Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/03/2023

Điểm tuần báo Pháp - Hòa bình "made in China"

RFI tổng hợp

Khi hòa bình được "made in China"

Một trật tự mới theo kiểu Trung Hoa, một nền hòa bình "Made in China" là nguy cơ cho thế giới. Đó là nhận xét của nhiều tuần báo sau "sáng kiến hòa bình" của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn ủng hộ các chế độ độc tài đang gieo tai họa cho nhân loại, và không từ thủ đoạn nào để có thể hất cẳng Mỹ, khống chế toàn cầu.

china1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moskva ngày 20/03/2023 via Reuters – Kommersant Photo

Nhận định việc Tập Cận Bình đến Moskva là sự kiện quan trọng nhất trong tuần, The Economist đưa tít lớn "Thế giới của ông Tập" với hình bìa là Trái Đất mang màu cờ đỏ của Trung Quốc, những vệ tinh nhỏ xoay quanh là Nga, Iran, Saudi Arabia, Liên Hiệp Quốc. Hồ sơ của Courrier International được dành cho một nền "Hòa bình Made in China", được minh họa bằng hình vẽ Tập Cận Bình cầm cây vợt bóng bàn màu cờ Trung Quốc, đùa với quả bóng Trái Đất phía trên.

Trật tự mới của độc tài Bắc Kinh nguy hiểm cho thế giới

Xã luận của L’Express cảnh báo "Tập Cận Bình thăm Moskva : Coi chừng, nguy hiểm !". Tuần báo nhắc lại câu nói của Mao Trạch Đông : "Chúng ta phải ủng hộ tất cả những gì kẻ thù của ta đang phải chiến đấu, và chiến đấu với tất cả những gì mà kẻ địch ủng hộ".

Đến Nga từ 20 đến 22/03/2023 thăm "ông bạn" Vladimir Putin, vừa bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, Tập Cận Bình cho thấy ông ta không quên khuyến cáo này. Trao đổi thương mại tăng vọt, Bắc Kinh lặp lại các luận điệu tuyên truyền của Kremlin rằng Hoa Kỳ và NATO đã gây nên cuộc chiến tranh ở Ukraine, tổ chức tập trận chung Nga-Trung… Vì sao ? Theo L’Express, Trung Quốc cần Nga để chống lại kẻ thù chung là Mỹ, và phương Tây đã lầm khi đánh giá thấp sự thù nghịch của Bắc Kinh đối với Washington.

Khi xích lại gần một chế độ độc tài khác là Iran và gia tăng ảnh hưởng lên các nước phương nam, Trung Quốc muốn tạo dựng một trật tự thế giới mới có lợi cho mình. Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) nhấn mạnh Bắc Kinh muốn "công khai phản đối quan điểm về những giá trị toàn cầu của Mỹ và hệ thống chính trị phương Tây". Cỗ máy đàn áp đang tiến tới, và đó là tin xấu cho tự do dân chủ.

Một tổng thống Nga thân phương Tây ? Cơn ác mộng của Trung Quốc !

The Economist đặt vấn đề "Kiến tạo hòa bình hay khiêu khích ? Tập Cận Bình muốn gì nơi Vladimir Putin ?". Thân chinh sang Moskva, ông Tập còn mời người vừa bị chính thức coi là tội phạm chiến tranh thăm Bắc Kinh trong năm nay, và ủng hộ Putin tái tranh cử năm 2024.

Đổi lại, Putin đón tiếp trọng thể với hai buổi tiệc tùng linh đình ở phòng ăn lộng lẫy từ thế kỷ 15 của Sa hoàng trong điện Kremlin, ca ngợi các sáng kiến ngoại giao của Tập và chủ trương về Đài Loan. Người Mỹ nghĩ rằng trong trao đổi riêng, ông Tập cân nhắc yêu cầu của Putin về cung cấp vũ khí sát thương, nhất là đạn pháo và drone tác chiến. Nếu vậy, sẽ dẫn dắt Trung Quốc vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm với NATO. Nhưng cho dù không bán vũ khí, Bắc Kinh vẫn hỗ trợ cuộc xâm lăng của Nga thông qua việc mua dầu khí và bán thiết bị điện tử cũng như nhiều hàng hóa khác.

