Vấn đề Biển Đông đặt ra cho Trump một nhiệm vụ còn phức tạp hơn các cuộc xung đột ở Ukraine hay ở khu vực Tây Á, nơi mà không bên nào có lợi thế mang tính quyết định, và dấu hiệu mệt mỏi trở nên rõ rệt hơn. Ở Biển Đông, Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh nhất, đang sử dụng sức mạnh cơ bắp của mình một cách hung hăng hơn bao giờ hết nhằm vào các quốc gia ven biển mà không bị trừng phạt. Tình hình ở khu vực Biển Đông ngày càng tệ hơn kể từ nhiệm kỳ đầu của Trump.
Lực lượng tuần duyên Trung Quốc bao vây và áp sát tàu Philippines (giữa) tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) ngày 17/6/2024.
Đầu tiên, một Trung Quốc gây hấn, chuyên thực hiện các hoạt vi cưỡng bức ngày càng leo thang nhằm vào những quốc gia ven biển, đang theo đuổi chính sách bành trướng lấn dần ở vùng ngoại biên. Nhiều động thái đã diễn ra, không chỉ dừng lại ở hành vi phong tỏa, đâm va, bắn vòi rồng và chiếu tia laser cấp quân sự, sử dụng các loại vũ khí có lưỡi sắc bén mà còn đâm chìm tàu thuyền. Vào tháng 6/2024, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã leo lên các thuyền cao su của Philippines, "cướp" 7 khẩu súng trường đang được tháo rời và cất trong hộp, "phá hủy" động cơ ngoài của tàu, các thiết bị liên lạc và định vị cũng như thu điện thoại cá nhân của các thuyền viên Philippines. Một quân nhân Hải quân Philippines bị thương. Vào tháng 8, Trung Quốc nhắm vào tàu cảnh sát biển Philippines Teresa Magbana. Trung Quốc cũng đang cố gắng chiếm đóng bãi Sa Bin, một rạn san hô vòng gần Philippines. Các hành vi hung hăng nhằm vào Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Vào tháng 9, lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc "tấn công hung bạo" một thuyền cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa. Phía Trung Quốc sử dụng ống thép đánh ngư dân Việt Nam, khiến 10 thuyền viên bị thương, ba trong số đó bị gãy xương. Phía Trung Quốc còn bắt giữ tàu cá Đài Loan khi đang hoạt động ở bên ngoài vùng biển do Đài Bắc kiểm soát, gần các đảo Kim Môn.
Hai, Trung Quốc ban hành luật Hải cảnh vào năm 2021 nhằm trao nhiều quyền lực hơn cho lực lượng này ‘ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền hàng hải và chủ quyền của Trung Quốc’. Luật này cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp ngư dân các nước đánh bắt cá ở các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Từ ngày 15/6/2024, Bắc Kinh quyết liệt thực thi các điều khoản chính trong Luật Hải cảnh, được gọi là Sắc lệnh số 3, trong đó cho phép Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ ‘các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép lãnh hải của Trung Quốc’. Luật này nhằm mục đích biện minh cho hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, cũng như có các động thái hung hăng nhằm vào tàu thuyền của các nước, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tập trận nhằm răn đe các quốc gia trong khu vực.
Ba, các đường yêu sách của Trung Quốc ngày càng được mở rộng. Đường 9 đoạn trước đây đã trở thành đường 10 đoạn ở Biển Đông. Vào tháng 8/2023, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố "bản đồ tiêu chuẩn" mới không chỉ bao gồm Đài Loan mà còn các khu vực biển của Philippines, Việt Nam, Brunei, Indonesia, và Malaysia. Bản đồ này còn bao trùm cả khu vực tranh chấp với Ấn Độ và thậm chí một số vùng lãnh thổ của Nga. Quan trọng là bản đồ tiêu chuẩn mới này bao gồm toàn bộ đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoy Ussuriysky) trên sông Hắc Long Giang (Amur), xác định đây là một phần lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù theo hiệp ước năm 2008 thì đảo này được Nga và Trung Quốc chia đôi. Vào tháng 3/2024, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một số khu vực mới ở Vịnh Bắc Bộ với đường cơ sở mới nối 7 điểm cơ sở. Một số điểm cơ sở thậm chí rất xa bờ biển Trung Quốc, điều này trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuyên bố này cũng đi ngược với Hiệp định năm 2004 với Việt Nam. Những động thái này hoàn toàn phù hợp với sách lược bành trướng lấn dần của Trung Quốc.
Bốn, Trung Quốc tăng cường sử dụng lực lượng Dân quân biển (PAFMM) chống lại tàu thuyền của các nước khác. Lực lượng này hoạt động dưới vỏ bọc ngư dân Trung Quốc. Dù PAFMM đã tồn tại được một vài năm, lực lượng này đã trở nên chuyên nghiệp hơn dưới thời Tập Cận Bình. PAFMM tiến hành xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài, phong tỏa các rạn san hô và đảo đang tranh chấp, liên tục đâm hoặc bắn vòi rồng vào tàu tuyền các nước. Lực lượng này đóng một vai trò quan trọng trong việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough vào năm 2012.
Năm, Trung Quốc đã xây dựng 27 căn cứ quân sự trên các đảo tranh chấp, 7 trong số đó là các đảo nhân tạo có vai trò là tiền đồn của nước này. Những căn cứ này đều có bố trí các loại tên lửa tầm ngắn, thiết bị trinh sát, các hệ thống radar và laser cũng như các thiết bị gây nhiễu. Trên các đảo lớn hơn, Trung Quốc còn xây dựng thêm các cảng nước sâu, đường băng và nhà chứa máy bay.
Sáu, Trung Quốc đã đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch. Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức nhằm vào các mục tiêu cụ thể, bao gồm tầng lớp tinh hoa, số chính trị gia quan trọng, cán bộ quân đội và dân sự cấp cao, những cá nhân định hướng dư luận nhằm thay đổi nhận thức của họ theo hướng ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc cũng sử dụng các vũ khí tấn công thần kinh NeuroStrike nhằm vào các cộng đồng chiến lược và lãnh đạo cấp cao của đối thủ. Cùng với đó, các chiến dịch thông tin sai sự thật và tâm lý của Trung Quốc đang sử dụng mọi phương tiện truyền thông có thể, gồm các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền hình, phim ảnh, khách du lịch, tạp chí khoa học, và quần áo để khẳng định các yêu sách của mình là hợp lý, dựa trên các sự kiện lịch sử. Nước này còn đóng dấu bản đồ có các khu vực tranh chấp lên hộ chiếu và thị thực. Trung Quốc cũng đặt tên tiếng Trung cho các thực thể ở Biển Đông nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình.
Do vậy, hiện nay, Trump phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và sẵn sàng đối đầu hơn. Tại Hội nghị APEC, Tập Cận Bình đã nói với Biden về 4 lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc: vấn đề Đài Loan, dân chủ và nhân quyền, con đường và chế độ, và quyền phát triển của Trung Quốc, không thể bị xâm phạm. Hoa Kỳ cũng cần xác định rõ các lằn ranh đỏ của mình, bao gồm hiện trạng Đài Loan và không quấy rối ngư dân các nước trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, theo như phán quyết của Tòa trọng tài PCA năm 2016. Các biện pháp cưỡng ép dưới ngưỡng chiến tranh mà Trung Quốc sử dụng bao gồm các hoạt động thông tin, gây sức ép về chính trị và kinh tế, các hoạt động mạng, hỗ trợ ủy nhiệm, và hành vi khiêu khích do các lực lượng được nhà nước đứng sau thực hiện. Những cách thức này cần phải được chống lại một cách hiệu quả.
Trump đang đi đúng hướng trong việc gây áp lực về kinh tế lên Trung Quốc. Về bản chất, cần phải có một chiến lược bốn mũi nhọn nhằm vào Trung Quốc. Đầu tiên, tất cả các cường quốc ở khu vực cần cùng nhau vô hiệu hóa chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các thể chế bên ngoài (Bộ tứ, AUKUS, hợp tác An ninh ba bên Hoa Kỳ – Nhật Bản – Philippines và Hoa Kỳ – Nhật Bản – Hàn Quốc) nhằm kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của nước này. Để làm được điều đó, cần phải vận dụng khéo léo các biện pháp kinh tế, ngoại giao, và quân sự. Hai là, tăng cường năng lực quốc phòng của các quốc gia ở khu vực vì năng lực hiện tại của các nước không đủ để kiềm chế Trung Quốc. Ba là, quyết liệt đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc liên quan các yêu sách chủ quyền. Bốn là, kiên quyết thúc đẩy thực thi phán quyết của Tòa trọng tài PCA, một cách làm được Trump bày tỏ ủng hộ trong nhiệm kỳ đầu tiên.
SD Pradhan
Nguyên tác : "South China Sea under Trump’s Presidency 2.0: Need for a multi-dimensional strategy", The Times of India, 19/11/2024.
Lê Mạnh Cường biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/11/2024
Biển Đông : Hoa Kỳ lần đầu tiên thừa nhận triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Bãi Cỏ Mây
Chi Phương, RFI, 22/11/2024
Lần đầu tiên Hoa Kỳ công khai thừa nhận sự hiện diện của một lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), khu vực tranh chấp với Trung Quốc, ở Biển Đông, sau chuyến thăm đến Philippines của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi đầu tuần này. Động thái này được cho là để khẳng định hợp tác giữa hai nước, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực ở Washington.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin và đồng nhiệm Philippines Gilberto C. Teodoro, Jr. trao đổi văn kiện hợp tác, tại tổng hành dinh Aguinaldo, Thành phố Quezon, Philippines, ngày 18/11/2024. AP - Aaron Favila
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, hôm 19/11, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết : "Tôi đã đến thăm trung tâm chỉ huy và kiểm soát hợp nhất ở Palawan. Tôi cũng đã gặp một số quân nhân Mỹ được triển khai vào Lực lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ tại Ayungin (Tên gọi khác của Bãi Cỏ Mây trong tiếng Philippines). Thay mặt cho nhân dân Mỹ và liên minh đối tác giữa hai nước trong khu vực, tôi cảm ơn họ đã làm việc rất tích cực".
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ lần đầu thừa nhận sự tồn tại của lực lượng đặc nhiệm
Dường như đây là lần đầu tiên sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ ở khu vực này được đề cập tới. Hôm qua, Kanishka Gangopadhyay, phát ngôn viên của sứ quán Hoa Kỳ tại Manila, được Bloomberg trích dẫn, giải thích rằng "lực lượng đặc nhiệm Ayungin tăng cường sự phối hợp và khả năng tương tác giữa Hoa Kỳ và Philippines... ở Biển Đông".
Theo trang Inquirer, quân đội Philippines hôm qua nêu rõ là lực lượng Hoa Kỳ cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật, "là nhiệm vụ quan trọng, hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích" của Manila tại biển Tây Philippines (tức Biển Đông).
Dù không có nhiều thông tin cụ thể về thành phần của lực lượng đặc nhiệm này, nhưng Hoa Kỳ và Philippines đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó có Thỏa thuận Edca 2014, cho phép lực lượng Hoa Kỳ tổ chức huấn luyện, bố trí vũ khí và các thiết bị tại một số căn cứ quân sự ở Philippines.
Gordian Knot, chuyên gia về an ninh quốc gia tại đại học Stanford, Hoa Kỳ, trả lời trang Inquirer, cho rằng việc Hoa Kỳ công khai thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này trong bối cảnh hiện nay, có thể là vì muốn "gửi đi một tín hiệu là liên minh Hoa Kỳ - Philippines đang hoạt động tích cực".
