Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/10/2018

Điểm báo Pháp - Điểm xung khắc giữa Bắc Kinh và Đài Bắc

RFI tiếng Việt

Thể thao : Điểm xung khắc giữa Bắc Kinh và Đài Bắc

Căng thẳng hai bên eo bờ biển Đài Loan giờ lan sang cả lĩnh vực thể thao. Hai tay golf nữ Trung Quốc đã bất ngờ rút ra khỏi cuộc tranh tài LPGA tại Đài Bắc.

sport1

Shanshan Feng, golf nữ Trung Quốc, đứng hạng 9 thế giới. Ảnh chụp ngày 2/08/2018. Action Images via Reuters/Jason Cairnduff/File Photo

Báo Les Echos số ra ngày 26/10/2018 nhận định "Thể thao, nguồn xung khắc giữa Trung Quốc và Đài Loan".

Thứ Năm 25/10, trận đấu golf nữ Swinging Skirts của vòng đua LPGA khai mạc nhưng không có sự góp mặt của hai tay golf nữ Trung Quốc, cô Feng Shanshan, hạng 9 thế giới và Liu Yu. Hai người này đã bất ngờ rút tên thi đấu nhưng không đưa ra lời giải thích.

Theo hãng tin Reuters, được nhật báo trích dẫn, một nhân vật "cấp cao" tại Trung Quốc dường như đã gây áp lực với hai tay golf này trong tuần rồi nhân cuộc tranh tài ở Thượng Hải, buộc hai người này không đến dự cuộc đua ở Đài Bắc.

Quyết định rút tên thi đấu của hai vận động viên Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gay gắt giữa Bắc Kinh và tỉnh "nổi loạn" mà Trung Quốc vẫn xem như là một phần lãnh thổ.

Les Echos nhắc lại, hôm thứ Bảy 20/10/2018 hàng chục ngàn người đã xuống đường tuần hành kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập cho Đài Loan. Đương nhiên, cuộc biểu tình rầm rộ có quy mô chưa từng thấy này không làm Bắc Kinh hài lòng.

Chế độ cộng sản Trung Quốc cảnh báo sẽ dùng vũ lực nếu như Đài Loan có ý định độc lập chính thức. Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), ngay hôm sau ngày Hoa Kỳ đưa tầu chiến đi qua eo biển Đài Loan đã khẳng định "Trung Quốc sẽ không từ bỏ một tấc đất" và đe dọa quân đội nước này sẽ "hành động bất cứ giá nào" để chống lại mọi ý định đòi ly khai.

Tái thiết Syria, Nga có thật sự cần đến Châu Âu ?

Đây là câu hỏi La Croix đặt cho hai nhà nghiên cứu Thomas Pierret, chuyên gia về Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), và ông Ziad Majed, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Trung Đông, đại học Hoa Kỳ ở Paris, trên mục tranh luận.

Chuyên gia Thomas Pierret, không vòng vo nói thẳng Nga chỉ cần tiền của Liên Hiệp Châu Âu. Trên thực tế, để tái thiết Syria, tổng thống Nga xác định chỉ có hai nguồn tài chính tiềm tàng : Các vương quốc vùng Vịnh và Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, với đối tác Ả Rập, Nga khó có thể trông cậy do yếu tố Iran, đối thủ hàng đầu của các nước vùng Vịnh trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Trung Cận Đông.

Về phần Liên Hiệp Châu Âu, từ lâu chính quyền Moskva công khai khẳng định rằng khối này phải chi trả tiền tái thiết. Nhưng lập trường của Liên Hiệp cũng rất rõ ràng chỉ tài trợ khi nào có chuyển đổi chính trị.

Dù vậy, điện Kremlin cũng hy vọng đạt được một thỏa thuận nào đó với Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ này khi đặt dùng đến lá bài "người tị nạn" như là một lá bài mặc cả.

