Biển Đông : Tàu Trung Quốc vẫn không rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Trọng Nghĩa, RFI, 26/05/2023
Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi Hà Nội lên tiếng đòi Bắc Kinh rút tàu của Trung Quốc khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, Bắc Kinh hôm 26/05/2023, đã bác bỏ yêu cầu của phía Việt Nam, cho rằng tàu Trung Quốc chỉ hoạt động "bình thường" trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Ảnh tư liệu chụp ngày 15/05/2014 : Tàu Hải cảnh Trung Quốc (trắng) và tàu cảnh sát biển Việt Nam (xanh lơ) đối đầu nhau tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông. AP - Hau Dinh
Theo hãng tin Anh Reuters, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, khi trả lời câu hỏi về việc Hà Nội yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định : "Các tàu liên quan của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bình thường trong phạm vi quyền tài phán" của Trung Quốc. Phát ngôn viên này không ngần ngại đe dọa Việt Nam, khi cho biết là Bắc Kinh đã duy trì liên lạc với các bên liên quan và sẽ bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo ghi nhận của Reuters, vào hôm qua, 25/05, Hà Nội đã có một tuyên bố công khai hiếm hoi tố cáo tàu khảo sát Trung Quốc Hướng Dương Hồng 10, cùng các tàu hộ tống bao gồm tàu Hải Cảnh và tàu cá, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu này ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, Trung Quốc phải tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Reuters trích dẫn ông Ray Powell, người đứng đầu Dự Án Myoushu của Đại Học Mỹ Stanford về Biển Đông, cho biết là tàu Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 07/05 vừa qua gần các lô dầu khí mà Việt Nam cùng với Nga khai thác.
Theo ông Powell, hôm qua, ngay khi bị Việt Nam yêu cầu rời đi, tàu Trung Quốc đang ở khu vực lô 129, do Vietgazprom điều hành. Hôm nay, Trung Quốc vẫn phớt lờ yêu cầu của Việt Nam, tàu Hướng Dương Hồng và 5 tàu hộ tống lại đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, gần các lô khí đốt mà các công ty Nga khai thác. Đội tàu Trung Quốc đã bị 2 tàu kiểm ngư của Việt Nam theo sát ở khoảng cách 200-300 mét.
Cũng theo Reuters, dữ liệu của nhóm Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, cho thấy là kể từ ngày 07/05, tàu nghiên cứu của Trung Quốc, đôi khi được hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsopetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành.
Tàu Trung Quốc cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn Nga Gazprom và PetroVietnam. Đây là hai lô mà Trung Quốc cho là nằm trong vùng biển của họ và đã cho đấu thầu để cấp phép khai thác.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trọng Nghĩa
************************
Việt Nam phản đối Trung Quốc cho lắp đặt phao đèn báo hiệu tại quần đảo Trường Sa
RFA, 26/05/2023
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/5 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho lắp đặt ba phao đèn báo hiệu tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Hôm 24/5, Trung tâm Bảo đảm an toàn hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc lắp đặt ba phao đèn báo hiệu tại một số thực thể ở quần đảo Trường Sa bao gồm Đá Cá Nhám, Đá Ba Đầu và Đá Gaven.
thông báo của Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, các thiết bị này để đảm bảo sự an toàn đi lại của tàu thuyền.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh : "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, cũng như quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc lắp đặt phao đèn báo hiệu tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, vì vậy không có giá trị pháp lý.
Người đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu các bên liên quan không có hành động làm phức tạp tình hình, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biến Đông (DOC), giữ gìn môi trường hòa bình, ốn định và hợp tác ở Biển Đông".
Trước đó, vào hồi đầu tháng này, Philippines cũng đã thả các phao định vị mang cờ của nước này trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuần duyên Philippines hôm 14/5 cho biết nước này đã thả năm phao định vị hàng hải tại năm khu vực ở Biển Đông bao gồm Đá Ba Đầu và cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam cũng đòi chủ quyền.
Việt Nam sau đó cũng đã lên tiếng phản đối hành động này của Philippines.
***************************
Tàu Trung Quốc phớt lờ yêu cầu của Việt Nam về việc rời khỏi khu vực gần mỏ khí đốt của liên doanh Việt - Nga
Reuters, VOA, 26/05/2023
Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc và năm tàu hộ tống vẫn còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm thứ Sáu (26/5) gần các lô khí đốt do các công ty Nga khai thác ở Biển Đông, một ngày sau khi Việt Nam yêu cầu các tàu này rời đi, theo Reuters.
Tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10), với sự hộ tống của hai tàu hải cảnh 4303 và 5303 cùng một số tàu dân quân biển đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7/5, đánh dấu sự xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019, theo ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông của Đại học Stanford, Mỹ.
Ông Powell nói hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một "sự leo thang đáng lo ngại".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cuộc đối đầu năm 2019 kéo dài hơn ba tháng và chủ yếu nhắm vào một lô do công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft điều hành. Chưa đầy hai năm sau đó, Rosneft đã bán lô này của mình ở Biển Đông cho công ty Zarubezhneft do nhà nước Nga sở hữu, công ty vận hành một số mỏ khí đốt đang diễn ra tranh chấp.
Trong những tuần qua kể từ ngày 7/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetr, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, theo dữ liệu của Sáng kiến Biên niên sử Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập theo dõi sự vận hành của tàu thuyền, cung cấp cho Reuters.
Tàu nghiên cứu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam.
Ba công ty nêu trên và đại sứ quán Nga tại Hà Nội không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.
Trả lời câu hỏi về sự phản đối này [của Việt Nam], bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận, cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.
"Các tàu liên quan của Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung Quốc. Điều đó phù hợp và hợp pháp, và không có chuyện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác", bà nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Bà Mao cho biết Trung Quốc đã duy trì liên lạc với các bên liên quan về vấn đề này và muốn hợp tác với họ để "cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông", đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc "chắc chắn sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
Hôm thứ Năm (25/5), khi Việt Nam đưa ra một tuyên bố công khai hiếm hoi yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi khi các tàu này đang ở lô 129, cũng do Vietgazprom điều hành, theo ông Powell.
"Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ trong tuyên bố của chính phủ.
Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm thứ Hai (22/5) của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Nhận định về động thái mới nhất này, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc ở Tp. Hồ Chí Minh, chia sẻ với VOA hôm 26/5:
"Đây là một phép thử của Trung Quốc xem Nga có đồng ý rút ra khỏi khu vực khai thác này hay không, hay là vẫn tiếp tục khai thác bất chấp sự đe dọa của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đang chờ Nga lên tiếng về việc này".
"Chúng ta cũng thấy rõ rằng chuyến thăm của ông Medvedev đến Hà Nội, tôi nghĩ rằng cũng có khả năng hai bên Việt Nam và Nga đã có những ý kiến về vấn đề này!", ông Phúc nêu nhận định cá nhân.
Ông Powell cho biết hai tàu kiểm ngư Việt Nam hôm thứ Sáu (26/5) đã theo dõi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách 200-300 mét, đồng thời lưu ý rằng các tàu Trung Quốc đã di chuyển đến một khu vực liền kề với các tàu do các công ty Nga điều hành, theo Reuters.
Theo quy tắc quốc tế, các tàu thuyền được phép đi qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, nhưng các hoạt động này của Trung Quốc từ lâu đã bị Việt Nam và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines và Malaysia, coi là hoạt động manh tính thù địch.
(Bài viết sử dụng bản tin của Reuters)
***************************
Các tàu Trung Quốc phớt lờ yêu cầu rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
RFA, 26/05/2023
Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc và năm tàu hộ tống vẫn còn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 26/5 gần các lô khí đốt do các công ty Nga khai thác ở Biển Đông, một ngày sau khi Hà Nội thúc giục các tàu này rời đi.
Đường đi của tàu Hướng Dương Hồng của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7 đến 26/5/2023 - MarineTraffic/RFA
Tàu Xiang Yang Hong 10 (Hướng Dương Hồng 10) của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7/5, đánh dấu sự xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019, theo Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu của Đại học Stanford về Biển Đông.
Ông nói hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một "sự leo thang đáng lo ngại".
Cuộc đối đầu năm 2019 kéo dài hơn ba tháng và phần lớn nhắm vào một lô do công ty dầu mỏ Rosneft của nhà nước Nga vận hành. Chưa đầy hai năm sau đó, Rosneft đã bán tài sản của mình ở Biển Đông cho công ty nhà nước Zarubezhneft cũng của Nga, công ty vận hành một số mỏ khí đốt đang diễn ra tranh chấp.
Trong những tuần qua kể từ ngày 7/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành, theo dữ liệu theo dõi tàu biển được chia sẻ với Reuters bởi Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập.
Tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô đó.
Ba công ty và đại sứ quán Nga tại Hà Nội đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.
Hôm thứ năm, khi Việt Nam đưa ra một tuyên bố công khai hiếm hoi yêu cầu các tàu này rời đi, thì các tàu này đang ở lô 129, cũng do Vietgazprom điều hành, theo ông Powell.
Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm thứ hai của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Ông Powell cho biết hai tàu kiểm ngư Việt Nam hôm 26/5 đã theo dõi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách 200-300 mét, đồng thời lưu ý rằng các tàu Trung Quốc đã di chuyển đến một khu vực liền kề với các tàu do các công ty Nga điều hành.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/5 nói rằng họ đã duy trì liên lạc với các bên liên quan và sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, sau khi Việt Nam cáo buộc một tàu khảo sát dầu khí của Trung Quốc và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của họ.
Bà Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/5 khi trả lời câu hỏi về việc Việt Nam yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi Biển Đông :
"Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển lân cận, đồng thời có quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.
Các tàu liên quan của Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung Quốc, điều đó hợp pháp và hợp lệ, đồng thời không có vấn đề gì khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.
Chúng tôi đã duy trì liên lạc với các bên liên quan về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết thỏa đáng những khác biệt hiện có thông qua đối thoại và tham vấn. Chúng tôi muốn cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định ở Nam Hải (Biển Đông-PV). Trong khi chờ đợi, chúng tôi chắc chắn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc".
*************************
Diễn biến nhanh của Trung Quốc ở Biển Đông và ứng phó của Việt Nam
RFA, 24/05/2023
Trung Quốc trong gần cả tháng nay tăng cường hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Reuters
Lâu nay, Việt Nam đã có những ứng phó như tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để đối phó với sự quấy nhiễu ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Hà Nội liệu có thể bắt kịp chuyển động của Bắc Kinh ?
Diễn biến mới nhất
Từ hôm 7/5 đến nay, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đợt khảo sát này, có thời điểm tàu Hướng Dương Hồng 10 cách đường cơ sở Việt Nam chỉ khoảng hơn 50 hải lý.
Hôm 13/5, con tàu này rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Hôm 15/5, tàu Hướng Dương Hồng 10 lại rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam một lần nữa và xuất hiện ở gần khu vực Đá Chữ Thập. Đến 17/5, nó bắt đầu quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam, vào ngày 18/5, lên tiếng phản đối Trung Quốc về những hoạt động gần đây của nước này tại khu vực Biển Đông, nói rằng "Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình".
Cập nhật về tình hình hiện tại, một nhà nghiên cứu Biển Đông, yêu cầu giấu danh tính cho biết, đến ngày 25/5, Trung Quốc vẫn duy trì tàu nghiên cứu khoa học Hướng Dương Hồng 10 cùng một tàu cảnh sát biển của nước này và một số tàu dân binh có mặt trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam :
"Hôm nay lại đưa thông tin thêm là một tàu hải tuần của Trung Quốc đã đi vào trong khu vực gần Bãi Tư Chính.
Còn bên Việt Nam thì có một tàu cảnh sát biển và hai tàu kiểm ngư theo dõi, bám sát theo tàu này của Trung Quốc. Báo chí trong nước thì không được đưa tin về vấn đề này.
