Thay vì theo đuổi các liên minh truyền thống, Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, sử dụng một hệ thống phân cấp phức tạp.
Năm 2017 Tập Cận Bình đưa thuật ngữ "Kỷ nguyên mới" vào điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc, đến năm 2023 phát minh thêm "cộng đồng chung tương lai" khi ký các thỏa thuận song phương với ít nhất 22 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thế kỷ 21 đang ngày càng tập trung vào việc xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu và mở rộng lợi ích quốc gia thông qua quan hệ chiến lược với các quốc gia khác. Những quan hệ này đóng vai trò là công cụ địa chính trị để tạo ra ảnh hưởng và quyền lực. Khác với các liên minh truyền thống, thường liên quan đến các hiệp ước quốc phòng chính thức nhắm vào các đối thủ bên ngoài, Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu.
Những quan hệ đối tác này đòi hỏi sự hợp tác chính trị linh hoạt dựa trên các quan hệ chính trị không chính thức. Chúng được xem là dễ thích ứng hơn và tập trung vào lợi ích nhiều hơn so với các liên minh truyền thống, nhưng cũng có thể khiến ngoại giao Trung Quốc phải chịu nhiều rủi ro hơn. Bản chất của các quan hệ đối tác này nằm ở cam kết chung, cùng quản lý các xung đột không thể tránh khỏi, từ đó cho phép các quốc gia liên quan tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng mà cả hai bên cùng có lợi ích. Cách tiếp cận này cho phép Trung Quốc xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau, trong khi vẫn duy trì được sự linh hoạt để thích ứng với các động lực địa chính trị đang thay đổi và theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình một cách hiệu quả.
Hệ thống quan hệ đối tác phân cấp
Trung Quốc hiện sử dụng một hệ thống mô tả tinh tế để phân loại các quan hệ đối tác quốc tế của mình, làm nổi bật những điểm khác biệt rất nhỏ trong các quan hệ ngoại giao. Các thuật ngữ chính bao gồm "mọi hoàn cảnh", "toàn diện", "chiến lược", và "hướng tới tương lai", mỗi thuật ngữ lại phản ánh một mức độ hợp tác và cam kết khác nhau.
Dù Bắc Kinh chưa bao giờ trình bày rõ ràng hệ thống phân cấp này, nhưng hiện đã có đủ thông tin để suy ra một cấu trúc chung. Hệ thống này khá linh hoạt, vì các cấp độ quan hệ đối tác khác nhau chưa được định nghĩa trong các văn bản chính thức. Tuy nhiên, thông tin từ các quan chức và học giả Trung Quốc, cùng với phân tích theo ngữ cảnh, cho phép chúng ta có thể hiểu sơ bộ về hệ thống phân cấp, như được nêu trong hình bên dưới.
Các cấp bậc quan hệ đối tác của Trung Quốc (từ trên xuống) : Quan hệ đối tác trong mọi hoàn cảnh/vĩnh viễn, Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Quan hệ đối tác chiến lược, Quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, Quan hệ đối tác hợp tác thân thiện.
Dù có phạm vi rộng, hệ thống này không bao gồm mọi quốc gia. Chẳng hạn, Mỹ đang giữ một vị trí độc nhất trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc, và vẫn nằm ngoài cấu trúc quan hệ đối tác đã nêu.
Một khác biệt quan trọng trong ngoại giao đối tác của Trung Quốc nằm ở các quan hệ đối tác được dán nhãn là "chiến lược" và các quan hệ đối tác không thuộc nhóm này. Đứng đầu trong hệ thống phân cấp này là các quan hệ đối tác được mô tả là "mọi hoàn cảnh" hoặc "vĩnh viễn" biểu thị quan hệ đặc biệt chặt chẽ và lâu dài. Tính đến năm 2019, chỉ có Pakistan được xếp vào nhóm đối tác "mọi hoàn cảnh", cho thấy bản chất độc đáo của quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Năm 2019, Kazakhstan được chỉ định là đối tác "vĩnh viễn", một động thái có lẽ nhằm bảo vệ vị thế độc quyền của Pakistan với tư cách là đối tác "mọi hoàn cảnh". Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã mở rộng quan hệ "mọi hoàn cảnh" sang nhiều quốc gia hơn, bao gồm Belarus vào năm 2022, Venezuela và Ethiopia vào năm 2023, Uzbekistan và Hungary vào năm 2024, và thậm chí là toàn bộ Châu Phi. Điều này báo hiệu một vòng tròn đồng minh thân cận ngày càng tăng trong khuôn khổ ngoại giao đối tác của Trung Quốc.