Theo tính toán của Tập Cận Bình, Nga sẽ là nguồn cung năng lượng, công nghệ quân sự và ủng hộ ngoại giao nếu Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan. Kịch bản tệ hại nhất là một nhà lãnh đạo thân phương Tây lên ngôi ở Kremlin, giúp Mỹ ngăn chặn Trung Quốc. "Đó là cơn ác mộng của Bắc Kinh", chuyên gia Lý Minh Giang (Li Mingjiang), đại học Nanyang ở Singapore khẳng định. Đối với ông Tập, nước Mỹ là mối đe dọa lớn nhất, mà Trung Quốc chẳng có cường quốc nào bên cạnh để giúp chống đỡ áp lực kinh tế và quân sự của phương Tây. "Nga là chọn lựa duy nhất".

Thất bại của Putin tại Ukraine gây ngỡ ngàng cho Bắc Kinh

Bên cạnh đó Tập Cận Bình còn có mối liên hệ cá nhân. Cha của ông là Tập Trọng Huân, từng phụ trách các chuyên gia Liên Xô đã giúp kỹ nghệ Trung Quốc phát triển trong thập niên 50. Đi thăm Moskva năm 1959, ông Tập Trọng Huân trở về lòng đầy ngưỡng mộ, mang theo những món đồ chơi Liên Xô khiến cậu con trai sáu tuổi rất vui mừng. Năm 15 tuổi, về nông thôn "thâm nhập thực tế" trong Cách mạng Văn hóa, Tập Cận Bình thích đọc "Chiến tranh và hòa bình", "Thép đã tôi thế đấy"…

Nhiều sĩ quan cao cấp Trung Quốc cũng có quan hệ chặt chẽ với đồng nhiệm Nga, sau khi các chính phủ phương Tây cấm vận thiết bị quân sự do vụ thảm sát Thiên An Môn. Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã mua của Nga mấy chục tỉ đô la vũ khí. Tuần báo Anh cho rằng các quan chức Trung Quốc dù được báo trước vẫn bất ngờ về tầm cỡ cuộc xâm lăng Ukraine, nên không có kế hoạch di tản công dân. Ít lâu sau đó, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc chịu trách nhiệm về Nga đã bị chuyển công tác sang cơ quan phát thanh truyền hình.

Cái nhìn về sức mạnh quân sự Nga cũng đổi hẳn. Những thành công trước đây ở Crimea, Georgia (Gruzia) và Syria khiến các tướng lãnh Trung Quốc tin rằng Putin là một chiến lược gia lớn, chỉ huy một quân đội hiệu quả. Những cải cách mới đây của quân đội Trung Quốc là cóp theo Nga. Nhưng các nhà chỉ huy ở Hoa lục bị sốc trước những tính toán sai lầm của Putin tại Ukraine, và kết quả thảm hại của quân đội Nga. Không chỉ có thế, Phùng Ngọc Quân (Feng Yujun), chuyên gia về Nga của đại học Phục Đán còn nhắc nhở Nga đã sáp nhập hàng triệu cây số vuông đất Trung Quốc từ 1860 đến 1945, tố cáo Liên Xô thúc giục Trung Quốc giữ khoảng cách với phương Tây và tham chiến ở Triều Tiên, gây thiệt hại khủng khiếp.

