Trọng Nghĩa, RFI, 10/04/2021
Bộ ngoại giao Mỹ vào hôm qua 09/04/2021 đã công bố các quy tắc mới về các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức chính phủ Hoa Kỳ với các quan chức Đài Loan theo chiều hướng giảm nhẹ các hạn chế hiện hành.
Trong một thông cáo loan báo sự thay đổi, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định quyết tâm của chính quyền Biden "tự do hóa" các quy tắc để phản ánh "mối quan hệ không chính thức ngày càng sâu sắc" giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, bản hướng dẫn được sửa đổi không bao gồm tất cả những thay đổi từng được cựu ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra trong những ngày cuối của chính quyền Trump.
Vào khi ấy, ông Pompeo đã dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế đối với các cuộc tiếp xúc với các quan chức Đài Loan, bao gồm cả việc cho phép các sĩ quan quân đội Đài Loan mặc quân phục và treo cờ Đài Loan tại các cuộc họp với các quan chức Mỹ. Những thay đổi loan báo hôm qua không thấy nói về những vấn đề đó, mặc dù vẫn tiếp tục cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ các đồng cấp Đài Loan ngay tại các cơ sở liên bang.
Bản thông cáo nói rõ : "Những hướng dẫn mới này là một bước tiến so với các phiên bản trước đó… bằng cách khuyến khích các hoạt động giao tiếp với các đối tác Đài Loan và xóa bỏ các hạn chế không cần thiết". Theo hãng tin Anh Reuters, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ chẳng hạn đã cho biết rằng bản hướng dẫn mới khuyến khích các cuộc họp theo cấp làm việc với quan chức Đài Loan tại các tòa nhà liên bang và cũng có thể diễn ra tại văn phòng đại diện của Đài Loan, điều trước đây đã bị cấm.
Cho đến gần đây, chính quyền Mỹ đã tự áp đặt một số hạn chế khi tiếp xúc với các đại diện và quan chức Đài Loan. Tuy nhiên, với quyết định nới lỏng từ thời cựu ngoại trưởng Pompeo, Washington đã nhiều lần phá bỏ các ràng buộc.
Chính quyền của tổng thống Joe Biden chẳng hạn đã mời "đại sứ không chính thức" của Đài Loan đến dự lễ nhậm chức của tổng thống Biden, và mới đây đã cử ông John Hennesey Niland, đại sứ Mỹ tại Palau, đến thăm Đài Loan.
Mỹ đưa 7 cơ sở phát triển siêu máy tính Trung Quốc vào sổ đen
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết hôm 08/04/2021 cho biết đã bổ sung bảy thực thể hoat động trong lĩnh vực siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế của Mỹ vì đã hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Bắc Kinh.
Các cơ sở bị cho vào sổ đen bao gồm Công Nghệ Thông Tin Thiên Tân Phytium (Tianjin Phytium Information Technology), Trung Tâm Thiết Kế IC Hiệu Suất Cao Thượng Hải (Shanghai High-Performance Integrated Circuit Design Center), Vi Điện Tử Sunway (Sunway Microelectronics), cùng với 4 Trung Tâm Siêu Máy Tính Quốc Gia ở Tế Nam, Thâm Quyến, Vô Tích và Trịnh Châu.
Trong bối cảnh đó, Thượng Viện Mỹ đang chuẩn bị xem xét một dự luật sâu rộng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dự luật mang tên "Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ủng hộ đã được công bố hôm 08/04/2021 vừa qua, và sẽ được Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ xem xét vào ngày 21 tháng Tư thay vì 14/04 như dự kiến ban đầu.
Minh Anh, RFI, 09/04/2021
Thứ Năm, ngày 08/04/2021, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đệ trình một dự luật giúp Hoa Kỳ đối phó với những "thách thức" do Trung Quốc đặt ra. Dự luật đặc biệt tìm cách kềm hãm nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ và củng cố mối liên hệ giữa Washington và Đài Bắc.
AFP nhận định đây là một đồng thuận hiếm có tại Quốc hội Mỹ, vốn dĩ bị chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Dự luật mang tên "Strategic Competition Act", tạo dựng một khuôn khổ chiến lược cho quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, được lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại đảng Dân Chủ tại Thượng Viện và nhân vật số hai đảng Cộng Hòa, cùng đề xuất.
Theo mô tả của ông Bob Menendez, thượng nghị sĩ Dân Chủ, dự luật này huy động mọi công cụ chiến lược, kinh tế và ngoại giao của Mỹ để thực hiện một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho phép Hoa Kỳ "thật sự đối mặt với những thách thức do Trung Quốc đặt ra cho an ninh và kinh tế" đất nước.
Dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm thiết lập một danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là đã có hành động đánh cắp sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho một doanh nghiệp hay một lĩnh vực nào đó của Mỹ. Luật cũng sẽ đòi hỏi một báo cáo đánh giá về những ngược đãi nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ như hãm hiếp, cưỡng bức phá thai, hay giam cầm tùy tiện…
Văn bản cũng sẽ tái khẳng định sự hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan, và đề nghị Washington áp dụng với chính quyền Đài Bắc "cùng một nghi thức lễ tân" như với các quốc gia khác.
Cũng trong ngày thứ Năm, 08/04, bộ Thương Mại Mỹ đưa thêm 7 doanh nghiệp Trung Quốc chuyên về siêu máy tính vào danh sách các doanh nghiệp bị trừng phạt. Washington cho rằng những doanh nghiệp này đe dọa an ninh nước Mỹ. Thông cáo của bộ Thương Mại Mỹ nêu rõ những biện pháp trừng phạt này nhằm "ngăn cản Trung Quốc lợi dụng các ngành công nghệ Mỹ để hỗ trợ những nỗ lực gây bất ổn cho việc hiện đại hóa quân sự Mỹ".
Về phần mình, Bắc Kinh hôm nay, 09/04/2021, lên án các chiến dịch can thiệp quân sự nước ngoài của Mỹ đã gây ra những thảm họa nhân đạo. Tân Hoa Xã trích dẫn nội dung báo cáo do Hiệp hội Nghiên cứu Nhân quyền Trung Quốc, được chính phủ hậu thuẫn, nói rằng những cuộc chiến bên ngoài do Mỹ phát động dưới cái cớ "can thiệp nhân đạo" đã dẫn đến nhiều thương vong hàng loạt, bất ổn xã hội, khủng hoảng sinh thái, chấn thương tâm lý và nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.
Hãng thông tấn chính thức của Bắc Kinh còn chỉ trích rằng "cuộc khủng hoảng nhân đạo do những chiến dịch quân sự đó gây ra bắt nguồn từ tâm lý bá quyền của Mỹ. Điều đó cho thấy rằng các thảm họa có thể tránh được chỉ khi nào Hoa Kỳ từ bỏ kiểu tư duy này được thúc đẩy bởi sự tư lợi".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, chủ trương thống nhất với Đài Loan (RFA, 21/10/2019)
Tại diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 khai mạc vào ngày 21/10 ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đã có bài phát biểu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Đông và Hoa Đông đang tranh chấp với các nước, đồng thời khẳng định lập trường thống nhất với Đài Loan của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh hôm 21/10/2019 - AP
Tướng Ngụy Phượng Hòa phát biểu : "Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi".
Biển Đông và Hoa Đông là hai vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng, trong đó ở Biển Đông là với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, ở biển Hoa Đông là với Nhật Bản trong đó có quần đảo Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát.
Cũng trong bài phát biểu của mình, tướng Ngụy Phượng Hòa đã nói đến vấn đề Đài Loan, khẳng định Bắc Kinh sẽ thống nhất với Đài Loan.
"Giải quyết câu hỏi Đài Loan để có được sự thống nhất toàn vẹn là xu hướng không tránh khỏi của thời đại, quyền lợi quốc gia lớn nhất của Trung Quốc, là con đường đúng đắn phải đi theo và là sự mong mỏi của người dân Trung Quốc", tướng Ngụy Phượng Hòa phát biểu.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng có ý nói đến sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Đài Loan khi nhấn mạnh : "không có ai, không có thế lực nào có thể dừng việc thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc".
Diễn đàn Hương Sơn do Trung Quốc tổ chức là một diễn đàn đối trọng với diễn đàn Shangri-la được tổ chức vào tháng 6 hàng năm ở Singapore, quy tụ các lãnh đạo quốc phòng và chuyên gia từ nhiều nước.
Tại diễn đàn Hương Sơn lần này với chủ đề "Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình tại Châu Á – Thái Bình Dương", Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng tham dự.
Theo báo Quân đội Nhân dân, việc đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn Hương Sơn lần này nhằm tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực ; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói : "Lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982. Chúng tôi cho rằng sự khác biệt giữa các bên là khó tránh khỏi nhưng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực".
*****************
Trung Quốc : "Dứt khoát" thống nhất Đài Loan (RFI, 21/10/2019)
Trung Quốc kiên quyết "thống nhất" Đài Loan cũng như không "bỏ một tất đất" ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong phiên khai mạc Diễn đàn An ninh Hương Sơn, Bắc Kinh ngày 21/10/2019 trước 500 đại biểu của 67 nước, trong số 100 nước được mời tham dự.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trước khi phát biểu trên Diễn đàn Hương Sơn, bắc Kinh, ngày 21/10/2019. Reuters/Jason Lee
Từ khi bà Thái Anh Văn, đắc cử tổng thống Đài Loan năm 2016, quan hệ hai bờ eo biển càng ngày càng căng thẳng. Cho dù Đài Bắc chưa một lần nói đến khả năng tuyên bố độc lập, Bắc Kinh luôn đe dọa dùng vũ lực để chiếm hải đảo.
