Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/11/2018

Biển Đông : Hải quân Trung Quốc không được yên vào dịp cuối năm

Tổng hợp

Biển Đông : Mỹ lại điều tàu tuần tra gần Hoàng Sa (RFI, 30/11/2018)

Hôm thứ Hai 26/11/2018 vừa qua, một tuần dương hạm Mỹ đã được phái đến tuần tra trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông hiện đang nằm trong tay Trung Quốc.

bd1

Tàu chiến Mỹ USS Chancellorsville (CG-62) đang vào cảng Hồng Kông, ngày 21/11/2018. ANTHONY WALLACE / AFP

Thông tin về chuyến tuần tra mới nhất của Hải Quân Mỹ gần Hoàng Sa đã được kênh truyền hình Mỹ CNN loan báo hôm qua, 29/11, trích dẫn hai quan chức Mỹ cao cấp.

Trong một thông báo, thiếu tá Hải Quân Nathan Christensen, phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ xác nhận : "Tuần dương hạm USS Chancellorsville đã di chuyển trong vùng phụ cận quần đảo Hoàng Sa để thách thức yêu sách chủ quyền trên biển quá đáng (của Trung Quốc), cũng như duy trì quyền tiếp cận vùng biển theo luật pháp quốc tế".

Thiếu tá Christensen nhắc lại : "Lực lượng Mỹ hoạt động hàng ngày trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Mọi hoạt động của Mỹ đều phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm cho thấy là Mỹ có thể điều động chiến hạm và phi cơ đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Một quan chức Mỹ khác cho biết thêm, khi thực hiện chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải gần Hoàng Sa, tuần dương hạm USS Chancellorsville đã bị một chiếc tàu Trung Quốc bám theo, nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xẩy ra.

Hai quan chức Mỹ cũng xác nhận là Trung Quốc đã chính thức gởi công hàm ngoại giao để phản đối hoạt động của chiếc USS Chancellorsville tại Hoàng Sa.

Giới quan sát đặc biệt ghi nhận tần suất dồn dập của các chiến dịch tuần tra của lực lượng Mỹ trên Biển Đông. Vào cuối tháng 9/2018, Hoa Kỳ đã phái khu trục hạm USS Decatur đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa đang nằm trong tay Trung Quốc.

Vào khi ấy, một khu trục hạm Trung Quốc đã xông ra cắt đường tàu Mỹ, suýt gây nên sự cố. Washington đã tố cáo một hành vi "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".

CNN trích dẫn thống kê của quân đội Mỹ ghi nhận 18 vụ "chạm trán không an toàn" trên biển với lực lượng Trung Quốc ở Thái Bình Dương từ năm 2016 đến nay.

Chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải của Mỹ gần Hoàng Sa được tung ra hai hôm trước một chiến dịch tương tự với khu trục hạm Mỹ USS Stockdale và tàu tiếp liệu USNS Pecos đi ngang qua eo biển Đài Loan vào ngày 28/11.

Mục tiêu gây áp lực tối đa đối với Trung Quốc của hai động thái gần như đồng thời này - chiến thuật lưỡng diện giáp công trên biển - không thể không rõ ràng hơn, vào lúc mà tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gay gắt.

Trọng Nghĩa

*****************

Việt Nam tìm kiếm hợp tác để đối phó với Trung Quốc (RFI, 30/11/2018)

Lập đội tầu ngầm, mua thêm tầu chiến, tầu hộ tống mới, mở cảng đón tầu chiến nước ngoài hay tham gia các cuộc tập trận hải quân với nhiều nước khác… Tất cả những điều đó cho thấy những năm gần đây Việt Nam đang nỗ lực tăng cường sức mạnh cho hải quân nhằm đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

bd2

Việt Nam mua 6 tầu ngầm hạng Kilo của Nga - @wikipedia.org

Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Defense & Sécurité Internationale (Quốc Phòng và An Ninh Quốc Tế), ông Wu Shang-Su, chuyên gia về chiến lược quân sự trường S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University tại Singapore, cho rằng trong một thế tương quan lực lượng bất cân xứng, Việt Nam buộc phải tìm kiếm các mối hợp tác để đối phó với Trung Quốc. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

RFI : So với sự phát triển của hải quân Trung Quốc hay Nhật Bản, Việt Nam có vẻ kín đáo hơn dù là nước này đang gia tăng sức mạnh của mình. Việc tăng cường này sẽ tác động đến thế cân bằng quân sự trên Biển Đông như thế nào ?

