Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những người đòi dân chủ ở Hong Kong sẽ biểu tình lớn vào cuối tuần, cảnh báo "cơ hội cuối" cho chính quyền (RFA, 06/12/2019)

Những nhà hoạt động đòi dân chủ cho Hong Kong hôm 6/12 cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc tập trung lớn vào cuối tuần, đòi chính quyền phải đáp ứng đủ các đòi hỏi của những người biểu tình đưa ra trong nhiều tháng qua.

hongkong1

Hình minh họa. Hình chụp hôm 28/11/2019 : Người dân Hong Kong cầm điện thoại di động bật đèn sáng trong một cuộc biểu tình ở quận Trung tâm của Hong Kong - AFP

Suốt 6 tháng qua, Hong Kong đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình có lúc kéo đến hơn 1 triệu người tham gia. Có những lúc, những cuộc biểu tình đã dẫn đến bạo lực. Hàng ngàn người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ.

Tuy nhiên, sau những thắng lợi của phe ủng hộ dân chủ cho Hong Kong trong cuộc bầu cử quận gần đây, suốt hai tuần qua, các cuộc biểu tình dường như đã lắng xuống.

Anh Jimmy Sham, đại diện cho Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) tại Hong Kong nói với báo giới hôm 6/12 rằng những người biểu tình hy vọng chính phủ không ôm ấp hòa bình trong vài tuần qua mà nhầm lẫn rằng người dân đã bỏ những đòi hỏi của mình. Anh nói thêm, đây là cơ hội cuối của người dân dành cho bà Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam.

Theo AFP, cảnh sát Hong Kong đã làm một việc bất thường sau nhiều tuần qua là chấp nhận đơn xin biểu tình của CHRF vào Chủ Nhật này. Đây là lần đầu tiên nhóm này có được giấy phép biểu tình kể từ hồi giữa tháng 8.

Mặc dù chính quyền cấm các cuộc biểu tình, tập trung trong nhiều tháng bất ổn ở Hong Kong, nhưng nhiều người vẫn xuống đường.

********************

Hồng Kông : Chủ Nhật biểu tình cảnh tỉnh Bắc Kinh (RFI, 06/12/2019)

Các nhà hoạt động dân chủ tại Hồng Kông hy vọng dân chúng xuống đường thật đông đảo vào Chủ Nhật 08/12/2019. Hai tuần sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cấp quận, phong trào phản kháng muốn cho chính quyền thân Bắc Kinh "cơ may cuối cùng", theo tuyên bố của ban tổ chức.

hongkong2

Người biểu tình phản đối chính quyền đặc khu tập trung về khu vực Chater Garden, Hồng Kông, Trung Quốc ngày 02/12/2019. Reuters/Leah Millis

Khủng hoảng chính trị tại đặc khu hành chánh Hồng Kông tròn sáu tháng vào thứ Hai tuần tới với những hành động tranh đấu gần như mỗi ngày yêu cầu cải cách dân chủ và điều tra bạo lực cảnh sát.

Thứ Sáu 06/12/2019, Mặt Trận Công Dân Vì Nhân quyền (CRFH) kêu gọi người dân Hồng Kông tiếp tục xuống đường vào ngày Chủ Nhật tới như là lời cảnh báo "cuối cùng" cho chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga để tuân thủ nguyện vọng của người dân.

Mặt Trận Công Dân Vì Nhân quyền, với chủ trương tranh đấu bất bạo động, là phong trào tổ chức các cuộc biểu tình lớn hồi tháng Sáu và tháng Bảy.

Trong cuộc họp báo, Sầm Tử Kiệt (Jimmy Sham), một trong những phát ngôn viên của phong trào tuyên bố "hy vọng phe chính quyền không còn tưởng lầm là dân chúng đã từ bỏ các yêu sách (5 điểm)".

Theo AFP, kết quả bầu cử ngày 24/11/2019 vừa qua là một bằng chứng bác bỏ luận điểm của Bắc Kinh, theo đó đại đa số thầm lặng tại đặc khu chống biểu tình, chống đòi hỏi dân chủ.

Cảnh sát bật đèn xanh

Cuộc biểu tình dự trù vào Chủ Nhật được cảnh sát cho phép, một quyết định hiếm hoi kể từ tháng 8/2019, từ khi chính quyền Hồng Kông áp dụng trở lại luật an ninh thời thuộc địa Anh.

