Chính sách Biển Đông của Philippines dưới thời Marcos sẽ tác động tới Việt Nam thế nào ?
Marcos thắng cử vang dội
Ngày 9/5, Ferdinand Marcos Jr. (Con) có biệt danh là Bongbong Marcos đã trở thành Tổng thống thứ 17 của đất nước Philippines, sau chiến thắng vang dội của kỳ bầu cử năm nay. Ông ta đã giành được hơn 30 triệu phiếu bầu, chiếm 59% tổng số phiếu bầu của hơn 60 triệu cử tri Philippines trong đợt bầu cử lần này.
Reuters
Ứng cử viên Phó Tổng thống cùng liên danh tranh cử với ông ta là Sara Duterte cũng đã giành chiến thắng vang dội khi giành được 61% phiếu bầu của các cử tri Philippines.
Sara chính là con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte. Sara sẽ là Phó Tổng thống ở Philippines đầu tiên kể từ năm 2004 có cùng lập trường với Tổng thống đắc cử.
Chính sách đối ngoại của Marcos sẽ ra sao ?
Về chính sách đối ngoại của Marcos, Derek Grossman - Chuyên gia phân tích tại RAND (Mỹ) cho rằng chưa chắc chính sách đối ngoại của Bongbong Marcos sẽ giống như thời Duterte [1] , Richard Heydarian - chuyên gia phân tích quốc tế của Philippines cũng cho rằng : "Về chính sách đối ngoại, ông cũng đã thực hiện một cách tiếp cận cân bằng hơn bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ mạnh mẽ hơn các lợi ích lãnh thổ của đất nước ở Biển Đông, nơi Philippines đang có xích mích với Trung Quốc" [2] .
Tuy nhiên, có nhiều chỉ dấu cho thấy Ferdinand Marcos (Con) sẽ tái định hình mối quan hệ của quốc gia Đông Nam Á này với Trung Quốc và Mỹ, và Bongbong Marcos sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.
Thứ nhất, khi ra tranh cử Tổng thống Philippines, ông Marcos đã tự giới thiệu mình như là người có thể tập hợp các lực lượng chính trị để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân. Để phát triển kinh tế, Marcos phải dựa vào Trung Quốc như cách Duterte đã làm trong nhiệm kỳ của ông ta.
Thứ hai, ảnh hưởng của Duterte cùng hai gia tộc Macapagal và Estrada cũng sẽ tác động tới chính sách đối ngoại của Marcos. Sara Duterte sẽ là Phó Tổng thống trong nội các của Marcos. Một giả thuyết cho rằng gia đình Duterte quyết tâm truất quyền tổng thống của Marcos, viện dẫn việc ông từng có một tiền án trốn thuế vào những năm 1990, khiến ông không đủ tư cách để nắm giữ chức vụ công.
Ủy ban Bầu cử đã bác bỏ các kiến nghị và kháng cáo nhưng những người khởi kiện đã cam kết sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao. Nếu Marcos bị tuyên bố không đủ tư cách sau khi nhậm chức ngày 30/6 tới, Sara sẽ trở thành tổng thống.
Ngoài ra, Macapagal Arroyro đã từng là cố vấn của chính quyền Duterte, và cũng là người tác động đến mối quan hệ giữa hai gia tộc Duterte và Marcos. Arroyro là người luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc [3] .
Không có gì lạ khi Trung Quốc đã tìm mọi cách để lấy lòng Bongbong Marcos. Ngày 20/10/2021, khi Bongbong Marcos đến dự lễ cắt băng khánh thành triển lãm ảnh kỷ niệm quan hệ Trung Quốc-Philippines tại đại sứ quán Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên đã đăng một bài viết trên trang Facebook : "Thật vinh dự khi Bongbong Marcos cùng tôi tham dự buổi lễ này. Chúng tôi luôn trân trọng và đề cao những người bạn cũ, chúng tôi hy vọng rằng người dân hai nước ngày càng ủng hộ việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác, để có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước và tiếp nối tình hữu nghị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác" [4] .
Bên cạnh đó, Sara Duterte - con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte được xem là "hiện thân" cho những cơ hội giúp Bắc Kinh quay trở lại đầu tư vào chính trường của tổng thống Philippines.
Trung Quốc dường như đã giành được tình cảm của Sara Duterte và gia đình Duterte, thành quả có khả năng đảm bảo lợi ích chính trị của Trung Quốc tại Philippines trong 6 năm tới dưới "triều đại Marcos" và có thể là 6 năm sau đó nếu Sara Duterte kế nhiệm Marcos làm tổng thống, điều mà nhiều người đang dự đoán.
Thứ ba, mối quan hệ của Marcos với Mỹ rất phức tạp do việc ông từ chối hợp tác với Tòa án Quận Hawaii. Năm 1995, tòa đã yêu cầu gia đình Marcos phải trả 2 tỷ USD cho các nạn nhân nằm dưới sự cai trị của Marcos Sr (Cha).
Trong 15 năm qua, Marcos chưa từng đặt chân tới Mỹ, lo sợ về những hậu quả mà ông và mẹ của ông đang phải đối mặt do phán quyết của tòa án và khoản tiền phạt 353 triệu USD. Theo luật sư Robert Swift, người khởi động vụ kiện, khoản tiền phạt này nằm trong 2 tỷ USD mà ông và mẹ của ông đã được lệnh phải trả cho 9.539 nạn nhân bị lạm dụng nhân quyền, trong đó chỉ có 37 triệu USD đã được bồi thường.
Phó tổng thống mới của Philippines Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, phát biểu tại một cuộc tập trung ở Lipa, tỉnh Batangas, Philippines, hôm 20/4/2022. Reuters
Chính sách Biển Đông của Marcos
Gia đình Marcos đã có mối quan hệ với Trung Quốc từ lâu và bản thân ông ta cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận mới với Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Điều đó được thể hiện khi thực hiện các cuộc phỏng vấn trong chiến dịch tranh cử, Marcos nói rằng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 "không hiệu quả" bởi Trung Quốc không công nhận nó. Ông cho biết ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng giữa họ. Phát biểu với Đài DZRH, ông nói : "Nếu bạn để Mỹ bước chân vào, bạn sẽ biến Trung Quốc trở thành kẻ thù của mình. Tôi nghĩ chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận (với Trung Quốc). Trên thực tế, các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc là những người bạn của tôi. Chúng tôi đã nói về điều đó" [5] .
Marcos có quan điểm chính trị cũng khá tương đồng với Duterte, người đã tìm cách xoay trục khỏi Mỹ sang Trung Quốc. Marcos cho rằng Duterte đối phó với Trung Quốc "đúng cách" và việc đạt được "đồng thuận song phương" với Bắc Kinh là cách tiếp cận "quan trọng nhất". Tháng 9/2021, tại một diễn đàn tin tức trực tuyến, Bongbong Marcos nói : "Dù chúng ta làm gì, chúng ta cũng không thể để chiến tranh xảy ra. Mọi người hỏi tại sao không mua thêm tàu tuần tra, máy bay phản lực, phòng khi xung đột xảy ra ? Tại sao chúng ta lại nghĩ đến chiến tranh, một cuộc chiến mà chúng ta sẽ thua chỉ trong chưa đầy 1 tuần ? Chúng ta đã từng thua trận. Hãy ngừng suy nghĩ theo cách đó" [6] .
Một học giả Philippines là Lucio Blanco Pitlo III có dự đoán rằng, chính sách Biển Đông của Marcos Jr có thể sẽ được hình thành nhờ 3 yếu tố quan trọng :
1) di sản của cha ông, cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr ;
2) sự hấp dẫn của chính sách của người tiền nhiệm (Duterte) ;
3) sự nổi lên của Biển Đông như một điểm nóng cho các cuộc tranh giành quyền lực nước lớn. Một ban lãnh đạo Marcos 2.0 có khả năng giảm bớt những dao động mạnh mẽ trong chính sách của Philippines đối với nước láng giềng lớn Trung Quốc và sự bất hòa hàng hải khó giải quyết.
"Marcos Jr có khả năng sẽ duy trì chính sách của tổng thống tiền nhiệm đối với Trung Quốc và Biển Đông. Ông có khả năng sẽ hỗ trợ việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các thực thể do Philippines quản lý để cải thiện điều kiện sống của người dân và quân đội Philippines đóng tại Kalayaan và ngư dân hoạt động trong khu vực. Đề xuất biến Đảo Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần để giảm thời gian cung cấp hàng hóa cho các tiền đồn gần đó cũng có thể được ông ủng hộ. Marcos Jr sẽ bật đèn xanh cho việc tăng cường các cuộc tuần tra để bảo vệ các lợi ích tài nguyên và hàng hải của nước này trong khu vực. Thời kỳ hoàng kim cho chi tiêu quốc phòng của Duterte, vốn giúp hiện đại hóa hải quân, không quân và lực lượng tuần duyên của nước này, sẽ tiếp tục giành được đà. Về mặt lập pháp, Marcos Jr có khả năng thúc đẩy việc đẩy nhanh các dự luật liên quan, sẽ xác định các vùng biển và các tuyến đường biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh quốc gia của Philippines" [7] .
Ảnh vệ tinh chụp đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa. Hình chụp hôm 21/4/2017. AFP
Tác động đến Việt Nam
Chính sách Biển Đông dưới thời Marcos sẽ có sự nối tiếp thời Duterte, hướng về Trung Quốc. Chính trường Philippines sẽ có rất nhiều sự chia rẽ, trong đó một số giới tinh hoa chính trị Philippines cùng với Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) sẽ có xu hướng thân Mỹ và thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Dưới áp lực của Trung Quốc, rất có khả năng Marcos sẽ tiếp tục chính sách "khai thác chung" tại một số lô đã ký kết từ thời Duterte.
Chính sách "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo tháng 10 năm 1982 [8] . Đây là một phương án được Trung Quốc đưa ra với quan điểm cùng hợp tác khai thác chung tại khu vực biển Đông.
Chính sách này được phía Trung Quốc diễn giải : "Khái niệm "gác tranh chấp cùng khai thác" bao gồm 4 nội dung :
1. Chủ quyền lãnh thổ là thuộc Trung Quốc.
2. Khi điều kiện cần thiết không xuất hiện để giải quyết toàn diện tranh chấp lãnh thổ, việc thảo luận vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ tạm gác sang bên cạnh. Việc gác lại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Đó chỉ là tạm gác tranh chấp trong một thời gian.
3. Lãnh thổ tranh chấp có thể được cùng khai thác.
4. Mục đích của cùng khai thác là duy trì sự hiểu biết lẫn nhau thông qua sự hợp tác và tạo ra các điều kiện cho việc giải quyết quyền sở hữu lãnh thổ" [9] .
Phân tích chính sách này của Trung Quốc, ta thấy, mặc dù Trung Quốc đề nghị khai thác chung, nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách "đường lưỡi bò" chiếm khoảng 80 % biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với hai khu vực khác là Pratas và Macclesfield mà Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa và quần đảo Trung Sa [10] .
Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa hiển nhiên thuộc quyền chủ quyền của nước khác.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã luôn gây sức ép để thực hiện "gác tranh chấp, cùng khai thác", đặc biệt là đối Philippines. Nếu Philippines chấp nhận "gác tranh chấp, cùng khai thác", tức là Trung Quốc sẽ đạt được thành công bước đầu. Dựa trên thành công bước đầu đó, Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để ép các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông còn lại phải thực hiện theo [11] . Và như vậy, nguy cơ các quốc gia tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại khu vực biển Đông sẽ phải "khai thác chung" với các nguồn tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của chính mình, mà tại các khu vực đó, theo UNCLOS, các quốc gia đó sẽ có đặc quyền thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên mà không phải chia sẻ cho bất cứ ai.
Hoàng Sa
Nguồn : RFA, 18/05/2022
Tham khảo :
[1] https://foreignpolicy.com/2022/05/10/marcos-bongbong-philippines-election-president-duterte-china-us-foreign-policy/
[2] https://www.aljazeera.com/amp/opinions/2022/5/12/the-marcos-counterrevolution
[3] https://www.rappler.com/business/228763-arroyo-keynote-speech-boao-forum-2019-philippines-china-economic-ties/
[4] https://globalnation.inquirer.net/199716/when-bongbong-met-xilian-strengthening-and-deepening-ties-with-china
[5] https://www.youtube.com/watch ?v=PmIw5Tdysws
[6] https://newsinfo.inquirer.net/1492366/bongbong-parrots-duterte-on-west-ph-sea-we-dont-stand-a-chance-vs-china
[7] http://www.scspi.org/en/dtfx/philippine-policy-south-china-sea-under-second-marcos-presidency
[8] ‘Set Aside Dispute and Pursue Joint Development’, 17 November 2000, online : Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China
[9] Ibid.
[10] Mặc dù Trung Quốc gọi Macclesfield Bank là quần đảo Trung Sa, nhưng bãi này luôn chìm dưới mực nước biển, nên theo luật biển quốc tế, nó không thể được coi là quần đảo.
[11] https://www.voanews.com/a/if-brunei-takes-china-energy-deal-neighbors-may-follow/4690627.html
Nguyễn Trường, RFA, 27/11/2021
Chính phủ Pháp choáng váng sau khi bị Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm tàu ngầm khi AUKUS ra đời. Vì vậy đối tác nào sẽ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp. Câu hỏi đã được trả lời sau hai ngày (23-24/11/2021) khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian công du Indonesia, quốc gia đa đảo và đông dân nhất khu vực Đông Nam Á.
