Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/03/2023

Nhật Hàn hòa giải và hợp tác chống Bắc Triều Tiên và Trung Quốc

RFI tổng hợp

Hàn Quốc sẽ "bình thường hóa" Thỏa thuận an ninh chung và thông tin quân sự với Nhật Bản

Thùy Dương, RFI, 18/03/2023

Hàn Quốc sẽ "bình thường hóa" với Nhật Bản một thỏa thuận quân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là Thỏa thuận an ninh chung và thông tin quân sự (GSOMIA). Một quan chức cấp cao bộ Quốc Phòng Hàn Quốc ẩn danh hôm 18/03/2023 cho AFP biết như trên.

nhathan1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp nhau tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/03/2023. Reuters - Pool

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa họp thượng đỉnh tại Tokyo hôm 16/03. Hai bên đã nhất trí cải thiện quan hệ ngoại giao và thương mại, sau nhiều năm bất đồng về quá khứ lịch sử liên quan đến lao động cưỡng bức trong giai đoạn Nhật Bản đô hộ Triều Tiên 1910-1945. 

AFP nhắc lại Thỏa thuận an ninh chung và thông tin quân sự (GSOMIA) đã được Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết hồi năm 2016, cho phép Seoul và Tokyo chia sẻ, trao đổi thông tin tình báo quân sự, đặc biệt để đối phó với Bắc Triều Tiên. Nhưng đến năm 2019, khi quan hệ Nhật - Hàn xuống cấp nghiêm trọng về thương mại do các yếu tố lịch sử, Seoul đã xem xét lại GSOMIA và dọa chấm dứt thỏa thuận. 

Hoa Kỳ khi đó đã cảnh báo là việc chấm dứt Thỏa thuận an ninh chung và thông tin quân sự giữa Nhật và Hàn Quốc sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Cuối cùng, trước khi thỏa thuận hết hạn, Seoul đã đồng ý gia hạn thỏa thuận kèm theo một số điều kiện, nhưng vẫn dọa sẽ "hủy bỏ" thỏa thuận vào bất cứ lúc nào.

Theo các cơ quan truyền thông tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhật - Hàn hôm 16/03, cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong 12 năm qua, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nói với thủ tướng Nhật Fumio Kishida rằng ông muốn "bình thường hóa hoàn toàn" Thỏa thuận an ninh chung và thông tin quân sự. Sau cuộc họp, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc được yêu cầu "thực hiện các biện pháp cần thiết" theo hướng đó. 

Thùy Dương

***************************

Hàn Quốc và Nhật Bản đồng thuận cải thiện quan hệ song phương

Minh Anh, RFI, 17/03/2023

Sau nhiều năm quan hệ bị sứt mẻ vì những bất đồng về quá khứ lịch sử, hôm 16/03/2023 lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng thuận cải thiện quan hệ ngoại giao và thương mại, đồng thời hình thành một mặt trận thống nhất trước mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên. 

nhathan2

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) họp báo chung tại dinh thủ tướng Nhật ở Tokyo, ngày 16/03/2023. AP - Kiyoshi Ota

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sau cuộc hội đàm với tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Tokyo, đã cho biết là hai bên cùng nhất trí rằng "việc tăng cường các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là khẩn thiết trong bối cảnh hiện nay". Theo ông, chuyến thăm Tokyo của tổng thống Yoon là "một bước tiến lớn hướng đến bình thường hóa quan hệ" giữa hai nước. 

Về phần mình, khi nhấn mạnh đến "mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn do Bắc Triều Tiên đặt ra cho nền hòa bình và ổn định" khu vực, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đánh giá rằng Tokyo và Seoul phải "hợp tác chặt chẽ" để "đối đầu một cách khôn ngoan những mối đe dọa bất hợp pháp và những thách thức mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt".

Trong diễn tiến hướng tới hòa giải, lãnh đạo hai nước còn thông báo khôi phục "ngoại giao con thoi", một cơ chế cho phép các lãnh đạo hai nước thường xuyên gặp nhau, đã bị gián đoạn từ tháng 12/2011. Ngoài ra, Tokyo thông báo dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu vật liệu bán dẫn cho Hàn Quốc, được thiết lập từ năm 2019. Ngược lại, Seoul sẽ rút đơn khiếu nại hồ sơ này trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Theo AFP, những hành động khiêu khích liên tục từ Bắc Triều Tiên, và mối lo ngại về những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực là những động lực chính thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc tiến tới hòa giải.

Một số chuyên gia Hàn Quốc đánh giá, những nhượng bộ của tổng thống Hàn Quốc đối với Tokyo trong vấn đề bồi thường các công dân Hàn bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng, một phần do mong muốn có một "liên minh toàn diện, đầy đủ và chiến lược" với Mỹ trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh hay công nghệ. 