Một thuật ngữ quan trọng khác là "toàn diện". Trong khi một số quan hệ đối tác được xem là "toàn diện" nhưng không phải là "chiến lược", thì tiến trình chung vẫn là chuyển từ "chiến lược" sang "chiến lược toàn diện". "Hợp tác" cũng là một thuật ngữ thường được sử dụng, đôi khi được gắn với cả quan hệ đối tác chiến lược lẫn không chiến lược. Các thuật ngữ nhìn chung khá dễ hiểu: "chiến lược" biểu thị sự hợp tác chặt chẽ, lâu dài, về các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, trong khi "toàn diện" biểu thị quan hệ đối tác trải dài trên nhiều lĩnh vực hợp tác.
Với 42 cách kết hợp những tính từ này, Trung Quốc rõ ràng đang điều chỉnh ngôn ngữ ngoại giao của mình để phù hợp với các quan hệ cụ thể với từng quốc gia. Ví dụ, quan hệ với Anh được đặt một cái tên độc đáo là "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu trong thế kỷ 21", trong khi Israel được chỉ định là có "Quan hệ đối tác toàn diện sáng tạo".
Các cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" và "Kỷ nguyên mới" cũng trở thành những khái niệm then chốt trong ngoại giao Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Những thuật ngữ này phản ánh sự liên kết chiến lược của Trung Quốc đối với những thách thức toàn cầu cụ thể, đặc biệt là Mỹ. Bắc Kinh đã triển khai một cách chiến lược những cụm từ này trong quan hệ với từng quốc gia để nâng cao giá trị ngoại giao của họ.
Khái niệm "cộng đồng chung vận mệnh" là trọng tâm của "Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình", khái niệm tóm lược tầm nhìn chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong "Kỷ nguyên mới". Từ năm 2017, đã xuất hiện nhiều bản dịch khác nhau của khái niệm này, chẳng hạn như "cộng đồng chung vận mệnh", "cộng đồng chung vận mệnh vì nhân loại" và "cộng đồng chung tương lai". Cuối cùng, thuật ngữ "cộng đồng chung vận mệnh" đã chính thức được thông qua để tránh những liên tưởng tiêu cực và đưa ra một câu chuyện dễ chấp nhận hơn trên toàn cầu. Thuật ngữ này miêu tả một tầm nhìn về sự kết nối toàn cầu, khi tất cả các quốc gia cùng tồn tại hòa thuận trong một "ngôi làng toàn cầu" do Trung Quốc lãnh đạo, và nhân loại đoàn kết như một gia đình lớn.
Đến năm 2023, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận song phương "cộng đồng chung tương lai" với ít nhất 22 quốc gia, trong khi một số quốc gia khác đã thừa nhận khái niệm này mà không có cam kết chính thức. "Cộng đồng chung tương lai" không phải là một cấp độ quan hệ đối tác riêng biệt mà là một dấu hiệu bổ sung cho sự liên kết về mặt ý thức hệ với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh, và là tín hiệu cho thấy một quan hệ tích cực, lâu dài.
Tương tự, "Kỷ nguyên mới", thuật ngữ được đưa vào điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc từ năm 2017, thể hiện niềm tin rằng cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Các quốc gia được gọi là đối tác "Kỷ nguyên mới" được cho là có liên kết chặt chẽ hơn với các mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn của Bắc Kinh, bao gồm cả việc chống lại sự thống trị của Mỹ.
Cả hai cụm từ này đều làm phức tạp thêm hệ thống cấp bậc ngoại giao của Trung Quốc, nhấn mạnh sự liên kết về mặt ý thức hệ và hợp tác lâu dài. Khi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức kinh tế và căng thẳng gia tăng với phương Tây, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc với Mỹ, Trung Quốc đã ngày càng tìm cách tạo dựng liên minh ở phương Nam toàn cầu bằng cách sử dụng các câu chuyện ngoại giao này.
Cộng đồng chung tương lai và Kỷ nguyên mới ở Châu Phi và Trung Đông
Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi năm 2024, Trung Quốc đã thiết lập hoặc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với 30 quốc gia Châu Phi. Đặc điểm chung của quan hệ Châu Phi-Trung Quốc đã được nâng lên thành "cộng đồng mọi hoàn cảnh với tương lai chung cho kỷ nguyên mới". Bước tiến này – từ một loại quan hệ đối tác mới, thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, và giờ là cộng đồng mọi hoàn cảnh – cho thấy quan hệ Châu Phi-Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn, mang lại sự rõ ràng và thực chất hơn cho quan hệ của họ.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc giữa Trung Quốc và Mỹ, bước tiến này đánh dấu một cột mốc mới trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi. Khi ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây tại Châu Phi suy giảm, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để mở rộng sự hiện diện của mình trên lục địa này. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Châu Phi có tiềm năng định hình lại đáng kể cán cân quyền lực toàn cầu, thách thức sự thống trị của phương Tây. Sự thay đổi này có thể làm suy yếu bá quyền toàn cầu của Mỹ và đe dọa các lợi ích chiến lược của nước này, trong khi xác lập Trung Quốc là một nhân tố chủ chốt trong việc định hình sự phát triển tương lai của Châu Phi.
