Việt Nam tổ chức Đối thoại biển lần 5 về vấn đề Biển Đông (RFA, 18/06/2019)
Đối thoại biển lần thứ 5 về vấn đề Biển Đông vừa được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 18/6 với chủ đề "Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông".
Đối thoại biển lần thứ 5 hôm 18/6/2019 - Courtesy of qdnd.vn
Theo Thông tấn xã Việt Nam, gần 100 đại biểu từ 30 cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế, các bộ, ngành liên quan của Chính phủ, chuyên gia, học giả và phóng viên đã đến dự đối thoại lần này.
Tại Đối thoại lần này, các diễn giả tập trung thảo luận về vai trò của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Đối thoại biển do Học viện Ngoại giao tổ chức phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đại sứ quán Australia và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông.
Đối thoại lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2017. Trong 4 lần đối thoại trước, các chủ đề chính được nói đến bao gồm quản trị biển, hợp tác nghề cá, luật biển quốc tế và xử lý rác thải nhựa.
Trong bài phát biểu tại lần Đối thoại đầu tiên ở Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói rằng tình hình hiện tại đang dẫn đến sự xuống cấp môi trường biển nhanh chóng vì tình trạng khai thác quá mức và giảm sút nguồn tài nguyên biển. Ông cũng cảnh báo những tranh chấp trong các đòi hỏi chủ quyền giữa các quốc gia có thể cản trợ việc các nước hợp tác để tăng cường việc quản lý biển bền vững.
Năm 2020 sắp tới cũng là năm Việt Nam nắm ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN và chính thức thực hiện nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc kéo dài hai năm.
****************
Mỹ, Việt khẳng định tầm quan trọng của hợp tác an ninh năng lượng (VOA, 18/06/2019)
Vụ Tài nguyên Năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Công thương Việt Nam hôm 17/6 khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác song phương về năng lượng giữa hai quốc gia.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng Francis R. Fannon và Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn General Electric tại đối thoại lần 2 ở Washington DC hôm 12/4.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông cáo ra hôm 18/6 rằng Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách tài nguyên năng lượng Francis Fannon đã gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đặng Hoàng An trong cuộc gặp của phái đoàn Mỹ với phía Việt Nam ở Hà Nội hôm 17/6.
Hai bên nhấn mạnh lợi ích chung trong việc làm sâu sắc thêm và mở rộng sự hợp tác về năng lượng giữa Mỹ và Việt Nam cũng như nêu bật kết quả của các cuộc Đối thoại An ninh Năng lượng Mỹ-Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 3/2018 và ở Washington, DC, hồi tháng 4 vừa qua, theo BNG Mỹ.
Tại đối thoại lần 2 ở Washington, DC, hôm 12/4, Việt Nam và Mỹ đã "nhấn mạnh tính tập trung của an ninh năng lượng đối với sự phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế rất lớn và nhu cầu năng lượng cao.
"Cả hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc phải cải thiện tính minh bạch và dự đoán của môi trường đầu tư ngành năng lượng Việt Nam thông qua sự phát triển do ngành tư nhân lãnh đạo và các cải cách về thể chế", theo một thông cáo của BNG Mỹ đưa ra hôm 12/4.
Nhu cầu ngày càng tăng cao về năng lượng đã mở ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ, theo thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng được Nhân Dân trích lời nói tại cuộc Đối thoại đầu tiên tổ chức ở Hà Nội hôm 30/3/2018.
Theo ước tính được ông Vượng đưa ra, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2035 so với 2015, tăng từ 54 triệu đơn vị tiêu thụ năng lượng (TOE) lên 90 triệu TOE.
Mặc dù một số công ty hàng đầu của Mỹ, như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron và UOP đã có mặt ở Việt Nam với một loạt các dự án trên khắp đất nước, nhưng sự hợp tác giữa hai chính phủ vẫn còn hạn chế so với mức độ phát triển cao và nhu cầu ngày càng tăng về năng lược ở Việt Nam, theo thứ trưởng Vượng.