Còn theo chuyên gia Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, trả lời Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), động thái này có thể khuyến khích Philippines có hành động táo bạo hơn, làm gia tăng căng thẳng. Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, lý do khiến Hoa Kỳ công khai thông tin này, không chỉ để tăng cường quan hệ song phương, mà còn nhằm giảm tác động trước sự thay đổi chính quyền Hoa Kỳ sắp tới.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tương Miểu, khả năng lực lượng Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc là không cao vì có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở nên quá tốn kém đối với Hoa Kỳ.
Chi Phương
*******************************
ASEAN - ADMM : Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc từ chối gặp đồng cấp Mỹ
Thu Hằng, RFI, 21/11/2024
Mỹ và Trung Quốc cùng tham dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN - ADMM lần thứ 18 diễn ra tại Lào nhưng Bắc Kinh đã từ chối lời đề nghị gặp riêng với bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ngày 20/11/2024, Lloyd Austin "lấy làm tiếc" về quyết định của đồng nhiệm Đổng Quân (Dong Jun) và coi đây "là một bước thụt lùi cho toàn bộ khu vực". Phía Trung Quốc chưa bình luận về quyết định trên.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Vientiane, Lào, ngày 21/11/2024. AP - Anupam Nath
Phát biểu sau cuộc họp với Úc và nhiều đối tác trong vùng ngày 20/11, bộ trưởng Lloyd Austin cho rằng quyết định của Trung Quốc "tác động đến khu vực bởi vì toàn bộ khu vực muốn thấy chúng tôi - hai cường quốc, hai tác nhân quan trọng - đối thoại với nhau. Việc này trấn an khu vực". Những nước này cam kết ủng hộ ASEAN và bày tỏ "quan ngại về những hành động gây bất ổn ở biển Hoa Đông và Biển Đông, kể cả hành vi nguy hiểm của nước CHND Trung Hoa đối với tàu của Philippines và của các quốc gia ven biển khác".
Ngày 21/11, trong khuôn khổ ADMM mở rộng, bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN đã họp với Mỹ, Trung Quốc và các đối tác khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc và New Zealand). Theo AP, ông Đổng Quân và ông Lloyd Astin đã họp kín với các đồng nhiệm ASEAN trong cùng một căn phòng. Hai cường quốc đang nỗ lực cải thiện liên lạc quân sự hiện bị trục trặc.
Ngoài xung đột hàng hải, các nhà lãnh đạo quốc phòng cũng đề cập đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chiến tranh Nga-Ukraine và các cuộc chiến ở Trung Đông.
Về nội bộ ASEAN, các bộ trưởng quốc phòng nhất trí cố gắng đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC từ nay đến năm 2026 trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng xác quyết chủ quyền. Nhưng trên thực tế, các cuộc đàm phán diễn ra chậm chạp và bị cản trở vì nhiều vấn đề, trong đó có bất đồng về tính chất bắt buộc của văn bản.
Hội nghị ADMM mở rộng diễn ra vào lúc Nhà Trắng đổi chủ trong khi các cuộc xung đột hàng hải với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Dưới thời tổng thống Joe Biden, Mỹ kiên quyết bảo vệ chính sách về "một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Nhưng hiện giờ, không ai biết chính sách về Biển Đông của chính quyền tổng thống Donald Trump.
Thu Hằng
****************************
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng ở Biển Đông
Thanh Hà, RFI, 20/11/2024
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-ADMM lần thứ 18 và ADMM mở rộng, khai mạc sáng 20/11/2024 tại Vientiane, Lào. Các bên tập trung vào vế an ninh trong bối cảnh gia tăng tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ, điểm tựa của một số quốc gia trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Các bộ trưởng quốc phòng của khối ASEAN họp tại Vientiane, Lào, ngày 20/11/2024. AP - Anupam Nath
Hãng tin Mỹ AP cho biết bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, trên nguyên tắc sẽ đến Vientiane dự cuộc họp ADMM mở rộng, tương tự như các đồng cấp Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước khi rời khỏi Lầu Năm Góc vào tháng 01/2025 ông Lloyd Austin vừa kết thúc một cuộc họp với đồng cấp Úc và Nhật Bản tại Canberra. Hoa Kỳ và hai đồng minh thân thiết này cam kết "mạnh mẽ yểm trợ" ASEAN trước những quan ngại sâu sắc của khối này về những hành vi của Trung Quốc gây bất ổn trong các vùng Biển Đông và Hoa Đông.
Khai mạc hội nghị ADMM lần thứ 18 sáng nay, trong cương vị chủ nhà, bộ trưởng Quốc phòng Lào, Chansamone Chanyalath, mong mỏi đây là cơ hội để 10 nước thành viên ASEAN "tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ trong khu vực cũng như chuẩn bị đối phó và giải quyết những mối đe dọa hiện tại và trong tương lai đối với an ninh trong vùng Đông Nam Á". Về nội bộ ASEAN, bộ trưởng quốc phòng khối này sẽ thảo luận về khủng hoảng nhân đạo tại Miến Điện.
AP chưa thể xác định là bộ trưởng quốc phòng Mỹ có dự trù một cuộc trao đổi song phương với đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại Vientiane lần này hay không. Riêng Nhật Bản, đài truyền hình NHK cho biết, ông Gen Nakatani sẽ thảo luận với đối tác Trung Quốc về những "quan ngại liên quan đến những hoạt động quân sự của Bắc Kinh" trong thời gian gần đây. Tháng 8/2024 chiến đấu cơ Trung Quốc đã thâm nhập không phận Nhật Bản. Tokyo phản đối hàng không mẫu hạm và hai tàu khu trục của Trung Quốc đã xâm nhập các vùng biển của Nhật Bản.
Hội nghị ADMM và ADMM mở rộng lần này cũng nhằm thảo luận về những căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, chiến tranh Ukraine và các cuộc xung đột ở Cận Đông. Các bên cũng sẽ tập trung vào các vế chống khủng bố, hợp tác vì an ninh mạng và khắc phục hậu quả thiên tai.
Thanh Hà
************************
Manila tố cáo Trung Quốc ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm vùng biển Philippines
Thu Hằng, RFI, 20/11/2024
"Rất nhiều" tàu chiến của Trung Quốc được ngụy trang thành tàu cá hoặc tàu hải cảnh để xâm chiếm các vùng biển của Philippines. Ngày 19/11/2024, bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nhấn mạnh thực tế này khi cùng đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin đến thăm một căn cứ ở đảo Palawan, trên tuyến đầu trong cuộc xung đột lãnh hải với Bắc Kinh.
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin họp báo với đồng nhiệm Philippines Gilberto Teodoro tại Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (WESCOM) ở Palawan, Philippines, ngày 19/11/2024. AP
Hai bộ trưởng đến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Miền Tây (Western Command) ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan. Trong cuộc họp báo, bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh các tàu của Trung Quốc "ngày càng hung hăng hơn" khi "dàn cả một số lượng lớn tàu quân sự được cải trang thành tàu của lực lượng Hải cảnh và tàu dân quân biển, ngăn tàu Philippines vào các vùng biển phía tây của Philippines". Chiến thuật này được Trung Quốc sử dụng rộng rãi và được gọi là "chiến thuật vùng xám".
Ông Lloyd Austin "hoàn toàn đồng tình" với đánh giá của đồng nhiệm Teodoro, đồng thời lên án "thái độ (của Trung Quốc) ngày càng đáng quan ngại… Họ sử dụng nhiều biện pháp nguy hiểm và leo thang để khẳng định các yêu sách lãnh hải ở Biển Đông".
Theo trang Philstar, tuyên bố "thẳng thắn" của hai bộ trưởng quốc phòng được đưa ra vào lúc hai nước đồng minh công bố nhiều dự án hợp tác quân sự mới, trong đó có việc Washington giao cho Manila drone hải chiến trong chương trình hỗ trợ an ninh trị giá 500 triệu đô la để giúp Philippines tăng cường năng lực hàng hải "để bảo vệ quyền và chủ quyền trong các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", theo bộ trưởng Lloyd Austin.
Đây là lần thứ tư, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Philippines và cũng là chuyến cuối cùng trước khi bàn giao lại cho chính quyền của tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông bày tỏ "tin tưởng rằng Philippines sẽ luôn là một đất nước quan trọng cho Hoa Kỳ trong nhiều năm tới". Dưới thời bộ trưởng Lloyd Austin, Philippines đã mở cửa thêm bốn căn cứ cho lực lược Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2023. Ba căn cứ nằm trên đảo Luzon, đối diện với Đài Loan và một căn cứ trên đảo Palawan.
Thu Hằng
*************************
Mỹ và Phillipines ký thỏa thuận tăng cường trao đổi thông tin tình báo quân sự
Trọng Thành, RFI, 18/11/2024
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Philippines ký kết hôm nay, 18/11/2024, một thỏa thuận về trao đổi thông tin tình báo quân sự nhân chuyến công du Manila của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Văn bản có mục tiêu tăng cường bảo mật cho các thông tin tình báo quân sự cấp cao mà Hoa Kỳ chuyển giao cho Philippines.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (tiếp bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, tại điện Malacanang, Manila, Philippines, ngày 18/11/2024 via Reuters - Gerard Carreon
Hiện tại, Mỹ và Philippines không cung cấp thông tin chi tiết hoặc bản sao của thỏa thuận vừa được ký. Trả lời AP, hai quan chức an ninh Philippines, xin ẩn danh, khẳng định văn bản này tương tự như các thỏa thuận mà Washington đã ký với một số đồng minh khác, cung cấp "các thông tin tình báo cấp cao hơn" và vũ khí tối tân hơn.
Cụ thể là quân đội Philippines được uyền tiếp cận các hệ thống giám sát vệ tinh và drone của Mỹ, với điều kiện tin tức tình báo và thông tin chi tiết về các vũ khí tối tân phải được bảo mật cao. Đồng thời Philippines được tiếp cận được các phương tiện tân tiến hơn của Mỹ , bao gồm cả hệ thống tên lửa.
Thỏa thuận tăng cường trao đổi thông tin tình báo quân sự nói trên được ký kết vào thời điểm Mỹ, Philippines cùng các đồng minh đang tăng cường các hoạt động quốc phòng, bao gồm các cuộc tập trận tác chiến chung quy mô lớn, chủ yếu là để ứng phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Châu Á.
Theo AP, trong quá khứ, những nỗ lực của Philippines nhằm có được các vũ khí tối tân từ quân đội Mỹ đã bị cản trở do việc thiếu một thỏa thuận tình báo như vậy, ngay cả khi quân đội Philippines đang phải vật lộn chống lại cuộc vây hãm của các lực lượng nổi loạn, liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ở thành phố Marawi, hồi 2017. Quân đội Philippines, được drone của Mỹ và Úc hỗ trợ, đã dập tắt cuộc nổi loạn kéo dài 5 tháng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và đồng nhiệm Philippine, Gilberto Teodoro, đã dự lễ khởi công xây dựng một "trung tâm phối hợp" nằm trong khu vực tổng hành dinh của Quân đội Philippines ở Manila, nơi "trao đổi thông tin theo thời gian thực" và "góp phần tăng cường khả năng phối hợp (giữa quân đội hai nước) trong nhiều năm", theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngày mai, bộ trưởng quốc phòng Mỹ có kế hoạch viếng thăm đảo lớn Palawan, tây Philippines, để gặp gỡ chỉ huy các đơn vị tuần tiễu, và làm nhiệm vụ bảo vệ các vị trí tiền tiêu của Philippines tại Biển Đông.