AFP
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã ký với đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi "một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược" đã có giữa hai nước từ năm 2011.
Phát biểu tại thủ đô Indonesia, ngoại trưởng Pháp cho biết là quan hệ song phương sẽ được làm sâu sắc hơn "trong các lãnh vực quốc phòng và hàng hải, đặc biệt với việc thiết lập một cơ chế đối thoại hàng hải song phương" vào năm 2022, nhưng cũng bao gồm cả những địa hạt như y tế, năng lượng và biến đổi khí hậu.
Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Pháp xác nhận quan hệ giữa Paris và Jakarta chính là "tầm nhìn của chúng tôi – tức là Pháp và Indonesia - về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên pháp quyền và sự tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia".
Việc đẩy mạnh quan hệ với Indonesia vào lúc này cũng không phải là ngẫu nhiên. Vào tháng 12 tới đây Indonesia bắt đầu đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Nhóm G20, trước khi Pháp cũng sẽ làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong nửa đầu năm 2022.
Tại Jakarta, Ngoại trưởng Pháp cũng đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto hôm 23/11/2021. Trong sáu tháng đầu năm 2021, Indonesia đã đàm phán với Pháp về khả năng mua 36 chiến đấu cơ Rafale, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm đến tàu ngầm, tàu hộ tống và các thiết bị quân sự khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Biển Đông, trong đó có Indonesia.
Trong thời gian gần đây Trung Quốc đã đổ nhiều tiền đầu tư vào các nước Đông Nam Á và vượt cả Mỹ.
Nhà máy tại Malaysia do tập đoàn năng lượng Trung Quốc Risen Energy xây dựng. Bộ Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia vào ngày 24/6/2021 cho biết Risen Energy sẽ đầu tư 42,2 tỷ ringgit (10,1 tỷ USD) vào công nghiệp quang điện tại Malaysia.
Báo Nikkei Asia của Nhật Bản đánh giá quyết định đầu tư của Risen Energy phản ánh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Tại Lào, đường cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn, đang được thi công. Hãng thông tấn Xinhua đưa tin Chính phủ Lào đã thông qua việc xây dựng đường cao tốc tài 580 km với chi phí 5,1 tỷ USD.
Việc đầu tư của Trung Quốc vào các dự án quy mô lớn và hỗ trợ kinh tế cho các nước Đông Nam Á là nỗ lực để Bắc Kinh vượt Washington trong cuộc đua tạo tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Trong một cuộc họp trực tiếp với Ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Trùng Khánh vào ngày 7/6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trao đổi với Bộ trưởng Điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Jakarta và nhập khẩu các sản phẩm của Indonesia.
Ngày 22/6/2021, Trung Quốc cũng nhất trí với Campuchia tăng cường hợp tác để cải thiện mạng lưới giao thông. Theo đó, Bắc Kinh sẽ gửi các chuyên gia về công nghệ cơ sở hạ tầng đến Campuchia.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở Trùng Khánh hôm 7/6/2021. AP
Trong tháng 6/2021, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng những quốc gia đối tác trong sáng kiến "Vành đai, Con đường". Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ vắc-xin ngừa Covid-19 và hợp tác khi những quốc gia này gặp khó khăn trong việc chuyển sang kinh tế carbon thấp.
Không lâu sau hội nghị thượng đỉnh của G7, cuộc gặp giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã được tổ chức.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 6 đã quảng bá sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W). Đây được coi là chiến lược của nhóm G7 nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển thông qua sáng kiến "Vành đai, Con đường". B3W dự kiến được hiện thực hóa trong vài năm tới. Trong tháng 6, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng những quốc gia đối tác trong sáng kiến "Vành đai, Con đường". Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ vắc-xin Covid-19 và hợp tác khi những quốc gia này gặp khó khăn trong việc chuyển sang kinh tế carbon thấp.
Indonesia trong sáng kiến An ninh hàng hải (MSI) của Mỹ
Biển Đông và eo biển Malacca có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Những năm gần đây, ngoài vấn nạn cướp biển, buôn bán vũ khí trái phép, thì vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ trên Biển Đông đã và đang làm cho vùng biển này trở nên mất an toàn hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ khiến các nước thành viên ASEAN quan ngại, mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ cũng hết sức quan tâm. Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) ra đời là sự phản ánh thái độ cũng như toan tính chiến lược về an ninh mới của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 30/5/2015, trong phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lúc đó có bài phát biểu với tựa đề "Mỹ và các thách thức đối với an ninh Châu Á - Thái Bình Dương". Ông bày tỏ thái độ quan ngại trước những hành động bồi đắp đảo nhân tạo và đòi hỏi chủ quyền "vô lý" của Trung Quốc trên Biển Đông : "Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu. Đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguồn cơn căng thẳng ở khu vực". Ông cũng khẳng định : "Chúng ta phải tăng cường năng lực của kiến trúc an ninh khu vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải" ; Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông : "Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Bởi sau cùng, việc biến mấy đá ngầm thành sân bay không tạo ra chủ quyền và cho phép Trung Quố c ngăn cản tự do hàng hải hay hàng không".
Để khẳng định các cam kết của Mỹ, Bộ trưởng Ashton Carter đã giới thiệu "Sáng kiến An ninh Hàng hải" (Maritime Security Initiative - MSI) mới của Mỹ ở Đông Nam Á trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ do Thượng nghị sĩ John Mc Cain đứng đầu và được Quốc hội Mỹ phê chuẩn với khoản ngân sách 425 triệu USD. Mục đích ra đời của MSI là nhằm nâng cao năng lực kiểm soát biển của Mỹ và năng lực hải quân cho một số nước thuộc ASEAN trong bối cảnh thách thức an ninh hàng hải trên Biển Đông ngày một tăng cao.
Tờ The Diplomat trong bài viết "US Kicks off New Maritime Security Initiative for Southeast Asia" ngày 16-10-2016 cho biết : trong 425 triệu USD, Mỹ sẽ chi 50 triệu USD cho năm tài chính 2016, 75 triệu USD cho năm tài chính 2017 và 100 triệu USD cho mỗi năm tài khóa 2018, 2019 và 2020. Sáng kiến này chủ yếu tập trung ở năm quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, cùng với các đối tác Singapore, Brunei và Đài Loan.
Trước khi MSI ra đời, Mỹ đã triển khai một số chính sách an ninh biển ở khu vực Đông Nam Á đáng chú ý sau :
Sáng kiến An ninh Hàng hải khu vực (Regional Maritime Security Initiative - RMSI). Ra đời vào tháng 3/2004, RMSI là sáng kiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm mục đích thu thập thông tin quân sự và tình báo, phát triển mối quan hệ với các đối tác ở khu vực, giám sát và đánh chặn các mối đe dọa hàng hải xuyên quốc gia. RMSI được triển khai thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2004 - 2010) : Mỹ phát triển hợp tác với các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó với những mối đe dọa trên biển.
Giai đoạn 2 (2010 - 2020) : Mỹ triển khai xây dựng hệ thống theo dõi và kiểm soát eo biển Malacca và Biển Đông, gia tăng khả năng bảo đảm an ninh vùng biển quốc tế cũng như lãnh hải của mỗi nước.
Tuy nhiên, RMSI đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Malaysia và Indonesia. Hai quốc gia này cho rằng RMSI sẽ dẫn tới việc vi phạm chủ quyền và bị lệ thuộc vào quốc gia bên ngoài, mặc dù phía Mỹ sau đó khẳng định :
1) RMSI không phải là hiệp ước hay liên minh ;
2) RMSI không dẫn tới lực lượng thường trực tuần tra khu vực Thái Bình Dương ;
3) RMSI không phải là thách thức với quốc gia có chủ quyền ;
4) RMSI hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Ngoài những sáng kiến kể trên, phía Mỹ cũng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác an ninh biển ở khu vực như : Chương trình huấn luyện, đào tạo quân sự quốc tế (IMET) ; Chương trình hợp tác hải quân chống khủng bố (CIPAT) ; Chương trình huấn luyện hợp tác Đông Nam Á (SEACAT) ; Nhóm chuyên gia ADMM về An ninh biển (EAG-MS, 2011) ; Nhóm chuyên gia (EWG) về An ninh Hàng hải (2013) ; Hội nghị Tư lệnh Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS, 1987) ; Hội nghị Hải quân Ấn Độ Dương và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (USPACOM), v.v. nhằm nâng cao năng lực an ninh - quốc phòng cho các nước thành viên ASEAN đặc biệt là năng lực kiểm soát an ninh trên khu vực Biển Đông.
Với Malaysia, Mỹ trang bị cho nước này hệ thống thông tin liên lạc an toàn, hệ thống dữ liệu hoạt động chung của Quân đội (MAF) để kết nối Trung tâm hoạt động bay Hoàng gia Malaysia với các lực lượng tác chiến và Bộ chỉ huy. Mỹ cũng lắp đặt hệ thống liên lạc an toàn cho Bộ chỉ huy Hạm đội của Hải quân Malaysia tại căn cứ hải quân Lumut, nâng cấp Trung tâm tác chiến tổng hợp.
Với Indonesia, Mỹ hỗ trợ các thiết bị di động để thu thập, đánh giá, phân tích và báo cáo tin tức cho Trung tâm chỉ huy hàng hải Indonesia, từ đó giúp phân tích thông tin, kết nối dữ liệu và phối hợp hoạt động tốt hơn trong cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương và Vệ binh Quốc gia Hawaii cũng sẽ hợp tác với Không quân và Hải quân Indonesia về hoạt động bay luân phiên và phòng không radar mặt đất.
Đối với Thái Lan, quốc gia này sẽ nhận được sự trợ giúp của Mỹ nhằm tăng cường năng lực chỉ huy và kiểm soát giữa Quân đội Thái Lan với các Bộ chỉ huy trực thuộc.
Với Việt Nam, Mỹ cử chuyên gia hỗ trợ huấn luyện sử dụng máy bay không người lái, thiết bị an ninh, hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển SAROPS, giúp đỡ về năng lực thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam…
Thông qua viện trợ, Mỹ có thể bán khí tài quân sự, dễ bề triển khai các hoạt động quân sự và ký thỏa ước an ninh với một số quốc gia Đông Nam Á. Điều này phản ánh, Mỹ tăng mức quan tâm tới lĩnh vực an ninh biển của Đông Nam Á, tăng hoạt động bổ trợ cho chiến lược "xoay trục" và những chương trình khác ở khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng là nhà cung cấp khí tài quân sự hiện đại cho nhiều nước đối tác ở Đông Nam Á.
Tàu USS Montgomery của Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận chung ASEAN - Mỹ đậu tại Sattanhip, Thái Lan hôm 2/9/2019. AP
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2010 - 2017, Mỹ đã bán vũ khí cho Đông Nam Á với trị giá là 4,58 tỷ USD (chiếm 6% doanh số toàn cầu của Washington).
Hằng năm, Mỹ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự thường niên ở khu vực. Thông qua các hoạt động này, Mỹ từng bước thắt chặt quan hệ an ninh với nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Chính sách của Mỹ tập trung vào nhóm các nước là đồng minh, đối tác quan trọng và có vị trí chiến lược trên khu vực Biển Đông.
Kurt M.Campbell - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, kiến trúc sư trưởng trong chính sách "xoay trục" đã từng viết : "Chính sách của Mỹ ở Châu Á từ lâu tập trung vào khu vực Đông Bắc Á, nhưng một phần quan trọng của Chiến lược Xoay Trục sang Châu Á thật ra lại là việc tái tổ chức sự tập trung ở bên trong Châu Á về phía các nước Đông Nam Á Quan trọng nhất, Đông Nam Á cũng là khu vực có các đối tác tiềm năng đầy hứa hẹn mà Mỹ cần thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn, đặc biệt là Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Brunei".
Và trong sáng kiến MSI cũng vậy, chính sách an ninh biển của Mỹ vẫn chủ yếu tập trung ở những nước có vị trí chiến lược án ngữ trên khu vực Biển Đông và eo biển Malacca. Ngoài Philippines và Thái Lan - hai quốc gia có hiệp ước quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á ; Singapore - nước có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, nơi Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ chính trị, an ninh vững chắc, Mỹ cũng đẩy mạnh tăng cường quan hệ với các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei.
Mỹ nhận định : "Trong số các tổ chức đan xen nhau ngày càng tăng về số lượng trong khu vực, có lẽ tổ chức quan trọng nhất là ASEAN", và "Mỹ quay trở lại sự tập trung với ASEAN". Mỹ ủng hộ các cơ chế hợp tác an ninh của ASEAN như ARF, EAS, ADMM+, v.v., trong đó có vấn đề Biển Đông ; ủng hộ đa phương hóa, quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông, thẳng thừng bác bỏ các yêu sách "đường lưỡi bò" từ phía Trung Quốc, thắt chặt hơn nữa quan hệ với ASEAN, xác định Đông Nam Á là một trọng tâm, mắt xích quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Mục đích cao nhất của MSI là kiềm chế Trung Quốc. Mỹ đã nhận thấy sự "trỗi dậy" của Trung Quốc trong phát triển lực lượng quân đội, nhất là lực lượng hải quân, không quân. Việc nước này triển khai chiến lược "đại dương xanh", chiến lược "hải quyền", xây dựng "chuỗi ngọc trai", bồi đắp trái phép các "đảo nhân tạo" trên biển nhằm mở rộng "không gian sinh tồn", cùng với những đòi hỏi chủ quyền vô lý ở khu vực Biển Đông đã đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực và các lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Mỹ từng bước triển khai các hoạt động nhằm đối phó với Trung Quốc.