Có lẽ chính phủ Việt Nam một mặt muốn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, thứ hai là chuyện Trung Quốc cho tàu vào quấy nhiễu vùng đặc quyền kinh tế từ lâu lắm rồi, cho nên họ cũng chấp nhận đó là một chuyện bình thường".
Tương quan lực lượng
Vị chuyên gia giấu tên đánh giá rằng về tương quan lực lượng trên biển hiện nay giữa hai nước thì đương nhiên là Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không thể so sánh được sức mạnh về lực lượng tàu so với Trung Quốc. Tuy nhiên :
"Trong lúc này, không ai muốn mang hải quân ra cả. Các nước chỉ sử dụng những tàu gọi là hành pháp mà thôi, chứ nếu mang hải quân ra thì chắc chắn là hành động gây chiến rồi".
Chuyên gia về quan hệ quốc tế, an ninh quốc phòng Nguyễn Thế Phương bình luận với RFA rằng hiện nay, trong quá trình hiện đại hóa quân đội, Việt Nam đang cố gắng phát triển đồng bộ vũ khí lục quân và hải quân, nhưng vẫn ưu tiên những vấn đề liên quan đến an ninh trên Biển Đông, vì đây là vấn đề lợi ích cốt lõi :
"Đối tượng tranh chấp trên Biển Đông của Việt Nam hiện nay rõ ràng nhất là Trung Quốc. Nếu nhìn vào nguồn lực thì rõ ràng là nguồn lực của Việt Nam không thể bằng của Trung Quốc, và Việt Nam hiện tại cố gắng biến năng lực của mình càng hiện đại càng tốt, chứ việc đuổi theo năng lực của Trung Quốc là điều không thể".
Ông Thế Phương cho biết, đơn thuần về mặt số lượng, vũ khí trên biển của Việt Nam chắc chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc, nhưng cũng cần phải tính tới hai yếu tố quan trọng khác. Thứ nhất là yếu tố con người và thứ hai là học thuyết.
Yếu tố con người là chuyện Việt Nam mua vũ khí rồi nhưng có đủ năng lực để sử dụng hay không. Còn học thuyết là những chỉ dẫn cách quân đội chiến đấu trong một cuộc chiến.
Hiện đại hóa quân sự chậm lại
Để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân sự. Tuy nhiên, theo ông Phương, quá trình này đang bị chậm lại.
Thứ nhất là do thiếu tiền ; thứ hai là do quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất là Việt Nam là Nga đang gặp khó khăn bởi cuộc chiến trang Nga - Ukraine.
Do đó, Việt Nam hiện buộc phải đi tìm các đối tác mới. Tức là, toàn bộ quá trình tương tác với đối tác mới phải làm lại từ đầu, phải đi xem người ta bán cái gì, các quy trình mua bán như thế nào, chưa kể là còn các yếu tố chính trị khác nữa…
"Mà trong khi tình hình trên biển đó lại diễn biến quá nhanh dẫn đến phản ứng chính sách Việt Nam chưa theo kịp. Nó khiến cho quá trình hiện đại hóa quân sự chậm lại khá nhiều".
Lý giải thêm về diễn biến quá nhanh trên Biển Đông, ông Thế Phương lấy ví dụ :
"Thứ nhất là cường độ hiện diện của Trung Quốc ngày càng nhiều, ngày càng dồn dập so với cách đây năm năm. Các tàu cá, hải cảnh, tập trận và các quốc gia khác cũng đưa tàu qua lại ở khu vực này rất nhiều.
"Thứ hai là quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc rất nhanh, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về mặt tổ chức và cách triển khai lực lượng ở trên thực địa quá nhanh và nó khiến cho các nước nhỏ như Việt Nam, với nguồn lực như hiện nay không thể theo kịp".
Một gian hàng vũ khí của công ty an ninh Czech, tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 ở Hà Nội. Ảnh : Reuters
Đa dạng hóa nguồn cung
Do Nga đang bị các nước phương Tây bao vây, cô lập cho nên Việt Nam buộc phải đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Theo chuyên gia Biển Đông giấu tên cho biết :
"Nguồn cung vũ khí cho Việt Nam đang gặp khó khăn thì Việt Nam phải tìm nguồn khác mà nó phải tương thích với hệ thống vũ khí đó, và Ấn Độ và Czech chính là hai nước mà Việt Nam đang nhắm tới".
Theo ông Nguyễn Thế Phương, với nhu cầu cấp bách ở Biển Đông như hiện nay thì Việt Nam không thể nào không chỉ dựa vào vũ khí từ Nga. Cho nên gần đây, Việt Nam đã có động thái đàm phàn với Czech hay đi sang Hàn Quốc để các nước này bán vũ khí cho Việt Nam.
Hồi tháng tư vừa qua, Việt Nam đàm phán mua thêm khí tài từ Cộng hòa Czech. Nước này được xem có thể đáp ứng nhu cầu an ninh ngày càng tăng của Việt Nam, khi mà các hãng quân sự Czech có khả năng vượt trội trong cung cấp những khí tài cho vũ khí của Nga ; cũng như sản xuất được những trang thiết bị mới tương thích với các loại vũ khí thời Sô viết. Hiện kho vũ khí của Việt Nam có đến 80% là do Nga cung cấp.
Vào tháng 12/2022, lãnh đạo Việt Nam đến thăm Hàn Quốc để nâng cấp quan hệ hai nước. Bước tiến về ngoại giao này có thể và thúc đẩy đầu tư và bán vũ khí của Hàn Quốc cho Việt Nam, cam kết gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự - trị an và công nghệ.
Ngoài chuyện đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, Việt Nam còn thực hiện một số biện pháp khác để đối phó với Trung Quốc.
Về mặt quân sự, ông Thế Phương cho biết Việt Nam đang tự chế vũ khí ở trong nước, đặc biệt là các loại vũ khí dễ làm để hạn chế nhập khẩu, để dành nguồn lực cho chuyện khác. Thứ hai là gia hạn các loại vũ khí đã cũ :
"Ví dụ như cái máy bay mới bị rớt. Đáng lẽ cái máy bay đó đã về hưu rồi, nhưng mà Việt Nam tăng hạn để dùng, nhưng khi tăng hạn đồ cũ thì rơi là một điều có thể kể dự tính trước, không có gì ngạc nhiên cả".
Ngoài ra, từ năm năm trở lại đây, Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động giao lưu quốc phòng. Nó cũng tạo ra một cái thế giúp tăng cường kết nối, nâng cao năng lực của Việt Nam.
Về mặt ngoại giao, Việt Nam thực hiện chiến lược "ngăn chặn chiến tranh từ sớm từ xa". Theo ông Thế Phương, đây là một vấn đề về mặt ngoại giao, Việt Nam phải làm sao cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
"Với một nước nhỏ như Việt Nam thì Việt Nam kỳ vọng những việc làm về mặt đối ngoại sẽ ngăn chặn một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông, để không phải dùng tới lực lượng quân sự, vốn nói trắng ra là nếu đánh nhau là sẽ thua".
************************
Trung Quốc triển khai ba thiết bị cố định để định vị tại khu vực quần đảo Trường Sa
RFA, 24/05/2023
Trung Quốc vừa triển khai ba thiết bị định vị quanh khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng.
Tàu của Trung Quốc neo ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa hôm 22/4/2023 - AFP
Reuters dẫn thông báo của Bộ Giao thông Trung Quốc hôm 24/5 cho biết trung tâm an ninh biển Biển Đông của nước này đã đặt ba thiết bị gần Đá Cá Nhám, Đá Ba Đầu và Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa.
Thông báo cho biết, các thiết bị này để đảm bảo sự an toàn đi lại của tàu thuyền.
Hồi đầu tháng này, Philippines cũng đã thả các phao định vị mang cờ của nước này trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuần duyên Philippines hôm 14/5 cho biết nước này đã thả năm phao định vị hàng hải tại năm khu vực ở Biển Đông bao gồm Đá Ba Đầu và cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam cũng đòi chủ quyền.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước động thái này của Philippines đã khẳng định: "Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), có đóng góp thiết thực và tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)".
Trung Quốc đặt ba đèn hiệu định hướng ở Biển Đông
Reuters, VOA, 24/05/2023
Trung Quốc đã đặt ba đèn hiệu định hướng xung quanh quần đảo Trường Sa có tranh chấp với nhiều nước ở Biển Đông.
Trung tâm an ninh hàng hải Biển Đông của Trung Quốc cho biếtđãđặt ba đèn hiệu gần Irving Reef (Đá Cá Nhám), Whitson Reef (Đá Ba Đầu) và Gaven Reef (Đá Ga Ven) thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh minh họa
Bắc Kinh có động thái này sau khi Philippines đặt các phao định hướng hồi đầu tháng này nhằm tuyên bố chủ quyền của mình đối với khu vực.
Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc hôm 24/5 cho biết rằng trung tâm an ninh hàng hải Biển Đông của nước này đã đặt ba đèn hiệu gần Irving Reef (Đá Cá Nhám), Whitson Reef (Đá Ba Đầu) và Gaven Reef (Đá Ga Ven) thuộc quần đảo Trường Sa, vốn bao gồm nhiều đảo nhỏ, bãi đá ngầm và bãi cạn.
Bộ này nói rằng việc đặt đèn hiệu nhằm "đảm bảo an toàn cho hoạt động và điều hướng của các tàu".
Đầu tháng này, Philippines cũng đã đặt các phao định hướng mang quốc kỳ của nước này trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, bao gồm cả tại Whitson Reef, nơi hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu vào năm 2021.
Khi được hỏi về việc Philippines đã đặt các phao định hướng ở 5 khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 18/5 nói : "Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam".
Việt Nam chưa lên tiếng về bước đi mới nhất của Trung Quốc nhưng mới đây cũng đã chỉ trích hành động ở Biển Đông của một tàu nghiên cứu Trung Quốc, nói rằng rằng tàu đó "xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", và rằng Việt Nam đang triển khai "các biện pháp phù hợp" để bảo vệ các quyền của mình.
Căng thẳng gần đây đã gia tăng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Reuters
Nguồn : VOA, 24/05/2023
Trong Diễn văn bế mạc Hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng vẽ ra hình ảnh lạc quan nhưng tình trạng tham nhũng, tiêu cực và suy thoái tư tưởng chính trị trong Đảng đã nhạt nhòa khả năng lãnh đạo của ông.
Tổng Trọng và ban lãnh đạo Đảng và Nhà cộng sản nước dự bế mạc hội nghị - Ảnh : TTXVN
Ông Trọng, 79 tuổi, đã giữ chức Tổng bí thư từ khóa đảng XI năm 2011, thay Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ông được tái bầu nhiệm kỳ 2 năm 2016. Đến năm 2021, vì không có ai đủ uy tín thay thế nên Ban Chấp hành trung ương phải tự vi phạm Điều lệ đảng (chỉ cho phép giữ 2 nhiệm kỳ) để ông Trọng tiếp tục cầm quyền khóa đảng XIII (2021-2026).
Nhưng tình trạng tham nhũng đã được quan tâm từ năm 2005, sau 4 năm nhiệm kỳ đảng thứ IX thời ông Nông Đức Mạnh.
Vẫn đứng nguyên
Hồi ấy Bách khoa toàn thư mở viết : "Trong cuộc điều tra năm 2005 , Ban Nội chính Trung ương công bố danh sách liệt kê 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất Việt Nam. Trong đó ba cơ quan dẫn đầu là :
1. Địa chính nhà đất,
2. Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu,
3. Cảnh sát giao thông.
Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận về tham nhũng trong Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ (Consul General - CG) ngày 9/6/2006 đều nhận định : "Tham nhũng ở Việt Nam đến mức báo động".