Trọng Thành
Philippines tập trận chung với Mỹ và đồng minh nhằm "kiềm chế" Trung Quốc
Phan Minh, RFI, 06/11/2024
Chính quyền Manila, hôm nay 06/11/2024, cho biết các cuộc tập trận chung do hải quân Philippines, Mỹ và nhiều cường quốc phương Tây khác thường xuyên tổ chức đang giúp kiềm chế những hành động "hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một tàu chiến của hải quân Philippines trong cuộc tập trận chung đa quân chủng của quân đội Philippines, ngày 06/11/2024, gần đảo Loaita (tiếng Philippines là đảo Kota), tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp. © AP Photo/Aaron Favila
Phát biểu bên lề Diễn đàn An ninh Manila, chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn viên của hải quân Philippines về các vấn đề Biển Đông, được hãng tin AFP dẫn lời, cho biết "trong quá trình tiến hành các cuộc tuần tra chung có tên Hoạt động hợp tác hàng hải đa phương (MMCA), các nước không ghi nhận những hành động cưỡng bức và gây hấn nào của hải quân hay lực lượng hải cảnh Trung Quốc".
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã triển khai hải quân, lực lượng hải cảnh, được ngụy trang như các tàu đánh cá, để cản trở Philippines tiếp cận những rạn san hô và hòn đảo có tầm quan trọng chiến lược ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã kiềm chế không điều tàu ra khu vực nói trên mỗi khi Manila, Washington và đồng minh tiến hành các cuộc tuần tra chung.
Bắc Kinh từ nhiều năm qua đã tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại tuyến đường thủy có tranh chấp. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Mao Ninh, nhấn mạnh "Bắc Kinh có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển lân cận", và việc các nước "phô trương sức mạnh và kích động đối đầu ở Biển Đông sẽ chỉ làm căng thẳng leo thang và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực".
Về phần mình, Hoa Kỳ và các đồng minh lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa quyền tự do hàng hải.
Phan Minh
***************************
Philippines huy động hơn 3.000 quân thao dượt chiếm đảo ở Biển Đông
Minh Anh, RFI, 05/11/2024
Ngày 04/11/2024, quân đội Philippines mở đợt tập trận kéo dài hai tuần, bao gồm việc chiếm giữ một đảo ở Biển Đông đang có tranh chấp. Sự kiện này có thể bị Trung Quốc phản đối.
Quân đội Philippines tại lễ kỷ niệm 126 năm thành lập Quân đội Philippines tại Fort Bonifacio ở Taguig, Philippines, ngày 22/03/2023. AP - Aaron Favila
Theo AP, hơn 3.000 binh sĩ Philippines tham gia cuộc luyện tập. Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, tướng Romeo Brawner Jr., trong lễ khai mạc, phát biểu rằng đợt tập trận này là một sự chuẩn bị toàn diện để "ứng phó với mọi mối đe dọa bên ngoài có nguy cơ thách thức chủ quyền" đất nước.
Cuộc tập trận bao gồm các bài tập bắn đạn thật cũng như đổ bộ lên bãi biển. Tại Biển Đông, lực lượng Philippines mô phỏng chiếm quyền kiểm soát một hòn đảo, theo giải thích của đại tá Michael Logico với giới báo chí, nhưng không nêu rõ chi tiết.
Cũng theo ông Logico, Trung Quốc rất có thể giám sát từ xa và sẽ không có động thái thù địch nào. AP nhắc lại, Bắc Kinh luôn phản đối các cuộc tập trận như vậy ở Biển Đông, nhất là khi có sự tham gia của Mỹ và các đồng minh.
Cuộc tập trận của Philippines diễn ra cùng lúc với việc Trung Quốc triển khai nhóm tầu tác chiến sân bay Sơn Đông đến vùng biển Philippines, cụ thể ở phía bắc đảo Luzon. Trang USNI News nhắc lại đây là lần thứ ba trong năm 2024, tầu sân bay Sơn Đông được điều đến biển Philippines.
Minh Anh
Trung Quốc tập trận phòng thủ Biển Đông khi Việt Nam, Philippines tăng cường hiện diện
RFA, 28/10/2024
Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành một đợt tập trận khác ở Biển Đông, thực hành đánh chặn tên lửa và kiểm soát thiệt hại như một phần của cuộc tập trận mùa thu trong khi có thông tin cả Việt Nam và Philippines đang tăng cường cải tạo đất và xây dựng các đảo.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia trong một cuộc tập trận quân sự ở phía tây Thái Bình Dương vào ngày 23/4/2018 - Reuters
Theo South China Morning Post, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) không nêu rõ địa điểm hoặc thời gian diễn ra cuộc tập trận, chỉ nói rằng cuộc tập trận được tiến hành "vào cuối mùa thu".
PLA cho biết trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc hôm 27/10 :
"Một đội khinh hạm của Hải quân Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ đã tiến hành huấn luyện và đánh giá đầy đủ về phòng không và đánh chặn tên lửa, chống tấn công mặt nước và kiểm soát thiệt hại tàu thuyền".
Các cuộc tập trận bao gồm việc tấn công các mục tiêu trên biển và trên không trong khi tàu Trung Quốc bị bắn, sau đó là một cuộc tập trận tìm kiếm và tấn công với một tàu khác đóng vai trò là đối thủ.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông với "đường chín đoạn", một tuyên bố chồng lấn với tuyên bố của hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á.
Trong khi đó, theo viện Sáng kiến thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, Việt Nam đang kiểm soát 11 trong số 29 thực thể ở quần đảo Trường Sa, cũng đã cải tạo hơn hai km2 ở quần đảo này trong năm tháng qua.
Giám đốc SCSPI Hu Bo cho biết Việt Nam đã bắt đầu một đợt mở rộng mới các thực thể chiếm đóng của mình kể từ tháng 10 năm 2021 và không có dấu hiệu chậm lại.
Nhưng Bắc Kinh phần lớn im lặng về các nỗ lực cải tạo đất của Hà Nội vì trong những năm gần đây, hai bên đã cố gắng cải thiện quan hệ và ngăn chặn các tranh chấp chi phối mối quan hệ chung.
Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, cho biết Philippines, mặc dù là một quốc gia nhỏ, đã giữ thế tấn công ở vùng biển tranh chấp kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr nhậm chức.
Nguồn : RFA, 28/10/2024
*************************
Philippines tin tưởng tính liên tục của chính sách an ninh Mỹ bất kể kết quả bầu cử
Reuters, VOA, 28/10/2024
Bộ trưởng quốc phòng Philippines cho biết Philippines tin tưởng vào tính liên tục của các chính sách của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh rằng mối quan hệ Philippines - Hoa Kỳ sẽ vẫn bền chặt bất kể kết quả ra sao.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro.
Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro nói liên minh giữa hai nước được neo giữ trong các mục tiêu an ninh chung và cam kết duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm cả ở vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.
"Sự ủng hộ của chúng tôi đối với các sáng kiến, song phương và đa phương... là lưỡng đảng, bên cạnh thực tế là chúng tôi đang hoạt động cùng nhau trên cơ sở thể chế, trên cơ sở nền tảng", ông Teodoro nói trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Teodoro nói thêm rằng "hành vi sai trái" của Trung Quốc ở Biển Đông đã đặt Philippines lên hàng đầu trong các mối quan ngại về an ninh khu vực, gây ra phản ứng toàn cầu.
"Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đã làm cho Philippines nổi bật, mà theo lẽ thông thường, nếu mọi người tuân thủ các quy tắc, nếu họ không làm điều xấu, thì sự nổi bật này của Philippines sẽ không có ở đó", ông Teodoro nói. "Vì vậy, tất cả là lỗi của Trung Quốc lúc này vì mọi người có một nhu cầu cảm thấy phải đoàn kết lại vì hành vi sai trái của họ, điều này đang xảy ra".
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về những phát biểu của ông Teodoro.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11, với Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đang tranh đua quyết liệt.
Căng thẳng đang lên cao ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết tuyến đường thủy này, thách thức các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Philippines, và gần đây là Việt Nam và Indonesia.
Tuần trước, Indonesia đã đuổi một tàu tuần duyên Trung Quốc khỏi vùng biển của mình sau khi tàu này can thiệp vào một cuộc khảo sát năng lượng. Trong khi đó, vào tháng này, Việt Nam cáo buộc chính quyền Trung Quốc tấn công ngư dân của mình ở vùng biển tranh chấp.
"Có sự hung hăng rõ rệt trong chương trình nghị sự bành trướng của Trung Quốc ở đây", ông Teodoro nói, liên hệ điều này với nỗ lực hợp pháp hóa sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague đã phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, đứng về phía Philippines, nước đã đệ đơn kiện.
Nhưng Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết, dẫn đến một loạt các cuộc đối đầu trên biển và trên không khi Philippines tăng cường tuần tra và tiếp tế để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình khỏi sự xâm phạm của Bắc Kinh.
Hiệp ước
Những sự cố này đã làm dấy lên nguy cơ leo thang, mà rốt cục có thể liên quan đến Hoa Kỳ, quốc gia có hiệp ước ràng buộc phải bảo vệ Philippines nếu bị tấn công.
"Khả năng xảy ra xung đột hoặc mâu thuẫn ở Biển Tây Philippines là có. Tôi không thể phủ nhận điều đó", ông Teodoro nói, sử dụng têng gọi mà Manila sử dụng để chỉ vùng biển trong EEZ của mình.
Trung Quốc vẫn khẳng định rằng các hành động của họ ở Biển Đông là hợp pháp và chuyên nghiệp.
Trong khi Hoa Kỳ năm ngoái đã nêu rõ phạm vi cam kết theo hiệp ước quốc phòng với Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang ở Biển Đông, ông Teodoro nói sự hợp tác này vượt ra ngoài phạm vi đó và bao gồm sự ổn định, pháp quyền và xây dựng năng lực chung.
"Những gì chúng tôi đang làm với Hoa Kỳ hiện nay là xây dựng năng lực chung để ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra", ông nói.
Philippines cũng đã tăng cường quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản và Úc, tiến hành các cuộc tập trận chung nhằm mục đích sẵn sàng tác chiến, động thái mà Trung Quốc coi là khiêu khích.
Ông Teodoro, hiện đang trong nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là bộ trưởng quốc phòng, đang giám sát một cuộc mở rộng quân sự đầy tham vọng với những gì ông cho là danh sách mong muốn "có thể thực hiện được" bao gồm các tài sản phòng không, máy bay chiến đấu, khinh hạm và tàu hộ tống, để củng cố sự thay đổi chiến lược của nước này từ phòng thủ bên trong sang phòng thủ bên ngoài.
"Niềm tin của tôi vẫn không thay đổi, rằng nếu có điều gì đó mà chúng ta cần phải ngăn chặn, thì điều duy nhất có thể thay đổi cục diện đó là Trung Quốc thay đổi", ông Teodoro nói.
Philippines đã nhận được những chào mời cho việc mua 40 máy bay chiến đấu đa năng nhưng vẫn chưa chốt được nhà cung cấp.
"Hiện tại chưa có danh sách rút gọn nào", ông Teodoro nói. "Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia có liên kết chiến lược với chúng tôi, đặc biệt là ở Biển Tây Philippines. Những quốc gia không liên kết với chúng tôi sẽ ở cuối danh sách".