Không chỉ thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh, đối tác, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao khả năng giám sát khu vực Biển Đông, Mỹ còn triển khai nhiều hoạt động như coi vấn đề Biển Đông ngang hàng với vấn đề eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên : "Đông Bắc Á nổi bật với vấn đề Bán đảo Triều Tiên, và Đông Nam Á là vấn đề Biển Đông" và tuyên bố "quyền đi lại tự do trên Biển Đông và đó là lợi ích quốc gia của Mỹ".
Các cuộc tập trận quân sự ở khu vực vì vậy cũng được Mỹ tăng cường : "Khu vực Đông Nam Á đã trở thành khu vực diễn tập quân sự nhiều nhất trên toàn cầu". Điều đáng nói là, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu số 1 của Mỹ về tần suất, phạm vi và phương thức do thám.
Riêng tại Đông Nam Á, Mỹ đã điều chỉnh, bố trí lại lực lượng và các căn cứ quân sự. Theo đó, Mỹ đã từng bước thiết lập các căn cứ quân sự hay các cơ sở tạm trú tại Thái Lan, Philippines, Singapore và tăng cường quan hệ an ninh với Indonesia, Malaysia và Việt Nam dựa trên các thỏa thuận hợp tác giữa các bên.
Nhìn chung, mục đích sáng kiến MSI đã phản ánh mục tiêu ủa Mỹ đã theo đuổi dựa trên ba trụ cột là ngoại giao, pháp lý và quân sự, cũng như 5 vấn đề cơ bản về Biển Đông là : Luật quốc tế ; kiềm chế, ngăn chặn ; khuyến khích ; cam kết ngoại giao và sử dụng công cụ ASEAN.
Trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD, đặt tại khu vực chiến lược ở đảo Batam, quần đảo Riau của Indonesia được khở công ngày 25/6/2021 là tiếp nối MSI
Sự kiện có sự tham gia của đại diện Indonesia, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jakarta và Cục Thực thi pháp luật và ma túy quốc tế Mỹ (INL).
Chuẩn đô đốc Indonesia Tatit Eko Vichaksono cho biết Trung tâm đào tạo này sẽ là nền tảng quan trọng để Văn phòng nâng cao nguồn nhân lực về an toàn và an ninh trên biển. Trung tâm sẽ có các phòng học, không gian văn phòng, doanh trại, nhà ăn và một đường dốc cho tàu biển hạ thủy. Trung tâm có sức chứa 50 học viên và 12 giáo viên hướng dẫn
Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim cho biết trung tâm hàng hải này sẽ là một phần trong các nỗ lực giữa hai nước, nhằm thúc đẩy an ninh trong khu vực.
"Là bạn bè và đối tác của Indonesia, Mỹ tiếp tục giữ cam kết trong việc ủng hộ vai trò quan trọng của Indonesia trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, thông qua nỗ lực chống lại tội phạm trong nước và tội phạm xuyên quốc gia", Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Sung Kim trong thông cáo của Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (Bakamla).
Trung tâm hàng hải này nằm tại khu vực giao điểm chiến lược giữa eo biển Malacca và Biển Đông, sẽ do Bakamla điều hành, và sẽ được trang bị các lớp học, doanh trại, cũng như một cơ sở bệ phóng.
Việt Nam cần nhận diện, nắm bắt được chính sách an ninh biển của Mỹ đối với Việt Nam để xây dựng mối quan hệ phù hợp dựa trên lợi ích chung của cả Việt Nam, Mỹ và ASEAN. Về cơ bản, chính sách an ninh biển của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa trên lợi ích vị trí địa chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông. Mỹ muốn thông qua Việt Nam để tăng cường khả năng hiện diện trên Biển Đông, kiềm chế tham vọng và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác đối ngoại quân sự quốc phòng với Mỹ để bảo vệ các lợi ích hợp pháp trên biển của Việt Nam. Thời gian qua, tranh thủ sự quan tâm của Mỹ trong vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên khu vực Biển Đông, Việt Nam đã nhận được khá nhiều sự giúp đỡ của Mỹ trong các chương trình, hoạt động viện trợ vũ khí trang bị, giáo dục đào tạo, đặc biệt là những giúp đỡ trong nâng cao năng lực chấp pháp, thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác an ninh trên biển với Mỹ trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc "ba không" trong quốc phòng.
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ở khu vực ngày một gay gắt, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có chiều hướng phức tạp hơn, Việt Nam cần xử lý khéo léo, cân bằng các mối quan hệ, tránh xung đột lợi ích với Mỹ và Trung Quốc. Nếu quá thân thiết với Mỹ, Trung Quốc sẽ có các hành động, đặc biệt là trên khu vực Biển Đông vì cho rằng Việt Nam dựa vào nước lớn để chống lại họ. Ngược lại, nếu coi Trung Quốc là quan hệ số 1, Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội trong hợp tác với Mỹ và các nước đồng minh. Vì vậy, bảo đảm cân bằng lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc là cách tốt nhất để Việt Nam tránh khỏi tình trạng bị kẹt giữa các cường quốc.
Quan hệ Việt - Anh trong kỷ nguyên Ấn Độ - Thái Bình Dương mở
Hoàng Văn Minh, RFA, 27/11/2021
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh vừa qua dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) là một sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam và Anh. Phái đoàn"hùng hậu" tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp bên lề với các quan chức và tổ chức của Anh, phản ánh sự quan tâm đến việc phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Glasgow, Scotland hôm 1/11/2021 – Reuters
Anh đã lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam vào ngày 16/7/1973, vài tháng sau khi ký Hiệp định hòa bình Paris. Quan hệ Việt-Anh có phần hạn chế trong 20 năm nhưng đã bắt đầu được cải thiện sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và cuộc xung đột Campuchia được giải quyết vào năm 1991.
Năm 2010, Việt Nam và Anh đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực hợp tác chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, quốc phòng an ninh và kết nối nhân dân. Trong số nhiều sáng kiến, để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Anh đã thiết lập Đối thoại chiến lược được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần luân phiên ở Hà Nội và London do cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì.
Quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư
Về hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư, Anh đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ; thường có lập trường đứng về phía Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) và ủng hộ EU công nhận Việt Nam là nước có Quy chế kinh tế thị trường.
Quan hệ thương mại Việt Nam và Anh tăng nhanh từ những năm 1990 đến nay. Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt- Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng chững lại ở mức 9-10%/năm.
Thương mại hai chiều Việt Nam – Anh năm 2020 đạt khoảng 5,6 tỉ USD (xuất khẩu đạt 4,9 tỉ USD, nhập khẩu đạt 700 triệu USD). Trong nửa năm đầu 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Anh tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 3,293 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,88 tỷ USD, tăng 28.9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu từ Anh đạt 413 triệu USD, tăng 22.1%. Nửa đầu năm 2021, xuất siêu từ Việt Nam sang Anh có giá trị 2,5 tỷ USD, tăng 30.2% so với cùng kỳ 2020.
Hiện Anh đang là đối tác thương mại Châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt – Anh tăng trung bình 1,4%/năm. Việt Nam xuất siêu sang Anh khoảng 4,5 tỷ USD/năm. Riêng năm 2020 có mức tăng trưởng thấp do hệ lụy từ tác động của đại dịch Covid-19.
Thương mại song phương giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới với việc ký kết hiệp định UKVFTA vào ngày 11/12/2020, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021. Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Anh ký ngay sau khi rời EU.
Nhờ tác động tích cực từ hiệp định UKVFTA, thương mại song phương từ đầu năm 2021 đến nay đều đạt mức tăng trưởng tốt, tuy vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp của cả hai bên đang hiện thực hóa được những cơ hội và lợi ích mà Hiệp định này mang lại.
Về đầu tư, theo cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10, Vương quốc Anh có 439 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD.
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, Vương quốc Anh có 35 dự án mới, 11 lượt dự án tăng vốn, 63 lượt góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn đầu tư đăng ký 225,03 triệu USD. Anh xếp thứ 13/97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Về đầu tư của Việt Nam sang Anh, tính lũy kế đến tháng 10, các nhà đầu tư Việt Nam đã có 11 dự án mới, 3 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,55 triệu USD, xếp thứ 37/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam(1).
Hiện nay, trong số các đối tác thương mại của Anh, Việt Nam xếp thứ 38 trong tổng số 241 đối tác, xếp thứ 25/233 nước có xuất khẩu vào Anh. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu vào Anh, chiếm 3,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh (2).
Quan hệ an ninh – chiến lược
Sau khi khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" trở thành một cụm từ địa chính trị thông dụng mới, Anh đã nhanh chóng chấp nhận khái niệm này và tích cực sử dụng nó thay thế cho cụm từ truyền thống là "Châu Á-Thái Bình Dương", nhằm mô tả sự thay đổi trong nhận thức về cấu trúc quyền lực và vị thế chiến lược của Anh trong khu vực rộng lớn trải dài từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.
Năm 2021 là năm Anh có bước đột phá trong thực hiện ý tưởng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có bốn dấu hiệu chính cho nhận định này : Thứ nhất, Chính phủ Anh đã ban hành báo cáo"Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh : Đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại". Thứ hai, nhóm tác chiến tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth chính thức lên đường tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hiện thực hóa tuyên bố từ rất lâu rằng tàu sân bay của Anh sắp có mặt tại khu vực. Thứ ba, Anh đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh ba bên AUKUS với Mỹ và Australia, thiết lập một liên minh trên thực tế. Thứ tư, Anh chính thức xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tìm cách hội nhập khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về mặt kinh tế.
Những điều này cho thấy một sự chuyển hướng trong chính sách của Anh nhằm mục đích theo đuổi sự can dự sâu sắc hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ủng hộ sự thịnh vượng chung và ổn định của khu vực này thông qua các mối quan hệ ngoại giao và thương mại chặt chẽ hơn(3 ). Theo "Đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại", Anh cần tìm cách củng cố quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nước quan trọng để thực hiện mục tiêu này (4 ).
Nhóm tàu tấn công HMS Queen Elizabeth cùng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản do tàu chở trực thăng hạng Hyunga dẫn đầu tham gia cùng nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson dẫn đầu tham gia tập hoạt động chung ở Biển Philippines hôm 3/10/2021. Hình : US Navy
Đối với Việt Nam, quốc gia này cũng nhận thấy môi trường quốc tế và khu vực đã trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, trong Sách trắng Quốc phòng được phát hành cuối năm 2019, Việt Nam đã nhận định : "Gần đây, Châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến những thay đổi lớn với xu thế đối thoại hòa bình, tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển của khu vực. Một số nội dung mới, như : "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", sáng kiến"Vành đai, Con đường", "Chiến lược hành động hướng Đông" thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn là nơi các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, cả truyền thống và phi truyền thống. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ sẽ diễn biến phức tạp hơn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hòa bình và phát triển của khu vực" (5) .
Chính vì vậy, Việt Nam đã lựa chọn chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hóa. Theo đó, Việt Nam cố gắng sử dụng cách tiếp cận đa phương để thiết lập quan hệ với nhiều đối tác nhất có thể sao cho đảm bảo quyền tự do và bảo vệ mình không bị phụ thuộc quá mức vào một cường quốc nhất định. Việt Nam đã ưu tiên phát triển kinh tế để tạo bệ đỡ cho sức mạnh an ninh của mình. Chính vì vậy, Việt Nam đã chấp nhận tham gia vào rất nhiều các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong số đó, Anh là một đối tác quan trọng.
Sau khi Anh rời khỏi EU, Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ với Anh. Mặc dù hai bên có nhiều khác biệt về quan điểm đối với tình hình quốc tế và trong nước, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác. Trong những năm qua, trước thách thức của đại dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu và những thay đổi trong trật tự quốc tế đã khiến hai nước có thêm động lực để thúc đẩy mối quan hệ lên tầm cao mới.
Việt Nam đặc biệt lo ngại trước sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam không thể khước từ quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù vậy, Việt Nam đã cố gắng coi sự lớn mạnh của Trung Quốc vừa là mối đe doạ nhưng cũng có thể vừa là cơ hội. Một mặt, Việt Nam cũng đã được hưởng lợi trong quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc, nhưng mặt khác, Việt Nam cũng lo ngại sẽ mất quyền tự chủ chiến lược và Trung Quốc sẽ chiếm đoạt các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông. Thêm nữa, Việt Nam cũng lo lắng về việc Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi lấp và quân sự hóa ở biển Đông để kiểm soát tuyến đường thương mại biển quan trọng. Đây cũng chính là điều Anh lo ngại. Bên cạnh lý do đảm bảo tự do hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, 12% tổng khối lượng thương mại của Anh phải đi qua biển Đông (6 ), do đó, Anh cũng lo lắng trước việc Trung Quốc đang gia tăng các hành động hung hăng để độc chiếm biển Đông.
