Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/09/2020

Thái Lan : giới trẻ tiếp tục xuống đường đòi tự do và dân chủ thực sự

RFI tổng hợp

Thái Lan : Người biểu tình thách thức chế độ quân chủ

Thanh Hà, RFI, 20/09/2020

Phong trào phản kháng tại Thái Lan bước sang một khúc quanh mới với đòi hỏi cải tổ chế độ quân chủ. Ngoài yêu sách sửa đổi Hiến Pháp do tập đoàn quân sự áp đặt và đòi thủ tướng Prayut Chan O Cha từ chức, ngày 20/09/2020 người biểu tình Thái Lan đã tiến thêm một bước với lời khẳng định "Đất nước này thuộc về nhân dân" chứ không thuộc về nhà vua. Quốc vương Thái Lan hiện sống tại nước ngoài.

thai1

Sinh viên Thái Lan ngồi cạnh tấm biển đồng hình tròn vừa được gắn, bên trên ghi rõ "Đất nước này thuộc về nhân đân". Ảnh chụp tại cuộc biểu tình rầm rộ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 20/09/2020. Reuters / Athit Perawongmetha  © Reuters - SOE ZEYA TUN

Thông tín viên RFI Carol Isoux từ thủ đô Bangkok gửi về bài tường trình :

"Sáng sớm nay người dân đã thức dậy dưới cơn mưa tại khu ký túc xá mênh mông của đại học Thammasat, ngay ở khu trung tâm lịch sử của thủ đô Thái Lan. Phong trào đấu tranh trong hai ngày cuối tuần này đã đem lại hai kết quả cụ thể.

Tối qua, một đảng chính trị mới mang tên Dân Tộc Mới vừa được khai sinh với sự tham gia của nhiều chính khách và lãnh đạo phong trào sinh viên.

Kết quả thứ hai mang tính biểu tượng cao là vào sáng nay, đúng ngay tại nơi từng đặt một tấm bia kỷ niệm ngày Thái Lan chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, một tấm bia đã biến mất gần đây, người biểu tình đã đặt lại một bảng đồng khác nhắc nhở rằng Thái Lan thuộc về nhân dân chứ không phải là của riêng nhà vua.

Một người trong cuộc nói : "Với tấm biển này chúng tôi hy vọng là rốt cuộc nền dân chủ sẽ được tôn trọng tại đất nước chúng tôi và chế độ quân chủ sẽ sử dụng quyền lực trong khuôn khổ của Hiến Pháp.

Đây chính là chủ đề chia rẽ công luận Thái Lan. Một bộ phận tin rằng quyền lực của nhà vua là thiêng liêng, thể hiện bản sắc Thái Lan và đó là một điều không thể bị xét lại công khai .

Nếu như trước mắt, chính phủ chưa có phản ứng về những diễn biến này thì ngược lại trên các mạng xã hội, đã xuất hiện những phản ứng phẫn nộ từ hàng ngũ phe bảo vệ hoàng gia đến cùng".

Thanh Hà

***********************

Thái Lan : Hàng chục nghìn sinh viên biểu tình đòi thủ tướng từ chức

Trọng Thành, RFI, 19/09/2020

Phong trào phản kháng của giới sinh viên Thái Lan diễn ra liên tục từ giữa tháng 7/2020 đến nay. Hôm nay 19/09/2020, những người tổ chức hy vọng sẽ có ít nhất 50.000 người tham gia cuộc xuống đường tại Bangkok để kêu gọi thủ tướng từ chức, chấm dứt đàn áp và sửa đổi bản Hiến pháp 2017 do tập đoàn quân sự áp đặt. Khoảng 10.000 cảnh sát được triển khai tại Bangkok. 

thai2

Biểu tình tại Bangkok đòi thủ tướng từ chức và sửa đổi hiến pháp 2017. Ảnh ngày 19/09/2020. Reuters - SOE ZEYA TUN

Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra trong không khí ôn hòa. Chính quyền Prayout Chan-O-Cha không đàn áp biểu tình, nhưng tìm cách hạn chế quy mô của phong trào, đặc biệt với việc siết chặt kiểm soát Internet. Chính quyền ngăn chặn khoảng 2.000 trang mạng được coi là có liên quan đến phong trào sinh viên.

Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết cụ thể :

"Hàng trăm trang mạng bị đóng, cũng như các trang Facebook hay Twitter của các nhà tranh đấu có ảnh hưởng nhất. Chính quyền Thái Lan coi việc gia tăng kiểm soát Internet là cần thiết để tránh cho các cuộc tập hợp thu hút quá đông người tham gia. Cách nay ít tuần, hơn 20.000 người tham gia biểu tình. Lần này, những người biểu tình được kêu gọi qua đêm tại chỗ, cho đến tối ngày mai, Chủ Nhật 20/09.

Thoạt tiên sinh viên biểu tình có kế hoạch tuần hành đến trụ sở Quốc Hội, rốt cục, kế hoạch bị hủy, nhưng những người tổ chức - dường như kiên quyết hơn bao giờ hết - hứa hẹn sẽ có những bất ngờ. Cho đến nay, bạo lực không xảy ra, nhưng tình hình này sẽ kéo dài đến khi nào ? Cảnh sát Thái Lan cảnh cáo sẽ không để cho giới trẻ tấn công vào các tài sản của Hoàng gia".

Nếu cuộc tuần hành phản kháng hôm nay và ngày mai có 50.000 người tham gia, thì đây sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất tại Thái Lan kể từ cú đảo chính quân sự năm 2014, đưa thủ lĩnh tập đoàn quân sự, tướng Prayut Chan-O-Chan, lên cầm quyền. 