Để hỗ trợ các thương vụ này, ông Teodoro cho biết ông đang khám phá các lựa chọn tài chính phi truyền thống và thúc đẩy nới lỏng các giới hạn vay trong nước và nước ngoài.
"Nhu cầu đầu tư vào quốc phòng đã có, và hiện tại có thanh khoản trong hệ thống mà chúng ta nên và cần khai thác", ông nói thêm.
Reuters
Nguồn : VOA, 28/10/2024
Trong vòng hai tháng, Việt Nam và Trung Quốc đã có hai chuyến thăm cao cấp lẫn nhau, nhưng không nhìn chung về tình hình Biển Đông.
Sau khi đến Hà Nội, tối 12/10/2024, Thủ tướng Lý Cường đến chào và hội kiến Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Trước hết, sau khi được bầu giữ chức Tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến ngày 20/8/2024.
Chuyến thăm được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình mô tả : "Có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao và ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc" (theo báo Chính phủ Việt Nam).
Họ Tập cho rằng : "Đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện".
Theo phía Việt Nam, họ Tập khẳng định : "Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc ; ủng hộ Việt Nam kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Về phần mình, ông Tô Lâm khẳng định : "Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc ; khẳng định mong muốn cùng Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kế thừa và phát huy tốt truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước, định hướng quan hệ Việt - Trung bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài".
Tuy nhiên hai bên "đã không thảo luận về tình hình Biển Đông", là nơi hai nước đã có hai cuộc chiến về chủ quyền biển đảo, và hiện vẫn còn xung khắc.
Chiếm đóng ở Trường Sa
Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày 19/01/1974. Sau đó, vào ngày 14/03/1988, quân Trung Quốc lại chiếm 7 vị trí chiến lược ở Trường Sa gồm : Bãi Châu Viên, Đá Chữ Thập, Cụm đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.
Việt Nam tố cáo Trung Quốc đã tân tạo một số vị trí thành căn cứ quân sự có quân đồn trú, bến cảng và sân bay.
Ngược lại Trung Quốc cũng cáo buộc Viễt Nam tân tạo một số, trong số 21 vị trí thành căn cứ quân sự.
Việt Nam kiểm soát 21 vị trí
Theo Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia), hiện Việt Nam kiểm soát 21 vị trí ở Biển Đông gồm : Đảo An Bang, Đảo Nam Yết, Đảo Sinh Tồn, Đảo Sinh Tồn Đông, Đảo Sơn Ca, Đảo Trường Sa (biệt danh Trường Sa Lớn), Đảo Song Tử Tây, Đá Cô Lin, Đá Đông, Đá Lát, Đá Len Đao, Đá Lớn, Đá Nam, Đá Núi Thi, Đá Núi Le, Đảo Phan Vinh, Đá Tây, Đá/Bãi Thuyền Chài, Đá Tiên Nữ, Đá Tốc Tan và Đảo Trường Sa Đông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chụp ảnh chung trước hội đàm. Ảnh : Dương Giang/TTXVN
Lý Cường thăm Việt Nam
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18 đến ngày 20/8/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 14/10/2024.
Theo Tuyên bố chung, việc đầu tiên là hai nước đã cam kết "kiên định con đường xã hội chủ nghĩa" và tiếp tục hành động theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Hai bên cũng cam kết : "Chống ly khai, phòng chống "cách mạng màu" ; tăng cường trao đổi và thúc đẩy thiết lập Đường dây nóng giữa Bộ Công an hai nước, cùng bảo vệ an ninh chính quyền và an ninh chế độ".
Liên kết đường sắt
Hai bên cũng : "Nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" ; đẩy nhanh thúc đẩy kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu ; đẩy nhanh xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), tăng cường giao lưu hợp tác về kỹ thuật đường bộ ; nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh. Hai bên sẽ phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc ; đẩy nhanh công tác nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và lập Quy hoạch 02 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng ; đẩy nhanh công tác kết nối ray khổ tiêu chuẩn từ Lào Cai (Việt Nam) đến Hà Khẩu (Trung Quốc) ; thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước về xây dựng 03 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nêu trên và hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về các công việc hợp tác cụ thể liên quan".
Nên biết, Trung Quốc không có đường biển tốt và vị trí chiến lược quốc phòng như Việt Nam, vì vậy chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường là nhẳm "hiện thực hóa" các cam kết hợp tác nối liền giao thông đường sắt với Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ giúp xuất-nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc qua bến cảng Việt Nam, đặc biệt là cảng Hải Phòng.
Do đó, Tuyên bố chung đã phản ánh ý muốn của Trung Quốc : "Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, duy trì thương mại biên giới thông suốt, triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, tăng cường kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Hời hợt Biển Đông
Cuối cùng, như thường lệ, hai bên đã nói đến Biển Đông là nơi hai nước vẫn có những bất đồng ý kiến. Tuyên bố chung viết : "Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực ; nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".
Hai bên cũng cam kết : "Không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển. Thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất, tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, tăng cường hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất sớm đạt được Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".
Nên biết Trung Quốc đã tìm mọi cách không ký bộ "Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, Code of Conduct)" với ASEAN (The Association of South East Asian Nations/Hiệp hội các nước Đông Nam Á) vì không muốn bị bó tay trong hành động đơn phương lấn chiếm biển đảo ở Biển Đông, đặc biệt đối với Việt Nam.
Ngược lại, Bắc Kinh "chỉ muốn ký riêng với nước nào có tranh chấp với họ". Trung Quốc từng nói "không có tranh chấp Biển Đông" với khối ASEAN.
Lý Cường hứa gì ?
Trong các cuộc thảo luận, theo báo Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh : "Trung Quốc sẽ tăng cường mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, ủng hộ Việt Nam mở các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc".
Tuy nhiên, Lý Cường đã không hứa chấm dứt các vụ tầu chấp pháp Trung Quốc vẫn thường xuyên tân công và đánh đập ngư dân Việt Nam hành nghề ở Biển Đông, quanh Hoàng Sa và vùng bắc Trường Sa.
Vụ xẩy ra gần nhất vào ngày 29/09/2024 khi tầu Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) "trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".
Báo chí Việt Nam có đưa tin về vụ tấn công nhưng "đã không nêu rõ "tàu nước ngoài" hay "tàu lạ" là tàu Trung Quốc, dù những ngư dân gặp nạn kể rằng những chiếc tàu tấn công họ có treo quốc kỳ Trung Quốc và họ bị đánh bởi những người nói tiếng Trung" (BBC tiếng Việt).
Việc loan tin này, một lần nữa chứng minh : Không có tự do Báo chí ở Việt Nam.
Phạm Trần
(16/10/2024)
Trung Quốc phải đối phó với hợp tác tuần duyên Việt Nam-Philippines ở Biển Đông ?
Thu Hằng, RFI, 07/10/2024
Tại sao Việt Nam và Philippines không ngồi lại đối thoại với nhau về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để hợp lực đối phó với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc ? Câu hỏi này từng được các nhà nghiên cứu Pháp nêu lên khi trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt (1). Những diễn biến gần đây cho thấy hai nước láng giềng Đông Nam Á đang có những bước đi đối thoại, thúc đẩy hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc có chiến lược đối phó như thế nào ?
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đụng độ với tàu tuần duyên Philippines bằng vũ khí đơn giản ở Biển Đông (Ảnh : Public Domain)
Việt Nam - Philippines quyết định phối hợp về vấn đề Biển Đông
Kể từ đầu năm 2024, Việt Nam và Philippines liên tục có những hoạt động thúc đẩy hợp tác song phương. Bắt đầu là chuyến công Việt Nam của tổng thống Philippines Marcos Jr. vào cuối tháng 01. Tại đất nước được ông Marcos đánh giá là "đối tác chiến lược duy nhất của Philippines" ở Đông Nam Á, ngày 30/01, hai bên đã ký kết hai bản ghi nhớ về an ninh về "ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông" và "hợp tác trên biển" giữa lực lượng tuần duyên hai nước. "Những thỏa thuận này có thể hiểu là sẽ có lợi cho cả hai nước", theo nhận định với RFI tiếng Việt ngày 26/02 của giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ. Và "cũng có thể coi là bước đầu tiên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông".
Đây là cơ sở để phát huy những sáng kiến hợp tác tiếp theo. Cuối tháng 07, tàu CSB 8002 rời cảng Việt Nam để đến Philippines giao lưu và lần đầu tiên tham gia huấn luyện chung với đối tác Philippines ngày 09/08. Ngay sau đó, Lực lượng tuần duyên Philippines thông báo sẽ gửi một tàu đến Việt Nam vào cuối năm để thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa hai nước. Trước đó, trong tháng 6 và 7, cả hai nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc lần lượt nộp lên Liên Hiệp Quốc Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông.
Đến cuối tháng 08, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Philippines trong ba ngày từ 29-31/08. Hai bộ trưởng chứng kiến lễ ký Ý định thư giữa hai bộ quốc phòng về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đường biển ; Ý định thư giữa hai bộ quốc phòng về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân y. Sự kiện này được bộ trưởng quốc phòng Philippines Teodoro đánh giá là Manila và Hà Nội "đã thấy một nền tảng hợp tác vững chắc để xây dựng niềm tin".
Hợp tác Việt Nam - Philippines và tác động đến Trung Quốc
Liệu hàng loạt sự kiện thắt chặt hợp tác về an ninh và hàng hải giữa Việt Nam và Philippines trong những tháng gần đây có trở thành một mối đe dọa cho Trung Quốc ? Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Cao cấp Lyon (École normale supérieure de Lyon), nhận định :
"Theo quan điểm của tôi, đây là vấn đề hợp tác kỹ thuật hơn là cách tiếp cận chiến lược của chính quyền Việt Nam. Vấn đề này nằm trong khuôn khổ hợp tác quân sự và an ninh cổ điển, kiểu hợp tác này cũng tồn tại với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Theo tôi, trước tiên chúng ta có thể thấy sáng kiến này phản ánh tính thực dụng của các nhà lãnh đạo Việt Nam và minh họa cho chính sách giữ khoảng cách cân bằng vốn là đặc trưng của ngoại giao Việt Nam. Hợp tác về mặt quân sự với Philippines cho phép Việt Nam thể hiện là một chủ thể đáng tin cậy trước các nước khác trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, và có lợi thế là thể hiện rằng Hà Nội không từ bỏ tham vọng của họ ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Các cuộc diễn tập chung vào tháng 08/2024, giữa thủy thủ Việt Nam và Philippines, đã xác nhận điểm này. Hai bên tập trung vào hỗ trợ và cứu hộ chứ không phải vào các hành động tấn công. Hai bên không gửi bất kỳ thông điệp thù nghịch nào tới Trung Quốc. Người ta cũng thấy rằng Việt Nam rất kín tiếng trong giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng gần đây giữa Manila và Bắc Kinh. Trong những điều kiện này, ít có khả năng Bắc Kinh nhìn nhận là có một mối đe dọa trong diễn biến hiện nay về quan hệ giữa Việt Nam và Philippines".
Bắc Kinh hung hăng với Manila, "hòa dịu" với Hà Nội
Trên thực tế, Trung Quốc cũng có cách tiếp cận và ứng xử rất khác nhau đối với Việt Nam và Philippines.
