Ngoại trưởng Mỹ gặp lãnh đạo thân dân chủ Hong Kong (VOA, 18/05/2019)
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp nhà lãnh đạo thân dân chủ Hồng Kông Martin Lee hôm 16/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, giữa lúc các nhà hoạt động Hồng Kông tìm cách ngăn chặn một đạo luật dẫn độ do Bắc Kinh hối thúc.
Nhà lập pháp thân dân chủ Hồ Chí Vỹ, ở giữa, xô xát với nhân viên an ninh tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Tình hình tại nghị viện Hongkong trở nên hỗn loạn trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa bên chống, bên ủng hộ luật dẫn độ, ảnh chụp ngày 11/5/2019. (AP Photo/Vincent Yu)
Reuters trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Hồng Kông đề nghị sửa đổi luật về "Điều lệ Tội phạm bỏ trốn", là luật đe dọa quyền pháp trị của Hong Kong.
Ông Martin Lee thành lập đảng thân dân chủ đầu tiên ở Hong Kong vào năm 1990. Trong nhiều năm qua, ông là tiếng nói được nhiều người biết đến, luôn bênh vực các quyền tự do của công dân cho cư dân Hong Kong.
Các nhà lập pháp Hồng Kông trung thành với Bắc Kinh đang thúc đẩy việc thông qua đạo luật cho phép dẫn độ những người bị kết tội hình sự, kể cả người nước ngoài, từ Hong Kong sang các nước không có thỏa thuận dẫn độ chính thức với Hong Kong, kể cả Hoa lục.
Các nhà hoạt động thân dân chủ lo ngại luật này sẽ làm xói mòn các quyền và những bảo vệ pháp lý hiện có ở cựu thuộc địa của Anh, vốn được bảo đảm theo Luật cơ bản khi Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
Hơn 130.000 người đã tuần hành chống lại luật được đề xuất cách đây vài tuần trong một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ ‘phong trào Ô dù’ vì dân chủ năm 2014.
Ngoại Trưởng Pompeo bày tỏ lập trường ủng hộ việc bảo vệ các quyền con người, cũng như các quyền tự do cơ bản và các giá trị dân chủ đã được bảo đảm theo Luật cơ bản,.
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố các vấn đề Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ luật dẫn độ của Hồng Kông.
Ông Lục nói can thiệp vào các vấn đề Hong Kong theo bất cứ cách nào, là điều sai trái.
Ông nói : "Tìm cách nắm cơ hội để khích động xáo trộn ở đặc khu Hong Kong không được công luận ủng hộ, và sẽ không bao giờ thành công".
*********************
Singapore thúc Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc (VOA, 17/05/2019)
Singapore thúc giục Mỹ để cho Trung Quốc có tiếng nói nhiều hơn trong việc định hình các quy tắc toàn cầu nhằm tránh một cuộc đụng độ kéo dài có thể buộc các nước nhỏ hơn phải lựa chọn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu tại một sự kiện ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington hôm 15/5. Ông kêu gọi Mỹ cho Trung Quốc có tiếng nói nhiều hơn trong việc định hình các quy tắc toàn cầu. (Ảnh chụp từ video trên CSIS.org)
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 15/5, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan được Bloomberg trích lời nói rằng việc xem Trung Quốc như một kẻ thù phải bị kìm hãm là không có tác dụng và kêu gọi "sự cạnh tranh mang tính xây dựng" giữa các siêu cường. Một thế giới bị chia tách thành các khối đối thủ sẽ gây nguy hiểm cho những lợi ích đã đạt được theo trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo trong suốt 70 năm qua, theo ông Balakrishnan.
"Lời kêu gọi của tôi đối với Mỹ là tăng cường cam kết và cùng thụ hưởng thành quả," Ngoại trưởng Singapore nói tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức.
"Singapore muốn có cả sự hiện diện bền vững của Mỹ, điều mà chúng tôi tin là tích cực, và chúng tôi cũng muốn Trung Quốc có thể đảm nhận vị trí xứng đáng của mình khi nước này lớn mạnh và trở thành một siêu cường theo đúng nghĩa của nó," ông Balakrishnan được Bloomberg trích lời nói.
