Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/09/2020

Điểm báo Pháp – Đe dọa chiến tranh : Bắc Kinh khẩu Phật tâm Xà

RFI tiếng Việt

Miệng nói hòa bình, Trung Quốc hùng hổ đe dọa chiến tranh với các nước

Tập Cận Bình ca tụng "một cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh". Thế nhưng hiếm khi tình hình căng thẳng đến như vậy ở các biên giới Trung Quốc, và những tuyên bố hiếu chiến liên tục được Bắc Kinh đưa ra.

khauphat1

Ảnh minh họa : Tiễn chào một tàu tiếp liệu rời cảng Thanh Đảo ở Sơn Đông, Trung Quốc đi làm nhiệm vụ, ngày 03/09/2020. © China Daily via Reuters

Trang nhất La Croix hôm nay đăng ảnh một người sống lang thang đang ngủ ngoài đường, chạy tựa "Không còn người vô gia cư : Khẩn cấp". Libération dành trang bìa cho Michael Londale, diễn viên điện ảnh vừa qua đời ở tuổi 89. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc thị trường chứng khoán Châu Âu và Mỹ giảm sút vì nỗi sợ tái phong tỏa.

Về chính trị nước Pháp, Le Monde ghi nhận còn sáu tháng nữa đến kỳ bầu cử cấp vùng, nhưng đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LRM) của tổng thống Macron vẫn chưa xác định được đường hướng, chưa chọn được đồng minh và các ứng cử viên. Le Figaro chú ý đến việc ông Macron trì hoãn việc khẳng định chủ trương về Nhà nước thế tục, trong khi hôm nay tổng thống đến thăm làng Lunel, nơi có khoảng 20 thanh niên đi "thánh chiến" ở Syria.

Ở trang trong, Trung Quốc hung hăng với Đài Loan, biểu tình ở Thái Lan, việc chọn thẩm phán mới cho Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, 75 năm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là các chủ đề thời sự được bàn bạc nhiều nhất. Le Monde có bài "Trung Quốc liên tục giương oai diễu võ với Đài Loan", còn La Croix nói về "Sự khiêu khích của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan".

Chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục xâm nhập không phận Đài Loan

Chuyến viếng thăm Đài Loan từ ngày 17 đến 20/09 của ông Keith Krach, thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường để dự lễ tưởng niệm cố tổng thống Lý Đăng Huy, bị Trung Quốc coi là "khiêu khích". Nhất là chuyến đi này diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm của bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar.

Từ năm 1979 đến nay, chưa bao giờ Hoa Kỳ gởi đến Đài Loan các quan chức cao cấp như thế. Đồng thời, Washington còn bán cho Đài Bắc bảy hệ thống vũ khí "trong đó có các hỏa tiễn cơ động giúp quân đội tiếp tục tự vệ cho dù các phi cơ đã bị hải quân hoặc không quân Trung Quốc loại ra ngoài vòng chiến" - ông Mathieu Duchatel, phụ trách Châu Á của Viện Montaigne giải thích.

Để trả đũa, Bắc Kinh cho tập trận với quy mô chưa từng thấy. Trong thời gian nhà ngoại giao Mỹ ở thăm, không quân Trung Quốc đã hai lần vượt qua đường giới hạn ở eo biển Đài Loan, tổng cộng trong năm nay đến năm lần, dù trước đó từ 1999 đến 2019 vẫn tôn trọng.

Stéphane Corcuff, chuyên gia về Trung Quốc tại Sciences-Po Lyon nhận định : "Trung Quốc đã bước qua một giai đoạn mới trong việc khiêu khích quân sự với Đài Loan. Eo biển Đài Loan đang trong khủng hoảng quân sự trầm trọng kể từ 1958 (Trung Quốc oanh tạc các đảo Kim Môn, Mã Tổ) và 1996 (Trung Quốc bắn mấy chục hỏa tiễn vào Đài Loan). Không loại trừ trường hợp một phi công có hành động quá trớn, làm nổ ra chiến tranh".

Hôm 18/09, Đài Bắc tố cáo có đến 18 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm phạm không phận Đài Loan trong lúc thứ trưởng ngoại giao Mỹ đang viếng thăm. Tổng thống Thái Anh Văn hôm qua 21/09 thông báo các máy bay tiêm kích Đài Loan từ nay được "vũ trang", như một lời cảnh báo. Quân đội Đài Loan được đặt trong tình trạng báo động, bố trí hỏa tiễn trên cụm đảo Bành Hồ dọc theo bờ biển phía tây đối diện Trung Quốc.

Chính sách "việc đã rồi" như trên Biển Đông

Nhưng cũng theo ông Corcuff trên La Croix, bà Thái vẫn chừng mực để không tạo cớ cho Trung Quốc gây chiến, một cuộc chiến mà bà không chắc thắng.

Nhà nghiên cứu cho rằng Tập Cận Bình muốn tranh thủ các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong quân đội, nhưng không đến nỗi khởi động một cuộc chiến tổng lực với Đài Loan. Một kịch bản như vậy sẽ khiến quân đội Mỹ có phản ứng quân sự ngay lập tức, và gây ra một cuộc chiến khu vực đẫm máu.

