Mỹ tố cáo chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát oanh tạc cơ B-52 một cách nguy hiểm trên Biển Đông
Trọng Nghĩa, RFI, 27/10/2023
Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) ngày 26/10/2023, đã tố cáo hành động của một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát qua một oanh tạc cơ B-52 một cách nguy hiểm trên Biển Đông.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc được trông thấy ở Biển Đông, ngày 24/10/2023. AP
Vụ việc xẩy ra đêm 24/10. Theo INDOPACOM, khi đang tiến hành các hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế trên Biển Đông, một oanh tạc cơ B-52 của Không Quân Mỹ đã bị một chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc áp sát..
Kênh truyền thông Mỹ ABC trích dẫn một số quan chức Hoa Kỳ đánh giá rằng phi công Trung Quốc đã có những hành vi "thiếu chuyên nghiệp", bay sát phi cơ Mỹ chỉ cách khoảng 3 mét, với một tốc độ nhanh đến mức "không thể kiểm soát được", khiến cả hai máy bay có nguy cơ va chạm. Tình huống còn nguy hiểm hơn nữa khi vụ việc xẩy ra vào ban đêm.
Theo Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, vụ việc hôm 24/10 là vụ mới nhất trong chuỗi hơn 180 hành vi "không an toàn, thiếu chuyên nghiệp và các hành vi khác nhằm cản trở khả năng tiến hành các hoạt động an toàn của Hoa Kỳ và các quốc gia khác" kể từ mùa thu năm 2021.
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã công bố video và mô tả 15 trường hợp gần đây về cái mà họ gọi là "hành vi hoạt động cưỡng bức và gây rủi ro" của Không Quân Trung Quốc nhắm vào phi cơ Mỹ, mặc dù chưa có trường hợp nào liên quan đến oanh tạc cơ Hoa Kỳ.
Thông tin về sự cố trên Biển Đông được phía Mỹ đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ không phải một bên trong vấn đề Biển Đông và lời hứa của Mỹ về việc bảo vệ Philippines không được làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích trên biển của Bắc Kinh.
Theo hãng tin Anh Reuters, tại buổi họp báo thường kỳ ngày 26/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã nhấn mạnh rằng Mỹ "không có quyền can dự vào các vấn đề giữa Philippines và Trung Quốc".
Những thông tin về quan hệ căng thẳng Mỹ Trung xuất hiện trong bối cảnh ngoại trưởng Vương Nghị đang công du Hoa Kỳ, đã thừa nhận Mỹ và Trung Quốc có những bất đồng, nhưng cũng có những lợi ích chung quan trọng và cần phải tăng cường đối thoại để giảm bớt hiểu lầm.
Theo Reuters, trong ngày 26/10, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken tại Washington và bày tỏ hy vọng rằng quan hệ song phương Mỹ-Trung sẽ trở nên ổn định và bền vững hơn.
"Chúng ta có những khác biệt, nhưng cũng chia sẻ những lợi ích quan trọng và cả những thách thức chung. Do đó, Mỹ và Trung Quốc cần phải đối thoại sâu sắc và toàn diện, nhằm giảm bớt hiểu lầm. Chúng tôi hy vọng rằng quan hệ song phương Mỹ-Trung sẽ trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững".
Trọng Nghĩa
*************************
Philippines từ bỏ ba dự án đường sắt với Trung Quốc, tìm nhà tài trợ khác
Thu Hằng, RFI, 27/10/2023
Philippines sẽ không vay vốn Trung Quốc để tài trợ cho ba dự án đường sắt trị giá hơn 5 tỉ đô la. Trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 27/10/2023, bộ trưởng Giao Thông Jaime Bautista cho biết Manila đang đàm phán với nhiều nước Châu Á khác để tìm giải pháp thay thế.
Một tuyến tàu điện ở Manila, Philippines, ngày 11/08/2015. AP - Aaron Favila
Dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, Trung Quốc chấp nhận tài trợ cho ba dự án đường sắt : dự án đường sắt dài 100 km ở miền nam đảo Mindanao, quê hương của ông Duterte, được thẩm định trị giá 81,7 tỉ peso ; dự án thứ hai là tuyến đường vận tải Subic-Clark dài 71 km trị giá 50 tỉ peso nối hai căn cứ quân sự của Mỹ trước đây và hiện là vùng thương mại ; dự án thứ ba, trị giá 175,3 tỉ peso, là tuyến đường sắt ngoại thành miền nam Manila, dài 380 km nối tỉnh Laguna với tỉnh Bicol (cực nam đảo Luçon).
Chính phủ của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã xem lại các thỏa thuận do một số dự án bị đình trệ vì hồ sơ vay vốn không được phê duyệt. Bộ trưởng Giao Thông Philippines cho rằng "Trung Quốc dường như không còn quan tâm, cho nên chúng tôi sẽ tìm các đối tác khác". "Ít nhất có hai nước Châu Á" quan tâm đến dự án thứ hai và ba, nhưng ông Bautista từ chối nêu tên vì mới chỉ bắt đầu đàm phán. Chính phủ muốn đi vay để tài trợ cả ba dự án hoặc huy động vốn từ các đối tác đa phương và công ty tư nhân.
Quyết định hủy vay tiền Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, bộ trưởng Giao Thông Philippines nhấn mạnh "các cuộc đàm phán đã không có tiến triển trước cả khi xảy ra căng thẳng hiện nay". Theo trang The Straits Times của Singapore, việc Manila chuyển hướng sang các nguồn tài chính khác có thể làm chậm tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế Philippines trong khi nhiều dự án nằm trong số dự kiến hoàn thiện trong năm 2023.
Thu Hằng
Mỹ và Indonesia lần đầu tiên đối thoại ngoại giao - quốc phòng
Trọng Thành, RFI, 24/10/2023
Hôm 23/10/2023, Hoa Kỳ và Indonesia lần đầu tiên tổ chức đối thoại cấp cao về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng. Cuộc họp diễn ra tại Washington, thủ đô Hoa Kỳ.
Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, tướng James McConville (trái), được bộ trưởng quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto (phải), và tham mưu trưởng Quân Đội Indonesia, Tướng Dudung Abdurachman đón tiếp tại Jakarta, Indonesia, ngày 12/05/2023. AP - Dita Alangkara
Sau cuộc họp, hai bên ra một tuyên bố chung tái khẳng định chủ trương của lãnh đạo hai bên trong việc nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - Indonesia thành "Đối tác chiến lược toàn diện", nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Cuộc đối thoại ngoại giao - quốc phòng nói trên được coi là "cơ hội để thúc đẩy các ưu tiên song phương trong chuyến công du của tổng thống Joko Widodo tới Washington, D.C. vào tháng 11 tới", theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Daniel Kritenbrink, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.
Thông cáo tái khẳng định việc Mỹ đánh giá cao vai trò của Indonesia với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ đối thoại Mỹ - ASEAN và hoan nghênh vai trò lãnh đạo ASEAN của Indonesia với tư cách chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023. Các quan chức Mỹ khẳng định Washington tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Phía Mỹ cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Indonesia trong việc xây dựng lòng tin hướng tới một giải pháp toàn diện, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện. Hoa Kỳ và Indonesia kêu gọi chính quyền quân sự "có hành động cụ thể để chấm dứt ngay bạo lực và tạo môi trường thuận lợi cho việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo". Các quan chức hai nước cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ trong Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về khủng hoảng Miến Điện.
Với tư cách là đối tác quân sự lớn nhất của Indonesia, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết "hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng phòng thủ của Indonesia". Quan chức của cả hai nước thỏa thuận tìm cách gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, quân y, gìn giữ hòa bình, giáo dục quân sự chuyên nghiệp, cũng như các diễn tập quân sự song phương và đa phương.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ là đồng trưởng phái đoàn Mỹ cùng trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiến sĩ Ely Ratner. Dẫn đầu phái đoàn Indonesia là tổng vụ trưởng bộ ngoại giao, phụ trách Mỹ và Châu Âu Umar Hadi, và tổng vụ trưởng vụ Chiến lược quốc phòng, thiếu tướng Bambang Trisnohadi.
Trọng Thành
****************************
Biển Đông : Philippines gia tăng tuần tra hàng hải sau các hành động "hung hăng" của Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 24/10/2023
Căng thẳng Philippines và Trung Quốc gia tăng những ngày gần đây. Một quan chức Philippines hôm 24/10/2023, cho biết Manila sẽ gia tăng các cuộc tuần tra hàng hải, và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) với "quy mô hạn chế", sau các hành động hung hăng của Trung Quốc nhằm vào một đoàn tàu tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa hôm Chủ nhật, 23/10.
Tàu cảnh sát Trung Quốc (màu trắng) chặn một chiếc thuyền mang cờ Philippines dẫn đến sự cố va chạm ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh chụp màn hình từ video phát ngày 22/10/2023 via Reuters – China Coast Guard
Trang mạng ABS-CBN news dẫn lời ông Jonathan Malaya, trợ lý tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, cho biết quyết định nói trên được đưa ra khi Philippines ghi nhận “một số lượng lớn tàu dân quân biển Trung Quốc" đang hoạt động không chỉ gần Bãi Cỏ Mây (tức Second Thomas Shoal), mà còn tại Bãi cạn Scarborough và Bãi Sabin (Sabina). Phía Philippines kêu gọi Trung Quốc “hành động có trách nhiệm", tuân thủ luật pháp quốc tế, lưu ý rằng Bắc Kinh là một bên ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Philippines Eduardo M. Año có cuộc điện đàm hôm qua, 23/10, về tình hình Biển Đông. Sau cuộc điện đàm, Washington ra thông báo "tái khẳng định ủng hộ của Hoa Kỳ đối với đồng minh Philippines sau các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của Lực lượng tuần duyên Trung Quốc và lực lượng dân quân biển Trung Quốc vào ngày 22/10, nhằm cản trở hoạt động tiếp tế thường lệ của Philippines cho Bãi cạn Second Thomas". Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh là theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines, Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh, "nếu các tàu công vụ, chiến đấu cơ và lực lượng vũ trang của Philippines, bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển của Philippines bị tấn công."
Về phía Bắc Kinh, theo nhật báo Anh ngữ China Daily của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã lên án "các nỗ lực nham hiểm" của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các hành vi khiêu khích của Philippines tại Đá Nhân Ái (Ren’ai), tên Trung Quốc dùng để chỉ Bãi Cỏ Mây, và khẳng định Trung Quốc có chủ quyền tại vùng biển này. Báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay dẫn lời Ding Duo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Nam Hải (tức Biển Đông), thuộc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cảnh báo "các khẩu chiến Trung Quốc, Philippines về va chạm ở Biển Đông" có thể làm gia tăng nguy cơ "xung đột".
Trọng Thành
Biển Đông : Việt Nam có chịu "nhượng" chủ quyền để cùng Philippines chống Trung Quốc ?
Philippines muốn đạt được một thỏa thuận với Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác hàng hải ở Biển Đông. Đích thân tổng thống Marcos Jr. bày tỏ mong muốn này ngày 10/08/2023 trong buổi hội đàm chia tay với đại sứ Việt Nam mãn nhiệm Hoàng Huy Chung. Mục tiêu sâu xa là đoàn kết để đối phó với đối thủ mạnh hơn là Trung Quốc. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy có thể sẽ kéo theo những vấn đề chủ quyền chồng lấn giữa hai nước trong vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Bản đồ về các vùng tranh chấp chủ quyền chồng chéo của các nước ở Biển Đông. © RFI
Nhiều chuyên gia nước ngoài từng gợi ý rằng Việt Nam, Philippines, Malaysia - ba nước chính có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - nên ngồi lại đàm phán với nhau để hình thành một mặt trận chung, mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, liệu Hà Nội có sẵn sàng xem lại những đòi hỏi chủ quyền không ? Những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam có phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ? Việt Nam được lợi gì khi tăng cường hợp tác hàng hải với Philippines ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon), Pháp.
Laurent Gédéon : Trước tiên cần xác định được là chúng ta đang bàn về điều gì khi nhắc đến Biển Đông, đặc biệt là về quần đảo Trường Sa. Đó là một quần đảo với nhiều bãi đá ngầm mà về nguyên tắc là không phù hợp với một đời sống tự túc tại đây. Sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền với toàn bộ hoặc một phần quần đảo, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia. Để khẳng định chủ quyền, những nước này đưa quân đội đến đồn trú tại một hoặc nhiều đảo, trừ Brunei.
Nước đòi chủ quyền nhiều nhất là Trung Quốc với "đường 9 đoạn", khiến quốc gia này thành đối thủ với 5 nước còn lại. Việt Nam cũng tương tự, đòi chủ quyền với toàn bộ quần đảo, giống như Đài Loan. Nhìn chung ba nước khác tuyên bố chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Liên quan đến Việt Nam và Philippines, cả hai nước cùng đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa nhưng với quy mô khác nhau. Như đã nói, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Những tuyên bố này được thể hiện trong các bản đồ chính thức hoặc không chính thức được xuất bản trong nước và thông qua những tuyên bố thường xuyên của các lãnh đạo chính trị.
Phía Philippines chỉ đòi hỏi chủ quyền đối với những hòn đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tình trạng này tạo ra sự chồng chéo về tham vọng của Hà Nội và Manila. Và các yêu sách chồng chéo này tạo ra sự cạnh tranh giữa hai nước.
Laurent Gédéon : Để hiểu phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye liên quan như nào đến Việt Nam, cần phải nhắc lại là Hà Nội khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chủ yếu dựa trên những lập luận lịch sử, trong đó có kiến thức cổ xưa khẳng định sự tồn tại của hai quần đảo này là do ngư dân Việt Nam thường xuyên lui tới.
Tuy nhiên, nếu như Việt Nam có thể chứng minh được rằng quần đảo Hoàng Sa được hoàng đế Gia Long trực tiếp quản lý vào năm 1816, sau đó được hoàng đế Minh Mạng xác nhận vào năm 1833 thì đối với quần đảo Trường Sa lại khó hơn. Cần nhớ rằng Pháp tuyên bố quần đảo Trường Sa là "vùng đất vô danh" (terra nullius) vào tháng 09/1930 khi chiếm hữu chúng và sau này mới trao lại cho chính quyền Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một điểm khác cần nêu lên trước khi đề cập đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam, đó là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016 chú ý đến hai điểm rất quan trọng.
Thứ nhất, Tòa nhấn mạnh đến tính vô hiệu các quyền lịch sử. Tòa cho rằng kể cả Trung Quốc cũng khẳng định có các quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông nhưng các quyền này đã bị vô hiệu vì chúng không phù hợp với các vùng đặc quyền kinh tế được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982, còn gọi là công ước Montego Bay). Như vậy, rõ ràng là tòa đã vô hiệu hóa về mặt pháp lý "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh.
Điểm quan trọng thứ hai trong phán quyết, đó là không công nhận các đá ngầm là đảo. Điều 121 của UNCLOS khẳng định "những đá ngầmkhông thích hợp cho con người tựsinh sống hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa". Khi viện dẫn điều này, Tòa Trọng Tài đã nêu rõ rằng "những cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý trong khi cấu trúc chìm khi thủy triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy".