Tại Trung Đông, Trung Quốc đã mở rộng dấu ấn của mình thông qua các sáng kiến ngoại giao, năng lượng, thương mại, đầu tư, và cơ sở hạ tầng, nâng cao vị thế của mình trong địa chính trị khu vực. Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của họ, sự phụ thuộc lẫn nhau của Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông cho thấy vẫn còn những hạn chế có thể làm giảm khả năng thể hiện sức mạnh của nước này. Những hạn chế này bao gồm sự phụ thuộc lẫn nhau, động lực khu vực, quyền lực cứng hạn chế, các ưu tiên trong nước, địa lý và quyền tự chủ của các quốc gia Trung Đông, tất cả đều tác động đến mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong một khu vực cạnh tranh do Washington thống trị, Bắc Kinh đã phải tìm cách xây dựng sự hiện diện trong khu vực mà không gây mất lòng Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia Trung Đông nào, đồng thời theo đuổi các lợi ích địa chính trị của mình, ngay cả khi chiếc ô an ninh của Mỹ cung cấp một lối vào chi phí thấp vào khu vực. Quan hệ đối tác của Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông nhìn chung gồm ba loại quan hệ đối tác chính : quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Ai Cập, Saudi Arabia, Iran, UAE, và Bahrain), quan hệ đối tác chiến lược (Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, Iraq, Oman, Kuwait, Syria, và Palestine) và quan hệ đối tác toàn diện sáng tạo (Israel). Thông qua các quan hệ đối tác chiến lược thường được thành lập trên cơ sở lợi ích kinh tế, Trung Quốc đã theo đuổi các lợi ích địa chính trị Trung Đông của mình theo hướng song phương, mà không áp dụng các mục tiêu toàn khu vực hoặc đa phương. Kết quả là, mạng lưới quan hệ đối tác của Trung Quốc trong khu vực đã không ngừng phát triển đa dạng và mở rộng hơn, phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng và khả năng thích ứng chiến lược của nước này.
Trong những năm gần đây, quan hệ Ả rập-Trung Quốc trong "Kỷ nguyên mới" đã chứng minh sức sống đáng kể và khả năng tiến triển bền vững, góp phần xây dựng cộng đồng Ả rập-Trung Quốc cùng chung tương lai. Năm 2004, Trung Quốc thành lập Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Các quốc gia Ả rập (CASCF) để tăng cường quan hệ với các quốc gia Ả rập. Tại trong cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ sáu của CASCF năm 2014, Tập Cận Bình đã đưa ra ý tưởng xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Ả rập có chung lợi ích và chung tương lai. Năm 2018, trong cuộc họp bộ trưởng lần thứ tám của CASCF, Tập tiếp tục phác thảo một quan hệ đối tác chiến lược tập trung vào hợp tác toàn diện, phát triển chung, và tầm nhìn hướng tới tương lai cho quan hệ Ả rập-Trung Quốc. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới việc thành lập "cộng đồng Trung Quốc-Ả rập chung tương lai".
Đến năm 2020, trong cuộc họp bộ trưởng lần thứ chín của CASCF, Trung Quốc và các quốc gia Ả rập đã đạt được sự đồng thuận tích cực để đưa khái niệm "cùng nhau xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Ả rập chung tương lai trong kỷ nguyên mới". Năm 2022, Tập đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Các quốc gia Ả rập và Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác Trung Quốc-Vùng Vịnh lần thứ nhất, nhấn mạnh nhu cầu "phát huy tinh thần hữu nghị Trung Quốc-Ả rập", kêu gọi tăng cường đoàn kết và hợp tác để thúc đẩy một cộng đồng Trung Quốc-Ả rập chặt chẽ hơn với tương lai chung.
Kết luận
Khái niệm ngoại giao của Trung Quốc về "cộng đồng chung vận mệnh" đã trở thành một khía cạnh then chốt trong chính sách đối ngoại của nước này trong những năm gần đây. Khái niệm này thúc đẩy phát triển hòa bình, hợp tác toàn cầu, và lợi ích chung giữa các quốc gia, được thể hiện trong các dự án quan trọng như Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu.