Tại cuộc Đối thoại ở Washignton hồi tháng 4, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh sự ủng hộ của họ trong việc hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam về những cải cách cho ngành điện, tăng cường năng lượng tái tạo và năng lượng lưu trữ của Việt Nam, thúc đẩy nhập khẩu khí đốt tự nhiên và tăng cường hiệu quả năng lượng, theo thông cáo của BNG Mỹ.
Đối thoại An ninh Năng lượng Mỹ-Việt Nam lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2020.
********************
Một quan chức của Tuần duyên Mỹ mới tái khẳng định mối quan hệ với Cảnh sát Biển Việt Nam, nhất là chuyện chuyển giao tàu tuần tra cũ của lực lượng của Hoa Kỳ, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.
"Tuần duyên Mỹ ủng hộ mối quan hệ đối tác toàn diện với Cảnh sát Biển Việt Nam, cùng làm việc để củng cố năng lực thực thi pháp luật và hàng hải của Việt Nam", Phó Đô đốc Linda L. Fagan, Chỉ huy Tuần duyên Mỹ phụ trách vùng Thái Bình Dương, nói trong cuộc họp báo hôm 11/6.
Bà cho biết thêm rằng Cảnh sát Biển Việt Nam "đã nhận một trong các tàu tuần duyên trọng tải cao của Mỹ" năm 2017, theo Chương trình bán trang thiết bị quốc phòng dư thừa (EDA).
Tin cho hay, chương trình EDA cung cấp thiết bị quân sự dư thừa cho đối tác Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh để "hỗ trợ cho các nỗ lực hiện đại hóa an ninh và quân đội của họ".
"Con tàu này mang một biểu tượng ý nghĩa và cụ thể về Quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam", Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock, Trợ lý Tham mưu trưởng về quân dụng và cán bộ chuyên trách quân dụng, từng phát biểu tại lễ bàn giao năm 2017. "Tuần duyên Hoa Kỳ vinh dự được chứng kiến con tàu này tiếp tục duy trì hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu khi trở thành một phần của Cảnh sát biển Việt Nam".
Phía Mỹ từng cho biết rằng tàu sau đó được đổi tên thành CSB 8020, và "được trông đợi giúp nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải của Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường năng lực của họ trong việc thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tiến hành tìm kiếm và cứu nạn, và các hoạt động ứng phó nhân đạo".
Bà Fagan nói rằng Hoa Kỳ cũng hỗ trợ huấn luyện và đào tạo để "đảm bảo" rằng phía Việt Nam "có thể hoạt động và duy trì con tàu đó".
"Đó là một cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Tuần duyên Mỹ đối với Cảnh sát Biển Việt Nam", nữ Phó Đô đốc cho biết, nói thêm rằng điều đó mang lại "lợi ích" cho cả hai nước trong tương lai.
Về khả năng Tuần duyên Mỹ sẽ chuyển giao thêm tàu cho phía Việt Nam, bà Fagan nói rằng đôi bên đang có "một cuộc trao đổi rất tích cực" về điều này, "nhưng tôi không biết kết quả cuối cùng của cuộc trò chuyện đó".
"Điều tôi biết rõ, đó là Tuần duyên Mỹ và Cảnh sát Biển Việt Nam có mối quan hệ đối tác rất tốt đẹp. Chúng tôi cam kết đối với chuyện đó và trông chờ tiếp tục các cuộc trao đổi đó và giúp duy trì mối quan hệ đối tác giữa hai nước", bà Fagan nói.
"Chúng tôi đã phát triển các mối quan hệ đối tác lâu dài với các nước trong khu vực và chúng tôi cùng chia sẻ cam kết mạnh mẽ về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, an ninh, thịnh vượng và chủ quyền của mọi quốc gia".
Vấn đề trật tự quốc tế mới đây cũng đã được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nêu lên trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 1/6. Nhà ngoại giao này cũng dường như chỉ trích chuyện Trung Quốc xây đảo nhân đạo ở Biển Đông.
"Có lẽ mối đe dọa lâu dài, lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực này đến từ các nhân tố tìm cách phá hoại, thay vì duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", ông Shanahan nói.
"Nếu các hành vi này tiếp diễn, các thực thể nhân tạo ở những khu vực chung trên toàn cầu có thể trở thành các trạm thu phí, [và] chủ quyền có thể trong tầm ngắm của kẻ mạnh".
Viễn Đông