Nói một cách khác, một đá ngầm với các điều kiện tự nhiên của chúng không thể trở thành một đá và càng không thể được coi là đảo theo luật pháp quốc tế. Điều này áp dụng đối với cả trường hợp Trung Quốc đã bồi đắp để một số thực thể ngầm nổi lên mặt nước. Chỉ tình trạng tự nhiên ban đầu mới có giá trị về luật. Nhìn từ lập trường của Tòa, những công trình bồi đắp do Bắc Kinh tiến hành ở Biển Đông không tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và càng không thể có thềm lục địa quanh những hòn đảo nhân tạo này. Tóm lại, theo Tòa Trọng Tài Thường Trực, chỉ có những vùng đặc quyền do bờ biển của các nước tạo ra là hợp pháp.
Tuy nhiên, phán quyết của Tòa lại đặt ra vài vấn đề cho Việt Nam. Thứ nhất về các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), bởi vì khác với Trung Quốc, Việt Nam không phản đối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực liên quan đến Biển Đông. Việt Nam công nhận tính hợp lệ của vùng đặc quyền kinh tế và tuyên bố quyền kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế của mình. Chúng ta nhớ rằng Hà Nội đã kịch liệt phản đối bất kỳ hành động thăm dò nào của tàu Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như trường hợp của tầu Hải Dương 8 vào tháng 07/2019. Hệ quả là Việt Nam khó có thể phản đối Manila kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cho dù bao gồm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Khó khăn thứ hai liên quan đến các đảo. Giả sử có một điều lệ cho phép Việt Nam giữ chủ quyền đối với các đảo ở quần đảo Trường Sa, phán quyết của Tòa cũng quy định rằng việc đó sẽ không bao giờ tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Điều này sẽ hạn chế khả năng tận dụng lợi thế của Việt Nam.
Khó khăn thứ ba liên quan đến tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Vì lập luận của Việt Nam tương tự với Trung Quốc, có nghĩa là những bằng chứng lịch sử, nên giả sử Hà Nội viện đến Tòa Trọng Tài Thường Trực thì Tòa cũng sẽ không ra phán quyết có lợi cho họ. Điều này khiến Việt Nam rơi vào tình trạng bế tắc pháp lý. Cho nên nếu muốn duy trì yêu sách và được luật pháp quốc tế công nhận, Việt Nam sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét lại lập luận của mình để đưa ra những yếu tố mới được chấp nhận về mặt pháp lý.
Laurent Gédéon : Về yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa có lẽ Việt Nam phải đàm phán trực tiếp với Trung Quốc trong bối cảnh cán cân vô cùng bất lợi cho Việt Nam, song đòi hỏi chủ quyền của Hà Nội đối với quần đảo Trường Sa còn phức tạp hơn nhiều, do nhiều yếu tố : Khó lập được mối liên hệ lịch sử rõ ràng của Việt Nam với Trường Sa, có nhiều nhân tố liên quan, khoảng cách địa lý không đều giữa các quốc gia với quần đảo không hẳn có lợi cho những nước nằm ở xa nhất, như trường hợp Việt Nam.
Nếu bám vào khuôn khổ pháp lý mà chúng ta đã đề cập thì Việt Nam khó có thể bỏ qua đàm phán với Philippines. Nếu các cuộc đàm phán như vậy diễn ra một ngày nào đó, rất có khả năng là chúng sẽ dẫn đến việc chia sẻ các vùng chủ quyền. Thực vậy, Việt Nam khó có thể phản đối giá trị pháp lý của những tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trừ khi đi ngược lại với luật pháp quốc tế - điều mà Hà Nội vẫn dựa vào đó để khẳng định vùng đặc quyền kinh tế mình, như chúng ta đã đề cập ở trên.
Ngoài ra còn phải bổ sung thêm một điểm quan trọng về địa-chính trị. Chúng ta thấy từ vài năm nay, căng thẳng gia tăng thường xuyên ở khu vực Đài Loan. Hoa Kỳ gia tăng ủng hộ hòn đảo, đồng thời củng cố các thỏa thuận quân sự với Manila, cho phép Mỹ tiếp cận 9 căn cứ của Philippines. Trước tình hình đó, Trung Quốc liên tục nỗ lực cải thiện năng lực quân sự và thường xuyên đe dọa can thiệp vũ trang vào Đài Loan. Đến lúc nào đó, tình hình ngày càng căng thẳng này có thể sẽ dẫn tới xung đột.
Trong trường hợp xảy ra xung đột Đài Loan, nếu như không có gì cho thấy Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp thì Philippines gần như chắc chắn sẽ có liên quan trực tiếp. Giả sử cuộc xung đột này khiến Trung Quốc yếu đi, Philippines có thể được lợi từ việc sát cánh với Hoa Kỳ, có nghĩa là Washington sẽ ủng hộ về ngoại giao đối với các yêu cầu chủ quyền của Manila. Điều này có thể sẽ xảy ra ngay cả khi lập trường chính thức của Hoa Kỳ là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền quần đảo. Do đó có thể thấy lợi ích của một thỏa thuận sớm giữa Philippines và Việt Nam vì nếu không, vị thế cũng lợi ích của Việt Nam có thể bị suy yếu trong trường hợp xảy ra xung đột.
Laurent Gédéon : Theo tôi, khó hình dung ra được là có thể giữ bí mật một thỏa thuận như vậy nếu xét tới bối cảnh chính trị - xã hội rất khác nhau giữa Việt Nam và Philippines. Tôi nghĩ là nếu có một thỏa thuận như vậy, chính quyền Việt Nam cần giảng giải cho người dân bằng cách nhấn mạnh đến việc phân chia các vùng chủ quyền sẽ không gây tổn hại đến lợi ích kinh tế và chiến lược của đất nước và sẽ tạo ra những lợi thế vồn không thể có được trong cảnh bế tắc.
Ngoài ra, không có gì cấm hình dung rằng một thỏa thuận chính thức về việc phân chia chủ quyền có thể được bổ sung thêm các thỏa thuận khác cho phép hai nước sử dụng chung một số nguồn tài nguyên. Nếu mối quan hệ giữa Hà Nội và Manila là đáng tin cậy thì điều này có thể thực hiện được và sẽ cho phép dư luận Việt Nam hiểu rõ hơn về lợi ích của một cuộc đàm phán như vậy.
Đó là sự đảo ngược hoàn toàn những phát biểu hiện nay, mà theo tôi, để làm được việc này đòi hỏi quyết tâm chính trị rõ ràng và cần một quá trình chuẩn bị trước kỹ lưỡng, lâu dài bởi vì dư luận Việt Nam sẽ phải mất vài năm để quen với cách nhìn nhận khác về quần đảo Trường Sa cùng với những thách thức liên quan đến chủ quyền Trường Sa. Nhưng tôi nghĩ là điều này có thể sẽ thuận lợi bởi lập trường của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, ngược lại sẽ không thay đổi.
Laurent Gédéon : Đúng vậy, những sự kiện này có tác động rõ ràng đối với Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ tìm cách tập hợp các nước trong vùng phản đối những yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trong một cấu trúc an ninh do Washington điều hành. Nhưng cho đến giờ, Hà Nội vẫn không muốn tham gia một cơ chế như vậy. Nhưng trên bình diện địa-chính trị, hoàn toàn có thể tự hỏi là Hà Nội sẽ được gì khi xích lại gần với Hoa Kỳ trong trường hợp Mỹ-Trung xảy ra xung đột.
Đây là một ván cược. Việc đặt cược vào thắt chặt quan hệ chiến lược Mỹ-Việt rõ ràng là đầy gay góc với Hà Nội với hai khả năng có thể xảy ra. Trường hợp thứ nhất, Trung Quốc ra khỏi xung đột ở thế mạnh. Trong giả thuyết này, nếu sát cánh quá lộ liễu với Washington, Việt Nam có nguy cơ phải trả giá, nhất là về kinh tế - lĩnh vực vốn kết nối chặt chẽ hai nước.
Ở giả thuyết thứ hai, Trung Quốc thoát khỏi xung đột trên thế yếu. Trong trường hợp này, Việt Nam có thể được lợi từ cuộc xung đột, kể cả đối quần đảo Hoàng Sa. Còn đối với quần đảo Trường Sa, Hà Nội vẫn không thể không đàm phán với Manila. Nhưng cuộc đàm phán này có thể sẽ cân bằng hơn và Hoa Kỳ có thể sẽ đóng vai trò trọng tài hơn là ủng hộ Manila. Do đó, theo tôi, Hà Nội sẽ phải tính toán tỉ lệ thiệt/hơn khi sát cánh với Washington.
Tóm lại, dù là với bất kỳ kịch bản nào, chính sách thận trọng và giữ khoảng cách của Hà Nội, hợp lý trong bối cảnh hiện tại, có lẽ sẽ phản tác dụng trong trường hợp nổ ra xung đột và có điều chỉnh lớn về cân bằng địa chính trị trong vùng.
Điều gần như chắc chắn là hiện nay, căn cứ vào lập trường bất di bất dịch của Bắc Kinh về Biển Đông và nhìn vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, Việt Nam có lẽ không có cơ hội nào giành lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua việc đàm phán với nước láng giềng và trong mọi trường hợp sẽ rơi vào thế yếu trước Philippines về Trường Sa nếu như không có đàm phán trước với Manila hoặc xích lại gần với Washington.
Do đó, chừng nào những vấn đề này được Hà Nội coi là một thách thức quan trọng, tôi cho rằng việc cần điều chỉnh các trục ngoại giao của Việt Nam có lẽ việc cần thiết để nâng cao vị thế và những tuyến bố chủ quyền của Việt Nam trong trung hạn.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 02/10/2023
Những sự kiện xảy ra gần đây ở Đông Nam Á cho thấy tình hình có vẻ đáng lo ngại : Bắc Kinh công bố "bản đồ tiêu chuẩn" mới trong đó có yêu sách "Đường 10 đoạn" Biển Đông ; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta ; Trung Quốc và Philippines lại có thêm căng thẳng ở Bãi cạn Scarborough, sau sự kiện tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.
Không sự kiện nào trong số này có thể gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu về Trung Quốc và về tình hình Biển Đông. Giới chuyên gia đã mường tượng thấy một bức tranh phức tạp về "vở kịch ngoại giao" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự kết hợp giữa ngoại giao truyền thống, ngoại giao pháo hạm và ngoại giao công chúng đã trở thành thông lệ trong khu vực : việc Trung Quốc thực hiện cái gọi là "luật pháp" - sử dụng các hệ thống và thể chế pháp lý để làm suy yếu đối phương - cùng với việc sử dụng chiến thuật "vùng xám" nhằm mục đích phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông theo những cách ít gây chiến.
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc đã liên tục gây áp lực đối với Philippines. Tháng 2, Philippines đã tố cáo Trung Quốc chiếu tia laser vào các thủy thủ của Philippines (1). Tháng 8 thì Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines (2), mới đây thì Bắc Kinh làm hàng rào phao để ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough (3).
Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên "Đường 9 đoạn" đã bị Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS đã tuyên vô hiệu vào năm 2016, nhưng điều đó không ngăn được các tàu Trung Quốc bắn tia laser và vòi rồng hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận và phong tỏa hạm đội để khẳng định chủ quyền bằng sự đe dọa, cho dù điều đó trái với luật pháp quốc tế.
Từ việc chiếu tia laser vào các tàu Philippines vào tháng 2 cho đến bắn vòi rồng và đặt phao ngăn chặn, Trung Quốc liên tục thử thách các giới hạn của sự xâm lược – tăng cường nhưng cẩn thận tránh hành động chiến tranh rõ ràng – ở Biển Đông.
Những hành động như vậy đã gây ra sự lên án mạnh mẽ từ những nước như Philippines và các quốc gia khác cũng như từ các đối thủ của Trung Quốc như Mỹ và Nhật Bản, nhưng Trung Quốc không hề tỏ ra lo lắng, thường coi hành vi đó là hợp pháp và cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Một vấn đề quan trọng đặt ra là tại sao Trung Quốc lại gây căng thẳng trên Biển Đông như vậy ? Nhằm mục đích gì ? Làm sao để chống lại hành vi trên của Trung Quốc ?
Một số cách giải thích sau đây có thể làm sáng tỏ các câu hỏi này.
Hình chụp cho thấy dân quân Trung Quốc đi xuồng thả dây hàng rào bằng phao gần bãi cạn Scarborough hôm 25/9/2023. AFP
Một vấn đề nổi cộm nhưng bị báo chí Trung Quốc lờ đi là việc Trung Quốc đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Sau khi nổi lên với tư cách là "nhà lãnh đạo trọn đời" của Trung Quốc và ra sức lấp đầy đội ngũ thân tín của mình vào các cơ quan hàng đầu của đảng như Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Bộ Chính trị, nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã phải liên tục hứng chịu những thách thức mà ông gọi là "sóng to gió lớn" trong nỗ lực giữ cho "con thuyền Trung Quốc" khỏi bị nhấn chìm.
Tuy nhiên, sự quản trị yếu kém đang khiến Trung Quốc gặp khủng hoảng lớn.
Mặc dù luật pháp và chèn ép trên biển là một phần không thể thiếu trong bộ công cụ của Bắc Kinh ngay cả trong những thời điểm thuận lợi hơn, nhưng đã có một sự gia tăng rõ ràng trùng hợp với các vấn đề trong nước của Trung Quốc – tình trạng rối loạn trên thị trường bất động sản, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và xuất khẩu giảm.
Lịch sử cho thấy các chế độ độc tài có thể có xu hướng ngoại tác hóa những tai ương trong nước của họ, chẳng hạn như trường hợp của chính quyền quân sự Argentina và quần đảo Falklands do Anh cai trị (mà Bueno Aires vẫn tuyên bố cho đến ngày nay là Malvinas) vào năm 1982 trong bối cảnh kinh tế của đất nước gặp nhiều thách thức, bao gồm cả lạm phát tăng vọt.
Trung Quốc dường như đang cố gắng tìm cách tạo cớ cho một phản ứng quân sự từ các bên tranh chấp đối lập ở Biển Đông (hoặc các đồng minh của họ), điều này sẽ kích hoạt việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc, tuy nguy hiểm hơn nhưng chính đáng về mặt pháp lý. Tuy nhiên cho đến nay chưa có quốc gia liên quan nào rơi vào bẫy của Trung Quốc như vậy. Philippines đã nhiều lần theo đuổi con đường ngoại giao để bày tỏ sự bất bình, bao gồm cả việc triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Tuy nhiên, ngoại trừ leo thang quân sự, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc dường như ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về những gì họ có thể đạt được và không có khả năng ngừng gây thù địch với các nước láng giềng.
Collin Koh, nhà phân tích an ninh khu vực của Trường S. Rajaratnam tại Singapore, cho biết : "Tôi nghĩ Trung Quốc đang cố gắng tránh trở thành nước nổ súng đầu tiên vì điều đó sẽ làm suy yếu lập trường của họ trên nhiều mặt" (4).
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND của Mỹ cũng cho biết, mặc dù việc Trung Quốc bắn vòi rồng là nguy hiểm, nhưng nó sẽ không được coi là một "cuộc tấn công vũ trang" có thể kích hoạt một hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila. "Thông thường, một cuộc tấn công vũ trang sẽ dẫn đến sự phá hủy vĩnh viễn hoặc vô hiệu hóa tài sản, có thể gây thương vong về người hoặc mất mạng" (5).
