Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khủng hoảng ở Hồng Kông hay khủng hoảng nội bộ chính trị Trung Quốc ?

Minh Anh, RFI, 15/10/2020

Khác với cách nhìn của phương Tây, giới quan sát Nhật Bản – quốc gia có những mối quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc – có cái nhìn cẩn trọng hơn trong cách diễn giải các sự kiện ở Hồng Kông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn xa mới là một lãnh đạo đầy quyền lực. Tại Trung Hoa lục địa, có một sự trỗi dậy của công luận và nhất là những cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.

hk1

Giới quan sát Nhật Bản cho rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chưa hẳn là một tân Mao Trạch Đông như phương Tây đánh giá.  AP - Mark Schiefelbein

Ai cầm trịch ở Bắc Kinh ? Đây là câu hỏi hai tác giả Yuko Hayakawa – giảng viên tiếng Nhật trường EMBA Business School tại Quimper (tây bắc nước Pháp) và nhà báo Erwan Seznec tìm cách giải đáp trên tạp chí Conflit (số ra tháng 9-10/2020).

Đầu tiên hết hai tác giả ghi nhận những phản ứng có chừng mực của chính phủ Nhật Bản, lúc Shinzo Abe còn cầm quyền. Khi Trung Quốc thông báo dự luật an ninh mới đối với Hồng Kông, ngày 28/05/2020, Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Canada và Úc đã mạnh mẽ tố cáo Trung Quốc thiếu tôn trọng "những cam kết quốc tế" đối với Hồng Kông.

Chính phủ Nhật Bản cũng đi theo cùng một hướng nhưng với một thái độ ôn hòa hơn khi dè dặt bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc", tức ở cấp độ 2 trong cách thể hiện mối lo của chính phủ. Hai tác giả lưu ý, ngành ngoại giao Nhật Bản phân chia 4 cấp độ để thể hiện mức độ mối quan ngại của mình. Và mối quan ngại này chỉ được Tokyo nâng lên ở mức 4, mức cao nhất vào ngày 03/7 khi gởi lời "trách móc" Bắc Kinh thông qua đạo luật an ninh mới.

Sự kín đáo của giới doanh nhân

Trong chính trường, phe chủ trương thân Mỹ thuộc đảng Tự Do – Dân chủ cầm quyền đòi chính phủ phải có thái độ cứng rắn, đòi tạo thuận lợi cho việc cấp visa tị nạn cho những người Hồng Kông, nhất là những người làm việc trong ngành tài chính, và yêu cầu đơn phương hủy chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến đi này vốn dĩ được dự kiến cho tháng 4/2020, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên đã bị dời lại vào cuối năm 2020.

Ngược lại, giới doanh nhân tỏ ra kín đáo trong suốt cuộc khủng hoảng. Quan hệ thương mại giữa hai nước lệ thuộc chặt chẽ với nhau. Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên nhiên liệu và khách hàng hàng đầu của Nhật Bản. Dù là đối thủ, nhưng hai nước có những mối hợp tác khá là hữu hảo.

Lịch sử và những mối quan hệ giao thương đã hình thành nên những mối quan hệ cá nhân chằng chịt giữa hai phía. Hai tác giả nhắc đến một con số khá ấn tượng : Năm 2019, hơn 15.000 người Nhật Bản tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tiếng Hoa. Chính vì những mối liên hệ đa chiều như vậy, nên các nhà hoạch định chính sách và ngay cả những công dân Nhật Bản bình thường nhất phân tích những gì xảy ra ở Hồng Kông với cái nhìn cẩn trọng hơn rất nhiều so với phương Tây.

Bởi vì, Trung Quốc không phải là một cường quốc xa xôi và mờ nhạt, mà đó là một láng giềng sát cạnh người ta có thể đi thăm trong ngày. Việc Bắc Kinh thô bạo nắm lại quyền kiểm soát ở Hồng Kông được diễn giải sắc bén hơn, xem đó vừa là một sự biểu dương sức mạnh, nhưng cũng là một lời thú nhận yếu kém đáng quan ngại.

