Sơn Hồng Đức, RFA, 10/06/2022
Campuchia tự thú nhận
Ngày 8/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cùng Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên đã làm lễ khởi công dự án cải tạo Căn cứ Hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, nhìn ra Vịnh Thái Lan [1] . Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh báo chí Mỹ tiết lộ Campuchia sẽ cho Hải quân Trung Quốc sử dụng căn cứ này, điều mà cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều cực lực phủ nhận.
Phát biểu trước hàng trăm quan khách tại buổi lễ, trong đó có cả các nhà ngoại giao nước ngoài, sau khi nhắc lại rằng "đã có những cáo buộc theo đó Căn cứ Ream sau khi được hiện đại hóa sẽ do quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng", Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh khẳng định : "Không, hoàn toàn không phải như vậy". Đối với ông Tea Banh, Căn cứ Ream "rất nhỏ" nên "sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu" [2] .
Cùng một lập luận với Bộ trưởng Campuchia, Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên cho rằng "dự án (cải tạo Căn cứ Ream) không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào" [3] . Đồng thời, ông Vương Văn Thiên cũng ca ngợi mối quan hệ sắt son với Campuchia : "Là một trụ cột vững chắc của quan hệ đối tác bền chặt như sắt đá, hợp tác quân sự Trung Quốc-Campuchia là vì lợi ích cơ bản của hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta".
Sở dĩ đại diện 2 chính quyền Phnom Penh và Bắc Kinh đã phải ra sức cải chính đó là vì ngày 6/6, nhật báo Mỹ "The Washington Post", trích dẫn một số quan chức phương Tây và Trung Quốc giấu tên, đã tiết lộ rằng chính quyền Campuchia dự trù cho quân đội Trung Quốc sử dụng một phần của Căn cứ hải quân Ream sau khi nâng cấp xong. Một quan chức phương Tây đã cho tờ báo Mỹ biết rằng các kế hoạch mở rộng căn cứ được đưa ra từ năm 2020 đã cho quân đội Trung Quốc "độc quyền sử dụng phần phía Bắc của căn cứ và sự hiện diện của lực lượng này sẽ được che giấu" [4] .
Cũng theo tờ "The Washington Post", một quan chức Trung Quốc đã xác nhận việc quân đội Trung Quốc sẽ dùng "một phần" Căn cứ Ream, nhưng phủ nhận việc Bắc Kinh được độc quyền sử dụng. Quan chức này cho biết Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trên phần Campuchia của căn cứ [5] .
Theo giới phân tích, lời xác nhận của quan chức Trung Quốc đã mặc nhiên bác bỏ tất cả những lời phủ nhận mà cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh liên tục đưa ra trước đây. Ý đồ của Trung Quốc đã thể hiện rất rõ ràng đó là, lợi dụng việc Campuchia rơi hẳn vào quỹ đạo của mình để thiết lập một căn cứ hải quân nhìn ra Vịnh Thái Lan, giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế khu vực phía Nam của Biển Đông.
Đe dọa an ninh khu vực
Chuyên gia Sam Roggeveen - Giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy của Australia - cho rằng lời xác nhận rõ ràng của một quan chức Trung Quốc là bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh quả thực đang xúc tiến việc lập căn cứ hải quân tại Campuchia. Theo chuyên gia này, căn cứ đặt tại Ream "sẽ cho phép Trung Quốc triển khai chiến hạm và tàu tuần duyên xung quanh khu vực một cách dễ dàng hơn, vì hiện diện ngay tại chỗ thay vì cần phải đi một quãng đường rất xa như trước đây" [6] . Đối với chuyên gia Australia, diễn biến liên quan đến căn cứ Ream là "một dạng mô hình thu nhỏ của một xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực, với sức mạnh chiến lược và quân sự đang chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc. Trung Quốc sẽ muốn trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở Châu Á, thậm chí có thể muốn trở thành cường quốc thống trị ở Châu Á". Theo ông Roggeveen, Bắc Kinh sẽ không thể làm được điều đó "nếu không đẩy Mỹ ra ngoài và có các căn cứ ở hải ngoại xung quanh khu vực".
Còn theo chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, sự xuất hiện của căn cứ hải quân ở Campuchia sẽ giúp Trung Quốc duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh đối đầu với khối AUKUS (liên minh giữa Anh, Australia và Mỹ) và một cuộc xung đột có thể xảy ra với Mỹ về Đài Loan. Chuyên gia này nói : "Bằng cách xây dựng cơ sở hải quân ở Campuchia, Trung Quốc đang tổ chức một khu vực phòng thủ trên biển gần trong trường hợp bị Mỹ và các đồng minh của họ gây hấn. Như đã biết, Mỹ, Anh và Australia đã thành lập khối quân sự AUKUS, thành thật mà nói, để chống Trung Quốc. Động thái này của Bắc Kinh nên được xem xét trong bối cảnh họ đối đầu với liên minh này để giành quyền thống trị ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương" [7] .
Nhà nghiên cứu Sovinda Po tại Viện Hợp tác & Hoà Bình Campuchia nhận định : "Những tin tức mới nhất về Căn cứ Hải quân Ream là một dấu chỉ thêm nữa cho thấy Mỹ không chấp nhận thực tế Campuchia và Trung Quốc đã là đối tác thân cận tại Đông Nam Á. Lý do chính đằng sau những cáo buộc thường xuyên của Mỹ là nhằm cảnh báo chính phủ Campuchia đừng qua kết thân với Trung Quốc" [8] .
Trung Quốc đã có được sức mạnh biển lớn nhất thế giới với 355 tàu chiến và dự kiến con số này lên đến 460 tàu vào năm 2030. Đây là số liệu theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc. Phía Mỹ có 297 tàu trong lực lượng chiến đấu nhưng hoạt động tại hơn 800 căn cứ quân sự ở hải ngoại.
Chuyên gia về chính sách quốc phòng ở Singapore Blake Herzinger và cũng là một sĩ quan hải quân dự bị người Mỹ cho rằng "đây là một bình thường mới, Trung Quốc sẽ tìm kiếm những căn cứ ở nước ngoài như chúng ta làm" [9] .
Mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng trong những năm gần đây bởi nhiều yếu tố gồm có sự khác biệt về quyền lợi chiến lược và địa chính trị, vấn đề nhân quyền, dân chủ và vai trò của Trung Quốc trong khu vực. Ngược lại, trong suốt thập niên qua dưới cái gọi là Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), Trung Quốc đã bơm đầu tư vào những dự án hạ tầng quan trong ở Campuchia gồm Đặc khu Kinh tế Shihanoukville, Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, sân bay quốc tế mới Siem Reap, đường sá, cầu cống và những nhà máy thủy điện. Thủ tướng Hun Sen từng phát biểu câu nổi tiếng tại một diễn đàn khu vực vào năm 2021 : "Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc thì tôi dựa vào ai ? Nếu tôi không yêu cầu Trung Quốc, thì tôi yêu cầu ai ?".