Một lý do khiến Trung Quốc có thể cảm thấy bạo dạn gia tăng căng thẳng hiện nay là nước này cho rằng họ đã đạt đến đỉnh cao thống trị ở vùng Biển Đông.
Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng sự không hài lòng đối với mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn của chính quyền Tổng thống Marcos Jr với Washington.
Mặc dù Mỹ với tư cách là cường quốc biển mạnh nhất thế giới luôn cố gắng duy trì sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng sự hiện diện của Mỹ vẫn chưa là gì so với lợi thế địa lý thực tế của Bắc Kinh. Trung Quốc là một quốc gia ven Biển Đông, chưa kể đến nhóm tiền đồn đảo nhân tạo được quân sự hóa, mang lại lợi thế chưa từng có để thể hiện sự hiện diện liên tục của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc đang thể hiện cho thấy nước này có thể khai thác bộ công cụ mở rộng chiến thuật vùng xám theo ý muốn. Nói cách khác, Bắc Kinh tin rằng họ có thể chơi trò chơi lâu dài ở Biển Đông.
Ví dụ, ở Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng thân tàu rỉ sét của tàu chiến Sierra Madre của Philippines đang mắc cạn sẽ không tồn tại quá lâu trước khi nó phải bị loại bỏ. Bắc Kinh không có động cơ nào để phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng để trục xuất người Philippines ra khỏi bãi cạn này. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể đơn giản làm suy yếu Manila cho đến khi nước này từ bỏ quyền kiểm soát bãi cạn đó.
Trước hết, các quốc gia Đông Nam Á trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần thận trọng không để bị rơi vào bẫy "nổ súng trước" của Trung Quốc.
Ngoài ra, khi Trung Quốc muốn trò chơi này kéo dài thì các nước Đông Nam Á liên quan cần phải có chiến lược đối phó Trung Quốc một cách lâu dài.
Trong một trò chơi kéo dài, việc chỉ tập trung vào đối thoại là không đủ. Phản ứng ngoại giao đồng loạt của các bên Đông Nam Á chống lại bản đồ tiêu chuẩn mới của Trung Quốc là một dấu hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, ngoại giao phải được củng cố bằng một hình thức thể hiện sự hiện diện hữu hình. Giải pháp đơn giản nhất là mua ngày càng nhiều tàu và máy bay mạnh mẽ có khả năng hoạt động trên vùng Biển Đông rộng lớn. Tuy nhiên, việc này gặp khó do hạn chế về tài chính, hoàn cảnh vốn quen thuộc với các nước trong khu vực đang tìm cách phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraine. Không thể sánh với đội tàu và máy bay của Trung Quốc, nên việc phối hợp và tối đa hóa các nguồn lực thực thi pháp luật về quân sự và hàng hải trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Các nước Đông Nam Á có thể chống lại bằng cách chẳng hạn như thắt chặt các quy định pháp lý hàng hải hiện có hoặc tạo ra các quy định mới phù hợp với luật pháp quốc tế để khẳng định lợi ích của mình. Cũng cần tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc, để đa dạng hóa thị trường trong nước nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự ép buộc kinh tế. Sẽ cần nỗ lực của cả nước để đảm bảo các chiến thuật vùng xám không gây bất hòa và gây mất đoàn kết, có thể làm tê liệt phản ứng quốc gia trước các tình huống bất ngờ ở Biển Đông.
Cuối cùng, trong khi nhận thức được những hạn chế cố hữu về mặt cấu trúc của ASEAN khiến việc đưa ra bất kỳ quan điểm thống nhất nào về tranh chấp Biển Đông trở nên khó khăn, các quốc gia thành viên có cùng chí hướng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với nhau. Những nước có tranh chấp ở Biển Đông nên bắt đầu giải quyết những vấn đề này một cách nghiêm túc, chẳng hạn như trường hợp thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam nhằm phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn hồi tháng 12/2022. Các bên liên quan trong ASEAN có thể nỗ lực hướng tới quan điểm thống nhất để tăng cường sức mạnh của mình trong các cuộc đàm phán hiện nay với Bắc Kinh về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trần Hoàng Hải
Nguồn : RFA, 29/09/2023
Tham khảo :
3. https://www.aljazeera.com/news/2023/9/24/philippines-condemns-floating-barrier-in-south-china-sea
4. https://time.com/6302515/china-philippines-south-china-sea-aggression/
5. https://time.com/6302515/china-philippines-south-china-sea-aggression/
Thoát chết trong gang tấc khi tàu Trung Quốc một lần nữa quấy rối tàu Philippines trong vùng EEZ của Manila
Chỉ mới sau 7 giờ sáng thứ Sáu 8/9/2023, các tàu Trung Quốc đã bắt đầu bu quanh tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Cabra, di chuyển đến gần và vây quanh một cách khó chịu khi tàu này hộ tống các tàu dân sự đi về phía bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là bãi Ayungin).
Tàu Hải cảnh Trung Quốc vay tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Cabra trong một cuộc đối đầu ở Biển Đông (Biển Tây Philippines) gần Bãi Cỏ Mây ngày 8/9/2023.
Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu CCG 21616 là chiếc tàu đầu tiên xuất hiện tại hiện trường – nơi cách Bãi Cỏ Mây khoảng 10 hải lý (18,5 km). Bãi Cỏ Mây là một bãi cạn thuộc Biển Đông và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Một phóng viên của tờ BenarNews, một ấn phẩm của Đài Á Châu Tự do (RFA), và một số phóng viên khác đã được cấp phép đặc biệt để đi trên tàu Cabra và một tàu cảnh sát biển khác làm nhiệm bảo vệ cho đội tàu tiếp tế, đã có dịp chứng kiến những khoảnh khắc căng thẳng trên biển.
Những cảnh tượng tương tự cho thấy sự hung hăng của các tàu Trung Quốc đã diễn ra gần đây khi các tàu Philippines thực hiện các chuyến cung cấp hàng tiếp tế cho BRP Sierra Madre – một tàu hải quân cũ kỹ và hoen gỉ được sử dụng làm tiền đồn quân sự của Manila tại bãi Cỏ Mây.
"Tàu Philippines, các bạn đang tiếp cận vùng biển Trung Quốc. Để tránh tính toán sai và hiểu lầm, hãy thông báo ý định của các bạn" – tàu hải cảnh Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo tàu Cabra của Philippines qua tín hiệu phát thanh vào khoảng 6 :30 sáng.
Đáp lại tín hiệu phát thanh, tàu Cabra khẳng định tàu này "đang thực hiện tuần tra thường lệ, hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phù hợp với luật pháp của Philippines và quốc tế".
"Đề nghị hãy tránh xa lối đi của chúng tôi theo quy định về [tránh] va chạm" – người điều hành tín hiệu phát thanh của tàu Cabra nói.
Khoảng 30 phút sau, đã có ít nhất ba tàu hải cảnh và tàu khác từ đội tàu dân quân biển của Trung Quốc tham gia vào cuộc đối đầu.
Sau đó các tàu Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động triển khai nhằm cố chặn lối đi của các tàu dân sự - các động thái được các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines mô tả là quá gần và nguy hiểm.
Bức ảnh được chụp từ drone ngày 8/9/2023 cho thấy tàu cảnh sát biển Philippines BRP Cabra bị bao vây bởi tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển Trung Quốc ở khu vực Biển Đông gần Bãi Cỏ Mây. Ảnh : Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines
Một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 21551 đã liên tục cố gắng cắt ngang đường đi của tàu Cabra nhằm tách tàu này khỏi một trong số các tàu tiếp tế.
Sau khi không vượt qua được tàu Cabra từ phía bên phải, tàu CCG 21551 sau đó đã tăng tốc để vượt qua Cabra từ phía bên trái. Khi thực hiện thao tác này, tàu Trung Quốc đi về phía Cabra và sau đó đột ngột dừng lại khi chỉ cách tàu Philippines 3 đến 5 mét – các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) cho biết.
Trong cuộc đối đầu này, ít nhất hơn chục cuộc trao đổi qua tín hiệu phát thanh cũng như thách thức và thách thức hồi đáp thách thức đã diễn ra giữa các tàu Philippines và Trung Quốc.
"Hành xử của các bạn đã vi phạm thẩm quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc. Tôi cảnh báo các bạn hãy rời khỏi khu vực ngay lập tức. Mọi hậu quả [có thể xảy ra] sẽ do các bạn gánh chịu" – một giọng nói từ tàu CCG 5305, tàu lớn nhất trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt tại hiện trường, cảnh cáo thủy thủ đoàn tàu Cabra.
Sau khi bị tách khỏi các tàu cảnh sát biển Philippines, như chủ định của các tàu Trung Quốc, các tàu dân sự Philippines đã tự tiếp tục hành trình, cập đến tàu Sierra Madre, đón được người của Lực lượng Hải quân Philippines và giao lương thực và các hàng tiếp tế khác.
Emmanuel Dangate, sĩ quan chỉ huy tàu BRP Cabra, nhìn ra ngoài từ khoang lái khi các tàu Trung Quốc cố gắng cắt ngang đường đi của tàu Cabra và hoạt động gần tàu này khi ở vùng biển gần Bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippine đánh giá chuyến tiếp tế mới nhất này thành công bất chấp cuộc chạm trán căng thẳng với các tàu Trung Quốc.
"Chuyến tiếp tế và luân chuyển người thường lệ đã tiếp tục gặp phải những triển khai nguy hiểm (hoạt động nguy hiểm), đe doạ sự an toàn của thủy thủ đoàn trên các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và các tàu tiếp tế của Philippines" – Ông Jay Tarriela, người phát ngôn về vấn đề Biển Đông của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines phát biểu trong một tuyên bố báo chí.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết, trong thời gian diễn ra vụ việc ngày thứ Sáu, họ đã ghi lại 10 trường hợp bốn tàu hải cảnh và bốn tàu dân quân biển Trung Quốc đã có những triển khai nguy hiểm (hành động nguy hiểm) đối với hai tàu cảnh sát biển BRP Cabra và BRP Sindangan của Philippines.
Hai tàu chiến Trung Quốc của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng bị phát hiện là đang theo dõi khu vực này.
Tại một thời điểm, tàu hải cảnh CCG 5305 của Trung Quốc đã nhấn còi ba lần trong khi băng qua mũi tàu BRP Sindangan của Philippines ở khoảng cách khoảng 50 đến 60 thước Anh.
Về phần mình, tàu cảnh sát biển BRP Cabra bị quây bởi 05 tàu Trung Quốc : 03 tàu dân quân biển, một tàu hải cảnh ở phía trước và một tàu hải cảnh khác phía sau.
Các thủy thủ đoàn của tàu Cabra và Sindangan - các tàu phản ứng đa năng dài 44 mét của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines - và các nhà báo trên hai tàu này đã rời đảo Palawan của Philippines vào khoảng 9 giờ sáng thứ Năm.
Hai tàu cảnh sát biển này đã được triển khai để hộ tống hai tàu tiếp thế nhỏ, tàu Unaizah May 1 và Unaizah May 2, được Hải quân Philippines giao nhiệm vụ thực hiện các chuyến tiếp tế và luân chuyển nhân sự thường kỳ.
Hai chiếc tàu gỗ chở thực phẩm, vật tư và một đợt thủy thủ mới tới Sierra Madre - một chiếc tàu thời Thế chiến II cũ kỹ. Năm 1999, Philippines đã cố tình đưa nó ra Bãi Cỏ Mây, nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp để đáp trả việc Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn gần đó.
Hai tàu Unaizah May và các tàu cảnh sát biển đã gặp nhau ở gần Bãi Sa Bin vào tối thứ Năm và hai tàu nhỏ này đã đi ở giữa hai tàu cảnh sát biển.
"Bảo vệ các tàu Unaizah May là chỉ lệnh chúng tôi nhận được" – ông Emmanuel Dangate, chỉ huy tàu Cabra nói với các phóng viên trên tàu của mình.
Quang cảnh từ buồng lái
Trong cuộc đối đầu ngày thứ Sáu, không khí trong buồng lái của tàu Cabra khá điềm tĩnh khi các tàu Trung Quốc áp sát vào tàu cảnh sát biển Philippines. Một vài thành viên của thủy thủ đoàn thậm chí còn mỉm cười và trêu đùa nhau.
Dangate - thuyền trưởng của Cabra - bình tĩnh nhìn về phía trước từ khoang lái và đưa ra các hiệu lệnh cho thủy thủ đoàn của mình.
"Những chuyến đi như thế này khơi dậy lòng yêu nước và sự hy sinh của chúng tôi" – vị sĩ quan chỉ huy này nói với nhóm phóng viên được chọn đi theo tàu để có cơ hội hiếm hoi trực tiếp chứng kiến một trong những chuyến đi tiếp tế của tàu Philippines.
Thỉnh thoảng, ông lại nhìn qua ống nhòm và hỏi nhanh thủy thủ đoàn của mình.
"Tàu kia có Hệ thống Nhận diện Tự động [AIS] không ?" - ông hỏi và chỉ vào một con tàu ở xa, trông có vẻ là tàu dân quân biển Trung Quốc.
"Dạ, không" – một thủy thủ trẻ trả lời. Điều này có nghĩa là một số tàu Trung Quốc đã tắt AIS để che dấu vị trí và các thông tin kỹ thuật của mình với các tàu khác trong khu vực.
Một tàu dân quân biển và một tàu hải cảnh Trung Quốc bơi gần tàu cảnh sát biển BRP Cabra của Philippines, ở vùng biển gần bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews
Khi của chạm trán xảy ra, một chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ - đồng minh quốc phòng chính của Manila - liên tục bay lượn trên khu vực biển này trong và sau thời gian diễn ra vụ việc. Theo các quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Phillippines, một chiếc máy bay trực thăng Black Hawk không rõ lai lịch, đã cố gắng tiếp cận những chiếc tàu gỗ. Một chiếc máy bay màu trắng không rõ lai lịch khác cũng được phát hiện.
Các tàu dân quân biển và tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục theo dõi các tàu cảnh sát biển Philippines một cách sát sao trong nhiều giờ khi các tàu Philippines chờ các tàu tiếp tế trở về từ Bãi Cỏ Mây. Các tàu Trung Quốc cuối cùng đã giải tán khi các tàu Philippines lên đường trở về Palawan vào khoảng 3 giờ chiều ngày thứ Sáu.
Giới chức Philippines đã chỉ ra rằng khác với ở các chuyến tiếp tế trước kia, Trung Quốc giờ đây triển khai các tàu hải cảnh nhỏ hơn, do đó, có thể nhanh chóng triển khai việc chặn tàu Philippines.
Trong chuyến tiếp tế ngày 22/8, hai tàu cảnh sát biển của Philippines đã có thể hộ tống các tàu dân sự tới gần Bãi Cỏ Mây hơn một chút bất chấp các động thái của Trung Quốc. Nhưng lần này, tàu cảnh sát biển Philippines chỉ có thể tới khu vực cách bãi cạn này 10 hải lý, mà theo phát ngôn viên Jay Terriela, một nguyên nhân có thể là do việc Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh nhỏ và nhanh hơn.
Cũng đáng chú ý là sự tham gia một cách chủ động hơn của các tàu dân quân biển trong việc quấy rối các tàu của Philippines trong các chuyến tiếp thế gần đây, các quan chức này cho biết.