Trước khi lên đường sang thăm Bắc Kinh cho đến Chủ Nhật, tân chỉ huy trưởng cảnh sát Hồng Kông, Đặng Bính Cường (Chris Tang), kêu gọi người biểu tình tuần hành ôn hòa làm "gương sáng cho toàn thế giới".

Ban tổ chức và cảnh sát đều kêu gọi hai bên cùng tránh bạo động và vũ lực.

Tú Anh

*******************

Hong Kong : Giới lập pháp dân chủ đề xuất loại lãnh đạo Carrie Lam (BBC, 05/12/2019)

Phe ủng hộ dân chủ ở Hong Kong bắt đầu chính thức có kế hoạch đề xuất với cơ quan lập pháp để loại bỏ lãnh đạo Carrie Lam khỏi vị trí Đặc khu trưởng.

hongkong3

Nếu đề xuất của phe ủng hộ dân chủ được thông qua, một ủy ban điều tra độc lập sẽ được thành lập để xem xét các cáo buộc đối với bà

South China Morning Post cho hay hôm 5/12 rằng phe ủng hộ dân chủ buộc tội bà Lam đã thực hiện nhiều "quyết định trái hiến pháp" khi thúc đẩy dự luật dẫn độ gây tranh cãi cũng như trong việc giải quyết bất ổn đã kéo dài nhiều tháng qua.

Động thái này được thực hiện theo Điều 79 của Luật Cơ bản, hiến pháp của Hong Kong, được lãnh đạo đảng Dân sự Alvin Yeung đưa ra với sự ủng hộ của 24 nhà làm luật ủng hộ dân chủ trong một cuộc họp hội đồng.

Đề xuất này nói bà Lam đã "vi phạm luật pháp nghiêm trọng" hoặc đã "xao nhãng nhiệm vụ" trong cả cách bà giải quyết dự luật dẫn độ nay đã bị loại bỏ và bất ổn xã hội do luật này gây ra.

Cuộc họp hội đồng sẽ tiếp tục tới thứ Năm 5/12.

"Đặc khu trưởng, người đã mang thảm họa này tới cho Hong Kong, cần lập tức từ chức", ông Yeung nói.

Trong bài phát biểu, ông Yeung nói người Hong Kong đã lên tiếng về sự chán ngán của họ với bà Lam và chính quyền của bà qua kết quả của cuộc bỏ phiếu hội đồng quận vừa qua.

Phe thân Bắc Kinh đã thảm bại trong cuộc bầu cử nói trên hôm 24/11, chỉ giành được 60 trong 452 ghế hội đồng quận. Phe ủng hộ dân chủ kiểm soát 17 trong 18 ghế hội đồng thành phố.

Đề xuất này, vốn đòi hỏi phải có sự ủng hộ cả về địa lý và chức năng từ các khu vực bầu cử của Hội đồng Lập pháp Hong Kong, không thể được thông qua nếu không có sự ủng hộ từ phe thân Bắc Kinh vốn đang kiểm soát cả hai khu vực nói trên.

Các nhà lập pháp ủng hộ chính phủ đã tìm cách ngăn chặn đề xuất này được đưa ra trước các cuộc bầu cử ngày 24/11, để tránh phải bỏ phiếu loại đề xuất này - một việc có thể khiến họ phải trả giá mất đi sự ủng hộ của cử tri trung lập.

Đề xuất này cũng cho rằng bà Lam đã cho sử dụng vũ lực quá mức để dập tắt các cuộc biểu tình ôn hòa, đe dọa người biểu tình với những tội hình sự không phù hợp, gây ra "sự rạn nứt" trong xã hội, và vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do nhóm họp đã được nêu ra trong Luật Cơ bản.

Các nhà làm luật ủng hộ dân chủ cũng lưu ý rằng nhiều người biểu tình đã bị thương nặng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, trong đó có người bị mù.

hongkong4

Chăm sóc y tế cho một sinh viên biểu tình ở Hong Kong hôm 18/11/2019

Nếu đề xuất này được thông qua, Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong sẽ thành lập và chủ trì một ủy ban điều tra độc lập để xem xét các cáo buộc đối với bà Lam.

Trong trường hợp ủy ban này tìm thấy đầy đủ bằng chứng để chứng minh các cáo buộc, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu một lần nữa.

