Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/04/2021

Tiền ảo Bitcoin có thể khiến Bắc Kinh thất bại trong cuộc chiến khí hậu

RFI tiếng Việt

Tiền ảo Bitcoin gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Trung Quốc, do tiêu thụ rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, theo nghiên cứu mới của một nhóm khoa học gia Trung Quốc. Phát triển tiền ảo đe dọa mục tiêu cắt giảm khí thải để hãm lại đà hâm nóng khí hậu, mà chính quyền Tập Cập Bình hứa hẹn với quốc tế. Vùng đông bắc Ấn Độ tiếp tục đón nhận dân tị nạn Miến Điện bất chấp lệnh cấm của chính quyền trung ương.

bitcoin1

Tiền ảo Bitcoin mang lại các khoản lợi nhuận không ngờ, nhưng cũng gây tổn hại trầm trọng khi môi trường, do sử dụng nhiều điện. Bitcoin có thể khiến Bắc Kinh thất bại trong các cam kết khí hậu - Ảnh minh họa 

Tại Mỹ, vụ xử viên cảnh sát bị cáo buộc giết người da đen George Floyd bước sang khúc quanh mới : một chuyên gia hàng đầu về hô hấp khẳng định nạn nhân chết do thiếu oxy. Biến thể virus Brazil của Covid-19 gây lo sợ tại Nam Mỹ, với mức độ lây nhiễm cao hơn, cũng như khiến cả người bệnh từng nhiễm Covid tái nhiễm khá dễ dàng. Biến thể Brazil Covid có thể trở thành mối đe dọa đáng sợ mới không chỉ với Nam Mỹ. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

"Đào tiền ảo Bitcoin" : Tốn điện ngang với Ý

Đồng tiền ảo Bitcoin gây nhiều thèm muốn, cũng như lo sợ. Bitcoin được coi là mang lại những món lợi trời cho với khá nhiều người này, trên thực tế, gây rất nhiều tổn hại cho môi trường. Theo một nghiên cứu, vừa được công bố trên tạp chí Nature, ngày 06/04/2021, đồng tiền ảo này tốn rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, sẽ có thể làm Bắc Kinh thất bại trong mục tiêu cắt giảm khí thải đúng hạn. Hiện tại, điện cho Bitcoin đã chiếm 0,6% điện tiêu thụ toàn cầu. Theo nghiên cứu này, nếu không có biện pháp, từ đây đến 2024, ngành công nghiệp Bitcoin sẽ tạo thêm mỗi năm hơn 130 triệu mét khối khí thải CO2, ngang với điện tiêu thụ của Ý, một cường quốc công nghiệp. Đặc phái viên thường trú của RFI Stéphane Lagarde cho biết thêm :

"Ngốn năng lượng còn nhiều hơn cả các trung tâm dữ liệu Internet. "Các mỏ" đào Bitcoin tại Trung Quốc – chiếm 80% số tiền ảo Bitcoin trên toàn thế giới - dự kiến sẽ tiêu thụ đến 297 terawat / giờ điện vào năm 2024. Tức là nhiều hơn điện của cả một quốc gia như nước Ý, vào năm 2016. Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, được công bố, với sự cộng tác của các đại học Surrey, Thanh Hoa và Cornell.

Các kết quả nghiên cứu được đưa ra thật không đúng lúc, bởi chúng đi ngược lại với thông báo của chủ tịch Trung Quốc hồi năm ngoái. Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện được mục tiêu đạt đỉnh về khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước 2030, và trung hòa về khí thải vào năm 2060.

"Đào mỏ tiền ảo" là hoạt động rất tốn năng lượng. Những người "đào mỏ" sử dụng các loại máy tính ngày càng mạnh hơn để có thể thực hiện được các phương trình phức tạp cho phép các giao dịch bằng tiền Bitcoin. Do đó mà các máy đào có xu hướng được đặt tại các tỉnh và khu vực của Trung Quốc, nơi điện rẻ nhất, như Vân Nam ở miền nam, Tân Cương ở miền tây và đặc biệt là các tỉnh ở miền bắc. Vùng Nội Mông còn nhiều máy đào Bitcoin hơn cả nước Mỹ (8% số máy toàn cầu so với 7,2%). Mà chúng ta biết 40% số máy này vẫn phải dùng đến điện than.

