Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/03/2023

Tàu chiến Hoa Kỳ và Trung Quốc đối mặt ngoài khơi Trường Sa

Tổng hợp

Hoa Kỳ bác tuyên bố của Trung Quốc nói xua đuổi một khu trục hạm Mỹ ở Biển Đông

RFA, 23/03/2023

Hoa Kỳ bác bỏ một tuyên bố của Trung Quốc đưa ra ngày 23/3 rằng lực lượng của Bắc Kinh đã xua đuổi một khu trục hạm của Mỹ ra khỏi vùng biển Hoàng Sa tranh chấp tại Biển Đông.

bd1

Khu trục hạm USS Milius (DDG69) tại căn cứ của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản hôm 22/5/2018 (minh hoạ) - Reuters

AP loan tin dẫn thông cáo của Hạm đội Bảy thuộc Hải quân Hoa Kỳ cho rằng một tuyên bố đưa ra trong cùng ngày từ phía Trung Quốc là sai. Đó là tuyên bố của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam Quân đội Hoa Lục nói rằng đã buộc khu trục hạm USS Milius của Mỹ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông.

Trong trả lời AP, một đại diện của Hạm đội Bảy cho rằng khu trục hạm USS Milius đang tiến hành hoạt động thường kỳ ở Biển Đông và không hề bị xua đuổi. Hoa Kỳ tiếp tục cho chiến đấu cơ, chiến hạm hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.

Đại diện của Hạm đội Bảy không cho biết rõ khu trục hạm USS Milius có đi sát vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc có đối đầu gì giữa hai phía hay không.

Thông cáo của phía Hạm đội Bảy thuộc Hải quân Hoa Kỳ được đưa ra sau khi một phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc tuyên bố rằng Hải quân và Không quân Trung Quốc đã xua được chiến hạm Mỹ theo đúng luật pháp.

Vụ việc xảy ra vào khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực gia tăng do Washington đẩy mạnh ngăn chặn hành động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông và những nơi khác.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế La Haye vào năm 2016 tuyên không có căn cứ cả về pháp lý lẫn lịch sử ; tuy vậy Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa.

Biển Đông là một tuyến hàng hải được đánh giá có tính chiến lược trên thế giới, hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này lên đến chừng năm ngàn tỷ USD ; và vùng biển này còn giàu nguồn hải sản cũng như tài nguyên dầu mỏ.

************************

Trung Quốc loan báo đã "đuổi" một tàu chiến của Mỹ khỏi Hoàng Sa

Thùy Dương, RFI, 23/03/2023

Hôm 23/03/2023, Trung Quốc loan báo đã "đuổi" một tàu chiến của Mỹ khỏi vùng Biển Đông. Theo quân đội Trung Quốc, tàu khu trục USS Milius của Mỹ đã tiến gần "một cách bất hợp pháp" đến một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Washington đã bác bỏ thông tin mà họ cho là "dối trá".

bd2

Tàu khu trục Arleigh Burke USS Milius (DDG 69) di chuyển trên biển Philippines ngày 13/03/2023. AP - Petty Officer 1st Class Gregory

Theo AFP, thông cáo ngắn gọn của tướng Điền Quân Lý (Tian Junli), phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung Quốc, nhấn mạnh "các lực lượng hải quân và không quân đã được huy động để theo dõi và giám sát" tàu khu trục của Mỹ và đã "phát cảnh báo và buộc" tàu này rời khỏi khu vực.

Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Trung Quốc lên án hành động của Mỹ "gây phương hại cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông" và khẳng định quân đội Trung Quốc "vẫn cảnh giác và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia".

Về phía Mỹ, theo AFP, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khẳng định "tuyên bố của Trung Quốc là dối trá", tàu USS Milius "đang tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Đông và không phải quay đầu ngược trở lại. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến bay, các chuyến hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".

Hoa Kỳ vẫn thường xuyên điều tàu chiến đến Biển Đông nhằm bảo vệ "tự do lưu thông hàng hải", thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này. 

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Thùy Dương, RFI tiếng Việt
Read 371 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)