Minh Anh

*************************

Tổng thống Hàn Quốc công du Nhật Bản với trọng tâm là đe dọa quân sự Bắc Triều Tiên

Trọng Thành, RFI, 16/03/2023

Sau nhiều năm căng thẳng, Hàn Quốc và Nhật Bản rốt cuộc đã tìm được cách hàn gắn quan hệ. Hôm 16/03/2023, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol công du Nhật Bản. Đây là thượng đỉnh Nhật – Hàn quan trọng nhất kể từ 12 năm nay, với ưu tiên là tăng cường hợp tác quốc phòng.

nhathan3

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước cuộc hội đàm tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/03/2023. AP - Kiyoshi Ota

Ít giờ trước khi tổng thống Hàn Quốc đến Tokyo, Bình Nhưỡng đã bắn thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Theo quân đội Hàn Quốc, hỏa tiễn, được bắn từ Sunan, ngoại ô Bình Nhưỡng vào khoảng 7 giờ sáng, đã rơi xuống biển Nhật Bản sau khi bay khoảng 1.000 km. Đây là lần thứ ba kể từ ngày Chủ nhật 11/03, Bắc Triều Tiên bắn tên lửa.

Thách thức Bắc Triều Tiêu chắc chắn là chủ đề trung tâm của cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nhật – Hàn. Thông tín viên Nicolas Rocca tường trình từ Seoul :

"Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Yoon Suk-yeol và thủ tướng Fumio Kishida xoay quanh các vấn đề liên quan đến quá khứ và quốc phòng. Với vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa này, Bắc Triều Tiên chắn chắn sẽ là tâm điểm của các thảo luận.

Mục tiêu của Tokyo và Seoul là chấm dứt nhiều năm bất đồng và cải thiện các liên lạc, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Điều đáng chú ý là hai đồng minh của Hoa Kỳ đã đồng ý chia sẻ một cách tự động và theo thời gian thực những thông tin về các vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Tướng về hưu Chun In-bum, cựu tư lệnh lực lượng đặc biệt Hàn Quốc, cho biết : "Khi xảy ra một sự kiện, mọi người đều có quyền truy cập vào thông tin mà không có sự cản trở nào. Đây là một lợi thế lớn. Bởi có thể Bắc Triều Tiên có tên lửa bắn vào một mục tiêu ở Hàn Quốc chỉ trong vòng 3 đến 5 phút. Vì vậy, nếu chúng tôi được báo động sớm hơn dù chỉ 10 hoặc 15 giây, điều này sẽ giúp chúng tôi bảo đảm được an ninh tốt hơn và tăng khả năng sống sót".

Trước việc Bình Nhưỡng cải thiện đáng kể các phương tiện quân sự và trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Washington muốn Tokyo và Seoul gác lại những bất đồng lịch sử để hướng tới hợp tác quân sự hiệu quả.

Sau khi đề xuất một kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên mà không cần có sự tham gia của các công ty Nhật, Hàn Quốc chắc chắn đang chờ đợi một cử chỉ tương ứng từ phía Tokyo".

Vào lúc tổng thống Hàn Quốc đến Tokyo, bộ Thương Mại Nhật thông báo dỡ bỏ các giới hạn đối với việc xuất khẩu sản phẩm hóa chất cần cho việc sản xuất linh kiện bán dẫn tại Hàn Quốc, được ban hành từ năm 2019 trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ngoại giao. Đỉnh điểm của căng thẳng song phương là vào năm 2018, khi tư pháp Hàn Quốc buộc một số doanh nghiệp Nhật Bản phải đền bù cho những nạn nhân lao động cưỡng bức.

Sau khi hồ sơ này được dàn xếp, quan hệ Nhật - Hàn đang sang trang. Tháng 5 tới, Tokyo có thể mời tổng thống Hàn Quốc đến dự thượng đỉnh khối G7 ở Hiroshima. Tiếp đến, thủ tướng Nhật có thể sẽ công du Seoul.

Trọng Thành

***************************

Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng bình thường hóa quan hệ với Nhật

Anh Vũ, RFI, 15/03/2023

Trước ngày tổng thống Hàn Quốc có chuyến công du tới Tokyo, phủ tổng thống Hàn Quốc khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Hàn tới đây sẽ đánh dấu giai đoạn bình thường hóa quan hệ thực sự giữa hai nước.

nhathan4

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) bắt tay thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại New York, Hoa Kỳ ngày 21/09/2022. AP - Ahn Jung-won

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bắt đầu từ ngày mai,16/03. Họp báo tại Seoul hôm nay, cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc, ông Kim Sung-han thông báo tổng thống Suk-yeol sẽ hội đàm với thủ tướng Nhật Fumio Kishida vào chiều ngày mai. Lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về cách thức bình thường hóa quan hệ song phương, trong đó có vấn đề triển khai các giải pháp do Seoul đề xuất để giải quyết vấn đề lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức trong thời gian bị Nhật chiếm đóng hồi Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tuần trước, chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân và thân nhân, thông qua một quỹ của chính phủ được thành lập dựa trên nguồn tài trợ và hảo tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật. Ngay lập tức, kế hoạch này đã bị đông đảo dư luận và các đảng phái đối lập ở Hàn Quốc phản đối dữ dội vì không thấy có phần trách nhiệm của chính phủ Nhật hiện nay.

Quan chức Hàn Quốc khẳng định việc lãnh đạo hai nước nối lại các cuộc gặp thượng đỉnh sau 12 năm gián đoạn đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.

Ngày thứ 2 của chuyến thăm Nhật, tổng thống Hàn Quốc dự kiến dự một cuộc hội thảo của các doanh nghiệp hai nước và sẽ tới phát biểu trong một sự kiện của sinh viên Nhật-Hàn tổ chức.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Minh Anh, Trọng Thành, Anh Vũ
Read 311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)