Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2023

Chính sách Biển Đông của Việt Nam ở đâu ?

Trần Vạn Lý - Phan Văn Song - Hà Hoàng Hợp

Việt Nam cần học Philippines về những thay đổi trong chính sách Biển Đông

Trần Vạn Lý, RFA, 10/05/2023

Philippines đổi thay một cách mạnh mẽ

Philippines đang mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, quốc gia này hy vọng lòng dũng cảm của mình sẽ kìm hãm sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thực tế, sự dũng cảm của Philippines đang đạt được hiệu quả mong đợi.

biendao1

Tàu tuần duyên của Philippines thực hiện khảo sát ở Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa hôm 23/4/2023 - AFP

Trước đó, hơn 100 tàu "dân quân", một tàu chiến và hai tàu tuần duyên Trung Quốc được quan sát thấy đang hoạt động trong lãnh thổ Philippines trong những tuần gần đây. Đáp lại, Manila đã triển khai hai tàu tuần duyên dài 52m để thực thi quyền lãnh thổ của mình xung quanh Bãi Cỏ Mây, khu vực cách đảo Palawan khoảng 200 km [1].

Tuy nhiên, một tàu tuần duyên cỡ lớn của Trung Quốc đã cố tình buộc một trong hai tàu nhỏ của Philippines phải hành động khẩn cấp để tránh va chạm, chỉ vài ngày sau khi tàu Thường Châu - một tàu hộ tống của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) Trung Quốc - thách thức các tàu tuần tra của Philippines đang tuần tra gần đảo Thị Tứ (Manila gọi là đảo Pag-asa). Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tristan Tarriela đã khẳng định : "Việc công bố hành động Trung Quốc trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế và quấy rối các ngư dân bình thường của Philippines đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Cách tiếp cận này là một biện pháp để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và gửi thông điệp rằng Philippines sẽ không lùi bước trước sự hung hăng của Trung Quốc" [2] .

Chiến lược này đã giúp Manila nhận được sự công nhận của quốc tế. Washington - Đồng minh của Philippines đồng thời cũng là đối thủ trực tiếp của Bắc Kinh - đã yêu cầu phía Trung Quốc ngừng "quấy rối và đe dọa" các tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển của Philippines ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Australia, Anh và Canada thông qua các đại sứ của họ tại Manila cũng bày tỏ quan ngại về "hành vi nguy hiểm" của Trung Quốc trong vùng biển này [3] . Cộng đồng quốc tế bắt đầu lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh sau khi một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa các tàu bảo vệ bờ biển của hai bên được ghi hình lại. Các đội truyền thông "đã được đưa lên" các tàu và máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển - một động thái có chủ ý của Manila nhằm cho thế giới thấy điều gì đang thực sự xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này [4].

Dưới thời chính quyền của Duterte, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Trung Quốc chỉ được công chúng chú ý nếu chúng đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ chìm tàu đánh cá Gimver 1, sự hiện diện của 220 tàu dân quân đánh cá tại Đá Ba Đầu và việc tàu hải cảnh sử dụng vòi rồng một cách hung hăng chống lại một tàu của là quân sự Phi nhằm ngăn chặn sứ mệnh tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây. Hơn nữa, một số sự cố đã bị nhấn mạnh quá mức hoặc bị phủ nhận hoàn toàn khi được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin.

Thế nhưng, với chính quyền hiện tại của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., đã có một sự thay đổi đáng chú ý. Trong vài tháng qua, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã mở rộng các nhiệm vụ của họ ngoài sứ mệnh thông thường là tuần tra Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines). Tàu tuần duyên Phi hiện đã đảm nhận vai trò vạch trần hàng loạt hoạt động bất hợp pháp của cả Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) và Lực lượng Dân quân biển Trung Quốc (CMM). Nhiệm vụ mới này xuất hiện sau một sự cố hồi tháng 2, khi Tàu tuần duyên Trung Quốc sử dụng tia laser cấp độ quân sự nhằm vào tàu của Tàu tuần duyên Phi hỗ trợ sứ mệnh tiếp tế của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP).