Các tàu dân quân biển Trung Quốc bao vây cảnh sát biển BRP Cabra của Philippines, ở vùng biển gần bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews
Tranh chấp với Trung Quốc về đảo Trường Sa là nguyên nhân chính dẫn tới việc Manila quyết định khởi kiện Bắc Kinh ở một tòa án quốc tế vào năm 2012.
Vụ kiện của Philippines được coi là bước đột phá vì trước đây chưa từng có một quốc gia nào chất vấn và thách thức Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền biển của nước này tại một tòa án quốc tế.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã tuyên bố Philippines thắng kiện với một phán quyết mang tính bước ngoặt, không công nhận các yêu sách lãnh thổ rộng khắp của Bắc Kinh ở Biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên Bắc Kinh đã không thừa nhận phán quyết này, trích dẫn lịch sử và khăng khăng cho rằng Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ.
Tháng 8 năm nay, Bắc Kinh đã công bố bản đồ đường 10 đoạn mới bao phủ cả Đài Loan và gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối của các quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan.
Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia cũng là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với quần đảo Trường Sa. Đài Loan cũng là một bên tuyên bố chủ quyền.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Jakarta hôm thứ Năm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã kêu gọi các quốc gia ASEAN và các đồng minh lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hành động không an toàn của lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển của nước này.
Philippines hoàn toàn ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ" - ông Marcos nói trong cuộc họp mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng tham dự.
"Chúng tôi phải phản đối việc sử dụng các tàu cảnh sát biển và dân quân biển một cách nguy hiểm ở Biển Đông".
Camille Elemia/BenarNews
Nguồn : RFA, 12/09/2023
Việt Nam cần hết sức cảnh giác trước ‘một cạm bẫy’ hay quan điểm như cách Trung Quốc gợi ý với các nước 'khai thác chung' ở những vùng mà Trung Quốc gọi là có 'tranh chấp' chủ quyền biển đảo, nhất là trong tình hình trên Biển Đông hiện nay, nơi mà thực chất Trung Quốc thường xuyên tự biến đổi nguyên trạng và gây thành ‘tranh chấp’, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của mình với RFA Tiếng Việt.
Ông Đinh Kim Phúc đồng thời cho rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc kiên quyết từ chối đề nghị dạng này của Trung Quốc qua kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền ở các đảo tại Senkaku.
Nhà nghiên cứu lịch sử Biển Đông từ Sài Gòn cũng lên tiếng cảnh báo về việc đã có ý kiến trong người Việt Nam ở nước ngoài, qua kênh ‘hội nghị, hội thảo’ công chúng, do một số hội người Việt Nam ở nước ngoài được cho là có liên quan mật thiết với các tòa Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt ở Châu Âu điều phối, tổ chức, đưa ra gợi ý rằng Việt Nam nên chịu ‘khai thác chung’ với một bên tranh chấp, ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, vì lý do kinh tế, và nhà nghiên cứu cho rằng đây là một quan điểm có tính nguy hiểm tiềm năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho toàn vẹn chủ quyền, cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, mà chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam hoàn toàn có quyền lợi hợp pháp để làm chủ và khai thác, trong khi một yêu sách chủ quyền bằng bản đồ đường chín đoạn của một bên ‘tranh chấp’ (vốn đòi chiếm gần như toàn bộ Biển Đông) đã bị một tòa án trọng tài quốc tế (PCA) thẳng thừng bác bỏ.
Đừng quên ‘thâm ý’ của Đặng Tiểu Bình
Từ Sài Gòn, hôm 10/8/2023, nhà nghiên cứu Biển Đông, ông Đinh Kim Phúc nói rằng ý kiến của ông đưa ra nhằm phản biện quan điểm của một vị Tiến sĩ kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Almamer Warszawa, Ba Lan, tại một hội thảo tại Paris, Pháp được một cơ quan truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt đăng tải, ông Phúc nói :
"Trước hết, tôi muốn phản biện ý kiến của Tiến sĩ Lã Đức Trung ở Ba Lan tại hội thảo về chủ quyền Việt Nam tổ chức tại Paris, Pháp, bởi vì ở lời mở đầu ông Lã Đức Trung nói ông đã đọc rất nhiều nguồn tài liệu, tham khảo nhiều nguồn vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, sau đó ông mới đưa ra một ý kiến, nhưng tôi nghĩ rằng khi ông đã nói ông đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, rất nhiều ý kiến khác nhau từ trước tới giờ, nhưng ông đã quên rằng vấn đề ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ ấy, ông lại quên vế đầu. Đây là câu của Đặng Tiểu Bình mở đầu khi giải quyết với Nhật Bản vấn đề tranh chấp Biển Hoa Đông. Và quan điểm nhất quán của Trung Quốc không phải là ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’, mà là ‘chủ quyền thuộc ngã’ tức ‘cái này là của tôi’ nhưng bây giờ tôi tạm gác lại sự tranh chấp để cùng với anh khai thác. Ông Lã Đức Trung lại không nhớ được quan điểm của Đặng Tiểu Bình là ‘chủ quyền thuộc ngã’.
Và chính vì như vậy, tại sao anh không đầu tư vào trong đất nước của tôi, bằng luật đầu tư nước ngoài, bằng tất cả những quy định của nhà nước sở tại để khai thác, để tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định, cùng nhau phát triển, mà anh cứ khăng khăng rằng đây là chủ quyền của anh. Mà chúng ta biết rằng Trung Quốc hiện nay không bao giờ rút lui yêu sách ‘đường lưỡi bò’ và nhất là tuyên bố ‘chủ quyền’ của họ ở cái gọi là ‘tam sa’, rồi ‘tứ sa’, và quan điểm đó Trung Quốc ‘bất di bất dịch’ mà họ gọi là ‘bất khả kiến nghì’, vậy mà ông Lã Đức Trung lại không nhớ được điều đó".
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một số báo chí, truyền thông đã sử dụng cụm từ ‘tranh chấp’ đối với những khu vực trên Biển Đông và khu vực mà Trung Quốc vốn chưa bao giờ có chủ quyền từ trước là một sự ‘nhầm lẫn’ không thích hợp, thậm chí là ‘sai trái’, ông nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do vẫn trên quan điểm riêng :
"Không có lý gì khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực ở Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà Trung Quốc là bên đi xâm lược, tôi không dùng chữ ‘tranh chấp’, một số tờ báo ở trong và ngoài nước, hoặc các phóng viên ở hải ngoại hay nhầm lẫn khái niệm này, cứ nói đây là vùng ‘tranh chấp’, Việt Nam có ‘tranh chấp’ ; câu đó hoàn toàn sai, mà Trung Quốc là kẻ đi xâm lược và tham vọng của họ bắt đầu từ năm 1909 khi họ đi thám sát đảo Hoàng Sa của Việt Nam và họ bắt đầu tuyên bố ‘chủ quyền’. Rồi bắt đầu đến thập niên 1930, họ bắt đầu lấn xuống Trường Sa, như là ngày nay chúng ta đã biết tình hình rất rõ. Và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo phụ lục của UNCLOS 1982 đã phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng (yêu sách chủ quyền) ‘đường lưỡi bò’ không được công nhận bởi công pháp quốc tế và Trung Quốc không có chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Xin nhắc lại rằng Trung Quốc không có chủ quyền gì ở khu vực Biển Đông và lãnh thổ của Trung Quốc trong tất cả các bộ chính sử, 24 bộ chính sử của Trung Quốc, rồi các thư tịch, bản đồ của Trung Quốc đã thể hiện, biên giới của họ chỉ kéo đến đảo Hải Nam.
Chính vì vậy, nếu chúng ta quên cội nguồn lịch sử của ý chí xâm lược của Trung Quốc, tham vọng của Trung Quốc tiến về phương Nam để mở rộng bờ cõi, mở rộng an ninh của họ, để tiến ra khu vực Ấn Độ Dương, tiến về cả Châu Phi, thì chúng ta đã vướng vào một trận thế mà Trung Quốc bày ra để chúng ta sập bẫy vào ý đồ đó. Tôi phê phán ý kiến của ông Lã Đức Trung ở chỗ đó, rằng ông đã quên vế đầu của Đặng Tiểu Bình là ‘chủ quyền thuộc ngã’. Bao giờ Trung Quốc rút lui yêu sách ‘đường lưỡi bò’, bao giờ Trung Quốc rút lui yêu sách ‘Tam Sa’, ‘Tứ Sa’, thì mới nói đến vấn đề cùng khai thác. Nhưng không phải là khai thác (chung) ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, cũng không ở khu vực thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, mà chuyện đó là khai thác (chung) ở ngoài khu vực biển cả, thì mới có thể nói là cùng khai thác. Còn tất cả ai muốn vào Việt Nam khai thác, phải chấp nhận luật pháp Việt Nam, theo luật đầu tư của Việt Nam, theo các quy định, chủ trương của Việt Nam về vấn đề khai thác kinh tế biển".
Nhật Bản ứng phó chiêu ‘khai thác chung’ thế nào ?
Khi được hỏi sau khi nhận được lời ‘đề nghị, gợi ý’ từ phía Trung Quốc về việc ‘khai thác chung’ ở khu vực ‘tranh chấp’ trên Biển Hoa Đông, mà được cho là ở khu vực đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là Đảo Điếu Ngư), thì chính phủ Nhật Bản đã phản ứng ra sao và liệu có bài học gì từ đó mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói :
"Nhật Bản kiên quyết bác bỏ, không có chuyện ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ khi mà vế đầu Đặng Tiểu Bình đưa ra với thủ tướng Nhật Bản là ‘chủ quyền thuộc ngã’, và cho tới ngày nay chưa hề có một kế hoạch hành động, chưa hề có một hợp tác nào khai thác vùng biển ‘tranh chấp’ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Và tôi nói rằng thái độ kiên quyết của chính phủ Nhật Bản cũng là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…
Tôi thấy rằng chính phủ Nhật Bản rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền và họ không nhân nhượng, Nhật Bản không bao giờ nhân nhượng chủ quyền cho Trung Quốc, họ biết rằng nếu nhân nhượng một phần, thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Do đó, vấn đề Senkaku là vấn đề sống còn của Nhật Bản. Và hiện nay, chúng ta thấy rõ việc đấu tranh giữa Nhật Bản với Trung Quốc xung quanh vấn đề Senkaku vẫn còn tiếp tục, nhưng nóng lạnh thế nào là do mối quan hệ Nhật – Trung.
Và chúng ta cũng thấy rất rõ trong việc đấu tranh chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản, có một đảo mà một lần người Trung Hoa lục địa, người Hong Kong, người Ma Cao, người Đài Loan, đều ngồi chung trên một chiếc thuyền tiến ra quần đảo Senkaku, để đấu tranh chủ quyền đối với Nhật Bản, qua đó chúng ta thấy rằng giữa người Trung Quốc lục địa, người Hong Kong, người Ma Cao, người Đài Loan có thể khác nhau về ý thức hệ, có thể khác nhau về hoàn cảnh kinh tế, có thể khác nhau về quan điểm môi trường, an ninh của thế giới, nhưng họ có chung một ý kiến là họ đứng về phía dân tộc của họ và họ đấu tranh chủ quyền cho dù quốc gia, hay cộng sản".
Nhân dịp này, vẫn trên quan điểm riêng, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đặt ra một số câu hỏi về hiện tượng trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, thông qua truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt và qua một số ‘hội thảo’ công chúng tại nước ngoài, lại xuất hiện quan điểm gợi ý chính quyền Việt Nam ‘gác tranh chấp, khai thác chung’ với ‘bên tranh chấp’ ở Biển Đông như ông đã đề cập, ông nói :
"Tôi không cho rằng đây là ý kiến riêng của TS. Lã Đức Trung, mà tôi thấy toàn bộ phát biểu của ông ta tại Hội nghị tại Paris, rồi trả lời đài BBC, tôi có thể nói thật rằng nó ‘có mùi’, tức là ông ‘nói thay’ cho ai đó, hay nói thẳng ra ông ‘nói thay cho Trung Quốc’. Và Trung Quốc có từ chỗ không có gì ở Biển Đông trước năm 1909 mà bây giờ, nếu như Việt Nam hoặc một số nước Đông Nam Á chấp nhận ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ với Trung Quốc, thì Trung Quốc không mất gì cả, mà họ chỉ được. Và nên nhớ rằng, trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc, họ không bao giờ dừng lại tham vọng của họ, và họ sẽ tiến tới, được đằng chân, họ sẽ lân đằng đầu, và chúng ta biết rằng trong lịch sử phát triển ra các vùng ngoại vi của Trung Quốc, phương Nam là hướng xâm lược, hướng bành trướng thường xuyên của Trung Quốc… và nếu họ đạt được mục đích mà Việt Nam và một số nước ĐNA chấp nhận công thức của Đặng Tiểu Bình ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ là sập bẫy âm mưu thôn tính của Trung Quốc và họ có đầy đủ sức mạnh để lấn tới".
Việt Nam không bao giờ (được) chấp nhận một phương án cho dù bất cứ một ai, cho dù bất cứ một thế lực nào tác động, để Việt Nam chấp nhận công thức của Đặng Tiểu Bình vì như thế, vẫn theo phân tích của ông Đinh Kim Phúc : " Việt Nam sẽ mất tất cả, chẳng những đã ‘mất chủ quyền’ ở Hoàng Sa rồi, mà sẽ mất luôn chủ quyền ở Trường Sa, và sắp tới sẽ không còn biển để cho dân tộc Việt nhìn ra thế giới, nhìn ra tương lai để có sinh kế, tồn tại, và nếu họ nuốt trọn Biển Đông, họ sẽ không dừng lại ở khu vực đó, mà lãnh thổ Việt Nam trong nước cũng sẽ bị đe dọa bởi một quốc gia láng giềng khổng lồ nằm sát bên cạnh với đầy đủ tham vọng và âm mưu bá vương".
Đừng quên ba điều kiện Trung Quốc đặt ra ở Biển Đông
Liên hệ với điều được cho là ‘chính sách tuyên truyền’ và lập trường mới được đưa ra gần đây của Trung Quốc liên quan đàm phán về Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa nước này với các quốc gia trong khối ASEAN với ba ‘điều kiện’ được cho là cứng rắn của Bắc Kinh, mà cụ thể theo ông Đinh Kim Phúc, là thứ nhất các bên phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như họ đã tuyên bố, thứ hai không được cùng nhau khai thác với các nước ngoài khu vực mà không có ý kiến của Trung Quốc, và thứ ba nữa không được tập trận và không được liên minh với bất cứ nước nào ở ngoài khu vực Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lưu ý thêm, vẫn trên quan điểm cá nhân :
"Tôi có thể dùng từ này (có thể) Bắc Kinh dùng một số Việt kiều ở hải ngoại ‘thiếu hiểu biết’ về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông trước hết là để ‘ru ngủ’ nhà nước Việt Nam, để ‘ru ngủ’ giới nghiên cứu Việt Nam và để làm ‘mờ mắt’ giới nghiên cứu quốc tế".
