Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/03/2023

Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng cường hiện diện trên Biển Đông

Tổng hợp

Mỹ và 4 nước Ấn Độ-Thái Bình Dương tập trận : Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong tầm nhắm

Trọng Nghĩa, RFI, 16/03/2023

Hạm đội 7 của Mỹ phụ trách vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vừa cho biết : Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào hôm 15/03/2023 đã bắt đầu các cuộc tập trận chống tàu ngầm mang tên Sea Dragon 23.

haiquan1

Các tàu của Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tập trận chung tại vùng biển quốc tế phía đông bán đảo Triều Tiên ngày 22/02/2023. AP

Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc tập trận đa quốc gia này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo hai nước tham gia là Hàn Quốc và Nhật Bản họp thượng đỉnh để cải thiện quan hệ song phương nhằm củng cố liên minh với Washington trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Trong một thông cáo báo chí, Hạm đội 7 cho biết là cuộc tập trận Sea Dragon 23 sẽ kết thúc sau hơn 270 tiếng đồng hồ tập huấn trên không "từ việc theo dõi các mục tiêu giả định cho đến bài tập cuối cùng là truy tầm một chiếc tàu ngầm của Hải quân Mỹ".

Hạm đội 7 cũng cho biết là phi công và sĩ quan phi hành từ tất cả các quốc gia tập trận cũng sẽ tham gia các buổi tập huấn trong lớp theo nội dung "lên kế hoạch và thảo luận về chiến thuật phối hợp năng lực và thiết bị của nhau".

Thông cáo cho biết là Hải quân Mỹ đã cử hai máy bay trinh sát và tuần tra hàng hải P-8A Poseidon, đặt căn cứ tại đảo Guam, tham gia cuộc tập trận, nhưng không cho biết là sự kiện này sẽ kéo dài bao lâu cũng như diễn ra ở đâu.

Tuy nhiên, trong một thông cáo hôm nay, 16/03, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ đã cử một phi cơ P8I đến đảo Guam tham gia cuộc tập trân Sea Dragon từ ngày 15-30/03.

Theo AP, với khoảng từ 50 đến 70 chiến hạm và tàu ngầm, 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến sẵn sàng được triển khai bất cứ lúc nào, Hạm đội 7 "thường xuyên tương tác và hoạt động với các đồng minh và đối tác để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Vùng hoạt động đó bao gồm cả Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, nơi mà các hành động của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thường xuyên làm tình hình căng thẳng.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 16/03/2023

***************************

Tàu Trung Quốc "nhan nhản" trên vùng biển Việt Nam

Imran Vittachi, RFA, 16/03/2023

Việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã gây ra một cuộc đối đầu căng thẳng trên biển đồng thời dẫn tới các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc tại Việt Nam. Một tàu khảo sát 2.600 tấn của Trung Quốc cũng được nhìn thấy trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam - một tổ chức nghiên cứu địa phương cho biết.

haiquan2

Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đi trong vùng biển mà cả Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 15/5/2014 – Hậu Đình/AP Photo

Tiếp sau sự vụ ở Philippines, nhiều tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện và tụ tập thành đoàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông – một tổ chức nghiên cứu của Việt Nam sử dụng dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết.

Dự án Đại Sự ký Biển Đông (SCSCI-South China Sea Chronicle Initiave) cũng đưa tin một tàu khảo sát nặng 2.600 tấn của Trung Quốc, tàu Hải Dương Địa chất 4, cũng đã lảng vảng bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và điều này cho thấy có thể đã có "một hoạt động nào đó" tại đây. 

Theo SCSCI, số lượng tàu Trung Quốc trong khu vực EEZ của Việt Nam đã tăng đáng kể trong hai tuần đầu của tháng ba năm nay, gần gấp ba lần số lượng quan sát được vào cuối tháng hai. Vùng đặc quyền kinh tế cho phép một quốc gia được độc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển và đáy đại dương.

