Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/10/2017

Khi ngoại giao Trung Quốc 'thắng' cả phán tòa quốc tế

Yuka Kobayashi

Hành xử của Trung Quốc sau khi thua kiện Philippines ở tòa án quốc tế (PCA) liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa hai nước đang đặt ra câu hỏi liệu ngoại giao của một nước lớn có thể thay thế được một phán quyết của luật pháp quốc tế gây bất lợi cho họ, một nhà nghiên cứu về chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học SOAS, Anh nói với BBC hạ tuần tháng này.

pca1

Điều gì đã xảy ra với phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) sau những chiến dịch ngoại giao được cho là 'hữu hiệu' của Trung Quốc với Philippines và khu vực.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề một hội thảo về xung đột Biển Đông và giải pháp mới tại một đại học ở Oxford hôm 20/10/2017, Tiến sĩ Yuka Kobayashi, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trung Quốc học, Trung tâm Đông Á và Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học phương Đông và Châu Phi học (SOAS), trước hết nêu quan điểm về vấn đề Biển Đông :

"Tôi nghĩ tranh chấp Biển Đông là thứ gì đó là xung đột khu vực nhưng lại có tác động toàn cầu", bà Kobayashi nói, trong lúc trả lời câu hỏi vì sao giới nghiên cứu quốc tế quan tâm tới xung đột ở khu vực này.

Dẫn ra ví dụ về vụ kiện của Philippines và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) xử Philippines thắng kiện Trung Quốc hơn một năm về trước và diễn biến hậu vụ kiện hiện nay nhất là với xử lý của Trung Quốc, bên thua kiện, trong quan hệ với Philippines, bên thắng kiện, Tiến sĩ Kobayashi nhận xét :

"Phán quyết trong vụ việc xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines liên quan hai quốc gia, nhưng là những nước rất quan trọng ở khu vực, cũng như trên toàn cầu và kết quả khá thú vị nếu quí vị nhìn vào đó theo ý nghĩa phán quyết đã đặt Trung Quốc vào phía rất bất lợi.

"Tuy nhiên, Trung Quốc đã có thể vượt qua điều đó bằng ngoại giao, do đó điều này đặt ra một câu hỏi lôgíc với quốc tế về trung gian trọng tài của Tòa án quốc tế là gì, tính hữu ích của Công ước Quốc tế về Luật Biển là thế nào, nếu ngoại giao lại có tác dụng hơn là luật pháp ?"

Biển Đông với 'Vành đai, Con đường'

pca2

Tiến sĩ Yuka Kobayashi (phải) cho rằng có mối quan hệ giữa sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc với chiến lược của đại cường này trên tuyến đường biển ở Biển Đông.

Bình luận về thực chất chiến lược và tham vọng mà Trung Quốc muốn thực thi ở khu vực và quốc tế, thông qua sáng kiến 'một vành đai, một con đường', qua việc tự tuyên bố một 'bản đồ đường chín đoạn' gây tranh cãi ở khu vực Biển Đông đang có xung đột, tranh chấp, bên cạnh nhiều bước đi chiến lược khác, nhà nghiên cứu người Nhật Bản đang làm việc cho Đại học SOAS của Anh quốc, nói :

"Tôi nghĩ hiện đang ở trong một vị trí rất thú vị, nhất là trong diễn biến tháng này [Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19], do đó nếu quí vị nhìn vào vị trí mà họ đang có hiện nay, dân số 1,3 tỷ người.

"Về cơ bản phải nuôi sống số dân đó và một số trong số đó vẫn còn sống ở dưới ngưỡng nghèo khó và nếu quí vị nhìn vào thời điểm rất thú vị về mặt kinh tế mà Trung Quốc đang thực sự có, vượt trên khả năng của họ, thì làm thế nào ? Do vậy, để có được một lối ra cho những vấn đề như vậy, vươn ra bên ngoài biên giới, là điều mà Trung Quốc thực sự rất quan tâm.

"Do đó sáng kiến 'một vành đai, một con đường' là một chiến lược thực sự là rất then chốt để giúp Trung Quốc để tiếp tục phát triển và đạt được sự phát triển kinh tế cao như thế này và vì điều đó, vùng Châu Á, Biển Đông là then chốt về mặt ý nghĩa, chúng ta đã biết là sáng kiến 'nhất đới, nhất lộ' được tạo thành từ kinh tế của vành đai và cũng của kinh tế của đường hàng hải.

"Và đường hàng hải có ý nghĩa rất nhiều là Biển Đông và đó là ý nghĩa rất then chốt để đảm bảo sự thành công của sáng kiến 'một vành đai, một con đường' và việc Trung Quốc sẽ chơi các quân bài như thế nào ở đó sẽ là rất then chốt cho sự phát triển của Trung Quốc và cũng của khu vực, bởi vì sự tương thuộc là rất quan trọng giữa hai điều đó", nhà nghiên cứu nói với Quốc Phương của BBC từ Oxford.

Tiến sĩ Yuka Kobayashi, người tốt nghiệp Đại học Kyoto, Nhật Bản, từng giảng dạy về Chính trị Quốc tế và là nhà nghiên cứu ở Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc.

Trước khi làm việc cho Đại học SOAH, bà có thời gian là nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford, nơi bà đã lấy bằng Tiến sĩ. Các lĩnh vực nghiên cứu của Kobayashi bao gồm quan hệ quốc tế và luật của Trung Quốc, chính trị và quan hệ quốc tế ở Đông Á cũng như luật quốc tế.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 28/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 698 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)