Không quân Trung Quốc tập tác chiến đêm trong bối cảnh Biển Đông và Đài Loan căng thẳng
Thu Hằng, RFI, 16/11/2021
Trung Quốc muốn tăng cường khả năng chiến đấu ban đêm cho phi đội máy bay ném bom thuộc lực lượng Hải quân trong bối căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Ngày 14/11/2021, Quân khu miền Nam thuộc lực lượng Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc cho biết hàng chục máy bay ném bom đã tham gia đợt luyện tập ban đêm ngoài khơi đảo Hải Nam.
Các oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc trình diễn hôm 03/09/2015 nhân dịp kỷ niệm 70 đánh bại phát xít Nhật trong Đệ nhị Thế chiến. AP - Mark Schiefelbein
Theo quân đội Trung Quốc, đợt tập luyện có "cường độ cao", huy động nhiều máy bay ném bom H-6J, nhằm mục đích khống chế các cuộc tấn công từ đất liền và trên biển, cũng như chiến thuật bắn. H-6J là phiên bản cải tiến từ máy bay ném bom H-6K của Không quân Trung Quốc, được tập trung vào khả năng chống các cuộc tấn công từ tầu chiến. Ngoài ra, tên lửa chống hạm trang bị cho máy bay H-6J có khả năng tấn công một đội tàu sân bay.
Trên tài khoản xã hội, bộ tư lệnh Quân khu Miền Nam cho biết "đợt tập luyện đặt nền tảng vững chắc để giao chiến vào ban đêm". Chiến đấu cơ và oanh tạc cơ tham gia luyện tập, xuất phát từ đảo Hải Nam, đã tuần tra trên vùng trời Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hầu hết chủ quyền, bất chấp phản đối của 5 nước trong vùng.
Trang South China Morning Post nhận định quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập tăng cường năng lực chiến đấu trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang ở eo biển Đài Loan và ở Biển Đông. Quân khu Miền Nam là lực lượng chịu trách nhiệm giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và hỗ trợ Quân khu Miền Đông phụ trách eo biển Đài Loan.
Vào tuần trước, khi phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến thăm Đài Loan, lực lượng trực thuộc Quân khu Miền Đông đã tiến hành tập trận ngay sát Đài Loan để thị uy và cảnh cáo Washington và Đài Bắc.
Thu Hằng
*********************
Đài Loan vũ trang phòng vệ trước khả năng tấn công của Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 16/11/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giữ nguyên trạng tình hình Đài Loan, trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Washington và Đài Bắc đừng "đùa với lửa" khi tìm cách tách hòn đảo khỏi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong khi hai nguyên thủ vẫn bất đồng về hồ sơ Đài Loan tại thượng đỉnh ngày 15/11/2021, chính quyền Đài Bắc buộc tìm cách tăng cường tự vệ trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Chiến đấu cơ do Đài Loan tự chế (IDF) tham gia một cuộc tập trận tại Đài Trung, Đài Loan ngày 16/07/2020. Reuters – Ann Wang
Mỹ trang bị vũ khí, tập huấn cho quân đội Đài Loan ít nhất từ một năm nay khiến Bắc Kinh bất bình. Về mặt chính trị, phát biểu của tổng thống Joe Biden về việc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công, tiếp theo là chuyến thăm Đài Bắc của một phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ bị Trung Quốc coi là "thêm một bước tiến đến việc ủng hộ Đài Loan độc lập". Và điều này buộc Bắc Kinh "tăng cường triển khai hoạt động quân sự nhắm chủ yếu vào lực lượng đòi ly khai ở hòn đảo", theo một quan chức Trung Quốc xin ẩn danh, được South China Morning Post trích ngày 13/11.
Bắc Kinh duy trì chiến lược hăm dọa quân sự đối với hòn đảo trên cả ba mặt trận, từ đất liền, trên không và trên biển. Hàng loạt vũ khí chưa từng được sử dụng trong khu vực có thể sẽ được triển khai để đối phó với Đài Loan trong trường hợp đòi độc lập. Đội bay chuyên thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan sắp tới có thể sẽ được tăng viện thêm máy bay tàng hình J-20. Thực ra, J-20 "từ lâu vẫn kín đáo theo dõi" Đài Loan, theo chuyên gia Trung Quốc được trích dẫn ở trên, vì máy bay tàng hình này tham gia tuần tra trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, và hoàn toàn có thể đến tác chiến ở eo biển Đài Loan trong vài phút.
Vào đầu tháng 11, Quân khu Miền Đông Trung Quốc đã bắn thử tên lửa hành trình tầm trung YJ-62A (có tầm bắn 400 km), dọc bờ biển ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), chỉ cách Đài Loan đối diện 200 km. Mục tiêu là để đối phó với hệ thống tên lửa di động Harpoon của Đài Loan. Gần đây nhất, phi đội máy bay ném bom của Quân khu Miền Nam, phụ trách Biển Đông nơi Đài Loan kiểm soát đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) ở quần đảo Trường Sa, đã tập tác chiến đêm để tăng cường khả năng chống các cuộc tấn công từ tầu chiến.