Ảnh chụp từ vệ tinh Planet Labs PBC căn cứ hải quân Campuchia ở Ream ngày 25/4/2022. Ảnh: Planet Labs PBC
Mối đe dọa đối với Việt Nam
Căn cứ quân sự này của Trung Quốc tại Campuchia sẽ là một mối đe dọa lớn đối với Việt Nam. Bằng cách triển khai quân đội của mình tại đây, Trung Quốc có thể đe dọa Việt Nam ngay tại Vịnh Thái Lan, dễ dàng thọc sâu vào khu vực biển phía Nam của nước này. Và cũng với căn cứ quân sự này, Trung Quốc có thể dần thúc đẩy việc tiến tới kiểm soát các con đường vận tải biển chiến lược gần eo biển Malacca, đồng thời thúc đẩy gia tăng sự uy hiếp đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Ảnh hưởng của Việt Nam đối với nước láng giềng Campuchia càng ngày càng trở nên mờ nhạt.
Hồi cuối năm ngoái, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có chuyến viếng thăm Campuchia, sau đó hai bên đã ra một Tuyên bố chung, trong đó có khẳng định : "Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia…" [10] .
Mặc dù tuyên bố là như vậy, nhưng rõ ràng với việc cho Trung Quốc sử dụng Căn cứ quân sự Ream, đã cho thấy Campuchia phớt lờ sự lo ngại của láng giềng Việt Nam, bỏ qua việc tham vấn ASEAN, cũng như vi phạm lại chính những cam kết của chính mình trước đó. Thế nhưng mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu theo kiểu vô thưởng vô phạt : "Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới. Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới".
Nhiều nhà nghiên cứu ngoại giao Việt Nam nhận định rằng Việt Nam gần như không có chiến lược gì để ứng phó trước các hành động "Trung Quốc hóa" như của Campuchia vừa rồi. Việt Nam chỉ có thể cố gắng níu kéo Campuchia thông qua các "lời nói suông" để ru ngủ các quan chức nước láng giềng cộng sản này. Điều này cũng thể hiện sự lạc hậu trong các học thuyết đối ngoại của Việt Nam, thế nhưng các quan chức Việt Nam vẫn "tự sướng" cho "chính sách ngoại giao cây tre" của họ. Một chuyên gia ngoại giao lâu năm cho rằng nên gọi chính sách ngoại giao của Việt Nam là "chính sách ngoại giao cây thèn thẹn" thì hơn. Cây thèn thẹn hay còn gọi tên khác là cây mắc cỡ hay cây xấu hổ, cứ thấy có gì động vào thì lập tức co mình lại. Chính sách này mới đúng để diễn tả cho nền ngoại giao Việt Nam, luôn dị ứng trước các phản biện.
Với sự lạc hậu về chính sách đối ngoại sẽ khiến Việt Nam sẽ khó giữ được các quan hệ an ninh với các "phên dậu láng giềng". Những bất ổn bắt đầu dần dần tăng lên, đe dọa tới quốc gia này.
Sơn Hồng Đức
Nguồn : RFA, 10/06/2022
[1] https://www.khmertimeskh.com/501090872/cambodia-starts-rehabilitating-ream-naval-base/
[2] https://www.globaltimes.cn/page/202206/1267592.shtml
[3] https://www.globaltimes.cn/page/202206/1267592.shtml
[4] https://www.washingtonpost.com/politics/china-cambodia-breaking-ground-on-joint-port-project/2022/06/07/fd37c9b4-e64a-11ec-a422-11bbb91db30b_story.html
[5] https://www.washingtonpost.com/politics/china-cambodia-breaking-ground-on-joint-port-project/2022/06/07/fd37c9b4-e64a-11ec-a422-11bbb91db30b_story.html
[6] https://astraherald.com/chinese-military-to-have-exclusive-use-of-parts-of-cambodian-naval-base/
[7] https://vn.sputniknews.com/20220608/chuyen-gia-trung-quoc-can-can-cu-hai-quan-o-campuchia-de-chong-lai-aukus--15532915.html
[8] https://www.rfa.org/english/news/cambodia/china-base-06082022100523.html
[9] https://twitter.com/bdherzinger/status/1534036893125705730
[10] https://www.vietnamplus.vn/tuyen-bo-chung-viet-namcampuchia-nhan-chuyen-tham-cua-chu-tich-nuoc/764407.vnp
********************
RFA, 09/06/2022
Việt Nam trả lời chung chung khi được hỏi về tin quân cảng Ream ở Campuchia mới được tiến hành lễ động thổ vào ngày 8/6.
Các quan chức Campuchia và Trung Quốc tham gia lễ động thổ tại Căn cứ Hải quân Ream vào ngày 8 tháng 6. Ảnh Tea Banh / Facebook
Truyền thông Nhà nước dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thi Thu Hằng khi được hỏi về tin vừa nêu với nhận định đó là căn cứ mà Trung Quốc có thể sử dụng để tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nhắc lại "quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn mong muốn duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vuộng ở khu vực và trên thế giới".
Như tin Đài Á Châu Tự Do loan, vào ngày 8/6 Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Xứ Chùa Tháp Vương Văn Thiên tham dự lễ động thổ Căn cứ Hải quân Ream ở Preah Sihanouk.
Việt Nam dù quan ngại về diễn biến này nhưng không nói ra, trong khi các nhà chiến lược quân sự ở Hà Nội được cho biết theo dõi sát mọi diễn biến bên kia biên giới ở Xứ Chùa Tháp.
Campuchia và Trung Quốc luôn cho rằng ‘việc cải tạo căn cứ Ream chỉ nhằm tăng cường khả năng hải quân của Xứ Chùa Tháp trong công tác bảo vệ toàn vẹn vùng biển và chống tội ác trên biển".
Nguồn : RFA, 09/06/2022
Thùy Dương, RFI, 11/11/2021
Hôm 10/11/2021, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra văn bản tư vấn cho các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Cam Bốt và thông báo trừng phạt hai quan chức cấp cao của bộ Quốc Phòng Cam Bốt với cáo buộc những người này có các hành vi tham nhũng liên quan đến Ream, căn cứ hải quân lớn nhất Cam Bốt và có vị trí chiến lược quan trọng.
Căn cứ hải quân Ream tại Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 26/07/2019. AP - Heng Sinith
AFP cho biết, theo văn bản tư vấn do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ cùng soạn thảo, các công ty Mỹ cần tránh những hành vi tham nhũng, phạm tội ác và vi phạm nhân quyền khi kinh doanh, đầu tư và giao dịch với các thực thể Cam Bốt.
Trước đó, cũng trong ngày hôm qua 10/11/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các trừng phạt nhắm vào Tư lệnh hải quân Cam Bốt, Tea Vinh và Chau Phirun, tổng cục trưởng Tổng cục vật tư của Bộ Quốc phòng Cam Bốt. Cả hai quan chức cấp cao này đều bi cáo buộc biển thủ công quỹ từ dự án phát triển căn cứ Hải quân Ream, gần thành phố Sihanoukville.
