Tại tỉnh Hà Nam, nơi cách đây vài ngày đã xảy ra các trận lụt lịch sử, dữ dội nhất là ở thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), chính quyền địa phương đang tiếp tục dọn dẹp các con đường còn đầy xác xe hơi và các mảnh vỡ.
Ảnh chụp từ trên cao lối vào một đường hầm bị ngập nước ở Trịnh Châu, ngày 22/07/2021.AFP – Noel Celis
Theo các số liệu chính thức, đã có ít nhất 58 người chết, nhưng đang có nghi vấn về con số nạn nhân thật sự, theo tường trình của thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh hôm 24/07/2021.
"Sau đường metro, đến lượt các đường hầm gây ra nhiều nghi vấn ở thành phố Trịnh Châu. "Yêu cầu mọi người giải tán, nhưng đừng đứng ở đây nữa", cảnh sát ra lệnh cho những người tò mò đến xem nạo vét dọc theo một đường hầm dài 2 km nối hai phần phía nam và phía bắc của thành phố.
Đường hầm này vẫn hay bị tắc đường vào những giờ cao điểm. Theo các nhân chứng, hôm thứ Ba, 20/7/2021, 6 làn đường của hai chiều trong hầm đã bị ngập nước trong vòng chưa tới 10 phút.
Chính quyền thành phố không có thông cáo chính thức về thiệt hại nhân mạng trong đường hầm này. Gần 200 xe hơi dường như đã được tìm thấy và 4 người lái xe hoặc hành khách đã bị chết đuối, theo lời một người chỉ huy nhóm cứu hộ, xin giấu tên, trên trang mạng thông tin chính thống Bành Phái (Pengpai).
Chỉ có 4 người chết trong số 200 xe kẹt trong đường hầm ? Con số này dĩ nhiên đã gây nhiều nghi vấn. Khi xảy ra những thiên tai như vậy, nhà chức trách thường không cho đăng các bức ảnh nạn nhân trên báo chí.
Thông tin về các thiên tai ở Trung Quốc vẫn bị kiểm duyệt rất chặt chẽ, để tránh những lời chỉ trích là các cơ quan công quyền không chuẩn bị hoặc đối phó quá chậm chạp. Báo chí được chỉ đạo về cách đưa tin : "Hãy tập trung nói về khôi phục sau thiên tai, đừng đăng các bức ảnh chụp thi thể, không tỏ ra đau buồn quá mức".
Nhưng trong ngày thứ Bảy này, trên các mạng xã hội, một số người khẳng định là thân nhân của họ đã mất tích trong đường hầm và trong đường tầu điện ngầm ở Trịnh Châu".
Vào lúc Trung Quốc đang khắc phục hậu quả của lũ lụt, hôm 25/07/2021, cơn bão In-Fa đã ập vào miền đông Trung Quốc. Giao thông hàng không, hàng hải và xe lửa đều phải tạm ngưng ở một phần bờ phía đông nước này, do bão di chuyển ngang qua Ninh Ba (Ningbo) và Thượng Hải, hai trong số các hải cảng lớn nhất thế giới.
Nguy cơ lũ chồng lũ vì Trung Quốc không cho biết thông số xả lũ trên sông Hồng
RFA, 20/08/2020
Trung Quốc dự kiến xả lũ Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn, trên lưu vực sông Hồng tối ngày 20/8, nhưng không cho biết thông số xả lũ trên sông Hồng, dẫn đến nguy cơ lũ chồng lũ ở Việt Nam.
Lũ trên sông Hồng đoạn qua tỉnh Lào Cai. Courtesy laocai.gov.vn
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 20/8, theo thông báo của Sở Ngoại vụ Lào Cai về việc này.
Theo cơ quan chức năng Lào Cai, Trung Quốc không cho biết thông số cụ thể, sẽ gây khó khăn trong ứng phó. Phía Trung Quốc chỉ cho biết, gần đây do ảnh hưởng của bão, khu vực lưu vực sông Hồng xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao, để đảm bảo an toàn phòng lũ, nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn phải xả lũ.
Hiện lũ trên sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai vẫn ở mức cao, trạm thủy văn Lào Cai quan trắc được mực nước ở mức 80,20 m, cao trên báo động 1 là 0,2m.
Cũng trong ngày 20/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu 5 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội cần có phương án ứng phó lũ trên sông Hồng, sẵn sàng sơ tán dân vùng nguy hiểm tới nơi an toàn, tăng cường rà soát bảo đảm các hồ chứa thủy điện.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi quan trọng...
Trong cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đã có cuộc họp về tình hình mưa bão lũ hiện nay.
Cụ thể, bão số 4 đã đi vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền suy yếu và tan dần. Về tình mưa giông, dự báo từ ngày 21 đến 22/8, nhiều tỉnh phía bắc sẽ có mưa to, có khả năng xảy ra lốc và gió giật mạnh. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và ngập úng tại các vùng trũng...