Mục tiêu của Bắc Kinh chỉ thật sự muốn bóp nghẹt làn sóng phản đối ? Khi điểm lại những phân tích trên truyền thông Nhật Bản, hai tác giả - Yuko Hayakawa và Erwan Seznec – cho rằng không đơn giản là như thế. Với ông Miyamoto Yuji, cựu đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh, khi trả lời phỏng vấn trang mạng nippon.com ngày 12/3 phân tích rằng tại Trung Quốc, "ý kiến công luận tồn tại" và cuộc khủng hoảng Covid-19 là một bước ngoặt. "Phẫn nộ bùng nổ trong công chúng buộc chính quyền Trung Quốc phải công khai thừa nhận là phản ứng ban đầu với dịch bệnh là tồi".

Phải chăng thế giới đang đối mặt với một chế độ tự tin đến mức có thể chà đạp lên những cam kết quốc tế của mình với một mục tiêu duy nhất là dập tắt đến tận mầm móng phản kháng cuối cùng ? Hay là chúng ta đang đứng trước một chế độ lúng túng tìm cách kềm hãm đà đi lên mạnh mẽ của xã hội dân sự trên phạm vi toàn quốc ?

Về những câu hỏi này, châu Âu và Hoa Kỳ tỏ ra dứt khoát. Tập Cận Bình là một lãnh đạo đầy quyền lực, gần như là một tân Mao Trạch Đông. Nhưng trên tuần báo Yu Kan Fuji ngày 01/07/2020, nhà nghiên cứu Hán học, Shi Ping cho là ngược lại. Nhân vật số 1 của đảng Cộng sản Trung Quốc đang hứng lấy những chỉ trích. Theo ông, ngày 01/4, tại Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc (Quốc Hội), ông Tập Cận Bình bị thủ tướng làm cho "bẽ mặt". Ông Lý Khắc Cường công khai nhắc rằng Trung Quốc vẫn có đến 600 triệu người sống trong cảnh bần hàn. Để có thể thấy được tầm mức quan trọng của phát biểu này, nên biết rằng ông Tập Cận Bình mong muốn đích thân thông báo thành tích xóa sạch nạn đói nghèo tại Trung Quốc nhân dịp lễ mừng 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 7/2021.

Báo chí Nhật Bản cho biết thủ tướng Lý Khắc Cường không dừng ở đó. Ông còn bày tỏ một dấu ấn khác biệt với Tập Cận Bình khi công khai ủng hộ những người buôn bán vặt trên hè phố mà ông Tập Cận Bình muốn xóa sổ. Bởi vì, theo cách nhìn của Katsuji Nakazawa, chuyên gia về Trung Quốc trên tạp chí Asia Nikkei ngày 12/6, những tiểu thương này là biểu hiện của đầu óc doanh nghiệp, thậm chí là của sự dân chủ hóa đất nước.

Tập Cận Bình và sức nặng hệ thống

Ông Takahashi Yoichi, một cựu quan chức bộ Tài Chính trên tờ Gendai Business ngày 30/06/2020 có nhận định là Bắc Kinh đang tự bắn vào chân mình : "Trung Quốc đang đánh mất một thập niên chế độ lý tưởng : Một quốc gia, hai thể chế", vốn dĩ hòa hợp được chế độ chuyên chế và các nhà tư bản. Vị trí trung tâm tài chính thế giới của Hồng Kông có nguy cơ sụp đổ, "điều đó sẽ có lợi cho Nhật Bản".

Tại Tokyo, không một ai mong muốn xảy ra đối đầu quân sự với Bắc Kinh. Những sự cố xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và đòi hỏi chủ quyền hầu như không dứt từ một tháng nay. Tầu chiến Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập vùng lãnh hải có tranh chấp nhưng rủi ro trượt đà dường như là thấp.

Trong vấn đề Đài Loan, giới bình luận Nhật Bản đều cho rằng một khi Hồng Kông được đặt dưới kiểm soát, rồi sẽ đến lượt Đài Loan. Nhưng với những ý đồ gì và sẽ có những rủi ro gì khi quyết tâm thực hiện ? Những câu hỏi này dẫn đến một thắc mắc khác : Ai thật sự cầm quyền ở Bắc Kinh ?