Trong chiều hướng này, qua bài diễn văn mang nội dung răn đe, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lưu ý "Trung Quốc là đại cường duy nhất trên thế giới chưa đạt được mục tiêu thống nhất toàn vẹn lãnh thổ". Một lần nữa, ông nhấn mạnh "không một cá nhân nào hay một thế lực nào có thể ngăn cản được quyết tâm thống nhất Đài Loan".
Những lời tuyên bố đe dọa trên đây được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực ngoại giao cô lập Đài Loan. Trong vòng ba năm, 7 nước bạn quay lưng với Đài Loan để bang giao với Bắc Kinh.
Sau những lời đe dọa, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố muốn "duy trì quan hệ tốt với hải đảo", AFP cho biết thêm.
Về Biển Đông, trong bối cảnh bị nhiều nước láng giềng lên án tranh giành chủ quyền, bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "lãnh thổ bất khả phân" của Trung Quốc và Bắc Kinh "không để mất một tấc đất của tổ tiên để lại».
Theo chuyên gia Timothy Heath, thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế RAND Corporation, những lời tuyên bố trên đây của Trung Quốc là nhằm bày tỏ thái độ bất bình đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc không có khả năng buộc Hoa Kỳ rút khỏi khu vực.
Một tháng trước khi khai mạc Diễn đàn Hương Sơn lần thứ sáu, được Trung Quốc xem là để "cạnh tranh" với Diễn đàn An ninh Sangri-la ở Singapore, Bắc Kinh cho biết đã mời 100 nước.
Trong số 67 nước nhận lời tham dự có phái đoàn Việt Nam do tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam làm trưởng đoàn.
Tú Anh
Thể thao : Điểm xung khắc giữa Bắc Kinh và Đài Bắc
Căng thẳng hai bên eo bờ biển Đài Loan giờ lan sang cả lĩnh vực thể thao. Hai tay golf nữ Trung Quốc đã bất ngờ rút ra khỏi cuộc tranh tài LPGA tại Đài Bắc.
Shanshan Feng, golf nữ Trung Quốc, đứng hạng 9 thế giới. Ảnh chụp ngày 2/08/2018. Action Images via Reuters/Jason Cairnduff/File Photo
Báo Les Echos số ra ngày 26/10/2018 nhận định "Thể thao, nguồn xung khắc giữa Trung Quốc và Đài Loan".
Thứ Năm 25/10, trận đấu golf nữ Swinging Skirts của vòng đua LPGA khai mạc nhưng không có sự góp mặt của hai tay golf nữ Trung Quốc, cô Feng Shanshan, hạng 9 thế giới và Liu Yu. Hai người này đã bất ngờ rút tên thi đấu nhưng không đưa ra lời giải thích.
Theo hãng tin Reuters, được nhật báo trích dẫn, một nhân vật "cấp cao" tại Trung Quốc dường như đã gây áp lực với hai tay golf này trong tuần rồi nhân cuộc tranh tài ở Thượng Hải, buộc hai người này không đến dự cuộc đua ở Đài Bắc.
Quyết định rút tên thi đấu của hai vận động viên Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gay gắt giữa Bắc Kinh và tỉnh "nổi loạn" mà Trung Quốc vẫn xem như là một phần lãnh thổ.
Les Echos nhắc lại, hôm thứ Bảy 20/10/2018 hàng chục ngàn người đã xuống đường tuần hành kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập cho Đài Loan. Đương nhiên, cuộc biểu tình rầm rộ có quy mô chưa từng thấy này không làm Bắc Kinh hài lòng.
Chế độ cộng sản Trung Quốc cảnh báo sẽ dùng vũ lực nếu như Đài Loan có ý định độc lập chính thức. Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), ngay hôm sau ngày Hoa Kỳ đưa tầu chiến đi qua eo biển Đài Loan đã khẳng định "Trung Quốc sẽ không từ bỏ một tấc đất" và đe dọa quân đội nước này sẽ "hành động bất cứ giá nào" để chống lại mọi ý định đòi ly khai.
Tái thiết Syria, Nga có thật sự cần đến Châu Âu ?
Đây là câu hỏi La Croix đặt cho hai nhà nghiên cứu Thomas Pierret, chuyên gia về Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), và ông Ziad Majed, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Trung Đông, đại học Hoa Kỳ ở Paris, trên mục tranh luận.
