Philippines, Mỹ, Nhật, Úc sẽ tập trận chung ở Biển Đông
Thanh Phương, RFI, 06/04/2024
Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc thông báo sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân và không quân chung ở Biển Đông vào ngày mai, 07/04/2024, trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, trong một lần hoạt động tại Biển Đông ngày 06/10/2019. Ảnh do Hải quân Mỹ US Navy cung cấp. AFP – Erwin Jacob V. Miciano
Theo hãng tin AFP, trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm nay, bốn nước cho biết cuộc tập trận chung này là nhằm thể hiện "cam kết chung" của các đồng minh trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cuộc tập trận ở Biển Đông diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh tại Washington quy tụ tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Philippines, Nhật Bản.
Theo tuyên bố chung, cuộc tập trận mang tên "Hoạt động hợp tác hàng hải" sẽ có sự tham gia của các đơn vị hải quân và không quân từ bốn nước. Bốn bộ trưởng quốc phòng nhấn mạnh các cuộc tập trận này sẽ "tăng cường khả năng tương tác giữa các học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình" của quân đội bốn nước. Riêng bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết : "Những hoạt động này với các đồng minh Úc, Nhật Bản và Philippines nhấn mạnh cam kết chung của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng tất cả các quốc gia được tự do lưu thông hàng không, hàng hải và hoạt động ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép".
Hiện chưa có chi tiết nào được đưa ra về cách thức cuộc tập trận sẽ diễn ra. Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila cho biết trong một tuyên bố riêng rằng cuộc tập trận chung giữa bốn nước ở Biển Đông sẽ bao gồm "huấn luyện chiến đấu chống tàu ngầm".
Cuộc tập trận chung giữa bốn nước ở Biển Đông sẽ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Sau những vụ va chạm thường xuyên trong những tháng gần đây giữa các tàu Philippines và Trung Quốc, Trung Quốc đã chỉ trích Philippines gây căng thẳng tại khu vực mà Bắc Kinh và Manila có tranh chấp từ lâu.
Sau một vụ đụng độ với hải cảnh Trung Quốc khiến ba binh sĩ Philippines bị thương, vào ngày 28/03 vừa qua, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ra một thông cáo với giọng điệu đặc biệt cứng rắn, khẳng định Manila sẽ không "chấp nhận im lặng, phục tùng hoặc làm nô lệ". Phát ngôn viên bộ quốc phòng Philippines cho biết các cuộc đàm phán giữa Philippines và Nhật Bản về một hiệp ước quốc phòng cho phép cả hai nước triển khai quân đội trên lãnh thổ của nhau "vẫn đang diễn ra". Manila đã đạt được thỏa thuận tương tự với Úc và Mỹ.
Thanh Phương
*************************
Mỹ, Nhật, Úc và Philippines xác nhận tổ chức diễn tập ở Biển Đông
Reuters, VOA, 06/04/2024
Các lực lượng quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines sẽ tiến hành "hoạt động hợp tác hàng hải" vào ngày 7/4 để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, các nước cho biết hôm 6/4, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khẳng định chủ quyền trên tuyến đường thủy này.
Hình chụp từ video do Cảnh sát Biển Philippines công bố hôm 5/3 cho thấy 2 tàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu dân sự Unaizah do Quân đội Philippines thuê để làm nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói với các phóng viên rằng cuộc tập trận hàng hải kéo dài một ngày sẽ bao gồm các hoạt động liên lạc và diễn tập của sĩ quan canh gác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila ở Biển Đông.
Ông Andolong cho biết, tàu chiến Mỹ USS Mobile, tàu khu trục HMAS Warramunga của Australia và tàu khu trục JS Akebono của Nhật Bản sẽ tham gia cùng hai tàu chiến Philippines.
Tuyên bố chung cho biết, hoạt động này sẽ tăng cường khả năng tương tác giữa các học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của lực lượng vũ trang các nước.
Bốn quốc gia đã tái khẳng định quan điểm của mình rằng Phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Hoạt động hàng hải này diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Philippines, trong đó sẽ bao gồm cuộc thảo luận về các sự cố gần đây ở Biển Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, đồng thời áp dụng đường lối cứng rắn chống lại điều mà ông coi là sự thù địch của Trung Quốc, quay lưng lại với lập trường thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm.
Philippines và Trung Quốc đã có một số xung đột trên biển vào tháng trước, trong đó có việc sử dụng vòi rồng và khẩu chiến, gây lo ngại về leo thang căng thẳng trên biển.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Reuters
Nguồn : VOA, 06/04/2024
RFA, 03/04/2024
Hôm 28/3/2024, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản ra thông báo họ đã thông qua quyết định cuối cùng đầu tư với Việt Nam vào một dự án khai thác một mỏ khí đốt ở Biển Đông. Khoản đầu tư của Mitsui cho dự án, chủ yếu bao gồm lắp đặt thiết bị ngoài khơi và xây dựng tuyến đường ống, sẽ là khoảng 740 triệu USD. Theo các chuyên gia, dự án hợp tác Việt Nhật này nằm trong bối cảnh sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như chiến lược quốc tế hóa vấn đề biển Đông của Việt Nam.
Hội Dầu khí Việt Nam
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng dự án hợp tác này giữa Nhật Bản và Việt Nam chắc chắn nằm trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn của hai nước. Ông nói :
"Dự án này có liên hệ tới bối cảnh chung. Gần đây nhất, Việt và Nhật Bản đã nâng cấp tầm quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Nhật cũng là nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực trên biển của Việt Nam. Nhật đã giúp một số tàu cho Cảnh sát biển và giúp đào tạo nhân lực cho Cảnh sát biển. Điều này cũng nằm trong chiến lược ngoại giao chung của hai nước. Thứ hai là mối quan hệ này cũng nằm trong sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ và Nhật Bản đưa ra. Ít nhất là Việt Nam và Nhật tìm thấy những điểm chung là chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc và hợp tác để bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về luật biển".
Một tàu vận tải của hãng Mitsui chạy bằng khí, không phát thải carbon (ảnh minh họa). Ảnh : Hãng Mitsui.
Tin cho hay, năm 2020, Việt Nam đã phải hủy bỏ dự án hợp tác với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha và Rosneft của Nga, phải đền bù một số tiền khá lớn, vì sức ép của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu có phải lần này Việt Nam chọn đối tác Nhật Bản cho một dự án khai thác khí đốt trên Biển Đông vì Nhật Bản mạnh hơn và đáng tin cậy hơn ?
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, câu chuyện hợp tác với Nhật Bản không phải từ bây giờ. Còn đối với Repsol thì không phải Việt Nam ngay từ đầu hợp tác với Repsol mà ký với đối tác khác. Các đối tác bán qua bán lại rồi cuối cùng đến tay Repsol.
Về việc chọn đối tác là Nhật Bản chứ không phải nước nào khác, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng lý do thứ nhất là Việt Nam rất tin tưởng Nhật Bản, một quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế, kỹ thuật và quốc phòng. Lý do thứ hai là Nhật Bản là đồng minh thân thiết bậc nhất của Mỹ tại Châu Á. Đó là lý do Việt Nam tin tưởng Nhật Bản và hi vọng có thể thúc đẩy trở lại hoạt động thăm dò khai thác trên Biển Đông. Đây cũng là hành động thăm dò phản ứng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng đương nhiên Việt Nam sẽ phải khai thác vì không khai thác thì bỏ mất lợi ích quốc gia của mình trong vùng biển này.
Ông Hoàng Việt cho rằng một trong những chủ trương từ lâu của Việt Nam là quốc tế hóa khu vực này. Một trong những cách để quốc tế hóa là mời các cường quốc khác đến cùng khai thác. Ông chỉ ra một thực tế thú vị trong chiến lược quốc tế của Việt Nam ở Biển Đông :
"Việt Nam đã ký với tập đoàn của Mỹ là Exxol Mobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh, hay mỏ Lạc Đà Vàng với tập đoàn Murphy của Mỹ. Ngoài ra Việt Nam còn hợp tác với hàng loạt cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga mà không có Trung Quốc.
Nhật Bản cách đây mấy năm cũng đã tham gia một loạt lô dầu khí. Mitsubishi đã tham gia rồi. Nói chung, chính sách đó thì Việt Nam đã làm từ lâu rồi, bây giờ chỉ làm mạnh hơn.
Có rất nhiều vấn đề trên Biển Đông khiến cho Việt Nam muốn khai thác nhưng chưa làm được do một loạt sự kiện xảy ra. Như mỏ Cá Rồng Đỏ thì Việt Nam phải ngưng lại nhưng thực tế vẫn muốn tiếp tục làm".
Sắp tới, ngày 11/4/2024, hải quân Philippines sẽ cùng Nhật Bản, Hoa Kỳ tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Trong khi Philippines đẩy mạnh hơn về hợp tác với Nhật Bản về quân sự trên Biển Đông, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản về kinh tế. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lựa chọn hợp tác về kinh tế thay vì hợp tác về quân sự mạnh mẽ như Philippines với các đối tác khác ?
Trao đổi với RFA, ông Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, cho rằng Việt Nam tránh để cho nguy cơ đối đầu quân sự lên cao, bởi vì về lực lượng hải quân, "vài ba chiếc tàu Việt Nam mua về chỉ để cho vui chứ không có ý nghĩa gì" trong việc đối phó với sức mạnh hải quân của Trung Quốc.
"Chính sách quốc phòng của Việt Nam là "mất bò mới lo làm chuồng" mà chuồng bây giờ cũng chẳng có. Đầu tư nhỏ giọt, không hiệu quả. Mỗi năm Trung Quốc ra được mấy chục tàu có tải trọng hai ba nghìn tấn trở lên. Họ dùng chiến lược sử dụng những tàu hải quân tải trọng ba đến năm nghìn tấn khoảng mười năm rồi chuyển sang cho Hải cảnh sử dụng. Họ dùng những con tàu đó để chèn ép Việt Nam, Philippines, Malaysia.
Các con tàu cảnh sát biển này do đó có trang bị còn mạnh hơn tàu hải quân chính quy của Việt Nam, Philippines. Ngay cả so sánh với hải quân Việt Nam thì những tàu có tải trọng lớn nhất vẫn là hai tàu lớp Hamilton do Mỹ viện trợ. Còn tàu mua của Nga, Pháp có tải trọng hai ngàn tấn thì Việt Nam chỉ có vài chiếc. Trong khi đó, Trung Quốc mỗi năm đóng vài chục chiếc như vậy. Họ đã đóng tàu với công suất như vậy hơn chục năm nay rồi, nghĩa là bây giờ họ có cả trăm chiếc, thì Việt Nam không thể so sánh được. Sự so sánh ở đây chỉ là khập khiễng.
Trước một chiến lược phát triển bài bản như vậy, lại có ưu thế vượt trội về ngân sách của Trung Quốc thì Việt Nam hoàn toàn không đỡ được".
Nguồn : RFA, 03/04/2024
*************************
RFA, 02/04/2024
Mỹ, Nhật và Philippines sẽ thực hiện các cuộc tuần tra hải quân chung trong bối cảnh có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ
Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ tiến hành các cuộc tuần tra hải quân chung trên Biển Đông - một động thái nhằm đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Các cuộc tuần tra ba bên này là một phần trong "gói sáng kiến" mà các nhà lãnh đạo cao nhất của ba nước sẽ công bố trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của họ sẽ diễn ra vào ngày 11/4 tới – mạng báo Politico của Mỹ - cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về kế hoạch này.