"Theo tôi, đây là một diễn biến rất thú vị, trái ngược với những gì vẫn diễn ra cách đây 3 năm. Ngày nay, dường như có một cách tiếp cận khác từ phía chính quyền Trung Quốc đối với vấn đề Philippines và Việt Nam. Tôi nghĩ Trung Quốc có lợi khi Việt Nam và Philippines trái ngược nhau về lựa chọn chiến lược. Một lựa chọn khác của Trung Quốc, đó là để Philippines và Việt Nam duy trì quan hệ ở mức độ hợp tác kỹ thuật, chứ không phải là có tầm nhìn chung chiến lược vì điều này có thể sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Chúng ta vẫn biết là Phililppines xích lại gần Hoa Kỳ hơn từ vài năm nay nhưng Việt Nam vẫn giữ khoảng cách với Mỹ. Cho nên vẫn cần phải theo dõi thêm về diễn biến mới này. Ngoài ra, những thay đổi chính trị gần đây ở Việt nam có thể cho thấy rằng xu hướng hiện nay có lẽ là xu hướng có lợi cho việc ổn định quan hệ với Trung Quốc hơn là gây căng thẳng".
Về chiến lược đối phó với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, Việt Nam và Philippines có chiến lược hoàn toàn khác nhau. Philippines công khai những sự cố, tranh chấp thậm chí là xô xát gây thương tích với tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, đặc biệt là ở hai điểm nóng bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và bãi cạn Sa Bin (Sabina). Bắc Kinh cũng không ngừng gia tăng sức ép đối với tàu của lực lượng tuần duyên Philippines cũng như chính quyền Manila. Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon phân tích :
"Cần phải nhớ rằng tầm nhìn địa-chiến lược của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở biên giới Biển Đông mà còn xa hơn, một bên là phía đông Thái Bình Dương và bên kia là Ấn Độ Dương. Do đó, chắc chắn là sự chú ý chiến lược của Trung Quốc hiện đang chuyển hướng mạnh mẽ sang Philippines trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, trong đó có thông qua Manila".
Vì Bắc Kinh bận tập trung buộc tàu của Philippines rời khỏi hai bãi cạn, Hà Nội được cho là đã tận dụng thời gian lắng dịu trong căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông để tăng tốc bồi đắp ở ít nhất 4 trên 6 rạn san hô chính ở quần đảo Trường Sa. Ngày 09/09, trang web Chathamhouse cho biết "các hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo đất quy mô lớn đang diễn ra tên các rạn san hô do Việt Nam kiểm soát. Hoạt động này, được xác định vào năm 2022, đã tăng đáng kể về quy mô trong năm nay (2024) và có vẻ sẽ tiếp tục".
Ví dụ tại Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải AMTI, trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng có thể có một đường băng dài 3 km để chiến đấu cơ tầm xa có thể hạ cánh. Đảo Nam Yết (Namyit), sau khi được cải tạo trên diện rộng, hiện là thực thể lớn thứ hai của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, sau bãi Thuyền Chài. Theo hình ảnh được công ty Maxar Technologies chụp tháng 06/2024, một bến cảng lớn đã được nạo vét bên trong rạn san hô.
Tuy nhiên, tốc độ bồi bắp của Việt Nam không thể bằng Trung Quốc. Điều đáng nói là mặc dù thường xuyên phản đối các yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc lại rất ít bình luận về các hoạt động cải tạo đất hiện tại của Hà Nội. Lý do tại sao ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon giải thích :
"Dưới thời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã cải thiện quan hệ chính trị với Trung Quốc bằng cách tránh để gia tăng cạnh tranh lãnh thổ giữa hai nước. Ngoài ra, việc nâng cấp mối quan hệ Việt-Trung lên tầm "cộng đồng chung vận mệnh", theo phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 nhân chuyến thăm Việt Nam, mà Hà Nội coi đây là "Xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc", cũng là một bước tiến quan trọng mà Hà Nội từng do dự trước đó, chủ yếu vì lý do tranh chấp trên biển giữa hai nước.
Có nghĩa là nếu quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh dường như đang đi theo hướng ngày càng hòa bình hơn thì điều này không ngăn cản được những căng thẳng lẻ tẻ trên thực địa. Do đó, Việt Nam duy trì hợp tác quân sự tích cực với Philippines, điều này cho phép Hà Nội duy trì uy tín trước cả Bắc Kinh cũng như Washington và các đồng minh của Mỹ trong khu vực".
Điều đáng chú ý, được nhà nghiên cứu Laurent Gédéon nhấn mạnh, là sự cải thiện mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines tại các vùng biển tranh chấp, đặc biệt là các vụ đối đầu giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Philippines. Dù không chính thức lên tiếng về việc Hà Nội thắt chặt hợp tác với Manila nhưng Bắc Kinh không quên gián tiếp "nhắc nhở" Hà Nội :
"Người ta thấy rằng ngay trước khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận chung trên biển với Philippines vào ngày 09/08, trong vòng chưa đầy một tuần, một drone của Trung Quốc đã bay sát bờ biển Việt Nam hai lần, vào ngày 02 và ngày 07/08. Vụ xâm nhập thứ hai diễn ra ba ngày sau khi ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng điều đáng chú ý lần này là Trung Quốc đã cố tình kích hoạt đèn hiệu của máy bay, mặc dù họ không hề làm như vậy trước đó. Việt Nam chưa lên tiếng về vụ việc này và có thể coi đây là tín hiệu chính trị từ Bắc Kinh nhằm làm giảm căng thẳng".
Một tháng sau sự kiện này, Vùng Cảnh sát biển Việt Nam 3 đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật hiếm hoi, từ ngày 05 đến 11/09, ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, để kiểm tra phản ứng trước các mối đe dọa an ninh và bảo vệ chủ quyền.
Ngay khi được bầu làm tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc. Hai nước đã ra thông cáo chung ngày 20/08 và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được nêu trong Điểm 10 của thông cáo : "(…) Hai bên nhất trí (…) cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông (…)", phù hợp với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 07/10/2024
(1) Việt Nam, Malaysia, Philippines : Gác tranh chấp, chống Trung Quốc ở Biển Đông ?
Seoul và Manila tăng cường hợp tác an ninh, kinh tế trong bối cảnh quan ngại về tình hình Biển Đông
Minh Phương, RFI, 07/10/2024
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước hai ngày tại Philippines, hôm nay, 07/10/2024, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã hội dàm với đồng nhiệm Philippines Ferdinand Marcos Jr. Hai bên đồng thuận thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và năng lượng.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (P) phát biểu trong buổi tiếp tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, tại dinh tổng thống Malacanang, Manila, Philippines ngày 07/10/2024. AP - Ezra Acayan
Hai nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố chung kêu gọi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, nếu được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên quan hệ ngoại giao giữa hai nước được nâng cấp kể từ khi thiết lập cách đây 75 năm. Phát biểu trong buổi họp báo chung, tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định : "Việc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Philippines".
Hai bên cũng quyết định tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng. Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tích cực tham gia vào chiến dịch hiện đại hóa quân đội Philippines, đặc biệt là trong thời điểm mà Philippines đang phải đối mặt với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Seoul đã cung cấp cho Manila các máy bay chiến đấu FA-50, cùng nhiều tàu chiến và tên lửa.
Về phần mình, tổng thống Philippines Marcos cũng cam kết đóng góp vào sáng kiến của Hàn Quốc về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trong Tuyên bố chung, "hai nước lên án sự gia tăng chưa từng có các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (…) và chia sẻ quan ngại về các hành động không phù hợp với trật tự quốc tế, làm suy yếu hòa bình và thịnh vượng trên Biển Đông".
Nhân dịp này, Hàn Quốc và Philippinnes ký hiệp định thương mại tự do. Các cuộc đàm phán đã kết thúc hồi tháng 9 năm ngoái. Hai nước cũng tuyên bố sẽ hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Philippines và nhiều lĩnh vực khác, như năng lượng hạt nhân dân dụng, chuyển đổi số và chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Để thúc đẩy điều này, Hàn Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ về việc cấp gần 2 triệu đô la từ Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF) để hỗ trợ xây dựng Mạng lưới Đường bộ Laguna Lakeshore (ở phía đông nam Manila) và cầu PNG, nối liền các đảo Panay, Guimaras và Negros của Philippines.
Minh Phương
Truyền thông của Ba Đình đưa tin nhiều thuyền viên trên tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công ở Biển Đông. Các báo đưa tin nhiều chi tiết khác nhau, phải tổng hợp, mới rõ là tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, và 10 thành viên thủy thủ Việt Nam bị thương.
Tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, và 10 thành viên thủy thủ Việt Nam bị thương.
Điều buồn cười nhất, căn bệnh lâu năm cố hữu của Hà Nội lại tái diễn, là sợ nhắc đến tên Trung Quốc. Tờ Sài Gòn Giải Phóng, tiếng nói của đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh thì dè dặt đề là "tàu nước ngoài", như một loại tự điển thông minh mà người Việt đã cài đặt sẳn trong suy nghĩ trong mối quan hệ của Hà Nội với kẻ thù Bắc Kinh : "nước ngoài" hiển nhiên được dịch hiểu là Trung Quốc, và Hoàng Sa, lại càng là sự khẳng định, đó là địa bàn hoành hành của kẻ thù Trung Quốc.
Tệ hơn, hai tờ báo quan trọng bậc nhất của chính quyền cộng sản Việt Nam là tờ Nhân Dân và tờ Quân Đội Nhân Dân thì không có một dòng tin nào trng ngày 30 Tháng Chín, kể cả vào mục tìm kiếm với những từ khóa như "tàu cá", "hoàng sa", "bị nạn"... tất cả một khoảng trống đầy tính "ưu tiên" trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà Tô Lâm đã nói với Tập Cận Bình trong sự sùng kính qua chuyến thăm vào giữa Tháng Tám 2024.
Trong khi đó, báo chí quốc tế đều chỉ rõ thủ phạm là Trung Quốc. Có lẽ vì họ không có lời hứa "ưu tiên" nào nhưng Tô Lâm đã thề với Tập Cần Bình.
Tờ Tiền Phong dẫn lời một quan chức địa phương tại xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu cá Việt Nam đã phát thanh báo cáo về vụ tấn công vào Chủ Nhật, nói rằng có ba ngư dân bị gãy chân tay và bảy người khác bị thương. Điều buồn cười là dù mọi thứ được mô tả rõ bởi các thuyền viên gặp nạn, nhưng không ai được trực tiếp nói chuyện với giới báo chí bên ngoài. Các quan chức xã đã đại diện nói với hãng thông tấn The Associated Press rằng họ không có gì để bổ sung vào bản tin của tờ báo, và không rõ là tàu nào đã gây ra thảm nạn. Kể cả Lực lượng biên phòng Việt Nam cũng nói đang điều tra vụ việc nhưng vẫn chưa cung cấp thông tin gì.
Nhưng không ai trong số những thuyền viên gặp nạn được trực tiếp cung cấp tin cho báo chí nước ngoài. Một người dân giấu tên, có người thân đi thuyền gặp nạn cho biết chính quyền địa phương cũng ra lệnh không được nói chuyện với bất cứ báo chí nào bên ngoài Việt Nam.
Báo và truyền hình nhà nước thì nói tai nạn xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển phía đông Việt Nam khoảng 400 km (250 dặm) và cách tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng khoảng cách tương tự về phía đông nam.Mặc dù ngôn từ chính quyền mạnh mẽ cho biết vụ tấn công tàu xảy ra ở vùng biển Việt Nam nhưng không nêu rõ địa điểm cụ thể, dù được đề nghị cho chi tiết.