Trung Quốc rất khó có thể làm suy yếu hệ thống toàn cầu do Mỹ lãnh đạo vì chính họ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất, theo ông Balakrishnan. Tuy nhiên, ngoại trưởng Singapore nói thêm rằng mong muốn của Trung Quốc có quyền sửa đổi các quy tắc toàn cầu là "một sự kỳ vọng hoàn toàn hợp lý" vì họ đã không có tiếng nói khi các quy tắc đó đầu tiên được thiết lập cách đây mấy chục năm.
Việc không đạt được một thỏa thuận sẽ tác động không tương xứng đến các quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Singapore, ông Balakrishnan cho biết. Theo Bloomberg, ngoại trưởng Singapore nói thêm rằng đàm phán kéo dài gây ra "nghi ngờ và biến động lớn cho thị trường".
"Đối với những nước ở giữa, đặc biệt là đối với các nước nhỏ (như Singpore), chúng tôi không muốn bị buộc phải đưa ra những lựa chọn gây ác cảm," ông Balakrishnan nói. "Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng cả hai bên sẽ đưa ra một phản ứng chiến lược và tính đến sự ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế, và cả hai bên sẽ tìm cách đáp ứng những lợi ích hợp pháp của nhau".
*******************
Đài Loan công nhận hôn nhân đồng tính (RFI, 17/05/2019)
Hôm 17/05/2019, Nghị Viện Đài Loan thông qua luật công nhận hôn nhân giữa hai người đồng giới. Với quyết định lịch sử này, Đài Loan trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên tại Châu Á thừa nhận hôn nhân đồng giới.
Đài Loan là nơi đầu tiên ở Châu Á công nhận hôn nhân đồng tính. Cảnh vui mừng ở Đài Bắc, ngày 17/05/2019. Reuters/Tyrone Siu
Hai năm sau một phán quyết lịch sử của Tòa Bảo Hiến Đài Loan, Nghị Viện xứ này đã bỏ phiếu với đa số áp đảo, thông qua luật thừa nhận các cặp đồng giới có quyền chung sống với nhau, đồng thời ra một điều khoản cho phép họ "đăng ký kết hôn". Trước đó, tháng 5/2017, Tòa Bảo Hiến của hòn đảo này đã khẳng định việc luật pháp hiện hành không thừa nhận hôn nhân đồng tính là trái ngược với Hiến Pháp. Tòa Bảo Hiến gia hạn cho chính phủ hai năm để điều chỉnh luật. Hạn chót là ngày 23/05.
Một tuần trước hạn chót nói trên, Nghị Viện Đài Loan thông qua luật về hôn nhân đồng giới đúng vào Ngày Thế giới chống kỳ thị Người đồng tính và chuyển giới, ngày 17/05. Chào mừng quyết định của Nghị Viện, tổng thống Thái Anh Văn gửi một thông điệp lên Twitter, nhấn mạnh : "Ngày 17/05/2019 tại Đài Loan, tình yêu đã chiến thắng", "Chúng ta đã tiến một bước dài trên con đường hướng đến quyền bình đẳng thực sự, khiến Đài Loan trở thành một đất nước đáng sống".
Kết quả bỏ phiếu tại Nghị Viện Đài Loan hôm nay khẳng định vị trí tiên phong của hòn đảo này trong việc thừa nhận các quyền của những người đồng tính. Đây cũng là chiến thắng của các tổ chức bảo vệ quyền của cộng đồng đồng tính, chuyển giới (LGBT), đã nỗ lực từ nhiều năm nay để hôn nhân đồng tính được công nhận.
Nỗ lực vận động thông qua luật công nhận hôn nhân đồng tính bị Quốc Dân Đảng thuộc phe đối lập Đài Loan chống phá quyết liệt. Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 11/2018, đa số cử tri bỏ phiếu chống lại ý tưởng này. Trong cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Nghị Viện, một số nghị sĩ đảng cầm quyền Dân Tiến không ủng hộ dự luật do chính phủ đề xuất, bởi lo ngại bị cử tri trừng phạt trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Trong những thập niên gần đây, Đài Loan tự khẳng định là một trong các xã hội tiên phong ở Châu Á trong vấn đề quyền của người đồng tính. Cuộc diễu hành Gay Pride hàng năm tại Đài Loan được coi là lớn nhất Châu lục. Tuy nhiên, hòn đảo này cũng là nơi các thế lực tôn giáo bảo thủ có ảnh hưởng rất mạnh, đặc biệt ở các khu vực ngoài thành phố.
