Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/05/2023

Tham nhũng, suy thoái và Biển Đông

Phạm Trần

Trong Diễn văn bế mạc Hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng vẽ ra hình ảnh lạc quan nhưng tình trạng tham nhũng, tiêu cực và suy thoái tư tưởng chính trị trong Đảng đã nhạt nhòa khả năng lãnh đạo của ông.

tongtrong1

Tổng Trọng và ban lãnh đạo Đảng và Nhà cộng sản nước dự bế mạc hội nghị - Ảnh : TTXVN

Ông Trọng, 79 tuổi, đã giữ chức Tổng bí thư từ khóa đảng XI năm 2011, thay Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ông được tái bầu nhiệm kỳ 2 năm 2016. Đến năm 2021, vì không có ai đủ uy tín thay thế nên Ban Chấp hành trung ương phải tự vi phạm Điều lệ đảng (chỉ cho phép giữ 2 nhiệm kỳ) để ông Trọng tiếp tục cầm quyền khóa đảng XIII (2021-2026).

Nhưng tình trạng tham nhũng đã được quan tâm từ năm 2005, sau 4 năm nhiệm kỳ đảng thứ IX thời ông Nông Đức Mạnh.

Vẫn đứng nguyên

Hồi ấy Bách khoa toàn thư mở viết : "Trong cuộc điều tra năm 2005 , Ban Nội chính Trung ương công bố danh sách liệt kê 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất Việt Nam. Trong đó ba cơ quan dẫn đầu là :

1. Địa chính nhà đất,

2. Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu,

3. Cảnh sát giao thông.

Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận về tham nhũng trong Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ (Consul General - CG) ngày 9/6/2006 đều nhận định : "Tham nhũng ở Việt Nam đến mức báo động".

Theo báo Vietnam Investment Review thì tham nhũng tại Việt Nam đã gây "thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ... ước lượng 30% đầu tư hạ tầng".

Khi nhắc đến tham nhũng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2011, Chủ tịch nước lúc đó là Trương Tấn Sang  đã nói : "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cả đất nước này".

Nhưng từ đó đến nay đã 12 năm, đặc biệt là trong kỳ họp giữa nhiệm kỳ của khóa Đảng XIII ngày 15/5/2023, vấn đề tham nhũng, tiêu cực vẫn song hành với tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy ông Nguyễn Phú Trọng mới nói : "Phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề".

Như thường lệ, ông Trọng hứa : "Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Nhưng ông lại thanh minh : "Phòng chống tham nhũng không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia mà thể hiện quyết tâm của Đảng vì dân, vì đất nước".

Cuối cùng, ông Trọng khoe : "Đến nay, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây ; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta".

Có thật như vậy không ?

Thực tế lại khác hẳn

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, ông Trọng thừa nhận : "Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như : Lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình; nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có mặt, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa mạnh mẽ và hiệu quả chưa cao… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm, có trường hợp cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Ông Trọng chỉ nói chung chung như thế nên rất khó biết tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Đảng bây giờ ra sao. Chỉ biết rằng, khi Đảng nhìn nhận có "suy thoái về tư tưởng chính trị" trong cán bộ đảng viên thì đó chính là khi đảng viên đã quay lưng lại với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và không còn tin vào chủ trương xây dựng đất nước của Đảng nữa.

Tham nhũng vẫn tinh vi và phức tạp

Bằng chứng ông Trọng chưa chống nổi tham nhũng, lãng phí còn được phơi bầy trên báo Thanh Tra điện tử ngày 01/3/2023 của Chính phủ, theo đó : "Trong những năm qua, tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng công tác thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, yêu cầu phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, kiểm soát quyền lực của Nhà nước để ngăn ngừa hành vi vi phạm tham nhũng".

Báo này cho biết : "Trong 10 năm (2012-2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo, về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế ; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.

Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa gần 1.000 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ ; trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, với mức án nghiêm khắcnhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Báo Thanh tra cũng khoe : "Đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Nếu như trước năm 2013, tỷ lệ thi hành án về tiền đối với các vụ án tham nhũng chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012-2022 đã đạt tỷ lệ 34,7% (60.940 tỷ đồng/175.608 tỷ đồng)".