Trong khi Philippines và Mỹ đã tiến hành tuần tra chung thường xuyên, đây sẽ là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tham gia vào một hoạt động như vậy. Hoạt động này sẽ được tổ chức "sớm nhất" có thể - tờ Asahi Shimbun của Nhật cho biết.
Tờ Asahi trích lời những nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Nhật cho biết động thái này là để "đáp trả sự gia tăng hiện diện hải quân của Trung Quốc trong khu vực".
Không có thông tin chi tiết thêm về kế hoạch chung này nhưng tờ Politico cho hay kế hoạch này có thể là "một cuộc biểu dương sức mạnh nhằm cho Bắc Kinh thấy rằng sự hiếu chiến và thù địch của họ sẽ không được dung thứ".
Trong những tháng gần đây, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch quấy rối gần các đảo đá có tranh chấp ở Biển Đông, sử dụng vòi rồng bắn vào các tàu của Philippines.
Các chiến thuật của Bắc Kinh sẽ là nội dung được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự tại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khi ba nước thiết lập một "tam giác an ninh" khu vực.
"Trong vấn đề Biển Đông... ba nước đồng minh có sự đồng thuận sâu sắc" – một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) - một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ cho biết.
"Nhật Bản có vị trí thuận lợi để đóng vai trò kết nối giữa các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - báo cáo này nhận định.
"Nhật Bản coi biển Hoa Đông và Biển Đông là một mặt trận có tính kết nối" - CSIS cho biết và thêm rằng Tokyo tin tưởng việc giúp các nước Đông Nam Á đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông "là một phần để đẩy lùi chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc trên toàn khu vực, bao gồm cả ở vùng Biển Hoa Đông - nơi Trung Quốc đe dọa trực tiếp các lợi ích của Nhật Bản".
Đài Á Châu Tự Do (RFA), vào đầu năm nay, được biết rằng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải kéo dài 10 năm cho bốn quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam nhằm tăng cường an ninh ở Biển Đông.
Kế hoạch tuần tra chung này đã vấp phải các phản ứng tức giận từ phía Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu gọi động thái này là "vụ việc mới nhất cho thấy ý định làm cạn kiệt đồng minh và làm suy yếu Trung Quốc" khi Washington "tuyển dụng Nhật Bản’ để làm mất ổn định khu vực hơn nữa và đe dọa an ninh xung quanh Trung Quốc.
Tờ báo trích lời một nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo các đồng minh của Mỹ và đối tác, trong đó có Nhật và Philippines, rằng "tất cả họ là những con tốt cho Mỹ hưởng lợi".
"Cách biểu đạt của Bắc Kinh mỗi khi căng thẳng leo thang đều là "do sự khiêu khích" của đối phương và vì vậy họ không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động gây hấn nào của mình" - ông Ray Powell, một nhà phân tích an ninh hàng hải tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford nói.
Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Nam của quân đội Trung Quốc – lực lượng có khu vực phụ trách chính là Biển Đông - vừa tiến hành một cuộc diễn tập chiến đấu thực sự ở vùng biển này - Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông tin.
Cuộc diễn tập, được tiến hành vào "đầu mùa xuân" (không được nêu cụ thể ngày tháng), nhằm vào các mục tiêu của kẻ thù như "các tàu cá có vũ trang quấy rối Trung Quốc trong những vùng biển của nước này" và các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Philippines, theo ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) – cựu Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu.
Ông Hồ đăng một video clip về cuộc diễn tập trên nền tảng mạng xã hội X (vốn được gọi là Twitter) với một với lời cảnh báo nghiêm khắc với Manila rằng : "Một khi Philippines bắn phát súng đầu tiên, tôi hoàn toàn ủng hộ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắn vào tàu Philippines bằng đạn".
"Tôi tin rằng phần lớn người dân Trung Quốc khi đó sẽ ủng hộ việc này" – nhà bình luận chính trị Trung Quốc nói thêm.
"Chiến lược của Trung Quốc là leo thang căng thẳng cho đến khi các đối thủ chùn bước, vì thế đánh trống chiến trận để khiến cho họ rút lui" – ông Powell từ Đại học Stanford nói với RFA.
Nhà phân tích này cho biết với chiến dịch khẳng định chủ quyền một cách công khai và minh bạch, Manila đang tiếp cận và tạo dựng quan hệ đối tác với các quốc gia có cùng chí hướng bất chấp những đe dọa của Bắc Kinh.
Nguồn : RFA, 02/04/2024
Hoa Kỳ và thế cân bằng tinh tế để chống Trung Quốc ở Biển Đông
Minh Anh, RFI, 01/04/2024
Hoa Kỳ và Philippines có ký kết một hiệp ước phòng thủ chung, đòi hỏi bên này phải hỗ trợ bên kia trong trường hợp xảy ra "tấn công vũ trang". Tuy nhiên, việc đáp trả các hành động gây hấn ở "vùng xám" là điều khó khăn do ranh giới giữa hòa bình và xung đột là mờ nhạt. Đây chính là những gì Bắc Kinh đang trắc nghiệm, thăm dò khả năng can thiệp quân sự của Mỹ trong tương lai ở Biển Đông.
Tàu tuần duyên Hoa Kỳ Stratton (WMSL 752) cập cảng Manila, Philippines, ngày 1/6/2023. AP - Aaron avila
Trò chơi nguy hiểm này của Trung Quốc đã khiến ba quân nhân Philippines bị thương trong cuộc đối đầu gần đây nhất ở Bãi Cỏ Mây, khu vực đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Theo phân tích Chang Jun Yan, chuyên gia quân sự trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore với báo Time của Mỹ, khả năng Washington can dự vào một cuộc xung đột vũ trang có thể còn phụ thuộc vào ba biến số mà Mỹ không thể bỏ qua : ngăn chặn Trung Quốc, trấn an Philippines và ngoại giao với Bắc Kinh.
Nhưng Joseph Liow, giáo sư về chính trị so sánh và quốc tế, trưởng khoa đại học Công nghệ Nangyang (NTU) cũng tại Singapore nhắc đến yếu tố thứ tư : Chính trị trong nước của Mỹ. Làm thế nào Washington giải thích cho người dân hiểu rằng việc Mỹ tham gia xung đột là vì lợi ích của họ – một quá trình có nguy cơ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc – chỉ vì một bãi đá nằm cách xa nước Mỹ hàng ngàn dặm ?
Thế cân bằng tế nhị
Nhiều nhà phân tích được Time trích dẫn đều đi đến một nhận xét : Hoa Kỳ đang rơi vào một tình thế khó khăn, phải cân nhắc và phải "cân bằng giữa việc không làm gì và làm quá nhiều" trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Nếu phớt lờ và để Bắc Kinh tiếp tục các hành động gây hấn với Manila, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Washington như nguy cơ mất tuyến đường hàng hải quan trọng, mất vị thế đối tác an ninh cùng với khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự Philippines. Nhà nghiên cứu Kevin Chen, cũng thuộc RSIS, cảnh báo đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc, rủi ro không chỉ cao cho Philippines mà cả cho uy tín cũng như chiến lược phòng thủ của Mỹ trong khu vực.
Nhưng nếu can thiệp, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng tồi tệ, rủi ro đi đến xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là cao. Bất kể bên nào gây chiến, điều đó đều không có lợi cho Mỹ. Điều này giải thích vì sao, tổng thống Joe Biden trong thông điệp Liên bang, khẳng định tìm kiếm "sự cạnh tranh chứ không phải xung đột". Đây cũng là điều các nước trong khu vực mong muốn, bởi vì bùng nổ xung đột vũ trang ở Biển Đông, "chẳng có lợi cho bên nào", theo như nhận định từ chuyên gia Chang Jun Yan.
Thế nên, trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện nay, chính quyền Biden nỗ lực gia tăng các tiếp xúc ngoại giao kể cả với những nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc (như Cam Bốt, Miến Điện) cũng như là các nước trung lập về chính trị trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường (Indonesia và Singapore).
Can thiệp gián tiếp
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Mỹ không làm gì cả. Các biện pháp trừng phạt, tăng cường năng lực quân sự cho các đồng minh, thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và ủng hộ nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải trong khu vực... được xem như là những cơ chế can thiệp gián tiếp.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây ấn tượng với Trung Quốc rằng, đối đầu vũ trang với Mỹ "sẽ mang lại nhiều rủi ro nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và ngoại giao". Các hoạt động ngoại giao, quân sự như tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Philippines trong tháng Tư này hay tuần tra chung như một lời nhắc nhở hữu hình về hỗ trợ quốc phòng của Mỹ.
Collin Koh, thuộc RSIS, lưu ý, chớ nên trông đợi nhiều vào việc Hoa Kỳ sẽ chấm dứt được hành động hung hăng của Trung Quốc. Tất cả những động thái này cho đến nay cho thấy Hoa Kỳ đang tìm cách kềm chế Trung Quốc leo thang và phần nào đã thành công. Những gì Washington đang làm là "vạch ranh giới cho Bắc Kinh, chớ nên vượt qua".
Dù vậy, các chuyên gia được Time phỏng vấn cũng cảnh báo trong trường hợp xảy ra sự cố chết người, nếu Hoa Kỳ không làm gì để ủng hộ các đồng minh như đã nói, uy tín và khả năng lãnh đạo của Mỹ sẽ bị tổn hại với những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí không thể khắc phục được !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 01/04/2024
************************
Căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Philippines tăng cường an ninh hàng hải
Minh Anh, RFI, 31/03/2024
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ra lệnh cho chính phủ tăng cường phối hợp an ninh hàng hải để đương đầu với "một loạt thách thức nghiêm trọng" đối với toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình vào lúc các tranh chấp với Trung Quốc leo thang.
Tầu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng tấn công một tầu viện trợ Philippines cho Bãi Cỏ Mây, ở Biển Đông ngày 05/03/2024. AP - Aaron Favila
Theo báo mạng Philstar của Philippines, sắc lệnh 57 ký hôm thứ Hai 25/3 và được công bố hôm nay, 31/3/2024, là nhằm "giải quyết toàn diện" các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hàng hải đối với các vùng biển rộng lớn của Philippines.
Lệnh này của tổng thống Marcos cho phép mở rộng và tổ chức lại hội đồng hàng hải của chính phủ khi cho đổi tên Hội đồng Giám sát Bờ biển Quốc gia (NCWC) thành Hội đồng Hàng hải Quốc gia, bổ sung cố vấn an ninh quốc gia, tổng cố vấn pháp luật, giám đốc Cơ quan Điều phối Tình báo Quốc gia và Lực lượng đặc nhiệm Biển Đông.
Cơ quan hàng hải mới này có vai trò chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách và chiến lược nhằm đảm bảo khuôn khổ "thống nhất, phối hợp và hiệu quả cho an ninh hàng hải và nhận thức về lĩnh vực này của quốc gia. Hội đồng Hàng hải Quốc gia sẽ được 13 cơ quan và bộ ngành hỗ trợ, trong đó có bộ Quốc Phòng và Cơ quan Điều phối Tình báo Quốc gia. Ngoài ra, lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines (Biển Đông) cũng sẽ trực thuộc Hội đồng.