Trọng Thành
*******************
Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính ăn mừng khi nghe kết quả biểu quyết của quốc hội Đài Loan
Hồi 2017, tòa hiến pháp Đài Loan ra phán quyết rằng các cặp đôi đồng tính có quyền kết hôn hợp pháp.
Quốc hội được trao thời hạn hai năm để đổi luật và được yêu cầu phải thông qua luật muộn nhất là ngày 24/5.
Các nhà lập pháp đã thảo luận ba dự thảo luật khác nhau về việc hợp pháp hóa các mối quan hệ đồng tính ; bản dự thảo do chính phủ đưa ra, cũng là bản có nội dung tiến bộ nhất, đã được thông qua.
Hàng ngàn người ủng hộ quyền của người đồng tính đã tụ tập dưới mưa bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Đài Bắc để chờ đợi quyết định lịch sử.
Đã có những tiếng thét gào vui sướng, những giọt nước mắt nghẹn ngào trào dâng khi kết quả được công bố.
Tuy nhiên, những người phản đối thì tức giận.
Hai phiên bản dự thảo không được thông qua là do các nhà lập pháp bảo thủ trình lên, trong đó gọi mối quan hệ giữa các cặp đôi đồng tính là "các mối quan hệ gia đình đồng tính", hoặc "các quan hệ đồng tính" thay vì gọi là "các cuộc hôn nhân".
Tuy nhiên, dự thảo của chính phủ, cũng là bản dự thảo duy nhất đưa ra các quyền nhận con nuôi có hạn chế, đã được thông qua với tỷ lệ 66 phiếu thuận, 27 phiếu chống. Dự thảo này nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp từ Đảng Dân Tiến chiếm đa số trong Quốc hội.
Dự luật sẽ cần được Tổng thống Thái Anh Văn chuẩn thuận để trở thành luật, có hiệu lực pháp lý.
Một số nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính nói trước khi có việc biểu quyết trong Quốc hội rằng bản dự thảo của chính phủ là bản duy nhất mà họ chấp nhận.
Hồi 2017, phán quyết của tòa hiến pháp Đài Loan về quyền kết hôn hợp pháp của người đồng tính đã gây phản ứng dữ dội trong công chúng, khiến chính phủ buộc phải tổ chức một loạt các cuộc trưng cầu dân ý.
Kết quả các cuộc trưng cầu cho thấy đa số cử tri Đài Loan bác bỏ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, và cho rằng định nghĩa về hôn nhân là để chỉ về sự kết hợp, ràng buộc giữa người đàn ông và người đàn bà.
Do vậy, Đài Loan nói sẽ không thay đổi định nghĩa hôn nhân trong luật dân sự, và thay vào đó sẽ có luật đặc biệt cho hôn nhân đồng tính.
Nhiều người đã lên mạng xã hội để bày tỏ thái độ ăn mừng. Họ coi kết quả vừa rồi là một chiến thắng trong vấn đề bình đẳng hôn nhân.
Vào đầu giờ hôm thứ Sáu, bà Thái Anh Văn viết trên Twitter rằng với việc biểu quyết này, hòn đảo này đã có "một bước đi lớn hướng tới bình đẳng thực sự".
Những người khác thì lên mạng xã hội tỏ ý phản đối.
"Đây là cái chết của nền dân chủ. Bảy triệu người đã bỏ phiếu phản đối hôn nhân đồng tính trong kỳ trưng cầu dân ý, và những lá phiếu của họ thế là đã không có nghĩa gì".
"Hôn nhân đồng tính quan trọng, cấp bách đến vậy ư ?" người dùng có tên là Liu Yan viết trên Facebook.