Nhìn chung, những nỗ lực này nhằm mục đích tăng cường kết nối, thúc đẩy an ninh chung, và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các khu vực khác nhau. Khái niệm "cộng đồng chung tương lai" phản ánh chiến lược rộng hơn của Trung Quốc nhằm tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi để hỗ trợ cho mục tiêu hiện đại hóa trong nước và phục hưng sức mạnh dân tộc, trong khi điều hướng giữa bối cảnh phức tạp của địa chính trị hiện tại.
Mordechai Chaziza
Nguyên tác : "The Rise of the ‘Community With a Shared Future’: China’s Foreign Policy Hierarchy", The Diplomat, 05/05/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/10/2024
Tiến sĩ Mordechai Chaziza là giảng viên cấp cao tại Khoa Chính trị và Quản trị và Khoa Nghiên cứu Đa ngành về Khoa học Xã hội tại Viện Học thuật Ashkelon, Israel và là nghiên cứu viên tại Khoa Nghiên cứu Châu Á, Đại học Haifa, chuyên về quan hệ đối ngoại và chiến lược của Trung Quốc.
Ngành ngoại giao Trung Quốc là "cơn ác mộng" đối với ông Tập Cận Bình ? Ganh đua giữa Vương Nghị và Dương Khiết Trì làm suy yếu chính sách đối ngoại của Đảng cộng sản Trung Quốc ?
Cả hai ông muốn chứng tỏ lòng trung thành đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh Getty images
Trên đây là các câu hỏi nhà nghiên cứu Alex Payette sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada và cũng là một cây bút trên tạp chí Asialyst nêu lên trong bài tham luận "Trung Quốc : Làm thế nào Tập Cận Bình để nền ngoại giao tự đánh mất uy tín" đăng trên báo Asialyst hôm đầu tháng 4/2021.
Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung, Washignton tìm cách liên kết các đồng minh Âu cũng như Á đề hình thành một mặt trận chung đối phó với những tham vọng cả về địa chính trị lẫn kinh tế của Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh tỏ ra đơn độc hơn bao giờ hết. Lỗi là do Bộ Ngoại giao nước này.
Alex Payette nhắc lại bối cảnh : Bắc Kinh bị quốc tế chỉ trích đàn áp và cưỡng bức lao động tại Tân Cương, bóp chết các quyền tự do hạn hẹp của người dân Hồng Kông, sách nhiễu và đe dọa xâm chiếm Đài Loan. Ngành ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra hình ảnh không mấy tốt đẹp trong cuộc họp đầu tiên với phái đoàn Mỹ dưới chính quyền Biden. Bộ ngoại giao hiện đang "gây ra nhiều vấn đề" đối với Đảng ít nhất vì ba lý do :
Một là sự bất tài của các cán bộ trong ngành ngoại giao Trung Quốc.
Nhược điểm thứ hai là chiến thuật hung hãn của các "chiến lang" mà điển hình là hai phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh và Triệu Lập Kiên : lời lẽ cứng rắn của những nhân vật này lố bịch đến nỗi chúng thường xuyên bị phê bình cả ở hải ngoại lẫn trên các mạng xã hội Trung Quốc. Hậu quả kèm theo là Bắc Kinh đang bị cô lập trên bàn cờ quốc tế.
Điểm yếu thứ ba của nền ngoại giao Trung Quốc hiện tại là viễn cảnh thay đổi nhân sự lãnh đạo vào lúc cả hai nhân vật cao cấp nhất là ngoại trưởng, ủy viên Quốc Vụ Vương Nghị và ủy viên Quốc Vụ, ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì cùng chuẩn bị về hưu.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, từ Montréal, chuyên gia Alex Payette trước hết nêu bật hiềm khích sâu đậm giữa hai ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị :
Alex Payette : Bộ ngoại giao là một dạng loa phóng thanh và trong một chừng mực nào đó, cơ quan này phản ánh những gì diễn ra bên trong "guồng máy". Trong guồng máy đó chúng ta thấy có một sự đối đầu giữa ngoại trưởng Vương Nghị và ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc đặc trách về đối ngoại là ông Dương Khiết Trì.
Sự đối đầu giữa hai nhân vật này giải thích vì sao rất hiếm khi họ xuất hiện bên nhau. Vương Nghị và Dương Khiết Trì kình nhau và phải nói là rất lấy làm lạ hai nhân vật này đã cùng nhau đến dự hội nghị ở Alaska với Hoa Kỳ vào tháng trước. Qua cuộc họp đó, mọi người thấy rõ là ủy viên Quốc Vụ Dương Khiết Trì đã coi thường ngoại trưởng Vương Nghị ra mặt. Chẳng hạn như họ Dương gọi ngoại trưởng Trung Quốc bằng tên, nói trống không mà không kèm với chức danh của ông Vương Nghị.