Ép giá, buộc chuyển giao công nghệ… Tập Cận Bình lợi đủ đường

The Economist cho rằng bên cạnh việc ép giá dầu khí, đạt được những ưu đãi cho các công ty Trung Quốc nhảy vào thế chỗ phương Tây, Tập Cận Bình còn gây áp lực để Nga chuyển giao công nghệ quân sự cao cấp như hỏa tiễn địa-không, lò phản ứng nguyên tử cho tàu ngầm. Tập cũng buộc Vladimir Putin ngưng hay hoãn việc giao vũ khí tân tiến cho các khách hàng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam. Nga cũng có thể giúp hiện đại hóa vũ khí nguyên tử Trung Quốc, hoặc cùng nghiên cứu về hệ thống chống tên lửa.

Nếu quyết định giúp Nga vũ trang, Tập sẽ giữ kín : Trung Quốc lâu nay vẫn bí mật xuất khẩu vũ khí. Trong thập niên 80, Bắc Kinh đã âm thầm cung cấp một phiên bản AK-47 cho quân nổi dậy ở Afghanistan. Các công ty Trung Quốc có thể sản xuất ra các loại đạn pháo cung cấp cho Nga nhưng xóa tên hãng hoặc ghi tên khác ; hay thông qua một nước thứ ba như Bắc Triều Tiên, Iran. Mỹ có thể phát hiện nhưng rất khó chứng minh.

Tuy nhiên để thay đổi cục diện chiến tranh, cần chuyển giao những vũ khí lớn và tinh tế hơn như drone tác chiến. Khó mà giấu được, nhất là nếu bị rơi vào tay Ukraine. Rốt cuộc quyết định của ông Tập còn tùy thuộc vào diễn biến cuộc chiến, nhất là kết quả chiến dịch phản công sắp tới của Ukraine. Nhà nghiên cứu Alexander Korolev của đại học New South Wales (Úc) cho rằng bằng việc gởi vũ khí, Trung Quốc có thể kiểm soát việc leo thang, duy trì quân Nga ở Ukraine càng lâu càng tốt để phương Tây phải dồn sức vào đây, và dễ dàng "tính sổ" với Đài Loan.

Nga lệ thuộc Trung Quốc lâu dài, vũ khí không bán được cho Đông Nam Á

Chuyên gia Alexander Gabuev dự báo, Moskva sẽ còn lệ thuộc vào Bắc Kinh lâu dài, ngay cả khi không còn Vladimir Putin. Nền kinh tế Nga sẽ phải thích ứng với một mô hình mới, nghèo hơn, công nghệ yếu hơn, hệ thống tài chánh bị "nhân dân tệ hóa". Các quan chức an ninh và quân đội bị trừng phạt không được bước chân sang phương Tây từ 2014, gởi con cái sang Trung Quốc du học.

Để tái lập quan hệ với thế giới dân chủ và thoát ách thống trị của Bắc Kinh, Nga phải đáp ứng những đòi hỏi của Ukraine về trách nhiệm tội phạm chiến tranh, bồi thường và trả lại những vùng đất đã chiếm, đổi lại được dỡ bỏ một phần cấm vận. Đó là thách thức lớn ngay cả đối với một chính phủ dân chủ hậu Putin – dù khả năng này khó thể xảy ra. Làm thân chư hầu cho Trung Quốc có vẻ tiện lợi hơn.

The Economist cũng nhận thấy vũ khí Nga nay có ít người mua hơn ở Đông Nam Á. Trong hai thập niên trước, Moskva là nhà cung cấp lớn nhất cho khu vực với doanh số 11 tỉ đô la, bỏ xa các nước khác. Nga bán vũ khí công nghệ cao với giá phải chăng, chấp nhận đổi lấy hàng hóa, không quan tâm đến nhân quyền, và tham nhũng giúp các hợp đồng nhanh chóng được ký kết.

Từ khi xâm lăng Ukraine, số bán sụt hẳn và khó thể trở lại như xưa. Các nước Đông Nam Á lo ngại bị liên lụy, và nhận ra những điểm yếu của vũ khí Nga. Việt Nam, khách hàng lớn nhất đã ngưng hiện đại hóa quân đội từ trước chiến tranh Ukraine do lo ngại tham nhũng, nay đang lao đao vì vũ khí mua của Nga không thể kéo dài tuổi thọ do cấm vận.