Về việc có một số cơ quan truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Anh gần đây được cho là có thể đã đưa ra nhiều quan điểm ‘gây tranh cãi’ có khả năng ít nhiều gây phương hại tới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cùng các lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông, chiểu theo luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), ông Đinh Kim Phúc bình luận thêm vẫn trên quan điểm riêng của ông với RFA tiếng Việt :
"Ở đây tôi nói là (có thể) có ý đồ cá nhân phục vụ cho ai đó, với tính cách cá nhân mà mượn danh nghĩa (của cơ quan truyền thông quốc tế) để làm mất uy tín (của cơ quan đó), và mới đây hiện tượng quan điểm của Lã Đức Trung như thế tôi thấy rằng trong cơ quan truyền thông đó, (có thể) vấn đề chống phá Việt Nam, nói sai lịch sử Việt Nam, vấn đề làm lợi cho Trung Quốc là ‘có hệ thống, có chủ đích’, có ‘mục đích rất rõ ràng’, chứ không phải ‘vô tình’ về mặt truyền thông, ‘vô tình’ về mặt thông tin, lý luận hiện nay ở một xứ được cho là tự do ngôn luận, không bị ràng buộc bất cứ vấn đề nào khác. Và nếu cơ quan truyền thông quốc tế sử dụng tiếng Việt đó tỏ ra mình một cách trung thực, khách quan, đưa một dữ kiện, quan điểm của một ai đó, thì phải mở rộng lĩnh vực ra, để cho các nhà khoa học, các học giả phản biện bằng tiếng nói của mình, để phản biện lại các quan điểm đang còn thảo luận, đang còn chưa nhất trí, chứ không phải sử dụng tiếng nói của một cơ quan truyền thông ‘có uy tín’ trên thế giới để áp đặt quan điểm một chiều, làm lợi cho nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay.
Và chúng ta biết rằng hiện nay, không phải cách đây 100 năm thời Việt Nam còn non yếu, thời Việt Nam còn bị xâm lược, là thuộc địa của cường quốc phương Tây, dù Việt Nam hiện nay vẫn còn là một nước nhỏ, một nước nghèo, nhưng Việt Nam vẫn có một đội ngũ nghiên cứu có chất lượng, có chất xám, để mà sẵn sàng tranh luận lại với các luận điểm đi ngược lại quyền lợi của Việt Nam, dù là quốc gia hay cộng sản mang ý thức hệ nào đó, tôi nghĩ rằng tất cả những ai mang dòng máu Việt Nam, đều bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam hiện nay trước âm mưu thôn tính của nhà cầm quyền Trung Quốc", từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu lịch sử Biển Đông, cựu giảng viên sử học ở nhiều trường Đại học tại Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng, hôm 10/8/2023.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 11/08/2023
Trung Quốc đổ lỗi "tàu chiến, máy bay nước ngoài" làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 29/07/2023
Một số nước thường xuyên điều tàu chiến và chiến đấu cơ để "chứng tỏ sức mạnh quân sự vì lợi ích riêng của họ" đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 29/07/2023, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đưa ra những cáo buộc trên khi bình luận về Sách Trắng Quốc Phòng của Nhật Bản, đồng thời khẳng định tình hình ở hai vùng biển trên nhìn chung là ổn định.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) và các chiến hạm hộ tống của Mỹ bên cạnh hai khu trục hạm JS Ikazuchi và JS Chokai của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Thái Bình Dương. Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ ngày 19/09/2021. AP - MC2 Haydn Smith
Ông Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, chỉ trích Sách Trắng của Nhật Bản đã đưa ra một "nhận thức sai lầm" về Trung Quốc và "cố tình phóng đại điều gọi là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc". Ông cho biết Bắc Kinh đã gửi công hàm nghiêm khắc tới Tokyo, kiên quyết phản đối lời cáo buộc.
Theo Reuters, trong Sách Trắng 2023 được công bố ước đó, Nhật Bản dành một phần khẳng định "sức mạnh của quân đội Trung Quốc là thách thức chưa từng có về mặt chiến lược". Các chương trình tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga cũng khiến Tokyo lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh Ukraine do Moskva phát động. Tiền lệ dùng vũ lực để giải quyết bất đồng khiến Nhật Bản quan ngại có thể áp dụng đối với Đài Loan, được Bắc Kinh coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời.
Để giúp Đài Loan tự vệ, Hoa Kỳ thường xuyên hỗ trợ quân sự cho hòn đảo. Ngày 28/07, tổng thống Joe Biden đã cho phép một khoản viện trợ mới cho chính quyền Đài Bắc, trị giá 345 triệu đô la cho Đài Loan, bao gồm "trang thiết bị quốc phòng" và "huấn luyện quân sự". AFP trích dẫn một quan chức chính phủ Mỹ cho biết : đợt hỗ trợ này được xuất trực tiếp từ kho vũ khí của Mỹ, bao gồm nhiều thiết bị giám sát và trinh sát, đạn dược, linh kiện và một số thiết bị khác để giúp Đài Loan "tăng cường năng lực răn đe ngay từ bây giờ và trong tương lai".
Bắc Kinh chỉ trích nước ngoài làm gia tăng căng thẳng trong vùng, vào lúc quân đội Trung Quốc cũng khoanh vùng tập trận tại nơi có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Từ ngày 29/07 đến 02/08/2023, tàu thuyền bị cấm qua lại tại khu vực bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và bãi ngầm Macclesfield.
Thu Hằng
***************************
Bộ Quốc phòng Trung Quốc : Tàu, máy bay nước ngoài làm tăng căng thẳng ở Biển Đông, Hoa Đông
Reuters, VOA, 29/07/2023
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm thứ Bảy 29/7 rằng một số quốc gia thường xuyên điều tàu và máy bay "phô trương lực lượng quân sự vì lợi ích của riêng họ" đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bộ không nêu tên các quốc đó.
Máy bay và tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông (ảnh tư liệu, 2016).
Khi bình luận về một báo cáo quốc phòng của Nhật Bản chỉ ra các mối đe dọa từ Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) nói rằng các hành động như nêu trên đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực, ngay cả khi tình hình chung ở Biển Hoa Đông và Biển Đông về tổng thể vẫn ổn định.
Ông Đàm nói rằng bản báo cáo quốc phòng hàng năm của Nhật Bản thể hiện một "nhận thức sai lầm" về Trung Quốc và "cố tình phóng đại cái gọi là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc".
Trung Quốc đã giao thiệp nghiêm khắc với Tokyo, kiên quyết phản đối bản báo cáo, ông nói.
Ông cũng nhắc lại rằng Nhật Bản liên tục can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các chuẩn mực về quan hệ quốc tế, phá hoại nền tảng quan hệ Trung-Nhật và làm trầm trọng thêm tình hình ở eo biển Đài Loan.
Nhật Bản đã công bố báo cáo quốc phòng hàng năm vào tuần trước, đưa ra một đánh giá ảm đạm về nguy cơ từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, quan hệ đối tác an ninh của Trung Quốc với Nga và một nước Triều Tiên hiếu chiến.
Trong báo cáo năm ngoái, Nhật Bản mô tả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế" và làm dấy lên lo ngại rằng việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp đó đã tạo tiền lệ đe dọa an ninh của nước láng giềng Đài Loan, nơi Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình.
Vào tháng 12/2022, Nhật Bản tuyên bố tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới, tăng cường sức mạnh quân đội với quy mô lớn nhất kể từ Thế chiến II.
"Hợp tác Trung-Nga trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên cơ sở không liên kết, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba, đồng thời cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào", ông Đàm nói.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 29/07/2023
Việt Nam nên cứu xét đứng đơn kiện đơn lẻ, bên cạnh kiện tập thể Trung Quốc về xâm phạm chủ quyền ra Tòa án quốc tế
Trước các sự kiện mà Trung Quốc bị cho liên tục có các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam một cách có hệ thống, mà gần đây là đưa tàu nghiên cứu, được tháp tùng bằng nhiều tàu bè và lực lượng khác, vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền, quyền tài phán và thuộc vùng đặc quyền kinh tế, từ Sài Gòn, luật gia Hoàng Việt, nhà quan sát an ninh Biển Đông và khu vực, nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do về biện pháp mà ông cho là khả thi và căn cơ để Việt Nam nay có thể cân nhắc đối phó.
Đội tàu 'khảo sát đại dương' của Trung Quốc ở Biển Đông có thực sự hoạt động 'nghiên cứu' ? - Ảnh minh họa Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc. Ảnh : Global Security
Trước tiên, ông đánh giá về diễn biến gần nhất với các động thái của ‘tàu nghiên cứu’ Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vừa hoạt động nhiều ngày liền ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam mà Bắc Kinh bị cho là ngang nhiên tuyên bố là khu vực ‘thuộc quyền tài phán’ của Trung Quốc :
"Thực ra việc này chắc chắn là việc không tốt, điều không tốt thứ nhất là họ thách thức luật pháp và họ thách thức quyền chủ quyền của Việt Nam. Đối phó lại việc này cũng rất khó, bởi vì những quốc gia có tiềm lực hải quân và tiềm lực biển mạnh mới ngăn cản được Trung Quốc, hầu hết các nước Đông Nam Á không làm được, trong đó kể cả các quốc gia có hạm đội hải quân khá hùng mạnh ở Đông Nam Á như là Malaysia hay là Indonesia đã phải chấp nhận việc Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ. Câu chuyện tàu Hướng Dương Hồng 10 này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) không chỉ của Việt Nam, mà trong năm nay, Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc quyền của bốn quốc gia, đó là Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines, chứ không riêng gì với Việt Nam.
Thế nhưng tàu Hướng Dương Hồng 10 là tàu đa chức năng, nó không chỉ có chức năng đơn giản là nghiên cứu khoa học, nên việc để Trung Quốc nắm được những thông tin về mặt địa chất, địa lý ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải là điều tốt, nó vừa thách thức quyền chủ quyền, thách thức luật pháp quốc tế và đương nhiên nó đạt được nhiều mục đích của Trung Quốc. Và chưa kể Trung Quốc có thể đặt một số vận dụng nào đó dưới biển và sau đó họ rêu rao rằng họ đã có những hoạt động ở vùng biển đó từ rất lâu và không có quốc gia nào phản đối, như cách mà họ đã làm với ‘đường lưỡi bò’ (yêu sách bản đồ đường 9 đoạn), thì điều này cũng rất khó khăn cho quốc gia ở ven biển tại khu vực Đông Nam Á, như Việt Nam".
Tàu Xiang Yang Hong 10 rời vùng biển Việt Nam hôm 5/6/2023. Twitter/RayPowell.
Một thực tế khó khăn
Về đối sách với Trung Quốc trong việc này, nhà nghiên cứu, luật gia Hoàng Việt nói :
"Về đối sách, như đã nói là rất khó khăn, và dường như các quốc gia ở Đông Nam Á đang phải chấp nhận một thực tế là cam chịu tàu của Trung Quốc có thể xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình bất kỳ lúc nào nếu Trung Quốc muốn...
Để chống lại điều này có nhiều yếu tố. Một là phải xây dựng một lực lượng chấp pháp trên biển mạnh mẽ, bởi vì Trung Quốc vẫn đang sử dụng một thứ gọi là ‘dưới ngưỡng của chiến tranh’, cho nên hải quân không thể tham gia được, nếu có sự tham gia của hải quân thì khác nào sử dụng vũ lực trong luật quốc tế, và như vậy có thể tạo cớ cho Trung Quốc có thể có những hành động căng thẳng, mà đối với tiềm lực hải quân, có lẽ là hầu như tất cả các quốc gia Đông Nam Á cũng chưa chắc so sánh được, tức là tiềm lực này của tất cả các nước Đông Nam Á hợp lại, chưa chắc sánh được với Trung Quốc. Cho nên đấy cũng là một điều phải nên tránh. Do đó phải xây dựng một lực lượng chấp pháp trên biển, mà trong đó cụ thể là lực lượng cảnh sát biển.
Đối với Việt Nam có hai lực lượng quan trọng, đó là cảnh sát biển và kiểm ngư, nói chung là cảnh sát biển Việt Nam cũng được đầu tư khá nhiều, nhưng số lượng tàu gần như rất ít, Việt Nam có nhận được một số tàu (tuần tra) của Mỹ lớp Hamilton đã qua sử dụng và trao tặng cho Việt Nam, tốc độ với lượng choán nước cũng thấp, nên để theo đuổi được các tàu của Trung Quốc trên khu vực này cũng rất khó khăn. Do đó về lâu dài, cần xây dựng một lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư mạnh hơn, để có thể đeo bám được những đoàn tàu này của Trung Quốc và khiến cho họ phải rời ra, rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà không xảy ra một cuộc xung đột về quân sự.
Chưa kể là bốn quốc gia mà tôi có nhắc tới là Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam cũng có thể hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Hiện nay mỗi quốc gia đều có lợi ích của riêng mình, có lẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines tương đối tốt đẹp hơn và gắn chặt hơn, còn lại với hai quốc gia khác là Malaysia và Indonesia, có lẽ vẫn chưa có những hoạt động chung. Và nếu bốn quốc gia này có hoạt động chung, có những sự sát cánh với nhau, thì đó cũng là một đối trọng tương đối không nhỏ đối với những hoạt động của Trung Quốc".
Đi tìm đối sách pháp lý
Sau khi đề cập bức tranh chung về tình hình an ninh Biển Đông và quan hệ được cho là khá phức tạp giữa các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Hoàng Việt chia sẻ với RFA Tiếng Việt về khả năng Việt Nam và các bên đi tìm đối sách, ông nói :
"Thêm nữa, có lẽ trừ Philippines đã từng sử dụng biện pháp pháp lý, đó là khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài, theo phụ lục 7 của Công ước về luật biển Liên Hiệp Quốc, vào năm 2013 và phán quyết năm 2016, ba quốc gia còn lại là Việt Nam, Malaysia và Indonesia vẫn còn rất rụt rè trong việc sử dụng công luận quốc tế và đặc biệt là các tòa án quốc tế trong việc tố cáo Trung Quốc.
Để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phải sử dụng công luận quốc tế, mà không chỉ chạy theo Trung Quốc, vì hầu hết các quốc gia Đông Nam Á vẫn chạy theo Trung Quốc, Trung Quốc đưa ra kế hoạch như thế nào, họ phải chạy theo để đối phó với Trung Quốc, mà có thể phải chủ động hơn, mà muốn chủ động hơn như thế, biện pháp hòa bình tốt nhất có thể là khởi kiện ra tòa để tố cáo Trung Quốc không có tính chính danh, mà vi phạm luật pháp quốc tế.
Và điều này cũng đánh một đòn rất lớn, nếu như chỉ trong một vụ Philippines kiện Trung Quốc thôi, Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều về hình ảnh, mà nếu bốn quốc gia, trong đó ba quốc gia nối tiếp mà tôi có nhắc tới, cùng khởi kiện Trung Quốc ra tòa thì có lẽ sẽ tạo ra một làn sóng rất mạnh, và đó cũng là một điều mà các quốc gia Đông Nam Á cần phải suy nghĩ trong đối sách với Trung Quốc".
Hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2023. Marine Traffic/RFA
‘Kiện tập thể’ cụ thể nên ra sao ?