Cả hai nước có cùng một mối lo ngại trước sự đe doạ của Trung Quốc ở biển Đông. Điều này đã giúp gắn kết mối quan hệ hai nước với nhau. Việt Nam coi việc phát triển quan hệ đối tác an ninh với các cường quốc bên ngoài là một phần trong hành động cân bằng quyền lực. Nhưng Việt Nam cũng cần giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh để giúp cho việc tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị mặc dù cũng có lo ngại Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các hoạt động của mình. Mong muốn độc lập và tự chủ đã thúc đẩy Việt Nam nỗ lực không chỉ đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế mà còn đa dạng hóa các quan hệ trong lĩnh vực an ninh.
Quan hệ giữa Việt - Anh vẫn đang trên đà phát triển tốt đẹp. Chuyên gia Bill Hayton trong một bài viết gần đây có nhận định rằng : "Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh địa chính trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều quan trọng là hai bên phải duy trì mối quan hệ này trong khi tăng cường lòng tin. Dù quan hệ giữa hai nước thường bị xem nhẹ, nhưng Anh có thể đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, giống như Việt Nam có thể hỗ trợ Anh trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (7 ).
Hoàng Văn Minh
Nguồn : RFA, 27/11/2021
Tham khảo :
1. http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Don-bay-dua-quan-he-Viet-NamAnh-len-tam-cao-moi/451447.vgp
3. https://www.ft.com/content/93de6cc1-451a-465d-8233-8c9b903cedd4
7. https://www.aspistrategist.org.au/why-improving-vietnam-uk-relations-matters-for-the-indo-pacific
Tranh chấp Biển Đông trở nên nhãn tiền khi ASEAN, Trung Quốc cố gắng đàm phán Bộ quy tắc ứng xử
RFA, 23/11/2021
Theo giới phân tích, nhiều khả năng Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề gai góc nhất giữa Trung Quốc và ASEAN vào thời điểm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước láng giềng phương Bắc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại và cố gắng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử vốn đã được hoạch định từ lâu nhằm giải quyết những tranh chấp ở vùng biển này.
Một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đang chặn tàu không cho tàu của chính phủ Philippines vào khu vực Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 29/3/2014. Ảnh : AP
Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tham dự một hội nghị cấp cao trực tuyến vào hôm thứ Hai (22/11) để kỷ niệm ba thập kỷ hợp tác. Tại đây, họ đồng thời tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Bất chấp những trấn an từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ luôn là bạn và láng giềng tốt của ASEAN, không bao giờ tìm kiếm bá quyền hay lợi dụng quy mô nước lớn để "bắt nạt" các nước nhỏ hơn, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn hiện hữu tại hội nghị thượng đỉnh này.
Trong một chỉ trích hiếm hoi đối với Trung Quốc, tại hội nghị này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bày tỏ sự phẫn nộ và "quan ngại nghiêm trọng" về việc các tàu cảnh sát biển Trung Quốc bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông.
Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã lên án những hành động của Trung Quốc. Washington cho rằng đây là những hành động "nguy hiểm, khiêu khích và phi lý".
Theo giới phân tích, các nhà ngoại giao của Trung Quốc được cho là đang có những nỗ lực mới để đẩy nhanh các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) nhằm giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi liệu bộ quy tắc ứng xử sẽ có hiệu lực và hiệu quả thực sự hay không. Họ đồng thời cho rằng quá trình đàm phán hiện đang có những trở ngại lớn.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam đề cập tới hai trở ngại. Một là việc Trung Quốc sử dụng "đường chín đoạn" để đánh dấu và phân định ranh giới cho vùng biển rộng lớn mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Hai là sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc xử lý các vấn đề về quyền và lợi ích ở Biển Đông của các bên nằm ngoài ASEAN và Trung Quốc theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
"Tôi không nghĩ những trở ngại này có thể sớm được dỡ bỏ" – ông Trục nói.
Con đường dài và quanh co
Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử đối với gần 90% diện tích Biển Đông và phân định một cách sơ sài vùng biển rộng lớn này bằng đường chín đoạn. Các quốc gia khác cùng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã bác bỏ những yêu sách này của Trung Quốc và vào năm 2016, một tòa trọng tài quốc tế đã phán quyết rằng : Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.
Các quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bao gồm : Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các thành viên khác của khối là Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore và Thái Lan.
Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí về "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" vào năm 2003. Tuy nhiên, tiến độ đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) đã và đang diễn ra chậm chạp, ngay cả sau khi một bản dự thảo thỏa thuận đã được công bố vào năm 2018.
Một lý do khiến Trung Quốc có thể lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận trong năm tới là Campuchia, đồng minh thân cận của nước này sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2022.
"Quá trình hoàn tất việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đang tiến triển tốt. Dường như hiện nay quá trình đàm phán ít có vấn đề hơn" – ông Sovinda Po, một nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia nhận định.
Nhà nghiên cứu này nói rằng thay vì đứng về phía Trung Quốc và đối mặt với rủi ro thiệt hại về danh tiếng, Campuchia "có khả năng sẽ chọn vị thế trung dung để vừa khiến Trung Quốc hài lòng, vừa có được sự tin tưởng từ các nước ASEAN".
Các nhà phân tích khác trong khu vực khác lại tỏ ra ít lạc quan hơn.
"Tôi không nghĩ có thể đạt được nếu mục tiêu là tạo ra một bộ Quy tắc ứng xử toàn diện và giải quyết tất cả các quan ngại khác nhau của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền" – ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines nói.
"Sự khác biệt vẫn còn quá lớn vào thời điểm này và họ [ASEAN và Trung Quốc] vẫn chưa bắt đầu các thảo luận mang tính thực chất về các điều khoản quan trọng. Sẽ là khó khăn để đạt được sự nhất trí giữa 11 quốc gia cho mỗi điều khoản đó" – chuyên gia này nhận định.
Ông Carlyle Thayer, Giáo sư thuộc Đại học New South Wales ở Canberra (Úc) cho rằng vẫn còn một chặng đường dài và quanh co ở phía trước và ít có khả năng bản thảo cuối cùng của Bộ Quy tắc ứng xử có thể sớm được hoàn thành.
"Bản dự thảo COC được thông qua vào tháng 8/2018 cần phải trải qua ba lần đọc. Hiện tại các cuộc đàm phán về lần đọc thứ hai mới đang được tiến hành" - ông cho biết.
"Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất (SDNT) dài 19 trang khổ A4. Tuy nhiên, cho đến nay hai bên mới đạt được một thỏa thuận tạm thời về Lời mở đầu dài một trang và 9 dòng văn bản"- GS Carl Thayer cho biết.
"Các cuộc đàm phán hiện tập trung vào phần Mục tiêu trong Điều khoản chung. Phần Mở đầu và Mục tiêu là những phần dễ đạt được sự đồng thuận nhất vì không gây tranh cãi nhưng phần tiếp theo, phần ‘Những cam kết cơ bản’, sẽ rất phức tạp" – ông nhận định.
Bản đồ về các tranh chấp tuyên bố của quyền ở Biển Đông. Nguồn : RFA
Sự tham gia của các bên thứ 3
Dự thảo văn bản hiện tại không xác định rõ tình trạng pháp lý của Bộ Quy tắc ứng xử như một hiệp ước có tính ràng buộc cũng như không có một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc.
"Đối với các quốc gia như Việt Nam, một văn bản chính trị chung chung như thế này được xem là điều ít được mong đợi" – ông Trần Công Trục nói và cho rằng "nếu không có những chi tiết kỹ thuật đó, bất kỳ tuyên bố và lời hứa nào cũng chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng, phục vụ mục đích chính trị".
Dự thảo COC cũng không đề cập đến các bên thứ ba có thể có mong muốn tham gia làm thành viên của Bộ Quy tắc này.
"Trung Quốc muốn tránh sự can dự của các bên khác ở Biển Đông trong đó có Mỹ. Trung Quốc có lợi ích khi duy trì các tranh chấp chỉ trong phạm vi giữa nước này và các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền" – ông Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên Luật Quốc tế tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững thuộc Đại học Indonesia cho biết.
"Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc thúc đẩy đàm phán COC nếu nhìn vào những gì diễn ra trong vài tháng qua trong đó có sự ra đời AUKUS (hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ)"- ông Darmawan nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu tự do (RFA).
"Có một số vấn đề quan trọng mà ASEAN và Trung Quốc phải giải quyết trong COC" – chuyên gia này cảnh báo và nói thêm rằng : "Điều quan trọng là các vấn đề pháp lý cơ bản phải được xem xét và các bên không nên thông qua nó một cách vội vàng".
**********************
Laurent Gédéon, Thu Hằng, RFI, 22/11/2021
Lãnh đạo các nước ASEAN và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp thượng đỉnh ngày 22/11/2021 để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương. Nhân dịp này, Bắc Kinh muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN, bị "giậm chân tại chỗ" từ vài chục năm nay.
Người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông gần đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/07/2016. © AP / Ahn Young-joon
Tuy nhiên, thiện chí được ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ hôm 14/11 lại hoàn toàn trái ngược với những diễn biến gần đây trên thực địa ở quần đảo Trường Sa : Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn và phun vòi rồng tàu tiếp tế lương thực cho lực lượng Philippines đồn trú ở bãi Cỏ Mây, tàu dân quân biển Trung Quốc tập trung gần đảo Thị Tứ (Itu Aba), bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), đá Ba Đầu (Whitsun Reef), nơi Việt Nam khẳng định có chủ quyền.
Ngoài ra, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng sẽ tròn 20 tuổi vào năm 2022 nhưng trên thực tế chưa bao giờ có hiệu quả trong việc xử lý xung đột liên quan đến tranh chấp chủ quyền vì văn bản này không mang tính ràng buộc. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thực tâm muốn đúc kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hay không ? Bắc Kinh đặt ra những điều kiện có lợi cho Trung Quốc như thế nào ? Lập trường của các nước ASEAN ra sao ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Viện Đông Á (Institut d’Asie Orientale, IAO), Trường Sư phạm Lyon (Ecole Normale Supérieure de Lyon).
*****
RFI : Trung Quốc và ASEAN họp thượng đỉnh ngày 22/11/2021. Xin ông cho biết cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nào ? Phải chăng Trung Quốc cũng tìm cách như Mỹ mời các nhà lãnh đạo ASEAN họp cấp cao để tăng cường mối quan hệ song phương ?
Laurent Gédéon : Ngay từ ngày 26/10/2021, khi tham gia hội nghị lãnh đạo ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26, thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã có nhiều phát biểu cho thấy mặt tương đối tích cực của mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo tôi, việc này xác nhận rằng Bắc Kinh tìm cách tăng cường mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, cũng như qua bốn điểm đáng quan tâm được thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh : Mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN phát triển thường xuyên ; Trung Quốc và ASEAN đã gia tăng mối liên hệ trong khuôn khổ chống đại dịch Covid-19 ; Bắc Kinh sẽ thúc đẩy ngoại giao vac-xin với các nước Đông Nam Á ; Trung Quốc đang nỗ lực để sớm khởi động Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), do Bắc Kinh khởi xướng và các nước ASEAN cùng với nhiều quốc gia khác tham gia.
Cũng vào thời điểm đó, thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN đã đạt đến mức Đối tác Chiến lược Toàn diện và ông cũng nhắc đến cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt diễn ra vào tháng 11/2021 mà chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham gia.
Tôi nghĩ là ông Lý Khắc Cường đã gửi một số tín hiệu rất mạnh mẽ đến các nhà lãnh đạo ASEAN, cũng như việc ông đưa ra những tuyên bố như vậy chỉ vài giờ trước cuộc họp giữa ASEAN và tổng thống Mỹ Joe Biden. Vì thế, có thể hiểu đây là chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh nhằm ưu tiên tăng cường sức ảnh hưởng trong vùng trước sự hiện diện ngày càng quyết đoán hơn của Hoa Kỳ. Chính vì thế, thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN. Mục đích mà Bắc Kinh tìm kiếm, đó là thử tìm cách giải quyết những tranh chấp giữa Trung Quốc và các láng giềng trong vùng, nhưng đồng thời tránh để các đối tượng ngoài khu vực can thiệp, đặc biệt là Hoa Kỳ, ngày càng hiện diện thường xuyên hơn trong khu vực.
RFI : Từ vài năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên nhắc lại mong muốn thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) trong khi trước đó, nước này bị nhiều nước lên án cản trở. Phải giải thích như nào về sự thay đổi trong các phát biểu của phía Trung Quốc ? Có tin được thực tâm của Bắc Kinh trong vấn đề này không ?
Laurent Gédéon : Có thể thấy là các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử chủ yếu được tăng tốc vào năm 2017, chỉ một năm sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về Biển Đông. Từ đó, mọi chuyện tiến triển nhanh hơn và đến năm 2018, các bên đã ra được dự thảo văn bản đàm phán để sử dụng trong các cuộc đàm phán tương lai về Bộ Quy tắc Ứng xử ASEAN - Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, người ta cũng thấy có vấn đề ngay năm 2018, đó là dự thảo văn bản này có hai điểm khúc mắc và đều do Bắc Kinh đề ra. Điểm thứ nhất quy định việc phát triển chung các nguồn năng lượng ở Biển Đông chỉ hạn chế cho các đối tác là các doanh nghiệp Trung Quốc và Đông Nam Á, không chấp nhận doanh nghiệp nước ngoài.