Tài sản của hai nhân vật này tại Mỹ sẽ bị phong tỏa, bản thân họ và thân nhân bị cấm sang Mỹ du lịch. Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Cam Bốt chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Các tuyên bố của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua không đề cập đến sự can dự của Trung Quốc tại căn cứ Hải quân lớn nhất nước này, nhưng căn cứ hải quân Ream mà Mỹ tài trợ cho Cam Bốt xây dựng từ lâu nay đã trở thành tâm điểm các mối căng thẳng giữa đôi bên. Washington phản đối sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc tại đây, cho rằng điều này ảnh hưởng tới chủ quyền, an ninh quốc gia của Cam Bốt và quan hệ Washington - Phnom Penh.
Hồi tháng 10/2021, Washington cáo buộc Phnom Penh thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ Ream và kêu gọi chính phủ nước này công bố toàn bộ phạm vi can dự quân sự của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, Phnom Penh đã xích lại gần Bắc Kinh và trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Thùy Dương
**********************
Thu Hằng, RFI, 09/11/2021
Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới từ nay đến năm 2030, với 460 tầu chiến các loại, theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Quốc Phòng John Kirby, khi trả lời trang USNI News ngày 08/11/2021, nhận định Hoa Kỳ là đích nhắm của Trung Quốc khi Bắc Kinh "đầu tư rất nhiều", nâng cao năng lực không quân và hải quân.
Mô hình chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế Trung Quốc 2021, ngày 29/09/2021, Chu Hải, Trung Quốc. AP - Ng Han Guan
Theo ông John Kirby, dù Trung Quốc tìm cách ngăn cản Hoa Kỳ thâm nhập một số vùng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, quân đội Mỹ tiếp tục "duy trì năng lực và các chiến lược hoạt động thích hợp để thực hiện cam kết bảo vệ an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra những nhận định trên khi được hỏi về việc Trung Quốc lập mô hình hàng không mẫu hạm Mỹ để diễn tập tấn công hôm 07/11 tại sa mạc Taklamakan ở vùng Nhạc Khương (Ruoqiang).
Vào tuần trước, Lầu Năm Góc cũng công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Theo báo cáo này, Trung Quốc hiện có 355 tầu chiến các loại, so với 296 tầu của Mỹ (trong đó có 11 tầu sân bay), nhưng hướng đến mục tiêu 460 tầu các loại từ giờ đến năm 2030. Các nhà phân tích Mỹ, được Washington Post trích dẫn, khẳng định, nhờ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào quân đội, khẩn trương đóng nhiều tầu chiến mới, chủ yếu là tầu tuần duyên, tầu khu trục, đặc biệt là tầu hộ tống được trang bị tên lửa dẫn đường sẽ được sản xuất ở quy mô lớn, thêm 70 tầu trong thời gian tới, nhằm phục vụ kế hoạch kiểm soát Biển Đông.
Ngoài ra, các tầu chiến đời mới nhất của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa chống hạm YJ-62 (tầm bắn 215 hải lý), YJ-18A (250 hải lý) hoặc YJ-12A (290 hải lý). Vẫn theo Washington Post, những loại tên lửa tầm xa này mang tính răn đe đối với chiến hạm Mỹ, kể cả ở khoảng cách xa, nhưng đồng thời được phát triển để đề phòng khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan.
Thu Hằng
Biển Đông : Mỹ lại điều tàu tuần tra gần Hoàng Sa (RFI, 30/11/2018)
Hôm thứ Hai 26/11/2018 vừa qua, một tuần dương hạm Mỹ đã được phái đến tuần tra trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông hiện đang nằm trong tay Trung Quốc.
Tàu chiến Mỹ USS Chancellorsville (CG-62) đang vào cảng Hồng Kông, ngày 21/11/2018. ANTHONY WALLACE / AFP
Thông tin về chuyến tuần tra mới nhất của Hải Quân Mỹ gần Hoàng Sa đã được kênh truyền hình Mỹ CNN loan báo hôm qua, 29/11, trích dẫn hai quan chức Mỹ cao cấp.
Trong một thông báo, thiếu tá Hải Quân Nathan Christensen, phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ xác nhận : "Tuần dương hạm USS Chancellorsville đã di chuyển trong vùng phụ cận quần đảo Hoàng Sa để thách thức yêu sách chủ quyền trên biển quá đáng (của Trung Quốc), cũng như duy trì quyền tiếp cận vùng biển theo luật pháp quốc tế".
Thiếu tá Christensen nhắc lại : "Lực lượng Mỹ hoạt động hàng ngày trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Mọi hoạt động của Mỹ đều phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm cho thấy là Mỹ có thể điều động chiến hạm và phi cơ đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Một quan chức Mỹ khác cho biết thêm, khi thực hiện chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải gần Hoàng Sa, tuần dương hạm USS Chancellorsville đã bị một chiếc tàu Trung Quốc bám theo, nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xẩy ra.
Hai quan chức Mỹ cũng xác nhận là Trung Quốc đã chính thức gởi công hàm ngoại giao để phản đối hoạt động của chiếc USS Chancellorsville tại Hoàng Sa.
Giới quan sát đặc biệt ghi nhận tần suất dồn dập của các chiến dịch tuần tra của lực lượng Mỹ trên Biển Đông. Vào cuối tháng 9/2018, Hoa Kỳ đã phái khu trục hạm USS Decatur đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa đang nằm trong tay Trung Quốc.
Vào khi ấy, một khu trục hạm Trung Quốc đã xông ra cắt đường tàu Mỹ, suýt gây nên sự cố. Washington đã tố cáo một hành vi "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".
CNN trích dẫn thống kê của quân đội Mỹ ghi nhận 18 vụ "chạm trán không an toàn" trên biển với lực lượng Trung Quốc ở Thái Bình Dương từ năm 2016 đến nay.
Chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải của Mỹ gần Hoàng Sa được tung ra hai hôm trước một chiến dịch tương tự với khu trục hạm Mỹ USS Stockdale và tàu tiếp liệu USNS Pecos đi ngang qua eo biển Đài Loan vào ngày 28/11.
Mục tiêu gây áp lực tối đa đối với Trung Quốc của hai động thái gần như đồng thời này - chiến thuật lưỡng diện giáp công trên biển - không thể không rõ ràng hơn, vào lúc mà tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gay gắt.
Trọng Nghĩa
*****************
Việt Nam tìm kiếm hợp tác để đối phó với Trung Quốc (RFI, 30/11/2018)
Lập đội tầu ngầm, mua thêm tầu chiến, tầu hộ tống mới, mở cảng đón tầu chiến nước ngoài hay tham gia các cuộc tập trận hải quân với nhiều nước khác… Tất cả những điều đó cho thấy những năm gần đây Việt Nam đang nỗ lực tăng cường sức mạnh cho hải quân nhằm đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam mua 6 tầu ngầm hạng Kilo của Nga - @wikipedia.org
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Defense & Sécurité Internationale (Quốc Phòng và An Ninh Quốc Tế), ông Wu Shang-Su, chuyên gia về chiến lược quân sự trường S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University tại Singapore, cho rằng trong một thế tương quan lực lượng bất cân xứng, Việt Nam buộc phải tìm kiếm các mối hợp tác để đối phó với Trung Quốc. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
RFI : So với sự phát triển của hải quân Trung Quốc hay Nhật Bản, Việt Nam có vẻ kín đáo hơn dù là nước này đang gia tăng sức mạnh của mình. Việc tăng cường này sẽ tác động đến thế cân bằng quân sự trên Biển Đông như thế nào ?
