Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/03/2023

Trung Quốc, ông chủ mạng cáp quang ở Biển Đông

RFI tiếng Việt

Tạp chí đặc biệt

Tình hình nước Pháp sôi động vì dự luật cải tổ chế độ hưu bổng gây bất mãn trong công luận 500 ngày trước lễ khai mạc Olympic Paris 2024. Tại Vatican, giáo hoàng Francis kỷ niệm 10 năm đứng đầu Tòa Thánh. Chủ tịch Trung Quốc chuẩn bị công du Nga, sự kiện ngoại giao quan trọng nhất tại Moskva từ khi Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine. Bắc Kinh áp đặt luật chơi với các tập đoàn trang thiệt bị cáp quang ở toàn khu vực Biển Đông.

capquang1

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất công nghệ sợi quang ở Suixi, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 27/01/2021. AP

Lo ngại bị dọ thám, Trung Quốc áp đặt những điều kiện khắt khe với các tập đoàn trang bị hệ thống cáp quang ở Biển Đông. Báo tài chính Anh Financial Times ngày 13/03/2023 trích dẫn một báo cáo cho biết dự án lắp đặt mạng cáp quang Đông Nam Á-Nhật Bản SJC2 bị chậm trễ mất hơn một năm. China Mobile cùng tham gia dự án với các đối tác Mỹ (Meta) và Đài Loan (Chunghwa Telecom).

Theo báo cáo nói trên, Bắc Kinh chậm trễ trong việc cấp giấy phép hoạt động cho liên doanh Mỹ-Trung-Đài, vì sợ đây là cổng vào để các doanh nghiệp nước ngoài dọ thám Trung Quốc và Bắc Kinh cũng sợ "thiết bị của nước ngoài được lắp đặt gần" lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Theo lời một cựu quan chức Hải quân Hoa Kỳ Brian Clark được tờ báo trích dẫn : "Trung Quốc tìm cách tăng cường kiểm soát các hoạt động dưới lòng biển trong khu vực (...) một phần là tránh để bị các hệ thống giám sát của Mỹ đến gần (...). Bắc Kinh đồng thời muốn biết chính xác vị trí lắp đặt các cơ sở hạ tầng dân sự vùi sâu trong lòng biển" để có thể thống kê những trang thiết bị đó. Nhằm thỏa mãn những điều kiện của Bắc Kinh, vẫn báo tài chính Mỹ FT cho rằng liên doanh Mỹ-Đài Loan và Trung Quốc đã phải "thay đổi lộ trình lắp đặt cáp quang, tránh né các vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và kể cả các vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền ở Biển Đông".

Riêng với Đài Loan Trung Quốc không chỉ điều chiến đấu cơ hay tổ chức tập trận để uy hiếp hòn đảo này. Tháng 2/2023 nhiều tàu Trung Quốc – khi thì là tàu cá, lúc thì là tàu chở hàng đã cắt cáp quang dưới lòng biển nối liền một số đảo của Đài Loan với nhau. Mạng Internet qua đó bị gián đoạn. Báo Financial Times lưu ý trong 6 ngày, hệ thống internet đã bị "cắt đứt đến 2 lần" có dấu hiệu đó là những sự cố "cố tình gây nên". Hiện tại 15 đường dây cáp dưới lòng biển nối liền Đài Loan với thế giới bên ngoài. Một dự án quan trọng khác đang được triển khai để nối liền Singapore, Nhật Bản, đảo Guam nơi có căn cứ quân sự của Hoa Kỳ- Philippines, Đài Loan và Indonesia. Dự án này trên nguyên tắc sẽ hoàn tất trước năm 2024.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hâm nóng quan hệ Nhật - Hàn

Thượng đỉnh Nhật-Hàn đầu tiên từ 12 năm nay đã diễn ra tại Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có một bước tiến lớn trên con đường bình thường hóa quan hệ, hóa giải những bất đồng trong quá khứ từ thời Nhật Bản đô hộ bán đảo Tiều Tiên. Ngày 16/03/2023 vào lúc hai ông Kishida và Yoon họp ở Tokyo, tại Bình Nhưỡng, Kim Jong Un cho bắn thử tên lửa xuyên lục địa ra biển Nhật Bản. Đe dọa nguyên tử Bắc Triều Tiên và tham vọng của Trung Quốc với khu vực, tình hình eo biển Đài Loan là động lực thúc đẩy Seoul và Tokyo "nối lại con tàu ngoại giao". Thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết :

"Nhật Bản biết rằng 60% dân Hàn Quốc không tán đồng tổng thống Yoon Suk-yeol công du Tokyo. Lý do chính là vì hiềm khích trong quá khứ lịch sử liên quan đến thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ 1910 đến 1945. Cảm kích trước chính sách thân thiện của tổng thống Hàn Quốc, Nhật chấm dứt vòng luẩn quẩn từ những hiềm khích song phương giữa hai nước láng giềng rất gần gũi về mặt địa lý nhưng lại quá xa cách nhau vì quá khứ lịch sử. Nguy cơ Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để đã thúc đẩy đôi bên thắt chặt quan hệ. Căng thẳng với Trung Quốc cũng là một lý do đẩy mạnh hợp tác song phương về mặt an ninh. Seoul và Tokyo cam kết trao đổi trực tiếp thông tin về các vụ Bình Nhưỡng bán tên lửa. Từ lâu nay Hoa Kỳ thúc đẩy hai đồng minh thân thiết tại Châu Á khép lại các xung khắc. Thủ tướng Fumio Kishida sẽ viếng thăm Seoul và rất có thể ông mời tổng thống Hàn Quốc đến dự thượng đỉnh G7 vào tháng 5 này tại Hiroshima".

Chuyến công du nước Nga gây nhiều chú ý của Tập Cận Bình

Hơn một tuần sau khi được Quốc hội chính thức bầu lại vào chức vụ chủ tich nước thêm một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình dành chuyến xuất ngoại đầu tiên để đến Moskva, hội kiến với tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc mở ra từ 20 đến 22/03/2023. Giới quan sát nói đến sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trên lãnh thổ Nga từ khi điện Kremlin khởi động chiến tranh Ukraine.

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Moskva đưa tin :

"Không khí phấn khởi tại Nga thấy rõ sau thông báo sáng 17/03/2023. Mọi người tự hỏi không biết chủ tịch Trung Quốc sẽ chọn cư ngụ tại khách sạn sang trọng nào ở thủ đô Moskva. Về phía Bắc Kinh, luôn khẳng định thái độ trung lập trong cuộc xung đột, tháng trước Trung Quốc đã trình bày kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm. Trong thông cáo chính thức về chuyến đi của ông Tập, Bắc Kinh nói đến ‘mục tiêu vì tình hữu nghị và hòa bình’.

Về phía Moskva, điện Kremlin coi đây, là một hoạt động biểu hiện ‘việc đẩy mạnh đối tác toàn diện và một mối hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc’, đặc biệt là trên ‘sân khấu quốc tế’. Ngoài ra đôi bên sẽ ký kết nhiều hợp đồng quan trọng. Đây là dấu hiệu cụ thể của tình hữu nghị vô bờ bến giữa Moskva với Bắc Kinh từng được phô trương bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh hồi năm ngoái, chỉ vài ngày trước khi tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine. Tuy nhiên cũng có một tiếng nói bất đồng. Trong số rất nhiều các chương trình được phát đi sáng nay, một chuyên gia Nga đã lưu ý rằng, ‘Trung Quốc chỉ có một đồng minh mà thôi đó là chính bản thân họ. Bắc Kinh cũng chỉ có một ưu tiên, đó là những lợi ích quốc gia, và Trung Quốc hoàn toàn không có nghĩ đến ai khác’. Phát biểu này đã khiến các vị khách mời của chương trình truyền hình nói trên hơi hoang mang".

Giáo hoàng Francis 10 năm lãnh đạo Vatican

Ngày 13/03/2023 đánh dấu đúng 10 năm hồng y người Argentina Jorgio Mario Bergoglio lãnh đạo Tòa thánh Vatican dưới tông hiệu Francis, để tưởng nhớ vị thánh cùng tên của thành Assisi, vị thánh của những người nghèo. Nâng đỡ người nghèo là kim chỉ nam của giáo hoàng thứ 266 trong lịch sử và cũng là người đầu tiên từ Châu Mỹ Latinh đến. Những người đầu tiên được tiếp xúc với Giáo hoàng Francis là những thuyền nhân trôi dạt vào đảo Lampedusa, miền nam nước Ý.

Giáo hoàng Francis với những tuyên bố thẳng thắn đã không ngần ngại nêu lên những chủ đề thường được những người tiền nhiệm tránh né, như ly hôn, đồng tính... Trong 10 năm lãnh đạo tòa thánh ngài cũng đã phải đối mặt với nhiều tai tiếng của Giáo hội Công giáo trong đó có nạn ấu dâm trực tiếp liên quan đến một chức sắc trong giáo hội ở Mỹ, Úc, Đức hay Pháp... :

"Tôi không thể lặng im trước một vết thương trong thời đại của chúng ta, khốn khổ thay đã liên quan đến một số trong hàng giáo phẩm. Các vụ lạm dụng trẻ vị thành niên là một trong những tội ác hèn hạ và tai hại nhất".