Điểm thứ hai áp đặt hạn chế về các cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Nếu như các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc vẫn có thể tổ chức tập trận chung với nhau, ngược lại, cần phải được chấp thuận của 11 bên, có nghĩa là 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc, thì một lực lượng ngoài khu vực mới được tham gia tập trận. Tóm lại, việc này trao cho Trung Quốc quyền hiển nhiên được giám sát bất kỳ hoạt động quân sự nước ngoài nào ở vùng biển này.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng Trung Quốc đang tìm cách thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử tương lai và bằng cách gây áp lực đối với ASEAN để vô hiệu hóa phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực và loại bỏ mọi tác nhân bên ngoài khu vực ra khỏi các cuộc đàm phán. Điều mà Bắc Kinh sợ, đó là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trung Quốc làm mọi cách để các cuộc đàm phán vẫn mang tính đa phương nhưng chỉ giới hạn ở cấp vùng.
Thêm vào đó có thể thấy hiện giờ cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh phức tạp hơn cho Bắc Kinh vì từ vài tháng gần đây, Hoa Kỳ và các đồng minh liên tục có những phát biểu cứng rắn hơn đối với những yêu sách chủ quyền không gian biển của Trung Quốc. Vì thế, thực tâm của Bắc Kinh có thể bị nghi ngờ, nhất là gần đây có nhiều sự cố, va chạm hàng hải diễn ra thường xuyên hơn và do lực lượng hải cảnh, cũng như đội tầu dân quân biển Trung Quốc gây ra, dù là với Philippines hay với Việt Nam, hai nước chịu kiểu bắt nạt này nhiều nhất.
RFI : Các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử đang ở giai đoạn nào và bị bế tắc ở những điểm nào ?
Laurent Gédéon : Các cuộc đàm phán vẫn đang được tiếp tục nhưng vấp phải nhiều điểm. Như tôi nói ở trên là vào năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về một dự thảo văn bản đàm phán duy nhất. Đến năm 2019, tại thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN, hai bên đã chấp nhận thông qua kế hoạch ba năm với mục tiêu đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử cho đến năm 2021, có nghĩa là năm nay. Vào tháng 08/2021, hai bên đã đồng ý về lời nói đầu của bộ quy tắc này. Nhưng có thể thấy là các cuộc đàm phán bị chậm tiến độ và theo tôi, bị vướng mắc ở 6 điểm.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ, trong đó có việc hạn chế đi lại. Tiếp theo là sự thống nhất về một cơ sở pháp lý chung, mà hiện vẫn chưa đạt được. Ngoài ra, phải kể đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện đã thu hút toàn bộ sự chú ý của ASEAN. Nguyên nhân thứ tư là Trung Quốc từ chối công nhận và chấp nhận phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Thứ năm là các nước Đông Nam Á ngày càng ngập ngừng do Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự ở Biển Đông. Sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng khiến nhiều nước trong vùng lo ngại. Lý do cuối cùng, theo tôi, đó là phạm vi địa lý của Bộ Quy tắc Ứng xử tương lai không được xác định rõ ràng : Trung Quốc muốn gộp toàn bộ khu vực biển nằm trong "đường 9 đoạn" mà nước này tự vẽ để đòi chủ quyền, trong khi các nước ASEAN xác định một vùng biển hẹp hơn.
Tất cả những yếu tố trên giải thích cho việc các cuộc đàm phán bị chậm lại hoặc bị bế tắc vì cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào được đưa ra cho Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là những nước thành viên có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
RFI :Nhiều nhà quan sát nhận thấy rằng Trung Quốc không muốn COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tại sao Bắc Kinh lại bận tâm đến điểm này ? Và điểm này sẽ gây hệ quả như thế nào cho các nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông ?
Laurent Gédéon : Trong trường hợp một Bộ Quy tắc Ứng xử cấp vùng có tính thực thi, thì bộ quy tắc đó sẽ được áp dụng cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, theo tôi, nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, Trung Quốc không có ý định tự trói tay về vấn đề Biển Đông vì 5 lý do.
Thứ nhất là do các cách diễn giải rất khác nhau về cơ sở pháp lý, trong khi vấn đề cơ sở pháp lý lại là nền tảng cho các đòi hỏi chủ quyền của các nước về Biển Đông. Giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp chủ quyền còn có những khác biệt cơ bản. Cụ thể, trong quá trình đàm phán, những nước Đông Nam Á này, gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia, đã đề nghị đưa Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông làm cơ sở pháp lý của Bộ Quy tắc Ứng xử. Ngược lại, Trung Quốc kiên quyết giữ bản đồ "lịch sử 9 đoạn" và từ chối áp dụng luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa. Ngoài ra, còn có một bất đồng cơ bản khác liên quan đến khái niệm không gian hàng hải. Malaysia, Việt Nam và Philippines ủng hộ nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải thông qua không gian hàng hải. Trái lại, Trung Quốc lại ủng hộ kiểu hạn chế thâm nhập.
Lý do thứ hai giải thích cho việc Trung Quốc không muốn Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc, đó là vì Bắc Kinh không công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Thế nhưng, sự từ chối của Bắc Kinh lại đặt ra vấn đề về một cơ chế quản trị khả thi gắn với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Do đó, đây cũng là một bế tắc.
Thứ ba, Bắc Kinh vẫn tỏ ra mơ hồ về những tham vọng địa chiến lược thực sự của họ. Không biết được là Bắc Kinh thực sự muốn gì hay thực sự tìm kiếm lợi ích địa chiến lược như nào ở Biển Đông và ở phạm vi lớn hơn thế. Lập trường của Trung Quốc không giúp làm sáng tỏ được những mục tiêu của nước này.
Lý do thứ tư là Trung Quốc muốn được rảnh tay đối phó với Hoa Kỳ. Vì thế, Bắc Kinh cần tự do định đoạt các phương tiện của họ trong khu vực tranh chấp.
Lý do thứ năm mà tôi cho là quan trọng dù không được thể hiện, đó là Bắc Kinh tin chắc rằng vị thế trong vùng và trọng lượng quân sự của Trung Quốc sẽ tăng lên trong những năm tới. Điều này sẽ khiến các nước trong vùng ngày càng khó quản lý thế đối xứng hơn. Nói một cách tóm tắt là theo quan điểm của Trung Quốc, về lâu dài Bắc Kinh sẽ ở thế mạnh, do đó có thể thúc đẩy giải quyết tranh chấp có lợi cho họ nhưng với điều kiện trước đó không bị ràng buộc về mặt pháp lý.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Viện Đông Á (Institut d’Asie Orientale, IAO), Trường Sư phạm Lyon (Ecole Normale Supérieure de Lyon).
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 22/11/2021
**********************
Thu Hằng, RFI, 22/11/2021
Trung Quốc không tìm cách làm "bá chủ" khu vực và sẽ không "hăm dọa" các nước láng giềng nhỏ hơn. Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục trấn an các nước ASEAN tại thượng đỉnh trực tuyến ngày 22/11/2021 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ song phương.
Khung cảnh cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ASEAN - Trung Quốc ngày 22/11/2021. Ảnh chụp từ phía Phnom Penh, Cam Bốt. © An Khoun SamAun / AP
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc "đã, đang và sẽ mãi là một láng giềng tốt, một người bạn hữu hảo, một đối tác tốt của ASEAN". Bắc Kinh "sẽ không bao giờ tìm cách làm bá chủ và chắc chắn sẽ không ức hiếp các nước nhỏ".
Những phát biểu mang tính trấn an, xoa dịu của ông Tập Cận Bình đi ngược với những hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông mà gần đây nhất là tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas), quần đảo Trường Sa.
Cách hành xử vũ lực của Trung Quốc bị tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích tại cuộc họp thượng đỉnh với chủ tịch Tập Cận Bình là "không có lợi cho mối quan hệ giữa các nước chúng ta và quan hệ đối tác của chúng ta". Theo AFP, Philippines "lấy làm tiếc về sự kiện ở bãi Ayungin (tên gọi Philippines của bãi Cỏ Mây) và vô cùng quan ngại nếu những sự kiện tương tự xảy ra".
Ngoài trấn an các nước ASEAN, chủ tịch Trung Quốc cho biết muốn "cùng duy trì ổn định ở Biển Đông", biến Biển Đông "thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác", nhưng loại bỏ mọi "can thiệp" từ bên ngoài, ngụ ý đến các cuộc tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong vùng, cũng như của Đức, Anh, Pháp. Liên Hiệp Châu Âu từng kêu gọi "tất cả các bên tôn trọng tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông".
Sau sự kiện tàu tiếp tế của Philippines bị hải cảnh Trung Quốc sách nhiễu ở bãi Cỏ Mây, ngày 19/11, Washington đã cảnh báo Bắc Kinh là một vụ tấn công vũ trang sẽ buộc Hoa Kỳ can thiệp bảo vệ Philippines trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung.
Miến Điện không tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ngày 22/11 dù trước đó Bắc Kinh đã vận động để chính quyền quân sự được tham dự. Tuy nhiên, bốn nước Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore đã phản đối gay gắt đề nghị của Trung Quốc.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 22/11/2021
Sự nồng ấm của quan hệ Việt - Nga
Việt Nam và Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ về nhiều mặt. Năm 2020, Việt Nam và Liên bang (LB) Nga kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2021 tròn 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – LB Nga, và năm 2022 hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Mỏ Lan Tây nơi công ty Rosneft của Nga có cổ phần ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018 - Reuters
Quan hệ thương mại tăng trưởng mạnh
Quan hệ kinh tế thương mại Việt - Nga đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, cho dù Đại dịch Covid-19. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ LB Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 42,9% ; nhập khẩu hàng hóa của LB Nga từ Việt Nam tăng đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,9%. Năm 2021, thương mại Việt Nam - LB Ngatiếp tục tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 7 tháng đầu năm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Nga đạt 924 triệu USD, tăng 13,3% ; xuất khẩu của Việt Nam đạt 28,1%. Dự kiến trong năm nay, thương mại song phương Việt Nam - LB Nga sẽ đạt mức khoảng 6,5 tỷ USD(1).
Các công ty dầu khí lớn của Nga như Rosneft, Zarubezhneft và Gazprom đều có các dự án đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Chỉ tính riêng liên doanh Vietsovpetro đã chiếm khoảng 1/3 sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam(2).
Quan hệ quốc phòng là nền tảng
Trong 20 năm qua, Điện Kremlin đã và đang từng bước gia tăng ảnh hưởng tại Việt Nam, mặc dù còn kém xa so với quan hệ Việt - Xô trước đây. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hải quân Liên Xô đã tích cực sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh - Một căn cứ quan trọng án ngữ ở Biển Đông, từ năm 1979. Căn cứ này đã từng được Hoa Kỳ xây dựng và sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1984, Việt Nam và Liên Xô đã ký thỏa thuận về việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồn trú quân sự trên vịnh. Theo thỏa thuận, các cơ sở được xây dựng sẽ được Hải quân Liên Xô vận hành cho đến năm 2004. Nhưng đến năm 2002 - chưa đầy ba năm sau khi Vladimir Putin lên nắm quyền - hạm đội Nga đã rời khỏi Cam Ranh, chuyển giao tất cả các cơ sở cho phía Việt Nam.
Nga hiện đang là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á, trong đó riêng Việt Nam là khách hàng lớn về vũ khí của Nga. Mặc dù người ta ước tính rằng trong suốt những năm 1980, Moscow đã cung cấp cho Việt Nam trung bình một tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm và một tỷ USD hỗ trợ kinh tế hàng năm, sau khi Liên Xô sụp đổ, Điện Kremlin đã mất đi ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này. Giờ đây, Nga đang tìm cách lấy lại vị thế đã mất.
Việt Nam cũng tìm thấy ở Nga những lợi ích nhất định. Các hợp đồng khai thác dầu khí với Nga là một cách để cân bằng quan hệ các cường quốc tại khu vực Biển Đông đầy biến động. Đồng thời, Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam trước bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng hung hăng, đe doạ Việt Nam ở Biển Đông. Để chống lại sức mạnh của Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu cần các khoản đầu tư vũ khí và năng lượng của Nga ở Biển Đông. Ngoài vũ khí, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước hoặc bán nhà nước của Nga còn vận hành các công ty con ở nước ngoài tại những nơi mà Trung Quốc tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn".
Hợp tác quốc phòng dường như là một trụ cột chính trong nỗ lực của Nga nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Hà Nội và đảm bảo Moscow có một ảnh hưởng đáng kể ở Đông Nam Á.
Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc gặp với hầu hết những người đồng cấp ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ tư vào ngày 28/10 vừa qua. Cuối hội nghị, hai bên nhất trí Kế hoạch hành động toàn diện cùng với các sáng kiến khác nhằm"tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội và phát triển". Sự tham gia của Tổng thống Putin cho thấy Nga đặt ưu tiên tương đối cao vào việc mở rộng dấu ấn của Moscow trong khu vực.