Wu Shang-Su : Liên quan đến các việc đã làm được và tiềm năng phát triển, hải quân Việt Nam không thể sánh với Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực hải quân có thể vẫn có tác động, dưới nhiều hình thức.
Thứ nhất, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều kịch bản, từ xung đột vũ trang ở cường độ thấp đến trung bình, thậm chí có thể gây thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc trong một cuộc xung đột ở mức độ cao.
Thứ hai, cho dù các thủy thủ của Việt Nam tương đối ít có kinh nghiệm và khả năng kháng cự ngắn ngủi, nhưng khi có xung đột, sáu chiếc tầu ngầm của Việt Nam có thể sẽ tạo ra một sự bất định, gây phức tạp cho các tính toán của các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc.
Thứ ba, trong kịch bản xảy ra cuộc chiến toàn diện, lãnh thổ Việt Nam, đảo Hải Nam, khu căn cứ của Hạm đội phương Nam, nơi neo đậu của những chiếc tầu ngầm hạt nhân phóng tên lửa của Trung Quốc, đều nằm trong tầm bắn của cả hai phía.
Cuối cùng, vì hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải đối mặt với nhiều kẻ thù hơn là đồng nghiệp Việt Nam, mọi thiệt hại hay tổn thất quan trọng, thậm chí Việt Nam còn có thể xác định và khoanh vùng một số lực lượng của Trung Quốc, tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến thế cân bằng của các cường quốc hải quân trên nhiều mặt trận khác, trong đó có mặt trận Trung – Nhật ở biển Hoa Đông.
RFI : Với 6 chiếc tầu ngầm, nhiều tầu chiến và tầu hộ tống mới, hải quân Việt Nam đã có được thế mạnh nào đó. Việc tăng cường quân lực có được tiếp tục hay không ? Hải quân Việt Nam đã biết cách khai thác các khả năng mới này chưa ?
Wu Shang-Su : Theo các thông tin công khai, Hà Nội đã không mua các thiết bị hải quân có kỹ thuật cao hơn. Điều đó có thể cho thấy sự hạn hẹp về ngân sách hay nhân lực, thậm chí là cả hai. Chi phí mua, đào tạo và bảo trì cao có lẽ đã cản trở Việt Nam tăng cường sức mạnh hải quân, chí ít trong tạm thời.
Về việc huấn luyện, thông tin được bảo mật rất kỹ. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng Việt Nam cần một khoảng thời gian, rất có thể là vài năm, thậm chí là một thập niên, để các thủy thủ làm chủ được các trang thiết bị này. Về phần tác chiến liên binh chủng, thời hạn huấn luyện có thể còn lâu hơn.
RFI : Ông còn là tác giả của nhiều bài viết về tính hữu ích của các pháo đài trên biển. Liệu có những điểm đồng dạng nào với việc quân sự hóa các đảo nhỏ ở Biển Đông hay không ?
Wu Shang-Su : Đúng là người ta có đề nghị tôi so sánh ý tưởng của tôi với tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, khối lượng thiết bị, vũ khí tại phần lớn các vị trí đều quá thấp để có thể gọi là pháo đài. Các vị trí quân sự của Trung Quốc có vẻ gần giống như chỉ để triển khai các loại tên lửa địa đối không và chống tầu chiến.
Nhưng hiện vẫn chưa có một thông tin nào cho phép xác định xem những công trình xây dựng đó có thể chống chọi được với các đợt tấn công bằng các loại đạn được dẫn đường chính xác hay các loại bom hạng nặng. Theo các ảnh vệ tinh, những cơ sở quân sự này của Trung Quốc có thể vẫn chưa đủ kiên cố.
RFI : Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang chiếm giữ và quân sự hóa nhiều đảo nhỏ. Vậy họ làm thế nào bảo vệ chúng chống lại được sức mạnh ngày càng được tăng cường ồ ạt của Trung Quốc ?
Wu Shang-Su : Theo những nguồn tin công khai, việc quân sự hóa các vị trí xa bờ của Việt Nam chỉ ở mức khiêm tốn, có thể không có triển khai tên lửa, ngoại trừ hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) hay các hệ thống vũ khí hiệu quả khác. Do vậy, việc bắn chặn hay gây nhiễu đúng lúc các căn cứ trên bộ sẽ có ý nghĩa quyết định. Có thể trong một tương lai không xa, các vũ khí thiết bị của những chốt quân sự này cũng sẽ được hiện đại hóa nhằm ngăn chận các lực lượng Trung Quốc thực hiện việc đã rồi.
RFI : Hợp tác sẽ là vấn đề chủ chốt bảo đảm an ninh cho Việt Nam (giống như bao quốc gia khác), nhưng vì các nguyên nhân lịch sử, việc hợp tác cũng có thể khó thực thi. Triển vọng hợp tác với Nhật Bản, Pháp hay Mỹ ra sao ?
Wu Shang-Su : Không như Philippines, Việt Nam triển khai nhiều nỗ lực quan trọng tìm kiếm hợp tác với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là với Nga và Ấn Độ. Đối với ba nước, hợp tác trong lĩnh vực tuần duyên có lẽ là khả dĩ nhất và nhiều dự án đang được tiến hành giữa Việt Nam và Nhật Bản, thậm chí cả Hoa Kỳ.
Nước Pháp khó có thể gởi các tầu tuần duyên sang Châu Á, nhưng vẫn có thể có các cuộc gặp, trao đổi giữa nhân sự hai bên cũng như nhiều hoạt động khác. Do phạm vi các cuộc tập trận hải quân là khá rộng, từ tìm kiếm và cứu hộ sang cả chiến đấu liên binh chủng, Nhật Bản, Pháp và Mỹ cũng có thể tìm ra được những cuộc luyện tập thỏa mãn các bên.
Tuy nhiên, hải quân Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng mạnh của Nga trên phương diện học thuyết cũng như là phương tiện, có thể sẽ là một trở ngại cho sự hợp tác. Vả lại, vào lúc các thủy thủ Việt Nam đang dồn sức để làm chủ năng lực chiến đấu của mình, khả năng sẵn sàng hợp tác của họ dường như là có hạn.
Minh Anh
*****************
Chiến hạm Mỹ lại băng qua eo biển Đài Loan (RFI, 29/11/2018)
Lần thứ ba trong năm 2018, ngày 28/11/2018, các chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ lại băng qua eo biển Đài Loan. Theo lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, khu trục hạm USS Stockdale và tàu tiếp nhiên liệu USNS Pecos đã đi qua eo biển này trong một chuyến hải hành "bình thường". Phát ngôn viên này khẳng định là "Hải Quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Khu trục hạm USS Stockdale của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh minh họa. CC/U.S. Navy
Theo lời một quan chức Mỹ nói với hãng tin AFP, ngày 28/11, các chiến hạm của Trung Quốc cũng đã có mặt ở vùng eo biển Đài Loan, những trao đổi giữa các chiến hạm này với chiến hạm Mỹ diễn ra một cách "an toàn" và "chuyên nghiệp".