Nếu hai phần ba trong 69 ghế lập pháp trong hội đồng bỏ phiếu loại bà Lam, Luật Cơ bản quy định rằng kết quả này sẽ phải được gửi tới chính quyền trung ương Bắc Kinh để "quyết định".

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Châu Á

Hong Kong : Joshua Wong kêu gọi biểu tình toàn cầu sau đối thoại của Carrie Lam (BBC, 27/09/2019)

Người biểu tình Hong Kong hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ và bao vây bà Carrie Lam tại sân vận động nhiều giờ sau buổi 'đối thoại mở' đầu tiên của bà với công chúng nhằm kết thúc ba tháng bạo lực và bất ổn, theo Reuters.

hk1

Biểu tình tiếp diễn ngay sau đối thoại công khai đầu tiên của Carrie Lam

Bà Lam nói gì ?

Trong sân vận động Nữ hoàng Elizabeth xây từ thời thuộc địa Anh hôm 26/9, bà Lam lắng nghe, ghi chép, trước khi trả lời. Bà kêu gọi người dân cho chính phủ của bà một cơ hội, đồng thời nhấn mạnh Hong Kong vẫn có một tương lai tươi sáng và một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ.

150 người được cho là được lựa chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng tham gia cuộc đối thoại mở này.

Bà Lam bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách nói rằng, chính quyền của bà chịu trách nhiệm nặng nề nhất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hong Kong.

"Dự luật dẫn độ do chính phủ khởi xướng đã gây ra cơn bão này", bà Lam nói. "Nếu chúng ta muốn chấm dứt khó khăn và tìm ra lối thoát, chính phủ chịu trách nhiệm lớn nhất để làm điều đó".

"Tôi hy vọng tất cả các bạn hiểu rằng, chúng tôi vẫn quan tâm đến xã hội Hong Kong. Chúng tôi vẫn có một trái tim", bà nói. "Chúng tôi vẫn tiếp tục gắn trách nhiệm của mình với những vấn đề của xã hội này".

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh một lần nữa rằng, bà thấy không cần thiết phải tiến hành điều tra độc lập, và rằng hiện cơ chế khiếu nại của cảnh sát là đủ để phản ứng với các quan ngại của công chúng.

hk2

150 người được chọn ngẫu nhiên để tham gia cuộc đối thoại mở với bà Lam

Bà cũng nhắc lại là bà không bao giờ cúi đầu chấp thuận yêu cầu bãi bỏ tội danh cho những người bị bắt vì bạo loạn.

"Tôi không chối bỏ trách nhiệm, nhưng Hong Kong thực sự cần phải bình tĩnh lại", bà nói. "Chúng ta phải ngăn chặn bạo lực bùng phát... Vi phạm luật pháp sẽ dẫn đến hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu".

Bà cũng thừa nhận rằng khả năng hành động của bà cũng gặp một số giới hạn.

"Tôi và các cộng sự của tôi có thể sẽ không thể gây ảnh hưởng lên xã hội trong một số vấn đề... nhưng cuộc đối thoại sẽ tiếp tục".

Kêu gọi biểu tình toàn cầu

Hôm 27/9, nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong viết trên Twitter lời kêu gọi biểu tình trên toàn cầu hai ngày 28 và 29/9.

"Hãy sát cánh với Hong Kong chống lại sự chuyên chế : Biểu tình toàn cầu vào ngày 28 và 29 tháng 9 !", Twitter của Joshua Wong viết.

"Hôm nay, chúng tôi đang tập hợp trong tình đoàn kết với người dân Hong Kong và tất cả những người phải chịu đựng sự áp bức của nhà nước độc tài Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nghĩ và người Tây Tạng".

Trong khi đó, hôm 26/9, trong cuộc đối thoại mở của bà Carrie Lam, nhiều người dân chỉ cáo buộc bà phớt lờ công chúng và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng không có hồi kết.

Các diễn giả chỉ trích bà vì đã cản trở các quyền tự do bầu cử, phớt lờ dư luận và từ chối cho phép một cuộc điều tra độc lập với các cáo buộc về sự tàn bạo của cảnh sát.

Một số người kêu gọi bà Lam từ chức, nói rằng bà không còn đủ khả năng để lãnh đạo.