Quần đảo Hoàng Sa thực tế nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc kể từ năm 1974, khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ Việt Nam trong một cuộc xung đột hải quân ngắn ngủi, nhân lúc nội chiến Nam Bắc Việt Nam đang vào lúc căng thẳng nhất.
Hà Nội thì muốn đòi lại đảo, nhưng há miệng mắc quai vì đã từng chúc mừng người đồng chí của mình thành công chiếm đảo, và cũng coi Miền Nam VNCH là kẻ thù. Thậm chí trong ham muốn tủi nhục này của Hà Nội, đã cài cắm giới tuyên truyền viên vẽ nên chuyện VNCH yếu kém, tạo điều kiện cho dâng đảo cho Bắc Kinh, nhằm rửa mặt cho mình.
Nửa thế kỷ nay, Trung Quốc đã biến hòn đảo này thành một pháo đài với cả đường băng máy bay, bến cảng, các khu nhà kiên cố, cùng với một bãi đáp trực thăng và hệ thống radar. Tất cả đều là bí mật quân sự nên Trung Quốc đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công trình xây dựng đảo của mình. Và vì vậy các tàu cá Việt Nam đánh bắt gần khu vực Hoàng Sa luôn bị Trung Quốc tấn công dã man. Và đây không phải là lần đầu tiên.
Cần phải nhắc lại là Tô Lâm đi sứ Trung Quốc ra mắt vai trò tân chư hầu của mình, đã ngợi ca Trung Quốc là người bạn không thể thay thế, đồng thời nhấn mạnh là mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Trung Quốc mặc dù là tương đương với các quốc gia khác đã ký kết với Việt Nam, nhưng vẫn luôn là ưu tiên hơn.
Nhìn những khoảng trống trên báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân và kể cả mọi cơ quan truyền thông khác ở Việt Nam không dám gọi tên Trung Quốc trong tội ác tấn công vào con người Việt Nam trên biển, tự khắc những ai còn thắc mắc chữ "ưu tiên" đó, sẽ hiểu rằng điều này có nghĩa là gì. Ưu tiên, là gìn giữ mối quan hệ giữa 2 đảng cộng sản, bất chấp xương máu người dân Việt Nam thế nào. Ưu tiên, có nghĩa mọi thứ đối đãi với nhau cười nụ cười của tình anh em cộng sản, mặc cho tiếng rên xiết của người dân vẫn vang vọng trên khắp đất nước với những tội ác mới mỗi ngày.
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 30/09/2024
RFA, 01/10/2024
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công đã về cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi hôm 30/9/2024 - RFA 01/10/2024
Một quan chức địa phương viết trên mạng xã hội khẳng định người Trung Quốc đi trên ba ca nô đã tấn công tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi ở gần quần đảo Hoàng Sa khiến 10 ngư dân bị thương.
Ông Phùng Bá Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), viết trên tài khoản mạng xã hội vào tối 30/9 cho hay, tàu cá mang số hiệu QNg-95739-TS do thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên (sinh năm 1984) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã cập cảng Sa Kỳ vào lúc 21 giờ 15 ngày 30/9.
Ông Vương, người được các tờ báo Nhà nước phỏng vấn liên quan đến vụ việc, viết : "Trước đó, ngày 29/9/2024 tàu cá QNg-95739-TS đánh bắt hải sản hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 101 truy đuổi và tiếp cận tàu bằng ba ca nô với khoảng hơn 30 người có trang bị hung khí.
Khi tiếp cận được tàu cá, những người này lên tàu đánh đập dã man ngư dân làm bốn người bị thương tích nặng và lấy toàn bộ trang thiết bị trên tàu và hải sản ngư dân đánh bắt được."
Chủ tịch xã Bình Châu đăng tải các tấm ảnh cho thấy các quan chức huyện cùng bộ đội biên phòng lên tàu cá thăm hỏi ngư dân với thương tích đầy mình.
Ông Vương nói hành động tấn công các ngư dân là hết sức dã man và bày tỏ "kịch liệt phản đối với hành động trên của Trung Quốc."
Phóng viên gọi điện thoại cho hai số điện thoại di động của ông Vương để xác minh vụ việc nhưng không thể kết nối.
Thông tấn xã Việt Nam sau khi loan tin vụ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công đến thương tích ở khu vực Hoàng sa như vừa nêu, sau đó rút tin đó xuống mà không giải thích lý do.
Một số tờ báo Nhà nước vào trưa 1/10 đã đưa các tin bài, phỏng vấn những nhân chứng khi tàu cá về đến cảng Sa Kỳ vào tối hôm trước nhưng không đề cập gì đến quốc tịch của tàu tấn công.
Mạng báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thanh Biên (40 tuổi), thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS kể lại, lúc khoảng 6 giờ sáng ngày 29/9, ông phát hiện con tàu mang số hiệu 301 trên máy định vị trên tàu.
Khoảng một tiếng sau, tàu 301 tiếp cận và rượt đuổi tàu cá. Khi đến gần, tàu này thả hai chiếc ca nô xuống và chạy hai bên kẹp tàu cá ở giữa để cho người lên tàu nhưng không được.
Cũng theo ông Biên, một lúc sau có thêm một tàu sắt khác mang số hiệu 101 tiếp cận, thả thêm một ca nô nữa, bao vây kẹp tàu cá vào giữa.
“Lúc này khoảng 10 giờ, lực lượng trên hai tàu sắt mang đồ rằn ri, khoảng 40 người leo lên tàu, mỗi người cầm một tuýp sắt rồi đánh xối xả... gặp đâu đánh đó. Lúc này tôi cố gắng chạy về phía trước mũi tàu, tuy nhiên có hai người kẹp tôi lại đánh tới tấp vào người khiến tôi bất tỉnh không biết gì nữa, khoảng một giờ sau tôi mới tỉnh lại”, thuyền trưởng Biên nhớ lại.
Em của ông Biên là ngư dân Nguyễn Thương (34 tuổi) lúc này quỳ xuống xin tha, nên họ không đánh nữa, đến một giờ chiều thì "lực lượng mặc đồ rằn ri" rời tàu chỉ để lại năm người kèm một thông dịch viên. Ông Thương kể lại : "Lúc này thông dịch viên nói cho tàu chạy về Việt Nam. Khi anh em kiểm tra thì ngư lưới cụ, máy móc trên tàu đã bị lấy đi hết, chỉ để lại một máy định vị để quay về bờ."
Mạng báo Kinh tế đô thị cho hay, khoảng sáu tấn hải sản các ngư dân đánh bắt được bị lấy đi và hầu hết dụng cụ trên tàu bị đập phá. Nhóm người hung hãn kia chỉ chừa lại một máy định vị để các ngư dân quay về bờ.
Tờ báo này cho biết thêm, một con tàu khác mang số hiệu QNg 90659TS đang neo đậu tại tọa độ 16 độ 11 phút vĩ độ Bắc, 112 độ 23 phút kinh độ Đông (ngay khu vực quần đảo Hoàng Sa) vào ba giờ chiều ngày 29/9, thì bị một tàu nước ngoài áp sát, khống chế, hành hung thuyền trưởng và uy hiếp các thuyền viên, sau đó lấy hết trang thiết bị và hải sản gồm bảy bành dây hơi, bảy đôi chân vịt, bảy bộ độ lặn, khoảng 3,5 tấn cá các loại. Tổng thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng.
Nguồn : RFA, 01/10/2024
65 tàu Trung Quốc hiện diện tại vùng bãi cạn Sa Bin, nơi có tranh chấp với Philippines
Trọng Thành, RFI, 18/09/2024
Trung Quốc đã rút khoảng một phần tư tàu thuyền ra khỏi các khu vực tranh chấp với Manila tại Biển Đông, nhưng vẫn duy trì hơn sáu chục tàu ở khu vực bãi Sa Bin, điểm đối đầu căng thẳng nhất hiện nay.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (bên trái) va chạm với tàu BRP Teresa Magbanua của Philippines gần bãi cạn Sa Bin ngày 31/08/2024. AFP - Handout
Trả lời báo giới hôm qua 17/09/2024, người phát ngôn của Hải quân Philippines, chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, cho biết Trung Quốc duy trì tổng cộng 65 tàu tại khu vực bãi Sa Bin.
Theo số liệu của Hải quân Philippines, được báo chí nước này dẫn lại hôm qua, số tàu thuyền của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp với Philippines ở Biển Đông (như đảo Thị Tứ, bãi cạn Scarbourgough, bãi cạn Ayungin, tức bãi Cỏ Mây…) trong tuần qua là 157, giảm khoảng một phần tư so với mức cao kỷ lục 207 tàu thuyền trong tuần lễ trước đó.
Mặc dù số tàu thuyền Trung Quốc (bao gồm tàu Hải quân, tàu Hải cảnh và tàu dân quân biển) giảm, nhưng số lượng tàu Hải cảnh ngược lại tăng từ 18 lên 26 và tập trung tại ba khu vực, bãi Sa Bin với 9 tàu, bãi Cỏ Mây 10 tàu và bãi cạn Scarbourgough, với 6 tàu.
Về bãi Sa Bin, người phát ngôn của Hải quân Philippines nhấn mạnh: bất chấp lực lượng đông đảo, phía Trung Quốc chưa thể kiểm soát được khu vực này, và các lực lượng Philippines vẫn đang tiếp tục thực thi phận sự, ngăn chặn "sự hiện diện bất hợp pháp" của Trung Quốc. Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, nói rõ là Manila "đã chuẩn bị và có các kế hoạch dự phòng", nếu Trung Quốc có hành động lấn lướt nhằm kiểm soát Bãi Sa Bin, như điều đã xảy ra với bãi cạn Scarbourgough hồi 2012.
Trang mạng Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, 17/09/2024, dẫn lời Sherwin Ona, giáo sư chính trị học tại Đại học De La Salle, theo đó, Philippines có thể chấp nhận đề nghị của Mỹ, về việc yêu cầu lực lượng Mỹ hộ tống các đoàn tiếp tế của Philippines tiếp tế cho các tàu thuyền ở những khu vực "tiền đồn" tại Biển Đông.
Hồi cuối tuần trước, Philippines đã triệu tàu BRP Teresa Magbanua khỏi bãi Sa Bin, với lý do thời tiết xấu, nguồn cung cạn kiệt và nhân viên cần được chăm sóc y tế. Tàu BRP Teresa Magbanua, dài 97 mét, một trong những tàu lớn nhất của Tuần duyên Philippines, được điều động đến khu vực này từ tháng 4/2024, để ngăn chặn tham vọng kiểm soát bãi Sa Bin của Trung Quốc.
Trọng Thành
****************************
Ấn Độ-Thái Bình Dương : Chiến lược vũ khí chống hạm "nhiều và rẻ" của Mỹ để đối phó với Trung Quốc
Anh Vũ, RFI, 18/09/2024
Reuters hôm 17/09/2024 cho biết Hoa Kỳ đang xây dựng một kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo trong nỗ lực tăng cường sức mạnh cho lực lượng nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chiến đấu cơ F-35 của Hải quân
Mỹ tham gia cuộc tập trận Annualex 23 xuất phát từ hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ngoài khơi Nhật Bản, ngày 11/11/2023. AP - Mari Yamaguchi
Hãng tin Anh dẫn nguồn từ một chủ tịch - tổng giám đốc của một tập đoàn công nghiệp chế tạo tên lửa cho biết, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy Hoa Kỳ phải có một triết lý mới về vấn đề vũ khí là phải nhiều và giá thành hợp lý, hay nói một cách khác là rẻ.