Bắc Kinh đã từng phản đối Washington sau khi hai chiến hạm Mỹ ngày 22/10 đi qua eo biển nằm giữa Đài Loan với Trung Hoa lục địa, xem đây là một hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Vào lúc đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tuyên bố : "Vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Đây là hồ sơ quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung".
Hoa Kỳ lại đưa chiến hạm đến eo biển Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với Washington vẫn không giảm đi. Ngày 28/11, đại diện Thương Mại của Mỹ Robert Lighthizer đã ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc không cải tổ chính sách thương mại. Ông Lighthizer còn dọa là Mỹ sẽ đánh thuế lên xe hơi của Trung Quốc để đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế 40% lên xe hơi nhập từ Hoa Kỳ.
Đại diện Thương Mại Mỹ tuyên bố như trên vào lúc tổng thống Donald Trump dự trù gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina để bàn về thương mại. Theo lời một cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, ông Larry Kudlow, tổng thống Trump cho rằng hai bên có khả năng đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp này.
Thanh Phương
Cường quốc hải quân Trung Quốc mạnh đến mức nào ?
Trung Quốc, Nga và Mỹ vẫn là những tâm điểm thời sự của các báo Pháp. Báo Le Monde đặc biệt chú ý đến Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Nhật báo Pháp có bài viết dài về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhất là lực lượng hải quân, khiến Mỹ không thể không quan tâm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) phát biểu trong cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, ngày 12/04/2018 - Li Gang/Xinhua via Reuters
Thực sự thì sức mạnh trên biển của Trung Quốc đã tiến đến đâu và mục đích để làm gì ? Đặc phái viên của Le Monde, Brice Pedroletti, trong bài "Trung Quốc, cường quốc hải quân nổi lên ở phương Đông", cho thấy "hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa đáng kể từ năm 2010. Tại Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương, hải quân Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận ngày càng quy mô và hiện đại. Đó là điều báo động Washington".
Nhắc lại hình ảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân gần đây, hồi tháng 4/2018, chủ tịch Tập Cận Bình trong bộ đồ lính rằn ri, có mặt trên chiến hạm Trường Sa, trực tiếp phát lệnh mở màn cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có ngoài khơi đảo Hải Nam. Những hình ảnh đó đã được truyền hình trực tiếp cùng với lời tuyên bố đầy tự đắc của ông Tập trên cương vị tổng chỉ huy quân đội rằng : "Giờ đây hải quân Trung Quốc đã trỗi dậy với một hình ảnh mới hoàn toàn". Tác giả bài báo nhận định "tham vọng cường quốc hải quân của Trung Quốc đang vượt ra ngoài lĩnh vực phòng thủ bờ biển hay kiểm soát vùng biển của họ, mà bao gồm cả nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài".
Theo Le Monde, những tiến bộ nhanh chóng của hải quân Trung Quốc được thúc đẩy mạnh từ năm 2012, năm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao trong đảng và quân đội. Từ đó đến nay hạm đội tàu chiến Trung Quốc đã được bổ sung thêm hơn 20 chiếc, trong đó đặc biệt có tàu sân bay Liêu Ninh, được tân trang từ tàu cũ mua lại của Ukraine.
Hơn chục ngày sau cuộc tập trận khổng lồ nói trên, ngày 23/04/2018, một chiếc tàu sân bay thứ 2, lần này do Trung Quộc tự đóng, được chạy thử ngoài khơi thành phố Đại Liên (đông Trung Quốc). Hiện tại Hải quân Trung Quốc đã có hơn 300 chiến hạm. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, đội tàu này đang được hiện đại hóa, khiến giới quan sát phải sửng sốt.
Bài báo dẫn nhà sử học hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, Alexandre Sheldon-Duplaix, nhận định, trong lĩnh vực hải quân, "người Mỹ luôn nói rằng người Trung Quốc đi chậm hơn hai chục năm. Nhưng giờ không phải thế. Kết hợp hiện đại hóa với tăng số lượng, ta có thể nói hải quân Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới, trên cả hải quân Nga". Nhà nghiên cứu này giải thích thêm : "Trung Quốc vẫn còn yếu về hạng mục tàu ngầm hạt nhân các loại so với Mỹ cũng như Nga cả về công nghệ cũng như số lượng.Tuy nhiên trong hạng mục khu trục hạm, tuần dương hạm, tàu tác chiến, hải quân Trung Quốc đã đạt trình độ gần như ngang bằng với các nước phương Tây". Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục đóng thêm tới 4 -5 chiếc hàng không mẫu hạm, dựa trên mô hình của Mỹ hiện tại.
Theo tác giả bài báo, điều đáng báo động đối với Mỹ không phải là những tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ của hải quân Trung Quốc, mà là ở chiến lược bành trướng quốc tế. Điều này đã được Bắc Kinh nêu rõ trong sách trắng về chiến lược quân sự, theo đó "mối quan tâm lớn" của Trung Quốc là "lợi ích của họ ở nước ngoài và bảo đảm an toàn các tuyến đường thông thương chiến lược trên biển". Trung Quốc đang khẩn trương triển khai việc mở căn cứ quân sự ở Djibouti. Tất cả mới chỉ là những bước chuẩn bị cho các chiến dịch ở xa biên giới của họ trong tương lai.
Trang bị ồ ạt và lỗ hổng kinh nghiệm
Mặc dù vậy theo các chuyên gia, "mặc dù có sự lột xác kỳ diệu như hiện tại, hải quân Trung Quốc vẫn thiếu nghiêm trọng kinh nghiệm tác chiến". "Trung Quốc cho đóng các tàu chiến lớn, hiện đại, nhưng thường là không có đủ kiến thức để sử dụng các công nghệ mà họ đang sở hữu",một chuyên gia về hải quân Châu Âu nhận định.
Hồi tháng 5 vừa qua, tổng thống Mỹ, Donald Trump quyết định không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Rimpac, để cảnh cáo việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Hải quân Trung Quốc như vậy đã mất đi một cơ hội lớn để tích lũy kinh nghiệm tác chiến quy mô quốc tế. Trung Quốc chỉ còn có hải quân Nga, để có thể tập dượt cùng ở trình độ chuyên môn cao. Hai nước này vẫn thường xuyên có các cuộc diễn tập chung, như tại Địa Trung Hải năm 2015, Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) vào năm 2016 hay 2017 ở biển Baltic và biển Nhật Bản.
Theo bài báo, hải quân Trung Quốc đẩy mạnh các chuyến hoạt động xa khơi và các cuộc diễn tập ngày càng hiện đại trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Từ năm 2012, Bắc Kinh đã dựng lên một tuyến phòng thủ hải quân ngoài khơi xa, bằng việc bồi đắp, biến 7 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa thành các cơ sở quân sự phục vụ cho hải quân. Mục đích là trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, đó sẽ là các chốt ngăn chặn Mỹ vào Biển Đông, đặc biệt là tiếp cận với Đài Loan.
Đáp lại, hải quân Mỹ củng cố mối liên minh trong vùng. Năm nay bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ (Pacom) đổi tên thành USS-Indopacom, tức thêm phần Ấn Độ Dương. Hải quân Mỹ vẫn trêu ngươi Trung Quốc bằng những chiến dịch nhân danh "tự do lưu thông hàng hải" trên Biển Đông, đưa tàu tuần tra trong vùng biển, mà Mỹ coi là của quốc tế nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.