Về phần mình, ông Ziad Majed thì cho rằng "Nga muốn thúc đẩy Châu Âu đi đến bình thường hóa quan hệ với chế độ Damascus". Bởi vì, cả Nga và Iran đều không đủ phương tiện kinh tế để hỗ trợ tái thiết Syria, tuy cả hai đều là cường quốc quân sự. Do vậy, theo ông, cả Moskvaa và Teheran đều cần đến "túi tiền" của Liên Hiệp. Và như vậy, thông qua tài trợ tái thiết, Bruxelles có thể bình thường hóa quan hệ với Damascus.

Stephen Hawking : Người đi nhưng tiếng nói vẫn còn

Trở lại với Les Echos, nhưng trên mục giới thiệu sách. Nhật báo kinh tế cho biết "Stephen Hawking vẫn còn nói chuyện với chúng ta". Nhà xuất bản Odile Jacob vừa phát hành tập sách di chúc của nhà vật lý thiên văn học, qua đời cách nay 7 tháng. Les Echos trích dẫn một vài đoạn.

Hawking tự nhủ với bản thân : "Đối với các đồng nghiệp của tôi, là một nhà vật lý như bao người khác ; nhưng đối với công chúng, tôi đã là nhà khoa học vĩ đại nhất trong số các nhà khoa học còn đương sống. Đó là nhờ vào việc có rất ít các nhà bác học, ngoại trừ Einstein, có được vị thế "rock-star, và còn hơn thế nữa, bởi vì tôi hoàn toàn hợp với hình mẫu thần đồng tật nguyền.

Tôi cũng không thể nào ngụy trang bằng bộ tóc giả và bộ kính đen vì như vậy tôi sẽ bị lật tẩy bởi chiếc xe lăn. Trở nên nổi tiếng và dễ dàng nhận diện có điểm lợi và điều bất lợi. Nhưng cái lợi đã thắng thế. Người ta có vẻ thật sự vui khi thấy tôi và tôi đã phá tan kỷ lục số người hâm mộ khi tôi đến mở màn Thế Vận Hội Những người khuyết tật Luân Đôn năm 2012".

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề trên trang nhất các báo Pháp ngày 26/10/2018 khá tản mạn. Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos nói đến "Các nghịch lý trong mô hình doanh nghiệp Pháp". Theo kết quả nghiên cứu của France Stratégie, các doanh nghiệp Pháp đầu tư nhiều nhưng không tạo ra được nhiều việc làm.

Cũng tại Pháp nhưng trong lĩnh vực truyền thông, Libération trên trang nhất quan tâm đến một nhân vật "Daniel Kretinsky, người đang thâu tóm ngành báo chí". Bởi vì, lần lượt các tờ báo lớn Elle, Mariane, rồi bây giờ nhật báo lớn có uy tín Le Monde lần lượt rơi vào tay ông, nhà tỷ phú trong ngành năng lượng.

Về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp đến qua hàng tít "Liên Hiệp Châu Âu : Macron muốn chia rẽ phe chủ nghĩa dân tộc". Một chiến lược mà Le Figaro trong bài xã luận đánh giá là "mạo hiểm".

Le Monde chạy tít "Giá nhà thuê tăng vọt, một vấn đề nhức nhối tại Châu Âu". Tầng lớp trung lưu giờ khó có thể tìm được một chỗ ở tại những khu đô thị lớn của Châu Âu do giá nhà thuê đắt đỏ. Đặc biệt, giới trẻ mới ra trường chịu ảnh hưởng nặng nề do khan hiếm nhà cho thuê với giá vừa phải.

Về phần mình, La Croix nói đến "Nỗi ngán ngẩm của người dân Brazil". Tham nhũng, mất an ninh, khủng hoảng kinh tế…. Rất nhiều người dân Brazil từ bỏ giới chính trị gia cũ để ủng hộ ứng viên cực hữu Jair Bolsonaro.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)