Trong 10 năm qua giáo hoàng Francis đã không quản ngại công sức mở rộng vòng tay và đối thoại với các tôn giáo khác. Ngài đã có chuyến tông du đến các quốc gia Hồi giáo như Iraq, hay Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất, bắc nhịp cầu với giáo hội Chính Thống giáo... Nhưng trong mắt một số người, Giáo hoàng Francis vẫn còn quá bảo thủ chẳng hạn như đến nay phụ nữ vẫn chưa được phong hồng y và Vatican tránh đề cập đến hôn nhân của người đồng tính.

500 ngày trước Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 : Ban tổ chức ráo riết tìm nguồn tài trợ

500 ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic Paris 2024, ngân sách của các nhà quảng cáo cho sự kiện thể thao trọng đại này vẫn còn thiếu 200 triệu euro. Tính đến ngày 14/03/2023 đã có khoảng 30 tập đoàn lớn tham gia. Trong số này có tập đoàn điện lực quốc gia EDF, hãng dược phẩm Sanofi hay hệ thống siêu thị Carrefour... các bên cam kết 900 triệu euro cho Olympic 2024.

Để cân bằng sổ sách ở khâu quảng cáo, Ủy ban tổ chức Olympic Paris-CoJo chỉ có 10 tháng để tìm ra thêm ít nhất là 200 triệu. Một trong những nguồn tài trợ lớn để biến Olympic Paris 2024 thành tủ kính của các thương hiệu Pháp là tập đoàn dầu khí TotalEnergies, nhưng từ 2019 tập đoàn này đã bỏ cuộc. Lý do đô trưởng Paris Anne Hidalgo muốn một mùa Olympic Xanh và Sạch và không muốn có dấu ấn của năng lượng hóa thạch. Hiềm nỗi TotalEnergies có ngân sách khá lớn và luôn là một nguồn hào phóng với các sự kiện thể thao không chỉ ở Pháp mà cả trên thế giới. CoJo dự trù thuyết phục được các doanh nghiệp đóng góp tối thiểu 1,2 tỷ euro cho ngân sách chung dự trù lên tới gần 4 tỷ để Paris có một mùa Olympic đáng ghi nhớ. TotalEnergies đã quay lưng lại với Olympic Paris 2024. Ông vua ngành thời trang hạng sang LVMH cũng dửng dưng với sự kiện này. Từ Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris đến chính phủ đều đang cố gắng thuyết phục nhà tỷ phú Bernard Arnault, chủ nhân của LMVH, gắn liền hình ảnh của những nhãn hiệu như Louis Vuitton, Moët-Hennessy với Olympic Paris 2024. Trước mắt LVMH còn thận trọng, nhất là khi hình ảnh của nước Pháp lúc này trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, trong mắt các du khách nước ngoài muốn đến Paris.

Từ ngày 19/01/2023 một phần dân Pháp liên tục xuống đường chống đối dự luật cải tổ hưu bổng. Điển hình là cuộc tập hợp đêm 16/03/2023 tại Quảng trường Concorde, gần Quốc hội, sau khi chính phủ dùng điều khoản 49.3 trong Hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa để thông qua dự luật kéo dài thêm 2 năm tuổi lao động. Đặc phái viên RFI Pierre Olivier có mặt tại chỗ tường thuật và cho thấy tình hình có vẻ căng thêm nữa trong những ngày tới.

"Trong chưa đầy một giờ, hàng trăm rồi hàng ngàn người tập hợp về Quảng trường Concorde. Một người biểu tình cho biết khi tan trường anh hay tin chính phủ dùng điều khoản 49.3 thông qua dự luật cải tổ hưu bổng. Quá phẫn nộ, những thanh niên này đến đây để phản đối. Chỉ cách tòa nhà Quốc hội vài trăm thước, cảnh sát bảo vệ an ninh chặt chẽ. Người biểu tình càng lúc càng đông. Một người nói : ‘Ở đây đông người điều đó chứng tỏ công luận phẫn nộ và điều khoản 49.3 lại càng gây thêm bức xúc, người ta lại càng có lý do để làm tê liệt đất nước’.

Bao nhiêu phẫn nộ của người biểu tình trút lên tổng thống Emmanuel Macron. Một phụ nữ trẻ giải thích sẽ trở lại đây ăn mừng khi chính phủ của thủ tướng Borne bị lật đổ. Theo cô chính phủ hoàn toàn chối bỏ tính dân chủ của nghị trường. Cô nói ‘ngay cả dự luật cải tổ này ông Macron cũng đã thất bại khi không thể đưa ra biểu quyết tại Quốc hội. Đây là một cú tát tai, thêm một cú nữa đối với chính phủ’. Hàng ngàn người biểu tình tin rằng với việc sử dụng điều khoản 49.3 để thông qua dự luật cải tổ hưu bổng, chính phủ đã thành công trong một việc đó là huy động người dân xuống đường để chống lại luật này".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 18/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 288 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)