Tại Á châu, Đài Loan là nơi đi đầu về quyền cho người đồng tính. Ở Đài Bắc, các cuộc diễu hành của người đồng tính được tổ chức hàng năm, thu hút sự tham dự của các nhóm LGBT từ khắp nơi trên Châu lục kéo tới.
Luật mới của Đài Loan cũng được người LGBT trong khu vực hân hoan đón chào.
Paul Ng từ Singapore nói với BBC rằng anh và các bạn bè "coi đây như một dịp để ăn mừng, tuy chúng tôi không phải là người Đài Loan".
"Đó là thành công cho chúng tôi, cho tất cả những người đồng tính luyến ái".
"Với người Singapore, điều này đặc biệt quan trọng, chính phủ nước chúng tôi muốn giữ các giá trị 'Á châu'... cho nên điều này gửi ra một thông điệp rất quan trọng tới các nước phát triển ở Á châu".
Wong Ka Ying, một nghệ sỹ thuộc cộng đồng LGBT ở Hong Kong, nói rằng quyết định của Đài Loan sẽ giúp nâng cao nhận thức, tuy cô nghi ngờ việc điều này sẽ có tác động tới các nơi "bảo thủ hơn" như Hong Kong hay Trung Hoa đại lục.
Việt Nam đã phi hình sự hóa việc tổ chức đám cưới đồng tính kể từ 2015, nhưng chỉ dừng ở đó thay vì đi xa hơn trong việc thừa nhận tính hợp pháp của các quan hệ đồng tính.
Tại Trung Quốc, hôn nhân đồng tính vẫn là điều bất hợp pháp, nhưng việc quan hệ đồng tính đã không còn bị coi là tội phạm ở nước này kể từ 1997, và chính thức loại bỏ việc này ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần sau đó ba năm.
Tại các nước khác ở Á châu, luật pháp đang thay đổi để phản ánh thái độ dung hòa hơn đối với các nhóm LGBT.
Trong một quyết định lịch sử, hồi tháng 9/2018 Tòa Tối cao Ấn Độ ra phán quyết rằng tình dục đồng giới không còn bị coi là tội hình sự nữa.
Tuy nhiên, ở các nước Á Châu khác, cái nhìn đối với quan hệ đồng tính vẫn còn những khác biệt.
Hồi tháng Tư, Brunei tuyên bố luật Hồi giáo mới, hà khắc, theo đó coi việc sinh hoạt tình dục qua đường hậu môn và việc ngoại tình là các tội cần bị trừng phạt bằng hình thức ném đá đến chết, nhưng nói sẽ không cưỡng chế thi hành án tử đối với tình dục đồng giới.
******************
Đài Loan là nơi đầu tiên ở Châu Á cho phép hôn nhân đồng giới (VOA, 17/05/2019)
Đài Loan trở thành nơi đầu tiên ở Châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hôm 17/5. Hàng nghìn người tụ tập bên ngoài quốc hội, reo hò và vẫy cờ bảy sắc cầu vồng, dù vẫn còn những chia rẽ sâu sắc về bình đẳng hôn nhân ở quốc đảo này.
Những người ủn hộ hôn nhân đồng giới reo hò bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Đài Bắc hôm 17/5 sau khi các nhà làm luật của quốc đảo này thông qua dự luật cho phép người cùng giới kết hôn với nhau.
Dự luật được nghị viện do Đảng Dân Tiến (DPP) chiếm đa số thông qua với 66 phiếu thuận trên 27 phiếu chống, mặc dù nó có thể gây phức tạp cho việc tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Nhiều người tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Đài Bắc dưới cơn mưa lớn. Nhiều người ôm nhau trong nước mắt và những người khác ca ngợi việc thông qua dự luật bằng những tiếng hô "đầu tiên ở Châu Á" và "Đài Loan, tuyệt vời !"
Dự luật cho phép các cặp đôi đồng giới được bảo vệ pháp lý tương tự như các cặp đôi hôn nhân khác giới. Dự luật sẽ có hiệu lực vào ngày 24/5 sau khi bà Thái ký thành luật.
