Các lo ngại ngày càng gia tăng về dự án kênh đào Campuchia do Trung Quốc tài trợ nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển hướng từ an ninh hàng hải sang an ninh lục địa.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế tháng 12/2022 do nước này lần đầu tổ chức, sau gần một năm Nga xâm lược Ukraine.
Dự án xây dựng kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, do Tập đoàn Đường sắt Cầu đường Trung Quốc tài trợ, đang gây ra nhiều lo ngại cho Việt Nam. Bên cạnh những tác động môi trường mà kênh đào này có thể gây ra cho Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nó còn đặt ra một mối đe dọa địa chính trị. Kênh đào có thể cho phép hải quân Trung Quốc đi ngược dòng từ Vịnh Thái Lan và căn cứ Ream đến biên giới phía tây của Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam đối mặt với mối đe dọa của Trung Quốc từ phía bắc và phía đông. Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Campuchia, cùng với việc sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với Lào suy yếu, thì sự bao vây của Trung Quốc đối với Việt Nam đang ngày càng toàn diện hơn. Và như quá khứ đã cho thấy, Việt Nam sẽ lo ngại hơn về một nước Campuchia do Trung Quốc hậu thuẫn, đe dọa quân sự đến biên giới phía tây của mình hơn là mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông. Hà Nội đã tiến hành can thiệp quân sự vào Campuchia năm 1978 sau khi đã dùng hết mọi biện pháp ngoại giao để loại bỏ Khmer Đỏ khỏi quyền lực nhằm bảo vệ sườn phía tây của mình. Là một quốc gia thiếu chiều sâu chiến lược, Việt Nam không thể cho phép một thế lực thù địch đe dọa có thể chia cắt đất nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam dường như đã bị đánh lạc hướng bởi các tranh chấp trên biển. Các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Hà Nội tập trung vào hải quân và không quân. Việc tập trung vào không gian hàng hải có thể nhìn thấy từ mô hình mua sắm vũ khí của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Khi mối đe dọa trên bộ giảm bớt sau Hiệp ước Biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 1999, Việt Nam đã ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Nga và Ấn Độ vào đầu những năm 2000 nhằm hiện đại hóa hải quân. Việt Nam đã mua các khí tài hải quân lớn, chẳng hạn như hai tàu hộ vệ lớp Gepard vào năm 2006, sáu tàu ngầm lớp Kilo vào năm 2009 và hai tàu hộ vệ lớp SIGMA-9814 vào năm 2013. Trong giai đoạn 2008-2016, Việt Nam đã mua tám tàu tên lửa dẫn đường tấn công nhanh lớp Molniya. Năm 2013, Việt Nam cũng mua 12 máy bay tiêm kích Sukhoi Su-30MK2 cho không quân nhằm hướng tới các tranh chấp trên biển. Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí vào năm 2016, Việt Nam đã mua ba tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ cho Lực lượng Tuần duyên. Việt Nam cũng đang đàm phán để mua máy bay F-16 từ Mỹ để giám sát tốt hơn Biển Đông.
Việc hiện đại hóa hải quân và không quân của Việt Nam diễn ra với cái giá là việc hiện đại hóa lục quân bị phớt lờ, lực lượng nòng cốt vốn vẫn đang sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực từ những năm 1970 và pháo binh lỗi thời. Hà Nội đã cố gắng mua xe tăng T-80 từ Nga nhưng các cuộc đàm phán đã thất bại do thiếu kinh phí. Năm 2017, Việt Nam đã đặt mua 64 xe tăng T-90S của Nga và được bàn giao vào năm 2019. Mặc dù có những nỗ lực nâng cấp và tân trang, khí tài của lục quân nói chung đã lỗi thời đến mức một số học giả coi chúng như "thứ đồ thời Chiến tranh Lạnh".
Với sự trở lại của mối đe dọa trên bộ, đã đến lúc Việt Nam cần suy nghĩ lại chiến lược mua sắm vũ khí và tái định hướng chương trình hiện đại hóa quốc phòng theo hướng ưu tiên cho lục quân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam nên từ bỏ cam kết bảo vệ chủ quyền biển. Các khí tài hải quân hiện có của Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự hiện diện trên biển, chống lại các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc chiếm các đảo đang bị chiếm đóng ở Biển Đông.