Theo ông Khương Thượng Vinh (Jiang Shangrong), tác giả chính của nghiên cứu, được nhật báo khoa hoc Trung Quốc China Sciences Daily trích dẫn, thì mức độ phát thải do ngành công nghiệp tiền ảo Bitcoin, đang trỗi dậy này, sẽ có hậu quả tiêu cực đối với mục tiêu trung hòa khí thải của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Vương Thọ Dương (Wang Shouyang), đồng tác giả nghiên cứu, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cũng lưu ý : "hoạt động với cường độ cao của công nghệ blockchain, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tiền ảo, có thể nhanh chóng trở thành mối đe dọa với nỗ lực cắt giảm khí thải".

Khu vực Nội Mông Trung Quốc đã tiếp thu thông điệp này. Vùng tự trị Nội Mông còn rất phụ thuộc vào than, chưa giới hạn được mức tiêu thụ năng lượng hồi năm 2019, theo kế hoạch. Chính quyền khu tự trị dự kiến cấm việc đào mỏ tiền ảo Bitcoin trước cuối tháng Tư này. Giới "đào tiền ảo" tại Trung Quốc có xu hướng chuyển đến các tỉnh miền nam nhiều thủy điện". 

Bắc Kinh muốn dẹp Bitcoin để bảo vệ đồng Yuan điện tử

Tuy nhiên, tương lai của các loại tiền ảo như Bitcoin, tại Trung Quốc, rất khó dự đoán. Tiền ảo Bitcoin không chỉ đe dọa mục tiêu chống hâm nóng Trái đất mà còn cạnh tranh cả với đồng yuan điện tử, mà Bắc Kinh đang muốn phát triển.

Theo hãng tin Bloomber, Trung Quốc có thể ra luật cấm sản xuất và bán tiền điện tử. Bloomberg dẫn nhận định của chuyên gia về các thị trường tiền ảo, ông Phillip Gillespie, sự phát triển của đồng tiền yuan điện tử, cùng với các quy định mới về tiền ảo tại Trung Quốc, có thể làm đảo lộn thị trường tiền ảo.

Bang đông bắc Ấn Độ đón dân tị nạn Miến Điện bất chấp lệnh cấm của trung ương

Các đàn áp của tập đoàn quân sự tại Miến Điện từ hơn hai tháng nay buộc rất nhiều người phải trốn khỏi đất nước. Trong số họ có nhiều cảnh sát và quân nhân không muốn cầm súng bắn vào nhân dân mình. Miền đông bắc Ấn Độ là nơi lánh nạn của khoảng 3.000 người Miến Điện. Bang Mizoram, cùng với ba bang Manipur, le Nagaland et l’Arunachal Pradesh, với đường biên giới tổng cộng hơn 1.600 km, là nơi đón nhận đầu tiên những người chạy nạn.

Tuy nhiên, vòng tay mở rộng của các bang đông bắc không được chính quyền trung ương hoan nghênh. Hôm 10/03, bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah gửi công văn yêu cầu chính quyền các bang nói trên có các biện pháp phù hợp để kiểm soát "dòng nhập cư bất hợp pháp" từ Miến Điện, tiến hành trục xuất ngay lập tức khi phát hiện.

Quan điểm chính thức của chính quyền trung ương gây phẫn nộ tại các bang đông bắc, nơi đông đảo cư dân vốn là những người cùng sắc tộc, với dân Miến Điện tị nạn, thậm chí cùng tôn giáo (đạo Thiên Chúa) hay nói cùng thổ ngữ. Một phóng sự của France 24, công bố hôm 07/04/2021, dẫn lời của nghị sĩ Lalrosanga, thành viên đảng Mặt trận Dân tộc cầm quyền tại bang Misoram, đông bắc Ấn Độ, đã phản đối quyết định của bộ Nội Vụ :

"Chúng tôi không đồng ý với lệnh của bộ Nội Vụ chính quyền liên bang, không đồng ý cho chúng tôi tiếp nhận những người tị nạn, và buộc phải trả người tị nạn về nước. Chúng tôi đoàn kết với họ. Đối với những người vượt biên giới để tị nạn ở chỗ chúng tôi, chúng tôi muốn bảo vệ họ, cung cấp cho họ các phương tiện mà họ cần".