"Hôm nay là một ngày đáng tự hào đối với Đài Loan. Chúng tôi cho thế giới thấy được được giá trị của lòng tốt và sự đối xử công bằng cho tất cả mọi người ở vùng đất này," bà Thái nói với các phóng viên sau khi dự luật được thông qua.
"Thông qua việc hợp pháp hóa này, (chúng tôi) đảm bảo rằng tình yêu của tất cả mọi người là bình đẳng và mọi người đều được đối xử như nhau," bà Thái nói thêm. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, bà Thái đã hứa về bình đẳng hôn nhân.
Tuy nhiên, dự luật này chỉ cho phép kết hôn đồng giới giữa những người Đài Loan hoặc với người nước ngoài từ các quốc gia có công nhận hôn nhân đồng giới. Luật này cho phép nhận nuôi trẻ em có liên quan về mặt sinh học với ít nhất một người trong cặp đồng giới đó.
Cuộc biểu quyết thông qua dự luật diễn ra sau nhiều năm tranh cãi về bình đẳng hôn nhân mà đỉnh điểm là tuyên bố năm 2017 của tòa bảo hiến cho phép các cặp đồng giới kết hôn và đặt ra thời hạn ngày 24/5 cho các nhà lập pháp.
"Sau 30 năm tranh đấu, những người đồng tính cuối cùng đã có thể lấy nhau," nhạc sĩ Ken Chen, 32 tuổi, người đã đứng bên ngoài tòa nhà quốc hội để theo dõi cuộc bỏ phiếu được phát sóng trực tiếp. "Nhiều người trong chúng tôi đã rơi nước mắt".
Cuối năm ngoái, người dân Đài Loan đã phản đối hôn nhân đồng giới trong một loạt các cuộc trưng cầu dân ý. Họ xác định hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà theo luật dân sự, mặc dù họ muốn có một luật đặc biệt cho kết hôn đồng giới.
Những người bảo thủ phản đối hôn nhân đồng giới nói rằng pháp luật không tôn trọng mong muốn của người dân.
"Mong muốn của khoảng 7 triệu người trong cuộc trưng cầu dân ý đã bị chà đạp," nhóm Liên Minh vì Hạnh Phúc của Thế Hệ Tiếp Theo của Chúng Ta nói trong một tuyên bố. "Đại công chúng sẽ tấn công lại vào năm 2020".
Úc đã thông qua luật cho phép kết hôn đồng giới vào năm 2017, nhưng điều này không được Hồng Kông và nước láng giềng Trung Quốc công nhận. Đài Loan bị Trung Quốc coi là một tỉnh ương ngạnh sẽ bị buộc phải quay trở lại đại lục bằng vũ lực, nếu cần thiết.
**********************
Đồng hóa Tân Cương, Trung Quốc nâng điểm tú tài (RFI, 17/05/2019)
Để dập tắt tinh thần phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ, chính quyền Bắc Kinh thi hành nhiều biện pháp khắc nghiệt đưa hàng triệu người Hán lên khai thác Tân Cương, bố trí hàng trăm ngàn công an, cảnh sát chống biểu tình và cách ly ít nhất một triệu người Hồi giáo. Biện pháp mới nhất của Bắc Kinh là khuyến khích hôn nhân giữa người Hán và Duy Ngô Nhĩ để đồng hóa dân bản địa : từ thưởng tiền đến nâng điểm con cái thi tú tài.
Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.(ảnh : unesco.org)
Từ 10 lên 20 điểm
Kể từ mùa thi tú tài năm 2019, tại Tân Cương, thí sinh có cha mẹ thuộc hai sắc tộc khác nhau sẽ được thêm điểm. Biện pháp này thực chất không phải vì tương lai của người thiểu số mà chính là một chiến thuật của Bắc Kinh đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, được AFP phân tích cặn kẽ qua bài "đồng hóa ở Tân Cương, Trung Quốc khuyến khích hôn nhân dị chủng".
Trong 10 năm qua, nhiều vụ khủng bố đẫm máu diễn ra ở Tân Cương mà chính quyền Trung Quốc quy buộc cho người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa dân bản địa và người Hán do vậy đôi khi khá căng thẳng.