Wu Shang-Su : Liên quan đến các việc đã làm được và tiềm năng phát triển, hải quân Việt Nam không thể sánh với Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực hải quân có thể vẫn có tác động, dưới nhiều hình thức.

Thứ nhất, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều kịch bản, từ xung đột vũ trang ở cường độ thấp đến trung bình, thậm chí có thể gây thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc trong một cuộc xung đột ở mức độ cao.

Thứ hai, cho dù các thủy thủ của Việt Nam tương đối ít có kinh nghiệm và khả năng kháng cự ngắn ngủi, nhưng khi có xung đột, sáu chiếc tầu ngầm của Việt Nam có thể sẽ tạo ra một sự bất định, gây phức tạp cho các tính toán của các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc.

Thứ ba, trong kịch bản xảy ra cuộc chiến toàn diện, lãnh thổ Việt Nam, đảo Hải Nam, khu căn cứ của Hạm đội phương Nam, nơi neo đậu của những chiếc tầu ngầm hạt nhân phóng tên lửa của Trung Quốc, đều nằm trong tầm bắn của cả hai phía.

Cuối cùng, vì hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải đối mặt với nhiều kẻ thù hơn là đồng nghiệp Việt Nam, mọi thiệt hại hay tổn thất quan trọng, thậm chí Việt Nam còn có thể xác định và khoanh vùng một số lực lượng của Trung Quốc, tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến thế cân bằng của các cường quốc hải quân trên nhiều mặt trận khác, trong đó có mặt trận Trung – Nhật ở biển Hoa Đông.

RFI : Với 6 chiếc tầu ngầm, nhiều tầu chiến và tầu hộ tống mới, hải quân Việt Nam đã có được thế mạnh nào đó. Việc tăng cường quân lực có được tiếp tục hay không ? Hải quân Việt Nam đã biết cách khai thác các khả năng mới này chưa ?

Wu Shang-Su : Theo các thông tin công khai, Hà Nội đã không mua các thiết bị hải quân có kỹ thuật cao hơn. Điều đó có thể cho thấy sự hạn hẹp về ngân sách hay nhân lực, thậm chí là cả hai. Chi phí mua, đào tạo và bảo trì cao có lẽ đã cản trở Việt Nam tăng cường sức mạnh hải quân, chí ít trong tạm thời.

Về việc huấn luyện, thông tin được bảo mật rất kỹ. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng Việt Nam cần một khoảng thời gian, rất có thể là vài năm, thậm chí là một thập niên, để các thủy thủ làm chủ được các trang thiết bị này. Về phần tác chiến liên binh chủng, thời hạn huấn luyện có thể còn lâu hơn.

RFI : Ông còn là tác giả của nhiều bài viết về tính hữu ích của các pháo đài trên biển. Liệu có những điểm đồng dạng nào với việc quân sự hóa các đảo nhỏ ở Biển Đông hay không ?

Wu Shang-Su : Đúng là người ta có đề nghị tôi so sánh ý tưởng của tôi với tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, khối lượng thiết bị, vũ khí tại phần lớn các vị trí đều quá thấp để có thể gọi là pháo đài. Các vị trí quân sự của Trung Quốc có vẻ gần giống như chỉ để triển khai các loại tên lửa địa đối không và chống tầu chiến.

Nhưng hiện vẫn chưa có một thông tin nào cho phép xác định xem những công trình xây dựng đó có thể chống chọi được với các đợt tấn công bằng các loại đạn được dẫn đường chính xác hay các loại bom hạng nặng. Theo các ảnh vệ tinh, những cơ sở quân sự này của Trung Quốc có thể vẫn chưa đủ kiên cố.

RFI : Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang chiếm giữ và quân sự hóa nhiều đảo nhỏ. Vậy họ làm thế nào bảo vệ chúng chống lại được sức mạnh ngày càng được tăng cường ồ ạt của Trung Quốc ?