Sách lược mới này của Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của được giới phân tích quân sự. Euan Graham, nhà phân tích cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Úc, được Reuters trích dẫn nhận định sự thay đổi của Mỹ là "phản ứng tự nhiên đối với những gì Trung Quốc đã và đang làm", ý muốn nói đến kho vũ khí trên biển và tên lửa đạn đạo thông thường mà Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa không ngừng.
Thực tế, thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh các thử nghiệm loại vũ khí có tên gọi Quicksink, một loại bom tự dẫn đường có thể bám theo các mục tiêu di động, và đặc biệt là giá thành sản xuất hạ. Tháng trước, trong vịnh Mexico, quân đội Mỹ đã sử dụng oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-2 để thử nghiệm loại bom Quicksink tấn công mục tiêu là các tàu chiến.
Theo giới chuyên gia quân sự, Trung Quốc vẫn luôn chiếm ưu thế đáng kể về số lượng tên lửa chống hạm, đặt trên tàu chiến cũng như trong đất liền. Nhưng với việc Mỹ tăng nhanh sản xuất Quicksink, khoảng cách ưu thế này sẽ được rút ngắn lại đáng kể.
Bom Quicksink đang được triển khai và do tập đoàn Boeing chế tạo. Bộ chỉ huy lực lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ muốn có hàng nghìn vũ khí này, theo một lãnh đạo của tập toàn chế tạo, vì lý do bảo mật không đưa ra con số cụ thể. Quan chức điều hành này khẳng định, nếu quân đội Mỹ có đủ vũ khí "giá rẻ", hệ thống phòng thủ của tàu chiến Trung Quốc sẽ bị áp đảo.
Trong một kịch bản như vậy, quân đội Mỹ có thể sử dụng các loại tên lửa chống hạm tầm xa (LRASSM) hay tên lửa SM-6 để làm hư hại tàu chiến và hệ thống radar của Trung Quốc, sau đó sẽ sử dụng bom "rẻ tiền" Quicksink oanh tạc.
Theo giới quân sự, Hoa Kỳ đã tích lũy một số lượng đa dạng các vũ khí chống hạm ở Châu Á. Hồi tháng 4 năm nay, quân đội Mỹ đã triển khai tại Philippines, trong một cuộc tập trận, các dàn phóng tên lửa cơ động Typhon, cũng là loại giá rẻ, chế tạo từ những thiết bị đã có sẵn, có thể dùng để phóng các loại tên lửa SM-6 và Tomahawk vào các mục tiêu trên biển.
Điều quan trọng là các loại vũ khí này tương đối dễ sản xuất và có thể giúp Hoa Kỳ cùng các đồng minh nhanh chóng bắt kịp cuộc chạy đua tên lửa tại Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn trước.
Mặc dù quân đội Hoa Kỳ đã từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến sẽ được mua trong năm năm tới, theo các tài liệu của chính phủ về giao dịch mua sắm quân sự. Các tài liệu cũng cho thấy, hàng nghìn tên lửa Tomahawk và hàng trăm nghìn tên lửa JDAM đã có trong kho vũ khí của Hoa Kỳ. Việc bố trí vũ khí chống hạm ở những nơi như Philippines là nhằm đặt vùng Biển Đông vào tầm ngắm. Đó cũng là nơi Trung Quốc ngày càng lấn lướt đòi gần hết chủ quyền, bất chấp các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đài Loan phản đối.
Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, thực chất thì đây là cuộc đua về số lượng, trong đó Mỹ đang nỗ lực san bằng sân chơi trước Trung Quốc. Chuyên gia này dẫn ví dụ lực lượng Houthi, đồng minh của Iran, sử dụng vũ khí chống hạm công nghệ thấp để bắn vào các tàu vận tải dân sự ở Hồng Hải, buộc Hoa Kỳ và các nước khác phải triển khai vũ khí tốn kém để phòng thủ chống lại và ông nhận định : "Ngay cả khi anh có một kho vũ khí nhỏ hơn gồm các hệ thống tên lửa tấn công như vậy, anh vẫn có thể tạo ra một số khả năng răn đe".
Anh Vũ
*****************************
Vũ khí chống hạm của Mỹ chống lại Trung Quốc : chết chóc, dồi dào, cơ động
BBC, 18/09/2024
Mỹ đang tích trữ một kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo như một phần trong nỗ lực của họ nhằm đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như nhằm tăng cường lực lượng của mình tại đó.
Bom Quicksink được đặt trên máy bay tiêm kích F-15E Strike Eagle - Bộ Quốc phòng Mỹ
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến Mỹ thay đổi tư duy. Họ đã có một triết lý quân sự mới, đó là "số lượng lớn với giá cả phải chăng", theo lời một giám đốc điều hành giấu tên trong ngành công nghiệp tên lửa. Người này ngụ ý rằng Mỹ đang có sẵn lượng vũ khí giá rẻ dồi dào.
"Đó là một phản ứng bình thường đối với những gì Trung Quốc đang làm", theo Euan Graham, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc. Ông Graham ám chỉ đến kho vũ khí tàu chiến và tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc, bao gồm cả những tên lửa dùng để tấn công tàu thuyền.
Lầu Năm góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không lập tức phản hồi các yêu cầu bình luận của Reuters.
Mỹ đã tăng cường thử nghiệm Quicksink - một loại bom có giá thành phải chăng, có thể sản xuất hàng loạt và được trang bị bộ dẫn đường GPS giá rẻ và một đầu dò có thể theo dõi các vật thể chuyển động.
Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 8/2024 ở Vịnh Mexico để tấn công một tàu mục tiêu bằng Quicksink.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ có lợi thế lớn về số lượng tên lửa chống hạm và có thể đặt chúng trên lãnh thổ của mình.
Nhưng việc Mỹ tăng cường sản xuất Quicksink sẽ thu hẹp khoảng cách đó bằng cách khiến khoảng 370 tàu chiến của Trung Quốc gặp nhiều rủi ro hơn trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai so với từ trước tới nay, tính từ khi Bắc Kinh chuyển sang hiện đại hóa quân đội vào những năm 1990.
Quicksink - vẫn đang trong quá trình phát triển - do Boeing sản xuất và đầu dò của quả bom này đến từ công ty BAE Systems.
Quicksink có thể được tích hợp vào hàng trăm ngàn bộ đuôi của bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) - hệ thống có thể được thả từ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc đồng minh và biến những quả "bom ngu" nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) thành vũ khí dẫn đường với chi phí thấp.
Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ muốn sở hữu hàng ngàn quả Quicksink và đã muốn như thế trong nhiều năm, theo một giám đốc điều hành giấu tên làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí.
Người này nhận định rằng khả năng phòng thủ của tàu Trung Quốc sẽ bị "lượng lớn vũ khí giá phải chăng" áp đảo.
Trong những viễn cảnh giao tranh, quân đội Mỹ có thể sẽ sử dụng Tên lửa Chống hạm Tầm xa (LRASM) hoặc tên lửa SM-6 để gây hư hại cho tàu chiến Trung Quốc và radar trước, sau đó sẽ bắn phá tàu bằng vũ khí rẻ hơn như Quicksink.
Đa dạng vũ khí
Bom Quicksink được chuyển lên chiến đấu cơ - Bộ Quốc phòng Mỹ
Mỹ đã tích trữ nhiều loại vũ khí chống hạm ở châu Á. Vào tháng 4/2024, Lục quân Mỹ đã triển khai các dàn phóng tên lửa di động Typhon mới tới Philippines. Vũ khí này được phát triển với chi phí phải chăng từ các thành phần hiện có và có thể bắn tên lửa SM-6 và Tomahawk đến các mục tiêu trên biển.
Những vũ khí như vậy tương đối dễ sản xuất - nhờ các kho dự trữ lớn và những thiết kế đã tồn tại trên một thập kỷ - có thể giúp Mỹ và đồng minh nhanh chóng bắt kịp trong cuộc đua tên lửa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn đầu.
Mặc dù quân đội Mỹ đã từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng theo các tài liệu giao dịch quân sự của chính phủ, hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến sẽ được mua trong năm năm tới.
Các tài liệu này cũng cho thấy đã có hàng ngàn tên lửa Tomahawk và hàng trăm ngàn tên lửa JDAM trong kho vũ khí Mỹ.
"Mục đích của Trung Quốc là hạn chế sự di chuyển của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Chuỗi đảo thứ nhất", nhà phân tích Euan Graham nói, đề cập đến các quần đảo lớn gần nhất tính từ bờ biển Đông Á.
"Động thái của Mỹ là để nhằm gây khó khăn cho Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN)".
Việc đặt các vũ khí chống hạm ở các địa điểm như Philippines sẽ khiến phần lớn Biển Đông nằm trong tầm bắn của các vũ khí này. Trung Quốc tuyên bố 90% Biển Đông là lãnh thổ chủ quyền của mình nhưng bị năm quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan phản đối.
Ông Collin Koh, một học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, bình luận:
"Theo một cách nào đó, điều này giống như việc cân bằng cuộc chơi".
Ông Koh lấy ví dụ về lực lượng Houthi liên minh với Iran trong việc sử dụng vũ khí công nghệ thấp chống hạm để cản trở giao thông dân sự ở Biển Đỏ, buộc Mỹ và các nước khác phải triển khai vũ khí đắt tiền để phòng thủ.
"Nếu nhìn vào trường hợp ở Biển Đỏ, rõ ràng bên phòng thủ phải trả nhiều tiền hơn bên tấn công. Kể cả khi Mỹ có kho vũ khí nhỏ hơn, nhưng với những hệ thống tên lửa tấn công như vậy, họ vẫn có thể tạo ra sự răn đe nhất định", ông Koh nói.
Nguồn : BBC, 18/09/2024
Vì sao Trung Quốc hung hăng với Philippines nhưng không gây hấn với Việt Nam ?
BBC, 15/09/2024
Trong khi tranh chấp hàng hải kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang đáng kể trong những tháng gần đây với với hàng loạt vụ va chạm tàu trên nhiều khu vực của Biển Đông, chưa có ghi nhận nào về việc Bắc Kinh cản trở hoạt động bồi đắp đảo của Hà Nội tại quần đảo Trường Sa.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm với tàu của Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản Philippines gần bãi Sa Bin ngày 25/8 - AFP/JIJI
Chỉ trong hai tuần cuối tháng 8/2024, đã có ít nhất ba lần tàu Trung Quốc va chạm với tàu Philippines và cả hai bên đều cáo buộc bên kia cố tình đâm vào tàu mình.
Vào ngày 19/8/2024, một số tàu của Trung Quốc và Philippines đã va chạm gần bãi cạn Sa Bin ở quần đảo Trường Sa, điểm nóng mới sau Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough.
Một đợt va chạm thứ hai cũng tại bãi Sa Bin đã diễn ra hôm 25/8, với việc cả hai bên một lần nữa đổ lỗi cho nhau.
Đến ngày 31/8, hải cảnh Trung Quốc tố tàu Philippines cố tình kéo mỏ neo đụng tàu Trung Quốc, trong khi tuần duyên Philippines tố tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của mình.
Trong khi đó, Việt Nam đã âm thầm đẩy nhanh quá trình bồi đắp đảo trên một số rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, với tiền đồn lớn nhất là bãi Thuyền Chài (tên tiếng Anh là Barque Canada) mà Philippines, Malaysia và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được công bố vào ngày 7/6/2024 cho biết trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp đảo với diện tích gần bằng tổng hai năm trước đó (tức năm 2022 và 2023) cộng lại.