Viện cớ chống bất ổn,Trung Quốc áp đặt nhiều biện pháp hà khắc tại Tân Cương. Trong ba năm trở lại đây, chính quyền Trung Quốc bị tố cáo xây những nhà tù khổng lồ, giam cầm ít nhất một triệu người trong số 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh gọi đây là những trường dạy nghề giúp công dân Hồi giáo không bị tuyên truyền theo cực đoan. Nhưng các nhân chứng, những người từng trải qua thời gian "học tập" cho biết đó là nhà tù trá hình với mục tiêu đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ cũng như một số sắc tộc khác thành người Hán.
Hệ quả một cuộc hôn nhân : thêm điểm hoặc trừ điểm thi
Theo các tổ chức nhân quyền, biện pháp đồng hóa mới nhất vừa được ban hành là "nâng điểm tú tài". Trên thực tế, "thêm điểm" là biện pháp nâng đỡ con em các sắc tộc thiểu số, bị xem là yếu tiếng quan thoại, trong việc thi cử học hành. Nhưng ở Tân Cương, chính quyền áp dụng theo hướng ngược lại.
Theo chỉ thị công bố hồi tuần trước, chính quyền Tân Cương thông báo kể từ mùa thi năm 2019, thí sinh nào có cha mẹ, một người là Hán tộc người kia là Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng, Kazakh, Mông Cổ …. thì sẽ được thêm 20 điểm thay vì là 10 điểm. Trái lại, điều "khó hiểu" là nếu cả cha lẫn mẹ đều là người Duy Ngô Nhĩ thì điểm nâng sẽ giảm từ 50 xuống 15.
Bình luận về tin này, giáo sư James Leibold, chuyên gia Trung Quốc học người Úc thẩm định : chính sách mới là một âm mưu nhằm đồng hóa những người có lối suy nghĩ, tác phong độc lập với người Hán.
Biện pháp nâng thêm điểm cho thí sinh lai dòng máu Hán chẳng qua là để khuyến khích hôn nhân dị chủng, một phương cách quan trọng trong khuôn khổ nỗ lực đồng hóa các sắc tộc thiểu số khác trong cộng đồng Trung Hoa.
10.000 nhân dân tệ trong 5 năm sau hôn lễ
Giáo sư Timothy Grose, chuyên gia Trung Quốc học người Mỹ nhận xét chi tiết hơn : đảng Cộng sản Trung Quốc đánh phá có hệ thống, xóa mờ bản sắc dân tộc người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhận xét trên đây không phải là thiếu cơ sở. Bởi vì vào năm 2014, huyện Qiemo, ở phía nam Tân Cương thông báo thưởng tiền cho mỗi cặp vợ chồng người thiểu số lấy người Hán một số tiền tương đương với 1.500 đôla mỗi năm và trong vòng 5 năm sau lễ cưới. Trước sau, các biện pháp trấn áp phối hợp với thủ đoạn lấy lợi ngắn hạn ra làm mồi của Bắc Kinh dường như đều thất bại. Thống kê của chính quyền Trung Quốc rất hiếm hoi. Nhưng theo số liệu năm 2010, chỉ có 0,2% người Duy Ngô Nhĩ kết hôn với người Hán.
Nghi kỵ lẫn nhau
Theo giáo sư Timothy Grose, chính sách khuyến khích hôn nhân hai sắc tộc được thi hành từ mấy chục năm nay không mang lại kết quả chờ đợi. Do vậy, có thể nào vì thêm 10 điểm tú tài mà người Duy Ngô Nhĩ đua nhau kết hôn với người Hán ? Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng người Hán cũng tỏ ra hoài nghi và than phiền con em của họ không được nâng điểm.
Biết rằng cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và Hán ở Tân Cương ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau, thế mà đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn muốn hai kẻ không thương nhau lấy nhau để làm gì ? Giáo sư James Leibold xem đây là một trường hợp "duy ý chí" điển hình.
Tú Anh
*******************
Băng đảng Trung Quốc đang 'hoạt náo' ở Preah Sihanouk của Campuchia (BBC, 16/05/2019)
Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết cảnh sát Trung Quốc đang hợp tác cùng với cảnh sát Campuchia để điều tra một băng đảng tuyên bố rằng họ sẽ "gây bất ổn an ninh tại Preah Sihanouk", theo Khmer Times.
