Ngoại trưởng Mỹ : Vành đai con đường và đảo nhân tạo của Trung Quốc là giống nhau (RFA, 29/03/2019)
Dự án gọi là ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ của Trung Quốc giống hệt chuyện họ bồi lấp xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Hà Nội, 2/2019. AFP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu như vậy vào hôm thứ năm 28/3 tại Washington DC.
Ông nhấn mạnh rằng người Trung Quốc xây đảo nhân tạo chẳng phải vì họ muốn tự do hàng hải, họ nổ lực xây dựng các cảng khắp thế giới chẳng phải để trở thành nhà đóng tàu bè giỏi phục vụ các tuyến đường biển, mà tất cả cũng để triển khai chiến lược an ninh quốc gia của họ thôi.
Trung Quốc đã bồi đắp các bãi đá, rạn san hô tại vùng quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo và trên đó xây dựng đường băng quân sự, các căn cứ hậu cần, hải quân… trong mấy năm qua.
Vùng này là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei.
Đại dự án ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ của Trung Quốc đưa ra những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển, từ Trung Quốc sang Châu Âu và Châu Phi, với hơn 80 quốc gia có can dự vào.
Trên ‘Vành đai- Con đường’ này, Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ quân sự tại hải ngoại đầu tiên của họ tại Djibouti vùng Đông Châu Phi.
Nước mới nhất hứa sẽ tham gia là nước Ý, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, vốn là đồng minh của Mỹ.
Ông Pompeo lập lại cáo buộc rằng Bắc Kinh đã cho các quốc gia trên dự án ‘Vành đai- Con đường’ mượn tiền để tạo nên một cái bẫy nợ cho những nước này.
Hồi năm ngoái, Sri Lanka vì nợ nần chồng chất với Trung Quốc đã giao cảng nước sâu của nước này cho Bắc Kinh sử dụng.
***********************
Việt Nam lặp lại phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 28/03/2019)
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam. AFP
Việt Nam lặp lại phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động gần đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều hôm nay 28 tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Bà Lê Thị Thu Hằng, lặp lại với báo giới tham dự rằng Hà Nội đã gặp và trao công hàm phản đối Bắc Kinh về cuộc tập trận tại quần đảo Hoàng Sa từ ngày 22 đến 24 tháng 3 và về công bố kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, Duy Mộng, đảo Cây thành thành phố, căn cứ hậu cần chiến lược.
Như lâu nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Do đó các hoạt động của Trung Quốc như vừa nêu đi ngược các thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết những vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).
Trung Quốc hiện đang quản lý toàn bộ Hoàng Sa sau khi hoàn tất việc cưỡng chiếm quần đảo này từ phía Việt Nam Cộng Hòa vào tháng giêng năm 1974.
Hiện nay, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn do họ tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế-PCA ở La Haye ra phán quyết vô hiệu hồi ngày 12 tháng 7 năm 2016 theo đơn kiện từ phía Philippines.
*****************
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 10 (RFA, 28/03/2019)
Hôm 25/3/2019, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson đồng chủ trì Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng thường niên Việt- Mỹ lần thứ 10 tại Thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson. Courtesy nhandan.org
Tin cho biết tại vòng đối thoại hai bên tiến hành đánh giá về những tiến triển trong quan hệ với các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân Thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội vào tháng trước. Bên cạnh đó là những tiến triển về hợp tác quốc phòng, nổi bật là việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Việt Nam hai lần trong năm 2018 ; tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm cảng Việt Nam kể từ năm 1975 ; hoàn thành dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Hai nước cam kết tiếp tục các lĩnh vực hợp tác theo Bản ghi nhớ Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015, cụ thể trên các lĩnh vực an ninh biển, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, sớm khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hoà và tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân da cam/dioxin, tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Về hợp tác an ninh, hai bên chia sẻ quan điểm hài lòng về hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan liên quan của phía Mỹ trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống buôn người, buôn bán ma tuý, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hoa Kỳ khẳng định lại lập trường ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, tự do thương mại, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ; kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (CoC).