Vào ngày 18/03, người lãnh đạo chính phủ bang Mizoram, ông Pu Zoramthanga, đã gửi thư cho thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh : "Mizoram không thể thờ ơ với nỗi đau khổ của những người tị nạn, Ấn Độ không thể nhắm mắt trước cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, đang diễn ra trước mắt chúng ta, ngay bên cạnh nhà mình…. Những người tị nạn là các anh chị em của chúng ta".

Chính quyền trung ương New Delhi chơi chính sách đi dây trong quan hệ với tập đoàn quân sự Miến Điện. Ấn Độ một mặt kêu gọi phục hồi dân chủ, trả tự do cho tù nhân chính trị, nhưng mặt khác không ủng hộ việc đón nhận người tị nạn, để tránh tạo cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng với tập đoàn quân sự. Gia tăng cứng rắn với dân tị nạn là chủ trương của New Delhi. Mới đây, ngày 08/04, Tòa Án Tối Cao Ấn Độ cho phép trục xuất 168 người tị nạn Rohingya, bị bắt ngày 06/03, về Miến Điện. Theo đại diện chính phủ, Ấn Độ không thể nào trở thành "trung tâm quốc tế của những người nhập cư bất hợp pháp". Prashant Bhushan, một luật sư bảo vệ người Rohingya, lên án chính quyền Ấn Độ vi phạm trắng trợn nhiều thỏa thuận quốc tế cấm trục xuất người tị nạn.

Trước mắt, thái độ cương quyết của chính quyền địa phương, cụ thể là bang Mizoram, vẫn giúp cho người tị nạn từ Miến Điện có được nơi lánh nạn tạm thời. Nhưng chính quyền bang có thể cưỡng lại trung ương đến khi nào ?

Vụ người da đen George Floyd thiệt mạng : Nhân chứng bác sĩ, một bước ngoặt ?

Vụ xử án viên cảnh sát Derek Chauvin tại Minneapolis, với cáo buộc giết hại người da đen George Floyd bước vào cuối tuần thứ hai. Sau khi bồi thẩm đoàn nghe hơn 30 nhân chứng, đến lượt các chuyên gia y tế vào cuộc. Các kết luận khoa học đầu tiên của các bác sĩ, đưa ra ngày 08/04/2021, đặt bên bào chữa trước sự thật khó có thể chối cãi. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một bước ngoặt trong vụ án người da đen George Floyd qua đời khi bị cảnh sát bắt giữ.

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

"Trong vòng 3 phút và 27 giây sau khi George Floyd trút hơi thở cuối cùng, viên cảnh sát Derek Chauvin vẫn tiếp tục chẹn đầu gối lên cổ nạn nhân. Đây là kết luận của vị chuyên gia về hô hấp nổi tiếng này trước bồi thẩm đoàn.

Đối với bác sĩ Martin Tobin, việc chẩn đoán cho thấy chắc chắn là ông Floyd đã chết vì thiếu oxy, do một lực ép quá mạnh, trong tư thế bụng áp sát lên mặt đường, hai tay bị trói quặt sau lưng. Hai đầu gối của viên cảnh sát, một đè lên cổ, một đè lên sườn, có tác động tương tự như một nhà phẫu thuật cắt lìa hai lá phổi của nạn nhân. Chuyên gia về hô hấp nói trên tóm tắt.

Về quan điểm phía luật sư của viên cảnh sát Derek Chauvin, cho rằng nguyên nhân cái chết của nạn nhân có thể là do dùng ma túy quá liều và tim yếu, vị chuyên gia y tế nói trên đã bác bỏ một cách từ tốn, với nhiều thông tin chi tiết. Theo bác sĩ Martin Tobin, thì "ngay cả một người khỏe mạnh, nếu phải chịu những gì xảy ra với ông Floyd cũng sẽ tử vong".

Luật sư của viên cảnh sát phản đối : "Tất cả những điều ông nói chỉ là các giả thiết !". ‘’Không !", bác sĩ trả lời. "Tất cả điều này có thể kiểm chứng bằng số liệu". Và để chứng minh điều này, trước mặt bồi thẩm đoàn, bác sĩ Tobin đã đếm số lần thở của George Floyd.

