Mỹ ban hành quy tắc mới cho phép tiếp xúc tự do hơn với quan chức Đài Loan
Trọng Nghĩa, RFI, 10/04/2021
Bộ ngoại giao Mỹ vào hôm qua 09/04/2021 đã công bố các quy tắc mới về các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức chính phủ Hoa Kỳ với các quan chức Đài Loan theo chiều hướng giảm nhẹ các hạn chế hiện hành.
Trong một thông cáo loan báo sự thay đổi, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định quyết tâm của chính quyền Biden "tự do hóa" các quy tắc để phản ánh "mối quan hệ không chính thức ngày càng sâu sắc" giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, bản hướng dẫn được sửa đổi không bao gồm tất cả những thay đổi từng được cựu ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra trong những ngày cuối của chính quyền Trump.
Vào khi ấy, ông Pompeo đã dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế đối với các cuộc tiếp xúc với các quan chức Đài Loan, bao gồm cả việc cho phép các sĩ quan quân đội Đài Loan mặc quân phục và treo cờ Đài Loan tại các cuộc họp với các quan chức Mỹ. Những thay đổi loan báo hôm qua không thấy nói về những vấn đề đó, mặc dù vẫn tiếp tục cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ các đồng cấp Đài Loan ngay tại các cơ sở liên bang.
Bản thông cáo nói rõ : "Những hướng dẫn mới này là một bước tiến so với các phiên bản trước đó… bằng cách khuyến khích các hoạt động giao tiếp với các đối tác Đài Loan và xóa bỏ các hạn chế không cần thiết". Theo hãng tin Anh Reuters, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ chẳng hạn đã cho biết rằng bản hướng dẫn mới khuyến khích các cuộc họp theo cấp làm việc với quan chức Đài Loan tại các tòa nhà liên bang và cũng có thể diễn ra tại văn phòng đại diện của Đài Loan, điều trước đây đã bị cấm.
Cho đến gần đây, chính quyền Mỹ đã tự áp đặt một số hạn chế khi tiếp xúc với các đại diện và quan chức Đài Loan. Tuy nhiên, với quyết định nới lỏng từ thời cựu ngoại trưởng Pompeo, Washington đã nhiều lần phá bỏ các ràng buộc.
Chính quyền của tổng thống Joe Biden chẳng hạn đã mời "đại sứ không chính thức" của Đài Loan đến dự lễ nhậm chức của tổng thống Biden, và mới đây đã cử ông John Hennesey Niland, đại sứ Mỹ tại Palau, đến thăm Đài Loan.
Mỹ đưa 7 cơ sở phát triển siêu máy tính Trung Quốc vào sổ đen
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết hôm 08/04/2021 cho biết đã bổ sung bảy thực thể hoat động trong lĩnh vực siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế của Mỹ vì đã hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Bắc Kinh.
Các cơ sở bị cho vào sổ đen bao gồm Công Nghệ Thông Tin Thiên Tân Phytium (Tianjin Phytium Information Technology), Trung Tâm Thiết Kế IC Hiệu Suất Cao Thượng Hải (Shanghai High-Performance Integrated Circuit Design Center), Vi Điện Tử Sunway (Sunway Microelectronics), cùng với 4 Trung Tâm Siêu Máy Tính Quốc Gia ở Tế Nam, Thâm Quyến, Vô Tích và Trịnh Châu.
Trong bối cảnh đó, Thượng Viện Mỹ đang chuẩn bị xem xét một dự luật sâu rộng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dự luật mang tên "Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ủng hộ đã được công bố hôm 08/04/2021 vừa qua, và sẽ được Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ xem xét vào ngày 21 tháng Tư thay vì 14/04 như dự kiến ban đầu.
Trọng Nghĩa
*********************
Quốc hội Mỹ đề xuất chiến lược đối phó với những "thách thức" Trung Quốc
Minh Anh, RFI, 09/04/2021
Thứ Năm, ngày 08/04/2021, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đệ trình một dự luật giúp Hoa Kỳ đối phó với những "thách thức" do Trung Quốc đặt ra. Dự luật đặc biệt tìm cách kềm hãm nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ và củng cố mối liên hệ giữa Washington và Đài Bắc.
AFP nhận định đây là một đồng thuận hiếm có tại Quốc hội Mỹ, vốn dĩ bị chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Dự luật mang tên "Strategic Competition Act", tạo dựng một khuôn khổ chiến lược cho quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, được lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại đảng Dân Chủ tại Thượng Viện và nhân vật số hai đảng Cộng Hòa, cùng đề xuất.
Theo mô tả của ông Bob Menendez, thượng nghị sĩ Dân Chủ, dự luật này huy động mọi công cụ chiến lược, kinh tế và ngoại giao của Mỹ để thực hiện một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho phép Hoa Kỳ "thật sự đối mặt với những thách thức do Trung Quốc đặt ra cho an ninh và kinh tế" đất nước.
Dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm thiết lập một danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là đã có hành động đánh cắp sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho một doanh nghiệp hay một lĩnh vực nào đó của Mỹ. Luật cũng sẽ đòi hỏi một báo cáo đánh giá về những ngược đãi nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ như hãm hiếp, cưỡng bức phá thai, hay giam cầm tùy tiện…
Văn bản cũng sẽ tái khẳng định sự hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan, và đề nghị Washington áp dụng với chính quyền Đài Bắc "cùng một nghi thức lễ tân" như với các quốc gia khác.
Washington trừng phạt 7 thực thể Trung Quốc
Cũng trong ngày thứ Năm, 08/04, bộ Thương Mại Mỹ đưa thêm 7 doanh nghiệp Trung Quốc chuyên về siêu máy tính vào danh sách các doanh nghiệp bị trừng phạt. Washington cho rằng những doanh nghiệp này đe dọa an ninh nước Mỹ. Thông cáo của bộ Thương Mại Mỹ nêu rõ những biện pháp trừng phạt này nhằm "ngăn cản Trung Quốc lợi dụng các ngành công nghệ Mỹ để hỗ trợ những nỗ lực gây bất ổn cho việc hiện đại hóa quân sự Mỹ".
Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ gây ra những thảm họa nhân đạo
Về phần mình, Bắc Kinh hôm nay, 09/04/2021, lên án các chiến dịch can thiệp quân sự nước ngoài của Mỹ đã gây ra những thảm họa nhân đạo. Tân Hoa Xã trích dẫn nội dung báo cáo do Hiệp hội Nghiên cứu Nhân quyền Trung Quốc, được chính phủ hậu thuẫn, nói rằng những cuộc chiến bên ngoài do Mỹ phát động dưới cái cớ "can thiệp nhân đạo" đã dẫn đến nhiều thương vong hàng loạt, bất ổn xã hội, khủng hoảng sinh thái, chấn thương tâm lý và nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.
Hãng thông tấn chính thức của Bắc Kinh còn chỉ trích rằng "cuộc khủng hoảng nhân đạo do những chiến dịch quân sự đó gây ra bắt nguồn từ tâm lý bá quyền của Mỹ. Điều đó cho thấy rằng các thảm họa có thể tránh được chỉ khi nào Hoa Kỳ từ bỏ kiểu tư duy này được thúc đẩy bởi sự tư lợi".