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng lần thứ 11 được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020.
Một ngày sau Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ 10, vào ngày 26/3/2019, hội thảo với chủ đề "Khắc phục hậu quả chiến tranh : Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" do Bộ Quốc phòng của Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác tổ chức tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, ở thủ đô Washington D.C.
****************
Việt Nam sắp đạt thương vụ mua thiết bị quân sự của Mỹ (VOA, 29/03/2019)
Boeing đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận bán máy bay trinh sát không người lái cho Việt Nam, theo một quan chức của công ty Mỹ được tạp chí an ninh Jane’s trích lời cho biết.
Máy bay trinh sát không người lái ScanEagle của Boeing trên bệ phóng ở Căn cứ không quân Villamor ở ngoại ô Thành phố Pasay, đông nam Manila của Philippines. Boeing cho biết sắp đạt thỏa thuận bán loại UAV này cho cảnh sát biển Việt Nam.
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam mua thiết bị quân sự đáng chú ý nhất của Mỹ kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2016.
Tại sự kiện LIMA 2019 ở Malaysia, Giám đốc marketing mảng thiết bị quốc phòng của Boeing ở Đông Nam Á, Yeong Tae Pak, hôm 27/3 cho biết thương vụ cung cấp máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm xa ScanEagle đang được hỗ trợ từ Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ. Jane’s trích lời ông Pak nói rằng nơi tiếp nhận là Cảnh sát biển Việt Nam.
"Đây là lần đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp nhận ScanEagle", ông Pak được tuần san của Anh trích lời nói. "Thương vụ này đang được tiến hành".
Cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông tới Hà Nội hồi tháng 5/2016.
ScanEagle là một loại UAV cỡ nhỏ do Boeing Insitu, một công ty con của Boeing, thiết kết cho nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất và trên biển từ trên không. Theo mô tả của Boeing về thiết bị này, nó có thể bay trên độ cao 4.572m và có thời gian hoạt động lên tới 24 tiếng. ScanEagle, nằm trong hệ thống máy bay không người lái của Boeing, có chiều dài 1,5m và sải cánh 3m.
Năm 2004, ScanEagle được đưa tới Iraq để trợ giúp các lực lượng của Mỹ tại đây. Vào năm 2005, Hải quân Mỹ ký một hợp đồng trị giá 14.5 triệu USD với Boeing để mua thiết bị này. ScanEagle cũng đã được trang bị cho một số tàu của Tuần duyên Hoa Kỳ.
Đơn giá một hệ thống (gồm 4 chiếc UAV) vào năm 2006 ước tính 3,2 triệu USD, theo dữ liệu từ trang web chính thức của Không lực Hoa Kỳ.
Tổng số tiền của thương vụ giữa Boeing và Việt Nam không được tiết lộ.
Ngoài Việt Nam, Boeing đã cung cấp UAV trinh sát ScanEagle cho một số nước ASEAN khác như Singagpore, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Ông Park, lưu ý rằng việc bán máy bay không người lái ScanEagle là chiến lược của Boeing nhắm vào các thị trường mới trong khu vực như Việt Nam và thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Boeing trong việc cung cấp các sản phẩm hàng không thương mại, theo Jane’s.
"An ninh hàng hải là một trọng tâm đối với nhiều nước ở Đông Nam Á", ông Park nhận định. "ScanEagle tuy là sản phẩm cấp thấp nhưng rất hiệu quả trong việc trinh sát và thu thập dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin".
Hồi tháng 2, Đô đốc Philip Davidson tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về việc Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ. Theo vị chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam sẽ mua ScanEagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 cùng một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ.
Vào tháng 8 năm ngoái, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không khẳng định hay phủ nhận thông tin trên.
Tháng 3 năm ngoái, tàu sân bay đầu tiên của Mỹ, USS Carl Vinson, cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm lịch sử kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Sứ quán Mỹ cho biết trong chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson, Mỹ đã giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam để chống "những người xấu" trên vùng Biển Đông.