Khi được hỏi, nếu lựa chọn phương án kiện tập thể với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, được cứu xét tiến hành như gợi ý ở trên, thì vụ kiện cần được đưa ra tòa án quốc tế nào, nội dung và cách thức cụ thể ra sao, luật gia Hoàng Việt nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Đơn giản nhất, đương nhiên Trung Quốc đã không chấp nhận tất cả biện pháp đưa ra bên thứ ba, trong đó có tòa án, nên Việt Nam, Malaysia và Indonesia có thể học Philippines trong trường hợp là sử dụng Tòa Trọng tài theo phụ lục của Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc. Chẳng hạn trong trường hợp tàu Hướng Dương Hồng 10 khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khi mà ngày 25/5/2023, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu đoàn tàu của Trung Quốc ‘phải rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam’, thì người phát ngôn của phía Trung Quốc bảo rằng ‘đây là hoạt động nghiên cứu khoa học rất bình thường trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc’, như vậy nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Ở đây, tôi ví dụ Việt Nam có thể đưa vụ việc ra một Tòa Trọng tài theo phụ lục 7 của Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc, mà tòa này thì dù Trung Quốc có chấp nhận hay không chấp nhận ra tòa, cũng không phải là vấn đề quyết định, như trong trường hợp của Philippines chúng ta đã thấy rất rõ điều đó.
Và Việt Nam có thể yêu cầu tòa giải thích, thứ nhất là những con tàu như là tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vào gọi là ‘nghiên cứu khoa học’, thì có thực sự là nghiên cứu khoa học và có vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo các quy định của Công ước Luật biển hay không, đó là điều thứ nhất.
Thứ hai là Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc có ‘quyền chủ quyền và quyền tài phán’ tại đây, thì trong một phán quyết trước đó, tức là năm 2017, Tòa đã tuyên bố tất cả những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa đều không được gọi là đảo, mà chỉ cao nhất là đá, là ‘rock’ chứ không phải là ‘island’, cho nên sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa, và việc mà Trung Quốc khẳng định rằng họ có ‘quyền chủ quyền và quyền tài phán’ đối với ‘vùng đặc quyền kinh tế’ ở đấy, thì điều đó có hợp pháp, hay không hợp pháp ?
Ví dụ như những việc đó có thể đánh vào tính chính đáng của Trung Quốc, xem những tuyên bố của Trung Quốc có phù hợp với luật quốc tế hay là không, khi mà Trung Quốc là một thành viên của Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc và Trung Quốc luôn cho rằng họ là một quốc gia có trách nhiệm đối với quốc tế, trong đó có tôn trọng luật pháp quốc tế".
Phối hợp lập trường, khó dễ thế nào ?
Khi được hỏi trong một vụ kiện tập thể như vậy, Việt Nam và các bên khác, như được đề cập và gợi ý là Malaysia và Indonesia, có thể phối hợp lập trường và phối hợp nội dung khởi kiện ra sao, và điều đó có ‘khó, dễ’ ra sao tại thời điểm hiện nay, ông Hoàng Việt đáp :
"Có thể kiện tập thể, nhưng mỗi quốc gia cũng lại có thể kiện riêng. Trong luật cũng cho phép rằng một quốc gia có thể đứng ra kiện, và các quốc gia khác có thể tham gia, gọi là "intervene", vào vụ kiện. Chuyện này là bình thường.
Trong trường hợp đó có thể là kiện tập thể, nhưng tốt nhất là trong bốn quốc gia này, mỗi quốc gia đều mang những vấn đề của mình yêu cầu Tòa giải quyết, bởi vì nói cho cùng hiện nay những khu vực biển mà Trung Quốc xâm phạm vào, mỗi một quốc gia lại khác nhau.
Ví dụ như tại Malaysia, khu vực bãi Luconia, đối với Việt Nam thì liên quan khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn (hay bể Nam Côn Sơn) và một phần có thể liên quan khu vực Bãi Tư Chính, còn đối với Indonesia, Trung Quốc hay xâm phạm vùng Bắc Natuna của họ. Vậy thì mỗi quốc gia này có thể đưa một vụ kiện riêng lẻ của họ, không nhất thiết phải đưa ra những vụ kiện tập thể, hoặc là các quốc gia có thể phối hợp với nhau trong trường hợp đó. Điều này cũng tùy, tùy mỗi quốc gia, nhưng khả năng kiện tập thể cũng rất khó, do lợi ích của mỗi quốc gia khác nhau và Trung Quốc sẽ tìm cách để can thiệp.
Cho nên khả năng là mỗi nước sẽ yêu cầu Tòa có phán quyết về từng vụ cụ thể, như vậy sẽ rõ ràng và tốt hơn và đương nhiên việc mỗi quốc gia yêu cầu Trung Quốc ra tòa như vậy cũng khiến ảnh hưởng rất lớn hình ảnh của Trung Quốc trước trường quốc tế".
Khi được hỏi về độ sẵn sàng của nhà nước Việt Nam hiện nay đối với phương án khởi một vụ kiện dù là đơn lẻ, hay tập thể như gợi ý ở trên ra sao, ông Hoàng Việt nói :
"Về kiện tập thể, năm 2013 khi Philippines khởi kiện, Việt Nam cũng đã tính tới chuyện có thể tham gia hay không. Nhưng đương nhiên giữa Việt Nam và Philippines cũng có nhiều khu vực chồng lấn, cho nên Việt Nam quyết định không tham gia vụ kiện đó.
Còn về khả năng, cách đây vài năm như chúng ta còn nhớ, trong một Hội thảo về Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc đó, ông Lê Hoài Trung cũng đã có một bài phát biểu đề dẫn, trong đó nhắc tới việc là Việt Nam có thể sử dụng biện pháp pháp lý.
Và năm 2019, khi Trung Quốc có những hành động xâm phạm khu vực bồn Nam Côn Sơn mà nhiều cơ quan báo chí hay còn gọi là sự kiện Bãi Tư Chính, mặc dù nó không liên quan đến nhau, Việt Nam cũng đã xem xét khả năng phải khởi kiện Trung Quốc.
Cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc cũng đã hiểu được chuyện này, Trung Quốc biết rằng không nên vượt quá lằn ranh đỏ đối với Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Nam Á, cho nên Trung Quốc một mặt muốn đạt được mục tiêu của mình, nhưng một mặt khác không làm căng đến mức để các quốc gia đó phải khởi kiện Trung Quốc, bởi vì để các quốc gia này quyết định khởi kiện Trung Quốc, thì khi mà phải căng thẳng giống như là khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 năm 2014 vào Việt Nam, thì khả năng kiện đó lớn hơn, cho nên Trung Quốc đã tránh trường hợp đó.
Và họ đã làm một cách căng hơn, nhưng không tới mức để các quốc gia ASEANn có thể đồng loạt chống lại Trung Quốc, và chúng ta đã thấy qua phản ứng của các quốc gia Malaysia, Indonesia và Việt Nam trong thời gian qua và đặc biệt trong tháng Tư và tháng Năm năm 2023, ba nước này đã hết sức kiềm chế trong việc làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc, là bởi vì chắc có lẽ ba quốc gia này cũng cảm thấy vai trò của Trung Quốc quan trọng, đặc biệt về kinh tế, đối với khu vực Đông Nam Á, cũng như là trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn ra và những điều bất an khác vẫn đang ngự trị trong tâm trí của những quốc gia nhỏ và vừa.
Cho nên họ vẫn đang thận trọng, chính vì vậy khả năng khởi kiện vẫn có thể, nhưng có lẽ nó còn phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc, nhưng cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc đã rút kinh nghiệm, họ không làm căng tới mức các quốc gia này phải khởi kiện, đó cũng là một vấn đề đặt ra cho các nhà lãnh đạo ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam".
---------------------------
Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng từ Sài Gòn của ông Hoàng Việt, luật gia, nhà nghiên cứu pháp lý và an ninh Biển Đông và khu vực, ông cũng là thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ở phần tiếp theo của cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhà nghiên cứu này bình luận và phân tích sâu thêm về phương án Việt Nam có thể tận dụng Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) và văn phòng Đại diện Tòa này tại Việt Nam ra sao, cũng như bình luận về các khía cạnh khác về mặt chuẩn bị các yếu tố nội lực, trong đó có dư luận trong nước thế nào, nếu và khi Việt Nam quyết định cân nhắc một hành động pháp lý chính thức chống lại các yêu sách và hành vi được cho là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, mời quý vị đón theo dõi.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 09/06/2023
Ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng 20 của Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sang thăm Bắc Kinh (1/11/2022). Tuyên bố Chung hai nước khẳng định sẽ "xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển… kiểm soát tốt các bất đồng trên biển… không hành động làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp". Nhiều người hy vọng ngoại giao cây tre mềm dẻo của Hà Nội sẽ làm cho quan hệ Việt-Trung ổn định, để có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ.
Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 với nhiều tàu hộ tống tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần bãi Tư Chính, gây ra khủng hoảng mới tại Biển Đông
Nhưng Trung Quốc không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Từ ngày 7/5, họ đã cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 với nhiều tàu hộ tống tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần bãi Tư Chính, gây ra khủng hoảng mới tại Biển Đông. Trung Quốc muốn lợi dụng khoảng trống quyền lực để triển khai "âm mưu mới", bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA 2016).
Bối cảnh mới
Năm 2014, Trung Quốc đã điều dàn khoan HD-981 và hàng trăm tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, tạo ra cuộc khủng hoảng và bước ngoặt tại Biển Đông. Sau đó họ đã ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các vị trí đã chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa nhằm biến đường chín đoạn thành "chuyện đã rồi". Để làm rõ tham vọng của Trung Quốc, tôi đã có bài Trung Quốc có thể làm gì tại Biển Đông (Viet-studies, 29/2/2016).
Năm 2019, Trung Quốc lại điều tàu thăm dò dầu khí HD-8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần bãi Tư Chính để gây sức ép buộc Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) phải bỏ dở dự án dầu khí tại lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), làm Việt Nam thiệt hại hàng tỷ đô-la. Họ còn quấy rối để gây sức ép với Việt Nam và Rosneft (Nga) tại mỏ Lan Tây và Lan Đỏ. Trước tình thế mới, tôi đã có bài Việt Nam có thể làm gì tại Biển Đông (NCQT, 22/7/2019).
Những gì diễn ra tại khu vực bãi Tư Chính (7/2019) là sự tiếp nối những gì đã xảy ra trước đó (7/2017 và 3/2018) tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), như "khúc dạo đầu" cho tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Nói cách khác, đây là "ván cờ vây" kéo dài trong chiến lược "vùng xám" mà Trung Quốc giành thế thượng phong ở Biển Đông, trong khi Việt Nam cô đơn bị Trung Quốc bắt nạt, phải nhịn để "giữ đại cục".
Trung Quốc là một nước lớn nên đã tự coi mình là "thiên triều", có quyền bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn như "chư hầu". Nước nào dám chống lại luật chơi do họ áp đặt sẽ bị họ "dạy một bài học". Việt Nam đã bị Trung Quốc "dạy một bài học" năm 1979. Năm 2014, khi Trung Quốc tạo ra bước ngoặt tại Biển Đông, họ đã xô đẩy Việt Nam xích lại gần với Mỹ. Nay điều đó đang lặp lại.
Để dạy các nước khác một bài học, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại các nước nào không theo họ, bằng cách "vũ khí hóa các vấn đề kinh tế". Ví dụ, họ đã trừng phạt Úc (vì đòi điều tra nguồn gốc của Covid-19), Hàn Quốc (vì lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ), Lithuania (vì cho phép Đài Loan lập đại sứ quán). Các biện pháp trừng phạt làm cho các nước đó gặp khó khăn, nhưng cũng làm Trung Quốc thiệt hại.
Biển Đông đã nhiều lần nổi sóng do Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, với ý đồ biến nó thành cái ao của họ. Tuy thỉnh thoảng Biển Đông có khoảng lặng nhưng chỉ tạm thời vì Trung Quốc không từ bỏ tham vọng. Nay Trung Quốc âm mưu tiến thêm một bước nữa nhằm khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông, bất chấp Công ước UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.
Sau gần một thập kỷ, Trung Quốc đã phát triển về kinh tế và quân sự, tích lũy được nhiều nguồn lực. Nay Trung Quốc có tham vọng và nguồn lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, không chỉ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, mà còn vươn tới Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nay chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn trật tự thế giới và đang tạo ra các khoảng trống quyền lực để Trung Quốc lợi dụng "đục nước béo cò".
Đây là thời điểm Trung Quốc muốn tranh thủ leo thang trong "vùng xám" mà họ ở thế thượng phong, đẩy mạnh "tam chủng chiến pháp" mà họ có lợi thế ở khu vực. Trung Quốc lợi dụng cơ hội định gạt Nga khỏi các dự án dầu khí ở Biển Đông vì Nga đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc do vấn đề Ukraine. Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam ở phía đông và phía Tây khi Hà Nội chưa kịp nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược.
Phạm vi mới
Theo chuyên gia Raymond Powell (Stanford University) động thái mới của Trung Quốc tại Biển Đông và bán đảo Đông Dương đã tạo ra một thế trận mới bao vây Việt Nam, cả phía Đông và phía Tây. Trung Quốc đã xây dựng căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia, đã tập trận chung với Campuchia (3/2023) và với Lào (5/2023). Đồng thời, họ cho nhóm tàu khảo sát XYH-10 vào sâu hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (5/2023).
Căn cứ Hải quân Ream và Sân bay Dara Sakor cách Phú Quốc 20 hải lý. Đó là những điểm triển khai tác chiến tiềm năng cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Campuchia cho Trung Quốc mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ này. Mục đích chính của Trung Quốc trong việc xây dựng các căn cứ ở Biển Đông là phô diễn sức mạnh để kiểm soát không gian biển qua cách sử dụng lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển.
Những gì Trung Quốc đang làm ở căn cứ hải quân Ream chỉ là một phần của chiến thuật "vùng xám", theo đó họ xúc tiến dần từng bước như "tằm ăn dâu". Vì vậy, cần xem xét lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông trong tổng thể chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục triển khai "tam chủng chiến pháp" (gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý), để đơn phương áp đặt luật chơi của họ.
Sau khi chiếm thế thượng phong ở Biển Đông, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương. Có mấy lý do chính. Một là các đảo quốc này rất nhạy cảm về địa chiến lược đối với Mỹ và Úc. Hai là các đảo ở Nam Thái Bình Dương có mối liên quan chặt chẽ với Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong chiến lược phòng thủ bằng chuỗi đảo của Trung Quốc. Ba là các đảo này còn có ý nghĩa quan trọng về ngoại giao đối với Đài Loan.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương sẽ buộc Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ phải đáp trả. Trong khi Trung Quốc mở 8 đại sứ quán và lãnh sự quán ở các đảo Nam Thái Bình Dương thì Mỹ mở 9 đại sứ quán và lãnh sự quán ở Micronesia, Marshal, Kiribati, Samoa, Palau, Papua New Guinea, Solomon, Fiji, và Tonga. Sau Cấp cao G7 tại Hiroshima là Cấp cao QUAD tại Sydney (24/5) tập trung vào vấn đề Nam Thái Bình Dương.