Ảnh chụp màn hình video clip được đăng lên hôm 12/5
Trong video clip được công bố hôm 12/5, khoảng hơn một chục người đàn ông, hầu hết đều ở trần, một số xăm trổ nói họ đến từ tỉnh Trùng Khánh và đe dọa họ sẽ gây rắc rối ở thành phố Sihanoukville, thuộc tỉnh Preah Sihanouk.
"Kampong Som [tên khác của Sihanoukville], trong ba năm tới, dù an toàn hay bất ổn đều ở dưới tay tao !", người đàn ông có vẻ là người cầm đầu tuyên bố bằng tiếng Trung.
Cũng trong ngày 12/2, Đại sứ quán Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố : "Chúng tôi tin chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc này sớm và sẽ cung cấp thông tin khi có diễn biến mới".
Trước đó, hôm 7/5, Bộ Nội vụ Campuchia công bố người Trung Quốc là người nước ngoài có hoạt động tội phạm mạnh nhất ở Campuchia. Trong quý đầu 2019, 341 người nước ngoài đã bị bắt giữ, 241 trong số đó là người Trung Quốc, đứng thứ hai là người Việt Nam với 49 người.
Chủ tịch một xã ở tỉnh Preah Sihanouk đã than phiền về những người Trung Quốc vi phạm pháp luật.
"Nó ảnh hưởng người dân địa phương vì họ lái xe rất nhanh và không tôn trọng luật giao thông," vị quan chức địa phương nói với điều kiện giấu tên để đảm bảo an toàn.
Ông cũng chỉ trích các công trình xây dựng không an toàn và ảnh hưởng đến môi trường.
"Tôi nghĩ chính quyền phải buộc họ tuân thủ luật pháp, thủ tục tập quán, truyền thống của người Campuchia".
Theo Bưu điện Hoa Nam, trong những năm gần đây, người Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 sòng bạc và hàng chục khách sạn và nhà nghỉ tại tỉnh Phreah Sihanouk ven biển phía tây nam.
Khách du lịch Trung Quốc đi ngang qua một sòng bài được lao động Trung Quốc xây dựng cho một chủ đầu tư Trung Quốc ở thành phố Sihanoukville, tỉnh Phreah Sihanouk.
Năm ngoái, có khoảng 16.000 người Trung Quốc có giấy phép lao động tại Campuchia. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dự án xây dựng ở tỉnh Sihanoukville và tỉnh Koh Kong lân cận. Tuy nhiên, Cục Di trú Campuchia cho biết có khoảng 78.000 người Trung Quốc đang ở tỉnh Sihanoukville, nhiều người trong số đó không có giấy phép lao động.
Nhiều người Campuchia chào đón các dự án của các chủ đầu tư Trung Quốc vì nó đem lại việc làm và lợi ích kinh tế. Nhưng nhiều người chỉ trích về những thiệt hại về môi trường, giá nhà tăng vọt, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn đất đai và tình trạng trục xuất bất hợp pháp và tình trạng tội phạm gia tăng.
Hồi tháng Một, thống đốc tỉnh Sihanoukville Yun Min đã viết đơn cho Bộ trưởng Nội vụ Campuchia về tình trạng tội phạm gia tăng, giá bất động sản gia tăng ảnh hưởng đến người Campuchia bản địa và sự bão hòa của lao động Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng.
"Nó tạo cơ hội cho những người Trung Quốc thuộc các băng đảng mafia hoạt động các hành vi phạm pháp," ông Yun Min viết.
Một bài xã luận trên tờ Phnom Penh Post phỏng vấn một cảnh sát trưởng của một xã nói : "Tôi nghĩ, những công dân Trung Quốc đến đây không ý tuân thủ luật pháp của chúng ta".
"Những người Trung Quốc đến đây hầu hết là những kẻ phạm tội ở Trung Quốc… nếu chúng ta thực hiện tất cả quy định luật pháp của đất nước chúng ta, sẽ không có chuyện ân xá cho họ".