Rồi sau khi phát biểu thật dài trong 17-18 phút, ông Dương Khiết Trì một cách rất trịch thượng đã quay sang hỏi ngoại trưởng Vương Nghị "có cần nói gì thêm không ? Cứ nói vắn tắt". Thêm vào đó, hai nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc này cùng xấp xỉ 70 tuổi và ý thức được là họ sắp đến tuổi về hưu, cho nên cả hai cùng muốn duy trì ảnh hưởng của mình trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai.
RFI : Sự đối đầu đó có gây khó khăn cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hay không ?
Alex Payette : Có chứ. Vấn đề đặt ra là bộ này phải nghe theo ai khi mà có đến hai vị lãnh đạo, mà hai người đó thường xuyên dẫm chân lên nhau. Cả hai cùng muốn mạnh mẽ chứng tỏ lòng trung thành đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Với ông Tập, sự trung thành đó là điều hết sức quan trọng. Ông này quan sát xem ai thi hành tốt những chỉ thị của mình. Rõ ràng là có một sự ganh đua giữa các ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì. Cả hai cùng muốn tiếp tục được trọng dụng sau khi mãn nhiệm kỳ vào cuối 2022.
Vấn đề đặt ra là khi cả hai cùng tranh thủ để lấy điểm với "bề trên" nên đôi khi có những chỉ đạo mâu thuẫn với nhau và đây là một điều hết sức kỳ lạ đang diễn ra ở bên trong Bộ ngoại giao Trung Quốc. Hiện tượng này làm nhiễu thông điệp của Bắc Kinh cả trên trường quốc tế lẫn công luận trong nước, thậm chí là bên trong Bộ ngoại giao. Hơn thế nữa thật ra không chỉ có một sự kình địch giữa hai ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị mà sự đối đầu đó hiện diện ở mọi cấp.
Thành thử giới phân tích tự hỏi : thông điệp trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là gì ? Hiện tại chúng ta thấy các quan chức ngoại giao nước này hung hăng lên án phương Tây "can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc", nêu lên thái độ "bất công", thái độ "thù nghịch" của các nền dân chủ, muốn làm suy yếu Trung Quốc… Nhưng ngoài chiến thuật đó chúng ta không biết Bắc Kinh thực sự muốn gì.
Trước mắt, hiệu ứng phụ từ thái độ hung hăng từ một số nhà ngoại giao Trung Quốc rất tai hại vì làm sứt mẻ uy tín của Bắc Kinh và nhất là sau này, liệu rằng quốc tế có còn lắng nghe Trung Quốc nữa hay không để biết Trung Quốc muốn gì. Hay là, trái lại, người ta sẽ mệt mỏi với giọng điệu đầy sát khí của các "chiến lang". Đây sẽ là vấn đề cốt lõi thách thức chính sách ngoại giao Trung Quốc.
RFI : Ở thời điểm này, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang theo đuổi những mục tiêu nào ?
Alex Payette : Trung Quốc luôn khẳng định muốn "nâng cấp" trên nhiều phương diện để trở thành một siêu cường của thế giới, nhưng không chắc là Bắc Kinh sẵn sàng lãnh nhận lấy trách nhiệm của một cường quốc, bảo đảm trật tự thế giới. Theo tôi có lẽ trong thâm tâm Bắc Kinh muốn trở về với giai đoạn như dưới thời các tổng thống Hoa Kỳ trước đây, như thời của Bill Clinton hay Barack Obama. Trong thời gian đó Mỹ đã dễ dàng để cho Đảng cộng sản Trung Quốc tự tung tự tác, thâu tóm công nghệ và tài nguyên cần thiết để giúp kinh tế Trung Quốc đi lên.
Đã có rất nhiều bài phân tích cho rằng Trung Quốc muốn áp đặt luật chơi với thế giới, tôi nghĩ rằng lập luận này có phần đi quá xa. Tôi thận trọng hơn cho rằng điều mà Bắc Kinh mong muốn trước hết là có thể tiếp tục phát triển trong một môi trường thuận lợi cho Trung Quốc để nước này không bị gạt ra bên lề tiến trình phát triển của thế giới.
RFI : Vào lúc hình ảnh của Trung Quốc đang xấu đi đáng kể trong mắt cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh dường như ý thức được điều đó cho nên đã tận dụng từ đòn ngoại giao khẩu trang đến ngoại giao vac-xin để tô điểm hình ảnh của mình, nhưng Trung Quốc cần phải làm gì để lấy lại uy tín với thế giới ?
