuất người tị nạn.

Trước mắt, thái độ cương quyết của chính quyền địa phương, cụ thể là bang Mizoram, vẫn giúp cho người tị nạn từ Miến Điện có được nơi lánh nạn tạm thời. Nhưng chính quyền bang có thể cưỡng lại trung ương đến khi nào ?

Vụ người da đen George Floyd thiệt mạng : Nhân chứng bác sĩ, một bước ngoặt ?

Vụ xử án viên cảnh sát Derek Chauvin tại Minneapolis, với cáo buộc giết hại người da đen George Floyd bước vào cuối tuần thứ hai. Sau khi bồi thẩm đoàn nghe hơn 30 nhân chứng, đến lượt các chuyên gia y tế vào cuộc. Các kết luận khoa học đầu tiên của các bác sĩ, đưa ra ngày 08/04/2021, đặt bên bào chữa trước sự thật khó có thể chối cãi. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một bước ngoặt trong vụ án người da đen George Floyd qua đời khi bị cảnh sát bắt giữ.

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

"Trong vòng 3 phút và 27 giây sau khi George Floyd trút hơi thở cuối cùng, viên cảnh sát Derek Chauvin vẫn tiếp tục chẹn đầu gối lên cổ nạn nhân. Đây là kết luận của vị chuyên gia về hô hấp nổi tiếng này trước bồi thẩm đoàn.

Đối với bác sĩ Martin Tobin, việc chẩn đoán cho thấy chắc chắn là ông Floyd đã chết vì thiếu oxy, do một lực ép quá mạnh, trong tư thế bụng áp sát lên mặt đường, hai tay bị trói quặt sau lưng. Hai đầu gối của viên cảnh sát, một đè lên cổ, một đè lên sườn, có tác động tương tự như một nhà phẫu thuật cắt lìa hai lá phổi của nạn nhân. Chuyên gia về hô hấp nói trên tóm tắt.

Về quan điểm phía luật sư của viên cảnh sát Derek Chauvin, cho rằng nguyên nhân cái chết của nạn nhân có thể là do dùng ma túy quá liều và tim yếu, vị chuyên gia y tế nói trên đã bác bỏ một cách từ tốn, với nhiều thông tin chi tiết. Theo bác sĩ Martin Tobin, thì "ngay cả một người khỏe mạnh, nếu phải chịu những gì xảy ra với ông Floyd cũng sẽ tử vong".

Luật sư của viên cảnh sát phản đối : "Tất cả những điều ông nói chỉ là các giả thiết !". ‘’Không !", bác sĩ trả lời. "Tất cả điều này có thể kiểm chứng bằng số liệu". Và để chứng minh điều này, trước mặt bồi thẩm đoàn, bác sĩ Tobin đã đếm số lần thở của George Floyd.

Đối với bên bào chữa, đây là một lời chứng khủng khiếp ! Thật là rõ như ban ngày ! Việc bác sĩ Tobin ra trước bồi thẩm đoàn có thể là một bước ngoặt trong vụ án này".

Tuy nhiên, trong phiên tòa tiếp theo, ngày 09/04, bên bào chữa ghi được một điểm, với việc bác sĩ Andrew Baker, người thực hiện giải phẫu pháp y đầu tiên, sau khi nạn nhân tử vong, khẳng định ông George Floyd chết là do bị chẹt cổ, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cái chết.

Covid : Biến thể Brazil gây lo sợ không chỉ tại Nam Mỹ

Từ vài tuần nay, biến thể Covid Brazil tàn phá không chỉ quốc gia này, mà đe dọa các láng giềng Nam Mỹ. Với 300.000 người chết, Brazil chiếm 10% số tử vong do Covid, cho dù dân số chỉ là 3%. Nguyên nhân chủ yếu là do biến thể "P.1", thường gọi là biến thể Brazil. Hệ thống y tế Perou có nguy cơ vỡ trận vì biến thể này. Mức độ lây nhiễm cao hơn nhiều, người bệnh phải nhập viện trẻ hơn nhiều, nhiều người từng nhiễm tái nhiễm trở lại với biến thể mới. Trên đây là những điều khiến biến thể Brazil gây lo ngại đặc biệt.

Phóng sự của thông tín viên Wyloën Munhoz-Boillot gửi về từ Lima :

"Từ nhiều tuần nay, bệnh viện San Isidro Labrador, dành cho các bệnh nhân Covid, nằm ở khu phố Ate, phía đông thủ đô Lima, hoàn toàn quá tải, như bác sĩ Luis Palomino cho biết : "Tất cả giường bệnh và giường điều trị tăng cường đã kín người. Chúng tôi phải đón tạm bệnh nhân trên các xe lăn và cáng cứu thương".

Bệnh nhân do biến thể Brazil chiếm trung bình đến 40% các ca mới nhiễm virus corona ở Lima, và tại khu phố dân nghèo này, nơi dịch bệnh hoành hành., tỉ lệ này là 60%. Vẫn theo bác sĩ Luis Palomino, "có nhiều gia đình, cả nhà bị nhiễm virus. Chúng tôi thấy bệnh nhân trẻ hơn so với đợt dịch đầu tiên. Có nhiều bệnh nhân trong lứa tuổi từ 26, 30 hay 35 tuổi, trong tình trạng nghiêm trọng, cần phải được trợ thở tại phòng điều trị hồi sức. Trong số những người trẻ này, đã có một số người chết. Trong phần lớn các trường hợp, đây là do tái nhiễm, có nghĩa là những người đã từng bị Covid, và đã khỏi bệnh.

Đây là một điểm đặc thù của biến thể Brazil đang lan rộng tại Perou trong những tuần này, khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Chuyên gia về các bệnh lây nhiễm Juan Celis ghi nhận : "Có rất nhiều bệnh nhân vốn từng bị nhiễm virus trong đợt dịch đầu tiên, lại bị nhiễm thêm một lần nữa. Chúng ta biết rằng biến thể này có mức độ lây nhiễm mạnh hơn, tải lượng virus cao hơn 10 lần so với chủng thông thường. Điều này thật kinh khủng, bởi vì với nguy cơ tái nhiễm và mức độ lây nhiễm cao hơn hiện nay, số lượng các ca nhiễm tăng nhanh chóng hơn, và cùng với đó là số lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng vọt, khiến hệ thống y tế bị quá tải".

Để ngăn chặn hiện tượng này, cơ quan y tế Peru khuyến cáo dân cư nên mang hai khẩu trang. Bên cạnh đó, chính quyền cũng vừa quyết định triển hạn ít nhất là hai tuần lệnh đình chỉ các chuyến bay đến từ Brazil".

Biến thể Brazil P1 cho đến nay được xác nhận đã có mặt tại hơn 20 quốc gia. Ngoài nhiều nước Nam Mỹ, virus này đã có mặt tại Mỹ, Canada, Pháp.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 10/04/2021

Published in Châu Á