Tàu tuần duyên Phi hiện công khai đưa tin về sự xuất hiện dày đặc của các tàu dân quân biển trong Vùng đặc quyền knh tế (EEZ) của Philippines, và thậm chí đã công khai báo cáo về sự hiện diện của tàu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (NPLA) trong lãnh hải của Đảo Thị Tứ. Một diễn tiến đáng chú ý là quyết định của Tàu tuần duyên Phi đưa các nhà báo và phóng viên truyền thông lên các chuyến bay Nhận thức về Lĩnh vực Hàng hải (MDA) của họ để phổ biến thông tin chính xác không chỉ cho công chúng Philippines, mà còn cho cả cộng đồng toàn cầu.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là quyết định liên quan đến sứ mệnh nói trên không chỉ thuộc về cơ quan này. Nhóm Công tác Thông tin của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines đã sàng lọc tỉ mỉ và phê duyệt những thông tin sẽ được công bố cho công chúng. Điều này phù hợp với lập trường của chính phủ rằng không nên quân sự hóa xung đột Biển Đông. Do đó, các cơ quan phi quân sự như Tàu tuần duyên Phi hoặc Cục Nghề cá và tài nguyên thủy sản (BFAR) phải đi đầu trong nỗ lực phổ biến thông tin đại chúng.

Điều gì đã khiến Philippines mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông ?

Jay Tristan Tarriela đã mô tả về các yếu tố dẫn đến sự thay đổi chính sách của chính quyền Marcos Jr. đó là [5] :

Thứ nhất, sự thay đổi chính sách này phản ánh cam kết của chính phủ Marcos về tính minh bạch và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trong Thông điệp Quốc gia đầu tiên của mình, Marcos đã thề sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của Philippines trước các thế lực ngoại bang. Chính quyền của ông đã nỗ lực phối hợp để thông báo cho người dân Philippines về những diễn biến ở Biển Đông, mà không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm lừa dối hoặc che đậy sự thật. Cam kết của Marcos đã khuyến khích ông có lập trường cứng rắn, thậm chí triệu đại sứ Trung Quốc tại Malacañang sau sự cố chiếu tia laser gần đây.

Thứ hai, những nỗ lực của Tàu tuần duyên Phi nhằm vạch trần các hoạt động phi pháp ở Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút sự ủng hộ đối với lập trường của chính phủ. Với thông tin hạn chế về tình hình ở Biển Đông, tin tức giả tràn ngập các nền tảng truyền thông xã hội, tạo ra một câu chuyện bị bóp méo. Thông tin sai lệch này khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc là "bạn tốt" và là "đối tác vì hòa bình và phát triển". Sự gia tăng của thông tin sai lệch được thúc đẩy bởi sự gia tăng của những người cung cấp "tin tức giả mạo" trên các kênh truyền thông xã hội, nơi 73% dân số Philippines phụ thuộc vào nguồn tin tức chính thống của họ. Tuy nhiên, bước vào năm mới 2023, chính phủ quốc gia đã làm sáng tỏ việc Tàu tuần duyên Trung Quốc quấy rối Philippines. Tiết lộ này đã tạo nên sự gia tăng nhận thức trong công chúng, từ đó củng cố sự ủng hộ đối với Tàu tuần duyên Phi và AFP trong nỗ lực tuần tra Biển Đông. Những lời tường thuật thực tế, kèm theo hình ảnh ấn tượng và những video đáng lo ngại đã chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu trong việc định hình lại quan điểm của công chúng và vạch trần những luận điệu sai sự thật.

Thứ ba là giành được sự ủng hộ và đoàn kết từ các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Mặc dù đúng là các đồng minh phương Tây và các quốc gia có cùng chí hướng khác đã liên tục lên án các hành động thù địch của Bắc Kinh, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng đây không phải là mục tiêu cuối cùng. Điều quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực là phải nhận ra hành vi hung hăng và đáng sợ của Bắc Kinh, vì điều đó sẽ cho phép họ xích lại gần nhau và cùng lên án hành vi đó là vi phạm luật pháp quốc tế. Bằng cách đoàn kết, các quốc gia này có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng những hành động chèn ép như vậy sẽ không được chấp nhận và họ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Quan trọng nhất, nhận thức của họ cũng có thể khuyến khích việc nhận ra nhu cầu gây sức ép tập thể đối với Trung Quốc để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Thứ tư, việc phơi bày các hành động thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông có thể buộc nước này phải hành động có trách nhiệm hơn và tôn trọng luật pháp quốc tế. Bằng cách lên án hành vi của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế có thể buộc nước này phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình và có khả năng gây áp lực buộc họ phải thay đổi cách tiếp cận. Trong khi Trung Quốc có thể không thoải mái với sự chú ý như vậy mỗi khi xảy ra sự cố ở Biển Đông, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận hoặc giảm nhẹ sự liên quan của họ. Ví dụ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phủ nhận cả sự hiện diện của dân quân biển tại Đá Ba Đầu vào năm 2021 và việc sử dụng tia laser cấp độ quân sự vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, bằng cách tiếp tục lưu lại bằng chứng và công khai những sự cố này, cộng đồng quốc tế có thể xây dựng một lập trường mạnh mẽ chống lại các hành động của Trung Quốc và có khả năng buộc nước này phải thay đổi hành vi của mình.