Alex Payette : Đây là một câu hỏi rất hay nhưng có lẽ cũng nên xem lại rằng tái tạo niềm tin với thế giới có thực sự là mục tiêu Bắc Kinh muốn theo đuổi trong hoàn cảnh hiện tại hay không. Hay ưu tiên của nước này là cứ lặng lẽ tiến lên với những lá bài đang có trong tay ? Machiavel xưa kia từng chủ trương, khi người ta làm điều gì đó không tốt thì cứ liều làm hết tất cả những điều xấu xa đó cùng một lúc rồi hạ hồi phân giải.
Trong trường hợp của Trung Quốc hiện nay ta thấy Bắc Kinh đã thâu tóm Hồng Kông, truy tố những nhà đấu tranh dân chủ từng xuống đường vào những năm 2018-2019. Như thể là Trung Quốc cứ liều lĩnh xuất quân mà không suy nghĩ kỹ. Tôi không chắc trong nội bộ của Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều người đã suy tính trước về hậu quả chính sách thâu tóm Hồng Kông, suy tính trước về phản ứng quốc tế qua việc Bắc Kinh áp đặt luật quốc gia an ninh với đặc khu hành chính Hồng Kông. Vả lại người Trung Quốc thường nói, khi làm điều gì mà bị cả thiên hạ cùng chỉ trích chê cười, chưa chắc là mình đã đi sai một nước cờ !
RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada.
Hành xử của Trung Quốc sau khi thua kiện Philippines ở tòa án quốc tế (PCA) liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa hai nước đang đặt ra câu hỏi liệu ngoại giao của một nước lớn có thể thay thế được một phán quyết của luật pháp quốc tế gây bất lợi cho họ, một nhà nghiên cứu về chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học SOAS, Anh nói với BBC hạ tuần tháng này.
Điều gì đã xảy ra với phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) sau những chiến dịch ngoại giao được cho là 'hữu hiệu' của Trung Quốc với Philippines và khu vực.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề một hội thảo về xung đột Biển Đông và giải pháp mới tại một đại học ở Oxford hôm 20/10/2017, Tiến sĩ Yuka Kobayashi, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trung Quốc học, Trung tâm Đông Á và Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học phương Đông và Châu Phi học (SOAS), trước hết nêu quan điểm về vấn đề Biển Đông :
"Tôi nghĩ tranh chấp Biển Đông là thứ gì đó là xung đột khu vực nhưng lại có tác động toàn cầu", bà Kobayashi nói, trong lúc trả lời câu hỏi vì sao giới nghiên cứu quốc tế quan tâm tới xung đột ở khu vực này.
Dẫn ra ví dụ về vụ kiện của Philippines và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) xử Philippines thắng kiện Trung Quốc hơn một năm về trước và diễn biến hậu vụ kiện hiện nay nhất là với xử lý của Trung Quốc, bên thua kiện, trong quan hệ với Philippines, bên thắng kiện, Tiến sĩ Kobayashi nhận xét :
"Phán quyết trong vụ việc xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines liên quan hai quốc gia, nhưng là những nước rất quan trọng ở khu vực, cũng như trên toàn cầu và kết quả khá thú vị nếu quí vị nhìn vào đó theo ý nghĩa phán quyết đã đặt Trung Quốc vào phía rất bất lợi.
"Tuy nhiên, Trung Quốc đã có thể vượt qua điều đó bằng ngoại giao, do đó điều này đặt ra một câu hỏi lôgíc với quốc tế về trung gian trọng tài của Tòa án quốc tế là gì, tính hữu ích của Công ước Quốc tế về Luật Biển là thế nào, nếu ngoại giao lại có tác dụng hơn là luật pháp ?"
Biển Đông với 'Vành đai, Con đường'
Tiến sĩ Yuka Kobayashi (phải) cho rằng có mối quan hệ giữa sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc với chiến lược của đại cường này trên tuyến đường biển ở Biển Đông.
Bình luận về thực chất chiến lược và tham vọng mà Trung Quốc muốn thực thi ở khu vực và quốc tế, thông qua sáng kiến 'một vành đai, một con đường', qua việc tự tuyên bố một 'bản đồ đường chín đoạn' gây tranh cãi ở khu vực Biển Đông đang có xung đột, tranh chấp, bên cạnh nhiều bước đi chiến lược khác, nhà nghiên cứu người Nhật Bản đang làm việc cho Đại học SOAS của Anh quốc, nói :
"Tôi nghĩ hiện đang ở trong một vị trí rất thú vị, nhất là trong diễn biến tháng này [Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19], do đó nếu quí vị nhìn vào vị trí mà họ đang có hiện nay, dân số 1,3 tỷ người.