Theo báo Vietnam Investment Review thì tham nhũng tại Việt Nam đã gây "thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ... ước lượng 30% đầu tư hạ tầng".
Khi nhắc đến tham nhũng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2011, Chủ tịch nước lúc đó là Trương Tấn Sang đã nói : "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cả đất nước này".
Nhưng từ đó đến nay đã 12 năm, đặc biệt là trong kỳ họp giữa nhiệm kỳ của khóa Đảng XIII ngày 15/5/2023, vấn đề tham nhũng, tiêu cực vẫn song hành với tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy ông Nguyễn Phú Trọng mới nói : "Phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề".
Như thường lệ, ông Trọng hứa : "Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".
Nhưng ông lại thanh minh : "Phòng chống tham nhũng không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia mà thể hiện quyết tâm của Đảng vì dân, vì đất nước".
Cuối cùng, ông Trọng khoe : "Đến nay, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây ; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta".
Có thật như vậy không ?
Thực tế lại khác hẳn
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, ông Trọng thừa nhận : "Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như : Lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình; nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có mặt, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa mạnh mẽ và hiệu quả chưa cao… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm, có trường hợp cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Ông Trọng chỉ nói chung chung như thế nên rất khó biết tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Đảng bây giờ ra sao. Chỉ biết rằng, khi Đảng nhìn nhận có "suy thoái về tư tưởng chính trị" trong cán bộ đảng viên thì đó chính là khi đảng viên đã quay lưng lại với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và không còn tin vào chủ trương xây dựng đất nước của Đảng nữa.
Tham nhũng vẫn tinh vi và phức tạp
Bằng chứng ông Trọng chưa chống nổi tham nhũng, lãng phí còn được phơi bầy trên báo Thanh Tra điện tử ngày 01/3/2023 của Chính phủ, theo đó : "Trong những năm qua, tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng công tác thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, yêu cầu phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, kiểm soát quyền lực của Nhà nước để ngăn ngừa hành vi vi phạm tham nhũng".
Báo này cho biết : "Trong 10 năm (2012-2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo, về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế ; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa gần 1.000 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ ; trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, với mức án nghiêm khắcnhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Báo Thanh tra cũng khoe : "Đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Nếu như trước năm 2013, tỷ lệ thi hành án về tiền đối với các vụ án tham nhũng chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012-2022 đã đạt tỷ lệ 34,7% (60.940 tỷ đồng/175.608 tỷ đồng)".
Như vậy, tổng số tài sản do tham nhũng không thu được là 65,3%. Lý do thất thu được giải thích là vì Việt Nam chưa có Luật cho phép tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Càng chống càng xiêu
Nên biết ông Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban Chỉ đạo trung ương phòng, chống tham nhũng và tiêu cực từ ngày 1/2/2013 ,khóa đảng XI. Nhưng tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết 10 năm chống tham nhũng 2012-2022 ngày 30/06/2022, ông Trọng đã thừa nhận chưa chống nổi giặc nội xâm.
Ông nói : "Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng : Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Đó là : Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế ; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp ; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta".
Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII ngày 17/05/2023 - Ảnh : TTXVN
Chống diễn biến, chuyển hóa
Trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Trọng hứa : "Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bất kể người đó là ai ; không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Ông cho biết : "Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý ; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra ; có lên, có xuống".
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật mà ông Trọng tự khen thực hiện nghiêm túc, đã : "Đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ" ; "chủ nghĩa cá nhân", "tha hóa quyền lực" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên".
Tuy nhiên ông Nguyễn Phú Trọng không cho biết con số một bộ phận không nhỏ là bao nhiêu trong tổng số 5,3 triệu đảng viên. Nhưng lối nói này đã được ông Trọng sử dụng từ khóa đảng XII năm 2016, khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng bí thư lần thứ 2.
Nhưng tại sao người đứng đầu Đảng lại không dám nói trắng ra cho dân biết ? Ông ngại nói ra sẽ mất danh dự, sợ bị đánh giá bất lực, hay sợ chia rẽ trong nội bộ ?
Bất cứ vì lý do nào thì kết quả tay trắng vẫn hoàn trắng tay của Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ vừa kết thúc ngày 17/5/2023 đã cho thấy không có ai trong số 21 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đảng bị kiểm điểm hay bị kỷ luật.
Chỉ thấy ông Trong nói : "Từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng ; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình ; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách ; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác ; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn ; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân. Hết sức tránh tình trạng :
"Chân mình còn lấm bê bê
Lại cầm bó đuốc đi rê chân người !".
Thì ra trong số lãnh đạo hàng đầu cũng đã có kẻ nhìn ngang, người liếc dọc chứ không phải đã đoàn kết một lòng, dọc ngang thông suốt như ông Trọng khoe trong diễn văn.
Bẳng chứng như ông nói : "Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình ; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác...".
Do đó, ông kêu gọi Đảng phải : "Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại : Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm !".
Cuối cùng, ông cảnh giác : "Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa quốc" ; "đừng thấy đỏ tưởng là chín" !
Nhưng ai là gà, ai là quốc trong các kỳ lấy phiếu tín nhiệm sắp diễn ra trong toàn Đảng ? Chỉ biết rằng cuộc bỏ phiếu sẽ được đánh giá như bằng chứng để quy họach Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031.
Biển Đông
Cũng đáng quan tâm là trong toàn Diễn văn bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, tuyệt nhiên không thấy ông Trọng nói gì đến biến cố Trung Quốc, vào ngày 10/05/2023 đã cho một tầu nghiên cứu được hộ tống bởi lực lượng tuần duyên và 11 tàu dân quân xâm nhập vùng biển trong thềm lục địa của Việt Nam đang được khai thác dầu chung bởi 2 công ty Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam.
Hành động phá rối của Trung Quốc không mới mà gần như thường xuyên đối với các thuyền đánh cá và khai thác dầu khí của Việt Nam.
Vụ nghiêm trọng nhất xẩy ra khi Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1/5/2014.
Tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm, nhưng không gây thương vong. Sau khi bị Việt Nam và quốc tế lên án, giàn khoan 981 đã rút lui vào ngày 27/05/2014.
Tuy nhiên, lập trường về Biển Đông chỉ được ông Trọng nói sơ sài trong diễn văn ngày 17/05/2023, theo đó Việt Nam đã : "Xử lý linh hoạt, cân bằng, hài hòa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khu vực cũng như các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới".
Với tuyên bố nhũn nhặn này, ai cũng thấy ông Nguyễn Phú Trọng muốn tránh gây bất hòa với Trung Quốc trong mọi hoàn cảnh.
Phạm Trần
(21/05/2023)
Biển Đông : Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc về đàm phán song phương
Trên chuyến bay đến Hoa Kỳ để họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 01/05/2023, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết Trung Quốc đồng ý thảo luận với Philippines về quyền đánh cá ở Biển Đông. Trước đó, ngày 22/04/2023, nhân chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Tần Cương ở Manila, Philippines và Trung Quốc cũng đã cam kết "sẽ cùng nhau giải quyết các bất đồng về Biển Đông", vùng biển mà hai nước đều có những yêu sách chủ quyền.
Thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, Đá Gạc Ma đã được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo và quân sự hóa. Ảnh chụp ngày 20/03/2022. AP - Aaron Favila
Về phần Malaysia, quốc gia khác cũng có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, phát biểu trước Quốc hội ngày 03/04, khi tường trình về chuyến thăm Trung Quốc của ông vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, thủ tướng Anwar Ibrahim đã tuyên bố là tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở Biển Đông, nhưng Malaysia "sẵn sàng thương lượng về các mối quan ngại của Trung Quốc về những hoạt động này".
Những sự kiện nói trên phải chăng cho thấy là Trung Quốc đang dần dần thuyết phục được Philippines và Malaysia chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông ? Riêng Việt Nam đối phó như thế nào trước áp lực đàm phán song phương của Trung Quốc ?
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 19/04/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Việt Nam trước hết nhắc lại chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc :
"Thật ra Trung Quốc đã có một chủ trương rất lâu, từ thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Năm 1990, ông đã đưa ra một chủ trương là "gác tranh chấp, cùng khai thác", dưới vỏ bọc là "khai thác chung" (tiếng Anh gọi là "joint development"). Nội dung "khai thác chung" thật ra về cơ bản khác với "gác tranh chấp, cùng khai thác" : Thứ nhất là chủ quyền thuộc về Trung Quốc, tức là nếu có chấp nhận khai thác chung thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc đã đã thúc đẩy quan điểm này, một mặt sử dụng sức mạnh để đe dọa. Trong suốt thời gian qua và cả hiện nay, các tàu của Trung Quốc vẫn đang xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Philippines, đe dọa các hoạt động thăm dò dầu khí, hoặc các hoạt động khác trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.
Một mặt Trung Quốc đe dọa như vậy, mặt khác, Trung Quốc luôn dùng sức mạnh kinh tế của mình để kêu gọi các quốc gia khai thác chung với Trung Quốc. Bốn quốc gia mà Trung Quốc luôn nhắm tới đó là Brunei, Việt Nam, Malaysia, Philippines. Trung Quốc luôn luôn muốn đưa một trong các quốc gia này hoặc các quốc gia này vào kế hoạch "gác tranh chấp, cùng khai thác". Nhưng theo nghiên cứu của tôi, trong số 4 quốc gia kể trên, chưa có quốc gia nào ký kết bất ký điều gì về khai thác chung với Trung Quốc".
Đối với Philippines và Malaysia, Bắc Kinh đã từng tranh thủ lúc mà hai nước này có một lãnh đạo với xu hướng phần nào nghiêng về Trung Quốc hơn, để cố thúc đẩy họ chấp nhận chủ trương khai thác chung. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt điểm lại thời kỳ tổng thống Rodrigez Duterte của Philippines trước đây và thời kỳ thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hiện nay :
"Năm 2016, tổng thống Philippines lúc đó là Rodriguez Duterte đã chủ trương xoay trục sang Trung Quốc và quay lưng lại với Mỹ. Mục tiêu quan trọng nhất của ông là giành những lợi thế kinh tế từ Trung Quốc và muốn làm như thế thì ông phải chấp nhận điều mà Trung Quốc yêu cầu, đó là chủ trương khai thác chung với Trung Quốc. Dưới thời ông Duterte đã có một số ồn ào liên quan đến việc hai bên đã ký một số thỏa thuận về khai thác chung. Nhưng thực ra cho đến nay chưa có một bước tiến nào.
Tân tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đầu năm nay cũng đã có một chuyến công du Bắc Kinh. Trong chuyến đi này, ông và chủ tịch Tập Cận Bình đã có một tuyên bố chung trong đó có nhắc đến "khai thác chung". Nhưng khi ông quay về Philippines thì lập tức Tòa án Tối cao Philippines ra một phán quyết rằng thỏa thuận ba bên (JSMU), ký từ rất lâu trước đó (2005), đã hết hiệu lực từ năm 2007. Mười lăm năm không ra tuyên bố, mà đến lúc ông Marcos Jr. mới đi Trung Quốc về, khi hai bên ra tuyên bố chung nhắc đến "khai thác chung", thì tòa án ra phán quyết xem thỏa thuận ba bên thăm dò địa chấn ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) là "vô hiệu", vì nó đã "vi hiến".
Phán quyết này được coi như là một tín hiệu đáp trả đối với quyết định "khai thác chung" của Marcos Jr. Với việc Tòa án Tối cao đã đưa ra một tiền lệ như vậy, tổng thống Marcos Jr. sẽ rất là khó mà ký các thỏa thuận "khai thác chung" với Trung Quốc, vì sẽ bị xem là "vi hiến".
Về phần thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, ông muốn thay đổi chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khó khăn, muốn xoay trục sang Trung Quốc, để có thể tranh thủ các lợi ích kinh tế, nhưng việc khai thác chung cũng không phải là dễ, còn rất nhiều khó khăn.