Điều Việt Nam cần hướng tới là một chiến lược mua sắm vũ khí có thể (1) cân bằng ngân sách quốc phòng hạn chế với môi trường an ninh đang xấu đi ở cả miền lục địa và hàng hải ; (2) bảo đảm với Trung Quốc về ý định hòa bình của Việt Nam ; và (3) cung cấp cho đất nước những vũ khí có khả năng sống sót cao nhất nếu chiến tranh xảy ra. Áp dụng "chiến lược con nhím" – tức là mua sắm một lượng lớn vũ khí hạng nhẹ cho lục quân – nên là trọng tâm trong chiến lược mua sắm vũ khí của Hà Nội.
"Chiến lược con nhím" trước hết phù hợp với học thuyết chiến thắng của Việt Nam. Quân đội Việt Nam nhấn mạnh học thuyết chiến tranh nhân dân, theo đó trong thời chiến, mọi công dân và mọi binh sĩ sẽ được kêu gọi sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại kẻ thù vượt trội. Học thuyết như vậy phụ thuộc rất nhiều vào việc tận dụng địa hình thuận lợi để các đơn vị quân đội cơ động có thể nhanh chóng bao vây kẻ thù khi cần thiết và phân tán khi bị tấn công. Không khó để hiểu tại sao, bất chấp việc hiện đại hóa hải quân và cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trong các vấn đề quân sự, Việt Nam vẫn cho rằng một cuộc chiến tranh trên bộ trong tương lai có nhiều khả năng sẽ quyết định sự tồn vong của đất nước. Đây là một tính toán hợp lý vì các đảo của Việt Nam cách xa đất liền và không gây ra mối đe dọa an ninh lớn nào, ngay cả khi chúng bị một thế lực thù địch chiếm đóng.
Quân đội Việt Nam đã đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra nhất cho các cuộc chiến tranh trong tương lai của Việt Nam. Kịch bản thứ nhất, kẻ thù vượt trội sử dụng vũ khí công nghệ cao để tấn công các mục tiêu trọng yếu của Việt Nam mà không cần tiến hành xâm lược trên bộ, Việt Nam có thể kiên cường nhờ học thuyết chiến tranh nhân dân, vì Việt Nam không có các mục tiêu tập trung. Kịch bản còn lại, kẻ thù vượt trội thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Việt Nam và tiến hành xâm lược trên bộ. Trong trường hợp này, quân đội sẽ dựa vào lợi thế địa hình của đất nước để tối đa hóa hiệu quả của học thuyết chiến tranh nhân dân. Trong cả hai kịch bản, Việt Nam đều cho rằng kẻ thù của mình sở hữu trang thiết bị quân sự vượt trội hơn nhiều so với mình.
Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ tham gia vào chiến tranh phi đối xứng để răn đe và phòng thủ chống lại kẻ thù mạnh hơn trong chiến tranh trên bộ. Bản chất của vũ khí hạng nhẹ là dễ phân phát, cơ động và giá cả phải chăng, phù hợp với chiến lược và ngân sách của Việt Nam. Vũ khí phi đối xứng, chẳng hạn như vũ khí chống tăng hoặc hệ thống phòng không di động, cho phép Hà Nội giảm thiểu sự mất cân bằng tài nguyên so với Trung Quốc. Việt Nam tốn ít chi phí hơn nhiều để chống lại xe tăng của đối phương bằng cách sử dụng vũ khí chống tăng so với việc sử dụng xe tăng của riêng mình. Ngoài ra, việc ngăn chặn các khu vực trên không phận bằng tên lửa đất đối không cơ động sẽ rẻ hơn so với việc cố gắng giành ưu thế trên không bằng các máy bay tiêm kích tối tân như F-16 hoặc Sukhoi Su-30MK2 trước một kẻ thù đáng gờm hơn. Hiệu suất kém của xe tăng Nga và việc sử dụng hiệu quả drone giá rẻ của cả hai bên trên chiến trường Ukraine nên khiến Việt Nam cân nhắc lại việc mua các trang bị đắt tiền. Quan trọng hơn, vũ khí hạng nhẹ phù hợp với học thuyết chiến tranh nhân dân nhờ tính đơn giản và bền bỉ. Chi phí mua sắm và bảo trì thấp của chúng đảm bảo rằng việc chuyển hướng phòng thủ sang bộ binh sẽ không ảnh hưởng đến hải quân.