Với mối quan hệ truyền thống đã có từ thời Liên Xô, Việt Nam được coi là cầu nối quan trọng giữa Nga đối với thị trường của nhiều nước khu vực Đông Nam Á này.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay ở điện Kremli hôm 22/5/2019. Reuters
Liệu Việt Nam có thể dùng Nga để đối trọng với Trung Quốc ?
Mặc dù không phải là một liên minh chính thức, nhưng Việt Nam hy vọng mối quan hệ với Nga sẽ giúp Việt Nam có được sự hậu thuẫn quốc tế khi Hà Nội tìm cách đẩy lùi sự gây hấn của Trung Quốc và có một số chỉ dấu cho thấy mối quan hệ này có giá trị. Khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2AD) của Việt Nam có được nhờ Nga phần nào giảm thiểu sự mất cân bằng quân sự nghiêm trọng giữa Hà Nội và Bắc Kinh bằng cách tạo ra một chiến lược phong tỏa biển bất đối xứng cho một cuộc xung đột tiềm ẩn trên biển. Phía Việt Nam vẫn nghĩ rằng, tại Biển Đông, Trung Quốc mặc dù vẫn có thể gây áp lực với các công ty năng lượng của Nga, nhưng những công ty này của Nga sẽ có khả năng"chống lại" sự đe doạ của Bắc Kinh tốt hơn các công ty của c ác quốc gia khác mà không đủ sự hậu thuẫn chính trị đằng sau. Việc Nga đang hoạt động ở Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc phải suy nghĩ thận trọng trước những động thái quá hung hăng (3).
Tuy nhiên, hy vọng này của Hà Nội rõ ràng phải đối mặt với một số rào cản vì "Moscow quan tâm đến"quan hệ với Bắc Kinh để chống lại Mỹ" hơn là "ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á". Không có kịch bản nào dự đoán rằng Nga sẽ hy sinh quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng với Trung Quốc vì Hà Nội hoặc Naypyidaw(4).
Cụ thể, Nga công khai duy trì lập trường trung lập được tính toán cẩn thận đối với tranh chấp Biển Đông phù hợp với mong muốn của Trung Quốc, cho dù Nga cũng đang triển khai các dự án năng lượng trên vùng biển này. Theo Grigory Lokshin, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga :"Chính sách của Nga ở Đông Nam Á nói chung, bao gồm cả Việt Nam, là một phần của cuộc chơi toàn cầu tuyệt vời mà ở đó, với tư cách là một đối tác, không thể chống lại Trung Quốc và thường ám chỉ Trung Quốc và đôi khi ủng hộ khá cởi mở về một số vấn đề. Tuy nhiên, vì hợp tác Nga-Trung vẫn còn lâu mới tạo thành một liên minh quân sự, nên quan hệ Nga-Trung và Nga-Việt ở giai đoạn này vẫn là hoạt động kinh doanh song phương thuần túy của các quốc gia này" (5).
Chính vì vậy, trò chơi "đu dây" của Việt Nam khi muốn dùng Nga làm đối trọng với Trung Quốc trên biển Đông khó mà thực hiện được, bởi vì với sự gần gũi ngày càng tăng của Nga với Trung Quốc có nghĩa là sự giúp đỡ của Moscow đối với Hà Nội chỉ ở mức thấp vì rốt cuộc, Nga sẽ không để quan hệ với Bắc Kinh bị tổn hại.
Theo thông báo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hôm 17/11/2021, hải quân Nhật và Hoa Kỳ hôm qua đã mở một cuộc tập trận chống tàu ngầm đầu tiên tại vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Khu trục hạm Nhật Bản JS Akizuki tập huấn cũng với hai khu trục hạm Mỹ USS Milius (phía sau) và USS Higgins trên Biển Đông ngày 19/10/2021. © U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Christine Montgomery
Theo trang mạng USNI của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tham gia cuộc tập trận về phía Nhật có một tàu ngầm lớp Oyashio, cùng với hai khu trục hạm chở trực thăng Kaga và Murasame, và một máy bay tuần tra biển. Phía hải quân Mỹ thì huy động khu trục hạm USS Milius và một máy bay tuần tra biển.
Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm của hải quân Nhật Bản tham gia một cuộc thao dượt chống tàu ngầm với quân đội Mỹ tại vùng Biển Đông. Vào tuần trước, hai khu trục hạm Kaga và Murasame của Nhật cũng đã diễn tập với tàu USS Milius của Mỹ trên vùng Biển Đông và sau đó đã ghé thăm vịnh Subic của Philippines vào cuối tuần. Sau khi rời Subic, hai tàu này đã thao dượt chung với một chiến hạm của Philippines.
Cuộc tập trận chống tàu ngầm Mỹ-Nhật diễn ra sau khi vào tuần trước Đài Loan cũng đã điều một trong hai tàu ngầm tối tân nhất của hòn đảo này đến Biển Đông để tham gia tập trận hải quân ở vùng Biển Đông, gần đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình).
Cũng theo trang mạng USNI News, hải quân Nhật đã ra hai thông cáo về các cuộc thao dượt quân sự sắp tới ở Nhật. Thứ nhất là các cuộc diễn tập rà phá mìn với hải quân Mỹ từ ngày 18 đến 28/11 ở vùng biển Huyga Nada, ngoài khơi đảo Kyushu. Thứ hai là các cuộc tập trận hải quân song phương Mỹ Nhật và tập trận đa phương ở các vùng biển chung quanh Nhật Bản từ ngày 21 đến 30/11.
Những cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ hiện đang gia tăng hợp tác quân sự với các cường quốc khu vực để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Thanh Phương
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài loan cho biết hải quân nước này đã triển khai một trong hai tàu ngầm tiên tiến nhất của mình trong các cuộc diễn tập hải quân ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, báo cáo không nêu cụ thể thời điểm đã diễn ra các cuộc diễn tập này.
Tàu ngầm tại căn cứ hải quân ở Cao Hùng, Đài Loan ngày 21/3/2017 - Ảnh : Reuters
Được công bố vào hôm thứ Ba vừa qua,Báo cáo Quốc phòng năm 2021 của Đài Loan cho hay : Tàu ngầm Hải Long (Hai Lung – Sea Dragon) thuộc Hạm đội 256 của nước này đã tham gia thành công một số hoạt động bao gồm "diễn tập bắn tên lửa của hải quân và không quân, diễn tập Săn cá voi (Lie Jin), diễn tập tuần tra định kỳ và tác chiến chiến thuật tại quần đảo Trường Sa và diễn tập tuần tra sẵn sàng chiến đấu và diễn tập chống tàu ngầm Hai Qiang ".
Báo cáo này không đề cập cụ thể thời gian và tần suất các cuộc diễn tập. Tuy nhiên vì đây là báo cáo quốc phòng của năm 2021 nên giới quan sát cho rằng các cuộc diễn tập này nhiều khả năng đã diễn ra trong vòng 12 tháng vừa qua.
Đảo Đông Sa (Pratas) và đảo Ba Bình (Itu Aba) do Đài Loan kiểm soát là hai trong số những hòn đảo lớn nhất ở Biển Đông. Ba Bình là đảo lớn nhất trong số các đảo tự nhiên trong quần đảo Trường Sa – nơi mà Đài Loan gọi là quần đảo Nam Sa. Ba quốc gia khác là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.
Tuy tin tức về các cuộc diễn tập tàu ngầm của Đài Loan đã được báo chí trong khu vực đăng tải rộng rãi nhưng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vẫn chưa đưa ra phản ứng nào.
Trước đó, Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động quân sự của Đài Loan tại đảo Ba Bình, cho rằng các hoạt động này đã "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông".
"Thành thật mà nói, tôi không hề ngạc nhiên về tiết lộ này" – ông Collin Koh, một học giả chuyên nghiên cứu về chương trình tàu ngầm của Đài Loan tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói.
"Dù sao thì tàu ngầm của Hải quân Đài Loan cũng sẽ thực hiện các sứ mệnh thời bình ở Trường Sa vì Đài Loan có sở hữu đáng kể trong khu vực tranh chấp" – nhà nghiên cứu này nhận định.
Ông Koh nói thêm : "Một khi có chiến tranh ở eo biển Đài Loan, tôi tin rằng các nhà hoạch định quốc phòng Đài Loan cũng sẽ muốn đảm bảo rằng sườn phía nam của nước này thực sự được an toàn".
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai trong khi Đài Loan hiện đang tự trị và coi mình là một quốc gia có chủ quyền.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tham dự buổi lễ khởi công xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới tại Cao Hùng, Đài Loan ngày 24/11/2020. Ảnh : Reuters
Chương trình tàu ngầm tự đóng
Theo ông Koh, tàu ngầm của Đài Loan có khả năng "tiến hành giám sát Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và lực lượng quân đội của các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ; thu thập thông tin tình báo và thậm chí tiến hành huấn luyện để tăng cường năng lực tác chiến nhằm chuẩn bị cho các tình huống xung đột khác nhau".
Ông nói : "Báo cáo của Bộ Quốc phòng chỉ là xác nhận cho những việc làm mang tính lô gíc này".
Tin tức về hoạt động tàu ngầm của Đài Loan được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan đang gia tăng. Báo cáo quốc phòng của Đài Loan dành hẳn một chương dài 12 trang để tóm tắt những mối đe dọa quân sự lớn của Trung Quốc đối với đảo quốc này đồng thời chỉ ra rằng Trung Quốc "chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan".
Để chuẩn bị cho điều đó, báo cáo đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực quân sự dưới nước của Đài Loan bao gồm việc "mua một thế hệ tàu ngầm mới và nâng cấp hệ thống tác chiến cho các tàu ngầm lớp Rồng Biển hiện có".
Đài Loan có tổng cộng bốn tàu ngầm, hai trong số này có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 và thuộc loại những tàu ngầm lâu đời nhất thế giới vẫn đang được sử dụng. Những tàu này được Mỹ chuyển giao từ những năm 1970. Hai chiếc còn lại là tàu ngầm Hải Long (Hai Lung) số hiệu SS-793 và Hải Hổ (Hai Hu - Hổ Biển) số hiệu SS-794 mua từ Hà Lan vào những năm 1980.
Theo ông Koh, mặc dù tàu ngầm Hải Long và Hổ Biển của Đài Loan "rất hiện đại khi mới ra mắt nhưng khả năng tác chiến chống tàu ngầm ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc đồng nghĩa với việc khiến chúng nhanh chóng trở nên lỗi thời ".
Đài Loan đã khởi động Chương trình Tàu ngầm Phòng thủ Bản địa vào tháng 11/2020 tại một nhà máy đóng tàu ngầm mới ở Cao Hùng – một thành phố cảng phía Nam. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đăng tin này trênTwitter.
Đài Bắc đặt mục tiêu mua 8 tàu ngầm diesel-điện với chi phí ước tính khoảng 16 tỷ USD. Tháng 4 năm nay,Bộ Quốc phòng Đài Loan tiết lộ rằng "Mỹ và các quốc gia quan trọng ở Châu Âu cung cấp hỗ trợ" để đóng các tàu ngầm mới.
Một tháng trước đó, Mỹ đã phê duyệt việc xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, bao gồm ba loại thiết bị chính là : hệ thống thủy âm kỹ thuật số, hệ thống tác chiến tích hợp và hệ thống thiết bị phụ trợ (kính tiềm vọng) cho hạm đội này.
Leyi Qi, một nhà phân tích quân sự Đài Loan đồng thời là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do cảnh báo Đài Bắc sẽ cần phải theo dõi cẩn thận các bước đi của mình vì nguy cơ leo thang ở Biển Đông là rất cao.
"Các tàu ngầm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang hoạt động gần đó và có các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam hoạt động gần quần đảo Trường Sa" – ông Qi nói.
Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng điện-diesel từ Nga với chi phí 3,2 tỷ USD. Chiếc cuối cùng trong số sáu tàu này được giao vào năm 2017.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là có khoảng 70 tàu ngầm, trong đó có 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. TheoVăn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có khả năng sẽ tăng lên 21 chiếc vào năm 2030.
Tại Hội nghị chuyên đề về Hợp tác Hàng hải và Quản trị Đại dương Toàn cầu 2021 đã diễn ra hôm 9/11 theo hình thức trực tuyến tại thành phố Tam Á ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này cam kết hợp tác với các nước ở Biển Đông để mở rộng hợp tác hàng hải, bảo vệ các chuỗi cung ứng hàng hải toàn cầu và đối phó vấn đề biến đổi khí hậu để xây dựng Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác [1] .
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Athens, Hy Lạp hôm 27/10/2021 - Reuters
Phát biểu tại sự kiện thu hút khoảng 800 đại diện đến từ 30 quốc gia và khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng "chúng ta cần ủng hộ chủ nghĩa đa phương để cùng bảo vệ trật tự hàng hải. Những đại dương và lục địa không phải là trò chơi cạnh tranh có tổng bằng không". Ông Vương Nghị tiếp tục nhấn mạnh :
"Chúng ta cần cùng nhau thúc đẩy kết nối hàng hải và tự do thương mại để duy trì sự ổn định của vận tải biển và các chuỗi công nghiệp, đồng thời chúng ta cần phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên biển một cách có trật tự và cùng nhau làm việc để giải quyết những thách thức toàn cầu như tình trạng ấm lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cho rằng không nên lợi dụng các đại dương như một công cụ để tìm kiếm quyền lực toàn cầu đơn phương và "chúng tôi phản đối việc các nước phô trương sức mạnh trên biển, hình thành các bè phái và xâm phạm những quyền lợi hợp pháp của các nước khác để duy trì sự bá chủ hàng hải" [2] .