Đối với bên bào chữa, đây là một lời chứng khủng khiếp ! Thật là rõ như ban ngày ! Việc bác sĩ Tobin ra trước bồi thẩm đoàn có thể là một bước ngoặt trong vụ án này".

Tuy nhiên, trong phiên tòa tiếp theo, ngày 09/04, bên bào chữa ghi được một điểm, với việc bác sĩ Andrew Baker, người thực hiện giải phẫu pháp y đầu tiên, sau khi nạn nhân tử vong, khẳng định ông George Floyd chết là do bị chẹt cổ, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cái chết.

Covid : Biến thể Brazil gây lo sợ không chỉ tại Nam Mỹ

Từ vài tuần nay, biến thể Covid Brazil tàn phá không chỉ quốc gia này, mà đe dọa các láng giềng Nam Mỹ. Với 300.000 người chết, Brazil chiếm 10% số tử vong do Covid, cho dù dân số chỉ là 3%. Nguyên nhân chủ yếu là do biến thể "P.1", thường gọi là biến thể Brazil. Hệ thống y tế Perou có nguy cơ vỡ trận vì biến thể này. Mức độ lây nhiễm cao hơn nhiều, người bệnh phải nhập viện trẻ hơn nhiều, nhiều người từng nhiễm tái nhiễm trở lại với biến thể mới. Trên đây là những điều khiến biến thể Brazil gây lo ngại đặc biệt.

Phóng sự của thông tín viên Wyloën Munhoz-Boillot gửi về từ Lima :

"Từ nhiều tuần nay, bệnh viện San Isidro Labrador, dành cho các bệnh nhân Covid, nằm ở khu phố Ate, phía đông thủ đô Lima, hoàn toàn quá tải, như bác sĩ Luis Palomino cho biết : "Tất cả giường bệnh và giường điều trị tăng cường đã kín người. Chúng tôi phải đón tạm bệnh nhân trên các xe lăn và cáng cứu thương".

Bệnh nhân do biến thể Brazil chiếm trung bình đến 40% các ca mới nhiễm virus corona ở Lima, và tại khu phố dân nghèo này, nơi dịch bệnh hoành hành., tỉ lệ này là 60%. Vẫn theo bác sĩ Luis Palomino, "có nhiều gia đình, cả nhà bị nhiễm virus. Chúng tôi thấy bệnh nhân trẻ hơn so với đợt dịch đầu tiên. Có nhiều bệnh nhân trong lứa tuổi từ 26, 30 hay 35 tuổi, trong tình trạng nghiêm trọng, cần phải được trợ thở tại phòng điều trị hồi sức. Trong số những người trẻ này, đã có một số người chết. Trong phần lớn các trường hợp, đây là do tái nhiễm, có nghĩa là những người đã từng bị Covid, và đã khỏi bệnh.

Đây là một điểm đặc thù của biến thể Brazil đang lan rộng tại Perou trong những tuần này, khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Chuyên gia về các bệnh lây nhiễm Juan Celis ghi nhận : "Có rất nhiều bệnh nhân vốn từng bị nhiễm virus trong đợt dịch đầu tiên, lại bị nhiễm thêm một lần nữa. Chúng ta biết rằng biến thể này có mức độ lây nhiễm mạnh hơn, tải lượng virus cao hơn 10 lần so với chủng thông thường. Điều này thật kinh khủng, bởi vì với nguy cơ tái nhiễm và mức độ lây nhiễm cao hơn hiện nay, số lượng các ca nhiễm tăng nhanh chóng hơn, và cùng với đó là số lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng vọt, khiến hệ thống y tế bị quá tải".

Để ngăn chặn hiện tượng này, cơ quan y tế Peru khuyến cáo dân cư nên mang hai khẩu trang. Bên cạnh đó, chính quyền cũng vừa quyết định triển hạn ít nhất là hai tuần lệnh đình chỉ các chuyến bay đến từ Brazil".

Biến thể Brazil P1 cho đến nay được xác nhận đã có mặt tại hơn 20 quốc gia. Ngoài nhiều nước Nam Mỹ, virus này đã có mặt tại Mỹ, Canada, Pháp.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 10/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)