Bên cạnh những lợi thế kỹ thuật của vũ khí hạng nhẹ, việc Việt Nam mua các loại vũ khí này sẽ giúp Trung Quốc yên tâm hơn về ý định hòa bình của mình. Vũ khí hạng nhẹ không phải là vũ khí tấn công tốt vì chúng không cho phép kẻ tấn công xuyên thủng phòng thủ của kẻ thù. Đồng thời, việc vũ khí hạng nhẹ có tính năng công nghệ thấp hơn vũ khí hạng nặng cho phép Việt Nam mua từ các nhà cung cấp khác nhau theo chính sách đối ngoại đa phương. Triển lãm quốc phòng năm 2022 của Việt Nam cho thấy nỗ lực đa dạng hóa việc mua sắm vũ khí của đất nước, thoát khỏi vũ khí Nga mà không gây ra khiêu khích cho Trung Quốc. Ngành công nghiệp quốc phòng trong nước cũng có khả năng sản xuất vũ khí hạng nhẹ cho lực lượng bộ binh, giúp giảm bớt sự phụ thuộc công nghệ của Việt Nam vào các nước ngoài và mang lại lợi ích cho chính sách đối ngoại độc lập. Tuy nhiên, sự yên tâm hiếm khi hoàn hảo, vì vậy Việt Nam cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Nếu xung đột trên bộ nổ ra, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phải cầm cự đủ lâu để tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Thật không may, các trang bị đắt tiền sẽ trở thành mục tiêu tấn công và chúng không thể trụ vững trước các cuộc tấn công từ kẻ thù vượt trội về công nghệ. Để đảm bảo Việt Nam không thể trả đũa bằng cách tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, Trung Quốc sẽ cố tình nhắm vào các vũ khí chiến lược của Việt Nam, chẳng hạn như không quân. Bắc Kinh cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng để hạ thấp cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Việt Nam.
Vũ khí hạng nhẹ có tính di động và khả năng che dấu tốt hơn, giúp chúng tồn tại tốt hơn và dân thường dễ dàng sử dụng hơn trong những trường hợp khẩn cấp. Vũ khí hạng nhẹ cũng báo hiệu rằng Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc bằng cách chống xâm nhập, không phải trừng phạt, điều này có thể giảm bớt áp lực leo thang giữa hai bên. Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược "bóp nghẹt Việt Nam" về mặt kinh tế, giống như những gì họ đã làm vào những năm 1980, để buộc Hà Nội phải tiêu hao ngân sách đến kiệt quệ. Dựa vào vũ khí hạng nhẹ để phòng thủ và răn đe sẽ không giúp Việt Nam thoát khỏi sự cưỡng ép của Trung Quốc, nhưng nó sẽ giảm thiểu chi phí để chống lại chiến lược bào mòn của Trung Quốc và giúp Hà Nội có thêm thời gian để tìm ra giải pháp ngoại giao.
Về hiện đại hóa quân đội, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam đánh giá lại những gì hiệu quả và những gì không. Mặc dù các khoản mua sắm đắt tiền của Việt Nam thể hiện cam kết chính trị trong việc bảo vệ chủ quyền, nhưng những vũ khí này đều tốn kém bảo trì và không thể tồn tại đủ lâu để tạo ra sự khác biệt trong một cuộc xung đột nghiêm trọng. Quân đội Việt Nam từ lâu đã nhấn mạnh yếu tố con người hơn là yếu tố công nghệ trong chiến tranh, và nguyên tắc chủ đạo của việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam là xây dựng một lực lượng độc lập, tự chủ và tiên tiến trong phạm vi tài chính của mình. Vũ khí hạng nhẹ sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội sống sót tốt nhất với chi phí chấp nhận được.