Trong cuộc cạnh tranh ở Châu Á này, hải quân Mỹ vẫn còn tiến trước xa so với Trung Quốc. Hải quân Mỹ hiện diện trên quy mô toàn cầu với các hạm đội cùng 18 nghìn lính triển khai ở nhiều vùng biển. Mỹ vẫn còn nhiều căn cứ quân sự lớn ở nước ngoài, với một lực lượng không quân hùng hậu có thể hỗ trợ cho tác chiến trên biển.
Le Monde rút ra nhận xét : "Thực tế, Bắc Kinh chắc chắn không lao vào cuộc đấu để thay thế Washington trong vai trò sen đầm thế giới, nhưng họ đã cho thấy rõ ý đồ muốn phổ biến các chuẩn mực, giá trị theo mô hình toàn trị của họ".
Nga mời Trung Quốc tập trận lớn để chứng tỏ không đơn độc
Vẫn liên quan đến các cuộc tập trận phô trương sức mạnh quân sự, nhật báo Le Monde còn có bài "Trò chơi chiến tranh Nga-Trung tại Siberi". Bài báo đề cập đến sự kiện bắt đầu từ ngày 11/9 đến 15/9, Matxcơva phối hợp với Bắc Kinh tổ chức cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã.
Theo như thông báo của quân đội Nga từ đầu tháng này, cuộc tập trận năm nay huy động 1000 máy bay các loại, 36 nghìn chiến xa gồm xe tăng, xe bọc thép, xe pháo binh, 80 tàu chiến. Trung Quốc cử 3200 quân cùng hàng chục máy bay tham gia tập trận chung với Nga.
Mặc dù cả Trung Quốc và Nga đều khẳng định đây là hoạt động hợp tác quân sự thường kỳ giữa hai nước. Nhưng theo Le Monde, "với Kremlin, điều quan trọng nhất là chứng minh rằng nước Nga không bị cô cập trên phương diện ngoại giao cũng như quân sự".
Từ khi bị phương Tây trừng phạt vì can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine, tổng thống Vladimir Putin không ngừng tăng cường hợp tác nhiều mặt với láng giềng Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên : Lễ kỷ niệm mang nhiều thông điệp
Liên quan đến bán đảo Triều Tiên, nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay đều chú ý đến sự kiện "diễu binh không tên lửa" trong lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập chế độ Bình Nhưỡng hôm qua (09/09/2018) với cùng một nhận xét là Kim Jong-un đã tỏ "khiêm nhường" hơn.
Le Figaro ghi nhận không giống như vào các dịp kỷ niệm trọng đại trước, lần này Bình Nhưỡng đã tỏ ra kiềm chế không phô trương sức mạnh hạt nhân với các đầu đạn tên lửa liên lục địa, các vũ khí hủy diệt hạng nặng trong cuộc diễu binh truyền thống. Động thái này của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng được cho là phù hợp với những biến chuyển tình hình trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang có chiều hướng bế tắc.
Theo Le Figaro, với việc tạm cất các vũ khí răn đe vào kho, chế độ Kim Jong Un một lần nữa cho thấy họ làm chủ về truyền thông và tiến trình sự việc, tránh gây tổn hại đến hình ảnh một chế độ đang thiện chí giải quyết hồ sơ hạt nhân.
Điểm mới nữa của lễ kỷ niệm lần này là lãnh tụ Bắc Triều Tiên có mặt trên khán đài, nhưng nhường quyền đọc diễn văn cho nhân vật thứ 2 Kim Yong-nam, chủ tịch Quốc Hội, với nội dung đặt trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế. Một hình ảnh khác mang nhiều hàm ý được tờ báo ghi nhận đó việc ông Kim Jong-un, giương cao tay nắm với ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật được coi là số 3 của chế độ Bắc Kinh, sang Bình Nhưỡng dự kỷ niệm. Giới quan sát đánh giá đó là hành động chứng tỏ quan hệ với láng giềng lớn đã ấm lại nhanh chóng, vì mục đích kinh tế cấp bách đồng thời gửi một thông điệp đến Mỹ rằng Bắc Triều Tiên không để bị cô lập hoàn toàn.
Le Figaro nhận định, sự suy yếu về kinh tế sẽ khiến cho phạm vi hành động ngoại giao của Bình Nhưỡng bị co hẹp lại và như vậy sẽ góp phần làm các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc hơn. Bình Nhưỡng muốn nhanh chóng gỡ bỏ trừng phạt để giải tỏa nền kinh tế, nhưng vẫn vấp phải "bức tường" mang tên Donald Trump. Biết được điểm yếu và để đề phòng khủng hoảng, lãnh tụ Bắc Triều Tiên hiểu phải chú trọng quan hệ với tổng thống Mỹ, đồng thời cũng rất rắn trong thương lượng. Thứ Tư vừa rồi, Kim Jong-un khi tiếp đặc sứ của tổng thống Hàn Quốc, vẫn khẳng định lại cam kết ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. "Nhưng ông cũng kêu gọi Washington cũng phải dịu xuống, để đáp lại các nỗ lực của Bắc Triều Tiên từ đầu năm đến giờ. Điểm mấu chốt của vấn đề là ở Washington và Bình Nhưỡng", Le Figaro kết luận.
Anh Vũ
Quân ủy Trung ương Trung Quốc kiểm soát Hải cảnh tăng nguy cơ xung đột Biển Đông (VOA, 27/03/2018)
Quyết định của Trung Quốc chuyển giao quyền kiểm soát lực lượng tuần duyên hay "Hải Cảnh" cho lực lượng cảnh sát vũ trang dưới quyền chỉ huy của Quân ủy Trung uơng Trung Quốc, đã làm tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột do tính toán sai lầm trong vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu Tuần duyên Trung Quốc.
Hải cảnh Trung Quốc trước đây nằm dưới quyền quản lý dân sự của Cơ quan Hải dương Nhà nước, nay đã được chuyển giao cho Cảnh sát Vũ trang do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát, theo một thông báo của Bắc Kinh vào tuần rồi.
Quyết định này sẽ giúp cho Chủ tịch Tập Cận Bình, trong tư cách Tổng Tư lệnh quân đội, có thêm quyền lực trực tiếp để kiểm soát các tàu thuyền nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực.
Động thái này tinh giản hóa đội ngũ chỉ huy của Lực lượng hải cảnh Trung Quốc nhưng cũng gây sự nhập nhằng trong mối quan hệ giữa các tàu tuần tra quân sự và tàu tuần tra dân sự tại các điểm tranh chấp căng thẳng trong khu vực, như Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Chính sự mơ hồ và nhập nhằng đó có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự không có chủ ý, do cách hành xử hung hăng hơn của các tàu "vỏ trắng" của lực lượng tuần duyên nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ của TQ.
Hôm 21/3 Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tiến trình tập trung kiểm soát lực lượng hải cảnh gồm 200 tàu vốn đã được thành lập vào năm 2013, sau khi sáp nhập bốn cơ quan hàng hải khác nhau.