Để giải đáp, Narusghige Michishita, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chính trị Quốc gia đưa ra những so sánh Trung Quốc hiện nay với Nhật Bản của những năm 1930. Ông ghi nhận sự hiện hữu của một luồng hiếu chiến và hoang tưởng tự đại tại Trung Quốc. Thế nên có câu hỏi khác : Phải chăng Tập Cận Bình là một lãnh đạo hay chỉ là một tên nô lệ ?

Nhân vật số một có thể buộc phải dàn xếp với điều mà ông Narusghige Michishita gọi bằng một thuật ngữ mơ hồ sau khi đã cân nhắc "hệ thống" : một trào lưu mang đậm tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, say men tìm lại sự hùng mạnh của một nước "Đại Trung Hoa" và không ý thức được về những yếu tố bấp bênh như những gì tập đoàn quân sự Nhật Bản đã làm, đẩy đất nước lao vào đối đầu với Mỹ năm 1941.

Minh Anh

*********************

Hồng Kông : Mỹ xác nhận 10 quan chức bị trừng phạt và cảnh cáo các ngân hàng

Trọng Nghĩa, RFI, 15/10/2020

Trong báo cáo gởi Quốc Hội hôm 14/10/2020, bộ Ngoại Giao Mỹ đã nêu tên 10 quan chức cao cấp tại Hồng Kông bị cho là chịu trách nhiêm chính trong các vụ đàn áp quyền tự do, trong đó có cả lãnh đạo đặc khu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Bên cạnh đó, bộ Ngoại Giao sẽ xác định rõ trong vòng 60 ngày danh tánh các định chế tài chính đã có giao dịch quan trọng với các nhân vật này để bị trừng phạt.

hk2

Lãnh đạo Hồng Kông, Lâm Trinh Nguyệt Nga là một trong số 10 nhân vật có tên trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ.  Reuters - TYRONE SIU

Theo hãng tin Anh Reuters, đây là bản báo cáo đầu tiên về vấn đề quyền tự trị của Hồng Kông mà bộ Ngoại Giao Mỹ phải đệ trình căn cứ theo quy định trong bộ luật về Hồng Kông được Quốc Hội Mỹ thông qua vào mùa hè vừa qua.

Trên nguyên tắc, văn kiện còn nhằm gia tăng các biện pháp trừng phạt sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia để hạn chế quyền tự trị mà Hồng Kông được hưởng. Tuy nhiên, báo cáo công bố hôm 14/10 không nêu thêm tên ai ngoài số10 người đã bị Mỹ trừng phạt vào tháng 8/2020, trong đó có lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, giám đốc văn phòng liên lạc với Bắc Kinh Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), và tân cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang).

Báo cáo cũng không nêu tên tập thể nào bị trừng phạt, nhưng cảnh cáo rằng một số định chế tài chánh có thể phải chịu các "biện pháp trừng phạt phụ", bao gồm các hạn chế trong việc vay tiền của Mỹ, giao dịch ngoại hối, mua bán tài sản, xuất khẩu và chuyển nhượng, ngoài các biện pháp nhắm vào giới điều hành của họ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai chỉ trích ngân hàng Anh Quốc HSBC, bị cáo buộc là phục tùng Bắc Kinh khi "đóng tài khoản của những người tìm kiếm tự do". Ngân Hàng Standard Chartered cũng bị cáo buộc là đã ủng hộ luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc ấp đặt ở Hồng Kông.

Theo AFP, tính chất thiếu dứt khoát của bản báo cáo đã làm nhiều nghị sĩ Mỹ bất bình. Các tác giả của đạo luật về trừng phạt Hồng Kông đã gọi bản báo cáo của bộ Ngoại Giao là một cơ hội bị bỏ lỡ.

