Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/03/2023

Người dân thờ ơ trước tin tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam

Nguyễn Huỳnh

Không có người dân nào xuống đường biểu tình phản đối tàu Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

haiduong0

Tàu Hải Dương Địa Chất 4 (Haiyang Dizhi 4) được đóng vào năm 1980, tải trọng gần 1.000 tấn.

Dường như phải đến khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng trên trang web của Bộ Ngoại giao hôm 26/3/2023 thì người dân nào có vào trang web này mới biết là tàu của Trung Quốc đang khai thác ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Nội dung rất ngắn gọn :

"Ngày 24/3/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị khẳng định thông tin và cho biết phản ứng trước việc tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ :

"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và pháp luật Việt Nam để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình".

Theo trang thông tin về tàu thuyền Marine Traffic, thì tàu Hải Dương Địa Chất 4 (Haiyang Dizhi 4) được đóng vào năm 1980, tải trọng gần 1.000 tấn. Trước đó, suốt 3 tháng ròng rã hồi năm 2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 được đóng năm 2017, tải trọng gần 2.400 tấn đã hoạt động như chỗ không người ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước đó nữa, ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa đến khu vực biển cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng của Việt Nam) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý 180 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lúc ấy cũng đã tố cáo hành động này của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.

Tin tức từ Bộ Ngoại giao khi ấy cũng cho biết Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhiều lần thực hiện các cuộc điện đàm về vụ giàn khoan Hải Dương 981, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vị trí tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác cùng các cơ quan báo chí. Tại Đối thoại ASEAN – Mỹ lần thứ 27 diễn ra tại Yangon, Myanmar, Việt Nam tố cáo Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời liên tục gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hại các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và của Việt Nam…

Và ở Sài Gòn đã diễn ra cuộc biểu tình tự phát của người dân phản đối hành động này của Trung Quốc.

Tuy nhiên đến khi xảy ra vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 ‘tung hoành’ ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, thì gần như không ghi nhận cuộc biểu tình nào đáng kể.

Khi ấy, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tình hình Biển Đông trong phần nói về kinh tế- xã hội. Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đề nghị Hội nghị trung ương 11 : "Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua"…

Từ đó đến nay, dường như những phân tích, dự báo theo yêu cầu có phần ‘nhẹ nhàng’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đều thiếu tính khả thi nên Trung Quốc vẫn thoải mái khai thác vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại một chuyện cũ để rõ hơn về thái độ của người đứng đầu Đảng : Sáng 8/12/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Hà Nội tại tổ bầu cử số 1 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra. Phần tường thuật với lời dẫn trực tiếp sau đây đã được gỡ bỏ ở hệ thống báo chí nhà nước :

"Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không ? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển.

Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?

Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không ? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy".

Xem chừng mối nguy khác mà Đảng đang đối mặt, đó là dường như lòng dân đã nguội lạnh trước thời cuộc…

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 29/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huỳnh
Read 320 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)