***********************
Trung Quốc sơ tán 100 nghìn người vì lũ lụt
VOA, 19/08/2020)
Lũ lụt trên thượng nguồn sông Dương Tửđã khiến chính quyền địa phương phải sơ tán hơn 100 nghìn người hôm 18/8, theo Reuters.
Tình trạng ngập lụt ở Trung Quốc.
Hãng tin Anh cũng cho biết thêm rằng một di sản thế giới 1.200 tuổi cũng bịđe dọa.
Tin cho hay, các nhân viên, cảnh sát và tình nguyện viên đã phải sử dụng bao tải cát để bảo vệ một tượng phật khổng lồ cao 71 mét, vốn được UNESCO coi là di sản thế giới, ở tỉnh Tứ Xuyên.
Theo kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, lần đầu tiên kể từ năm 1949, nước lụt đã ngập quá chân bức tượng.
Tứ Xuyên, nơi sông Dương Tử chảy qua, hôm 18/8 đã nâng tình trạng khẩn cấp lên mức tối đa và chuẩn bịđối phó với một đợt mưa lớn nữa.
Theo Reuters, mực nước tại một số trạm đo trên sông Dương Tửđã vượt mức an toàn hơn 5 mét.
**************************
Lũ lụt Trung Quốc ngày 18/8 : Thượng nguồn sông Dương Tử lũ lớn nhất 70 năm
Lao Động online, 18/08/2020
Tỉnh Tứ Xuyên ở thượng nguồn sông Dương Tử hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn 70 năm, trong khi đập Tam Hiệp ở hạ nguồn chứng kiến đỉnh lũ thứ 5 trong năm.
Sau khi trận lụt số 4 đi qua đập Tam Hiệp vào ngày 15/8, Ủy ban Thủy lợi Trường Giang đã đưa ra cảnh báo lũ lụt màu cam (cấp độ 2) cho sông Gia Lăng và phụ lưu của sông Phù Giang ở thượng nguồn sông Dương Tử, tỉnh Tứ Xuyên, vào ngày 16/8.
Tân Hoa Xã cho hay, đầu giờ chiều ngày 17/8, trận lũ thứ 5 trong năm đã đổ về đập Tam Hiệp, chỉ sau trận lũ số 4 hai ngày.
Đỉnh lũ số 4 trên sông Dương Tử đoạn qua hồ chứa đập Tam Hiệp vào khoảng 8 giờ sáng ngày 15/8. Lưu lượng nước chảy vào đạt 62.000 mét khối/giây, cao hơn ba trận lũ trước trong năm nay. Các nhà chức trách cho biết, lưu lượng nước chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp sẽ lên đến 70.000 mét khối/giây vào ngày 19/8
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương ở Tứ Xuyên, tỉnh này đã chứng kiến một đợt mưa xối xả mới kể từ ngày 10/8. Trong khoảng thời gian này, văn phòng khí tượng địa phương ở Tứ Xuyên đã đưa ra cảnh báo mưa màu cam hai ngày liên tiếp lần đầu tiên trong năm nay.
Trận mưa đã bao phủ 12% tỉnh Tứ Xuyên, khiến 41 con sông ở đây vượt quá mức cảnh báo. Trong số này, 22 con sông đã vượt quá mức được gọi là an toàn - mà hiện được đặt ở mức gấp đôi trong mùa lũ năm ngoái.
Các nhà chức trách ước tính mực nước của huyện Kim Đường thuộc thành phố Thành Đô, nằm ở thượng nguồn sông Đà Giang, sẽ vượt mức an toàn 3,85 mét và lưu lượng nước chảy ra sẽ lên tới 8.200 mét khối/giây, thiết lập mức kỷ lục mới trong 71 năm.
Đánh giá từ các ghi chép lịch sử của Trạm thủy văn Sanhuangmiao ở Kim Đường kể từ năm 1949, tốc độ dòng chảy cao nhất được ghi nhận là 8.100 mét khối/giây vào năm 1981. Nếu nó đạt 8.200 mét khối/giây vào thời điểm này, có nghĩa là đỉnh lũ sẽ thiết lập kỷ lục cao mọi thời đại - trang Sina đưa tin.
Huyện Tư Trung của thành phố Nội Giang ở trung lưu sông Đà Giang đối mặt với đỉnh lũ lúc 4 giờ chiều ngày 17/8. Sông Đà Giang đã tràn qua đê địa phương, và hơn một nửa thị trấn Guidezhen bị ngập.
Để đối phó, chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 3.000 người, một nửa dân số địa phương. Hiện tại, con đường dẫn đến Guidezhen đã bị ngập và thị trấn đã trở thành một hòn đảo. Dự đoán khi mực nước tiếp tục dâng cao, 3/4 thị trấn có thể bị ngập.