Khai thác chung với Trung Quốc thực chất là khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, mà điều này, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là đặc quyền của quốc gia ven biển đó.
Thực chất có lẽ đây là những tuyên bố mang tính chính trị để có thể giành được những lợi ích từ Trung Quốc. Đương nhiên Trung Quốc cũng biết điều đó và họ rất giỏi chơi bài. Cho nên, nếu những quốc gia như Malaysia hay Philippines muốn "chơi bài" với Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng sẵn sàng chơi, mà Trung Quốc sẽ đạt được những mục tiêu, những lợi ích của họ.
Tổng thống Duterte của Philippines, trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, đã phải hủy bỏ tất cả những tuyên bố, những chính sách của ông về khai thác chung với Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu của Philippines nói rằng ông Duterte cũng đã vỡ mộng khi thấy Trung Quốc hứa hẹn thì rất nhiều, hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ đôla vào nền kinh tế Philippines, nhưng trên thực tế thì không có bao nhiêu cả. Đó là câu chuyện khiến nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á phải suy nghĩ kỹ về vấn đề này".
Riêng đối với Việt Nam thì dĩ nhiên Bắc Kinh bao giờ cũng tìm cách gây sức ép để buộc lãnh đạo Hà Nội chấp nhận chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác", để đạt được những thỏa thuận như thỏa thuận về phân chia Vịnh Bắc Bộ. Nhưng theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cho tới nay Việt Nam chỉ chấp nhận thương lượng dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển :
"Chắc chắn là Trung Quốc sẽ gây sức ép. Vấn đề nổi cộm đầu tiên đó là Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đã thỏa thuận thành công về Vịnh Bắc Bộ, nhưng còn về cửa Vịnh Bắc Bộ thì chưa phân định được. Hai bên cũng đã nhiều lần đàm phán để phân định, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển, vì lập trường của hai bên quá xa nhau.
Việt Nam thì vẫn kiên trì chủ trương là phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, còn Trung Quốc thì dựa trên "đường lưỡi bò". Hai lập trường này quá xa nhau. Chúng ta còn nhớ là về "đường lưỡi bò", trong phán quyết về Biển Đông 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng đã tuyên rõ là yêu sách về quyền lịch sử đối với vùng nước và tất cả những thực thể bên trong "đường lưỡi bò" là không có cơ sở pháp lý, cho nên vô giá trị. Phán quyết này cũng nói rằng những quy định của Công ước về Luật Biển cũng sẽ cao hơn so với cái gọi là "quyền lịch sử".
Quan điểm của Việt Nam vẫn trước sau như một, đó là phải dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Chính điều đó đã dẫn tới khó khăn khi Việt Nam và Trung Quốc đàm phán về cửa Vịnh Bắc Bộ.
Nói thế để thấy là có rất nhiều vấn đề mà Trung Quốc muốn Việt Nam tham gia vào kế hoạch "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng chắc chắn là Việt Nam sẽ không thể tham gia được, bởi vì tham gia như vậy chẳng khác gì thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc và thứ hai là cho Trung Quốc khai thác trên chính vùng biển mà lẽ ra quyền khai thác là của mình, theo quy định của luật pháp quốc tế".
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Việt Nam cũng sẽ khó mà tham gia thỏa thuận giống như thỏa thuận ba bên giữa Philippines, Trung Quốc và Việt Nam (JSMU) năm 2005 :
"Chắc chắn là khó lập lại, bởi vì câu chuyện thỏa thuận ba bên đó cũng là một câu chuyện lịch sử. Philippines ký thỏa thuận đó vào thời tổng thống Gloria Arroyo, một lãnh đạo nổi tiếng thân Trung Quốc.
Khi bà ký thỏa thuận thì ban đầu chỉ là thỏa thuận hai bên Philippines và Trung Quốc. Ngay lập tức báo chí Philippines đã lao vào mổ xẻ, thì mới thấy là bà có rất nhiều vi phạm. Thậm chí sau này hết nhiệm kỳ tổng thống của Arroyo, người ta còn phát hiện là trước đó bà đã cử một thượng nghị sĩ sang gặp Trung Quốc để bàn việc "đi đêm" trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí sau đó tòa án còn quản thúc bà Arroyo trong một thời gian.
Vào lúc đó, khi biết được thông tin hai bên ký kết thỏa thuận thăm dò địa chấn giữa Philippines và Trung Quốc, Việt Nam đã phản đối. Philippines và Trung Quốc đã đấu dịu bằng cách mời Việt Nam tham gia. Việt Nam lúc ấy cũng muốn tham gia để nắm tình hình và không để cho vấn đề đi quá xa. Trong thời gian tới, chắc chắn là Việt Nam không thể tham gia những thỏa thuận này".
Khi đến Bắc Kinh vào tháng 11/2022 để gặp chủ tịch Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cùng với đồng nhiệm Trung Quốc ra tuyên bố chung, trong đó có một phần bao gồm 4 điểm liên quan đến Biển Đông.
Trong điểm thứ 3, hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng nhất trí "thúc đẩy bàn bạc về hợp tác phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất".
Nhưng trong tuyên bố chung, hai lãnh đạo nhắc lại là trước mắt Việt Nam và Trung Quốc sẽ chỉ nhất trí đàm phán về các biện pháp giải quyết "mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên", trong khi chờ tìm kiếm "giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 08/05/2023
Việt Nam cần học Philippines về những thay đổi trong chính sách Biển Đông
Trần Vạn Lý, RFA, 10/05/2023
Philippines đổi thay một cách mạnh mẽ
Philippines đang mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, quốc gia này hy vọng lòng dũng cảm của mình sẽ kìm hãm sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thực tế, sự dũng cảm của Philippines đang đạt được hiệu quả mong đợi.
AFP
Trước đó, hơn 100 tàu "dân quân", một tàu chiến và hai tàu tuần duyên Trung Quốc được quan sát thấy đang hoạt động trong lãnh thổ Philippines trong những tuần gần đây. Đáp lại, Manila đã triển khai hai tàu tuần duyên dài 52m để thực thi quyền lãnh thổ của mình xung quanh Bãi Cỏ Mây, khu vực cách đảo Palawan khoảng 200 km [1].
Tuy nhiên, một tàu tuần duyên cỡ lớn của Trung Quốc đã cố tình buộc một trong hai tàu nhỏ của Philippines phải hành động khẩn cấp để tránh va chạm, chỉ vài ngày sau khi tàu Thường Châu - một tàu hộ tống của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) Trung Quốc - thách thức các tàu tuần tra của Philippines đang tuần tra gần đảo Thị Tứ (Manila gọi là đảo Pag-asa). Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tristan Tarriela đã khẳng định : "Việc công bố hành động Trung Quốc trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế và quấy rối các ngư dân bình thường của Philippines đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Cách tiếp cận này là một biện pháp để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và gửi thông điệp rằng Philippines sẽ không lùi bước trước sự hung hăng của Trung Quốc" [2] .
Chiến lược này đã giúp Manila nhận được sự công nhận của quốc tế. Washington - Đồng minh của Philippines đồng thời cũng là đối thủ trực tiếp của Bắc Kinh - đã yêu cầu phía Trung Quốc ngừng "quấy rối và đe dọa" các tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển của Philippines ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Australia, Anh và Canada thông qua các đại sứ của họ tại Manila cũng bày tỏ quan ngại về "hành vi nguy hiểm" của Trung Quốc trong vùng biển này [3] . Cộng đồng quốc tế bắt đầu lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh sau khi một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa các tàu bảo vệ bờ biển của hai bên được ghi hình lại. Các đội truyền thông "đã được đưa lên" các tàu và máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển - một động thái có chủ ý của Manila nhằm cho thế giới thấy điều gì đang thực sự xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này [4].
Dưới thời chính quyền của Duterte, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Trung Quốc chỉ được công chúng chú ý nếu chúng đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ chìm tàu đánh cá Gimver 1, sự hiện diện của 220 tàu dân quân đánh cá tại Đá Ba Đầu và việc tàu hải cảnh sử dụng vòi rồng một cách hung hăng chống lại một tàu của là quân sự Phi nhằm ngăn chặn sứ mệnh tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây. Hơn nữa, một số sự cố đã bị nhấn mạnh quá mức hoặc bị phủ nhận hoàn toàn khi được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin.
Thế nhưng, với chính quyền hiện tại của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., đã có một sự thay đổi đáng chú ý. Trong vài tháng qua, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã mở rộng các nhiệm vụ của họ ngoài sứ mệnh thông thường là tuần tra Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines). Tàu tuần duyên Phi hiện đã đảm nhận vai trò vạch trần hàng loạt hoạt động bất hợp pháp của cả Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) và Lực lượng Dân quân biển Trung Quốc (CMM). Nhiệm vụ mới này xuất hiện sau một sự cố hồi tháng 2, khi Tàu tuần duyên Trung Quốc sử dụng tia laser cấp độ quân sự nhằm vào tàu của Tàu tuần duyên Phi hỗ trợ sứ mệnh tiếp tế của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP).
Tàu tuần duyên Phi hiện công khai đưa tin về sự xuất hiện dày đặc của các tàu dân quân biển trong Vùng đặc quyền knh tế (EEZ) của Philippines, và thậm chí đã công khai báo cáo về sự hiện diện của tàu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (NPLA) trong lãnh hải của Đảo Thị Tứ. Một diễn tiến đáng chú ý là quyết định của Tàu tuần duyên Phi đưa các nhà báo và phóng viên truyền thông lên các chuyến bay Nhận thức về Lĩnh vực Hàng hải (MDA) của họ để phổ biến thông tin chính xác không chỉ cho công chúng Philippines, mà còn cho cả cộng đồng toàn cầu.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là quyết định liên quan đến sứ mệnh nói trên không chỉ thuộc về cơ quan này. Nhóm Công tác Thông tin của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines đã sàng lọc tỉ mỉ và phê duyệt những thông tin sẽ được công bố cho công chúng. Điều này phù hợp với lập trường của chính phủ rằng không nên quân sự hóa xung đột Biển Đông. Do đó, các cơ quan phi quân sự như Tàu tuần duyên Phi hoặc Cục Nghề cá và tài nguyên thủy sản (BFAR) phải đi đầu trong nỗ lực phổ biến thông tin đại chúng.
Điều gì đã khiến Philippines mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông ?
Jay Tristan Tarriela đã mô tả về các yếu tố dẫn đến sự thay đổi chính sách của chính quyền Marcos Jr. đó là [5] :
Thứ nhất, sự thay đổi chính sách này phản ánh cam kết của chính phủ Marcos về tính minh bạch và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trong Thông điệp Quốc gia đầu tiên của mình, Marcos đã thề sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của Philippines trước các thế lực ngoại bang. Chính quyền của ông đã nỗ lực phối hợp để thông báo cho người dân Philippines về những diễn biến ở Biển Đông, mà không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm lừa dối hoặc che đậy sự thật. Cam kết của Marcos đã khuyến khích ông có lập trường cứng rắn, thậm chí triệu đại sứ Trung Quốc tại Malacañang sau sự cố chiếu tia laser gần đây.