Trọng Nghĩa

*********************

Hồng Kông : Hơn 100 học giả kêu gọi thế giới chống lại luật an ninh Trung Quốc

Mai Vân, RFI, 14/10/2020

Trong một tuyên bố chung công bố ngày hôm qua 13/10/2020, 103 giáo sư, giảng viên và nhà nghiên cứu từ 71 định chế tại 16 quốc gia, trong đó có các trường đại học Mỹ, Anh, Đức và Úc, đã lên án luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt ở Hồng Kông và kêu gọi bảo vệ quyền tự do ngôn luận và học thuật, chống lại tính chất ngòai lãnh thổ của luật này.

hk3

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình trong cuộc tuần hành ở Hồng Kông ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, ngày 22/12/2019.  Reuters - LUCY NICHOLSON

Theo những người đã ký tên vào bản tuyên bố chung, nhiều điều khoản trong luật an ninh Hồng Kông làm suy yếu quyền tự do học thuật vì đã hình sự hóa mọi hành động chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc, kể cả bên ngòai Hồng Kông và Trung Quốc.

Các học giả đặc biệt chỉ trích Điều 38 của bộ luật, theo đó các sinh viên, giáo sư hoặc nhà nghiên cứu nước ngòai đến Trung Quốc hoặc Hồng Kông đều có nguy cơ bị bắt vì công việc học tập, nghiên cứu của mình nếu việc đó bị coi là trái với các quy định của Bắc Kinh.

Trong bản tuyên bố, các học giả yêu cầu Hội Đồng Lập Pháp - tức là Nghị Viện - cũng như chính quyền Hồng Kông khuyến cáo Bắc Kinh rằng luật an ninh là điều không thể chấp nhận được.

Những người ký tên vào bản tuyên bố cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông xem xét lại luật pháp sao cho bảo đảm được đầy đủ quyền tự do học thuật trong các trường đại học.

Theo hãng tin Ý AsiaNews, Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông kể từ ngày 30/06 vừa qua, liệt vào diện tội hình sự các hành vi bị xét là ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngòai. Bắc Kinh xem đấy là biện pháp tái lập trật tự, trong lúc giới đấu tranh cho dân chủ ở Hồng Kông tố cáo ý đồ kiểm soát giới bất đồng chính kiến ​​và đàn áp phong trào ng h dân chủ tại đặc khu hành chánh này.

Trả lời nhật báo Anh The Guardian, tiến sĩ Andreas Fulda, thuộc Viện Nghiên Cứu Châu Á, Đại Học Nottingham ở Anh Quốc và là một trong những người khởi xướng bản tuyên bố cho biết : "Một số sinh viên - cả từ Vương Quốc Anh và Hoa lục - đã nói riêng với tôi rằng họ lo ngại rằng nhận xét được đưa ra trong lớp học hoặc trong những tiểu luận sẽ bị Bắc Kinh dùng làm bằng chứng để kết tội họ".

Theo ông Fulda : "Các trường đại học không thể một mình đối phó với các thách thức này. Một mặt trận thống nhất của các học giả hàng đầu, các chính trị gia và các quan chức cấp cao của chính phủ là cần thiết để cùng bảo vệ quyền tự do học thuật. Chúng ta phải chỉ rõ thực chất của luật an ninh quốc gia Hồng Kông : Đó là một cố gắng thô bạo nhằm ngăn chặn các cuộc thảo luận mang tính phê phán về Trung Quốc, trái ngược với nguyên lý phát triển tri thức và hiểu biết".

Mai Vân

Published in Châu Á

Hồng Kông thay đổi cách cấp giấy phép cho truyền thông

RFI, 23/09/2020

Cảnh sát Hồng Kông vào hôm 22/09/2020, thông báo sẽ không công nhận là nhà báo các thành viên của Hiệp Hội Nhà Báo Hồng Kông HKJA, mà chỉ chấp nhận các nhà báo được chính quyền cấp giấy phép hay thuộc một cơ quan báo chí được quốc tế công nhận.

hongkong1

Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông dùng dùi cui gạt micro của nhà báo, trong cuộc biểu tình ngày 21/07/2020. AP Photo/Kin Cheung

Theo HKJA và nhiều hiệp hội báo chí chuyên nghiệp khác, đây là một bước lùi to lớn về quyền tự do báo chí khiến cho quan hệ giữa báo giới và cảnh sát căng thẳng thêm.

Thông tín viên RFI, tại Hồng Kông, Florence de Changy, cho biết thêm chi tiết :

"Khi ập vào tòa soạn nhật báo đối lập Apple Daily hôm 10/08, cảnh sát đã có chọn lọc giữa giới truyền thông mà họ xem là "đứng đắn" và những phương tiện truyền thông khác. Reuters và Đài Phát Thanh Công Cộng Hồng Kông không được tham gia.