Theo TS Nguyễn Khắc Giang (ISEAS), các đảo Nam Thái Bình Dương quan trọng đối với Úc cũng như các đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông quan trọng đối với Việt Nam, vì án ngữ sân sau của họ. Úc phải tăng cường phòng thủ, trong đó có dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS. Tuy khó đảo ngược được thế thượng phong của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng có thể đảo ngược ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Hành động của Trung Quốc tại ba vùng biển nói trên đều có những nét tương đồng. Một là họ coi thường luật pháp quốc tế khi đưa ra các yêu sách đối với lãnh thổ. Hai là họ lợi dụng triệt để thời điểm khu vực có "khoảng trống quyền lực". Ba là họ kết hợp chặt chẽ mục tiêu mở rộng lãnh thổ với lá bài kinh tế như "Sáng kiến Vành đai và Con đường" với bẫy nợ do các dự án xây dựng hạ tầng và "ngoại giao vắc-xin" để đối phó với đại dịch.
Theo các chuyên gia quốc tế, những hành động của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương liên quan chặt chẽ tới Biển Đông, vì cả hai đều nằm trong "chiến lược chuỗi đảo" của Trung Quốc. Hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển Nam Thái Bình Dương, biên giới Trung-Ấn và khu vực Ấn Độ Dương có nhiều điểm tương đồng với những gì nước này đã làm ở vùng biển xung quanh Nhật Bản và Đài Loan.
Lãnh đạo các nước G7 đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga và Trung Quốc bằng cách mời Tổng thống Ukraine Zelensky tới Hiroshima bên lề Cấp cao G7. Thủ tướng Nhật đã mời thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự G7 mở rộng. Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rõ tại G7 : "Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta", đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Trung Quốc "ngày càng độc đoán ở trong và ngoài nước".
Cấp cao G7 tại Hiroshima đặc biệt quan tâm đến Nam Thái Bình Dương, coi động thái Trung Quốc xâm nhập Nam Thái Bình Dương nằm trong tổng thể chiến lược bành trướng trên biển và đất liền của họ. Ngay sau G7, Tổng thống Biden có kế hoạch thăm các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương để đối phó với tham vọng của Trung Quốc, nhưng vào phút chót ông phải hủy chuyến thăm để về giải quyết vấn đề trần nợ công với Quốc hội.
Bàn cờ mới
Theo Reuters, Tổng thống Marcos Jr. đã đi thăm Mỹ (1-4/5/2023). Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Philippines trong 10 năm qua, để "cập nhật lợi ích quốc gia trong bình diện địa chính trị mới tại khu vực". Hai bên đã ký một thỏa thuận mới có tên "Hướng dẫn phòng thủ song phương" (ngày 3/5) khẳng định cam kết phòng thủ chung trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công "bất kỳ ở đâu trên Biển Đông".
Một số nhà phân tích đã lập luận rằng Philippines và Mỹ sẽ lợi hơn với "một hiệp ước phòng thủ chung ít mơ hồ hơn". Kể từ khi ký "Hiệp ước phòng thủ chung" (MDT) vào năm 1951, đây là lần đầu tiên có các hướng dẫn mới tiếp theo hàng loạt phản đối về ngoại giao của Manila trong năm qua về những gì mà Philippines gọi là "các hành động và mối đe dọa hung hăng của Trung Quốc" đối với lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.
Cùng với MDT, "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" (VFA) ký năm 1998 và "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" (EDCA) ký năm 2014, đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc để Philippines từ đó sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số lĩnh vực bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, ở dạng "chiến tranh bất đối xứng", và bất thường của chiến thuật "vùng xám".
Các nhà quan sát đã dự đoán rằng ông Marcos Jr. trúng cử sẽ có các bước đi có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa quan hệ với Mỹ trở lại nồng ấm như trước, trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ông cho rằng đến lúc Manila phải ưu tiên quan hệ với Mỹ để đối phó với những thách thức mới và triển khai "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" (EDCA) ký đầu năm.
Sau những năm cầm quyền không bình thường của Tổng thống Duterte, với chủ trương xích lại gần Trung Quốc vì lý do kinh tế và do bất hòa với Mỹ, đã đến lúc Manila phải "quay xe" trở lại với Mỹ là đồng minh truyền thống. Điều đó không chỉ vì lợi ích an ninh của Philippines hay của Mỹ, mà còn do thái độ ngạo mạn và chủ quan của Bắc Kinh đối với các nước khu vực ven Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia, và Việt Nam.
Tuy Trung Quốc có cơ hội lôi kéo một số nước khu vực (Philippines, Thailand, Campuchia và Lào) theo mình vì nhu cầu phát triển kinh tế của họ, với bẫy nợ trong chính sách "vành đai con đường" (BRI), và do một số sai lầm của Mỹ đối với đồng minh và đối tác khu vực dưới thời Chính quyền Trump, nhưng cơ hội đó chỉ là nhất thời vì một khi Mỹ điều chỉnh chính sách và các nước đó thay đổi chính phủ thì chính phủ mới sẽ xoay trục.
Theo báo Sydney Morning Herald (4/5/2023), "dữ liệu lớn" là tài sản kinh tế lớn nhất ở Biển Đông. Tương lai của toàn bộ Internet phụ thuộc vào việc bên nào thắng trong cuộc chiến thống trị tuyến đường thủy chiến lược này. Đến năm 2030, kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ có giá trị US$1000 tỷ. Ai kiểm soát được hạ tầng cáp ngầm của Châu Á-Thái Bình Dương sẽ thống trị nền kinh tế đang bùng nổ này và kiểm soát internet toàn cầu".
Nói cách khác, các luồng dữ liệu trên Internet sẽ có giá trị hơn dầu mỏ vì chứa dữ liệu giao dịch kinh doanh và bí mật quân sự. Cơ sở hạ tầng cáp ngầm của thế giới ngày càng dễ bị tổn thương không chỉ do sự phá hoại mà còn bởi hoạt động gián điệp, có thể dễ dàng thâm nhập các tuyến cáp trên lãnh thổ của họ. Đó là lý do tại sao cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ngày càng tập trung vào việc kiểm soát các mạng cáp ngầm trên toàn thế giới.
Theo TeleGeography (ở Washington DC), hơn 486 tuyến cáp quang biển chứa hơn 99% lưu lượng truy cập internet toàn cầu, phần lớn được kiểm soát bởi các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ như Alphabet, chủ sở hữu của Google, Meta, Amazon, Microsoft, và Facebook. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng một mạng cáp internet dưới biển trị giá US$500 triệu để tạo ra kết nối tốc độ nhanh nối Châu Á với Trung Đông và Châu Âu.
Mỹ đã cản trở một số dự án cáp ngầm dưới biển của Trung Quốc vì lo ngại về khả năng giám sát của Bắc Kinh. Sáu thỏa thuận về cáp biển của Google, Meta và Amazon nhằm kết nối Mỹ với Hồng Kông đã bị Mỹ cản để chặn HMN Tech (một công ty con của Hoa Vi). Để tránh kiểm soát của Trung Quốc, Facebook và Google xây dựng Apricot là tuyến cáp ngầm xuyên biển mới dài 12.000 km không qua Hồng Kông, kết nối với các nước khu vực.
Apricot loại Malaysia vì cạnh tranh Mỹ-Trung để thống trị internet toàn cầu. Năm 2022, Malaysia tham gia hệ thống cáp cao tốc Hải Nam-Hồng Kông (SEA-H2X) dài 5000 km được Trung Quốc hỗ trợ, kết nối Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines, Thái Lan, Malaysia, và Singapore. Nếu Malaysia bị Trung Quốc thao túng thì ASEAN sẽ bị hiệu ứng domino. Nay dưới thời Anwar Ibrahim, Mỹ có cơ hội hàn gắn quan hệ với Malaysia.
Động thái mới
Theo báo Tuổi trẻ, lần này Trung Quốc có hai mục tiêu chiến lược chính tại Biển Đông : Một là Trung Quốc chủ động quấy rối các hoạt động mở rộng khai thác các lô dầu khí có trữ lượng lớn của nhóm A5 (Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam) ở khu vực chồng lấn giữa EEZ của các nước A5 với "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Hai là Trung Quốc đang "giương đông kích tây" để củng cố các lập luận pháp lý mà họ có lợi thế.
Trong khi tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) khiêu khích ở bãi Tư Chính, Trung Quốc giảm áp lực thả phao đèn hiệu ở cụm Sinh Tồn. Hai sự kiện đó nhằm làm dư luận ít chú ý đến động thái Cục Quản lý Di sản Văn hóa quốc gia Trung Quốc công bố tiến độ khảo sát hai xác tàu đắm ở khu vực phía tây bắc của Biển Đông. Có thể nói, đây là giai đoạn có nhiều động thái quyết đoán và đồng bộ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các động thái đó diễn ra khi các phiên tòa phân định biển trong tương lai có xu hướng ưu tiên cho quốc gia nào có khả năng chấp pháp thực tế ở khu vực tranh chấp theo nguyên tắc "chiếm hữu thực sự". Trong bối cảnh đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) đang đến giai đoạn cuối, các bước leo thang trong phạm vi "vùng xám" chứng tỏ Trung Quốc sẽ không từ bỏ ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Theo Nghiên cứu Biển Đông (30/5/2023) từ đầu năm 2023 tới nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều đợt tác nghiệp của tàu định danh nghiên cứu khảo sát tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như tàu HD-4 vào đầu tháng 3/2023. Nhưng điều đáng nói là tàu XYH-10 đã tiến sâu hơn vào sát bờ biển Việt Nam và ngang nhiên tiến hành các hoạt động mà Trung Quốc cho là "bình thường", nhằm khẳng định "đường chín đoạn" phi pháp của họ.
Theo Reuters (8/5/2023), Trung Quốc đã cho tàu nghiên cứu XYH-10 cùng một loạt tàu hộ tống bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu dân binh biển và một số tàu không rõ định danh di chuyển tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Reuters cho rằng động thái này liên quan đến cuộc tập trận trên biển AIME 2023, của ASEAN và Ấn Độ (từ 8/5/2023), với sự tham gia của hải quân Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei.
Theo nguồn mở Marine Traffic/Sea Vision, tàu XYH-10 cùng các loại tàu hộ tống đến hết tháng 5/2023 vẫn chưa chịu rời đi và đang tạo ra cục diện rất phức tạp ở Biển Đông. Ngày 8/5, tàu XYH-10 xuất hiện ở vị trí cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 182 hải lý ; đến ngày 13/5, tàu này tiến rất sâu vào khu vực chỉ cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 47 hải lý ; đến ngày 18/5 tàu này cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 82 hải lý.
Đáng chú ý là để hộ tống XYH-10 có số lượng lớn các tàu cảnh sát biển, tàu cá dân binh và một số tàu không định danh mang cờ Trung Quốc. Sơ đồ di chuyển của các tàu đó cho thấy sự hộ tống, bám sát, bảo vệ cho XYH-10 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tạo ra cục diện mới phức tạp ở Biển Đông. Vị trí hoạt động và mức độ nghiêm trọng của XYH-10 là một bước leo thang "trước giờ chưa từng thấy" của Trung Quốc.
Thứ nhất, lần này vị trí hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đánh dấu một mốc mới khi họ tiến vào rất sâu với lộ trình hoạt động sát các lô 04-03 và lô 05-1-B&C, chỉ cách giàn khoan chính Thiên Ưng và Sao Vàng-Đại Nguyệt khoảng 10-20 hải lý. Trước đây, tàu Trung Quốc chỉ xuất hiện cách các dàn khoan của Việt Nam khoảng 50-60 hải lý.
Thứ hai, lần này số lượng tàu Trung Quốc đông một cách "bất thường" khi hộ tống XYH-10 tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu Trung Quốc gồm các tàu hải cảnh, tàu cá dân binh và những tàu không định danh. Từ đầu 2023, khoảng 30-40 tàu cá dân binh Trung Quốc đã xuât hiện dài ngày dọc bờ biển miền Trung.
Thứ ba, về mức độ nghiêm trọng, năm 2014 Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD-981 cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Tháng 8/2019, Trung Quốc đã tiến thêm một bước xuống phía Nam, cử tàu khảo sát HD-8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bãi Tư Chính 50-60 hải lý.
Lần này, Trung Quốc đã cho tàu XHY-10 tiến vào sâu hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thách thức trực tiếp các mỏ dầu khí có trữ lượng lớn thuộc địa bàn khai thác truyền thống của Việt Nam. PetroVietnam đã bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu, thăm dò tại khu vực mỏ dầu khí Thiên Ưng ngay từ thập niên 1970.
Ngày 26/5, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn BNG Trung Quốc nói rằng, "các tàu liên quan của Trung Quốc không hề đi vào vùng biển hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước khác". Theo dữ liệu từ các nguồn mở Marine Traffic/Sea Vision, phạm vi hoạt động của tàu XYH-10 đã liên tục diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước UNCLOS 1982.
Báo chí Trung Quốc cũng đã thừa nhận số lượng lớn các tàu Trung Quốc đang hiện diện ở phía Nam Biển Đông, với số lượng tàu Trung Quốc gấp 10 lần so với tàu Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên vì từ tháng 3/2023, tàu Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đối đầu ở khu vực bãi Tư Chính. Âm mưu của Trung Quốc lần này là nhằm "xóa bỏ hoàn toàn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Âm mưu mới
Tàu XYH-10 của Trung Quốc là loại tàu đa năng, vừa có thể khảo sát, vừa có thể nghiên cứu khoa học, vừa có thể phá băng. Đây là loại tàu có khả năng đâm và va đập mạnh nhưng không bị tổn hại. Với đặc điểm "đa chức năng" đó, tàu XYH-10 có tính chất nguy hiểm hơn bởi dễ dàng che giấu mục đích thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay có thể lý giải hoạt động của tàu XYH-10 dưới một số góc độ sau :
Thứ nhất, về kinh tế, tàu XYH-10 có thể hoạt động thăm dò trong quá trình triển khai "chiến lược cường quốc biển". Động thái này được đặt trong bối cảnh tăng cường phát triển "kinh tế biển" lần đầu tiên được đưa vào văn kiện báo cáo Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2022). Theo đó, Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình đang nỗ lực khai thác và phát triển kinh tế biển, trong đó "dầu khí là khâu đột phá".
Thứ hai, về chính trị-ngoại giao, hoạt động của XYH-10 nhằm gửi thông điệp mang tính "răn đe" đến các bên yêu sách trên Biển Đông. XYH-10 được triển khai trong bối cảnh Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei đang tiến hành tập trận chung trên Biển Đông lần đầu tiên năm 2023. Theo đó, Trung Quốc gắn hoạt động của XYH-10 lần này với động thái hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ là một thành viên của Bộ Tứ.
Một số đánh giá khác từ Trung Quốc đã gắn vụ XYH-10 với khả năng tăng cường hợp tác Mỹ-Việt trong thời gian tới, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Việt Nam (4/2023). Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường hợp tác với Philippines để mở thêm 4 căn cứ quân sự cho Mỹ, nhằm răn đe trực tiếp Trung Quốc. Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, việc Trung Quốc làm căng lên tại khu vực Biển Đông là điều "có thể lý giải được".
Thứ ba, Trung Quốc có thể muốn biến việc tăng cường hiện diện, khảo sát, tuần tra thành "bình thường mới" để kiểm soát Biển Đông. Ngày 1/4/2023, Uỷ ban Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc công bố bản đồ 33 đường khảo sát khoa học biển của tàu nghiên cứu khoa học biển ở vùng biển xa và vùng biển gần. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai kế hoạch điều tàu nghiên cứu khoa học đến khảo sát khoa học biển trên Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc đang dùng một mũi tên nhắm nhiều đích, dùng tàu khảo sát XYH-10 hoạt động với nhiều ý đồ khác nhau, nhưng mục đích chính của nó là nhằm thách thức trực tiếp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng yêu sách về "Tứ Sa" (hay "Nam Hải Chư đảo"), thuộc khu vực "chồng lấn", nên phạm vi hoạt động của XYH-10 hoàn toàn nằm trong vị trí 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu quốc tế từ năm 2012.