Dù căng thẳng quân sự tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể không tấn công trực diện Đài Loan trên quy mô lớn, nhưng hoàn toàn có thể "bế quan tỏa cảng", vô hiệu hóa các tuyến giao thông hàng không, hàng hải để chặn nguồn tiếp tế quân sự và hậu cần cho hòn đảo.
Thứ hai, Đài Bắc cũng lo nguy cơ Bắc Kinh tận dụng cơ hội để chiếm hai hòn đảo mà Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông : đảo Ba Bình (Itu Aba, Đài Loan gọi là đảo Thái Bình, đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa) và đảo Đông Sa (Dongsha, Pratas). Chính điều này buộc Đài Bắc điều tầu ngầm Hải Long (Hai Lung) đến khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây. Báo cáo ngày 09/11 của bộ Quốc Phòng Đài Loan không nêu thời gian hoạt động cụ thể nhưng cho biết tầu ngầm Hải Long "đã tham gia nhiều hoạt động quân sự như tập bắn tên lửa với Hải quân và Không quân".
Thực ra, việc Đài Loan đưa tầu ngầm đến Biển Đông không có gì đáng ngạc nhiên vì Đài Loan có nhiều lợi ích trong khu vực. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Collin Koh, Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trường Rajaratnam ở Singapore, nhận định với trang RFA ngày 11/11 rằng trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, "các nhà hoạch định chiến lược quân sự Đài Loan có lẽ còn muốn chắc chắn rằng sườn nam cũng được bảo đảm an toàn".
Tầu ngầm là phương tiện hữu hiệu để "giám sát quân đội Trung Quốc", đặc biệt là đảo Hải Nam nơi có căn cứ tầu ngầm Trung Quốc "và lực lượng quân sự của các nước trong vùng có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa", như đội tầu ngầm lớp Kilo của Việt Nam. Thế nhưng, Đài Loan hiện chỉ có hai tầu ngầm đang hoạt động, được mua từ Hà Lan, nên chính quyền tổng thống Thái Anh Văn không giấu tham vọng tăng cường lực lượng mang tính răn đe này với hai dự án. Thứ nhất là nâng cấp hệ thống chiến đấu của tầu ngầm lớp Chien Lung, được cho là lỗi thời trước năng lực quân sự ngày càng hiện đại của Trung Quốc. Thứ hai là nâng số lượng tầu ngầm qua việc mua thêm 8 tầu chạy dầu và điện, trị giá 16 tỉ đô la và lập kế hoạch tự đóng tầu ngầm tại nhà máy được lập ở thành phố cảng Cao Hùng (Kaohsiung).
Với những vũ khí mới vừa được chính quyền Mỹ thông qua vào tháng 10, Đài Bắc muốn tăng cường khả năng tự vệ. Hiện tại, "nguy cơ xung đột xuyên eo biển Đài Loan vẫn còn rất thấp", theo ông Andrew Yang Nien-dzu, nguyên bộ trưởng quốc phòng Đài Loan được South China Morning Post trích dẫn, do "quân đội Đài Loan luôn kiềm chế, không có bất kỳ hành động khiêu khích nào để đáp trả các vụ thâm nhập của quân đội Trung Quốc". Cuối cùng, có thể Bắc Kinh hiểu rằng răn đe quân sự không phải là cách tiếp cận tốt nhất vì vấn đề Đài Loan mang tính chính trị nhiều hơn.
Thu Hằng
*********************
Đài Loan triển khai tàu ngầm ở Biển Đông
RFA, 12/11/2021
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài loan cho biết hải quân nước này đã triển khai một trong hai tàu ngầm tiên tiến nhất của mình trong các cuộc diễn tập hải quân ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, báo cáo không nêu cụ thể thời điểm đã diễn ra các cuộc diễn tập này.
Tàu ngầm tại căn cứ hải quân ở Cao Hùng, Đài Loan ngày 21/3/2017 - Ảnh : Reuters
Được công bố vào hôm thứ Ba vừa qua,Báo cáo Quốc phòng năm 2021 của Đài Loan cho hay : Tàu ngầm Hải Long (Hai Lung – Sea Dragon) thuộc Hạm đội 256 của nước này đã tham gia thành công một số hoạt động bao gồm "diễn tập bắn tên lửa của hải quân và không quân, diễn tập Săn cá voi (Lie Jin), diễn tập tuần tra định kỳ và tác chiến chiến thuật tại quần đảo Trường Sa và diễn tập tuần tra sẵn sàng chiến đấu và diễn tập chống tàu ngầm Hai Qiang ".
Báo cáo này không đề cập cụ thể thời gian và tần suất các cuộc diễn tập. Tuy nhiên vìđây là báo cáo quốc phòng của năm 2021 nên giới quan sát cho rằng các cuộc diễn tập này nhiều khả năng đã diễn ra trong vòng 12 tháng vừa qua.
Đảo Đông Sa (Pratas) vàđảo Ba Bình (Itu Aba) do Đài Loan kiểm soát là hai trong số những hòn đảo lớn nhất ở Biển Đông. Ba Bình làđảo lớn nhất trong số các đảo tự nhiên trong quần đảo Trường Sa – nơi màĐài Loan gọi là quần đảo Nam Sa. Ba quốc gia khác là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.