Theo AFP, ngay từ cuối buổi sáng hôm nay, hàng trăm người biểu tình đã tràn vào khuôn viên đại học Thammasat, trung tâm thủ đô Bangkok. Đại học Thammasat là một địa điểm mang tính biểu tượng. Ngày 06/10/1976, hàng chục sinh viên phản đối sự trở lại của chế độ độc tài quân sự, sau giai đoạn ba năm dân chủ, đã bị lực lượng an ninh, với sự hậu thuẫn của các thành phần bảo hoàng cuồng tín, hạ sát.

Ẩn số lớn hiện nay là thái độ của dân chúng Thái Lan đối với phong trào sinh viên. Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra gần như hàng ngày, với thành phần chủ yếu là sinh viên, giới trẻ nói chung và dân cư đô thị. Nhà nghiên cứu Christine Cabasset, Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, đặt câu hỏi : Liệu các sinh viên có khả năng huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp dân nghèo hay không ? Cuộc biểu tình hôm nay là một trắc nghiệm.

Cải cách chế độ quân chủ : Đích nhắm khác của phong trào sinh viên

Đối với một bộ phận phong trào phản kháng của sinh viên, cái đích không chỉ là tập đoàn quân sự, mà cả chế độ quân chủ. Trả lời AFP, một trong những người tổ chức phong trào, bà Panusaya Sithijirawattanakul, biệt danh là "Rung", cho biết mục tiêu không phải là lật đổ chế độ quân chủ, mà là "hiện đại hóa nền quân chủ, để nền quân chủ thích ứng với xã hội hiện nay". Đòi hỏi của các nhà tranh đấu sinh viên là quốc vương không can thiệp vào các công việc chính trị, hủy bỏ luật về tội khi quân, thường được dùng để đàn áp đối lập chính trị, và đặt tài sản của Hoàng gia dưới sự quản lý của Nhà nước.

Các yêu sách nói trên được nhiều nhà quan sát đánh giá là táo bạo, bởi quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn, lên ngôi từ năm 2016, đang nắm giữ rất nhiều quyền lực, hơn rất nhiều so với quyền lực của nhà vua được thể chế quân chủ lập hiến Thái Lan quy định. Quốc vương Maha Vajiralongkorn thường xuyên điều khiển các hoạt động của chính quyền từ hậu trường. Kể từ năm 2018, quốc vương Thái Lan trực tiếp kiểm soát toàn bộ tài sản của Hoàng gia, ước tính hơn 40 tỉ đô la (gấp khoảng 40 lần tài sản Hoàng gia Anh).

Khác hẳn với vua cha Bhumibol Rama IX, được đông đảo người dân Thái ngưỡng mộ, quân vương kế nhiệm Rama X nổi tiếng với lối sống xa hoa, hành xử độc đoán và nhiều xì-căng-đan. Tháng 3/2020, trong lúc Thái Lan đang vất vả đối chọi với đại dịch Covid-19, quốc vương Rama X du ngoạn tại châu Âu, sống trong một khách sạn sang trọng ở thị trấn Garmisch-Partenkirchen, một điểm du lịch ở miền nam nước Đức, cùng với 20 cung phi. 

Trọng Thành

************************

Bảng kêu gọi cải cách hoàng gia của sinh viên Thái Lan biến mất

BBC, 18/09/2020

Một tấm bảng do những người biểu tình chống chính phủ đặt xuống, tuyên bố Thái Lan "thuộc về người dân chứ không phải của vua" đã bị dỡ bỏ.

thai3

Tấm bảng (trái) và không gian trống sau khi nó biến mất

Được đặt xuống chỉ một ngày trước đó, bảng này được coi là một hành động táo bạo ở một quốc gia nơi chỉ trích chế độ quân chủ có thể đồng nghĩa với các án tù dài hạn.

Sự kiện này xảy ra sau nhiều tuần có các cuộc biểu tình chưa từng có, kêu gọi cải cách hoàng gia và sự từ chức của thủ tướng.

Cảnh sát cho biết họ đang điều tra việc tấm bảng mất tích, theo các hãng thông tấn.

Phó cảnh sát trưởng Bangkok Piya Tawichai cũng cảnh báo rằng họ có thể buộc tội những người biểu tình đã đặt tấm bảng xuống, theo Reuters.

Hôm thứ Bảy, Bangkok đã có một cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm gần Cung điện Hoàng gia, với hàng nghìn người thách thức chính quyền, yêu cầu cải tổ chính trị.

Tấm bảng được đặt trên cánh đồng Sanam Luang lịch sử giữa âm thanh của tiếng hò reo sáng Chủ nhật, tuyên bố bằng tiếng Thái : "Người dân bày tỏ ý định rằng đất nước này thuộc về người dân, chứ không phải của vua".

Các nhà đấu tranh nói tấm bảng này thay thế cho một tấm bảng khác đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ tuyệt đối vào thập niên 1930, đã biến mất năm 2017.

Các cuộc biểu tình chống lại chính phủ Thái Lan do sinh viên lãnh đạo lần đầu tiên, bắt đầu vào tháng 7.

Những người này kêu gọi Tướng Prayuth Chan-ocha, người đã nắm quyền vào năm 2014 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm ngoái, từ chức.

Nhưng các cuộc biểu tình đã diễn biến một cách đáng kinh ngạc một tháng sau, khi họ bắt đầu bao gồm các lời kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.

Hoàng gia Thái Lan từ lâu đã được bảo vệ khỏi những lời chỉ trích của dân, theo bộ luật Khi quân hà khắc, có thể khiến những người bị buộc tội bị phạt tới 15 năm tù.

Vào tháng 8, những người biểu tình đã phá vỡ điều cấm kỵ và tại một cuộc biểu tình, một lời kêu gọi 10 điểm cải cách chế độ quân chủ đã được đọc lên.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)