Điều đáng lưu ý là không có những hoạt động cản trở của Trung Quốc đối với Việt Nam được ghi nhận.
Một động thái phản đối hiếm hoi gần đây của Trung Quốc với Việt Nam về vấn đề Biển Đông là khi Hà Nội nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông lên Liên Hợp Quốc vào tháng 7/2024.
Các nhà quan sát cho biết sự khác biệt về thái độ của Bắc Kinh đối với hai quốc gia Đông Nam Á do nhiều yếu tố, bao gồm mối quan hệ chính trị Việt Nam - Trung Quốc và liên minh Philippines - Mỹ.
Ngoài ra, việc giải mã logic đằng sau hành vi của Trung Quốc được cho là cũng giúp các nước liên quan có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của họ ở Biển Đông và xa hơn nữa.
Mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc
Một trong những lý do mà các học giả nhắc đến đầu tiên là mối quan hệ lâu năm giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill từ trường Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) nói với BBC rằng Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc, và rất thận trọng khi hoàn toàn không can thiệp vào hệ thống chính trị của nhau, vì số lượng các đảng cộng sản trên thế giới hiện nay ít hơn nhiều so với khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
"Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gửi những tín hiệu ôn hòa hơn tới Bắc Kinh", ông Gill đánh giá.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ đưa quan hệ song phương trở thành ưu tiên ngoại giao và cam kết cải thiện lòng tin và hợp tác lẫn nhau.
Tháng trước, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, hai bên đã nhất trí cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua "các cuộc tham vấn hữu nghị" và cho biết đã có sự đồng thuận "cấp cao" về nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cựu đại tá không quân Raymond M. Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cho biết ông không ngạc nhiên khi ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên.
"Trung Quốc vẫn là mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam vì mối liên hệ chặt chẽ giữa hai đảng cộng sản, sự hội nhập kinh tế, sự tương đồng, nhưng chủ yếu là vì mối đe dọa an ninh lớn mà Trung Quốc gây ra", ông giải thích.
Ông Tập Cận Bình tiếp đón ông Tô Lâm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 19/8/2024
Một lí do khác được nhắc đến là vì Việt Nam cũng khéo léo cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh trong tình hình thế giới hiện nay phức tạp, dần hình thành phe phái.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Trung Quốc cũng muốn giữ hình ảnh với Việt Nam, khi đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Mỹ.
Dưới góc nhìn cá nhân, ông cũng nhấn mạnh rằng hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam đã diễn ra từ lâu, và chỉ bồi đắp trên những thực thể mà Việt Nam đã chiếm giữ từ trước, trong khi Trung Quốc mới là bên bồi đắp nhiều nhất và còn quân sự hóa các thực thể này.
Báo cáo do AMTI công bố tháng 6/2024 so sánh Việt Nam đã bồi đắp diện tích tổng cộng khoảng 2.360 mẫu Anh (tương đương 9,5 km2) ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, tức khoảng 50% so với tổng diện tích mà phía Trung Quốc đã bồi đắp là 4.650 mẫu Anh (tương đương 18,8 km2).
Cũng theo ông Hoàng Việt, Việt Nam có tiềm lực và quyết tâm, nếu thống nhất một lòng thì Trung Quốc cũng phải ngán ngại.
"Trung Quốc từng thử lửa với Việt Nam nhiều lần, trong đó phải nhắc đến sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014, mới dẫn đến mối quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển như hôm nay".
"Bắc Kinh tính toán trong bối cảnh hiện nay, nếu làm căng với Hà Nội thì sẽ đẩy Việt Nam gần hơn với Mỹ, tạo ra những bất lợi cho Trung Quốc về mặt hình ảnh và thế trận chiến lươc", nhà nghiên cứu Biển Đông nói thêm.
Liên minh Mỹ-Philippines
Trong khi Việt Nam theo đuổi chiến lược "ngoại giao không liên kết", và không có bất kỳ hiệp ước liên minh nào, thì nền chính trị và ngoại giao của Philippines đã biến động mạnh trong những năm qua.
Có thể thấy, trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte (giữ chức từ 2016-2022) được xem là thân Trung Quốc, Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr. cho thấy cách tiếp cận khác biệt rõ rệt.
Kể từ khi ông Marcos Jr. nhậm chức vào tháng 6/2022, ông đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm là hạ thấp căng thẳng ở Biển Đông, đổi sang giải quyết vấn đề một cách trực diện.
Trong ASEAN, Philippines đang là nước cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông và cũng đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ.
"Với lập trường rõ ràng của Manila hiện nay dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Bắc Kinh muốn đảm bảo rằng họ có thể gây ra nhiều rắc rối và phiền phức cho Philippines đến mức chính phủ tiếp theo sẽ không tránh khỏi việc thay đổi định hướng", nhà phân tích Don McLain Gill nói.
Hơn nữa, Philippines cũng là đồng minh hiệp ước quan trọng của Mỹ, trong khi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyền lực gay gắt ở Tây Thái Bình Dương.
"Khi Trung Quốc nhìn vào Philippines, họ luôn thấy Hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Mỹ, vì vậy Bắc Kinh hung hăng với Manila ở một mức độ nhất định", ông Powell bình luận.
Ông Marcos Jr. đã tăng số căn cứ mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) từ 5 lên 9 căn cứ.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng đã từ chối dừng hoạt động tiếp tế cho con tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây, đồng thời khởi xướng các cuộc tuần tra chung của hải quân và tuần duyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, có sự tham gia của các tàu chiến từ Nhật Bản và Úc.
Bắc Kinh đã tức giận trước những động thái này và gia tăng các hoạt động chiến thuật vùng xám đối với hải quân và tuần duyên Philippines, bao gồm cả việc cố tình đâm vào tàu và phun vòi rồng vào tàu họ.
Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) tại Singapore cho rằng khi làm như vậy, Trung Quốc đang thử thách quyết tâm của chính quyền Marcos cũng như giới hạn của liên minh Mỹ-Philippines.
Nhưng cũng theo ông, về phía Philippines, vì năng lực yếu kém của lực lượng vũ trang, liên minh với Mỹ là rất quan trọng với nước này.
Ông Marcos Jr. đã mạnh mẽ khẳng định các yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, tăng cường liên minh với Mỹ và hợp tác quốc phòng với một loạt các quốc gia khác
Trung Quốc quá bận rộn với Philippines nên bỏ qua Việt Nam ?
Một lý do khác mà các học giả đưa ra để giải mã logic đằng sau thái độ khác biệt của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines là Bắc Kinh không muốn mở quá nhiều mặt trận trên Biển Đông nhằm vào các quốc gia Đông Nam Á.
Ông Raymond M. Powell nói với BBC rằng có thể là do Trung quốc quá bận rộn với Philippines đến mức không thể tập trung vào Việt Nam trong thời gian này.
"Vì vậy, theo một cách nào đó, Việt Nam đã có cơ hội thuận lợi để tiến hành chiến dịch bồi đắp đảo khi Trung Quốc dồn sự chú ý vào Philippines", ông Powell cho biết.
Trong tương lai, ông Powell cho rằng nếu tình hình với Philippines ổn định thì Trung Quốc có thể chuyển sự chú ý sang Việt Nam, nhưng cũng theo ông, khi Việt Nam đã hoàn thành nhiều chiến dịch bồi đắp đảo thì sẽ rất khó để Trung Quốc can thiệp sau này.
"Về một số mặt, Việt Nam đã 'đi trước' Trung Quốc theo cách tương tự như Trung Quốc đã 'đi trước' thế giới từ năm 2013-2016 khi thực hiện chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo của họ", ông Powell nói.
Tiến sĩ Ian Storey cũng cho rằng Trung Quốc đã quá bận rộn với Philippines và không muốn gây ra một cuộc tranh chấp khác.
Tuy nhiên, ông Storey nhận định điều đó không có nghĩa là Hà Nội thoát khỏi chiến thuật "vùng xám" (grey zone tactics operations), hình thức sử dụng các lực lượng phi chính quy chứ không phải lực lượng vũ trang trực tiếp với quy mô lớn để xung đột không vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng hoặc tiệm cận chiến tranh mà Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều trong những năm qua.
Tháng trước, máy bay không người lái WZ-10 của Trung Quốc đã bay gần bờ biển Việt Nam, lần lượt vào các ngày 2/8 và 7/8. Nhiều nhà quan sát theo dõi Biển Đông trong thời gian dài đã xác nhận rằng đây là lần đầu tiên một chuyến bay như vậy được Trung Quốc công khai.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định việc Trung Quốc để lộ rõ thông tin máy bay này một mặt cho thấy họ muốn thử nghiệm uy lực của loại vũ khí này, mặt khác thể hiện thông điệp với các bên liên quan là Bắc Kinh có nhiều con bài trong tay.
Bên cạnh đó, dù không có những va chạm trên thực địa trong thời gian gần đây, như cách mà Trung Quốc và Philippines đang va chạm nhau, Trung Quốc vẫn liên tục có những hoạt động đáng chú ý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng 10 vào tháng 6 năm ngoái.
Ông Powell cho rằng động thái này chứng tỏ Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ tham vọng của mình ở Biển Đông theo yêu sách đường chín đoạn.
"Trong tương lai, chúng ta có thể thấy các cuộc tuần tra xâm nhập trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra và Trung Quốc cuối cùng sẽ chuyển sự chú ý sang Việt Nam, cố gắng làm suy yếu sự kiểm soát của Việt Nam đối với các khu vực ở quần đảo Trường Sa".
"Hà Nội không nên ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ đối xử với họ theo kiểu ít tham vọng hơn so với bất kì nước nào trong khu vực", ông cảnh báo.
Nguồn : BBC, 15/09/2024
****************************
Biển Đông : Philippines rút tàu hải cảnh khỏi bãi cạn Sa Bin trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 15/09/2024
Ngày 15/09/2024, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa. Con tàu này đã thả neo tại đây trong suốt hơn 5 tháng để xác quyết chủ quyền của Manila và ngăn Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát. Tàu Magbanua ở bãi Sa Bin, cùng với tàu chiến cũ nát Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, là hai điểm nóng đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 va chạm với tàu Tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua gần bãi cạn Sabina tại Biển Đông ngày 31/08/2024. AP
Trong thông cáo, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines đưa ra lời giải thích : "Sau hơn 5 tháng ở biển, tàu BRP Teresa Magbunua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về cảng neo đậu. Nhiệm vụ đã hoàn thành".
Theo AFP, thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải trong tuần này. Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu "rút ngay lập tức" con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Khi đó, Manila đã không công bố phản hồi về yêu cầu này.
Ngày 15/09, ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi cạn Sa Bin, Trung Quốc tái khẳng định "chủ quyền không thể chối cãi đối với Xianbin Jiao (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Sa Bin) và các vùng biển lân cận". Sa Bin nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.200 km.
Tàu Teresa Magbunua được neo ở bãi cạn Sa Bin từ tháng 04. Nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai bên đã xảy ra trong thời gian này. Một ví dụ gần đây là đoạn video được người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela công bố ngày 31/08 cho thấy tàu 5205 của Hải cảnh Trung Quốc "đã cố tình trực tiếp đâm vào tàu Philippines" khiến tàu Teresa Magbunua bị hỏng nhưng không có người bị thương.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye và chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế hoặc khu vực tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Kể từ khi tổng thống Marcos Jr lên cầm quyền ở Philippines năm 2022, Manila đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Thu Hằng