Tuy tin tức về các cuộc diễn tập tàu ngầm của Đài Loan đãđược báo chí trong khu vực đăng tải rộng rãi nhưng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vẫn chưa đưa ra phản ứng nào.
Trước đó, Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động quân sự của Đài Loan tại đảo Ba Bình, cho rằng các hoạt động này đã"xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông".
"Thành thật mà nói, tôi không hề ngạc nhiên về tiết lộ này"–ông Collin Koh, một học giả chuyên nghiên cứu về chương trình tàu ngầm của Đài Loan tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nói.
"Dù sao thì tàu ngầm của Hải quân Đài Loan cũng sẽ thực hiện các sứ mệnh thời bình ở Trường Sa vìĐài Loan có sở hữu đáng kể trong khu vực tranh chấp"– nhà nghiên cứu này nhận định.
Ông Koh nói thêm : "Một khi có chiến tranh ở eo biển Đài Loan, tôi tin rằng các nhà hoạch định quốc phòng Đài Loan cũng sẽ muốn đảm bảo rằng sườn phía nam của nước này thực sựđược an toàn".
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai trong khi Đài Loan hiện đang tự trị và coi mình là một quốc gia có chủ quyền.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tham dự buổi lễ khởi công xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới tại Cao Hùng, Đài Loan ngày 24/11/2020. Ảnh : Reuters
Chương trình tàu ngầm tựđóng
Theo ông Koh, tàu ngầm của Đài Loan có khả năng "tiến hành giám sát Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và lực lượng quân đội của các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ; thu thập thông tin tình báo và thậm chí tiến hành huấn luyện để tăng cường năng lực tác chiến nhằm chuẩn bị cho các tình huống xung đột khác nhau".
Ông nói : "Báo cáo của Bộ Quốc phòng chỉ là xác nhận cho những việc làm mang tính lô gíc này".
Tin tức về hoạt động tàu ngầm của Đài Loan được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc vàĐài Loan đang gia tăng. Báo cáo quốc phòng của Đài Loan dành hẳn một chương dài 12 trang để tóm tắt những mối đe dọa quân sự lớn của Trung Quốc đối với đảo quốc này đồng thời chỉ ra rằng Trung Quốc "chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan".
Để chuẩn bị cho điều đó, báo cáo đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực quân sự dưới nước của Đài Loan bao gồm việc "mua một thế hệ tàu ngầm mới và nâng cấp hệ thống tác chiến cho các tàu ngầm lớp Rồng Biển hiện có".
Đài Loan có tổng cộng bốn tàu ngầm, hai trong số này có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 và thuộc loại những tàu ngầm lâu đời nhất thế giới vẫn đang được sử dụng. Những tàu này được Mỹ chuyển giao từ những năm 1970. Hai chiếc còn lại là tàu ngầm Hải Long (Hai Lung) số hiệu SS-793 và Hải Hổ (Hai Hu - Hổ Biển) số hiệu SS-794 mua từ Hà Lan vào những năm 1980.
Theo ông Koh, mặc dù tàu ngầm Hải Long và Hổ Biển của Đài Loan "rất hiện đại khi mới ra mắt nhưng khả năng tác chiến chống tàu ngầm ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc đồng nghĩa với việc khiến chúng nhanh chóng trở nên lỗi thời ".
Đài Loan đã khởi động Chương trình Tàu ngầm Phòng thủ Bản địa vào tháng 11/2020 tại một nhà máy đóng tàu ngầm mới ở Cao Hùng – một thành phố cảng phía Nam. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đãđăng tin này trênTwitter.
Đài Bắc đặt mục tiêu mua 8 tàu ngầm diesel-điện với chi phíước tính khoảng 16 tỷ USD. Tháng 4 năm nay,Bộ Quốc phòng Đài Loan tiết lộ rằng "Mỹ và các quốc gia quan trọng ở Châu Âu cung cấp hỗ trợ"đểđóng các tàu ngầm mới.
Một tháng trước đó, Mỹđã phê duyệt việc xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, bao gồm ba loại thiết bị chính là : hệ thống thủy âm kỹ thuật số, hệ thống tác chiến tích hợp và hệ thống thiết bị phụ trợ (kính tiềm vọng) cho hạm đội này.
Leyi Qi, một nhà phân tích quân sựĐài Loan đồng thời là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do cảnh báo Đài Bắc sẽ cần phải theo dõi cẩn thận các bước đi của mình vì nguy cơ leo thang ở Biển Đông là rất cao.
"Các tàu ngầm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang hoạt động gần đó và có các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam hoạt động gần quần đảo Trường Sa"–ông Qi nói.
Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng điện-diesel từ Nga với chi phí 3,2 tỷ USD. Chiếc cuối cùng trong số sáu tàu này được giao vào năm 2017.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là có khoảng 70 tàu ngầm, trong đó có 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. TheoVăn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có khả năng sẽ tăng lên 21 chiếc vào năm 2030.
Nguồn : RFA, 12/11/2021