Lời nói và hành động khác nhau
Tuy nhiên, cũng tại hội nghị nói trên, một số đại diện của các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trong khu vực.
Chúng ta còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng khi hơn 200 tàu cá Trung Quốc bao vây khu vực Đá Ba Đầu.
Hồi đầu tháng 6, Malaysia đã phải triển khai máy bay chiến đấu khi phát hiện 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc bay gần không phận của Malaysia mà không thông báo trước. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 20/10 phải khẳng định : "Chừng nào Petronas còn làm việc tại Kasawari, chúng tôi có thể khẳng định Trung Quốc sẽ đến thăm khu vực đó thường xuyên hơn. Chúng tôi đã luôn luôn phản đối. Và cũng không thể đếm được số công hàm phản đối mà chúng tôi đã gửi đến Trung Quốc. Song, chúng tôi sẽ kiên định và tiếp tục phản đối thông qua con đường ngoại giao với họ" [3] .
Đầu tháng 9 năm nay, tàu Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc được hộ tống bởi ít nhất sáu tàu quân sự khác, trong đó bao gồm cả tàu khu trục Côn Minh 172, đã xâm phạm trong EEZ của Indonesia [4] .
Philippines mới đây cũng lại phản đối tàu Trung Quốc tái xuất hiện tại khu vực Đá Ba Đầu lần nữa [5] .
Việt Nam mới đây cũng lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi các vùng biển trên, tôn trọng chủ quyền Việt Nam [6].
Các hành động này của Trung Quốc cho thấy dã tâm thực sự của Trung Quốc đối với biển Đông, "Điều này một lần nữa cho thấy sự dai dẳng của Bắc Kinh trong việc thách thức các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ… cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tham gia một cuộc leo thang song song để gây áp lực buộc các bên tranh chấp khác phải lùi bước" [7].
Ấn Độ phản đối Trung Quốc
Trong khi đó, phát biểu tại GMC – 2021 với chủ đề "An ninh hàng hải và các mối đe dọa phi truyền thống mới nổi", Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Kumar đã gửi một thông điệp đến Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông phản đối các âm mưu xâm lược và tuyên bố sẽ ngăn chặn các động thái bành trướng cả trên bộ và trên biển. Ông nhấn mạnh các đại dương tự do, cởi mở là điều quan trọng đối với tất cả các quốc gia để đạt được tăng trưởng cao.
Bộ trưởng Kumar nhấn mạnh một cách toàn diện về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng lãnh thổ ở Ấn Độ Dương : "Khi đề cập đến các mối đe dọa phi truyền thống, chúng ta không thể bỏ qua tác động của việc mở rộng với tốc độ chưa từng có của hải quân thông thường ở Thái Bình Dương. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự tăng cường hiện diện hàng hải nhất định ở khu vực của chúng ta mà không phải lúc nào cũng có vẻ vô tội. Những tác động tiêu cực của hành vi mở rộng như vậy được cảm nhận ngay cả bên ngoài Thái Bình Dương. Dù còn sớm để kết luận, song sự mở rộng như vậy đã kích hoạt những nước khác tìm kiếm các năng lực truyền thống và do đó bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới" [8].
Trong phát biểu ám chỉ đích danh Trung Quốc - quốc gia được biết là có "tổ chức mafia" đánh cá bất hợp pháp hoạt động khắp thế giới, Bộ trưởng Kumar nêu rõ : "Tôi muốn đặc biệt đề cập đến hoạt động hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU). Điều này làm suy yếu các nỗ lực của quốc gia và khu vực nhằm đạt được mục tiêu bền vững lâu dài và trách nhiệm. Hơn nữa, đánh bắt IUU là bất công rất lớn đối với những bên hành động có trách nhiệm, trung thực và tuân thủ các quy tắc. Đánh bắt IUU, hầu hết từ bên ngoài khu vực của chúng tôi, đang đe dọa đa dạng sinh học biển, an ninh lương thực cho cộng đồng và sinh kế của những người tham gia đánh bắt cá".
Các quốc gia Đông Nam Á cần thận trọng
Các quốc gia khác như Mỹ và các đồng minh của mình cũng đang tích cực tuần tra tại Biển Đông để kiềm chế tham vọng và đe dọa từ Trung Quốc.
Tháng 10/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ và tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã tiến hành một loạt hoạt động tập trận chung ở Biển Đông. Đây là lần thứ chín trong năm 2021 tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ hiện diện tại khu vực này.
Trong một báo cáo đưa ra hồi tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết Hải quân Trung Quốc đã sở hữu 355 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2020. Báo cáo cũng nhận định rằng Hải quân Trung Quốc đã đặt ưu tiên cao đối với nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của nước này, việc triển khai hoạt động sáu tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, sáu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel [9].
Với sức mạnh và tham vọng độc chiếm Biển Đông như vậy, nếu tin vào những lời "đường mật" của Trung Quốc thì sẽ là "giao trứng cho ác". Cả bốn quốc gia Đông Nam Á nêu trên đều đang chật vật đối phó với sự đe dọa cùng "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc ngay trên EEZ của mình. Nếu các quốc gia Đông Nam Á này muốn giữ được vùng EEZ của mình, thì cần liên kết với nhau và có giải pháp hữu hiệu trước một Trung Quốc hung hăng và đầy tham lam.
Lê Hoàng Ngọc Quỳnh
Nguồn : RFA, 11/11/2021
Tham khảo :
[1] https://www.globaltimes.cn/page/202111/1238549.shtml
[2] https://www.globaltimes.cn/page/202111/1238549.shtml
[3] https://www.newsnpr.org/malaysia-worries-about-chinas-harassment-of-gas-projects-in-the-south-china-sea/
[4] https://fulcrum.sg/chinas-recent-foray-into-the-north-natuna-sea-is-problematic/
[5] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-protests-beijings-provocative-acts-south-china-sea/2021/10/20/
[6] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/yeu-cau-trung-quoc-rut-tau-ca-khoi-vung-bien-cua-viet-nam-676440
[7] https://amti.csis.org/contest-at-kasawari-another-malaysian-gas-project-faces-pressure/
[8] https://tfipost.com/2021/11/indias-defence-secretary-sends-a-stern-warning-to-china-over-south-china-sea/
[9] https://media.defense.gov/2021/Nov/03/2002885874/-1/-1/0/2021-CMPR-FINAL.PDF
Hoa Kỳ điều máy bay đến Biển Đông để tìm rò rỉ phóng xạ
RFA, 02/11/2021
Hoa Kỳ vừa điều máy bay WC-135 Constant Phoenix chuyên phát hiện dấu hiệu hạt nhân đến Biển Đông, một tháng sau khi tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đâm phải một vật thể chưa xác định ở khu vực này. Trang tin South China Morning Post loan tin này hôm 2/11.
WC-135 Constant Phoenix được tiếp liệu từ một máy bay trên không - Reuters
Theo SCMP, một tổ chức phân tích có trụ sở ở Bắc Kinh (Nhóm Sáng kiến Theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông - SCSPI) đã chụp được những hình ảnh vệ tinh cho thấy có năm máy bay do thám của Mỹ hoạt động ở Biển Đông vào cuối tuần trước. Trong số năm máy bay này có máy bay WC-135 Constant Phoenix chuyên phát hiện các mảnh vỡ nhiễm phóng xạ.
Theo SCSPI, "Rất hiếm khi máy bay WC-135 Constant Phoenix xuất hiện tại khu vực Biển Đông. Hoạt động gần đây nhất của nó ở khu vực này là từ tháng 1/2020".
Theo hình ảnh vệ tinh của SCSPI, máy bay này được hộ tống bởi máy bay do thám E-8C, hai máy bay tuần tra hàng hải P-8A và một máy bay tác chiến điện tử và do thám EP-3E.
SCMP trích lời một số chuyên gia về quân sự cho rằng có thể đây là một biện pháp mà Mỹ thực hiện để tìm kiếm xem có sự rò rỉ chất phóng xạ nào từ vụ va tàu ngầm hồi đầu tháng trước hay không.
Sau vụ tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut va phải vật thể dưới mặt nước ở Biển Đông, Hải quân Mỹ cho biết tàu không bị hư hại và lò phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động bình thường.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chỉ trích tai nạn này của Mỹ như là một sự vô trách nhiệm và yêu cầu Mỹ phải nói rõ iệu có sự rò rỉ phóng xạ từ tàu ngầm hay không.
********************
Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia trong chiến lược
VOA, 03/11/2021
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên hôm 2/11 đã nhất trí tăng cường liên minh song phương và hợp tác chặt chẽ hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và quyết đoán trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Theo truyền thông Nhật Bản, cuộc gặp của Thủ tướng Nhật với các lãnh đạo thế giới diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow của Scotland. Tại đây, ông Kishida đã có các cuộc gặp trực tiếp mà tờ Kyodo của Nhật mô tả là "không chỉ thể hiện cam kết của ông đối với các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu mà còn kết nối với các quốc gia quan trọng có chung mối quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Ngoài Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Kishida còn có các cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ba quốc gia mà Tokyo coi là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Từng giữ chức ngoại trưởng lâu năm, tân thủ tướng Nhật Bản cho biết ông đã có một "khởi đầu rất tốt" trong hoạt động ngoại giao trực tiếp và xúc động trong các cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo trên, vẫn theo tường thuật của Kyodo.
Tờ báo Nhật dẫn lời các chuyên gia nói rằng chỉ vài giờ có mặt ở Glasgow thì rất khó để tân thủ tướng Nhật chuyển tải nhiều nội dung trong lần "ra mắt" ngoại giao, nhưng ông Kishida cũng đã kịp thể hiện "cam kết chính trị mang tính biểu tượng quan trọng" đối với các quốc gia mà ông đã gặp, trong đó có Việt Nam, quốc gia mà Nhật Bản hy vọng sẽ hợp tác để chống lại các hành vi quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Kishida đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Kishida và người đồng cấp Việt Nam cũng đã nhất trí hợp tác trong các vấn đề về chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy nhanh các cuộc đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của Nhật Bản.
Trọng Nghĩa, RFI, 21/10/2021
Bộ Ngoại Giao Philippines ngày hôm qua, 20/10/2021 lên tiếng xác nhận đã gởi công hàm ngoại giao phản đối các hành động thách thức của tàu Trung Quốc nhắm vào tàu tuần tra của Philippines.
Ảnh tư liệu chụp ngày 15/07/2017 : Tàu tuần duyên Trung quốc hoạt động trên Biển Đông. Reuters - Reuters Staff
Trong một tin nhắn Twitter, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết là tàu Trung Quốc sử dụng một cách "phi pháp" còi hụ, loa phóng thanh và các liên lạc vô tuyến nhắm vào tàu của Philippines vốn đang tiến hành những cuộc tuần tra "chính đáng và thường kỳ" trên các vùng biển của mình.
Bộ Ngoại Giao Philippines nói rõ : "Các hành động khiêu khích đó đe dọa hòa bình, trật tự và an ninh trên Biển Đông, đi ngược lại các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế".
Theo hãng tin Anh Reuters, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định là đã có hơn 200 vụ sách nhiễu như vậy, nhưng không cho biết là các vụ khiêu khích đó xẩy ra vào lúc nào.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Manila đã liên tiếp lên tiếng báo động và phản đối Trung Quốc về việc có hàng trăm tàu của Trung Quốc tràn vào vùng Biển Đông tại những khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, mà nổi cộm nhất là vụ hơn 200 chiếc tàu Trung Quốc tràn ngập vùng Đá Ba Đầu ở Trường Sa vào tháng 3/2021.
Manila tố cáo đó là tàu dân quân biển, trong lúc Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh tiếp tục cho rằng họ có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố trái lại của Philippines cũng như Việt Nam, Malaysia hay Brunei.
Theo Reuters, kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào tháng 6/2016 đến nay, Philippines đã đệ trình hơn 80 công hàm ngoại giao để phản đối Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Trọng Nghĩa
*********************
Trọng Thành, RFI, 20/10/2021
Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật trừng phạt các hành động "đe dọa hòa bình" của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai thượng nghị sĩ đồng chủ trì dự luật kêu gọi Thượng Viện Mỹ nhanh chóng thông qua luật, để khẳng định mạnh mẽ cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, chủ quyền của các nước đồng minh, và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ : Ben Cardin (trái), Bob Menendez (giữa) và Jim Risch, tại trụ sở Thượng Viện, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 04/08/2021. AP - Amanda Andrade-Rhoades
Trên Twitter, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ, ông Bob Menendez, thông báo trong cuộc họp hôm qua, 19/10/2021, Ủy ban đã thông qua dự luật South China Sea and East China Sea Sanctions Act / Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông (S.1657). Hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và Ben Cardin (đảng Dân chủ) - đồng chủ trì dự luật của lưỡng đảng - ra thông cáo báo chí "hoan nghênh Ủy ban thông qua luật nhắm vào các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rubio nhấn mạnh : "Không có mối đe dọa nào lớn hơn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở hơn Đảng cộng sản Trung Quốc và lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản Trung Quốc - Quân đội Giải phóng Nhân dân", và "rủi ro đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực là có thật. Hoa Kỳ cần các công cụ bổ sung để đối đầu với Bắc Kinh khi quốc gia này tiếp tục nỗ lực xác lập việc kiểm soát bất hợp pháp về chủ quyền trên biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông".