Quân Ủy Trung Ương, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, đã thu tóm lực lượng Cảnh Sát Vũ Trang Nhân dân (PAP) vào tháng 12/ 2017.
Trong khi Lực lượng Tuần duyên của Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng tuần duyên của Nhật Bản và Philippines trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Nhưng tuần duyên của ba nước này nếu gộp chung, vẫn chưa bằng quy mô của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.
Tuần duyên của Hoa Kỳ trực thuộc Bộ An ninh Nội địa, nhưng khi có chiến tranh Tổng thống có quyền kiểm soát cả lực lượng này bằng cách chuyển giao quyền kiểm soát lực lượng tuần duyên sang cho Hải quân Hoa Kỳ.
********************
Phát hiện tàu sân bay Trung Quốc cùng 40 chiến hạm ở Biển Đông (RFI, 27/03/2018)
Tàu sân bay của Trung Quốc cùng hàng chục chiến hạm hộ tống sắp tham gia một cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông. Theo hãng Reuters ngày 26/03/2018, nhiều bức ảnh vệ tinh vừa được công bố đã cho thấy chiếc Liêu Ninh và khoảng 40 chiến hạm Trung Quốc xếp đội hình di chuyển trên Biển Đông ở khu vực ngoài khơi đảo Hải Nam.
Ảnh vệ tinh phát hiện tàu sân bay Trung Quốc tại Biển Đông. Reuters
Ảnh chụp của Planet Labs mà Reuters tham khảo được cho thấy chiếc tàu sân bay của Trung Quốc được khoảng 40 chiến hạm và tàu ngầm hộ tống, di chuyển theo đội hình.
Đối với Reuters, đây là một động thái phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh hơn là một hoạt động tập trận thông thường như đã được thông báo, vì đoàn tàu chiến khá hùng hậu lại di chuyển theo đội hình, theo hai hàng dọc, với tàu sân bay Liêu Ninh ở trung tâm, mang tính phô trương hình thức để tuyên truyền, hơn là tập luyện chiến đấu thực thụ.
Nhà phân tích Collin Koh, chuyên gia về an ninh thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore, đã ghi nhận tính chất hùng hậu bất thường và phạm vi hoạt đông của đội tàu : "Dựa trên ảnh vệ tinh, có vẻ Bắc Kinh muốn phô diễn năng lực hợp đồng tác chiến của Hải Quân, cho thấy lực lượng thuộc Hạm Đội Nam Hải có khả năng phối hợp với hải đội tác chiến tàu sân bay đến từ cảng Đại Liên ở phía bắc…"
Hải Quân và Hải Cảnh Trung Quốc được mở rộng đáng kể trong những năm qua, nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu và hợp đồng tác chiến của các lực lượng này vẫn ít được biết tới.
Trọng Nghĩa
*******************
Trung Quốc điều hàng chục tàu chiến ra Biển Đông (RFA, 27/03/2018)
Hàng chục tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc vào tuần này đang tiến hành tập trận cùng hàng không mẫu hạm của nước này ngoài khơi đảo Hải Nam nhằm phô trương sức mạnh.
Một hình ảnh vệ tinh cho thấy đoàn tàu chiến của Trung Quốc dàn hàng song song nhau. Reuters
Các hình ảnh vệ tinh mà hãng tin Reuters được Công ty Planet Labs cung cấp chứng minh cho hoạt động đó. Theo những hình ảnh vệ tin này thì Trung Quốc điều hàng chục tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và cả tàu sân bay ra ngoài khơi đảo Hải Nam.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu chiến Trung Quốc dàn đội hình hàng dọc trước và sau tàu sân bay Liêu Ninh.
Cụ thể có ít nhất 40 tàu chiến các loại bao gồm tàu mặt nước, tàu ngầm di chuyển theo đội hình đường thẳng song song. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của các tàu tiếp nhiên liệu cỡ lớn, tàu pháo và tàu tên lửa tấn công nhanh hai thân.
Một số chuyên gia cho rằng đây là hoạt động nhằm phô diễn sức mạnh quân sự lớn hiếm thấy của Hải quân Trung Quốc. Các chuyên gia cũng nhận định sự xuất hiện của hàng chục tàu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông lần này và cách chúng tạo thành đội hình cho thấy mục đích chính của Bắc Kinh là muốn tuyên truyền hình ảnh về sức mạnh quân sự.
Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia an ninh thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Middlebury của Mỹ, nói rằng những hình ảnh này là minh chứng khẳng định tàu sân bay Liêu Ninh đã tham gia tập trận trên Biển Đông.
Theo cơ quan quốc phòng Đài Loan, tàu sân bay Liêu Ninh cùng các tàu hộ tống đã đi ngang qua phía nam Đài Loan, hướng thẳng về khu vực Biển Đông ngày 25 tháng 3. Thông tin được đưa ra cùng ngày sau khi Không quân Trung Quốc tuyên bố tập trận lớn trên Biển Đông nhưng không nói rõ khu vực diễn tập.
Hiện vẫn chưa rõ đội tàu chiến sẽ di chuyển về hướng nào hay cuộc tập trận sẽ kéo dài trong bao lâu. Phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về thông tin này.
Động thái này của Bắc Kinh diễn ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục USS Mustin của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, thực hiện hoạt động tự do hàng hải FONOPs.
*********************
TQ phô trương 40 chiến hạm ở Biển Đông (BBC, 27/03/2018)
Hàng chục tàu chiến cùng một hàng không mẫu hạm Trung Quốc đang tập trận ở Biển Đông, các hình ảnh chụp từ vệ tinh do Reuters thu thập được cho thấy.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc
Ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Hai 26/3 do Planet Labs Inc cung cấp cho thấy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đang cùng chừng 40 tàu chiến và tàu ngầm đã đi vào phía Nam đảo Hải Nam trong đợt phô trương sức mạnh mới nhất của Trung Quốc.
Trước đó, hải quân Trung Quốc mô tả đây là cuộc diễn tập thường niên.
Nhưng nay, có nguồn tin nói họ sẽ diễn tập hàng tháng, theo một tờ báo Úc trích lại Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc.
Xếp theo đội hình thẳng, một đội hình phù hợp hơn với phô diễn quân sự hơn là tác chiến, nhóm tàu có vẻ được dẫn đầu bởi các tàu ngầm, với phi cơ bay ở phía trên.
Hôm 26/3, Tân Hoa Xã công bố hình ảnh Không quân Quân Giải phóng 'diễn tập sẵn sàng chiến đấu' ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
"Việc tập trận của lực lượng không quân là nhằm tập dượt cho các cuộc chiến trong tương lai và là công tác chuẩn bị trực tiếp nhất cho việc chiến đấu", thông cáo của Không quân Trung Quốc viết hôm 25/3.
Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc cũng công bố nhịp độ tập trận dầy đặc hơn trong 2018.
"Các cuộc tập trận trong 2018 sẽ là thường lệ, và diễn ra hàng tháng, không như những năm trước", nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình được trích lời cho hay.
