Đài Loan xác nhận tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa (VOA, 04/11/2018)
Lực lượng tuần duyên của Đài Loan hôm 29/10 xác nhận rằng cơ quan này sẽ tiến hành các cuộc thao dượt bắn đạn thật "thông thường" quanh hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa là Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình.
Một cuộc tập trận của hải quân Đài Loan.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng của Đài Loan từ chối xác nhận liệu các đơn vị hải quân có tham gia hay không, theo cộng tác viên của Đài tiếng nói Hoa Kỳ ở Đài Bắc.
Các nhà quan sát cho rằng động thái của Đài Loan, bên thường ít lớn tiếng trong tranh chấp ở Biển Đông, nhiều khả năng sẽ gây quan ngại cho các nước tuyên bố chủ quyền khác.
Trả lời ban tiếng Anh của VOA, ông Oh Ei Sun, giảng viên về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang ở Singapore, nói rằng ông "không rõ ý nghĩa của từ ‘thông thường’", nhưng nếu đó là diễn tập quân sự thì ông "không nghĩ nó là thông thường".
Ông Sun nói rằng việc làm của Đài Loan "chắc chắn sẽ gây xáo trộn nguyên trạng", "các bên khác cũng sẽ tổ chức các cuộc diễn tập tương tự" và "sẽ có chuyện chỉ trích lẫn nhau".
Trước khi Đài Bắc xác nhận, Hà Nội đã lên tiếng phản đối, coi "mọi hoạt động không có sự cho phép của Việt Nam" ở Trường Sa và Hoàng Sa "đều xâm phạm chủ quyền" và "làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Bắc Kinh hiện đang đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á về một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông để ngăn chặn bất kỳ những tính toán sai lầm nào.
Tuy nhiên, Đài Loan không phải là một phần cuộc đàm phán vì Trung Quốc không công nhận hòn đảo này là một quốc gia riêng rẽ, theo cộng tác viên của Đài VOA Ralph Jennings.
Ông Sun nói rằng Trung Quốc hoặc Việt Nam có thể tìm cách "ngăn chặn" Đài Loan tiến hành cuộc thao dượt bằng cách gia tăng sự hiện diện của các lực lượng của nước mình gần hòn đảo Thái Bình. Theo cộng tác viên Jennings, Bắc Kinh thường cho máy bay quân sự bay ngang qua và đưa tàu tới gần Đài Loan, khiến Bộ Quốc phòng của hòn đảo lo ngại.
Theo ông Fabrizio Bozzato, một nhà nghiên cứu về Châu Á và Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, thông qua cuộc tập trận, chính phủ Đài Loan có thể hy vọng chứng tỏ rằng Tổng thống Thái Anh Văn "cam kết bảo vệ" các quyền lợi ở Biển Đông trước khi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương giữa kỳ vào ngày 24/11.
Ông Bozzatto nói rằng "các cuộc tập trận phát đi một thông điệp tới các nước tuyên bố chủ quyền khác rằng Đài Bắc sẵn lòng và sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ".
Nhà nghiên cứu này cũng nói thêm rằng các cuộc thao dượt cũng là "một cách để chứng tỏ cho Hoa Kỳ và các cường quốc khác cũng như các nước giúp giữ vững quyền tự do hàng hải ở Biển Đông rằng Đài Loan sẵn lòng thực hiện bổn phận của mình".
Theo cộng tác viên của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, năm 2016, lực lượng tuần duyên và hải quân Đài Loan cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập cứu nạn gần đảo Thái Bình.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi hôm 30/10 nói rằng chính quyền Đài Bắc coi Thái Bình là một "trung tâm cứu hộ nhân đạo", nhưng nói thêm rằng việc có bất kỳ lực lượng quân sự nào tham gia cuộc thao dượt vào tháng tới cũng là vì các mục đích bảo đảm "an ninh".
Trong các diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã lệnh cho quân khu phụ trách Biển Đông và Đài Loan "chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh".
Theo AP, trong chuyến thăm Philippines, Đô đốc John Richardson, người lãnh đạo các hoạt động của hải quân Mỹ, hôm 29/10 nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông trong hoạt động thúc đẩy quyền tự do hàng hải.
*******************
Pháp sắp điều hàng không mẫu hạm đến Biển Đông (RFA, 03/11/2018)
Pháp sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle đến Ấn độ Dương và Biển Đông trong năm 2019. Trang tin World Socialist trích nhật báo La Provence của Pháp cho biết như vậy hôm 2/11.
Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp - AFP
La Provence trích lời của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói rằng hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle hiện đang sửa chữa từ năm ngoái đến nay và sẽ sớm hoạt động trở lại giúp tăng cường khả năng tác chiến của Pháp.
Bà Parly cho biết lý do điều tàu đến các vùng biển xa là vì nhu cầu phải bảo đảm tự do hàng hải. "Pháp luôn ở tuyến đầu bảo vệ quyền tự do hàng hải ở các vùng nước quốc tế. Bất cứ khi nào nguyên tắc của luật quốc tế bị thách thức, mà như hiện nay là ở Biển Đông, chúng ta sẽ cho họ thấy là chúng ta có tự do hàng hải ở đó", bà Parly được trích lời cho biết.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, một tàu của Pháp là tàu Dixmude và một tàu khu trục đã đi qua quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở Biển Đông. Khi đó, tàu của Trung Quốc đã theo sau tàu Pháp cho đến khi tàu Pháp rời đi.
Hoa Kỳ thời gian qua cũng gia tăng các hoạt động tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông và kêu gọi các đồng minh của mình cùng tham gia.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, một tàu chiến của Mỹ đã đi qua đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa để thách thức Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động này của Mỹ và gọi đây là các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, gây mất ổn định khu vực.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông, nơi các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền.
Nhiều nước lo ngại những hoạt động xây lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở tuyến đường biển quan trọng này của thế giới.