Khang Vu
Nguyên tác : "Why Vietnam Needs to Reevaluate its Weapons Procurement Strategy", The Diplomat, 30/04/2024
Viên Đăng Huy biên dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 06/05/2024
Khang Vũ là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Boston.
Việt Nam vừa muốn mua vũ khí của Nga vừa muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ ?
Có thông tin rằng Việt Nam đang quan tâm tới việc mua vũ khí của Nga trong khi Nga cũng hết sức rào đón về việc này. Tuy nhiên, bước đi này có thể vấp phải trừng phạt từ Mỹ - quốc gia mà Việt Nam đang muốn nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới.
(Ảnh minh họa)
Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 (MCIS-11) và Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế 2023 (Army 2023) tại Moscow, Liên bang Nga diễn ra từ 13-17/8 có sự tham dự của 800 đại biểu đến từ 76 quốc gia và sáu tổ chức quốc tế.
Theo truyền thông Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang tham dự hội nghị và đã có cuộc gặp với ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga.
Tướng Giang cũng có buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu ngày 17/8.
(Ảnh minh họa)
Trang Sputnik đưa tin rằng ông Shoigu bày tỏ tin tưởng sự phát triển nền công nghiệp quốc phòng Nga sẽ được ứng dụng vào các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Ông Shoigu cũng lưu ý Việt Nam vẫn là đồng minh đáng tin cậy của Nga, là đối tác quan trọng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và mối quan hệ Nga - Việt Nam mang tính chiến lược.
Ông Shoigu kết luận, "Chắc chắn, sự hợp tác nhiều mặt Nga-Việt đang trong quá trình mang lại lợi ích cốt lõi cho đất nước chúng ta".
Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VIệt Nam, bà Phạm Thu Hằng, khi được phóng viên hỏi về phát ngôn nói trên của tướng Nga, đã trả lời rằng Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng.
Những trở ngại khi Việt Nam mua vũ khí của Nga
Theo Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New Southe Wales của Úc, Nga tổ chức hội nghị lần này nhằm đẩy lùi liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo vốn tìm cách cô lập Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của nước này vì xâm lược Ukraine.
Theo quan điểm của Moscow, sự tham dự của các đại biểu từ 76 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh là bằng chứng cho thấy Nga không bị cô lập trên phạm vi quốc tế.
Con át chủ bài của Nga trong quan hệ với Châu Á - Thái Bình Dương là việc bán vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại tiên tiến.
Theo Giáo sư Carl Thayer, từ khi Nga sáp nhập Crimea, việc Việt Nam mua vũ khí từ Nga giảm nhanh chóng từ hơn một tỷ USD năm 2014 xuống dưới 100 triệu USD vào năm 2021.
Năm 2021, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chương trình hiện đại hóa lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam dưới khẩu hiệu "Xây dựng quân đội tinh gọn và vững mạnh vào năm 2025 và quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tiên tiến, hiện đại vào năm 2030". Hai tuần sau khi chương trình hiện đại hóa quân sự được thông qua, Nga xâm chiếm Ukraine.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Việt Nam tạm ngừng mua sắm vũ khí.
Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng Việt Nam hiện đang ở ngã ba đường.
Việt Nam phụ thuộc vào Nga về vũ khí và quân sự công nghệ quân sự vì di sản khổng lồ của Liên Xô cũ là các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu đa chức năng, áo giáp, pháo binh và tên lửa.
Có vẻ rõ ràng từ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu rằng Nga mong Việt Nam sẽ tiếp tục mua vũ khí và công nghệ quân sự của Nga.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có kế hoạch nâng cao quan hệ song phương với Hoa Kỳ thành quan hệ đối tác chiến lược. Nếu Việt Nam chọn tham gia thị trường quốc phòng Mỹ thì có nguy cơ bị Trung Quốc gây áp lực buộc Nga phải cắt giảm hỗ trợ quốc phòng hỗ trợ cho Việt Nam.
"Có thể suy đoán rằng áp lực của Trung Quốc đối với Nga hoặc việc Nga tính toán được mức độ rủi ro đã ngăn chặn việc bán tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam", Giáo sư Carl Thayer phân tích.
