Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/11/2021

Biển Đông : Mỹ phạt quan chức Campuchia, hải quân Trung Quốc

RFI tổng hợp

Mỹ trừng phạt hai quan chức Cam Bốt về tham nhũng liên quan đến dự án căn cứ hải quân

Thùy Dương, RFI, 11/11/2021

Hôm 10/11/2021, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra văn bản tư vấn cho các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Cam Bốt và thông báo trừng phạt hai quan chức cấp cao của bộ Quốc Phòng Cam Bốt với cáo buộc những người này có các hành vi tham nhũng liên quan đến Ream, căn cứ hải quân lớn nhất Cam Bốt và có vị trí chiến lược quan trọng.

biendong1

Căn cứ hải quân Ream tại Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 26/07/2019.  AP - Heng Sinith

AFP cho biết, theo văn bản tư vấn do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ cùng soạn thảo, các công ty Mỹ cần tránh những hành vi tham nhũng, phạm tội ác và vi phạm nhân quyền khi kinh doanh, đầu tư và giao dịch với các thực thể Cam Bốt.

Trước đó, cũng trong ngày hôm qua 10/11/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các trừng phạt nhắm vào Tư lệnh hải quân Cam Bốt, Tea Vinh và Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục vật tư của Bộ Quốc phòng Cam Bốt. Cả hai quan chức cấp cao này đều bi cáo buộc biển thủ công quỹ từ dự án phát triển căn cứ Hải quân Ream, gần thành phố Sihanoukville.

Tài sản của hai nhân vật này tại Mỹ sẽ bị phong tỏa, bản thân họ và thân nhân bị cấm sang Mỹ du lịch. Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Cam Bốt chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. 

Các tuyên bố của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua không đề cập đến sự can dự của Trung Quốc tại căn cứ Hải quân lớn nhất nước này, nhưng căn cứ hải quân Ream mà Mỹ tài trợ cho Cam Bốt xây dựng từ lâu nay đã trở thành tâm điểm các mối căng thẳng giữa đôi bên. Washington phản đối sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc tại đây, cho rằng điều này ảnh hưởng tới chủ quyền, an ninh quốc gia của Cam Bốt và quan hệ Washington - Phnom Penh.

Hồi tháng 10/2021, Washington cáo buộc Phnom Penh thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ Ream và kêu gọi chính phủ nước này công bố toàn bộ phạm vi can dự quân sự của Bắc Kinh. 

Trong bối cảnh Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, Phnom Penh đã xích lại gần Bắc Kinh và trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. 

Thùy Dương

**********************

Lầu Năm Góc : Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất từ nay đến 2030

Thu Hằng, RFI, 09/11/2021

Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới từ nay đến năm 2030, với 460 tầu chiến các loại, theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Quốc Phòng John Kirby, khi trả lời trang USNI News ngày 08/11/2021, nhận định Hoa Kỳ là đích nhắm của Trung Quốc khi Bắc Kinh "đầu tư rất nhiều", nâng cao năng lực không quân và hải quân. 

biendong2

Mô hình chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế Trung Quốc 2021, ngày 29/09/2021, Chu Hải, Trung Quốc.  AP - Ng Han Guan

Theo ông John Kirby, dù Trung Quốc tìm cách ngăn cản Hoa Kỳ thâm nhập một số vùng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, quân đội Mỹ tiếp tục "duy trì năng lực và các chiến lược hoạt động thích hợp để thực hiện cam kết bảo vệ an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương"

Người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra những nhận định trên khi được hỏi về việc Trung Quốc lập mô hình hàng không mẫu hạm Mỹ để diễn tập tấn công hôm 07/11 tại sa mạc Taklamakan ở vùng Nhạc Khương (Ruoqiang).

Vào tuần trước, Lầu Năm Góc cũng công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Theo báo cáo này, Trung Quốc hiện có 355 tầu chiến các loại, so với 296 tầu của Mỹ (trong đó có 11 tầu sân bay), nhưng hướng đến mục tiêu 460 tầu các loại từ giờ đến năm 2030. Các nhà phân tích Mỹ, được Washington Post trích dẫn, khẳng định, nhờ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào quân đội, khẩn trương đóng nhiều tầu chiến mới, chủ yếu là tầu tuần duyên, tầu khu trục, đặc biệt là tầu hộ tống được trang bị tên lửa dẫn đường sẽ được sản xuất ở quy mô lớn, thêm 70 tầu trong thời gian tới, nhằm phục vụ kế hoạch kiểm soát Biển Đông. 

Ngoài ra, các tầu chiến đời mới nhất của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa chống hạm YJ-62 (tầm bắn 215 hải lý), YJ-18A (250 hải lý) hoặc YJ-12A (290 hải lý). Vẫn theo Washington Post, những loại tên lửa tầm xa này mang tính răn đe đối với chiến hạm Mỹ, kể cả ở khoảng cách xa, nhưng đồng thời được phát triển để đề phòng khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Thu Hằng
Read 484 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)