Đối với ông Duchatel, "cho đến cuối thập niên 90, Đài Loan có ưu thế quân sự tại eo biển, nhưng nay tương quan đã đảo ngược. Trung Quốc muốn tiến hành chính sách việc đã rồi như trên Biển Đông. Bắc Kinh áp đặt dần ưu thế quân sự và qua đó thu thập tối đa những dữ liệu về không quân Đài Loan. Về phía Hoa Kỳ thì gởi đến các quan chức để đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh : Không được tấn công Đài Loan !".

Trong khi đó Đài Loan lo tăng cường các quan hệ không chính thức, đặc biệt về kinh tế, với phương Tây. Chuyến thăm của ông Krach còn có mục đích khảo sát xem Đài Loan có thể giúp Hoa Kỳ bớt lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc, nhất là trong lãnh vực điện tử. Liên Hiệp Châu Âu hôm nay mở ra diễn đàn đầu tư đầu tiên với Đài Loan, với sự tham gia của khoảng 15 nước Châu Âu trong đó có Pháp, Đức.

Global Times hô hào "sẵn sàng cho chiến tranh"

Cũng về chủ đề này, Le Monde phân tích "Trung Quốc bên bờ vực chiến tranh". Tập Cận Bình thích xuất hiện trên trường quốc tế như một nhà lãnh đạo yêu chuộng hòa bình, ca tụng "một cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh". Thế nhưng hiếm khi tình hình căng thẳng đến như vậy ở các biên giới Trung Quốc, và các tuyên bố hiếu chiến liên tục được đưa ra.

Gần đây nhất, hôm thứ Sáu 11/09, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo (Global Times) đăng bài xã luận "Trung Quốc phải sẵn sàng cho chiến tranh cả về quân sự lẫn ý chí". Theo nhân vật quyền lực này, "nhiều nước láng giềng bị Hoa Kỳ xúi giục đối đầu với Trung Quốc", và "Xã hội Trung Quốc cần phải thực sự can đảm, bình tĩnh dấn thân vào một cuộc chiến có mục đích bảo vệ các lợi ích căn bản, sẵn sàng chịu trả giá".

Hồ Tích Tiến không nêu cụ thể nước nào. Theo Le Monde, vì Đài Loan dưới con mắt Bắc Kinh không phải là một quốc gia, nên những lời lẽ trên chủ yếu nhắm vào Ấn Độ.

Những người lạc quan nói rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân của Hồ Tích Tiến, và Global Times chỉ nhắm vào người nước ngoài. Điều này sai, vì bài viết đăng bằng tiếng Hoa, đúng vào ngày 11 tháng Chín. Nhật báo này là chi nhánh của báo đảng China Daily, và trong Trung Quốc của Tập Cận Bình, không có tiếng nói khác biệt nào được phép cất lên. Hoàn cầu Thời báo từ một nhánh dân tộc chủ nghĩa đã trở thành "dòng chính" từ khi các "chiến lang" dường như đã kiểm soát Bộ Ngoại giao.

Người ta cũng có thể tự trấn an vì từ ngữ "chiến tranh" vẫn là cửa miệng của Trung Quốc. Hồi đầu tháng Chín, Trần Nhất Tân (Chen Yixin), chủ tịch Ủy ban Chính Pháp Trung ương giải thích "ba cuộc chiến quan trọng" cần phải tiến hành : "chiến tranh tự vệ vì an ninh chính trị", "chiến tranh kiên quyết để duy trì ổn định xã hội", và "một cuộc chiến dài lâu của Đảng để kiểm soát chặt ngành công an". Tuy vậy, không thể coi thường những lời lẽ của Hồ Tích Tiến. Nhật báo Quân đội hôm 10/09 đã nhắc nhở : "Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh".

Căng thẳng tại tất cả biên giới Trung Quốc

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình hồi cuối tháng Năm đã ra lệnh cho quân đội phải "sẵn sàng chiến đấu". Ông ta thường xuyên nhắc như vậy vì tình hình xung quanh các biên giới Trung Quốc chưa bao giờ căng như thế.

Lần đầu tiên từ 1962, súng đã nổ vào đầu tháng Chín tại biên giới Ấn-Trung. Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, chưa nói đến Đài Loan. Chưa bao giờ quân Trung Quốc lại hiện diện cả ở phía tây lẫn phía đông hòn đảo như vậy, bà Thái Anh Văn dùng chữ "sách nhiễu" : hôm 18/09, có đến 18 chiến đấu cơ Trung Quốc trên không phận Đài Loan, lúc thứ trưởng Mỹ Keith Krach đang ở thăm.

Tình hình cũng hết sức căng thẳng trên Biển Đông. Cuối tháng Tám, Bắc Kinh đã cho bắn đi bốn hỏa tiễn đạn đạo, chắc là do chính Tập Cận Bình bật đèn xanh. Loại "sát thủ diệt hạm" này có thể thay đổi đường bay ở giai đoạn hạ xuống, loại vũ khí công nghệ cao để tấn công hàng không mẫu hạm mà Hoa Kỳ chưa có tương đương.

