Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài loan cho biết hải quân nước này đã triển khai một trong hai tàu ngầm tiên tiến nhất của mình trong các cuộc diễn tập hải quân ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, báo cáo không nêu cụ thể thời điểm đã diễn ra các cuộc diễn tập này.
Tàu ngầm tại căn cứ hải quân ở Cao Hùng, Đài Loan ngày 21/3/2017 - Ảnh : Reuters
Được công bố vào hôm thứ Ba vừa qua,Báo cáo Quốc phòng năm 2021 của Đài Loan cho hay : Tàu ngầm Hải Long (Hai Lung – Sea Dragon) thuộc Hạm đội 256 của nước này đã tham gia thành công một số hoạt động bao gồm "diễn tập bắn tên lửa của hải quân và không quân, diễn tập Săn cá voi (Lie Jin), diễn tập tuần tra định kỳ và tác chiến chiến thuật tại quần đảo Trường Sa và diễn tập tuần tra sẵn sàng chiến đấu và diễn tập chống tàu ngầm Hai Qiang ".
Báo cáo này không đề cập cụ thể thời gian và tần suất các cuộc diễn tập. Tuy nhiên vì đây là báo cáo quốc phòng của năm 2021 nên giới quan sát cho rằng các cuộc diễn tập này nhiều khả năng đã diễn ra trong vòng 12 tháng vừa qua.
Đảo Đông Sa (Pratas) và đảo Ba Bình (Itu Aba) do Đài Loan kiểm soát là hai trong số những hòn đảo lớn nhất ở Biển Đông. Ba Bình là đảo lớn nhất trong số các đảo tự nhiên trong quần đảo Trường Sa – nơi mà Đài Loan gọi là quần đảo Nam Sa. Ba quốc gia khác là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.
Tuy tin tức về các cuộc diễn tập tàu ngầm của Đài Loan đã được báo chí trong khu vực đăng tải rộng rãi nhưng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vẫn chưa đưa ra phản ứng nào.
Trước đó, Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động quân sự của Đài Loan tại đảo Ba Bình, cho rằng các hoạt động này đã "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông".
"Thành thật mà nói, tôi không hề ngạc nhiên về tiết lộ này" – ông Collin Koh, một học giả chuyên nghiên cứu về chương trình tàu ngầm của Đài Loan tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói.
"Dù sao thì tàu ngầm của Hải quân Đài Loan cũng sẽ thực hiện các sứ mệnh thời bình ở Trường Sa vì Đài Loan có sở hữu đáng kể trong khu vực tranh chấp" – nhà nghiên cứu này nhận định.
Ông Koh nói thêm : "Một khi có chiến tranh ở eo biển Đài Loan, tôi tin rằng các nhà hoạch định quốc phòng Đài Loan cũng sẽ muốn đảm bảo rằng sườn phía nam của nước này thực sự được an toàn".
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai trong khi Đài Loan hiện đang tự trị và coi mình là một quốc gia có chủ quyền.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tham dự buổi lễ khởi công xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới tại Cao Hùng, Đài Loan ngày 24/11/2020. Ảnh : Reuters
Chương trình tàu ngầm tự đóng
Theo ông Koh, tàu ngầm của Đài Loan có khả năng "tiến hành giám sát Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và lực lượng quân đội của các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ; thu thập thông tin tình báo và thậm chí tiến hành huấn luyện để tăng cường năng lực tác chiến nhằm chuẩn bị cho các tình huống xung đột khác nhau".
Ông nói : "Báo cáo của Bộ Quốc phòng chỉ là xác nhận cho những việc làm mang tính lô gíc này".
Tin tức về hoạt động tàu ngầm của Đài Loan được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan đang gia tăng. Báo cáo quốc phòng của Đài Loan dành hẳn một chương dài 12 trang để tóm tắt những mối đe dọa quân sự lớn của Trung Quốc đối với đảo quốc này đồng thời chỉ ra rằng Trung Quốc "chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan".
Để chuẩn bị cho điều đó, báo cáo đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực quân sự dưới nước của Đài Loan bao gồm việc "mua một thế hệ tàu ngầm mới và nâng cấp hệ thống tác chiến cho các tàu ngầm lớp Rồng Biển hiện có".
Đài Loan có tổng cộng bốn tàu ngầm, hai trong số này có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 và thuộc loại những tàu ngầm lâu đời nhất thế giới vẫn đang được sử dụng. Những tàu này được Mỹ chuyển giao từ những năm 1970. Hai chiếc còn lại là tàu ngầm Hải Long (Hai Lung) số hiệu SS-793 và Hải Hổ (Hai Hu - Hổ Biển) số hiệu SS-794 mua từ Hà Lan vào những năm 1980.
Theo ông Koh, mặc dù tàu ngầm Hải Long và Hổ Biển của Đài Loan "rất hiện đại khi mới ra mắt nhưng khả năng tác chiến chống tàu ngầm ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc đồng nghĩa với việc khiến chúng nhanh chóng trở nên lỗi thời ".
Đài Loan đã khởi động Chương trình Tàu ngầm Phòng thủ Bản địa vào tháng 11/2020 tại một nhà máy đóng tàu ngầm mới ở Cao Hùng – một thành phố cảng phía Nam. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đăng tin này trênTwitter.
Đài Bắc đặt mục tiêu mua 8 tàu ngầm diesel-điện với chi phí ước tính khoảng 16 tỷ USD. Tháng 4 năm nay,Bộ Quốc phòng Đài Loan tiết lộ rằng "Mỹ và các quốc gia quan trọng ở Châu Âu cung cấp hỗ trợ" để đóng các tàu ngầm mới.
Một tháng trước đó, Mỹ đã phê duyệt việc xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, bao gồm ba loại thiết bị chính là : hệ thống thủy âm kỹ thuật số, hệ thống tác chiến tích hợp và hệ thống thiết bị phụ trợ (kính tiềm vọng) cho hạm đội này.
Leyi Qi, một nhà phân tích quân sự Đài Loan đồng thời là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do cảnh báo Đài Bắc sẽ cần phải theo dõi cẩn thận các bước đi của mình vì nguy cơ leo thang ở Biển Đông là rất cao.
"Các tàu ngầm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang hoạt động gần đó và có các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam hoạt động gần quần đảo Trường Sa" – ông Qi nói.
Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng điện-diesel từ Nga với chi phí 3,2 tỷ USD. Chiếc cuối cùng trong số sáu tàu này được giao vào năm 2017.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là có khoảng 70 tàu ngầm, trong đó có 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. TheoVăn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có khả năng sẽ tăng lên 21 chiếc vào năm 2030.