Trung Quốc trong năm qua đã nổi lên như nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu cho Việt Nam, một vị thế có khả năng giúp mở rộng các mối quan hệ song phương vốn đã bị tổn thương vì vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo, và cũng là nước mà trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam bao giờ cũng tỏ ra hoài nghi. Theo các số liệu của chính phủ Việt Nam, trong tháng Một 2017, số du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 250.000 người, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa Trung Quốc lên vị thế số Một trong các nguồn cung cấp khách du lịch cho Việt Nam.
Du khách Trung Quốc đã định hình lại nền kinh tế của Hồng Kông và Đài Loan trong thập niên qua, giúp những nơi này xích lại gần hơn với Bắc Kinh sau thời kỳ dài quan hệ khó khăn.
Bây giờ có lẽ đã đến lượt khách du lịch Trung Quốc mang lại nhiều thay đổi cho Việt Nam. Ông Frederick Burke thuộc công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định :
"Có một số căng thẳng tiềm tàng về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên Việt Nam là một điểm đến mà người dân Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi đi du lịch".
Ông Burke nói "Việt Nam không mấy xa, dễ lui tới. Lại có những điểm tương đồng về văn hóa, nhưng lại có những khác biệt rất thú vị. Du lịch sang Việt Nam không tốn kém, và họ sẵn lòng phục vụ du khách Trung Quốc".
Khắc phục căng thẳng
Sự tăng vọt về lượt khách Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Việt Nam. Năm ngoái số lượt khách đến Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10, đạt khoảng 2,2 triệu. Số liệu này sút giảm vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu và đặt giàn khoan này trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, khơi lên các vụ biểu tình bạo loạn chống Trung Quốc gây tử vong.
Bắc Kinh và Hà Nội đối đầu gay gắt về chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, kể cả tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng một làn sóng khách du lịch ổn định có khả năng cải thiện các mối quan hệ giữa người dân hai nước vốn trong nhiều thế kỷ đã bị ảnh hưởng bởi những đối đầu chính trị và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cùng với các tranh chấp hàng hải, theo các nhà phân tích.
Sự phát triển của ngành du lịch là một điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt-Trung vào cuối năm 2016, theo ông Hoàng Việt Phương, người đứng đầu nghiên cứu và là cố vấn đầu tư tại Dịch vụ Chứng khoán SSI ở Hà Nội.
Louie Nguyễn, biên tập viên và người sáng lập trang web tin tức của VietnamAdvisors nhận định :
"Có xu hướng muốn chuyển hướng từ một trung tâm sản xuất sang các lĩnh vực khác, ta có thể thấy xu hướng đó trong sự gia tăng các sáng kiến kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngay cả trong ngành giải trí, phim mới nhất của King Kong đã được thực hiện ở Việt Nam. Vì vậy, ở Việt Nam có nhiều sáng kiến làm ăn, tách ra khỏi lĩnh vực chế tạo sản xuất. Du lịch là một trong các lĩnh vực đó".
Ông Burke trích tin của Tân Hoa Xã nói rằng Trung Quốc giờ là nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, cứ 8 công việc mới hiện nay thì có một là trong ngành khách sạn, Du lịch chiếm 6,6% GDP của Việt Nam trong năm ngoái.
Ralph Jennings
*********************
Không buộc khách Mỹ xin visa dài hạn với phí 135 đô la (TBKTSG, 08/023/2017)
Từ nay, du khách Mỹ đến Việt Nam không buộc phải xin thị thực (visa) dài hạn 1 năm, đi lại nhiều lần với phí 135 đô la Mỹ mà được xin visa theo nhu cầu đi lại, có thể chỉ cần xin loại thông thường có phí 25 đô la Mỹ như trước.
Khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh : Đào Loan
Ông Võ Đức Tây, Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cho biết cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã họp bàn nhiều lần để tìm cách tạo điều kiện dễ dàng nhất cho du khách Mỹ đến du lịch và đã quyết định thực hiện việc cấp visa theo nhu cầu của khách. Nếu du khách chỉ cần đến Việt Nam trong một thời gian ngắn thì có thể xin loại visa thông thường như những khách quốc tế khác.
"Quy định cấp visa có thời hạn 1 năm, đi lại nhiều lần cho người Mỹ thực hiện theo thỏa thuận song phương của hai chính phủ nhưng rất nhiều doanh nghiệp du lịch than phiền quy định này gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch, khiến du khách tốn thêm chi phí không cần thiết nên chúng tôi đã tìm cách thay đổi", ông nói với TBKTSG Online vào chiều ngày (8/2).
Từ cuối tháng 8/2016, dù đến Việt Nam với bất kỳ mục đích nào thì công dân Mỹ cũng sẽ được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tự động nâng thời hạn visa lên 1 năm, cho ra vào nhiều lần với lệ phí 135 đô la Mỹ. Trước đây, khách du lịch đi một lần, thời hạn ngắn chỉ phải trả lệ phí 25 đô la Mỹ.
Quy định này thực hiện theo thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam. Theo đó, chính phủ Việt Nam cấp visa có thời hạn đến một năm, nhiều lần cho công dân Mỹ đến với mục đích du lịch, hội thảo, hội nghị, việc riêng... Mỹ cũng sẽ cấp visa có thời hạn một năm, nhiều lần cho công dân Việt Nam đến Mỹ với những mục đích tương tự. Nội dung thỏa thuận cũng đề cập, mỗi nước có thể rút ngắn thời hạn thị thực và số lần nhập cảnh của từng trường hợp cụ thể theo luật pháp và quy định hiện hành.
Cũng theo ông Tây, với quy định mới, cho phép khách Mỹ xin visa theo nhu cầu đi lại, lệ phí visa sẽ tính theo quy định của Thông tư số 219/2016/TT-BTC.
Theo đó, cấp thị thực có giá trị một lần có mức phí là 25 đô la Mỹ/thị thực ; loại có giá trị đến 3 tháng là 50 đô la Mỹ ; loại 3-6 tháng là 95 đô la Mỹ ; loại 6 tháng đến 1 năm là 135 đô la Mỹ ; loại 1 năm đến 2 năm là 145 đô la Mỹ...
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, có hơn 552.000 lượt khách Mỹ đến Việt Nam, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm hơn 5% trong tổng số khách quốc tế đến.
Việc tự động áp dụng visa thời hạn một năm cho toàn bộ khách Mỹ đã khiến rất nhiều doanh nghiệp than phiền, vì đó như là một rào cản, khiến du khách thay vì đến Việt Nam thì chọn đến những nước lân cận, đang miễn visa cho khách quốc tế.
Đào Loan