Trung Quốc không còn muốn "thống nhất hòa bình" với Đài Loan ?

Đây là phương diện đáng ngại của các bài diễn văn hiếu chiến từ Bắc Kinh hiện nay : quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa hơn bao giờ hết. Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ hôm 01/09 nhận định "Trung Quốc đã ngang hàng với Hoa Kỳ, thậm chí đã vượt trong nhiều lãnh vực" như đóng tàu, hỏa tiễn đạn đạo và hành trình đặt trên mặt đất, hệ thống phòng không. Riêng về hải quân, Trung Quốc có khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm, nhiều nhất thế giới trong khi Mỹ chỉ có 293 chiến hạm vào đầu năm 2020.

Phản ứng lại, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) nói rằng Bắc Kinh "không đe dọa một quốc gia nào cả". Nhưng Le Monde một lần nữa nhắc lại, với Trung Quốc, Đài Loan "không phải là một quốc gia". Ngô Khiêm nhấn mạnh : "Nếu ai đó dám tách rời Đài Loan khỏi Trung Quốc, Giải phóng quân sẽ dùng đến mọi biện pháp cần thiết".

Và thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội vào tháng Năm đặc biệt không nêu ra khái niệm "thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc một cách hòa bình" - một cách khẳng định các tuyên bố hiếu chiến đầy tham vọng.

Amnesty tố cáo các công ty Châu Âu bán công nghệ nhận diện cho công an Trung Quốc

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde cho biết Amnesty International tố cáo việc xuất khẩu công nghệ giám sát của Châu Âu sang Trung Quốc, trong đó có tập đoàn Pháp Idemia đã bán công nghệ nhận diện cho công an Thượng Hải.

Trong báo cáo ngày 11/09/2020, Amnesty nêu ra việc Idemia, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ sinh trắc với 15.000 nhân viên và 2,3 tỉ euro doanh số, đã cung cấp hệ thống giúp tách biệt và nhận diện khuôn mặt người. Thương vụ này do Morpho, một chi nhánh của tập đoàn Safran thực hiện năm 2015, trước khi sáp nhập với Oberthur năm 2017 để lập nên Idemia. Hai công ty khác cũng bị Amnesty "điểm danh" là Axis Communications ở Thụy Điển, và Noldus Information Technology của Hà Lan.

Hiện nay Trung Quốc đã giăng mắc đến hơn 200 triệu camera giám sát trên toàn quốc, dự kiến các thiết bị này sẽ kết nối với nhau. Công nghệ nhận diện được Bắc Kinh sử dụng phổ biến, chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đặc biệt là ở Tân Cương để giám sát người Duy Ngô Nhĩ với cớ "chống khủng bố".

Idemia nói rằng công nghệ bán ra nhằm vào các băng video đã thu sẵn chứ không phải để giám sát hoạt động thực tế, khẳng định nay đã ngưng bán ; hai công ty Thụy Điển và Hà Lan cũng tự biện hộ là không biết sản phẩm bị công an Trung Quốc dùng vào việc vi phạm nhân quyền. Đối với Amnesty, mục đích là nhằm tác động đến việc cải cách cơ chế xuất khẩu công nghệ giám sát đang được Bruxelles nghiên cứu, và tổ chức phi chính phủ này kêu gọi phải kiểm soát chặt chẽ hơn công nghệ nhận diện.

Thái Lan : Đất nước thuộc về nhân dân chứ không phải là sở hữu của vua

Cũng tại Châu Á, Le Monde đề cập đến việc phong trào phản kháng của sinh viên đã tiến lên một giai đoạn mới, khẳng định "Đất nước thuộc về nhân dân chứ không phải của nhà vua".

Từ tháng Sáu, các cuộc biểu tình đòi dân chủ không ngừng tăng lên, ngày càng nhiều người tham gia xuống đường, cho dù mục tiêu huy độn được 100.000 người vẫn chưa đạt. Không chỉ phản đối Hoàng gia, mà phong trào còn dám đụng chạm đến chủ đề cấm kỵ nhất : quốc vương Maha Vajiralongkorn tức Rama X. Từ khi lên nối ngôi, nhà vua đã tăng cường kiểm soát quân đội, trực tiếp nắm khối tài sản của Hoàng gia lên đến 30 tỉ đô la, không cho ai khác quản lý dù ông thường xuyên sống ở Đức chứ không phải ở Thái Lan.

Có những người biểu tình cầm biểu ngữ với các bức biếm họa nhà vua, hoàng hậu Suthida, hoàng phi Sineenat… Mới cách đây một tháng, không ai có thể tưởng tượng được một sự đối đầu như thế với một vị vua Thái vốn luôn được coi như thần thánh, và luật khi quân khắt khe nhất thế giới khiến những ai "báng bổ" có thể bị tống giam đến 15 năm.

Sinh viên đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, đưa ra bản yêu sách gồm 10 điểm. Hiện thời, câu trả lời của Hoàng gia chỉ là tháo gỡ tấm bảng có ghi hàng chữ "Đất nước thuộc về nhân dân chứ không phải của nhà vua, như người ta đã muốn chúng ta tin tưởng một cách sai lạc".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 559 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)