Thứ hai, những nỗ lực của Tàu tuần duyên Phi nhằm vạch trần các hoạt động phi pháp ở Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút sự ủng hộ đối với lập trường của chính phủ. Với thông tin hạn chế về tình hình ở Biển Đông, tin tức giả tràn ngập các nền tảng truyền thông xã hội, tạo ra một câu chuyện bị bóp méo. Thông tin sai lệch này khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc là "bạn tốt" và là "đối tác vì hòa bình và phát triển". Sự gia tăng của thông tin sai lệch được thúc đẩy bởi sự gia tăng của những người cung cấp "tin tức giả mạo" trên các kênh truyền thông xã hội, nơi 73% dân số Philippines phụ thuộc vào nguồn tin tức chính thống của họ. Tuy nhiên, bước vào năm mới 2023, chính phủ quốc gia đã làm sáng tỏ việc Tàu tuần duyên Trung Quốc quấy rối Philippines. Tiết lộ này đã tạo nên sự gia tăng nhận thức trong công chúng, từ đó củng cố sự ủng hộ đối với Tàu tuần duyên Phi và AFP trong nỗ lực tuần tra Biển Đông. Những lời tường thuật thực tế, kèm theo hình ảnh ấn tượng và những video đáng lo ngại đã chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu trong việc định hình lại quan điểm của công chúng và vạch trần những luận điệu sai sự thật.
Thứ ba là giành được sự ủng hộ và đoàn kết từ các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Mặc dù đúng là các đồng minh phương Tây và các quốc gia có cùng chí hướng khác đã liên tục lên án các hành động thù địch của Bắc Kinh, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng đây không phải là mục tiêu cuối cùng. Điều quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực là phải nhận ra hành vi hung hăng và đáng sợ của Bắc Kinh, vì điều đó sẽ cho phép họ xích lại gần nhau và cùng lên án hành vi đó là vi phạm luật pháp quốc tế. Bằng cách đoàn kết, các quốc gia này có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng những hành động chèn ép như vậy sẽ không được chấp nhận và họ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Quan trọng nhất, nhận thức của họ cũng có thể khuyến khích việc nhận ra nhu cầu gây sức ép tập thể đối với Trung Quốc để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Thứ tư, việc phơi bày các hành động thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông có thể buộc nước này phải hành động có trách nhiệm hơn và tôn trọng luật pháp quốc tế. Bằng cách lên án hành vi của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế có thể buộc nước này phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình và có khả năng gây áp lực buộc họ phải thay đổi cách tiếp cận. Trong khi Trung Quốc có thể không thoải mái với sự chú ý như vậy mỗi khi xảy ra sự cố ở Biển Đông, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận hoặc giảm nhẹ sự liên quan của họ. Ví dụ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phủ nhận cả sự hiện diện của dân quân biển tại Đá Ba Đầu vào năm 2021 và việc sử dụng tia laser cấp độ quân sự vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, bằng cách tiếp tục lưu lại bằng chứng và công khai những sự cố này, cộng đồng quốc tế có thể xây dựng một lập trường mạnh mẽ chống lại các hành động của Trung Quốc và có khả năng buộc nước này phải thay đổi hành vi của mình.
Thứ năm, một điểm quan trọng cần xem xét là việc công khai các nỗ lực của Philippines ở Biển Đông sẽ tạo ra một khuôn mẫu, thể hiện các hành động hợp pháp của nước này như một thông lệ. Nếu không được thể hiện đầy đủ, các sáng kiến do Philippines thực hiện có thể được mô tả là bất thường, tạo cơ hội cho Trung Quốc gán mác là "mới" và "khiêu khích" trong tương lai. Điều bắt buộc là phải thừa nhận rằng các nhiệm vụ này là tiêu chuẩn, có thể chấp nhận được và hợp pháp. Việc phớt lờ các hoạt động của Philippines trong khu vực này có thể giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong việc định hình câu chuyện và thao túng tình hình theo hướng có lợi cho họ. Do đó, điều cần thiết là thúc đẩy các hoạt động của Tàu tuần duyên Phi và AFP để chống lại bất kỳ luận điệu không chính xác nào mà Trung Quốc có thể cố gắng bịa đặt sau này.
Cuối cùng, bằng cách làm sáng tỏ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines đang truyền tải một thông điệp rằng họ sẽ không bị khuất phục hoặc bị ép buộc phải khuất phục. Mặc dù quốc gia này có thể không sánh được với sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, nhưng họ sẽ không ngồi yên và để Trung Quốc bắt nạt khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bằng cách làm sáng tỏ hành vi hung hăng của Trung Quốc, Philippines hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ từ các quốc gia khác tin tưởng vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia có cùng quan điểm khác có thể không chỉ lên án bằng lời nói mà còn hỗ trợ hữu hình như xây dựng năng lực để gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.
Việt Nam học được kinh nghiệm gì ?
Hành động sử dụng các phóng viên truyền thông đến tận thực địa để đưa tin về sự thật đang diễn ra của chính quyền Philippines gợi nhớ đến cách Việt Nam đã từng sử dụng năm 2014 khi Trung Quốc triển khai giàn khoan 981 vào trong Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Thế nhưng, thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam gần như im lặng trước các sự việc liên quan đến Trung Quốc. Đặc biệt sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái, thì gần như các bài viết về Trung Quốc rất ít khi được xuất hiện. Cho dù, các nhà nghiên cứu nước ngoài cho biết, các tàu Trung Quốc vẫn đang hoành hành và đe doạ các tàu cá Việt Nam ngay trong vùng EEZ của Việt Nam. Cụ thể, một nhà nghiên cứu đã đưa thông tin trên Twitter rằng tàu thăm dò của Trung Quốc Hướng dương hồng 10 đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam, hộ tống tàu này có tàu Hải cảnh Trung Quốc 4303 đang tìm cách quấy rối tàu Kiểm Ngư 414 của Việt Nam [6] .
Kinh nghiệm của Philippines trong đối đầu với "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc trên Biển Đông đó là mặc dù không khiêu khích hay biến nó thành xung đột quân sự, nhưng để đối đầu với một đối thủ hùng mạnh hơn mình nhiều lần thì phải sử dụng sức mạnh của lẽ phải, mà truyền thông đóng một vai trò quan trọng.
"Bao giờ cho đến tháng Mười" ? có lẽ cũng là câu hỏi cho chính quyền Việt Nam khi nào mới dũng cảm sử dụng truyền thông nói lên sự thật về âm mưu và dã tâm của Trung Quốc trên Biển Đông. Để thế giới không còn bị lừa mị bởi đại quốc mà tiểu nhân này.
Trần Vạn Lý
Nguồn : RFA, 10/05/2023
Tham khảo :
[1] https://globalnation.inquirer.net/213954/fwd-pcg-more-than-100-chinese-maritime-militia-warship-remains-in-wps
[2] https://thediplomat.com/2023/04/why-the-philippines-is-exposing-chinas-aggressive-actions-in-the-south-china-sea/
[3] https://www.manilatimes.net/2023/05/02/news/national/harassment-of-ph-vessels-worries-uk-canada-australia/1889546
[4] https://www.cnnphilippines.com/news/2023/5/1/PCG-China-behavior-West-Philippine-Sea.html
[5] https://thediplomat.com/2023/04/why-the-philippines-is-exposing-chinas-aggressive-actions-in-the-south-china-sea/
[6] https://twitter.com/GordianKnotRay/status/1655774532509265923?s=20
***************************
Tàu Kiểm ngư Việt Nam theo sát tàu Khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế
RFA, 30/05/2023
Tàu Kiểm ngư Việt Nam 414 vào tối ngày 10/5 (giờ Việt Nam) được ghi nhận đi theo tàu khảo sát Trung Quốc Xiang Yang Hong (Hướng Dương Hồng) 10 khi tàu này đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý. Ảnh Marine Traffic do RFA chụp lại cho thấy như vừa nêu.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam 414 đi theo tàu khảo sát Trung Quốc Xiang Yang Hong (Hướng Dương Hồng) 10 vào tối ngày 10/5/2023 trong EEZ của Việt Nam cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý - MarineTraffic
Ngoài tàu khảo sát Xiang Yang Hong, ảnh chụp trước đó còn cho thấy một nhóm gồm hai tàu Tuần duyên Trung Quốc số hiệu 4303, 5305, và bảy tàu dân quân biển nước này bị tàu Kiểm ngư 414 giám sát. Phía Việt Nam còn điều thêm tàu Kiểm ngư 475 từ Cam Ranh ra theo dõi các tàu của phía Trung Quốc.
Như tin Reuters loan ngày 8/5 dẫn hai nguồn của Ấn Độ cho hay, tàu dân quân biển Trung Quốc đi vào khu vực Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nơi mà Hải quân các nước ASEAN và Ấn Độ đang diễn tập trong khuôn khổ hoạt động có tên AIME-2023.
Tin nói rõ vào khi chiến hạm và máy bay của các bên tham gia đang diễn tập, tàu dân quân biển Trung Quốc tiến đến, cả hai phía chạy qua nhau nhưng không xảy ra đối đầu.
Lâu nay, một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc quanh Biển Đông cáo giác Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển cũng như tàu chính thức mang cờ Hoa Lục sách nhiễu, hăm dọa tàu đánh cá cũng như tàu quân sự của họ tại Biển Đông.
***************************
Chiến thuật "cấm đánh cá" của Trung Quốc để cưỡng chiếm biển Việt Nam
Phan Văn Song, Hà Hoàng Hợp, RFA, 09/05/2023
Trung Quốc hiện đang thực hiện lệnh cấm đánh cá trên một loạt vùng biển là Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lệnh cấm này được kéo dài đến tận 16/8/2023 đối với hai vùng biển là Hoa Đông và Biển Đông. Đối với các vùng biển khác, lệnh cấm kéo dài sang tháng 9 năm 2023. Theo một số chuyên gia, lệnh cấm này là một chiến thuật "vùng xám".
Tàu cá nằm chờ ở Hong Kong sau khi Trung Quốc cấm đánh cá năm 2000. Reuters
Lệnh cấm mơ hồ : cấm luôn cả vùng biển của Nhật và Hàn Quốc
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Qũy Nghiên cứu Biển Đông, cho biết lệnh cấm này được thực hiện từ 1999 đến nay. Về phạm vi cấm, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, năm nay Trung Quốc có một điểm mới là gộp chung phần phía bắc Biển Đông (12 độ vĩ bắc) với phần phía nam biển Hoa Đông (26’30 độ vĩ bắc).
Lệnh cấm này chỉ quy định vĩ độ mà không có thông tin về kinh độ, cũng không có bản đồ phạm vi cấm đi kèm. Đây là một điểm mơ hồ. Nếu không có thông tin về kinh độ thì có thể hiểu là theo chiều ngang, trên các vùng biển như Hoàng Hải, biển Hoa Đông, phạm vi cấm có thể kéo dài đến tận lãnh hải Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết vì điểm mơ hồ này của lệnh cấm, một số công ty tư nhân Trung Quốc đã vẽ bản đồ vùng cấm đánh cá này của Trung Quốc trùm lên cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn đối với biển Đông, do Trung Quốc đã có yêu sách đường chữ U bất hợp pháp nên chiều ngang của vùng cấm được hiểu là nằm trong đường chữ U này.
Như vậy, phạm vi của lệnh cấm vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Philippines, và có thể của cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phạm vi cấm ở Biển Đông
Đối với Biển Đông, lệnh cấm này chỉ cấm đến 12 độ vĩ bắc, tức là chừa vùng biển Trường Sa ra ngoài, chỉ cấm vùng biển Hoàng Sa và vùng biển giữa biển Đông. Ở Biển Đông, hai nước bị lệnh cấm này của Trung Quốc xâm phạm nhiều nhất là Việt Nam và Philippines. Hiếm có ngư dân Indonesia hay Malaysia đánh cá ở khu vực bị cấm.
Nhà nghiên cứu Phan Văn Song phân tích rằng đối với Biển Đông, lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc có 2 giai đoạn :
Giai đoạn đầu từ 1999 đến 2009. Trung Quốc bắt đầu tuyên bố lệnh "cấm đánh cá" theo mùa ở Biển Đông từ 1999. Lúc đó họ chưa công bố đường chữ U trên biển Đông một cách chính thức. (Chính thức công bố trong công hàm gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009.) Trong khoảng 10 năm đó, do lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc còn yếu và họ cũng chưa chính thức đòi hỏi đường chữ U tại Liên Hiệp Quốc, các va chạm lớn liên quan đến đường chữ U ít xảy ra hơn. Giai đoạn đó hầu như chỉ có Việt Nam phản đối còn phản ứng của quốc tế là không đáng kể.