Văn bản này tuy không đề cập đến Trung Quốc nhưng diễn ra sau một loạt các cuộc đối đầu và cáo buộc lẫn nhau giữa hai nước ở Biển Đông. Ông Marcos cho rằng bất chấp các nỗ lực nhằm thúc đẩy sự ổn định và an ninh trong lĩnh vực hàng hải, nhưng "Philippines vẫn tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như nền hòa bình của người dân Philippines."
Sắc lệnh này được ban hành vài ngày sau khi tổng thống Marcos cho biết Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó chống lại "các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hãn, và nguy hiểm" của cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc.
Theo Politico, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là chương trình nghị sự cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên Hoa Kỳ - Nhật Bản – Philippines, dự kiến diễn ra tại Washington trong tháng 4/2024. Nhân cuộc họp này, Washington – Tokyo – Manila dự kiến thông báo tổ chức các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.
Minh Anh
****************************
Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
Chi Phương, RFI, 31/03/2024
Washington và Tokyo sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh và công nghệ phòng thủ, cũng như tăng cường tập trận chung ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương với Anh, Úc và Philippines, để đối phó với Trung Quốc.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) và các chiến hạm hộ tống của Mỹ bên cạnh hai khu trục hạm JS Ikazuchi và JS Chokai của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Thái Bình Dương. Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ ngày 19/09/2021. AP - MC2 Haydn Smith
Theo nguồn tin từ Kyodo, hôm 30/03/2024, việc hợp tác giữa 5 nước cụ thể ra sao sẽ được làm rõ trong cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh ngày 10/04 ở Washington. Kishida và Biden cũng có thể thảo luận về sự hợp tác của Nhật Bản với liên minh AUKUS (Anh-Úc-Mỹ) về chiến tranh tàu ngầm hoặc robot.
Những năm gần đây, Anh Quốc can dự nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và có kế hoạch triển khai tàu sân bay tấn công tới khu vực này vào năm 2025. Nhật Bản, Mỹ và Anh cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc tổ chức các cuộc tập trận chung gần Biển Nhật Bản tại chuyến công du đến Hoa Kỳ sắp tới.
Về phía Úc, Nhật Bản và Mỹ dự trù sẽ thảo luận về kế hoạch cải thiện khả năng tương tác và chuyển giao các công nghệ phòng thủ.
Tại Washington, Kishida, Biden và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên để thúc đẩy hợp tác về an ninh hàng hải, đồng thời thảo luận về việc mở rộng các cuộc tập trận chung cũng như viện trợ quốc phòng của Nhật Bản cho Philippines.
Nhật Bản hy vọng sẽ thắt chặt hợp tác với 3 đồng minh của Hoa Kỳ là Anh, Úc, Philippines, để đối phó với các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo Kyodo, các liên minh quân sự này lại có thể khiêu khích Bắc Kinh, gây ra sự chia rẽ và bất ổn trong khu vực.
Chi Phương
********************************
Philippines tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước Trung Quốc ‘kẻ cả’
Reuters, VOA, 29/03/2024
Philippines không mong có một cuộc chiến hay những rắc rối ở Biển Đông nhưng sẽ không sợ hãi đến mức phải im lặng, phục tùng hay khuất phục, Bộ Quốc phòng nước này nói hôm 29/3.
Hình chụp từ video do Cảnh sát Biển Philippines công bố hôm 5/3 cho thấy 2 tàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu dân sự Unaizah do Quân đội Philippines thuê để làm nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.
Đây là hành động thách thức mới nhất của Philippines trong làn sóng phản đối gay gắt đối với Trung Quốc giữa tranh chấp trên biển.
Bộ Quốc phòng Philippines nói trong một tuyên bố rằng những luận điệu gần đây của Trung Quốc cho thấy tình trạng cô lập của họ với phần còn lại của thế giới về "các hoạt động bất hợp pháp và thiếu văn minh" ở Biển Đông.
"Điều đó cũng cho thấy chính phủ Trung Quốc không có khả năng tiến hành các cuộc đàm phán cởi mở, minh bạch và hợp pháp. Những gì họ làm chỉ là lên giọng kẻ cả, và nếu không làm được điều đó, thì sẽ dọa nạt các nước nhỏ hơn", bộ này nói trong tuyên bố.
Tuyên bố này nhằm đáp lại việc Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Philippines hôm 28/3 về các hành động khiêu khích, tung thông tin sai lệch và phản bội sau khi Manila cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói hôm 28/3 rằng Philippines phải chịu trách nhiệm về sự rạn nứt trong quan hệ, yêu cầu nước láng giềng chấm dứt những việc mà phía Trung Quốc gọi là hành vi xâm phạm và khiêu khích.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) hôm 28/3 làm gia tăng căng thẳng trong cuộc tranh chấp vốn đang leo thang, nói rằng đất nước của ông sẽ thực hiện các biện pháp đối phó, dù không nói cụ thể hơn, trước "các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hãn và nguy hiểm" của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Cuộc khẩu chiến bắt nguồn từ một loạt tranh chấp gần Bãi Cỏ Mây khi Philippines thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế cho một nhóm binh sĩ được cử đến để bảo vệ một tàu chiến đang mục nát được cố tình neo đậu trên một bãi cạn từ cách đây 25 năm để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của nước này.
Nguồn : RFA, 30/03/2024
Việt Nam khẳng định chủ quyền tại bãi Tư Chính ở Biển Đông
RFA, 29/02/2024
Bãi ngầm Tư Chính là một phần thềm lục địa của Việt Nam. Đó là khẳng định của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/2 ở Hà Nội.
Hình chụp vệ tinh bãi Tư Chính - CSIS/AMTI
Bà Phạm Thu Hằng trả lời báo giới như vừa nêu khi được hỏi về việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh vào khu vực bãi ngầm Tư Chính trong thời gian gần đây.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng "Lập trường của Việt Nam đối với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Theo đó bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập chủ quyền hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật biển Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982)".
Bà này cũng bày tỏ phản đối kiên quyết của Việt Nam đối với mọi hành động bị cho vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Như tin đã loan, vào ngày 20/2 vừa qua, tàu hải cảnh CCG 5901 lớn nhất thế giới của Trung Quốc bật tín hiệu theo dõi tàu biển tự động AIS cho thấy tàu trở lại bãi Tư Chính ở Biển Đông. Đây là nơi có các giàn khoan dầu khí của Việt Nam, và liên tục bị Trung Quốc điều tàu hải cảnh vào quấy nhiễu.
Tàu hải cảnh CCG 5901 vào cuối năm 2023 từng tuần tra cả tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ; sau đó tàu CCG 5402 vào thay thế.
Đợt này tàu hải cảnh CCG 5901 rời cảng Tam Á ở đảo Hải Nam hôm 14/2/2024 để xuống Biển Đông.
Nguồn : RFA, 29/02/2024
********************************
Tổng thống Philippines : Hải quân Trung Quốc ‘gây lo ngại’ tại Biển Đông
BBC, 28/02/2024
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm thứ Tư (28/2) nói rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông là "đáng lo ngại", nhưng Manila sẽ không từ bỏ việc bảo vệ ngư dân và chủ quyền trên biển.
Cảnh sát biển Trung Quốc đi ca nô sử dụng máy ảnh tĩnh và máy quay video để ghi lại hoạt động trên tàu BRP Datu Tamblot của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Philippines (BFAR) gần Bãi cạn Scarborough - ngày 16/2
Theo tờ Manilla Times, ông Marcos nói rằng tình hình ở những vùng nước tranh chấp đã thay đổi do sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc.
"Điều này đáng lo ngại vì có hai yếu tố. Trước đây chỉ có Cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trong khu vực , bây giờ có cả Hải quân và tàu cá. Vì vậy, tình hình đang thay đổi", ông nói với các phóng viên.
Tuần duyên Philippines (PCG) đã phát hiện sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Quốc trong một chuyến tuần tra của một tàu thuộc Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản (BFAR) tại Bãi cạn Scarborough, nơi xảy ra tranh chấp gay gắt vào tuần trước.
Đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên của Tuần duyên Philippines phụ trách Biển Tây Philippines (tên mà Philippines gọi một phần Biển Đông), cho biết Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản đã theo dõi ba tàu chiến cùng một máy bay của Hải quân Trung Quốc ở gần Bãi cạn Scarborough.
Bà Tarriela cho biết các tàu chiến Trung Quốc duy trì một khoảng cách hơn 20 hải lý so với bãi cạn này (Philippines gọi là Bajo de Masinloc).
"Quan trọng là chúng ta [Philippines] phải lưu ý rằng trong phạm vi 12 hải lý quanh Bajo de Masinloc, chúng ta có chủ quyền đối với vùng nước này", bà nói.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy loại máy bay đó trong khu vực", bà Tarriela thêm.
Chiếc tàu của BFAR, mà PCG từng nói rằng bị các tàu cảnh sát biển Trung Quốc theo dõi và cản trở, làm nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho ngư dân Philippines trong khu vực.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân của chúng tôi. Họ là những người làm nghề cá để kiếm sống từ những ngư trường này và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp họ mặc dù... có những nỗ lực chặn đường và theo dõi", Marcos nói với các phóng viên trước khi lên đường thăm cấp nhà nước tới Úc.
Trước đó, ông Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, từng nhận định :
"Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá ở đó. Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Philippines".
Tờ South China Morning Post tại Hong Kong ngày 17/2 có bài viết phản ánh những quan ngại liên quan đến việc Phillipines trở thành "đại diện" chống lại Bắc Kinh của Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Theo bài báo, dù Philippines khẳng định rằng liên minh quân sự với Mỹ và quan hệ đối tác với các nước khác như Nhật Bản chỉ mang tính chất phòng thủ, Bắc Kinh lại coi đây là một phần của chiến dịch bao vây Trung Quốc.
Nguồn : BBC, 28/02/2024
Biển Đông sẽ còn nóng hơn trong năm 2024 : Việt Nam cần một chiến lược dài hạn
Hoàng Việt, RFA, 23/02/2024
2023 là năm cả Philippines và Việt Nam đều chịu áp lực căng thẳng trên Biển Đông từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Philippines bị áp lực lớn hơn và công bố trên truyền thông rộng rãi hơn. Việt Nam gánh áp lực nhẹ hơn và không phổ biến rộng rãi các hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, sang đầu năm 2024, Việt Nam lại chịu áp lực nhiều hơn từ Trung Quốc. Việt Nam vẫn chọn cách giảm nhẹ tiếng nói trên truyền thông. Vậy với những diễn biến xung quanh khu vực như kết quả bầu cử Đài Loan, Philippines muốn giành lại bãi cạn Scarcobough, xây đảo trên bãi Cỏ Mây, liệu Biển Đông năm 2024 sẽ ra sao ? RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt về vấn đề này.
Một thuyền kiểm tra nhỏ của Lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ Stratton (WMSL 752) triển khai bên cạnh tàu Cảnh sát biển Philippines Melchora Aquino trong cuộc diễn tập giữa Cảnh sát biển Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản ngoài khơi vùng biển ở tỉnh Bataan, Philippines, ngày 6/6/2023, nhằm thực thi pháp luật hàng hải và an ninh hàng hải. (Ảnh AP/Aaron Favila)
RFA : Dư luận trong nước có ý kiến nói Việt Nam quản lý xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông tốt hơn Philippines. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này ?