Sau khi kết thúc phiên đối thoại, các cuộc biểu tình lại tiếp tục. Các nhà hoạt động bao vây sân vận động, chặn các đường ra và cả lối thoát hiểm bằng lan can sắt và các mảnh vụn khác.

Hơn bốn tiếng sau khi cuộc đối thoại kết thúc, đoàn hộ tống bà Lam và các quan chức cao cấp khác mới rời tòa nhà trong sự tháp tùng của cảnh sát.

Bên ngoài, rất đông người biểu tình mặc áo đen, hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ.

Cảnh sát cảnh báo rằng, họ sẽ sử dụng vũ lực nhưng rồi không can thiệp gì.

**************

Mỹ thúc đẩy Đạo luật về dân chủ Hong Kong, Trung Quốc tức giận (BBC, 26/09/2019)

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua hôm 25/9, tạo tiền đề cho các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội trong các tuần tới, theo SCMP.

hk3

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi và nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong tại Washington D.C 18/9/2019

Đạo luật này của Mỹ đưa ra nhằm hỗ trợ các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong bằng cách gia tăng áp lực lên chính quyền Trung Quốc - điều mà Trung Quốc cho là "can thiệp vào nội bộ" của nước này.

"Việc được thông qua ở hai ủy ban là bước tiến lớn", ông Jeff Sagnip, giám đốc chính sách cho ông Chris Smith, Nghị sĩ đảng Cộng hòa giới thiệu dự luật ra Hạ viện, nói.

Ông Smith nói thêm rằng, một cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện có thể sẽ diễn ra trong tháng Mười.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong đóng vai trò sửa đổi Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ - Hong Kong năm 1992, nhằm bảo đảm rằng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các liên hệ khác của Mỹ với Hong Kong không bị ảnh hưởng sau khi thành phố này được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Nếu được thông qua, Đạo luật này sẽ yêu cầu Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cho là chịu trách nhiệm cho việc "phá hoại các quyền tự do cơ bản ở Hong Kong".

"Mỗi lần chúng tôi thúc đảy để thông qua dự luật này thì lại có phản đối từ các nhà ngoại giao, chuyên gia, các chủ tịch ủy ban và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hong Kong", ông Chris Smith, Nghị sỹ đảng Cộng hòa ở New Jersey, nói.

hk4

Joshua Wong và các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tại Mỹ hôm 21/9/2019

"Tuy nhiên, lần này thì khác. Tình hình ở Hong Kong đã rất khác, và nhiều người ngày càng nhận thức được rằng, đã rất trễ để có một Hong Kong tự do và tự trị".

"Quốc hội Mỹ đang gửi một tuyên bố của lưỡng đảng và hai viện, ủng hộ những người biểu tình dân chủ ở Hong Kong trong khi nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh cần thực hiện các cam kết với thế giới và nhân dân Hong Kong trong tuyên bố Trung - Anh", ông Smith nói thêm.

Tuyên bố Trung-Anh, vốn được hai nước ký vào năm 1984, bảo đảm rằng Hong Kong sẽ được duy trì quyền tự trị cao trong 50 năm sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Vài giờ trước khi hai ủy ban đối ngoại Mỹ bỏ phiếu tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng, hiệp định năm 1984 không nên được sử dụng như một cái cớ để can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong.

Hôm 26/9, trang Xinhua của Trung Quốc cho hay, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ thông qua "cái gọi là Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong năm 2019, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói rằng "Đạo luật này hoàn toàn nhầm lẫn giữa đúng và sai, bất chấp sự thật, ủng hộ trơ tráo những kẻ bạo lực cực đoan ở Hong Kong và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc".

"Tốc độ mà các dự luật đã được các ủy ban thông qua cho thấy cam kết của các nhà lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ đối với Hong Kong và sự hỗ trợ ngày càng tăng từ các thành viên Quốc hội Mỹ ở cả hai đảng", ông Samuel Chu, giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hong Kong có trụ sở tại Washington, cho biết trong một thông cáo.

"Chúng tôi hy vọng rằng Chủ tịch Hạ viện [Nancy] Pelosi và nhà lãnh đạo nhóm đa số tại Thượng viện [Mitch] McConnell sẽ giữ áp lực đối với chính phủ Trung Quốc và Hong Kong bằng cách nhanh chóng lên lịch bỏ phiếu cho Đạo luật này khi Quốc hội họp trở lại", ông Chu nói thêm.

Published in Châu Á