Trung Quốc đóng tầu nạo vét công suất gấp đôi tầu xây đảo ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 12/03/2023
Đội tầu nạo vét hơn 200 chiếc của Trung Quốc sẽ được trang bị thêm một tàu nạo vét có công suất kỷ lục 10.000 kW. Theo trang South China Morning Post ngày 12/03/2023, tầu được dự kiến đóng sẽ mạnh hơn 50% so với "siêu tầu xây đảo" ở Biển Đông.
Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp, đã được Trung Quốc cải tạo thành căn cứ quân sự. Ảnh chụp ngày 20/03/2022 AP - Aaron Favila
Theo kỹ sư trưởng Tần Bân, của công ty Đường thủy Thiên Tân (Tianjin Waterway Bureau), một chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), "con tầu mới không chỉ lớn hơn mà còn là một bước nhảy vọt về chất lượng". Tầu mới có công suất 10.000 kW, hơn gấp đôi so với tầu Thiên Kinh (Tian Jing, công suất 4.400 kW) từng tham gia vào việc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc đưa thêm tầu Thiên Côn (Tian Kun), có công suất 6.600 kW, vào hoạt động năm 2019 và hiện là tầu nạo vét mạnh nhất Ukraine Á.
Cả hai tầu Thiên Kinh và Thiên Côn đều nằm trong đội tầu nạo vét hùng mạnh nhất thế giới do Công ty Đường thủy Thiên Tân khai thác. Tầu Thiên Côn, được hoàn thành năm 2017, hiện là tầu mạnh nhất, có khả năng đưa nguyên vật liệu từ khoảng cách 15 km và đào sâu đến 35 mét dưới đáy biển.
Còn tầu Thiên Kinh được biết đến do tham gia bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông. Tầu đã hoạt động động trong suốt 193 ngày quanh 5 rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 09/2013 đến tháng 06/2014 và biến đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và Xu Bi từ rạn san hô chìm thành các thực thể đất liền lớn nhất ở Biển Đông, được trang bị sân bay, hệ thống radar và vị trí tên lửa. Sau khi hoàn thành công trình bất hợp pháp "Vạn lý trường thành cát" ở Biển Đông, tầu Thiên Kinh được trao giải tiến bộ khoa học và công nghệ năm 2019.
Trung Quốc hiện sở hữu đội tầu khoảng 200 chiếc, được sản xuất từ năm 2006 nhằm mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất tầu nạo vét lớn nhất thế giới. Tầu nạo vét có thể công phá lớp đá dưới đáy sông, biển bằng mũi khoan, hút cát đá rồi bơm chúng qua đường ống đến nơi khác. Những con tầu này được sử dụng để nạo vét luồng tầu hoặc xây đảo nhân tạo.
Thu Hằng
**************************
Cảnh báo qua lại giữa lực lượng Trung Quốc và Philippines ở Trường Sa
Reuters, VOA, 10/03/2023
Khi một máy bay của lực lượng tuần duyên Philippines bay qua quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông hôm 9/3, một cảnh báo được phát qua sóng radio yêu cầu họ rời khỏi ‘lãnh thổ Trung Quốc’ ngay lập tức.
Chiếc tàu mắc cạn gần Bãi Cỏ Mây mà hải quân Philippines duy trì để tuyên bố chủ quyền
Những cảnh báo như vậy, từ một tàu hải giám Trung Quốc, đã trở thành chuyện gần như hàng ngày xung quanh một trong những quần đảo bị tranh chấp nhiều nhất thế giới, với Trung Quốc là một trong năm nước tuyên bố có chủ quyền đối với các hòn đảo chiến lược – hay ít nhất là đối với một vài trong số các đảo.
"Gọi tàu hải giám Trung Quốc. Quý vị đang đi vào lãnh hải Philippines", phi công Philippines trả lời.
"Yêu cầu cho biết danh tính và ý định để tránh hiểu lầm", ông nói.
Một nhà báo Reuters đã có mặt trên phi cơ của Philippines hôm 9/3 và đã nhìn thấy tàu Trung Quốc rải rác trong vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ, một hòn đảo có 400 người. Philippines hồi tuần trước đã cáo buộc các tàu này, bao gồm một tàu hải quân, ‘lảng vảng’.
"Việc các tàu Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc là hợp lý và hợp pháp", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ.
Việc bay qua quần đảo Trường Sa diễn ra vào lúc chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr liên tục phàn nàn về các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả việc nước này chiếu tia laser mà Manila cho biết đã khiến thủy thủ đoàn trên tàu tuần duyên của họ bị chói mắt trong một lúc vào tháng trước.
Philippines dưới thời ông Marcos đã đẩy mạnh giọng điệu thách thức Trung Quốc và đang muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, đồng minh có hiệp ước, bao gồm kế hoạch tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển.
Máy bay đã bay qua một điểm nóng khác trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines - Bãi Cỏ Mây – nơi Trung Quốc chiếu tia laser hồi tháng trước vào tàu tuần duyên Philippines có nhiệm vụ tiếp tế quân sự.
Philippines từ lâu đã giữ sự hiện diện quân sự ít ỏi trên một chiếc tàu gỉ sét từng thuộc Hải quân Mỹ mà họ để mắc cạn trên một rạn san hô ở đó để duy trì tuyên bố của Manila.
Lực lượng hải giám Trung Quốc đã thách thức chiếc máy bay này một lần nữa khi nó bay qua bãi cạn này vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Philippines.
"Đây là Tuần duyên Philippines", phi công trả lời.
"Chúng tôi đang tuần tra hàng hải định kỳ trong không phận của chúng tôi, và giám sát sự an toàn của ngư dân chúng tôi", ông nói.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 10/03/2023