Hoàng Việt : Đối với câu hỏi Việt Nam và Phillipines ai quản lý xung đột với Trung Quốc tốt hơn thì cho đến nay thì chưa thể nói được. Vâng nếu mà chỉ tính trong năm 2023 thì chưa thể nói được về quản lý xung đột. Xét lâu dài hơn thì rõ ràng Philipines đã bộc lộ một số thiếu sót. Đối với bãi cạn Scaborough, trong khi Philippines đang kiểm soát ở trên thực tế thì năm 2012, Trung Quốc đã thay thế Philippines giành được quyền kiểm soát này thì đó là một thất bại của Philippines. Điều này không thể chối cãi được. Thứ hai là với con tàu trên bãi Cỏ Mây thì Philippines đã cắm nó trên đó từ năm 1999 mà không tìm cách để xây dựng một chỗ đứng bền vững thì đó cũng là một cái thất bại. Để đến bây giờ, Philippines muốn làm thì khó khăn hơn nhiều so với nếu nước này làm từ khoảng 20 năm trước. Tóm lại nếu xét lâu dài thì rõ ràng Philippines có nhiều hạn chế.
Nếu chỉ đánh giá trong năm 2023 thì nó chưa đầy đủ, chưa thể nói được là Việt Nam hay là Philippines đã giành được ưu thế hơn. Vì sao ? Vì chúng ta sẽ thấy rằng là Phillipines và Việt Nam mỗi quốc gia có một cái phương cách khác nhau.
Phillipines thì sẽ dựa vào đồng minh của mình và Hoa Kỳ. Còn với Việt Nam thì khác. Thứ nhất là Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Và Việt Nam cũng không phải là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ. Việt Nam có chính sách bốn không trong quốc phòng cho nên Việt Nam không thể liên minh được với Hoa Kỳ. Và vì thế Việt Nam cũng không trông cậy được vào đồng minh Hoa Kỳ. Và Việt Nam chọn cái cách là balance, tức là cấn bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2023 chúng ta còn nhớ là tháng 9 thì tổng thống Biden đã sang Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Nhưng mà tháng 12 thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sang thăm Việt Nam và hai bên cũng nâng cấp mức độ quan hệ cao hơn. Đấy là cách của Việt Nam làm là cân bằng giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ.
Philippines trong nhiệm kỳ của tổng thống Marcus đang chọn cách dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn. Nhưng cho đến nay thì cũng chưa nói được là Việt Nam và Philippines, rồi đây bên nào sẽ sẽ có ưu thế hơn.
Chúng ta phải đợi tiếp xem là liệu Philippines có rất là dành lại được quyền kiểm soát trên bãi cạn Scaborough hay không, có xây dựng được đảo trên bãi Cỏ Mây hay không. Nếu làm được thì Philippines thành công.
Rõ ràng là Việt Nam sử dụng chính sách âm thầm hành động đúng thời điểm, ví dụ như xây dựng đảo và tăng cường lực lượng ở Trường Sa, rồi dùng chính sách cân bằng thì khiến cho Trung Quốc cũng không có những thay đổi quá căng thẳng với Việt Nam. Mặc dù không phải là Việt Nam không có căng thẳng. Ví dụ như năm 2023, khi Trung Quốc tăng cường sức ép với Việt Nam, trong suốt một thời gian đầu, báo chí Việt Nam không hề nói tới. Nhưng nếu một lúc mà phía Việt Nam chịu không nổi thì Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã phải nâng tiếng yêu cầu là tàu thăm dò của Trung Quốc phải rời khỏi cái vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đến tháng 6, sau 28 ngày thì cái tàu này của Trung Quốc mới rời khỏi khu vực.
Nói chung, chưa thể nói được là quốc gia nào sẽ thành công hơn quốc gia nào. Chúng ta phải chờ đợi, phải xem các bên có đạt được mục đích của mình hay không. Bên nào đạt được mục đích thì bên đó thành công. Mà có sự thành công thì mới so sánh được bên nào đúng.
RFA : Có ý kiến cho rằng việc ông Lại Thanh Đức, một người có xu hướng độc lập với Trung Quốc, đắc cử tổng thống Đài Loan có thể khiến tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng hơn trong năm 2024. Theo ông, nếu eo biển Đài Loan căng thẳng hơn thì Biển Đông sẽ dịu bớt hay căng thẳng hơn ? Tại sao Trung Quốc lại tăng cường áp lực lên Philippines năm 2023 trên Biển Đông ? Hai điểm nóng này có gì khác nhau không ?
Hoàng Việt : Theo tôi thì trong năm 2024 cả eo biển Đài Loan và Biển Đông đều căng thẳng. Rõ ràng việc ông Lại Thanh Đức, vốn là phó tổng thống của bà Thái Văn Anh lên làm tổng thống thì đó là điều Trung Quốc không mong muốn. Các chuyên gia đều dự báo tình hình eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục căng thẳng.
Câu chuyện căng thẳng trên eo biển Đài Loan thì nó có liên quan gì đến Biển Đông hay không thì chúng ta biết là cả Đài Loan và Biển Đông đều là nằm trong khu vực cạnh tranh quyết liệt của hai cường quốc, Mỹ và Trung Quốc. Nếu không có Mỹ thì Đài Loan khó tồn tại trước sức đe dọa của Trung Quốc. Đối với câu chuyện của Biển Đông thì đặc biệt là căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc sẽ tiếp tục trong năm 2024 khi mà Philippines tìm cách giành lại quyền kiểm soát đối với bãi cạn Scaborough và xây đảo trên bãi Cỏ Mây. Philippines dựa vào đồng minh Hoa Kỳ cho nên là đây cũng là một chiến trường cho cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, trong năm 2024, cả khu vực Biển Đông và Đài Loan sẽ tiếp tục căng thẳng.
Còn trong năm 2023, quan hệ Philippines và Trung Quốc trở nên rất căng thẳng trên biển Đông và cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là khu vực bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough. Đó là hai địa điểm căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc.
Nguyên do thứ nhất là Philippines đã đặt một con tàu cũ trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999. Con tàu này càng ngày càng cũ đi, có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, Philippines một mặt vừa muốn tiếp tế cho những binh sĩ ở trên con tàu đó và mặt khác muốn gia cố lại nó. Thậm chí Philippines tuyên bố là sẽ tìm cách xây đảo ở trên bãi Cỏ May này. Điều này thì chắc chắn là Trung Quốc sẽ không muốn.
Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scaborough từ tay của Philippines. Còn bãi Cỏ Mây là một thực thể lúc nổi lúc chìm. Cho nên là phía Philippines năm 1999 đã cho một tàu cũ đậu ở đó, tên là BRP Sierra Madre. Con tàu này trên đó có một số binh sĩ của Philippines đồn trú.
Con tàu càng ngày càng xuống cấp và nó có thể bị sụp được bất cứ lúc nào cho nên Philippines một mặt là muốn cung cấp những nguồn thực phẩm và nước uống cho các binh sĩ đồn trú, giữ quyền kiểm soát ở trên khu vực này. Trung Quốc cũng biết được điều đó cho nên họ ngăn cản cung cấp hậu cần cho các binh sĩ.
Trung Quốc muốn để cho con tàu này sụp đổ để họ kiểm soát bãi Cỏ Mây như năm 2012 với bãi Scaborough. Đó là nguyên do thứ nhất khiến cho hai bên Phillipines và Trung Quốc căng thẳng.
Nguyên do thứ hai là sau khi Tổng thống Philippines Duterte đã xoay trục sang Trung Quốc, hướng về Trung Quốc nhưng mà không thành công, Tổng thống Marcus cũng vậy. Chúng ta nhớ là năm 2023 Phillipines trao thêm cho Hoa Kỳ quyền kiểm soát 4 căn cứ quân sự, tổng cộng là 9 cái. Một số nguồn tin Trung Quốc cho rằng có tới 10 quân sự tại Phillipines cho quân đội Mỹ có thể sử dụng. Điều này khiến cho Trung Quốc cảm thấy bất bình và họ đã phải tìm cách để phải trừng phạt Phillipines.
Thậm chí Philippines gần đây còn chơi mạnh tay hơn, tuyên bố là muốn xây dựng đảo trên bãi Cỏ Mây. Philippines muốn là dựa vào sức mạnh của Mỹ để dành lại bãi cạn Scaborough.
Thế cho nên là đấy là 3 cái lý do lớn để khiến cho Phillipines và Trung Quốc đã căng thẳng trên Biển Đông suốt thời gian vừa qua.
RFA : Philippines đang muốn cùng Việt Nam và một số nước khác xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông riêng mà không cần có Trung Quốc. Điều này có khiến cho Biển Đông căng thẳng hơn hay dịu lại trong năm 2024 ? Liệu ý tưởng của Philippines có thành hiện thực ?
Hoàng Việt : Theo tôi thì cái mục tiêu này nó chưa khả thi đâu. Thứ nhất là phía Philippines là quốc gia rất mạnh mẽ trong việc đưa ra sáng kiến. Từ những năm 1990, đặc biệt sau năm 1995, khi mà Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi Vành Khăn từ tay Quân đội Philippines, thì nước này đã luôn đưa ra ý tưởng là sẽ có một Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Sau này thì phía Philippines cũng là bên rất năng nổ trong việc đưa ra những sáng kiến và ý tưởng mới. Nhưng Philppines có vấn đề là quốc gia đa đảng. Tổng thống mới có thể xoay chiều 180 độ so với tổng thống trước. Nếu như cựu Tổng thống Benigno "Noynoy" Aquino là người đã khởi kiện Trung Quốc năm 2016 thì ông Duterte sau đó đảo ngược chính sách. Sau đó ông Marcus lên tổng thống, ban đầu định vẫn tiếp tục chính sách xoay trục sang Trung Quốc nhưng thấy không ổn nên lại xoay trục sang Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đều thấy sự thiếu ổn định, thiếu nhất quán trong chính sách của Philippines. Hơn nữa Philippines lại làm quá ồn ào. Nếu cứ tuyên bố công khai như vậy thì Trung Quốc sẽ tìm cách phá. Và họ đã phá rồi. Các bài báo trên Hoàn cầu Thời báo đã đe dọa Việt Nam và Philippines. Ngoài ra Trung Quốc cũng sẽ sử dụng những cái biện pháp như áp lực về kinh tế đối với Việt Nam và Philippines cũng như là với các quốc gia khác như Malaysia để ngăn chặn các quốc gia này có thể sẽ tạo thành mặt trận đoàn kết để có một bộ quy tắc ứng xử mới.
Thứ hai nữa là nhìn từ kinh nghiệm quá khứ, ta thấy 10 quốc gia Đông Nam Á đã từng thông qua một dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông do Indonesia khởi thảo. Khi đó cả 10 quốc gia đã đồng ý rồi, nhưng khi mời Trung Quốc tham gia, thì Trung Quốc đã từ chối cho nên phải bàn thảo lại, tức bắt đầu lại từ đầu.
Từ những kinh nghiệm đó, tôi cho rằng ý tưởng đó không khả thi.
RFA : Mới đây, báo chí trong nước đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc tôn trọng lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển Đông, nhân dịp hai nước họp "Ủy ban Chỉ đạo song phương về quan hệ Việt Trung". Báo chí Việt Nam chỉ tường thuật yêu cầu của phía Việt Nam đối với Trung Quốc mà không cho biết Trung Quốc phản hồi ra sao. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này ?
Hoàng Việt : Cái bạn vừa nói chính là câu trả lời. Anh cho biết là báo chí Việt Nam tường thuật là Việt Nam yêu cầu tôn trọng chủ quyền của mình nhưng không thấy câu trả lời từ phía Trung Quốc.