Về phần mình, thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin khẳng định : "Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng, là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ tuyến lưu chuyển thương mại tự do và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế".
Đạo luật S.1657 sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với "các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định một cách hung hăng các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc trên các khu vực rộng lớn tại với Biển Đông và Hoa Đông". Theo văn bản này, tổng thống phải áp đặt các biện pháp "phong tỏa tài sản và từ chối cấp thị thực đối với những cá nhân và thực thể Trung Quốc nào đóng góp vào các dự án phát triển ở các khu vực của Biển Đông, bị một quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á phản đối, hoặc tham gia trong các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình hoặc ổn định ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, hoặc trong khu vực biển Hoa Đông do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý".
Dự luật cấm các thực thể Hoa Kỳ đầu tư hoặc cung cấp bảo hiểm cho các dự án liên quan đến những thực thể bị trừng phạt ở một trong hai vùng biển nói trên. Và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ "phải báo cáo định kỳ với Quốc hội, xác định các quốc gia công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Một số loại viện trợ nước ngoài có thể không được cung cấp cho các quốc gia đó".
Trọng Thành
********************
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt hành vi bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông
RFA, 20/10/2021
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ ba 19/10 thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và đối tượng Trung Quốc tham gia vào các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Ben Carden (Đảng Dân chủ) của tiểu bang Maryland. Reuters
Dự luật lưỡng đảng do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, đại diện tiểu bang Florida và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin của tiểu bang Maryland bảo trợ, có tên "Dự luật Trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông". Dự luật khi thành luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và đối tượng Trung Quốc tham gia vào hoạt động khẳng định yêu sách chủ quyền về hàng hải và lãnh thổ của Bắc Kinh đối với Biển Đông và Hoa Đông.
Thượng nghị sĩ Rubio trong một thông cáo báo chí nói : "Không có mối đe dọa nào lớn hơn đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở hơn Đảng cộng sản Trung Quốc và lực lượng vũ trang của họ là Quân đội Giải phóng Nhân dân". Ông kêu gọi toàn thể đồng nghiệp trong Thượng viện thông qua dự luật này.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ trong một phán quyết vào năm 2016 nhưng Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết này.
Mỹ không phải là một bên có tranh chấp về chủ quyền ở khu vực Biển Đông nhưng luôn khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này, đồng thời lên án Trung Quốc đã bắt nạt các nước láng giềng có đòi hỏi chủ quyền ở đây, quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm Anh, Mỹ dẫn đầu cuộc phô trương sức mạnh hải quân ở Biển Đông
Ba hàng không mẫu hạm và hằng chục chiến hạm khác của các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trong tuần này đi vào Biển Đông là một trong những pha phô diễn sức mạnh hàng hải lớn nhất của Phương Tây tại khu vực này suốt nhiều năm qua.
Nhóm tấn công tàu sân bay của Anh do tàu HMS Queen Elizabeth dẫn đầu và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản do tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga JS Ise dẫn đầu tham gia diễn tập chung tại Biển Đông ngày 3/10/2021 cùng các nhóm tấn công tàu sân bay của Mỹ do tàu USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson dẫn đầu. Ảnh : Hải quân Mỹ
Những cuộc diễn tập tại vùng biển Tây Philippines (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) sẽ được tiếp tục với hai tuần tập trận qui mô lớn ngay ở Biển Đông. Điều này phát đi một thông điệp cho Bắc Kinh và khẳng định quyền tự do hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng.
Chuyên gia cấp cao Richard Bitzinger tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore phát biểu rằng "Đây có thể là lần đầu tiên từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Eo Biển Đài. Loan hồi năm 1996, chúng ta chứng kiến những dạng hoạt động với hàng không mẫu hạm như thế".
Vào ngày 3/10, hàng không mẫu hạm hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth cùng với hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ- USS Carl Vinson và USS Ronal Reagan- cùng với 14 chiến hạm khác của Mỹ, Nhật, Canada, New Zealand và Hòa Lan tiến hành những hoạt động diễn tập gọi là kết hợp tại Vùng biển Philippines.
Hình ảnh ghi nhận tại hiện trường cho thấy đoàn chiến hạm lướt sóng trong nắng với đội chiến đấu cơ bay theo đội hình mũi tên bên trên.
"Nửa triệu tấn sức mạnh biển từ sáu quốc gia cùng với sức mạnh bay tương đương đầy ấn tượng" là điều được mô tả bởi Phó Đề đốc Steve Moorhouse, chỉ huy Nhóm Tác chiến Anh CSG21 do Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth dẫn đầu.
Một ngày sau đó, tổ chức Sáng kiến Theo dõi Chiến lược Nam Hải - một mạng lưới nghiên cứu của Trung Quốc, cảnh báo rằng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ và HMS Quuen Elizabeth của Anh đã vượt Eo Bashi đi vào Biển Đông, và đây là lần thứ hai kể từ tháng 7, hai hàng không mẫu hạm này vào Biển Đông.
Một thông cáo của Bộ Quốc Phòng Anh vào ngày thứ ba cho biết trong vòng hai tuần tới Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth "sẽ hoạt động tại Biển Đông với chiến hạm và chiến đấu cơ của các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hoa Kỳ" và tham gia vào cuộc diễn tập hàng hải phối hợp qui mô lớn.
Chuyên gia Bitzinger so sánh hoạt động lần này với đợt phô diễn sức mạnh hồi tháng 3 năm 1996, khi mà Hoa Kỳ cho bố trí hai hàng không mẫu hạm nhằm đáp lại việc Trung Quốc cho thử phi đạn tại vùng biển gần Đài Loan trong thời gian chuẩn bị bầu cử. Thông điệp Bắc Kinh phát ra đối với đảo quốc tự trị là không được tuyên bố độc lập.
Lúc bấy giờ, giới quan sát cho rằng đó là màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất ở Châu Á kể từ cuộc chiến Việt Nam. Hoa Kỳ cho bố trí hai nhóm tác chiến dẫn đẫu là hàng không mẫu hạm USS Minitz và hàng không mẫu hạm nay đã loại biên là USS Independence.
Mục tiêu chính của việc phô diễn sức mạnh lúc bấy giờ, cũng như hiện nay, là phát đi một thông điệp cho Bắc Kinh- nhưng theo một số người thì đó là khiêu khích. Học giả cấp cao Mark J. Valencia tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc (NISCSS) cho rằng "Họ đang giúp Hoa Kỳ đe dọa Trung Quốc". Điều này phản ánh quan ngại của Bắc Kinh.
Máy bay từ nhóm tấn công tàu sân bay của Anh và Mỹ bay theo đội hình trong cuộc diễn tập chung nhiều bên trong khu vực Biển Đông ngày 3/10/2021. Ảnh : Hải quân Mỹ
Trong cùng ngày hai hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ và Anh Quốc đi vào Biển Đông, Trung Quốc cho chiến đấu cơ bay vào Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) của Đài Loan với một con số kỷ lục là 52 chiếc. Trong khoảng thời gian bốn ngày kể từ thứ sáu tuần qua, Đài Loan báo cáo có gần 150 máy bay của Không quân Trung Quốc bay vào ADIZ của Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, Khâu Quốc Chinh, vào ngày thứ tư phát biểu với các nhà lập pháp rằng quan hệ qua Eo biển Đài Loan ‘nghiêm trọng nhất’ trong hơn 40 năm.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày Chủ Nhật cáo buộc quân đội Trung Quốc tiến hành ‘những hoạt động quân sự khiêu khích phá hoại hòa bình và ổn định khu vực ; đồng thời nhắc lại cam kết vững như bàn thạch của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và hứa sẽ thống nhất về lại với Đại Lục, cả bằng vũ lực nếu cần. Đài Loan lại cho mình là một Nhà nước có chủ quyền.
Chuyên gia Bitzinger nói về hoạt động diễn tập phối hợp của các hàng không mẫu hạm rằng "Nhiều quốc gia liên quan trong khu vực Châu Á lo ngại về sự hiếu chiến của Trung Quốc và đây là cách phát đi một thông điệp mạnh mẽ cho Bắc Kinh về quyền tự do hàng hải.
Ông nói thêm "Điều đó cũng cho thấy rằng Hoa Kỳ có được những đồng minh và thân hữu tham gia một cách tích cực và mật thiết với họ".
Tweet ngày 5/10/2021 của Chỉ huy Nhóm tấn công hàng không mẫu hạm Anh nói về cuộc diễn tập chung
Hàng không mẫu hạm tự đóng
Sự hiện diện của những hàng không mẫu hạ thường được nhận thức như là dấu chỉ thuyết phục về quyền tự do hàng hải mà Hoa Kỳ và các đồng minh cổ xúy. Điều đó cũng cho thấy một khuynh hướng thú vị về mặt một số nước tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương phát tiển khả năng phòng thủ biển bằng việc tự đóng những hàng không mẫu hạm của nước họ.
Lực lượng Phòng Vệ Biển Nhật Bản (JMSDF hay Hải quân Nhật) vào ngày thứ Ba công bố họ đã thực hiện các chuyến cất và hạ cánh loại chiến đấu cơ F-35B tiên tiến trên Khu trục hạm JS Izumo ; như thế có thể biến nó thành một hàng không mẫu hạm.
JMSDF tiếp tục thực hiện một cách vững chắc những bổ sung cần thiết cho chiến hạm lớp Izumo để có thể đạt được khả năng vận hành chiến đấu cơ F-35B.
Theo ông Jeff Kingston, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á và là giáo sư Đại học Temple ở Tokyo, Chính phủ Nhật vào năm 2018 bật đèn xanh cho việc chuyển hai khu trục hạm lớp Izumo thành hàng không mẫu hạm hạng nhẹ có thể vận hành chiến đấu cơ F-35B. Điều này dựa vào một thay đổi chính sách lớn kể từ năm 2015 khi Nhật Bản—với hoạt động quân sự bị hạn chế bởi hiến pháp chủ hòa sau Thế Chiến Thứ hai – đã gia tăng cam kết với đồng minh an ninh Hoa Kỳ.
Ông phát biểu với RFA rằng "Nhật Bản đã tăng mạnh khả năng nâng cao sức mạnh biển và rũ bỏ những cấm kỵ lâu nay về chính sách an ninh khi thực hiện điều đó. Về mặt địa chính trị, đó là một sự ứng phó với nhận thức ngày càng tăng về mối nguy do chương trình hiện đại hóa quân đội và tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc.
Ông Jeff Kingston giải thích thêm rằng "Nhật Bản gia nhập Nhóm Bộ Tứ (gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật và Australia) và trở thành một nước cổ xúy cho một khu cực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây là quan điểm nhắm đến sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ; và liên quan đến hoạt động diễn tập hải quân chung, một trong những hoạt động khác nữa".
Trong khi đó chuyên gia Valencia của NISCSS lại đưa ra cảnh báo rằng hoạt động chế tạo hàng không mẫu hạm và ủng hộ Hoa Kỳ nhằm khống chế Trung Quốc có thể là một sai lầm của Nhật Bản. Ông nói : "Dĩ nhiên Nhật cần có khả năng để tự vệ nhưng đi vào lĩnh vực đóng hàng không mẫu hạm là một vấn đề hoàn toàn khác.
Còn theo chuyên gia Bitzinger, cả hai nước Hàn Quốc và Singapore cũng đang xem xét việc phát triển một số trong những tàu hải quân của họ thành những hàng không mẫu hạm thực sự.
Ông nói : "Cách đây hai mươi năm, mọi người đều có cái nhìn tiêu cực về chúng (hàng không mẫu hạm), gọi rằng chúng là những nam châm hút tên lửa hành trình do quá lớn. Thế nhưng nay, ai cũng muốn có chúng. Dường như họ đang cố đối lại với thực tế là Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hàng không mẫu hạm. Đó là dạng cách nói chúng tôi sẽ bắt kịp quí vị thôi. Quả thực chúng tôi có thể vượt quí vị".
Trung Quốc với mục tiêu trở thành một siêu cường biển đã có hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động- Liêu Ninh và Sơn Đông ; và hiện đang cho đóng chiết thứ ba. Trung Quốc đã có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới nhưng chủ yếu là những lớp tàu nhỏ hơn. Siêu hàng không mẫu hạm sẽ tăng cường mạnh mẽ sức mạnh của họ.
Cuộc chạy đua phát triển những hàng không mẫu hạm lớn hơn, tốt hơn nêu bật tình hình đáng ngại ở Biển Đông mà các nhà quan sát cho rằng là một trong những khu vực xung đột tiềm năng giữa các siêu cường.
Điều đó ở một mức độ cao cũng sẽ buộc các nước nhỏ, nghèo hơn trong khu vực phải chọn phe".
Ông nói thêm : " Tất cả những nước ASEAN nhỏ hơn sẽ thích Trung Quốc và Hoa Kỳ thuận thảo với nhau ; thế nhưng điều này sẽ không xảy ra và họ cố giữ vị thế ngoài cuộc khi mà tình thế mỗi lúc một khó thêm hơn".
Nguồn : RFA, 08/10/2021