Giai đoạn hai từ 2009 đến nay. Sau khi công bố đường chữ U trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc năm 2009, Trung Quốc mới bắt đầu tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam, bao gồm cưỡng chế, bắt giữ tàu cá, tịch thu hải sản, phá hủy ngư cụ, tàu thuyền. Ở giai đoạn này, họ chủ yếu thực hiện nghiêm ngặt chế độ cấm đánh cá ở Bột Hải, Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Còn đối với Biển Đông, họ chỉ mở rộng thực thi đến bãi cạn Scarborough của Philippines. Năm 2013, Trung Quốc thành lập chính thức lực lượng cảnh sát biển bằng cách hợp nhất các lực lượng tản mạn như ngư chính, hải giám, hải cảnh, được trang bị nhiều tàu lớn do hải quân chuyển sang. Từ 2013, họ cũng bắt đầu cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ quân sự lớn ở Trường Sa.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa (không cấm nam vĩ tuyến 12° N.) Trước khi xây dựng được các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, thực tế Trung Quốc khó có thể kiểm soát vùng biển này. Đó có thể là lí do họ không cấm đánh cá vùng đó.
Nhưng từ khi có các căn cứ lớn ở Trường Sa trong mấy năm gần đây, rõ ràng họ đã có thể gửi lực lượng chấp pháp dọc ngang khu vực này. Họ vẫn không cấm đánh cá vùng này, một phần lớn là chừa vùng đó cho ngư dân của họ có chỗ đánh cá khi các vùng khác bị cấm.
Năm 2018 thì lực lượng cảnh sát biển này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương thuộc Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, với mỗi một bước phát triển lực lượng như vậy, họ mỗi lúc càng hung hăng hơn.
Chiến thuật vùng xám
Một trong lý do khiến Trung Quốc không cấm đánh cá ở Trường Sa ngay cả khi đã có các căn cứ lớn ở đó là họ muốn thực thi chiến thuật vùng xám.
Một phần tương đối lớn của vùng biển Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei, Philippines. Các hoạt động đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác phải được họ cho phép. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, "họ không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa cũng là để cho lực lượng dân quân ngụy trang dưới dạng ngư dân đồng hành với lực lượng chấp pháp chính quy nhằm quấy phá ngư dân nước khác, cản trở các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước khác trong khu vực".
Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết thực ra vào năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã để cho tỉnh Hải Nam ra quy định ngư dân phải có giấy phép mới được đánh cá trong phạm vị họ quy định. Phạm vi này kéo dài tới 4° vĩ độ bắc, tức là bao phủ toàn bộ đường chữ U, thậm chí ở phía nam, có một phần vượt ra khỏi phạm vi đường chữ U và đi vào trong vùng lãnh hải Việt Nam. Quy định này có vẻ để thăm dò phản ứng của các nước trong khu vực. Trung Quốc bị Việt Nam và các nước liên quan phản đối và thực tế họ cũng chưa đủ khả năng kiểm soát toàn khu vực nên cho tới nay họ không còn nhắc lại nữa.
RFA đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Phan Văn Song rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có phải là một chiến thuật để đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông không ? Nếu đúng thì chiến thuật đó là gì ? Nó gây khó khăn gì cho các nước khác xung quanh Biển Đông ?
Ông Phan Văn Song cho rằng, "ngoài lí do về môi trường như Trung Quốc nói, chắc chắn đó cũng là một hành động thể hiện sự kiểm soát thực tế các khu vực biển này, một yếu tố rất quan trọng để chứng minh chủ quyền trước toà trong khu vực có tranh chấp. Đây là chiến thuật cài bẫy bằng sự mập mờ. Nếu các nước liên quan không phản đối, Trung Quốc sẽ nói là đã ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nếu các nước này phản đối, họ sẽ bị rêu rao là không hợp tác trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc cũng đặt ngư dân Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông vào tình thế có nguy cơ bị lực lượng chấp pháp của Trung Quốc xâm hại, tấn công. Nguy cơ lực lượng chấp pháp của các nước xung quanh Biển Đông phải va chạm với Trung Quốc cũng ngày càng tăng".
Hiện nay, quốc tế chưa quan tâm nhiều đến những lệnh cấm đánh cá đơn phương này của Trung Quốc. Có lẽ vì chưa nắm rõ chiến thuật vùng xám này của Trung Quốc. Việt Nam đã chọn cách phản đối và không tuân theo lệnh cấm đó. Ngư dân Việt Nam phải liều mình vì cuộc sống cũng như để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong khi lực lượng chấp pháp Việt Nam chưa đủ nguồn lực để bảo vệ họ một cách đầy đủ.
Có thể coi hành vi cướp phá của dân quân biển Trung Quốc là cướp biển
Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng các hải đội dân quân biển của Trung Quốc có thể bị coi là cướp biển, khi họ cướp phá tài sản của tàu cá Việt Nam. Tháng 2 năm 2023 một tàu cá ở Quảng Nam khi ghé vào một đảo ở Hoàng Sa tránh gió lớn, đã bị một tàu phi quân sự của Trung Quốc tới cướp bóc hết hải sản và ngư cụ. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp dẫn Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về hành vi "cướp biển" và khẳng định "Việt Nam có thể hành xử với họ như là đối với cướp biển, tức là có thể trấn áp bằng vũ lực".
Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về "cướp biển" như sau :
"Bất kỳ hành vi bất hợp pháp sử dùng bạo lực hay bắt giữ, hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một tàu tư nhân, hay một phương tiện bay tư nhân thực hiện, vì những mục đích riêng tư, và nhằm : (i) Chống lại một tàu hay một phương tiện bay khác, hay chống lại những người hay tài sản trên tàu hoặc phương tiện bay đang trên biển cả ; (ii) Chống lại một tàu, phương tiện bay, người hay tài sản đang ở khu vực nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh rằng hành vi của các tàu dân quân biển Trung Quốc tương ứng với định nghĩa về "cướp biển" nói trên. Do đó, việc Việt Nam sử dụng lực lượng chấp pháp căn cứ theo Luật biển Quốc tế và Luật biển Việt Nam để trấn áp cướp biển, hoặc hành vi ăn cướp trên biển, để bảo vệ ngư dân Việt Nam, cũng là một cách thức hiệu quả để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc.
Tuy vậy theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, Việt Nam cũng có vấn đề của mình, khi họ không thể bảo vệ ngư dân Việt Nam vào các vùng biển nước khác, như Indonesia và Malaysia, để đánh cá, dù phần lớn là do không xác định được ranh giới trên biển. Ông nói Việt Nam và Indonesia đã ký thỏa thuận phân chia ranh giới trên biển, vì vậy có thể hy vọng sẽ không còn xảy ra việc các tàu đánh cá của Việt Nam xâm phạm biển của Indonesia và với các nước khác cũng vậy.
Còn nhà nghiên cứu Phan Văn Song suy nghĩ về việc sử dụng công cụ pháp lý quốc tế. Ông nói :
"Tôi nghĩ chưa sâu nhưng có một vài suy nghĩ bước đầu như sau để cùng thảo luận. Về mặt câu chữ, phán quyết năm 2016 của Tòa Thường trực chỉ áp dụng cho Philippines. Việt Nam xác định Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống. Nhưng điều này chưa được công nhận như vùng biển Scarborogh của Philippines. Do đó, Trung Quốc sẽ lập luận là họ chỉ cấm trong vùng biển của mình.
Có lẽ Việt Nam nên tìm cách, tìm dịp nào đó kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để có được một phán quyết vô hiệu hóa phạm vi của đường chữ U trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của phía mình, cũng như nhận được phán quyết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống. Tất nhiên việc này không dễ vì Việt Nam phụ thuộc kinh tế Trung Quốc khá nhiều nên có thể bị họ trả đũa ở mức vượt quá khả năng chống đỡ".
Nguồn : RFA, 09/05/2023
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines dự kiến triển khai một cơ chế đối thoại ba bên gồm các cố vấn an ninh quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng quân sự ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Một cố vấn về an ninh của tổng thống Philippines cho biết các cuộc thảo luận đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 04/2023.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong cuộc họp báo tại Tokyo sau cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida. Ảnh ngày 09/02/2023. AP - Kimimasa Mayama
Theo hãng tin Nhật Kyodo ngày 28/03, ông Eduardo Ano, cố vấn an ninh của tổng thống Philippines cho biết là "sẵn sàng tham dự" cuộc họp. Ý tưởng tổ chức đối thoại 3 bên là do Nhật Bản đưa ra và Tokyo cho rằng cần phải cùng với Hoa Kỳ thắt chặt mối quan hệ với Philippines để tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc, chuẩn bị đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở Đài Loan.
Một nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và đồng nhiệm Nhật Bản Takeo Akiba có thể tham gia cuộc họp ba bên, dự kiến diễn ra sau cuộc thảo luận về an ninh giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ - Philippines tại Washington ngày 11/04. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ tháng 01/2016, Washington và Manila nối lại đối thoại 2+2 kể từ khi tổng thống tiền nhiệm Philippines Rodrigo Duterte thực hiện chính sách xích gần với Trung Quốc.
Tầu sân bay Mỹ Nimitz tập trận với Nhật Bản và Hàn Quốc
Trước đó, từ ngày 23-26/03, nhóm tác chiến tầu sân bay Nimitz (NIMCSG) đã tiến hành một cuộc tập trận song phương với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) ở biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông).
Theo trang web của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ba tầu USS Nimitz, USS Wayne E. Meyer và USS Decatur đã phối hợp tập trận chống tàu ngầm, phòng không, đổ bộ trực thăng trên boong và tập bắn đạn thật trên biển với tầu khu trục chở trực thăng JS Ise của Nhật Bản. Mục đích là nhằm "mở rộng khả năng tương tác và tăng cường năng lực" của hai bên và khẳng định "quyết tâm bảo vệ quyền lưu thông trên biển và trên không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Sau chuyến tập trận ở Biển Đông, nhóm tầu sân bay Nimitz cập cảng Busan của Hàn Quốc hôm 28/03 để chuẩn bị một cuộc tập trận ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc.
Thu Hằng
Không có người dân nào xuống đường biểu tình phản đối tàu Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tàu Hải Dương Địa Chất 4 (Haiyang Dizhi 4) được đóng vào năm 1980, tải trọng gần 1.000 tấn.
Dường như phải đến khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng trên trang web của Bộ Ngoại giao hôm 26/3/2023 thì người dân nào có vào trang web này mới biết là tàu của Trung Quốc đang khai thác ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Nội dung rất ngắn gọn :
"Ngày 24/3/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị khẳng định thông tin và cho biết phản ứng trước việc tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ :
"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và pháp luật Việt Nam để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình".
Theo trang thông tin về tàu thuyền Marine Traffic, thì tàu Hải Dương Địa Chất 4 (Haiyang Dizhi 4) được đóng vào năm 1980, tải trọng gần 1.000 tấn. Trước đó, suốt 3 tháng ròng rã hồi năm 2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 được đóng năm 2017, tải trọng gần 2.400 tấn đã hoạt động như chỗ không người ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó nữa, ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa đến khu vực biển cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng của Việt Nam) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý 180 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.
Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lúc ấy cũng đã tố cáo hành động này của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.