Theo tôi biết nhiều lần Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền thì ngược lại Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền của họ. Họ nhiều lần nói chủ quyền của họ đối với Biển Đông là bất khả tranh nghị.
Điều đó cho thấy là phía Việt Nam đương nhiên vẫn phải đưa ra quan điểm của mình một cách rõ ràng là Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc có chấp nhận điều đó hay không là việc khác. Bởi vì nếu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam thì tình hình Biển Đông đã không căng thẳng như cả mười mấy năm qua.
Kể những lần trước đó thì mỗi lần giới chức cao cấp của Việt Nam gặp Trung Quốc thì luôn yêu cầu điều nhưng Trung Quốc có bao giờ làm đâu.
Với chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc thì họ không bao giờ im tiếng trong chuyện đó. Với câu anh nhắc tới thì tôi có thể suy luận là khi phía Việt Nam đề nghị thì phía Trung Quốc không chấp thuận. Cho nên báo chí Việt Nam mới không thông tin là Trung Quốc chấp thuận hay không.
Theo tôi thì Trung Quốc sẽ không chấp thuận vì tham vọng của họ với biển Đông là rõ ràng và không thể lay chuyển. Liệu trong năm 2024 này thì quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tại Biển Đông có gì căng thẳng không ? Theo tôi thì sẽ có. Trung Quốc không thôi giấc mộng Trung Hoa của họ độc chiếm biển Đông nên không sớm thì muộn Trung Quốc sẽ vi phạm các quyền của Việt Nam trên biển theo Công ước Quốc tế về Luật biển. Vì thế tôi dự đoán là trong năm 2024 thì căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam sẽ không giảm xuống so với trước đây.
RFA : Theo ông, Việt Nam thành công những gì và thất bại những gì trong chính sách Biển Đông trong năm qua ? Việt Nam có cần một chiến lược mới cho Biển Đông không ?
Hoàng Việt : Rất nhiều khen ngợi Việt Nam thành công. Cũng đúng vì Việt Nam vẫn duy trì được 21 thực thể trên Biển Đông. Thứ hai là bảo toàn được vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhưng rõ ràng là Việt Nam cần có một chiến lược lâu dài cho mình. Nhưng không rõ là Việt Nam có một chiến lược lâu dài hay không. Có vẻ như Việt Nam chỉ có các chiến thuật đối phó thụ động trước Trung Quốc. Trung Quốc làm gì thì mình sẽ phản ứng ra sao. Còn có chính sách trường kỳ, có tính dự báo trước thì có lẽ chưa có. Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, cụ thể đối với Trung Quốc trên Biển Đông.
RFA : RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã giành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn : RFA, 23/02/2024
****************************
Mục đích các tàu khảo sát của Trung Quốc : vẽ chữ "Trung" trên vùng biển Việt Nam
RFA, 23/02/2024
Như ở bài trước đã chỉ ra, trong năm 2023,Việt Nam và Philippines áp dụng hai chiến thuật khác nhau đối với áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông : Việt Nam im lặng trên truyền thông còn Philippines công khai các hành vi của Trung Quốc ra toàn thế giới. Hai cách thức ứng xử này liệu có dẫn đến hai kết quả khác nhau trong năm 2024 và dài hạn ?
Đường di chuyển của tàu khảo sát Trung Quốc trong hai tháng 5 và 6, 2023 theo mô hình chữ "Trung" ( "中") ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Raymond Powell / Sealight Project
RFA đặt câu hỏi với ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford, về lý do các tàu khảo sát của Trung Quốc khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đường đi theo hình ngang và dọc đều đặn như hình bàn cờ.
Ông Powell cho biết mô hình di chuyển như vậy không có ý nghĩa nhiều về mặt kỹ thuật như để vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hay để khảo sát địa chất. Ông cho rằng có thông điệp chính trị nhiều hơn :
"Nhìn vào mô hình đường đi khảo sát của các tàu khảo sát trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta ngạc nhiên về đường đi kì lạ của nó.
Theo tôi, lời giải thích hợp lý duy nhất là Trung Quốc thực sự muốn vẽ một ký tự trong chữ Trung Quốc, chữ "Trung" 中, nghĩa là "Trung Quốc".
Về cơ bản nó gửi một thông điệp tới Việt Nam rằng Trung Quốc coi các mỏ dầu ở Bãi Tư Chính là thuộc về Trung Quốc.
Đó là một hành động rất táo bạo và quyết đoán. Tôi nghĩ nó báo hiệu rằng các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên".
Lập luận như vậy, ông Powell cho rằng mặc dù Việt Nam cố gắng giữ mức độ căng thẳng ở mức thấp, và tất nhiên điều đó giúp Việt Nam dễ thở hơn, nhưng không ai dám chắc năm 2024 và các năm tới, tàu Hải cảnh Trung Quốc sẽ giảm xâm nhập và tuần tra trong EEZ của Việt Nam.
Theo ông Powell, kiểm soát truyền thông về các hoạt động cưỡng bách của Trung Quốc trên Biển Đông gần như là chiến lược điển hình của Việt Nam đối với đại cường phía bắc trong nhiều năm qua, trừ một số ngoại lệ. Ông nói :
"Tôi đã ở Hà Nội vào năm 2014 trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981. Lúc đó Việt Nam thực hiện chiến lược ngược lại. Việt Nam đã tung ra các video về tất cả cảnh đâm tàu và bắn vòi rồng của Trung Quốc xung quanh giàn khoan dầu. Tôi nghĩ vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng với Trung Quốc đã leo thang. Nó gây ra một số vấn đề trong nội bộ Việt Nam khi một số cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vào thời điểm đó, điều đó cũng khiến Trung Quốc ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó đã mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy. Tôi tin rằng Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định.
Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định nội bộ bởi vì đó là một chế độ cộng sản. Đối với họ, duy trì sự ổn định nội bộ, để người dân không trở nên quá đỗi giận dữ là điều rất quan trọng.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng muốn có thể quản lý xung đột với Trung Quốc một cách cẩn thận. Và một lần nữa, như bạn đã đề cập, tôi nghĩ họ tin rằng giọng điệu nhẹ nhàng sẽ mang lại cho họ thành công".
Tuy vậy, ông Powell cho rằng, về lâu dài, ông không tin chiến thuật im lặng trên truyền thông của Việt Nam sẽ có hiệu quả trong việc ngăn cản Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tuần tra ngày càng nhiều hơn trong vùng đặc quyền kinh tế, khảo sát thềm lục địa và các mỏ dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn và Tư Chính Vũng Mây ngoài khơi bờ biển phía nam của mình.
RFA đặt câu hỏi với ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, rằng nếu Việt Nam im lặng trên truyền thông về các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, liệu hai nước này có một cơ chế nào khác để giải quyết xung đột trên Biển Đông ? Ông Greg Poling nhận xét :
"Trung Quốc và Việt Nam không có cơ chế giải quyết xung đột. Họ đã có một số nỗ lực giải quyết xung đột và những nỗ lực đó có nhiều thành công khác nhau. Họ có các cuộc tuần tra chung hàng năm của Cảnh sát biển ở Vịnh Bắc Bộ mà cả hai bên đã công bố rộng rãi. Nhưng tất nhiên những điều đó chẳng làm được gì cả. Họ thậm chí chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ".
Theo ông Greg Poling, niềm tin nhất quán của Việt Nam là nước này gần gũi hơn với Trung Quốc. Nước này có lịch sử xung đột lâu dài hơn với Trung Quốc. Họ vẫn xảy ra nhiều vụ đụng độ bạo lực thường xuyên hơn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đặc biệt liên quan đến ngư dân Việt Nam. Họ tin rằng tranh chấp không thể giải quyết được trong ngắn hạn và trung hạn".
Vì vậy, ông Poling cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn bất kỳ bên tranh chấp nào khác để ngăn chặn Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng cố gắng giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao để không lan sang một cuộc xung đột mà cuối cùng sẽ không có ích gì cho lợi ích quốc gia của mình.
Ông Poling chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục phát triển mỏ dầu khí ở Bãi Tư Chính bất chấp tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt ở đó hàng ngày, bất chấp Trung Quốc tung các tàu nghiên cứu để khảo sát thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc vẫn đang neo đậu 270 ngày một năm ở Trường Sa mà không làm gì cả.
Mặc dù chính quyền Việt Nam im lặng trên truyền thông, ông Poling cho rằng những hành vi cưỡng bách của Trung Quốc vẫn khiến nước này ngày càng ít được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và giới thượng lưu trong toàn khu vực Đông Nam Á. Các hành vi đó của Trung Quốc cũng thúc đẩy một mạng lưới quan hệ an ninh và ngoại giao mới nhằm cân bằng một Trung Quốc hung hãn hơn. Ông nói tiếp :
"Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc một phần, bởi vì mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đã không hình thành nếu không có một Trung Quốc hung hãn.
Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì đã tái sinh một Liên minh Hoa Kỳ - Philippines. Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì nhờ họ mà xuất hiện ý tưởng về bộ quy tắc ứng xử mới của Philippines với việc hợp tác Cảnh sát biển giữa một số nước trong khu vực.
Tất cả điều này đã xảy ra vì Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đang làm suy yếu lợi ích của chính mình và nước này không còn giành thêm được bất kỳ vị trí nào ở Biển Đông trong ít nhất hai năm qua".
Nguồn : RFA, 23/02/2024
Biển Đông : Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ lâu dài các nước Đông Nam Á về an ninh hàng hải
Anh Vũ, RFI, 13/02/2024
Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch lâu dài để hỗ trợ về an ninh hàng hải cho các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia trước sự bành trướng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong vùng Biển Đông.
Tầu Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản Akitsushima (PLH-32) trong một cuộc thao dợt chung với tuần duyên Mỹ và Philippines ở Biển Đông, ngày 06/06/2023. AP - Aaron Favila
Theo hãng tin Nhật NHK ngày 13/02/2024, Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) đang soạn thảo một kế hoạch 10 năm hỗ trợ cho các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia trong lĩnh vực hàng hải. Kế hoạch này là một ưu tiên tuyệt đối của Tokyo trong lĩnh vực an ninh, theo hãng tin Nhật.
Tháng trước phía Nhật đã tiến hành điều tra thực địa tại Philippines và Indonesia. Trong khoảng tháng Tư, các công việc này dự kiến được làm với Việt Nam và Indonesia.
Kế hoạch này chủ yếu liên quan đến việc trong bị cho bốn quốc gia Đông Nam Á nói trên các loại drones, hệ thống radar và tàu tuần tra cùng với việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho an ninh hàng hàng hải. Dự kiến, từ nay đến tháng 3/2025 kế hoạch sẽ được lên chi tiết.
Trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trong vùng biển có tuyến đường hàng hải quốc tế trọng yếu.
Cho đến nay, Nhật Bản có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với nhiều nước ASEAN qua các hoạt động tập trận chung, ký kết các thỏa thuận cung cấp trang thiết bị cho lực lượng tuần duyên.
Anh Vũ
***********************
Tàu Trung Quốc truy đuổi tàu tuần tra của Philippines ở Biển Đông
RFA, 12/02/2024
Tuần duyên Philippines hôm 11/2 tố cáo các tàu Trung Quốc đã có hành động nguy hiểm đối với tàu của Philippines ở bãi cạn Scarbrough Shoal. Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng cộng sản Trung Quốc có bài viết rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã xua đuổi một tàu tuần duyên Philippines khỏi bãi cạn này nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2.