"Về cơ bản phải nuôi sống số dân đó và một số trong số đó vẫn còn sống ở dưới ngưỡng nghèo khó và nếu quí vị nhìn vào thời điểm rất thú vị về mặt kinh tế mà Trung Quốc đang thực sự có, vượt trên khả năng của họ, thì làm thế nào ? Do vậy, để có được một lối ra cho những vấn đề như vậy, vươn ra bên ngoài biên giới, là điều mà Trung Quốc thực sự rất quan tâm.
"Do đó sáng kiến 'một vành đai, một con đường' là một chiến lược thực sự là rất then chốt để giúp Trung Quốc để tiếp tục phát triển và đạt được sự phát triển kinh tế cao như thế này và vì điều đó, vùng Châu Á, Biển Đông là then chốt về mặt ý nghĩa, chúng ta đã biết là sáng kiến 'nhất đới, nhất lộ' được tạo thành từ kinh tế của vành đai và cũng của kinh tế của đường hàng hải.
"Và đường hàng hải có ý nghĩa rất nhiều là Biển Đông và đó là ý nghĩa rất then chốt để đảm bảo sự thành công của sáng kiến 'một vành đai, một con đường' và việc Trung Quốc sẽ chơi các quân bài như thế nào ở đó sẽ là rất then chốt cho sự phát triển của Trung Quốc và cũng của khu vực, bởi vì sự tương thuộc là rất quan trọng giữa hai điều đó", nhà nghiên cứu nói với Quốc Phương của BBC từ Oxford.
Tiến sĩ Yuka Kobayashi, người tốt nghiệp Đại học Kyoto, Nhật Bản, từng giảng dạy về Chính trị Quốc tế và là nhà nghiên cứu ở Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc.
Trước khi làm việc cho Đại học SOAH, bà có thời gian là nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford, nơi bà đã lấy bằng Tiến sĩ. Các lĩnh vực nghiên cứu của Kobayashi bao gồm quan hệ quốc tế và luật của Trung Quốc, chính trị và quan hệ quốc tế ở Đông Á cũng như luật quốc tế.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 28/10/2017
Trung Quốc tiếp tục phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao THAAD ở Hàn Quốc trong khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đang đến vùng Đông Bắc Á nhằm răn đe Bắc Hàn.
Dân Trung Quốc 'bộc phát' phản đối siêu thị Lotte của Hàn Quốc vì vụ triển khai hệ thống THAAD
Nhưng cách xử lý cuộc khủng hoảng mà tác giả Niall Ferguson (Sunday Times 16/04/2017) gọi là 'của chính Trung Quốc", cũng làm lộ ra những chiêu thức Bắc Kinh đã áp dụng trong ngoại giao khu vực.
Grant Newsham, trong bài 'The Real Reason China Is Desperate to Stop THAAD' (National Interest, 25/03/2017 ) nêu ra mô thức hành xử quen thuộc (familiar Chinese modus operandi) của Trung Quốc.
Đây là cách Trung Quốc làm gần đây nhất nhắm vào Hàn Quốc giống như đã làm với Nhật Bản, Đài Loan và Philippines trước đây.
Sự kiện nhỏ - thách thức lớn
Về cơ bản, theo tác giả, mục tiêu của Trung Quốc là làm lung lay các cam kết của Hoa Kỳ trợ giúp đồng minh có hiệp ước hoặc đối tác trong vùng thông qua các bước đi nhỏ, cụ thể, tưởng như không có liên quan gì đến nhau.
Ông Grant Newsham mô tả rằng trong vụ gây sức ép lên Seoul, Bắc Kinh đã :
1. Chọn cách đánh vào một hành động bị Trung Quốc coi là mang tính tấn công - vụ triển khai tên lửa THAAD - dù Hoa Kỳ nói nó chỉ nhằm ngăn chặn tên lửa Bắc Hàn.
2. Đe dọa liên tiếp và gây thiệt hại về kinh tế : cấm tập đoàn Lotte, xóa tour du lịch và chặn mua bán hàng Hàn Quốc trên mạng.
3. Chối bỏ thẳng thừng rằng sự việc có chỉ đạo mà nói phản ứng chính đáng chỉ đến từ người dân Trung Quốc 'bị xúc phạm'.
Trung Quốc cũng tìm cách nhắn nhủ Hàn Quốc rằng quan hệ với Hoa Kỳ không đáng cái giá phải trả về kinh tế và an ninh nếu làm xúc phạm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo Grant Newsham.
Kể cả khi Seoul vẫn tiếp tục kế hoạch nhận hệ thống THAAD, liên minh quân sự với Hoa Kỳ ít ra cũng bị rung động và các bên có thể sẽ phản tự hạn chế trong quan hệ tương lai vì lo ngại về phản ứng của Trung Quốc.
