Tập Cận Bình cảnh báo bầu không khí "chiến tranh lạnh" tại Châu Á – Thái Bình Dương
Minh Anh, RFI, 11/11/2021
Những căng thẳng giống như thời Chiến Tranh Lạnh đang trở lại vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 11/11/2021 đưa ra lời cảnh báo như trên khi tham dự trực tuyến một hội nghị, bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, được tổ chức tại Wellington, New Zealand.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi, tại Bắc Kinh, ngày 09/10/2021. Reuters – Carlos Garcia Rawlins
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh : "Mọi mưu toan vạch ra những đường biên ý thức hệ hay hình thành những nhóm nước nhỏ dựa trên địa chính trị đều sẽ đi đến thất bại".
Lãnh đạo Trung Quốc còn cho rằng, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương "không thể và cũng không nên một lần nữa rơi vào những cuộc đối đầu và những chia rẽ của thời Chiến Tranh Lạnh".
Như tỏ một cử chỉ hòa dịu về phía Mỹ, chiều tối thứ Ba, 09/11, ông Tập Cận Bình, trong một thông cáo được đại sứ quán Trung Quốc công bố trên mạng xã hội Twitter, cho rằng "mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay đang trong thời điểm quyết định lịch sử. Cả hai nước sẽ được lợi trong hợp tác và chỉ có thiệt trong đối đầu". Trong bối cảnh này, "Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác trong mọi chủ đề".
Cuối cùng, nguyên thủ Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước trong khu vực phải cùng hành động trước những thách thức chung, từ đại dịch Covid-19, thương mại cho đến cả hành động vì khí hậu.
AFP lưu ý những tuyên bố này được đưa ra khi chỉ còn có vài ngày nữa là diễn ra thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Tập Cận Bình với nguyên thủ Mỹ Joe Biden.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng do các hoạt động quân sự dồn dập của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan và vùng Biển Đông trong thời gian gần đây.
Việc Bắc Kinh hồi đầu tháng 10/2021, ồ ạt điều chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan buộc Washington có phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hôm qua, 10/11, khẳng định Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ sao cho Đài Loan có thể tự bảo vệ nhằm tránh bất kỳ ai "tìm cách đảo lộn nguyên trạng bằng vũ lực".
Còn tại Biển Đông, trước những yêu sách chủ quyền ngày một quá đáng của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh và Úc hồi tháng Chín thông báo thành lập một liên minh quốc phòng cho phép Úc sở hữu tầu ngầm hạt nhân theo công nghệ Mỹ. Quyết định này đã khiến Bắc Kinh nổi dóa và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Pháp với Mỹ và Úc.
Minh Anh
***********************
Trung Quốc cảnh báo nguy cơ căng thẳng "thời chiến tranh lạnh" ở Châu Á-Thái Bình Dương
RFA, 11/11/2021
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo về nguy cơ căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh tái diễn ở Châu Á-Thái Bình Dương vào khi căng thẳng về an ninh ở Đài Loan gia tăng.
Ông Tập Cận Bình nói trong video gửi đến diễn đàn bên lề Hội nghị APEC lo ngại căng thẳng ở Châu Á, trong khi trong tháng 10 Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan - Reuters, Weibo- RFA edited
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới, ông Tập hôm 10/11 đã phát biểu như trên, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực phải cùng nhau giải quyết những thách thức chung, từ đại dịch Covid-19 đến thương mại. AFP loan tin này trong ngày 11/11/2021.
AFP dẫn lời phát biểu của ông Tập Cận Bình, tại một hội nghị kinh tế trực tuyến bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do New Zealand tổ chức, rằng "Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không thể và không nên trở lại tình trạng đối đầu và chia rẽ của thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Lời kêu gọi của ông Tập được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ công bố một hiệp ước bất ngờ nhằm đẩy nhanh hành động vì khí hậu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow, nơi các nước đang cố gắng thống nhất các biện pháp để hạn chế sự nóng lên của Trái đất.
Tuy vậy, ông Tập được cho là đã không đề cập trực tiếp đến thỏa thuận, nhưng nhấn mạnh"tất cả chúng ta có thể theo con đường phát triển bền vững, phát thải carbon thấp, xanh".
Nguồn tin của AFP cũng cho biết, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc gặp trực tuyến sớm nhất vào tuần tới.
Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác định khí hậu là một lĩnh vực quan trọng để hợp tác tiềm năng với Trung Quốc, thì căng thẳng lại tăng lên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đài Loan, một nền dân chủ tự trị do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Từ đầu tháng 10, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan, với số lượng kỷ lục máy bay bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền từ Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong lời phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao APEC, lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi nỗ lực chung trong toàn khu vực để thu hẹp "khoảng cách tiêm chủng", giúp vắc-xin Covid-19 dễ tiếp cận hơn với các quốc gia đang phát triển.
Ông Tập nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC :"Chúng ta nên chuyển sự đồng thuận rằng vắc xin là hàng hóa công cộng toàn cầu thành các hành động cụ thể để đảm bảo sự phân phối công bằng và hợp lý".
Ông nói, các quốc gia trong khu vực nên đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm và công nhận vắc xin để "thoát khỏi cái bóng của đại dịch và sớm đạt được sự phục hồi kinh tế ổn định".