Hình do tuần duyên Philippines cung cấp được chụp vào ngày 8/2/2024 cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc có số hiệu 3105 chặn đường tàu tuần duyên Philippines có tên BRP Teresa Magbanua ở gần bãi cạn Scarborough - Philippine Coast Guard (PCG) / AFP
Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã từng do Philippines kiểm soát toàn bộ cho đến năm 2012 khi Trung Quốc điều tàu đến và chiếm kiếm kiểm soát bãi cạn này từ Philippines, ngăn cản các ngư dân Philippines đến đánh bắt ở ngư trường truyền thống này.
Tuần duyên Philippines cho biết nhiều tàu của Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các hành động nguy hiểm ở khu vực bãi cạn. Tuần duyên Philippines trong tháng này đã điều tàu đến tuần tra vùng nước này để bảo vệ các ngư dân của Philippines.
Theo tuần duyên Philippines, khi tàu của nước này thực hiện nhiệm vụ tuần tra, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã bốn lần có các hành động nguy hiểm, cắt ngang đường đi của tàu Philippines hai lần. Ngoài ra, một tàu của Philippines đã bị nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi hơn 40 lần.
Vào hồi cuối tháng trước, phía Philippines đã báo động về tình trạng một đoàn hơn 200 tàu Trung Quốc có mặt ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn của Hải cảnh Trung Quốc, Gan Yu, được Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời cho biết tàu tuần duyên Philippines số hiệu 9701 đã xâm nhập trái phép vào vùng nước ở bãi Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Huangyan nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2 bất chấp những cảnh báo từ Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc vì vậy phải có biện pháp kiểm soát tình hình và đuổi tàu Philippines ra khỏi vùng nước theo cách chuyên nghiệp và theo thông lệ.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc tố cáo Philippines đã cố tình gây hấn với với phía Trung Quốc ngày đầu năm mới và nhận định rằng hành động này sẽ không mang lại lợi ích gì, làm xói mòn lòng tin đôi bên và gây ảnh hưởng đến môi trường chính trị.
Nguồn : RFA, 12/02/2024
*****************************
Biển Đông : tàu Trung Quốc ‘vờn’ tàu Philippines
BBC, 12/02/2024
Tuần duyên Philippines tố cáo tàu Trung Quốc đã nhiều lần vờn tàu tuần tra Philippines tại vùng bãi cạn Scarborough, một điểm nóng ở Biển Đông.
Một tàu của Hải cảnh Trung Quốc (hình chụp từ tàu tuần duyên BRP Sindangan của Philippines vào ngày 10/11/2023)
Tuần duyên Philippines (PCG) đã cáo buộc tàu Trung Quốc thực hiện các hành động "nguy hiểm và chặn đầu" khi tàu của Philippines đang tuần tra gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông trong tháng này, theo Reuters.
Trong một thông cáo hôm Chủ nhật, Tuần duyên Philippines cho biết trong thời gian tàu BRP Teresa Magbanua đang thực hiện chuyến tuần tra chín ngày gần bãi cạn nói trên, bốn tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện việc theo dõi hơn 40 lần.
Bốn tàu dân quân biển Trung Quốc cũng có mặt gần bãi cạn Scarborough, theo PCG.
Tàu BRP Teresa Magbanua là một tàu tuần tra có chiều dài 97 mét do Tập đoàn đóng tàu Mitsubishi của Nhật Bản đóng. Tàu được bàn giao cho Tuần duyên Philippines vào đầu năm 2022.
Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, bãi cạn Scarborough cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền , khiến nơi đây trở thành một trong những thực thể trên biển có tranh chấp căng thẳng nhất ở Châu Á và là một điểm nóng dễ xảy ra xung đột.
PCG cho biết tàu của họ đang ở khu vực này để giúp ngư dân "không bị quấy rối thêm" trên ngư trường truyền thống.
"Các tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các hành động nguy hiểm và chặn đầu trên biển đối với tàu BRP Teresa Magbanua bốn lần, trong đó các tàu Trung Quốc cắt ngang mũi tàu PCG hai lần", Tuần duyên Philippine thông báo và cho biết thêm rằng các tàu Trung Quốc đã ngang ngược bất chấp các luật lệ quốc tế về ngăn chặn va chạm trên biển.
Trung Quốc có yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến hàng hải nhộn nhịp với lưu lượng hàng hóa lưu thông trị giá khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm. Yêu sách của Trung Quốc chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ nhật tuyên bố rằng Scarborough thuộc chủ quyền của Bắc Kinh và các hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc trong khu vực này là hợp pháp.
"Trung Quốc yêu cầu Philippines tôn trọng quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc, đồng thời chấm dứt các hoạt động xâm phạm trên biển. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển theo đúng luật pháp", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trong phản hồi trước yêu cầu bình luận từ Reuters.
Trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của Tổng thống Marcos Jr, Philippines và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý ; Bắc Kinh bác bỏ phán quyết trên.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ngừng đưa ra các yêu sách về chủ quyền cũng như thực hiện các hoạt động thực địa gây căng thẳng trên Biển Đông.
Việt Nam và Philippines là hai quốc gia chịu tác động lớn nhất từ các động thái của Trung Quốc.
Gần đây, trong chuyến thăm tới Hà Nội của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Việt Nam và Philippines đã có một số thỏa thuận về hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển của hai nước . Bước đi này được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Nguồn : BBC, 12/02/2024
Tàu chiến Mỹ, Úc, Nhật tập trận chung ở Biển Đông bất chấp Bắc Kinh
AP, VOA, 09/02/2024
Các tàu chiến của Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông bất chấp Bắc Kinh, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này.
Tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords đã thực hiện các hoạt động với các tàu hải quân từ Nhật Bản và Úc hôm 7/2 và 8/2/2024
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ giám sát hầu hết các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực cho biết tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords đã thực hiện các hoạt động với các tàu hải quân từ Nhật Bản và Úc hôm 7/2 và 8/2.
Không có thông tin nào về việc liệu các cuộc tập trận có được tiến hành gần các đảo và bãi cạn mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hay không. Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự trên ít nhất bảy hòn đảo bằng cách đổ bê tông và cát lên trên các đảo san hô. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ các hoạt động hải quân nước ngoài trong khu vực, nói rằng các ghi chép lịch sử chứng minh khu vực này thuộc về Trung Quốc.
Mỗi năm, ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế đi qua Biển Đông, nơi cũng chứa trữ lượng cá và tài nguyên khoáng sản dưới nước quan trọng.
Hoa Kỳ không có quan điểm chính thức về chủ quyền trong khu vực nhưng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, một phần dựa trên phán quyết năm 2016 của tòa án do Liên hiệp quốc hậu thuẫn ở The Hague. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về cuộc tập trận vừa kể.
Trung Tá Hải quân Earvin Taylor, sĩ quan chỉ huy của chiếc John Finn, nói trong một tuyên bố từ Hạm đội 7 : "Cuộc hải hành này củng cố mối quan hệ của chúng tôi giữa các đồng minh Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc". Ông nói thêm "Chúng tôi thúc đẩy tính minh bạch, pháp quyền, tự do hàng hải và tất cả các nguyên tắc nhấn mạnh an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Phó đề đốc Úc Jonathan Ley cho biết trong tuyên bố rằng việc triển khai như vậy là "rất quan trọng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và khả năng hoạt động cùng nhau của chúng tôi".
Mỹ, Úc và Nhật Bản cũng hoạt động cùng nhau trong một liên minh chiến lược được gọi là Bộ tứ, bao gồm cả Ấn Độ, một đối thủ của Trung Quốc ở Châu Á.
Bộ Tứ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và thúc đẩy mạnh mẽ các yêu sách lãnh thổ trên biển.
Bắc Kinh khẳng định rằng quân đội của họ hoàn toàn mang tính phòng thủ và bảo vệ quyền chủ quyền của mình, đồng thời gọi Bộ tứ là nỗ lực nhằm kiềm chế sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Hải quân của bốn nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận được coi là một phần trong sáng kiến nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng biển xung quanh Đài Loan. Trung Quốc và Nhật Bản cũng tuyên bố quyền sở hữu độc quyền đối với một nhóm đảo không có người ở trên Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát, với việc Trung Quốc thường xuyên cử tàu và máy bay đến khu vực này.
Trung Quốc áp dụng chiến thuật tương tự với Đài Loan, một đảo tự trị theo chế độ cộng hòa với 23 triệu dân mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Bắc Kinh nói sẽ chinh phục Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 8/2 cho biết họ đã phát hiện 4 tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực, và như thường lệ, họ đã nâng cấp an ninh trước Tết Nguyên đán.
Nguồn : VOA, 09/02/2024
***************************
Philippines tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông
Reuters, VOA, 09/02/2024
Philippines và Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 8/2 tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung ở Biển Đông, quân đội Philippines cho biết, là đợt tập trận mới nhất nhấn mạnh việc hai nước tiếp tục mở rộng quan hệ quốc phòng.
Một hải quân Philippines đứng trước trực thăng AgustaWestland AW109 trong cuộc tập trận giữa hải quân Philippines và Mỹ ở Biển Đông ngày 28/6/2014. Philippines và Hoa Kỳ hôm 8/2/2024 tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung ở Biển Đông, lần thứ 3 kể từ tháng 11/2023.
Cam kết an ninh giữa hai nước đồng minh theo hiệp ước đã tăng vọt trong năm qua, vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông, nơi Philippines và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau về một loạt vụ việc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Đây là lần thứ ba Philippines và Hoa Kỳ tổ chức tập trận chung ở Biển Đông kể từ tháng 11 năm ngoái, những động thái khiến Bắc Kinh tức giận và phản đối hoạt động mà họ coi là sự can thiệp của Mỹ vào sân sau của mình.
"Hoạt động này thể hiện cam kết của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao hơn nữa khả năng hàng hải của chúng tôi", Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, Romeo Brawner, nói trong một tuyên bố.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến thủy lộ có lượng thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD đi qua hàng năm, bao gồm các phần trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei.
Trung Quốc khẳng định yêu sách chủ quyền bằng sự hiện diện của một đội tàu hải cảnh đông đảo mà Philippines cáo buộc là có ý định và hành động thù địch trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc nói rằng họ đang bảo vệ lãnh thổ của mình.
Reuters
Nguồn : VOA, 09/02/2024
Philippines bác bỏ ‘những dàn xếp đặc biệt" với Trung Quốc để tiếp tế cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây
RFA, 29/01/2024
Philippines vào ngày 29/1 bác bỏ việc Bắc Kinh nói "đã có những dàn xếp đặc biệt tạm thời" với Manila để cho phép tiếp tế cho các binh sĩ Philippines đồn trú tại Bãi Cỏ Mây.
Bức ảnh này chụp vào ngày 10/11/2023 cho thấy nhân viên Hải quân Philippines trên một chiếc thuyền bơm hơi cứng (phải) chặn một chiếc thuyền vỏ nhôm của Cảnh sát biển Trung Quốc tại Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông đang tranh chấp. (HMH) - AFP
Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya được Reuters dẫn lời về bác bỏ vừa nêu, gọi đó là "sự tưởng tượng" không có thực.
Phía Trung Quốc vào ngày 27/1 cho biết lực lượng Tuần duyên Hoa Lục đã thực hiện "những sắp xếp đặc biệt tạm thời" để cho phép phía Philippines tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú trên chiến hạm BRP Sierra Madre thời Thế chiến Thứ hai được cho mắc cạn làm tiền tiêu tại khu vực Bải Cỏ Mây tranh chấp.