Với ý đồ biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành "khu vực chồng lấn" với yêu sách "Nam Hải chư đảo", Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982. Đồng thời, hành động nói trên của Trung Quốc đi ngược lại những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc (1/11/2022).
Thứ nhất, khu vực tàu XYH-10 hoạt động nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của UNCLOS 1982. Theo đó, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý và chế độ pháp lý tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Việt Nam có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên biển. Hoạt động của XYH-10 vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS 1982.
Thứ hai, Trung Quốc từng đưa ra cái gọi là "chủ quyền đối với Nam hải Chư đảo" và yêu sách về "vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với các đảo tại Biển Đông". Vì vậy, Trung Quốc cho rằng XYH-10 "đang hoạt động bình thường" trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất.
Thứ ba, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, nên mọi giải thích, áp dụng trái quy định của Công ước đều không có giá trị. Điều này đã được Toà Trọng tài Thường trực xác nhận. Yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với vùng biển nằm trong "đường chín đoạn" là trái với UNCLOS 1982. Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và tài nguyên trong "đường chín đoạn".
Vì vậy, các hoạt động của tàu khảo sát XYH-10 và nhóm tàu hộ tống đang ngang nhiên thách thức dư luận quốc tế, đe doạ nghiêm trọng tự do hàng hải ở Biển Đông, gia tăng nguy cơ va chạm và đụng độ ngoài ý muốn. Trong bối cảnh Trung Quốc và các nước ASEAN đang thúc đẩy đàm phán về COC, các hành động đó của Trung Quốc sẽ làm tiến trình đàm phán càng khó khăn và bế tắc.
Theo các chuyên gia về Biển Đông, lần này Trung Quốc điều các tàu hải tuần đến Biển Đông để hỗ trợ XYH-10. Tàu Hải tuần 173 là tàu thả phao của Cục Hải sự. Khi tàu Hải tuần 173 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàu tuần duyên của họ đã bám theo đến khi tàu 173 di chuyển đến Đá Vành Khăn. Trong khi đó, Hải tuần 09 là tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc (10.000 tấn) lần đầu tiên có mặt ở Trường Sa.
Với việc sử dụng tàu hải tuần thuộc Cục Hải sự, Bắc Kinh muốn "khoác vỏ bọc dân sự" để tránh leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ. Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc hiện duy trì hai tàu nghiên cứu khác là Hướng Dương Hồng 14 và Hướng Dương Hồng 31 (có chức năng thay thả phao). Sau một thời gian neo đậu ở cụm Sinh Tồn, XYH-14 đã di chuyển về Đá Chữ Thập, trong khi XYH-31 đã di chuyển sang Đá Vành Khăn.
Trung Quốc vẫn đẩy mạnh chiến thuật "vùng xám". Việc họ dùng tàu dân binh là một bước leo thang mới. Việt Nam yếu hơn do "bất cân xứng" nên buộc phải kiềm chế. Tình thế năm 2023 khác trước vì vấn đề Ukraine, khi Trung Quốc và Nga đã trở thành đối tác "không giới hạn". Nay Nga yếu hơn và phụ thuộc vào Trung Quốc, nên Bắc Kinh sẽ gây sức ép với Nga để can thiệp buộc Zarubezhneft và Gazprom ngừng khai thác dầu khí.
Theo dự án Đại Sự Ký Biển Đông, kể từ tháng 12/2022, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến sâu vào khu vực thăm dò dầu khí do Nga điều hành, trong EEZ của Việt Nam. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Ấ (AMTI/CSIS) cảnh báo rằng trong năm nay hoạt động dầu khí có thể nổi cộm lên như một điểm nóng ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Theo các chuyên gia về Biển Đông, Trung Quốc có 4 mục tiêu chính : Một là Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam để khẳng định chủ quyền của họ. Hai là Trung Quốc muốn phá rối các hoạt động khai thác dầu khí của Nga và Việt Nam. Ba là Trung Quốc muốn dùng các tàu cá có vũ trang như dân binh để hộ tống thay cho tàu hải cảnh. Bốn là Trung Quốc đang tăng cường sử dụng chiến thuật "vùng xám" để thách thức Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang (Boston College), ngoài mục đích chính là khẳng định chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông, Trung Quốc còn muốn cô lập Việt Nam vì cho rằng không nước nào sẵn sàng giúp Việt Nam đối đầu với Trung Quốc. Các nước như Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đều có lợi ích riêng nên rất khó bảo vệ Việt Nam. Vì vậy, Trung Quốc tin rằng Việt Nam không dám đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Đối phó của Việt Nam
Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm (29/3) và Ngoại trưởng Anthony Blinken đã thăm Việt Nam (14-16/4), liên quan đến kế hoạch nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ (dự kiến tháng 7). Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính dự họp Cấp cao G7 Mở rộng (21/5), ngay sau Hội nghị Trung ương 7 (15-17/5/2023).
Tại G7 Mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky. Sau đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Medvedev đã vội đến thăm Việt Nam (22/5). Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (28/5) trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông. Vị Xuyên là nơi tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới (1979) nên rất nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Việc Thủ tướng Việt Nam đến thắp hương tại nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên là một thông điệp rõ ràng gửi đến người dân Việt Nam và Trung Quốc rằng nếu Trung Quốc không dừng lại thì Việt Nam sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam năm 1979, nay vẫn là nguy cơ an ninh lớn nhất đối với Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam không thể làm ngơ trước những gì diễn ra ở biển Đông.
Về lâu dài, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến thuật "vùng xám" ở biển Đông. Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam nhiều lần về quân sự, nên Việt Nam không được để bị động và bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào. Việt Nam vẫn phải vận dụng chính sách "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc, vì "bất đối xứng về quyền lực" giữa hai nước là một thực tế. Báo chí Việt Nam thường tránh không nêu đích danh là "Trung Quốc xâm lược".
Nhưng lần này báo chí chính thống của Việt Nam đã đồng loạt đưa tin. Báo Tuổi trẻ đã có bài bình luận Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông ? (27/5/2023), đề cập đến thực chất vấn đề, và nhấn mạnh "Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh và tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982".
Trong khi tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, thì hai tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 14 và Hướng Dương Hồng 31 được xác định vẫn đang hiện diện trong khu vực quanh cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cả hai khu vực đó đều có trữ lượng dầu khí lớn và ngư trường nhiều hải sản.
Theo các chuyên gia về Biển Đông, ngoài hai tàu hải cảnh 5305 và 3303 cùng các tàu dân binh của Trung Quốc, đội hình hộ tống tàu khảo sát XYH-10 đã được bổ sung thêm tàu Hải cảnh 4103. Việt Nam đã điều hai tàu kiểm ngư KN-465 và KN-469 bám sát đội hình này. Tàu XYH-10 đã di chuyển qua lô 04-03 do liên doanh Vietsovpetro vận hành và thường xuyên di chuyển qua các lô 132 và 131 do liên doanh Vietgazprom vận hành.
Năm 2019, Trung Quốc đã gây sức ép rất mạnh tại khu vực Bãi Tư Chính để đuổi Repsol (Tây Ban Nha) khỏi khu vực này, nhưng không đuổi được Nga. Nay Nga gặp rắc rối lớn tại Ukraine, phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nên Bắc Kinh tin rằng họ đang có cơ hội đuổi Nga khỏi khu vực vùng này. Vì Gazprom của Nga cũng đang hợp tác với Indonesia tại lô Cá Ngừ, nên Trung Quốc muốn gây sức ép lên cả Hà Nội và Jakarta.
Thay lời kết
Nếu 2014 là thời điểm Biển Đông khủng hoảng lần thứ nhất và 2019 là khủng hoảng lần thứ hai, thì 2023 có thể là khủng hoảng lần thứ ba. Tuy chưa rõ khủng hoảng lần này có dẫn đến bước ngoặt mới hay không, nhưng Mỹ và đồng minh phương Tây nay đoàn kết hơn thời Trump. Mỹ tuy bị chia rẽ, nhưng hai đảng nhất trí coi Trung Quốc là đối thủ chính. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự với Nga hay Trung Quốc sẽ hiệu quả hơn.
Không chỉ Tổng thống Putin mà cả Chủ tịch Tập Cận Bình đều có giấc mộng vĩ cuồng, muốn Nga hay Trung Quốc "vĩ đại trở lại" như thời kỳ hoàng kim trong quá khứ. Vì vậy, Putin đã mắc phải sai lầm lớn tại Ukraine. Sự ngạo man về quyền lực nước lớn đã tạo ra điểm mù làm che khuất tầm nhìn của họ, nên không thấy "giới hạn của quyền lực". Cũng như Mỹ trước đây, Nga và Trung Quốc đang mắc phải sai lầm đó.
Quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ngày càng nhanh, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh, và cường độ hiện diện ở Biển Đông ngày càng nhiều, trong khi quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã bị chậm lại. Để đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam tuy không cô đơn như trước, nhưng cần sớm nâng cấp quan hệ với Mỹ. Nếu tình hình Biển Đông diễn biến quá nhanh, Việt Nam có thể phản ứng không kịp.
Đến 5/6 thì tàu XYH-10 bất ngờ rút, nhưng nó có thể quay lại bất cứ lúc nào, vì tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi. Để không bị động và bất ngờ, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, sẵn sàng đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, và có những biện pháp răn đe hiệu quả hơn. Muốn ngăn chặn xung đột từ sớm và từ xa, Việt Nam phải dựa vào nội lực của mình là chính, nhưng phải có đối trọng đủ mạnh.
Nguyễn Quang Dy
Tham khảo
1. Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông ? Tuổi Trẻ, 27/5/2023
2. Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Chính phủ Online, 28/05/2023
3. Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam, Nghiên cứu Biển Đông, 30/5/2023
4. Chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Nam Thái Bình Dương, và đối phó của G7, RFA, 30/5/2023
5. Tàu khảo sát Trung Quốc bám tại EEZ của Việt Nam : Bắc Kinh muốn gì ? RFA, 30/5/2023
6. Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và động thái của Thủ tướng Chính, BBC, 31/5/2023
7. The future of the internet depends on who controls the South China Sea, Maurizio Geri, Sydney Morning Herald, May 4, 2023
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc chỉ trích nhau về căng thẳng Biển Đông
RFA, 04/06/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc lên tiếng chỉ trích lẫn nhau về vấn đề căng thẳng ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông nhân các phát biểu tại diễn đàn Shangri-La ở Singapore diễn ra vào cuối tuần này.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore hôm 4/6/2023 - Reuters
Phát biểu tại Đối thoại thường niên hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Washington sẽ không chấp nhận việc "cưỡng bức và bắt nạt" của Trung Quốc đối với các đồng minh và đối tác của mình, đồng thời cảnh báo quân đội Trung Quốc về các hành động can thiệp "không chuyên nghiệp" của máy bay chiến đấu tại khu vực Biển Đông.
Đáp lại, trong phát biểu tại cuộc họp hôm 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nói : "Một số quốc gia ngoài khu vực đang thực hiện ‘bá quyền về hàng hải’ với cái tên là ‘tự do hàng hải’. Họ muốn khuấy đục vùng nước vì lợi ích của mình".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định : "Nhờ những nỗ lực chung của các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, các trao đổi và hợp tác đã phát triển mạnh hơn".
Không những thế, Bộ trưởng Lý Thượng Phúc còn khẳng định : "Trong khi các quốc gia trong khu vực đang có những trao đổi và tư vẫn để giải quyết hợp lý những khác biệt thì các quốc gia bên ngoài liên tục gieo bất đồng và đổ lỗi".
Tình hình Biển Đông trong các tháng qua đang căng thẳng với việc các nước bao gồm Philippines, Việt Nam tố cáo Trung Quốc điều tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.
Hồi tuần trước, Hà Nội chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát và các tàu hộ tống khỏi vùng biển của mình sau nhiều tháng trời các tàu này có mặt ở khu vực mà Hà Nội có chủ quyền. Tuy nhiên, bất chấp những phản đối của Hà Nội, các tàu Trung Quốc tiếp tục đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các tàu này hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Trong một tuần qua, tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng đã có các hành động chạm trán nguy hiểm đối với tàu chiến và máy bay của Mỹ ở khu vực Biển Đông mà sự việc gần đây nhất vừa diễn ra vào ngày 3/6.
************************
Tàu Trung Quốc đi cắt ngang mũi tàu của Mỹ ở Eo biển Đài Loan
RFA, 04/06/2023
Một tàu chiến của Trung Quốc đã đi cắt ngang mũi tàu chiến Mỹ ở mức nguy hiểm khi hai tàu chiến của Mỹ và Canada đang đi ngang qua Eo biển Đài Loan hôm 3/6.
Tàu khu trục USS Chung Hoon của Mỹ (phải) quan sát tàu Hải quân Trung Quốc cắt ngang đường đi của họ ở eo biển Đài Loan, ngày 3/6 - Ảnh: AP
Thông cáo báo chí của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết tàu chiến của quân đội Trung Quốc là Luyang III DDG 132 (PRC LY 132) đã thực hiện hành vi nguy hiểm gần tàu khu trục USS Chung-Hoon và có lúc chỉ cách mũi tàu này 150 yard. Thông cáo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương xác định cách tiếp cận của tàu LY 132 là vi phạm các nguyên tắc và đường đi an toàn trong vùng biển quốc tế.
Phóng viên đài Global News đã theo tàu hộ vệ HMCS Montreal của Canada tác nghiệp từ ngày 25/5 khi con tàu này tiến vào Biển Đông và do đó đã chứng kiến vụ suýt va chạm nói trên.
Theo phóng viên, khi tàu của Mỹ và Canada đang cùng di chuyển qua eo biển Đài Loan thì một tàu của hải quân TQ đã tăng tốc đáng kể và cắt ngang mũi tàu USS Chung-Hoon, hành động mà Đại úy Paul Mountford - chỉ huy tàu HMCS Montreal gọi là "không chuyên nghiệp".
Theo thông cáo báo chí của Hạm đội 7 của Mỹ công bố hôm 3/6, hai tàu chiến USS Chung-Hoon của Mỹ và HMCS Montreal của Canada thực hiện chiến đi thường kỳ qua Eo biển Đài Loan và tuân thủ luật quốc tế.
Thông báo này cho biết chuyến đi qua của hai tàu chiến "cho thấy cam kết của Mỹ và các đồng minh và đối tác của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở".
Vụ chạm trán giữa tàu chiến Trung Quốc và Mỹ diễn ra chỉ trong vòng một tuần sau vụ chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc thực hiện chuyển động "gây hấn không cần thiết" khi bay chặn ngang một máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Hoa Kỳ ở khu vực Biển Đông.
Vụ việc cũng diễn ra vào khi Đối thoại An ninh khu vực Shangri-La đang diễn ra ở Singapore nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc lên tiếng chỉ trích lẫn nhau về căng thẳng ở khu vực.