Như vậy, tổng số tài sản do tham nhũng không thu được là 65,3%. Lý do thất thu được giải thích là vì Việt Nam chưa có Luật cho phép tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc.

Càng chống càng xiêu

Nên biết ông Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban Chỉ đạo trung ương phòng, chống tham nhũng và tiêu cực từ ngày 1/2/2013 ,khóa đảng XI. Nhưng tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết 10 năm chống tham nhũng 2012-2022 ngày 30/06/2022, ông Trọng đã thừa nhận chưa chống nổi giặc nội xâm.

Ông nói : "Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng : Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Đó là : Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế ; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp ; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta".

tongtrong0

Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII ngày 17/05/2023 - Ảnh : TTXVN

Chống diễn biến, chuyển hóa

Trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Trọng hứa : "Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bất kể người đó là ai ; không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Ông cho biết : "Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý ; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra ; có lên, có xuống".

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật mà ông Trọng tự khen thực hiện nghiêm túc, đã : "Đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ" ; "chủ nghĩa cá nhân", "tha hóa quyền lực" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên".

Tuy nhiên ông Nguyễn Phú Trọng không cho biết con số một bộ phận không nhỏ là bao nhiêu trong tổng số 5,3 triệu đảng viên. Nhưng lối nói này đã được ông Trọng sử dụng từ khóa đảng XII năm 2016, khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng bí thư lần thứ 2.

Nhưng tại sao người đứng đầu Đảng lại không dám nói trắng ra cho dân biết ? Ông ngại nói ra sẽ mất danh dự, sợ bị đánh giá bất lực, hay sợ chia rẽ trong nội bộ ?

Bất cứ vì lý do nào thì kết quả tay trắng vẫn hoàn trắng tay của Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ vừa kết thúc ngày 17/5/2023 đã cho thấy không có ai trong số 21 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đảng bị kiểm điểm hay bị kỷ luật.

Chỉ thấy ông Trong nói : "Từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng ; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình ; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách ; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác ; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn ; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân. Hết sức tránh tình trạng :

"Chân mình còn lấm bê bê

Lại cầm bó đuốc đi rê chân người !".

Thì ra trong số lãnh đạo hàng đầu cũng đã có kẻ nhìn ngang, người liếc dọc chứ không phải đã đoàn kết một lòng, dọc ngang thông suốt như ông Trọng khoe trong diễn văn.

Bẳng chứng như ông nói : "Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình ; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác...".

Do đó, ông kêu gọi Đảng phải : "Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại : Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm !".

Cuối cùng, ông cảnh giác : "Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa quốc" ; "đừng thấy đỏ tưởng là chín" !

Nhưng ai là gà, ai là quốc trong các kỳ lấy phiếu tín nhiệm sắp diễn ra trong toàn Đảng ? Chỉ biết rằng cuộc bỏ phiếu sẽ được đánh giá như bằng chứng để quy họach Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031.

Biển Đông

Cũng đáng quan tâm là trong toàn Diễn văn bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, tuyệt nhiên không thấy ông Trọng nói gì đến biến cố Trung Quốc, vào ngày 10/05/2023 đã cho một tầu nghiên cứu được hộ tống bởi lực lượng tuần duyên và 11 tàu dân quân xâm nhập vùng biển trong thềm lục địa của Việt Nam đang được khai thác dầu chung bởi 2 công ty Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam.

Hành động phá rối của Trung Quốc không mới mà gần như thường xuyên đối với các thuyền đánh cá và khai thác dầu khí của Việt Nam.

Vụ nghiêm trọng nhất xẩy ra khi Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông  gần quần đảo Hoàng Sa  vào ngày 1/5/2014.

Tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm, nhưng không gây thương vong. Sau khi bị Việt Nam và quốc tế lên án, giàn khoan 981 đã rút lui vào ngày 27/05/2014.

Tuy nhiên, lập trường về Biển Đông chỉ được ông Trọng nói sơ sài trong diễn văn ngày 17/05/2023, theo đó Việt Nam đã : "Xử lý linh hoạt, cân bằng, hài hòa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khu vực cũng như các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới".

Với tuyên bố nhũn nhặn này, ai cũng thấy ông Nguyễn Phú Trọng muốn tránh gây bất hòa với Trung Quốc trong mọi hoàn cảnh.

Phạm Trần

(21/05/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 535 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)