Theo Reuters, thông cáo của Tuần duyên Trung Quốc được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Lực lượng này Trung Quốc. Theo đó, vào ngày 21/1 một máy bay nhỏ của Philippines đã thả vật phẩm tiếp tế xuống chiếc chiến hạm mà theo Trung Quốc là " cho mắc cạn bất hợp pháp’ tại khu vực Bãi Cỏ Mây. Lực lượng Trung Quốc đã cho phép diễn ra hoạt động tiếp tế cần thiết đó ; tuy nhiên cương quyết bảo vệ chủ quyền, quyền hàng hải và quyền lợi của Hoa Lục tại khu vực Bải Cỏ Mây.
Thông cáo nêu tiếp rằng Tuần duyên Trung Quốc đã theo dõi, giám sát tình hình thực tế, kiểm soát, hành xử theo luật pháp và qui định, và thực hiện những sắp xếp đặc biệt tạm thời để phía Philippines tiếp tế những vật phẩm cần thiết thường nhật.
Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines không xác nhận hay bác bỏ hoạt động máy bay phía Philippines thả hàng tiếp tế xuống cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây ; mà chỉ nói hoạt động tiếp tế cho binh sĩ là quyền của nước mình.
Phát ngôn nhân Jonathan Malaya nói rõ "Chúng tôi không cần xin phép bất cứ ai, kể cả Tuần duyên Trung Quốc, khi tiếp té cho binh sĩ bằng bất cứ phương tiện gì- đường thủy hay đường hàng không".
Trước đây, Tuần duyên Trung Quốc đã bố trí tàu để ngăn chặn những chuyến tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên chiếc chiến hạm trở thành tiền đồn quân sự của Philippines tại Bãi Cỏ Mây, cách Palawan 190 km về phía Tây.
Trung Quốc thường xuyên yêu cầu Philippines kéo chiến chiến hạm đi trên cơ sở lời hứa mà Manila đưa ra ; tuy nhiên Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. từ chối thực hiện yêu cầu đó của Bắc Kinh.
Vào tháng 8/2023, Philippines tố cáo Tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn và phun vòi rồng vào tàu của Philippines theo định kỳ vận chuyển đồ tiếp tế đến cho binh sĩ tại Bải Cỏ Mây. Manila gọi đó là hành động quá đáng và gây hấn, phớt lờ sự an toàn của những người trên tàu và vi phạm luật pháp quốc tế.
Nguồn : RFA, 29/01/2024
****************************
Trung Quốc nói 'cho phép' Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây
BBC, 29/01/2024
Hải cảnh Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện "những sự sắp xếp đặc biệt tạm thời" cho phép Philippines tiếp tế cho quân đội đang đồn trú trên một con tàu từ thời Thế chiến II bị mắc cạn tại một rạn san hô đang tranh chấp, theo Reuters .
Tàu BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines mắc cạn từ năm 1999 và đã trở thành một điểm đồn trú quân sự trên Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 29/03/2014.
Hải cảnh Trung Quốc trước đó đã điều tàu ra ngăn cản Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho số quân đang đóng trên tàu vận tải vốn đã trở thành tiền đồn quân sự tại Second Thomas Shoal (bãi cạn mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây còn Trung Quốc gọi là Rạn Nhân Ái) thuộc quần đảo Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines 190 km.
Trong một tuyên bố trên tài khoản WeChat chính thức của mình vào cuối ngày thứ Bảy, Hải cảnh Trung Quốc cho biết họ đã cho phép tiếp tế nhu yếu phẩm nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích biển đảo của Trung Quốc tại bãi cạn này và các vùng biển lân cận.
Tuyên bố trên WeChat nêu rõ : "Vào ngày 21 tháng 1, một máy bay nhỏ từ Philippines đã thả hàng tiếp tế cho chiếc tàu chiến đang mắc cạn phi pháp".
"Hải cảnh Trung Quốc đã theo dõi và giám sát tình hình bằng thời gian thực, kiểm soát và xử lý theo luật pháp và quy định, đồng thời có những thỏa thuận đặc biệt tạm thời để Philippines tiếp tế nhu yếu phẩm hàng ngày", thông báo nêu.
Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, đưa ra đường chín đoạn cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Philippines kéo con tàu đi dựa trên lời hứa mà Manila đã đưa ra, nhưng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã bác bỏ.
Thông điệp trên WeChat hôm thứ Bảy viết rằng "các bên liên quan" ở Philippines đã cố tình đánh lừa dư luận quốc tế và phớt lờ sự thật, và rằng điều đó không có lợi cho việc giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông.
Nguồn : BBC, 29/01/2024
Mỹ - Philippines tập trận chung ở Biển Đông, Trung Quốc cũng tiến hành tuần tra
RFA, 04/01/2024
Trung Quốc tiến hành tuần tra định kỳ ở biển Đông với sự tham gia của các lực lượng không quân và hải quân trong hai ngày 3 và 4/1 vào khi Philippines và Mỹ cũng đang tiến hành tập trận và tuần tra chung ở vùng có nhiều tranh chấp này.
Một phi công đang kiểm tra lần cuối trực thăng AW109 của hải quân Philippines trên boong tàu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong cuộc diễn tập chung với Mỹ ở Biển Đông hôm 4/1/2023 - AFP Photo / Armed Forces of the Philippines
Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cho biết thông tin này nhưng không cho biết cụ thể địa điểm thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Trước đó, vào ngày 3/1, quân đội Philippines loan báo tin Mỹ và Philippines bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài hai ngày ở Biển Đông vào ngày 3/1.
Reuters dẫn thông báo của quân đội Philippines cho biết cuộc tuần tra và diễn tập chung lần này với Mỹ có sự tham gia của bốn tàu của Philippines và bốn tàu của Bộ tư lệnh Ấn độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Trong số này có một hàng không mẫu hạm, một tuần dương hạm.
Tư lệnh lực lượng quân đội Philippines Romeo Brawner được Reuters dẫn lời cho biết cuộc diễn tập lần này đánh dấu "một bước nhảy" trong liên minh giữa Mỹ và Philippines và hoạt động tương tác giữa quân đội hai nước.
"Liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, gửi ra một thông điệp cho thế giới. Chúng ta đang tiến đến một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và một khu vực Ấn độ - Thái Bình Dương mở và tự do đối mặt với các thách thức trong khu vực" – Tư lệnh Brawner phát biểu.
Quân đội Trung Quốc cho biết sẽ ở trong tình trạng báo động cao vào mọi lúc tại khu vực Biển Đông và sẽ bảo vệ chủ quyền cũng như an ninh của khu vực.
Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Trung quốc cho biết cuộc tuần tra lần này nhằm ngăn chặn các hoạt động gây rối tại Biển Đông, tạo ra những "điểm nóng".
Hồi tháng 11 năm ngoái, quân đội Mỹ và Philiipines đã bắt đầu một cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Biển Đông, đồng thời tổ chức một cuộc tập trận chung kéo dài ba ngày ở vùng nước gần Đài Loan và trong vùng biển Tây Philippines – cách mà Manila gọi vùng biển ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Cuộc tập trận chung lần này giữa Mỹ và Philippines được cho là sẽ làm Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông và gần đây đã có nhiều hành động khiêu khích đối với tàu của Philippines ở khu vực này.
RFA, 04/01/2024
**************************
Mỹ và Trung Quốc thao dượt cùng lúc ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 04/01/2024
Quân đội Trung Quốc huy động lực lượng tập huấn ở Biển Đông trong hai ngày 03-04/01/2024, cùng lúc với cuộc thao dượt giữa hải quân Philippines với Hoa Kỳ sau một loạt sự cố gần đây giữa Manila với Bắc Kinh ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền.
Hai tàu chiến BRP Jose Rizal (FF150) của Lực lượng Vũ trang Philippines, phải, và USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc của US Navy tập trận chiến thuật ở Biển Tây Philippine ngày 23/11/2023. (Lực lượng vũ trang Philippines / AP / File)
Ngày 03/01, Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc cho biết hải quân và không quân nước này tiến hành "các cuộc tuần tra bình thường" ở Biển Đông trong hai ngày, cho đến ngày 04/01, nhưng không tiết lộ chi tiết về vị trí, số quân, trang thiết bị được huy động, cũng như mục đích cuộc thao dượt. Cuộc tập trận gần đây nhất được Bắc Kinh công bố diễn ra vào tháng 11/2023 và bốn đợt khác vào tháng 9.
Thông báo được Trung Quốc đưa ra cùng lúc với đợt huấn luyện chung, cũng diễn ra trong hai ngày ở Biển Đông, giữa hải quân Philippines và nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, quân đội Hoa Kỳ khẳng định : "Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc thao dượt thường xuyên như vậy nhằm tăng cường mối quan hệ với các nước đồng minh và đối tác".
Hoạt động quân sự này của Manila và Washington bị Bắc Kinh lên án là "gây hấn", "với ý đồ phô trương sức mạnh quân sự". Ngày 04/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cáo buộc Mỹ và Philippines "gây tổn hại cho việc quản lý, kiểm soát tình hình hàng hải và những tranh chấp liên quan".
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila về tranh chấp ở Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Lực lượng tuần dương Philippines đăng nhiều video tố cáo trong tháng 12/2023, nhiều tầu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào tầu Philippines tiếp tế cho các thực thể mà Manila đòi chủ quyền, tiếp theo là vụ va chạm giữa một tầu Philippines và tầu hải cảnh Trung Quốc mà hai bên đổ lỗi cho nhau.
Trả lời AFP, nhà phân tích quân sự Michael Raska, giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, nhận định : "Biển Đông đang trở thành một vùng phòng thủ đối với Trung Quốc". Bắc Kinh tìm cách biến vùng biển rộng lớn này thành "một tuyến hàng hải do (một mình) Trung Quốc kiểm soát" nhằm gia tăng ảnh hưởng và năng lực tấn công của họ.
Thu Hằng
************************
Trung Quốc công bố hình ảnh hàng không mẫu hạm Phúc Kiến
Reuters, VOA, 04/01/2024
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố những hình ảnh mới về tàu sân bay tối tân nhất của Trung Quốc, bao gồm các đường phóng thế hệ tiếp theo có thể phóng nhiều loại máy bay hơn từ boong tàu.
Lễ hạ thủy Hàng không mẫu hạm Phúc Kiến được trình chiếu trên đài truyền hình Trung Quốc
Lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng hồi tháng 6/2022, hàng không mẫu hạm Phúc Kiến được thiết kế và chế tạo hoàn toàn trong nước.
Vẫn chưa được chạy thử trên biển, con tàu này lớn hơn và có công nghệ tân tiến hơn tàu Sơn Đông, được đưa vào hoạt động hồi năm 2019, và tàu Liêu Ninh, mà Trung Quốc đã mua lại tàu cũ từ Ukraine hồi năm 1998 và tự tân trang lại.
Truyền hình nhà nước vào tối 2/1 chiếu cảnh tàu Phúc Kiến được một con tàu nhỏ hơn lai dắt và có thể thấy cả ba đường rãnh của hệ thống phóng điện từ trên boong tàu.
"Trong năm mới, chúng tôi sẽ tận dụng từng giờ từng phút, làm việc với quyết tâm và phấn đấu để đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu càng sớm càng tốt", truyền hình nhà nước dẫn lời một sĩ quan trên tàu Phúc Kiến cho biết.