Hoa Kỳ diều hâu, Trung Quốc bồ câu ?

Về quan hệ Mỹ-Trung, Courrier International dịch lại bài viết của The Atlantic nhận định, thường thì sự tranh đua giữa hai cường quốc được coi là mối đe dọa cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Nhưng lần này sự cạnh tranh địa chính trị được khoác lên chiếc vỏ hòa bình.

Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia được Trung Quốc dàn xếp, cho thấy Bắc Kinh tăng tốc tấn công ngay trong vùng ảnh hưởng của Washington, để dựng lên một trật tự thế giới mới. Trong đó Hoa Kỳ bị mô tả là hiếu chiến, đang thống trị một cách bất công, bị bất lực trong việc giải quyết những tranh chấp. Ngược lại Trung Quốc là đất nước vì hòa bình, mang lại những giải pháp tốt nhất từ túi khôn Trung Hoa mà Tập Cận Bình là bậc thầy.

Đúng một năm sau khi Putin xua quân sang Ukraine, Bắc Kinh đề ra "kế hoạch hòa bình" 12 điểm, chứng tỏ muốn đóng một vai trò trực tiếp trong cuộc chiến. Nhà phân tích Yurii Poita nhận xét trên L’Express, kế hoạch này có đến phân nửa đi ngược lại với lợi ích của Ukraine cũng như không tôn trọng luật pháp quốc tế. Đề nghị ngưng bắn chỉ giúp Nga củng cố lực lượng trước khi tấn công tiếp. The Sunday Times khẳng định Tập Cận Bình không đến Moskva để vãn hồi trật tự, mà tìm kiếm lợi ích cho riêng mình.

Bắc Kinh miệng nói hòa bình, tay chuẩn bị chiến tranh

Tự quảng cáo là nhà kiến tạo hòa bình, nhưng Trung Quốc hành động hoàn toàn ngược lại trên thực tế : chi quân sự khổng lồ (kể cả vũ khí nguyên tử), hung hăng trên Biển Đông, đe dọa Đài Loan… Dù vậy chiến dịch đánh bóng của Bắc Kinh cũng tạo được ảnh hưởng, đặc biệt nơi một số Nhà nước độc tài. Đây cũng là vấn đề của một trật tự thế giới "hòa bình" mà Trung Quốc đang xây dựng. Thân thiết với Nga và Iran, luôn ủng hộ Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đứng cạnh ba quốc gia đang phá rối thế giới nhiều nhất, và chưa bao giờ tỏ ra muốn ngăn lại những ý đồ nguy hiểm của ba nước này.

Financial Times cho rằng "Hoa Kỳ thiếu một chiến lược thực sự" để đối phó. Tờ báo nhận thấy một trong những khác biệt lớn nhất của cuộc chiến tranh lạnh hiện nay so với thời trước 1991, là Trung Quốc không "xuất khẩu" được cách mạng ; như Liên Xô từng ủng hộ các phe nổi dậy cánh tả từ Cuba đến Angola, Triều Tiên hay Ethiopia. Yếu tố tích cực duy nhất trong chiến tranh lạnh Mỹ-Trung là sự lệ thuộc kinh tế lẫn nhau.

Tập Cận Bình tố cáo bị Mỹ "bao vây", ông ta chỉ có thể tự trách mình khi quan hệ giữa với các láng giềng và Hoa Kỳ được siết chặt. Nhật Bản tăng gấp đôi ngân sách quân sự, Philippines và Ấn Độ xích lại gần với Mỹ ; Úc thỏa thuận với Anh, Mỹ về tàu ngầm, Đài Loan mua thêm vũ khí… chính vì tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Hiện thời Hoa Kỳ đang chiếm ưu thế : có rất nhiều đồng minh, một hệ thống toàn cầu do Mỹ gầy dựng, công nghệ tiên tiến và dân số trẻ ; trong khi tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống và bị lão hóa.