Chính thức mà nói, Trung Quốc, qua lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã cảnh báo 'xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào' trong khi căng thẳng về chủ đề Bắc Hàn gia tăng.
Chuối từ Philippines trở thành đối tượng vụ trả đũa vì bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc tự nhiên đến chặn lối
Đây là cách 'kiểu gì Trung Quốc cũng thắng'.
Grant Newsham nhắc lại vụ việc tương tự với Philippines năm 2012 sau khi Tổng thống Aquino sát lại gần Hoa Kỳ.
1. Trung Quốc chọn một điểm tưởng như chẳng có gì quan trọng là bãi cạn Scarborough, nằm trong Vùng Kinh tế Đặc quyền của Philippines, đưa thuyền vào nhằm nắn gân Hoa Kỳ đi kèm với lời hứa (suông) rằng Trung Quốc sẽ rút ra nếu Hải quân Philippines cũng rút khỏi vùng này.
2. Gây sức ép về kinh tế như chặn nhập khẩu chuối từ Philippines và dọa sẽ còn làm nặng tay hơn.
3. Hoa Kỳ phản ứng èo uột trong vụ Trung Quốc ngăn lối vào Scarborough và có vụ Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ hành vi của Trung Quốc. Điều này tạo ra nghi ngờ về khả năng Hoa Kỳ giữ cam kết theo hiệp ước phòng thủ với Philippines.
Cùng với nhiệm kỳ tổng thống của ông Rodrigo Duterte vốn đã không mặn mà với Mỹ, liên minh Hoa Kỳ- Philippines không tan rã nhưng bị lung lay.
Trung Quốc cũng làm như vậy với Đài Loan (dùng đe dọa trực diện, tiếp theo là trả đũa kinh tế...) và thậm chí với cả Nhật Bản.
Thanh niên Trung Quốc trèo cây đốt cờ Nhật Bản 'vì Điếu Ngư'
Năm 2012, Trung Quốc chọn cớ Nhật Bản "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku mà Tokyo nắm để tung ra cuộc khẩu chiến, rồi liên tiếp cho tàu cá và tàu hải giám vào biển của Nhật, có tàu Hải quân Quân Giải phóng đứng trông coi.
Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật với lý do là loại khoáng sản này chỉ còn đủ cho khách hàng Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình "tự phát" bài Nhật và vì 'quần đảo Điếu Ngư' cũng đột nhiên bùng lên ở Trung Quốc, gồm cả các vụ đập phá cơ sở kinh doanh của Trung Quốc.
Thậm chí lái những xe do Nhật Bản sản xuất cũng trở nên rủi ro với một số người.
Tất cả chỉ nhằm tạo ra nghi ngờ ở Nhật về cam kết của Hoa Kỳ, và cũng tạo ra lo ngại ở Mỹ sợ bị lôi kéo vào một cuộc chiến nhân danh Nhật Bản "chỉ vì vài khối đá ngoài biển", tức quần đảo Senkaku.
Chỉ giỏi chiến thuật nhưng phản tác dụng ?
Theo kết luận của Grant Newsham, các nỗ lực của Trung Quốc gây sức ép lên Nhật Bản lại tạo ra hậu quả không trông đợi.
Nhật Bản đã tăng quyết tâm thúc đẩy quốc phòng và công chúng Nhật cũng có thái độ cứng rắn hơn trước Trung Quốc.
Hai Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh lại cam kết phòng thủ với Nhật Bản, gồm cả việc bảo vệ lãnh thổ cho Nhật.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc vẫn quyết tâm triển khai hệ thống THAAD dù Trung Quốc phản đối
Tác giả này cho rằng Trung Quốc cũng từng dùng chiêu thức tương tự gần đây với Singapore, đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong ASEAN và có thể nhắm vào cả liên minh Mỹ - Úc cũng như khai thác vấn đề nội bộ ở Malaysia và Thái Lan để làm yếu đi vị thế của Mỹ.
Nhưng lời kết luận là Trung Quốc có thể chỉ giỏi tính về chiến thuật hơn là chiến lược và chiến thuật của họ cũng không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
Tác giả kêu gọi Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ Donald Trump nên tránh không bị Trung Quốc lôi kéo vào các sự kiện cụ thể mà hãy nhìn toàn bộ bức tranh khu vực, tập trung đặt ưu tiên cho việc xây đắp các liên minh chính thức và không chính thức trong toàn vùng Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.
Điểm mấu chốt, theo Grant Newsham là Hoa Kỳ cần hiểu rằng "THAAD ở Nam Hàn không phải chỉ là hỏa tiễn và Biển Nam Trung Hoa không phải chỉ là chuyện tranh chấp cá".