Nhưng nếu Việt Nam tiếp tục mua sắm vũ khí và công nghệ quân sự với giá trị lớn từ Nga thì nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong khuôn khổ Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt.
Điều này có thể dẫn đến giả định là quan hệ đối tác chiến lược 'chết yểu', theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer.
Nguồn : BBC, 25/08/2023
Ngoại trưởng Mỹ : Vành đai con đường và đảo nhân tạo của Trung Quốc là giống nhau (RFA, 29/03/2019)
Dự án gọi là ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ của Trung Quốc giống hệt chuyện họ bồi lấp xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Hà Nội, 2/2019. AFP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu như vậy vào hôm thứ năm 28/3 tại Washington DC.
Ông nhấn mạnh rằng người Trung Quốc xây đảo nhân tạo chẳng phải vì họ muốn tự do hàng hải, họ nổ lực xây dựng các cảng khắp thế giới chẳng phải để trở thành nhà đóng tàu bè giỏi phục vụ các tuyến đường biển, mà tất cả cũng để triển khai chiến lược an ninh quốc gia của họ thôi.
Trung Quốc đã bồi đắp các bãi đá, rạn san hô tại vùng quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo và trên đó xây dựng đường băng quân sự, các căn cứ hậu cần, hải quân… trong mấy năm qua.
Vùng này là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei.
Đại dự án ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ của Trung Quốc đưa ra những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển, từ Trung Quốc sang Châu Âu và Châu Phi, với hơn 80 quốc gia có can dự vào.
Trên ‘Vành đai- Con đường’ này, Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ quân sự tại hải ngoại đầu tiên của họ tại Djibouti vùng Đông Châu Phi.
Nước mới nhất hứa sẽ tham gia là nước Ý, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, vốn là đồng minh của Mỹ.
Ông Pompeo lập lại cáo buộc rằng Bắc Kinh đã cho các quốc gia trên dự án ‘Vành đai- Con đường’ mượn tiền để tạo nên một cái bẫy nợ cho những nước này.
Hồi năm ngoái, Sri Lanka vì nợ nần chồng chất với Trung Quốc đã giao cảng nước sâu của nước này cho Bắc Kinh sử dụng.
***********************
Việt Nam lặp lại phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 28/03/2019)
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam. AFP
Việt Nam lặp lại phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động gần đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều hôm nay 28 tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Bà Lê Thị Thu Hằng, lặp lại với báo giới tham dự rằng Hà Nội đã gặp và trao công hàm phản đối Bắc Kinh về cuộc tập trận tại quần đảo Hoàng Sa từ ngày 22 đến 24 tháng 3 và về công bố kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, Duy Mộng, đảo Cây thành thành phố, căn cứ hậu cần chiến lược.
Như lâu nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Do đó các hoạt động của Trung Quốc như vừa nêu đi ngược các thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết những vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).
Trung Quốc hiện đang quản lý toàn bộ Hoàng Sa sau khi hoàn tất việc cưỡng chiếm quần đảo này từ phía Việt Nam Cộng Hòa vào tháng giêng năm 1974.
Hiện nay, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn do họ tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế-PCA ở La Haye ra phán quyết vô hiệu hồi ngày 12 tháng 7 năm 2016 theo đơn kiện từ phía Philippines.
*****************
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 10 (RFA, 28/03/2019)
Hôm 25/3/2019, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson đồng chủ trì Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng thường niên Việt- Mỹ lần thứ 10 tại Thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson. Courtesy nhandan.org
Tin cho biết tại vòng đối thoại hai bên tiến hành đánh giá về những tiến triển trong quan hệ với các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân Thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội vào tháng trước. Bên cạnh đó là những tiến triển về hợp tác quốc phòng, nổi bật là việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Việt Nam hai lần trong năm 2018 ; tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm cảng Việt Nam kể từ năm 1975 ; hoàn thành dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Hai nước cam kết tiếp tục các lĩnh vực hợp tác theo Bản ghi nhớ Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015, cụ thể trên các lĩnh vực an ninh biển, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, sớm khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hoà và tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân da cam/dioxin, tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Về hợp tác an ninh, hai bên chia sẻ quan điểm hài lòng về hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan liên quan của phía Mỹ trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống buôn người, buôn bán ma tuý, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hoa Kỳ khẳng định lại lập trường ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, tự do thương mại, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ; kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (CoC).
