Hồng Kông thay đổi cách cấp giấy phép cho truyền thông
RFI, 23/09/2020
Cảnh sát Hồng Kông vào hôm 22/09/2020, thông báo sẽ không công nhận là nhà báo các thành viên của Hiệp Hội Nhà Báo Hồng Kông HKJA, mà chỉ chấp nhận các nhà báo được chính quyền cấp giấy phép hay thuộc một cơ quan báo chí được quốc tế công nhận.
Theo HKJA và nhiều hiệp hội báo chí chuyên nghiệp khác, đây là một bước lùi to lớn về quyền tự do báo chí khiến cho quan hệ giữa báo giới và cảnh sát căng thẳng thêm.
Thông tín viên RFI, tại Hồng Kông, Florence de Changy, cho biết thêm chi tiết :
"Khi ập vào tòa soạn nhật báo đối lập Apple Daily hôm 10/08, cảnh sát đã có chọn lọc giữa giới truyền thông mà họ xem là "đứng đắn" và những phương tiện truyền thông khác. Reuters và Đài Phát Thanh Công Cộng Hồng Kông không được tham gia.
Vấn đề đối với cảnh sát Hồng Kông là dọn sạch các "nhà báo giả" mà sự hiện diện gây rắc rối trong các chiến dịch giải tán biểu tình với nhiều sự cố nghiêm trọng trong các tháng đối đầu dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình, vốn đã được ghi lại nhờ sự hiện diện tại chỗ của các sinh viên ngành báo chí.
Nổi cộm hơn cả là vụ bắn súng trong khoảng cách rất gần vào một thanh niên biểu tình, và gần đây cảnh nhiều cảnh sát chận bắt một nữ sinh 12 tuổi và đè cô bé xuống đất một cách thô bạo.
Hiệp Hội Báo Chí Hồng Kông luôn lên tiếng tố cáo các hành vi thái quá của cảnh sát đối với nhà báo từ đầu các sự kiện vào năm 2019 : Một nữ ký giả Indonesia đã mất một con mắt trong lúc theo dõi một cuộc biểu tình, và nhiều nhà báo cũng đã bị thương, bị bắt giữ, lập biên bản trong lúc tác nghiệp.
HKJA và 6 hiệp hội khác kêu gọi cảnh sát xem xét lại và hủy bỏ quyết định nói trên".
Mai Vân
**********************
Duy Ngô Nhĩ : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập hàng Tân Cương
RFI, 23/09/2020
Nhằm chống "cưỡng bách lao động" người Duy Ngô Nhĩ, Hạ Viện Mỹ với đa số áp đảo thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương trong cuộc biểu quyết hôm thứ Ba 22/09/2020.
Theo AFP, trong tinh thần đồng thuận hiếm hoi giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ, dự luật đã được thông qua với tuyệt đại đa số dân biểu : 406 phiếu thuận, 3 phiếu chống. Văn kiện còn chờ Thượng Viện biểu quyết và tổng thống Donald Trump ban hành, ngăn chận mọi hàng hóa làm tại Tân Cương xâm nhập thị trường Hoa Kỳ.
Washington và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo Trung Quốc giam cầm hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các "trại cải tạo" ở Tân Cương. Đối với Bắc Kinh, đây là các "trung tâm học tập và dạy nghề".
Dự luật đề ra các biện pháp cấm toàn bộ sản phẩm sản xuất ở Tân Cương. Điều kiện duy nhất để một sản phẩm được đặc miễn là phải "chứng minh" không do nhân công bị cưỡng bách làm ra.
Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật hồi tháng Ba, rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Hoa Kỳ, có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bách. Trong danh sách khá dài này, có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà ….cũng như tên các công ty khai thác như Adidas, Nike, Clavin Klein, H§M, Coca-Cola…
83 nhãn mác quốc tế
Viện nghiên cứu chiến lược chính trị Úc cho biết, trong ba năm từ 2017 đến 2019, gần 80 ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở Trung Quốc và ít nhất 83 nhãn mác, hiệu quốc tế có liên quan trong quá trình sản xuất.
Theo tuyên bố của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, vì được cả hai phe Cộng Hòa Dân Chủ ủng hộ, dự luật này là một thông điệp "mạnh" gửi chính quyền Bắc Kinh. Chính quyền Trump hôm 14/09 cho biết sẽ chận một loạt hàng hóa có xuất xứ Tân Cương.
Tại Pháp, một chiến dịch dán biểu ngữ tố cáo cưỡng bách lao động được hiệp hội bảo vệ phụ nữ phát động trong đêm Chủ Nhật vừa qua trước cửa vào của 24 cửa hàng nhãn mác quốc tế như Zara, Apple, Lacoste : "Tại đây, người ta giết người Duy Ngô Nhĩ", "Mua hàng là đồng lõa với tội ác".
Tú Anh