Tin tức từ Bộ Ngoại giao khi ấy cũng cho biết Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhiều lần thực hiện các cuộc điện đàm về vụ giàn khoan Hải Dương 981, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vị trí tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác cùng các cơ quan báo chí. Tại Đối thoại ASEAN – Mỹ lần thứ 27 diễn ra tại Yangon, Myanmar, Việt Nam tố cáo Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời liên tục gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hại các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và của Việt Nam…
Và ở Sài Gòn đã diễn ra cuộc biểu tình tự phát của người dân phản đối hành động này của Trung Quốc.
Tuy nhiên đến khi xảy ra vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 ‘tung hoành’ ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, thì gần như không ghi nhận cuộc biểu tình nào đáng kể.
Khi ấy, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tình hình Biển Đông trong phần nói về kinh tế- xã hội. Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đề nghị Hội nghị trung ương 11 : "Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua"…
Từ đó đến nay, dường như những phân tích, dự báo theo yêu cầu có phần ‘nhẹ nhàng’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đều thiếu tính khả thi nên Trung Quốc vẫn thoải mái khai thác vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam.
Tưởng cũng nên nhắc lại một chuyện cũ để rõ hơn về thái độ của người đứng đầu Đảng : Sáng 8/12/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Hà Nội tại tổ bầu cử số 1 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra. Phần tường thuật với lời dẫn trực tiếp sau đây đã được gỡ bỏ ở hệ thống báo chí nhà nước :
"Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không ? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển.
Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?
Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không ? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy".
Xem chừng mối nguy khác mà Đảng đang đối mặt, đó là dường như lòng dân đã nguội lạnh trước thời cuộc…
Nguyễn Huỳnh
Hoa Kỳ bác tuyên bố của Trung Quốc nói xua đuổi một khu trục hạm Mỹ ở Biển Đông
RFA, 23/03/2023
Hoa Kỳ bác bỏ một tuyên bố của Trung Quốc đưa ra ngày 23/3 rằng lực lượng của Bắc Kinh đã xua đuổi một khu trục hạm của Mỹ ra khỏi vùng biển Hoàng Sa tranh chấp tại Biển Đông.
Khu trục hạm USS Milius (DDG69) tại căn cứ của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản hôm 22/5/2018 (minh hoạ) - Reuters
AP loan tin dẫn thông cáo của Hạm đội Bảy thuộc Hải quân Hoa Kỳ cho rằng một tuyên bố đưa ra trong cùng ngày từ phía Trung Quốc là sai. Đó là tuyên bố của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam Quân đội Hoa Lục nói rằng đã buộc khu trục hạm USS Milius của Mỹ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông.
Trong trả lời AP, một đại diện của Hạm đội Bảy cho rằng khu trục hạm USS Milius đang tiến hành hoạt động thường kỳ ở Biển Đông và không hề bị xua đuổi. Hoa Kỳ tiếp tục cho chiến đấu cơ, chiến hạm hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.
Đại diện của Hạm đội Bảy không cho biết rõ khu trục hạm USS Milius có đi sát vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc có đối đầu gì giữa hai phía hay không.
Thông cáo của phía Hạm đội Bảy thuộc Hải quân Hoa Kỳ được đưa ra sau khi một phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc tuyên bố rằng Hải quân và Không quân Trung Quốc đã xua được chiến hạm Mỹ theo đúng luật pháp.
Vụ việc xảy ra vào khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực gia tăng do Washington đẩy mạnh ngăn chặn hành động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông và những nơi khác.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế La Haye vào năm 2016 tuyên không có căn cứ cả về pháp lý lẫn lịch sử ; tuy vậy Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa.
Biển Đông là một tuyến hàng hải được đánh giá có tính chiến lược trên thế giới, hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này lên đến chừng năm ngàn tỷ USD ; và vùng biển này còn giàu nguồn hải sản cũng như tài nguyên dầu mỏ.
************************
Trung Quốc loan báo đã "đuổi" một tàu chiến của Mỹ khỏi Hoàng Sa
Thùy Dương, RFI, 23/03/2023
Hôm 23/03/2023, Trung Quốc loan báo đã "đuổi" một tàu chiến của Mỹ khỏi vùng Biển Đông. Theo quân đội Trung Quốc, tàu khu trục USS Milius của Mỹ đã tiến gần "một cách bất hợp pháp" đến một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Washington đã bác bỏ thông tin mà họ cho là "dối trá".
Tàu khu trục Arleigh Burke USS Milius (DDG 69) di chuyển trên biển Philippines ngày 13/03/2023. AP - Petty Officer 1st Class Gregory
Theo AFP, thông cáo ngắn gọn của tướng Điền Quân Lý (Tian Junli), phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung Quốc, nhấn mạnh "các lực lượng hải quân và không quân đã được huy động để theo dõi và giám sát" tàu khu trục của Mỹ và đã "phát cảnh báo và buộc" tàu này rời khỏi khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung Quốc lên án hành động của Mỹ "gây phương hại cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông" và khẳng định quân đội Trung Quốc "vẫn cảnh giác và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia".
Về phía Mỹ, theo AFP, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khẳng định "tuyên bố của Trung Quốc là dối trá", tàu USS Milius "đang tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Đông và không phải quay đầu ngược trở lại. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến bay, các chuyến hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Hoa Kỳ vẫn thường xuyên điều tàu chiến đến Biển Đông nhằm bảo vệ "tự do lưu thông hàng hải", thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Thùy Dương
Mỹ và 4 nước Ấn Độ-Thái Bình Dương tập trận : Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong tầm nhắm
Trọng Nghĩa, RFI, 16/03/2023
Hạm đội 7 của Mỹ phụ trách vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vừa cho biết : Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào hôm 15/03/2023 đã bắt đầu các cuộc tập trận chống tàu ngầm mang tên Sea Dragon 23.
Các tàu của Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tập trận chung tại vùng biển quốc tế phía đông bán đảo Triều Tiên ngày 22/02/2023. AP
Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc tập trận đa quốc gia này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo hai nước tham gia là Hàn Quốc và Nhật Bản họp thượng đỉnh để cải thiện quan hệ song phương nhằm củng cố liên minh với Washington trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Trong một thông cáo báo chí, Hạm đội 7 cho biết là cuộc tập trận Sea Dragon 23 sẽ kết thúc sau hơn 270 tiếng đồng hồ tập huấn trên không "từ việc theo dõi các mục tiêu giả định cho đến bài tập cuối cùng là truy tầm một chiếc tàu ngầm của Hải quân Mỹ".
Hạm đội 7 cũng cho biết là phi công và sĩ quan phi hành từ tất cả các quốc gia tập trận cũng sẽ tham gia các buổi tập huấn trong lớp theo nội dung "lên kế hoạch và thảo luận về chiến thuật phối hợp năng lực và thiết bị của nhau".
Thông cáo cho biết là Hải quân Mỹ đã cử hai máy bay trinh sát và tuần tra hàng hải P-8A Poseidon, đặt căn cứ tại đảo Guam, tham gia cuộc tập trận, nhưng không cho biết là sự kiện này sẽ kéo dài bao lâu cũng như diễn ra ở đâu.
Tuy nhiên, trong một thông cáo hôm nay, 16/03, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ đã cử một phi cơ P8I đến đảo Guam tham gia cuộc tập trân Sea Dragon từ ngày 15-30/03.
Theo AP, với khoảng từ 50 đến 70 chiến hạm và tàu ngầm, 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến sẵn sàng được triển khai bất cứ lúc nào, Hạm đội 7 "thường xuyên tương tác và hoạt động với các đồng minh và đối tác để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Vùng hoạt động đó bao gồm cả Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, nơi mà các hành động của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thường xuyên làm tình hình căng thẳng.
Nguồn : RFI, 16/03/2023
Imran Vittachi, RFA, 16/03/2023
Một tàu khảo sát 2.600 tấn của Trung Quốc cũng được nhìn thấy trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam - một tổ chức nghiên cứu địa phương cho biết.
Hậu Đình/AP Photo
Tiếp sau sự vụ ở Philippines, nhiều tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện và tụ tập thành đoàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông – một tổ chức nghiên cứu của Việt Nam sử dụng dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết.
Dự án Đại Sự ký Biển Đông (SCSCI-South China Sea Chronicle Initiave) cũng đưa tin một tàu khảo sát nặng 2.600 tấn của Trung Quốc, tàu Hải Dương Địa chất 4, cũng đã lảng vảng bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và điều này cho thấy có thể đã có "một hoạt động nào đó" tại đây.
Theo SCSCI, số lượng tàu Trung Quốc trong khu vực EEZ của Việt Nam đã tăng đáng kể trong hai tuần đầu của tháng ba năm nay, gần gấp ba lần số lượng quan sát được vào cuối tháng hai. Vùng đặc quyền kinh tế cho phép một quốc gia được độc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển và đáy đại dương.
Dữ liệu này thu thập được từ tín hiệu của hệ thống nhận diện tự động (AIS) truyền của những con tàu này.
"Các tàu Trung Quốc cũng đã hoạt động sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi chỉ 60 hải lý (111km)" – bà Vân Phạm, người quản lý của SCSCI nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Các tàu đánh cá và tàu dân quân biển thường được Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống.
Trong khi đó, hôm thứ tư (15/3/2023), tàu nghiên cứu và khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã có mặt nhiều giờ trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát trước khi đi vào khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của tuyến đường thủy chiến lược nhưng cho đến nay, Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền lớn nhất.
Trung Quốc và các nước láng giềng thỉnh thoảng có những bất đồng về hoạt động thăm dò dầu khí của Bắc Kinh trên biển.
Theo dõi hải trình của tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa chất 4 cho thấy tàu này xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 15/3/2023. Ảnh : Marine Traffic
Theo trang theo dõi tàu Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), tàu Hải Dương Địa chất 4 đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 17 tiếng đồng hồ trong ngày 15/3.
"Có vẻ như con tàu này đang tiến hành một hoạt động ở đây" - tổ chức SCSCI cáo buộc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện chưa có bình luận về vấn đề này.
Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc các tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và gọi các hoạt động này là "vi phạm chủ quyền của Việt Nam".
Vào năm 2019, một cuộc biểu tình đã diễn ra ngay trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vì tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã hoạt động nhiều tháng trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát.
Ngay sau đó, năm 2020, cũng chính con tàu này đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tháng với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia .
Cuộc đối đầu lớn nhất từ trước đến nay giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề thăm dò dầu khí ở Biển Đông diễn ra vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.
Vụ việc này có sự tham gia của hàng chục tàu chấp pháp của cả hai nước và dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Cuối cùng, Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển của Việt Nam sau 2.5 tháng.
Trung Quốc đã và đang tiến hành cái gọi là "các chiến dịch vùng xám", sử dụng các lực lượng phi truyền thống như dân quân biển để đạt được các mục tiêu kinh tế và an ninh.
Philippines, một quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, gần đây cáo buộc các tàu dân quân biển Trung Quốc đã tràn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Trong một diễn biến mới nhất, các tàu dân quân biển của Trung Quốc ngoài khơi đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát đã phân tán sau khi tập trung tại đảo này vào hồi đầu tháng ba năm nay - ông Ray Powell, Trưởng dự án Myoushu (Biển Đông) tại Đại học Stanford ở California cho biết.
Ngày 4/3/2023, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết đã phát hiện thấy hơn 40 tàu dân quân biển được nghi là của Trung Quốc trong khu vực ngoài khơi cách đảo Thị Tứ (hay còn gọi là Pag-asa của Philippines) 4,5 đến 8 hải lý.
"Bằng cách định kỳ phân tán lực lượng của mình, hạm đội dân quân [biển] của Trung Quốc dường như cố ý làm cho các cơ quan thực thi pháp luật của Philippines khó khăn hơn khi theo dõi các chiến thuật kéo bầy đàn của họ" - ông Powel nói với RFA.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc phần lớn được tổ chức bởi các công ty đánh cá lớn của nước này.