Phúc Kiến đã tiến hành các cuộc thử nghiệm bao gồm thử nghiệm neo đậu trước khi cho chạy thử trên biển mà một số nhà quan sát cho rằng có thể diễn ra trong năm 2023. Tàu sân bay này đã bắt đầu phóng thử nghiệm hệ thống máy phóng điện từ hồi tháng 11/2023, theo tờ Thời báo Hoàn cầu.
Cận cảnh tàu sân bay Phúc Kiến - Ảnh CCTV
Ngoài hàng không mẫu hạm lớp Ford, lớp tàu sân bay bằng năng lượng hạt nhân mới đang được phát triển cho hải quân Mỹ, Phúc Kiến sẽ là tàu sân bay duy nhất trên thế giới được trang bị Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) mới nhất.
Phiên bản EMALS của Trung Quốc có thể phóng nhiều loại máy bay hơn chiếc Sơn Đông hay Liêu Ninh, và cũng sẽ đáng tin cậy và tiết kiệm năng lượng hơn. Nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và tiến bộ công nghệ trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2027. Một số sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ từng nói trước đây rằng Trung Quốc sẽ tiến hành chiếm lại Đài Loan vào năm đó.
Nguồn : VOA, 04/01/2024
Cuối tháng 11/2023, Hoa Kỳ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau "khuấy động tình hình ở Biển Đông" sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Hopper có trang bị tên lửa dẫn đường hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh lên án Mỹ "xâm nhập hải phận" của Trung Quốc. Washington khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển.
Tàu khu trục USS Hopper. Ảnh minh họa do Hạm Đội 7 của Mỹ cung cấp. Navy News Photo Files/AFP/File
RFI Việt ngữ xin giới thiệu bài phỏng vấn giáo sư Barthélémy Courmont –Đại Học Công Giáo Lille, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp.
Trung Quốc không một mình một chợ
Trả lời phỏng vấn tạp chí Diplomatie số tháng 11-12/2023 đặc biệt về Biển Đông, giáo sư Courmont phân tích về chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng biển này.
Về câu hỏi trước ảnh hưởng ngày càng lớn và những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đâu là quan điểm của Mỹ đối với vùng biển này, ông Barthélémy Courmont trả lời :
"Quan điểm chính thức của Washington (…) luôn là bảo đảm một vùng biển tự do và rộng mở thiết yếu trong các hoạt động giao thương. Lập trường này phản ánh quan ngại chính đáng của Mỹ và được nhiều cường quốc khác chia sẻ, là nếu an ninh trong khu vực bị xuống cấp, thì sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu. Lập trường đó cũng thể hiện quyết tâm đối phó với những tham vọng của Bắc Kinh muốn đặt thiên hạ trước chuyện đã rồi bằng cách tăng cường khả năng (quân sự) và sự hiện diện, đặt các nước chung quanh - như Việt Nam hay Philippines vào thế thủ. Cuối cùng, (trên chính trường Mỹ) hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đương đầu với nhau trên nhiều chủ đề, nhưng riêng liên quan đến Trung Quốc thì họ lại có cùng quan điểm. Mỗi bên đều xem Bắc Kinh là thách thức lớn nhất đang đặt ra cho Hoa Kỳ (…) Vì lý do này mà tàu chiến của Mỹ thường xuyên hiện diện trong khu vực để nhắc nhở Trung Quốc không ‘một mình một chợ’".
Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông ?
Thái Bình Dương từ sau Thế Chiến Thứ Hai còn được gọi là "ao nhà của Mỹ" bởi hay lý do một là sau khi Nhật Bản đầu hàng thì Hoa Kỳ tăng cường hiện diện với khu vự này trên ba phương diện : kinh tế, ngoại giao và chiến lược. Đây đồng thời cũng là nguyện vọng của các quốc gia trong vùng muốn ngả vào vòng tay của Washington. Song do tác động từ chiến tranh Việt Nam, phải đợi khi Chiến tranh Lạnh cáo chung, thì Mỹ mới quan tâm trở lại đến khu vực Đông Nam Á, khẳng định lại ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong vùng mãi cho đến tận 1997, thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính Á Châu.
Thế rồi cũng vì căng thẳng âm ỉ với Bắc Kinh, nước Mỹ dưới thời tổng thống Obama (2009-2016) đã "xoay trục sang Châu Á, vồ vập với Philippines và Việt Nam" vào lúc mà một số nước trong vùng đã bắt đầu thận trọng trước những tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Chỉ tiếc là "chiến lược của Hoa Kỳ đã chỉ dừng lại ở hợp tác quân sự" nên không đủ sức tạo dựng niềm tin giữa Washington với các đối tác Đông Nam Á. Một số đã do dự và không dám quay lưng lại với đối tác thương mại chính là Trung Quốc.
Mỹ có những ưu thế mà Trung Quốc không có được
Theo giáo sư Courmont thuộc Viện IRIS, răn đe Trung Quốc mới là lý do chính giải thích cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Vậy thì đâu là những lợi thế và nhược điểm của Washington trong vùng biển này ?
"Xét về mặt quân sự, lá chủ bài của Washington ở Biển Đông chính là những đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Điều đó thể hiện qua một số những căn cứ quân sự, những cơ sở của Mỹ tại nhiều hải cảng. Đó là điều mà Bắc Kinh không có được. (….) Thêm vào đấy là những căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và ở đảo Guam.
Trái lại thế yếu của Washington thì gồm mức độ đáng tin cậy về sự dấn thân của Mỹ và từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Mỹ tham gia rồi đã rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP ; Lại cũng Washington rút khỏi Afghanistan (…) Thế rồi đã không thông báo trước với các đối tác trong khu vực khi thiết lập hợp tác quân sự với Anh và Úc - AUKUS".
Những nước cờ riêng của mỗi đối tác Châu Á
Cùng lúc mỗi đối tác Đông Nam Á của Hoa Kỳ đều "có những chiến lược riêng". Giáo sư Courmont đơn cử trường hợp của Philippines : Manila lúc thì theo đuổi đường lối thân Mỹ lúc lại thân Bắc Kinh. Nhưng quan trọng hơn cả theo chuyên gia Pháp này, thái độ chập chờn đó của một số nước trong khu vực cho thấy "Trọng lượng kinh tế và ảnh hưởng của Washington tại khu vực này đang bị thu hẹp lại".
Vậy đó là điều đáng mừng hay đáng lo ? Ông Barthélémy Courmont quan niệm thiên về một trong hai giả thuyết này đều không thỏa đáng.
Bởi trước hết, quyền lực tại Washington trong tay đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng cho thấy là ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á đang sụt giảm bởi Mỹ thiếu một tầm nhìn chiến lược cho toàn khu vực. Nhưng bên cạnh đó thì các nước Đông Nam Á vẫn có một sự hoài nghi, ngờ vực nào đó về đối tác Mỹ
Riêng liên quan "vị trí và vai trò của liên minh" giữa Hoa Kỳ và Philippines, giám đốc nghiên cứu viện IRIS tại Pháp nhận xét như sau : thứ nhất bang giao song phương đã trải qua nhiều "sóng gió" đặc biệt là dưới thời nhà độc tài Ferdinand Marcos và quyền lực tại Manila giờ đây đang được đặt trong tay con trai ông là tổng thống Marcos Jr.
Thế rồi bang giao đã được sưởi ấm dưới chính quyền Obama trước khi lại bị tổng thống Rodrigo Duterte thách thức khi ông này lên cầm quyền. Từ 2022 tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thể hiện lập trường thân Mỹ.
Thứ hai, mọi người không nên quên rằng, "tương tự như nhiều quốc gia khác trong khu vực" Philippines tìm cách hưởng lợi trước xung khắc Mỹ-Trung. Dưới thời nào đi chăng nữa, Manila cũng tránh phải chọn phe.
Về phía Trung Quốc, giáo sư Barthélémy Courmont không loại trừ khả năng Bắc Kinh làm căng với Philippines để đo lường mức độ thiết tha của Mỹ với đồng minh thân thiết này, và qua đó là với cả Châu Á...
Không xa Philippines, Đài Loan cũng đang chú ý theo dõi phản ứng của Hoa Kỳ…
Mỹ, lực bất tòng tâm
Mỹ có còn khả năng kềm hãm những tham vọng và đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay không ? Chuyên gia Pháp cũng khá thận trọng trong phần phân tích.
"Về mặt quân sự, Hoa Kỳ vẫn giữ được khoảng cách quan trọng ở phía trước và lợi thế đó được củng cố thêm nhờ những mối đối tác chiến lược Washington đã mở rộng với nhiều quốc gia trong vùng. Đành là Trung Quốc đã tăng tốc cải thiện khả năng quân sự nhưng cần thêm vài thập niên nữa Bắc Kinh mới giành được thế thượng phong (…) Nhưng có một thay đổi ở đây : đó là khả năng của Trung Quốc để gây áp lực đối với các nước Châu Á mà từ trước đến nay vẫn bị coi là 'bướng bỉnh'.
Về kinh tế mặc dù Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng Bắc Kinh đã lấn lướt tất cả các đối tác Đông Nam Á. Hoa Kỳ thì không đủ sức để cưỡng lại ảnh hưởng đó của Trung Quốc trong vùng. Chính quyền Biden tháng 5/2022 khởi xướng Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương IPEF để làm đối trọng với dự án Một Vành Đai Một Con Đường BRI của Trung Quốc. Nhưng đầu tư của Mỹ trong khu vực không thấm vào đâu so với những thay đổi về mặt kinh tế -và đôi khi là cả về mặt xã hội, mà các khoản đầu tư của Trung Quốc đã mang lại. (…) Tuy nhiên về ảnh hưởng ngoại giao và hình ảnh, thì Mỹ có sức thu hút lớn hơn so với Trung Quốc (…) quyền lực mềm của Mỹ lôi cuốn hơn (…)".
Nguy cơ xung đột ?
Sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á trên biển, trên không đã nhiều lần xuýt gây ra sự cố với quân đội Trung Quốc. Có khả năng tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát hay không ?
Theo chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, nguy cơ căng thẳng leo thang là có thực khi nhìn vào "chiều sâu" mối hiềm khích giữa hai cường quốc này. Những sự cố như hồi tháng 5/2023 khi máy bay của Hoa Kỳ và Trung Quốc áp sát vào nhau, sẽ thường xuyên xảy ra chung quanh khu vực eo biển Đài Loan và ở Biển Đông.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc sẽ lao vào một cuộc xung đột ở quy mô lớn bởi hai quốc gia này "bị gắn chặt vào nhau và cho dù đang trong thế cạnh tranh về nhiều mặt, nhưng cả tại Washington lẫn Bắc Kinh mỗi bên đều ý thức được là phải duy trì đối thoại".
Washington và Bắc Kinh cùng có nhu cầu chứng minh với công luận trong nước là không "nhượng bộ đối phương một ly tấc nào (…) Trung Quốc hô hào chấm dứt mô hình xoay quanh thế giới phương Tây chẳng qua là để huy động và thuyết phục người dân về tính chính đáng của đảng Cộng Sản, đồng thời gây sức ép với các nước phương Tây.
Về phía Hoa Kỳ chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng tương tự như chủ trương xoay trục sang Châu Á của tổng thống Obama hay các cuộc chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền ông Trump, cũng chỉ nhằm mục đích nêu nêu bật mối đe dọa Trung Quốc và qua đó là để tìm cách đối phó".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 01/11/2023