Dữ liệu này thu thập được từ tín hiệu của hệ thống nhận diện tự động (AIS) truyền của những con tàu này.

"Các tàu Trung Quốc cũng đã hoạt động sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi chỉ 60 hải lý (111km)" – bà Vân Phạm, người quản lý của SCSCI nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Các tàu đánh cá và tàu dân quân biển thường được Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống.

Tàu khảo sát Trung Quốc

Trong khi đó, hôm thứ tư (15/3/2023), tàu nghiên cứu và khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã có mặt nhiều giờ trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát trước khi đi vào khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. 

Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của tuyến đường thủy chiến lược nhưng cho đến nay, Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền lớn nhất. 

Trung Quốc và các nước láng giềng thỉnh thoảng có những bất đồng về hoạt động thăm dò dầu khí của Bắc Kinh trên biển.

haiquan3

Theo dõi hải trình của tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa chất 4 cho thấy tàu này xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 15/3/2023. Ảnh : Marine Traffic

Theo trang theo dõi tàu Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), tàu Hải Dương Địa chất 4 đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 17 tiếng đồng hồ trong ngày 15/3.

"Có vẻ như con tàu này đang tiến hành một hoạt động ở đây" - tổ chức SCSCI cáo buộc.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện chưa có bình luận về vấn đề này.

Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc các tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và gọi các hoạt động này là "vi phạm chủ quyền của Việt Nam".

Vào năm 2019, một cuộc biểu tình đã diễn ra ngay trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vì tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã hoạt động nhiều tháng trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát.

Ngay sau đó, năm 2020, cũng chính con tàu này đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tháng với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia .

Cuộc đối đầu lớn nhất từ trước đến nay giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề thăm dò dầu khí ở Biển Đông diễn ra vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.

Vụ việc này có sự tham gia của hàng chục tàu chấp pháp của cả hai nước và dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. 

Cuối cùng, Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển của Việt Nam sau 2.5 tháng.

Các chiến dịch vùng Xám

Trung Quốc đã và đang tiến hành cái gọi là "các chiến dịch vùng xám", sử dụng các lực lượng phi truyền thống như dân quân biển để đạt được các mục tiêu kinh tế và an ninh.

Philippines, một quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, gần đây cáo buộc các tàu dân quân biển Trung Quốc đã tràn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. 

Trong một diễn biến mới nhất, các tàu dân quân biển của Trung Quốc ngoài khơi đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát đã phân tán sau khi tập trung tại đảo này vào hồi đầu tháng ba năm nay - ông Ray Powell, Trưởng dự án Myoushu (Biển Đông) tại Đại học Stanford ở California cho biết.

Ngày 4/3/2023, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết đã phát hiện thấy hơn 40 tàu dân quân biển được nghi là của Trung Quốc trong khu vực ngoài khơi cách đảo Thị Tứ (hay còn gọi là Pag-asa của Philippines) 4,5 đến 8 hải lý.

"Bằng cách định kỳ phân tán lực lượng của mình, hạm đội dân quân [biển] của Trung Quốc dường như cố ý làm cho các cơ quan thực thi pháp luật của Philippines khó khăn hơn khi theo dõi các chiến thuật kéo bầy đàn của họ" - ông Powel nói với RFA.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc phần lớn được tổ chức bởi các công ty đánh cá lớn của nước này.

Nghiên cứu của Andrew Erickson và Conor Kennedy vào năm 2016 cho biết : Ước tính duy nhất về quy mô của lực lượng dân quân biển Trung Quốc là từ một nguồn xuất bản năm 1978. Theo đó, nhân sự của lực lượng này vào thời điểm đó là 750.000 người, hoạt động trên khoảng 140.000 tàu. Con số này có khả năng đã tăng lên đáng kể kể từ đó.

Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân quân biển.

Imran Vittachi

Nguồn : RFA, 16/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Umran Vittachi
Read 364 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)