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng lần thứ 11 được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020.
Một ngày sau Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ 10, vào ngày 26/3/2019, hội thảo với chủ đề "Khắc phục hậu quả chiến tranh : Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" do Bộ Quốc phòng của Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác tổ chức tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, ở thủ đô Washington D.C.
****************
Việt Nam sắp đạt thương vụ mua thiết bị quân sự của Mỹ (VOA, 29/03/2019)
Boeing đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận bán máy bay trinh sát không người lái cho Việt Nam, theo một quan chức của công ty Mỹ được tạp chí an ninh Jane’s trích lời cho biết.
Máy bay trinh sát không người lái ScanEagle của Boeing trên bệ phóng ở Căn cứ không quân Villamor ở ngoại ô Thành phố Pasay, đông nam Manila của Philippines. Boeing cho biết sắp đạt thỏa thuận bán loại UAV này cho cảnh sát biển Việt Nam.
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam mua thiết bị quân sự đáng chú ý nhất của Mỹ kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2016.
Tại sự kiện LIMA 2019 ở Malaysia, Giám đốc marketing mảng thiết bị quốc phòng của Boeing ở Đông Nam Á, Yeong Tae Pak, hôm 27/3 cho biết thương vụ cung cấp máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm xa ScanEagle đang được hỗ trợ từ Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ. Jane’s trích lời ông Pak nói rằng nơi tiếp nhận là Cảnh sát biển Việt Nam.
"Đây là lần đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp nhận ScanEagle", ông Pak được tuần san của Anh trích lời nói. "Thương vụ này đang được tiến hành".
Cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông tới Hà Nội hồi tháng 5/2016.
ScanEagle là một loại UAV cỡ nhỏ do Boeing Insitu, một công ty con của Boeing, thiết kết cho nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất và trên biển từ trên không. Theo mô tả của Boeing về thiết bị này, nó có thể bay trên độ cao 4.572m và có thời gian hoạt động lên tới 24 tiếng. ScanEagle, nằm trong hệ thống máy bay không người lái của Boeing, có chiều dài 1,5m và sải cánh 3m.
Năm 2004, ScanEagle được đưa tới Iraq để trợ giúp các lực lượng của Mỹ tại đây. Vào năm 2005, Hải quân Mỹ ký một hợp đồng trị giá 14.5 triệu USD với Boeing để mua thiết bị này. ScanEagle cũng đã được trang bị cho một số tàu của Tuần duyên Hoa Kỳ.
Đơn giá một hệ thống (gồm 4 chiếc UAV) vào năm 2006 ước tính 3,2 triệu USD, theo dữ liệu từ trang web chính thức của Không lực Hoa Kỳ.
Tổng số tiền của thương vụ giữa Boeing và Việt Nam không được tiết lộ.
Ngoài Việt Nam, Boeing đã cung cấp UAV trinh sát ScanEagle cho một số nước ASEAN khác như Singagpore, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Ông Park, lưu ý rằng việc bán máy bay không người lái ScanEagle là chiến lược của Boeing nhắm vào các thị trường mới trong khu vực như Việt Nam và thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Boeing trong việc cung cấp các sản phẩm hàng không thương mại, theo Jane’s.
"An ninh hàng hải là một trọng tâm đối với nhiều nước ở Đông Nam Á", ông Park nhận định. "ScanEagle tuy là sản phẩm cấp thấp nhưng rất hiệu quả trong việc trinh sát và thu thập dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin".
Hồi tháng 2, Đô đốc Philip Davidson tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về việc Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ. Theo vị chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam sẽ mua ScanEagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 cùng một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ.
Vào tháng 8 năm ngoái, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không khẳng định hay phủ nhận thông tin trên.
Tháng 3 năm ngoái, tàu sân bay đầu tiên của Mỹ, USS Carl Vinson, cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm lịch sử kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Sứ quán Mỹ cho biết trong chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson, Mỹ đã giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam để chống "những người xấu" trên vùng Biển Đông.