Chuyên gia Thomas Pierret, không vòng vo nói thẳng Nga chỉ cần tiền của Liên Hiệp Châu Âu. Trên thực tế, để tái thiết Syria, tổng thống Nga xác định chỉ có hai nguồn tài chính tiềm tàng : Các vương quốc vùng Vịnh và Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, với đối tác Ả Rập, Nga khó có thể trông cậy do yếu tố Iran, đối thủ hàng đầu của các nước vùng Vịnh trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Trung Cận Đông.
Về phần Liên Hiệp Châu Âu, từ lâu chính quyền Moskva công khai khẳng định rằng khối này phải chi trả tiền tái thiết. Nhưng lập trường của Liên Hiệp cũng rất rõ ràng chỉ tài trợ khi nào có chuyển đổi chính trị.
Dù vậy, điện Kremlin cũng hy vọng đạt được một thỏa thuận nào đó với Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ này khi đặt dùng đến lá bài "người tị nạn" như là một lá bài mặc cả.
Về phần mình, ông Ziad Majed thì cho rằng "Nga muốn thúc đẩy Châu Âu đi đến bình thường hóa quan hệ với chế độ Damascus". Bởi vì, cả Nga và Iran đều không đủ phương tiện kinh tế để hỗ trợ tái thiết Syria, tuy cả hai đều là cường quốc quân sự. Do vậy, theo ông, cả Moskvaa và Teheran đều cần đến "túi tiền" của Liên Hiệp. Và như vậy, thông qua tài trợ tái thiết, Bruxelles có thể bình thường hóa quan hệ với Damascus.
Stephen Hawking : Người đi nhưng tiếng nói vẫn còn
Trở lại với Les Echos, nhưng trên mục giới thiệu sách. Nhật báo kinh tế cho biết "Stephen Hawking vẫn còn nói chuyện với chúng ta". Nhà xuất bản Odile Jacob vừa phát hành tập sách di chúc của nhà vật lý thiên văn học, qua đời cách nay 7 tháng. Les Echos trích dẫn một vài đoạn.
Hawking tự nhủ với bản thân : "Đối với các đồng nghiệp của tôi, là một nhà vật lý như bao người khác ; nhưng đối với công chúng, tôi đã là nhà khoa học vĩ đại nhất trong số các nhà khoa học còn đương sống. Đó là nhờ vào việc có rất ít các nhà bác học, ngoại trừ Einstein, có được vị thế "rock-star, và còn hơn thế nữa, bởi vì tôi hoàn toàn hợp với hình mẫu thần đồng tật nguyền.
Tôi cũng không thể nào ngụy trang bằng bộ tóc giả và bộ kính đen vì như vậy tôi sẽ bị lật tẩy bởi chiếc xe lăn. Trở nên nổi tiếng và dễ dàng nhận diện có điểm lợi và điều bất lợi. Nhưng cái lợi đã thắng thế. Người ta có vẻ thật sự vui khi thấy tôi và tôi đã phá tan kỷ lục số người hâm mộ khi tôi đến mở màn Thế Vận Hội Những người khuyết tật Luân Đôn năm 2012".
Trang nhất các báo Pháp
Chủ đề trên trang nhất các báo Pháp ngày 26/10/2018 khá tản mạn. Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos nói đến "Các nghịch lý trong mô hình doanh nghiệp Pháp". Theo kết quả nghiên cứu của France Stratégie, các doanh nghiệp Pháp đầu tư nhiều nhưng không tạo ra được nhiều việc làm.
Cũng tại Pháp nhưng trong lĩnh vực truyền thông, Libération trên trang nhất quan tâm đến một nhân vật "Daniel Kretinsky, người đang thâu tóm ngành báo chí". Bởi vì, lần lượt các tờ báo lớn Elle, Mariane, rồi bây giờ nhật báo lớn có uy tín Le Monde lần lượt rơi vào tay ông, nhà tỷ phú trong ngành năng lượng.
Về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp đến qua hàng tít "Liên Hiệp Châu Âu : Macron muốn chia rẽ phe chủ nghĩa dân tộc". Một chiến lược mà Le Figaro trong bài xã luận đánh giá là "mạo hiểm".
Le Monde chạy tít "Giá nhà thuê tăng vọt, một vấn đề nhức nhối tại Châu Âu". Tầng lớp trung lưu giờ khó có thể tìm được một chỗ ở tại những khu đô thị lớn của Châu Âu do giá nhà thuê đắt đỏ. Đặc biệt, giới trẻ mới ra trường chịu ảnh hưởng nặng nề do khan hiếm nhà cho thuê với giá vừa phải.
Về phần mình, La Croix nói đến "Nỗi ngán ngẩm của người dân Brazil". Tham nhũng, mất an ninh, khủng hoảng kinh tế…. Rất nhiều người dân Brazil từ bỏ giới chính trị gia cũ để ủng hộ ứng viên cực hữu Jair Bolsonaro.
Minh Anh