Vấn đề đối với cảnh sát Hồng Kông là dọn sạch các "nhà báo giả" mà sự hiện diện gây rắc rối trong các chiến dịch giải tán biểu tình với nhiều sự cố nghiêm trọng trong các tháng đối đầu dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình, vốn đã được ghi lại nhờ sự hiện diện tại chỗ của các sinh viên ngành báo chí.

Nổi cộm hơn cả là vụ bắn súng trong khoảng cách rất gần vào một thanh niên biểu tình, và gần đây cảnh nhiều cảnh sát chận bắt một nữ sinh 12 tuổi và đè cô bé xuống đất một cách thô bạo.

Hiệp Hội Báo Chí Hồng Kông luôn lên tiếng tố cáo các hành vi thái quá của cảnh sát đối với nhà báo từ đầu các sự kiện vào năm 2019 : Một nữ ký giả Indonesia đã mất một con mắt trong lúc theo dõi một cuộc biểu tình, và nhiều nhà báo cũng đã bị thương, bị bắt giữ, lập biên bản trong lúc tác nghiệp.

HKJA và 6 hiệp hội khác kêu gọi cảnh sát xem xét lại và hủy bỏ quyết định nói trên".

Mai Vân

**********************

Duy Ngô Nhĩ : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập hàng Tân Cương

RFI, 23/09/2020

Nhằm chống "cưỡng bách lao động" người Duy Ngô Nhĩ, Hạ Viện Mỹ với đa số áp đảo thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương trong cuộc biểu quyết hôm thứ Ba 22/09/2020.

hongkong2

Ảnh tư liệu chụp ngày 05/06/2019 : Theo điều tra của AP, nhà máy OFILM, tại Nam Xương (Nanchang), tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, sử dụng nhân công cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, là nhà cung cấp thiết bị cho nhiều tập đoàn đa quốc gia. AP - Ng Han Guan

Theo AFP, trong tinh thần đồng thuận hiếm hoi giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ, dự luật đã được thông qua với tuyệt đại đa số dân biểu : 406 phiếu thuận, 3 phiếu chống. Văn kiện còn chờ Thượng Viện biểu quyết và tổng thống Donald Trump ban hành, ngăn chận mọi hàng hóa làm tại Tân Cương xâm nhập thị trường Hoa Kỳ.

Washington và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo Trung Quốc giam cầm hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các "trại cải tạo" ở Tân Cương. Đối với Bắc Kinh, đây là các "trung tâm học tập và dạy nghề".

Dự luật đề ra các biện pháp cấm toàn bộ sản phẩm sản xuất ở Tân Cương. Điều kiện duy nhất để một sản phẩm được đặc miễn là phải "chứng minh" không do nhân công bị cưỡng bách làm ra.

Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật hồi tháng Ba, rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Hoa Kỳ, có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bách. Trong danh sách khá dài này, có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà ….cũng như tên các công ty khai thác như Adidas, Nike, Clavin Klein, H§M, Coca-Cola…

83 nhãn mác quốc tế

Viện nghiên cứu chiến lược chính trị Úc cho biết, trong ba năm từ 2017 đến 2019, gần 80 ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở Trung Quốc và ít nhất 83 nhãn mác, hiệu quốc tế có liên quan trong quá trình sản xuất.

Theo tuyên bố của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, vì được cả hai phe Cộng Hòa Dân Chủ ủng hộ, dự luật này là một thông điệp "mạnh" gửi chính quyền Bắc Kinh. Chính quyền Trump hôm 14/09 cho biết sẽ chận một loạt hàng hóa có xuất xứ Tân Cương.

Tại Pháp, một chiến dịch dán biểu ngữ tố cáo cưỡng bách lao động được hiệp hội bảo vệ phụ nữ phát động trong đêm Chủ Nhật vừa qua trước cửa vào của 24 cửa hàng nhãn mác quốc tế như Zara, Apple, Lacoste : "Tại đây, người ta giết người Duy Ngô Nhĩ", "Mua hàng là đồng lõa với tội ác".

Tú Anh

Published in Châu Á