Nghiên cứu của Andrew Erickson và Conor Kennedy vào năm 2016 cho biết : Ước tính duy nhất về quy mô của lực lượng dân quân biển Trung Quốc là từ một nguồn xuất bản năm 1978. Theo đó, nhân sự của lực lượng này vào thời điểm đó là 750.000 người, hoạt động trên khoảng 140.000 tàu. Con số này có khả năng đã tăng lên đáng kể kể từ đó.
Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân quân biển.
Imran Vittachi
Nguồn : RFA, 16/03/2023
Trung Quốc đóng tầu nạo vét công suất gấp đôi tầu xây đảo ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 12/03/2023
Đội tầu nạo vét hơn 200 chiếc của Trung Quốc sẽ được trang bị thêm một tàu nạo vét có công suất kỷ lục 10.000 kW. Theo trang South China Morning Post ngày 12/03/2023, tầu được dự kiến đóng sẽ mạnh hơn 50% so với "siêu tầu xây đảo" ở Biển Đông.
Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp, đã được Trung Quốc cải tạo thành căn cứ quân sự. Ảnh chụp ngày 20/03/2022 AP - Aaron Favila
Theo kỹ sư trưởng Tần Bân, của công ty Đường thủy Thiên Tân (Tianjin Waterway Bureau), một chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), "con tầu mới không chỉ lớn hơn mà còn là một bước nhảy vọt về chất lượng". Tầu mới có công suất 10.000 kW, hơn gấp đôi so với tầu Thiên Kinh (Tian Jing, công suất 4.400 kW) từng tham gia vào việc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc đưa thêm tầu Thiên Côn (Tian Kun), có công suất 6.600 kW, vào hoạt động năm 2019 và hiện là tầu nạo vét mạnh nhất Ukraine Á.
Cả hai tầu Thiên Kinh và Thiên Côn đều nằm trong đội tầu nạo vét hùng mạnh nhất thế giới do Công ty Đường thủy Thiên Tân khai thác. Tầu Thiên Côn, được hoàn thành năm 2017, hiện là tầu mạnh nhất, có khả năng đưa nguyên vật liệu từ khoảng cách 15 km và đào sâu đến 35 mét dưới đáy biển.
Còn tầu Thiên Kinh được biết đến do tham gia bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông. Tầu đã hoạt động động trong suốt 193 ngày quanh 5 rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 09/2013 đến tháng 06/2014 và biến đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và Xu Bi từ rạn san hô chìm thành các thực thể đất liền lớn nhất ở Biển Đông, được trang bị sân bay, hệ thống radar và vị trí tên lửa. Sau khi hoàn thành công trình bất hợp pháp "Vạn lý trường thành cát" ở Biển Đông, tầu Thiên Kinh được trao giải tiến bộ khoa học và công nghệ năm 2019.
Trung Quốc hiện sở hữu đội tầu khoảng 200 chiếc, được sản xuất từ năm 2006 nhằm mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất tầu nạo vét lớn nhất thế giới. Tầu nạo vét có thể công phá lớp đá dưới đáy sông, biển bằng mũi khoan, hút cát đá rồi bơm chúng qua đường ống đến nơi khác. Những con tầu này được sử dụng để nạo vét luồng tầu hoặc xây đảo nhân tạo.
Thu Hằng
**************************
Cảnh báo qua lại giữa lực lượng Trung Quốc và Philippines ở Trường Sa
Reuters, VOA, 10/03/2023
Khi một máy bay của lực lượng tuần duyên Philippines bay qua quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông hôm 9/3, một cảnh báo được phát qua sóng radio yêu cầu họ rời khỏi ‘lãnh thổ Trung Quốc’ ngay lập tức.
Chiếc tàu mắc cạn gần Bãi Cỏ Mây mà hải quân Philippines duy trì để tuyên bố chủ quyền
Những cảnh báo như vậy, từ một tàu hải giám Trung Quốc, đã trở thành chuyện gần như hàng ngày xung quanh một trong những quần đảo bị tranh chấp nhiều nhất thế giới, với Trung Quốc là một trong năm nước tuyên bố có chủ quyền đối với các hòn đảo chiến lược – hay ít nhất là đối với một vài trong số các đảo.
"Gọi tàu hải giám Trung Quốc. Quý vị đang đi vào lãnh hải Philippines", phi công Philippines trả lời.
"Yêu cầu cho biết danh tính và ý định để tránh hiểu lầm", ông nói.
Một nhà báo Reuters đã có mặt trên phi cơ của Philippines hôm 9/3 và đã nhìn thấy tàu Trung Quốc rải rác trong vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ, một hòn đảo có 400 người. Philippines hồi tuần trước đã cáo buộc các tàu này, bao gồm một tàu hải quân, ‘lảng vảng’.
"Việc các tàu Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc là hợp lý và hợp pháp", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ.
Việc bay qua quần đảo Trường Sa diễn ra vào lúc chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr liên tục phàn nàn về các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả việc nước này chiếu tia laser mà Manila cho biết đã khiến thủy thủ đoàn trên tàu tuần duyên của họ bị chói mắt trong một lúc vào tháng trước.
Philippines dưới thời ông Marcos đã đẩy mạnh giọng điệu thách thức Trung Quốc và đang muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, đồng minh có hiệp ước, bao gồm kế hoạch tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển.
Máy bay đã bay qua một điểm nóng khác trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines - Bãi Cỏ Mây – nơi Trung Quốc chiếu tia laser hồi tháng trước vào tàu tuần duyên Philippines có nhiệm vụ tiếp tế quân sự.
Philippines từ lâu đã giữ sự hiện diện quân sự ít ỏi trên một chiếc tàu gỉ sét từng thuộc Hải quân Mỹ mà họ để mắc cạn trên một rạn san hô ở đó để duy trì tuyên bố của Manila.
Lực lượng hải giám Trung Quốc đã thách thức chiếc máy bay này một lần nữa khi nó bay qua bãi cạn này vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Philippines.
"Đây là Tuần duyên Philippines", phi công trả lời.
"Chúng tôi đang tuần tra hàng hải định kỳ trong không phận của chúng tôi, và giám sát sự an toàn của ngư dân chúng tôi", ông nói.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 10/03/2023
Úc, Nhật Bản có thể tuần tra chung với Philippines và Mỹ ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 01/03/2023
Philippines đang bàn với Mỹ về khả năng tổ chức tuần tra chung bốn bên, kết hợp với Úc và Nhật Bản ở Biển Đông. Ngày 27/02/2023, đại sứ Jose Manuel Romualdez của Philippines tại Mỹ cho biết "các cuộc họp đã được ấn định", đồng thời nhấn mạnh đó vẫn chỉ là "ý tưởng đang thảo luận".
Lực lượng tuần duyên Philippines tuần tra tại khu vực bãi Đá Vành Khăn (Whitsun Reef), trong vùng Biển Đông, ngày 14/04/2021. AP
Theo đại sứ Jose Manuel Romualdez, các cuộc tuần tra chung nhằm "bảo đảm là có bộ luật ứng xử và tự do lưu thông hàng hải" ở Biển Đông. Ba nước Mỹ, Úc và Nhật Bản vẫn tổ chức các đợt tập trận chung. Các đợt tuần tra chung với ba nước này có lẽ "tốt cho Philippines và cả khu vực". Đại sứ Philippines tại Mỹ khẳng định : "Chúng tôi muốn có tự do lưu thông hàng hải".
Trước đó, Úc và Mỹ đã lần lượt thảo luận với Philippines về các cuộc tuần tra song phương. Ông Romualdez cho rằng các cuộc tuần tra "ban đầu có thể xuất phát từ nước này với nước kia" nhưng cũng có thể được mở rộng "vì đó là những đồng minh của chúng tôi (Philippines), những nước có chung ý tưởng".
Theo Reuters, nếu kế hoạch được xúc tiến, đây là lần đầu tiên Philippines tham gia các cuộc tuần tra đa phương ở Biển Đông. Quyết định này có thể khiến Bắc Kinh tức giận nhưng cho thấy lo ngại của chính quyền Manila trước những tham vọng chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Viễn cảnh 4 nước tuần tra chung trong khu vực còn là thông điệp về đoàn kết gửi đến Trung Quốc cùng với khẳng định về sự hiện diện thường trực của vài trăm chiến hạm ở Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền của Philippines và luật pháp quốc tế.
Thu Hằng
**********************
Mỹ và Thái Lan mở lại cuộc tập trận chung Cobra Gold trên quy mô lớn
Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2023
Hôm 28/02/2023, Hoa Kỳ và Thái Lan đã khởi động trở lại cuộc tập trận thường niên đa quốc gia Cobra Gold (Hổ Mang Vàng). Bị thu hẹp trong hai năm vừa qua vì dịch bệnh Covid-19, cuộc tập trận Cobra Golf năm nay có quy mô lớn, diễn ra trên trên lãnh thổ Thái Lan cho đến ngày 10/03, huy động khoảng 10 ngàn quân nhân đến từ 30 nước. Viêt Nam tham gia sự kiện với tư cách quan sát viên.
Ảnh do Quân đội Hoàng gia Thái cung cấp : Tướng Chalermpol Srisawasdi, tổng tư lệnh quân đội Thái Lan (T) bắt tay chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc John Aquilino, trong lễ khai mạc cuộc tập trận Cobra Gold ngày 28/02/2023, Thái Lan. AP
Phát biểu nhân lễ khai mạc cuộc tập trận, đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố : "Thông qua Cobra Gold, chúng tôi thể hiện quyết tâm cùng nhau ứng phó để bảo đảm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở sao cho mọi các quốc gia được hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Theo đô đốc Aquilino, chính nhờ thao diễn chung trong khuôn khổ cuộc tập trận Cobra Gold trước đây mà Mỹ và Thái Lan đã phản ứng tốt sau trận động đất gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và các thảm họa thiên nhiên khác.
Được công nhận là cuộc thao diễn quân sự quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á, cuộc tập trận Cobra Gold năm nay huy động hơn 6000 quân nhân Mỹ, trong đó có 3800 lính thuộc lực lượng trên bộ, và 3000 binh sĩ Thái Lan. Theo tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, đối với Mỹ, đây là một lực lượng hùng hậu nhất được huy động trong một thập kỷ gần đây.
Bên cạnh hai thành phần chủ lực kể trên, hàng trăm binh sĩ đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia các cuộc tâp trận chính, trong lúc 10 quốc gia khác - Bangladesh, Brunei, Canada, Fiji, Pháp, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Philippines và Vương Quốc Anh - sẽ tham gia các cuộc hội thảo về việc thiết lập kế hoạch tác chiến đa quốc gia. Trung Quốc, Ấn Độ và Úc sẽ tham gia diễn tập nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Mười nước khác đã cử quan sát viên đến theo dõi cuộc tập trận, trong đó có Việt Nam, Lào, Cam Bốt và một số quốc gia ngoài khu vực như Brazil, Đức, Thụy Điển, Hy Lạp, Sri Lanka…
Tính chất hùng hậu của cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm nay trái ngược hoàn toàn với quy mô thu nhỏ của sự kiện này trong hai năm 2021 và 2022. Năm ngoái chẳng hạn, Cobra Gold chỉ huy động 3.460 quân nhân đến từ bảy quốc gia chính, với nhiều hoạt động bị hạn chế, bị hủy bỏ hoặc chỉ được thực hiện qua mạng.
Tất cả các hoạt động đều sẽ được tái lập vào năm nay, kể cả những bài tập đổ bộ. Theo ghi nhận của báo Nikkei Asia, lần đầu tiên sẽ có những bài tập ứng phó với các thảm họa đến từ không gian có thể ảnh hưởng đến hệ thống liên lạc vệ tinh
Trọng Nghĩa