Việt Nam đứng đầu thế giới về sử dụng tiền ảo

Chuyển sang lãnh vực tài chánh, L’Express nói về những sân chơi mới của tiền kỹ thuật số : Việt Nam, Philippines, Ấn Độ… Theo cơ quan tư vấn Chainalysis, các quốc gia mới nổi thống trị bản danh sách sử dụng tiền ảo trong năm 2022, trong đó Việt Nam đứng đầu.

Bản báo cáo của cơ quan này nhận định tiền kỹ thuật số mang lại lợi ích cho những người sống trong các điều kiện kinh tế không ổn định, nhất là các nước bị lạm phát phi mã như Argentina, Venezuela. Đồng bitcoin chưa chứng tỏ là giá trị tin cậy, nhưng những stablecoin (tiền ảo ổn định) rất được ưa chuộng. Nhiều người dùng để chuyển tiền cho thân nhân ở nước ngoài. Tại Việt Nam, những trò chơi để kiếm tiền ảo tỏ ra hấp dẫn đối với những người thu nhập thấp : 1/4 dân số đã sử dụng dịch vụ này.

Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, tiền kỹ thuật số có thể hỗ trợ cho những cư dân bị đàn áp hoặc bị xâm lăng hay không ? Cuộc chiến tranh Ukraine đã mang lại những câu trả lời bước đầu : blockchain giúp chuyển nhanh chóng 65 triệu đô la viện trợ cho Ukraine, ngược lại cũng giúp một số người Nga né được trừng phạt. Cho dù giảm tiêu thụ năng lượng (Ethereum giảm được đến 99 %) và quản lý tốt hơn những giao dịch lớn, tiền ảo hiện vẫn chưa có giá trị thực sự, tại những nước có chế độ chính trị ổn định và đồng tiền mạnh như Pháp.

Cải cách chế độ hưu : Tổng thống Pháp cô đơn

Cải cách hưu trí tại Pháp và chuyến thăm Nga của chủ tịch Trung Quốc là hai chủ đề chiếm trang nhất các tuần báo kỳ này. L’Obs chạy tựa "Nước cộng hòa sa lầy", Le Point đặt câu hỏi "Từ bị cô lập đến bất lực : Macron, về hưu ở tuổi 45 ?". L’Express cho rằng chương trình này "Đầu voi đuôi chuột" và tóm tắt : "Cải cách tổ chức không tốt, người dân nổi giận, khủng hoảng chính trị".

L’Express nhận định hậu quả của cuộc khủng hoảng về cải cách hưu trí sẽ nặng nề, L’Obs cũng cho rằng tổng thống Emmanuel Macron chỉ giành được chiến thắng với cái giá rất đắt. Le Point ví von "Macron cô độc trong tòa lâu đài của mình". Tờ báo phê phán một bộ phận nổi loạn liên tục chống đối lại chính phủ được bầu lên một cách dân chủ năm ngoái bằng đủ mọi cách, đặt cược vào những cuộc biểu tình.

Họ còn muốn người ta nghĩ rằng Pháp là nước độc tài vì đã dùng đến Điều 49.3, vũ khí được Hiến pháp trao cho. Thậm chí những thành viên nghiệp đoàn CGT lúc 5 giờ sáng còn đến cúp điện tư gia một thượng nghị sĩ ủng hộ cải cách ; những thùng rác, vỏ xe, xe hơi bị đốt cháy khắp nơi… Tác giả Luc de Barochez đặt câu hỏi, làm thế nào tổng thống Macron có thể hy vọng thay đổi được châu Âu và thế giới, trong khi cải cách ngay trong nước còn không thực hiện nổi ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 342 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)