Hôm 26/3, Tân Hoa Xã công bố hình ảnh Không quân Quân Giải phóng 'diễn tập sẵn sàng chiến đấu' ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Theo bài đăng hôm 26/3 trên trang The Diplomat, mặc dù Hải quân Trung Quốc nói đợt diễn tập này "không nhắm vào một nước cụ thể nào", tuyên bố này được đưa ra cùng ngày tàu hải quân USS Mustin của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý sát một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa.
Việc tàu khu trục USS Mustin áp sát Mischief Reef (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn) để thực hiện hoạt động "tự do đi lại" khiến Bắc Kinh tức giận.
Ngay lập tức, cùng ngày, Bắc Kinh đã cử hai tàu hộ vệ ra xác định danh tính tàu Mỹ và ra cảnh báo yêu cầu tàu Mustin rời đi.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói việc áp sát Đá Vành Khăn là hành động khiêu khích từ phía Mỹ, và nói Trung Quốc cương quyết phản đối các hành động đó, điều mà Bắc Kinh nói là làm tổn hại quan hệ quân sự giữa hai quốc gia, Tân Hoa Xã tường thuật.
Tàu ngầm Trung Quốc : Hiện Trung Quốc có một căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, trên đảo Hải Nam để kiểm soát Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhiệm Quốc Cường nói hoạt động này của Mỹ là "khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng", vẫn theo bài báo này.
Phát biểu rằng "Trung Quốc nhiệt liệt phản đối những hành động này", ông Nhiệm cảnh báo Mỹ các rằng hành động kiểu này "có thể dẫn đến hiểu lầm và thậm chí các sự cố" và "chỉ khiến cho quân đội Trung Quốc tiếp tục cải tiến khả năng phòng vệ của mình".
Những ngày trước khi tàu Mỹ vào vùng biển tranh chấp, căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã dấy lên.
Hôm 16/3, Tổng thống Trump ký Luật Đi lại Đài Loan, một điều luật "khuyến khích các chuyến thăm giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan ở mọi cấp".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức gửi thư phản đối chính thức động thái này.
"Các cuộc tập trận trong 2018 sẽ là thường lệ, và diễn ra hàng tháng, không như những năm trước", nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình được trích lời cho hay.
Theo tác giả Charlotte Gao, các hoạt động gần đây của quân đội Trung Quốc không chỉ nhắm vào tàu USS Mustin, mà là một trong chuỗi câu trả lời cứng rắn đáp lại cái mà họ coi là "hành động khiêu khích" của Hoa Kỳ.
Ngoài Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc diễn tập của hải quân Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có căng thẳng mới trong vùng biển nhiều tài nguyên này, với việc Việt Nam gần đây ngưng cho hãng dầu khí Tây Ban Nha Repsol khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông trước áp lực của Trung Quốc.
******************
Quân đội Philippines sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay tuần tra trên khu vực bãi Scarborough ở Biển Đông, bất chấp những phản đối từ phía Bắc Kinh. Hãng tin AP trích lời Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết như vậy hôm thứ hai ngày 26/3.
Hình chụp hôm 17/5/1997 cho thấy một nhóm thủy thủ và 3 nghị sĩ Philippines đến Bãi Cạn Scarborouh nơi có cờ của Philippines do ngư dân cắm ở đó từ trước. AFP
Bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012. Bãi nằm cách đảo Luzon, phía bắc Philippines khoảng 200 km, và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km.
Bộ trưởng Delfin Lorenzana khẳng định Philippines sẽ tiếp tục cho máy bay bay qua khu vực bãi Scarborough vì đây là vùng đặc quyền kinh tế của nước này với chủ quyền được quốc tế công nhận.
Theo một giới chức Philippines, trước đó, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc máy bay TC-90 của Philippines bay qua vùng Scarborough với giới chức Philippines nhân cuộc gặp giữa hai bên hồi tháng trước tại Manila để thảo luận về vấn đề chủ quyền tranh chấp ở Biển Đông.
Giới chức này không nêu tên vì cho biết không được quyền thảo luận vấn đề đã được hai bên nói đến trong cuộc họp kín.
Hôm 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana, trong một bài phỏng vấn trên truyền hình cũng cho biết Trung Quốc luôn phát cảnh báo mỗi khi máy bay nước này làm nhiệm vụ trong không phận của Philippines, cụ thể là qua các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 26/3, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chuyển giao cho phía Philippines 3 máy bay do thám TC-90 đã qua sử dụng.
Lễ chuyển giao diễn ra tại một căn cứ hải quân ở phía Nam thủ đô Manila với sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và các giới chức hải quân khác.
Bộ trưởng Delfin Lorenzana nói tại buổi lễ rằng Philippines đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh hàng hải bao gồm cướp biển, lực lượng nổi dậy có vũ trrang ở vùng biển Sulu và nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia… Ông cho biết ba máy bay do thám của Nhật sẽ giúp tăng cường năng lực thu thập thông tin tình báo cho lực lượng hải quân Philippines.
Các máy bay Beechcraft TC-90 có thể bay ở khoảng cách 300 km, tức gấp đôi so với khoảng cách bay của những máy bay tuần tra thông thường mà Philippines hiện có.
Trước đó Nhật Bản cho Philippines thuê máy bay TC-90 nhưng sau đó chuyển thành tặng sau khi những giới hạn về tặng các thiết bị quốc phòng cho các đồng minh của Nhật được nới lỏng.
Hồi tháng 3 năm ngoái, Nhật cũng đã bàn giao cho Philippines 2 máy bay TC-90, một chiếc trong số này được Philippines sử dụng lần đầu tiên để tuần tra bãi Scarborough hồi tháng 1 vừa qua.
Cuộc tập trận bắn đạn thật với tàu sân bay Liêu Ninh trên biển Bột Hải của Hải quân Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/12/2016 REUTERS/Stringer
Tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm nay 22/01/2017 cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận bất kể các hành động khiêu khích và áp lực từ nước ngoài. Tờ báo tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho biết thêm các cuộc tập trận ngoài biển khơi như trong thời gian gần đây, nhất với khu trục hạm Liêu Ninh - khu trục hạm duy nhất của nước này - sẽ trở thành bình thường.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo nói là không một "quả bom ngôn từ "nào, kiểu như nhận xét của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về Biển Đông, có thể ngăn chặn cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc.
Tờ báo bình luận : "Những hành động khiêu khích, gây áp lực, tưởng tượng và quá cường điệu sẽ không thể ngăn các cuộc tập trận bình thường của quân đội Trung Quốc. (…) Sự can thiệp và quấy rối của các nước ngoài khu vực sẽ chỉ đi ngược lại với sự đồng thuận về lợi ích chung theo thỏa thuận với khu vực này và trên thế giới". Tờ Nhân Dân Nhật Báo cũng cho biết thêm : "Từ nay trở đi, các cuộc tập của quân đội Trung Quốc ngoài khơi biển sẽ trở thành những cuộc tập trận hết sức bình thường ".
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hôm 20/01/2017, hãng tin Kyodo của Nhật thông báo tuần tới Nhật sẽ mở cuộc tập trận mô phỏng phản ứng nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, đặc biệt là hải quân. Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập ngoài khơi xa thường xuyên hơn trước đây để trau dồi khả năng tác chiến.