Wu Shang-Su : Theo những nguồn tin công khai, việc quân sự hóa các vị trí xa bờ của Việt Nam chỉ ở mức khiêm tốn, có thể không có triển khai tên lửa, ngoại trừ hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) hay các hệ thống vũ khí hiệu quả khác. Do vậy, việc bắn chặn hay gây nhiễu đúng lúc các căn cứ trên bộ sẽ có ý nghĩa quyết định. Có thể trong một tương lai không xa, các vũ khí thiết bị của những chốt quân sự này cũng sẽ được hiện đại hóa nhằm ngăn chận các lực lượng Trung Quốc thực hiện việc đã rồi.

RFI : Hợp tác sẽ là vấn đề chủ chốt bảo đảm an ninh cho Việt Nam (giống như bao quốc gia khác), nhưng vì các nguyên nhân lịch sử, việc hợp tác cũng có thể khó thực thi. Triển vọng hợp tác với Nhật Bản, Pháp hay Mỹ ra sao ?

Wu Shang-Su : Không như Philippines, Việt Nam triển khai nhiều nỗ lực quan trọng tìm kiếm hợp tác với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là với Nga và Ấn Độ. Đối với ba nước, hợp tác trong lĩnh vực tuần duyên có lẽ là khả dĩ nhất và nhiều dự án đang được tiến hành giữa Việt Nam và Nhật Bản, thậm chí cả Hoa Kỳ.

Nước Pháp khó có thể gởi các tầu tuần duyên sang Châu Á, nhưng vẫn có thể có các cuộc gặp, trao đổi giữa nhân sự hai bên cũng như nhiều hoạt động khác. Do phạm vi các cuộc tập trận hải quân là khá rộng, từ tìm kiếm và cứu hộ sang cả chiến đấu liên binh chủng, Nhật Bản, Pháp và Mỹ cũng có thể tìm ra được những cuộc luyện tập thỏa mãn các bên.

Tuy nhiên, hải quân Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng mạnh của Nga trên phương diện học thuyết cũng như là phương tiện, có thể sẽ là một trở ngại cho sự hợp tác. Vả lại, vào lúc các thủy thủ Việt Nam đang dồn sức để làm chủ năng lực chiến đấu của mình, khả năng sẵn sàng hợp tác của họ dường như là có hạn.

Minh Anh

*****************

Chiến hạm Mỹ lại băng qua eo biển Đài Loan (RFI, 29/11/2018)

Lần thứ ba trong năm 2018, ngày 28/11/2018, các chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ lại băng qua eo biển Đài Loan. Theo lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, khu trục hạm USS Stockdale và tàu tiếp nhiên liệu USNS Pecos đã đi qua eo biển này trong một chuyến hải hành "bình thường". Phát ngôn viên này khẳng định là "Hải Quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".

bd3

Khu trục hạm USS Stockdale của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh minh họa. CC/U.S. Navy

Theo lời một quan chức Mỹ nói với hãng tin AFP, ngày 28/11, các chiến hạm của Trung Quốc cũng đã có mặt ở vùng eo biển Đài Loan, những trao đổi giữa các chiến hạm này với chiến hạm Mỹ diễn ra một cách "an toàn" và "chuyên nghiệp".

Bắc Kinh đã từng phản đối Washington sau khi hai chiến hạm Mỹ ngày 22/10 đi qua eo biển nằm giữa Đài Loan với Trung Hoa lục địa, xem đây là một hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Vào lúc đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tuyên bố : "Vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Đây là hồ sơ quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung".

Hoa Kỳ lại đưa chiến hạm đến eo biển Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với Washington vẫn không giảm đi. Ngày 28/11, đại diện Thương Mại của Mỹ Robert Lighthizer đã ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc không cải tổ chính sách thương mại. Ông Lighthizer còn dọa là Mỹ sẽ đánh thuế lên xe hơi của Trung Quốc để đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế 40% lên xe hơi nhập từ Hoa Kỳ.

Đại diện Thương Mại Mỹ tuyên bố như trên vào lúc tổng thống Donald Trump dự trù gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina để bàn về thương mại. Theo lời một cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, ông Larry Kudlow, tổng thống Trump cho rằng hai bên có khả năng đạt được thỏa thuận trong cuộc gặp này.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 791 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)