Thứ năm, một điểm quan trọng cần xem xét là việc công khai các nỗ lực của Philippines ở Biển Đông sẽ tạo ra một khuôn mẫu, thể hiện các hành động hợp pháp của nước này như một thông lệ. Nếu không được thể hiện đầy đủ, các sáng kiến do Philippines thực hiện có thể được mô tả là bất thường, tạo cơ hội cho Trung Quốc gán mác là "mới" và "khiêu khích" trong tương lai. Điều bắt buộc là phải thừa nhận rằng các nhiệm vụ này là tiêu chuẩn, có thể chấp nhận được và hợp pháp. Việc phớt lờ các hoạt động của Philippines trong khu vực này có thể giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong việc định hình câu chuyện và thao túng tình hình theo hướng có lợi cho họ. Do đó, điều cần thiết là thúc đẩy các hoạt động của Tàu tuần duyên Phi và AFP để chống lại bất kỳ luận điệu không chính xác nào mà Trung Quốc có thể cố gắng bịa đặt sau này.

Cuối cùng, bằng cách làm sáng tỏ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines đang truyền tải một thông điệp rằng họ sẽ không bị khuất phục hoặc bị ép buộc phải khuất phục. Mặc dù quốc gia này có thể không sánh được với sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, nhưng họ sẽ không ngồi yên và để Trung Quốc bắt nạt khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bằng cách làm sáng tỏ hành vi hung hăng của Trung Quốc, Philippines hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ từ các quốc gia khác tin tưởng vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia có cùng quan điểm khác có thể không chỉ lên án bằng lời nói mà còn hỗ trợ hữu hình như xây dựng năng lực để gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Việt Nam học được kinh nghiệm gì ?

Hành động sử dụng các phóng viên truyền thông đến tận thực địa để đưa tin về sự thật đang diễn ra của chính quyền Philippines gợi nhớ đến cách Việt Nam đã từng sử dụng năm 2014 khi Trung Quốc triển khai giàn khoan 981 vào trong Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Thế nhưng, thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam gần như im lặng trước các sự việc liên quan đến Trung Quốc. Đặc biệt sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái, thì gần như các bài viết về Trung Quốc rất ít khi được xuất hiện. Cho dù, các nhà nghiên cứu nước ngoài cho biết, các tàu Trung Quốc vẫn đang hoành hành và đe doạ các tàu cá Việt Nam ngay trong vùng EEZ của Việt Nam. Cụ thể, một nhà nghiên cứu đã đưa thông tin trên Twitter rằng tàu thăm dò của Trung Quốc Hướng dương hồng 10 đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam, hộ tống tàu này có tàu Hải cảnh Trung Quốc 4303 đang tìm cách quấy rối tàu Kiểm Ngư 414 của Việt Nam [6] .

Kinh nghiệm của Philippines trong đối đầu với "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc trên Biển Đông đó là mặc dù không khiêu khích hay biến nó thành xung đột quân sự, nhưng để đối đầu với một đối thủ hùng mạnh hơn mình nhiều lần thì phải sử dụng sức mạnh của lẽ phải, mà truyền thông đóng một vai trò quan trọng.

"Bao giờ cho đến tháng Mười" ? có lẽ cũng là câu hỏi cho chính quyền Việt Nam khi nào mới dũng cảm sử dụng truyền thông nói lên sự thật về âm mưu và dã tâm của Trung Quốc trên Biển Đông. Để thế giới không còn bị lừa mị bởi đại quốc mà tiểu nhân này.

Trần Vạn Lý

Nguồn : RFA, 10/05/2023

Tham khảo :

[1] https://globalnation.inquirer.net/213954/fwd-pcg-more-than-100-chinese-maritime-militia-warship-remains-in-wps

[2] https://thediplomat.com/2023/04/why-the-philippines-is-exposing-chinas-aggressive-actions-in-the-south-china-sea/

[3] https://www.manilatimes.net/2023/05/02/news/national/harassment-of-ph-vessels-worries-uk-canada-australia/1889546

[4] https://www.cnnphilippines.com/news/2023/5/1/PCG-China-behavior-West-Philippine-Sea.html

[5] https://thediplomat.com/2023/04/why-the-philippines-is-exposing-chinas-aggressive-actions-in-the-south-china-sea/

[6] https://twitter.com/GordianKnotRay/status/1655774532509265923?s=20

***************************

Tàu Kiểm ngư Việt Nam theo sát tàu Khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế

RFA, 30/05/2023

Tàu Kiểm ngư Việt Nam 414 vào tối ngày 10/5 (giờ Việt Nam) được ghi nhận đi theo tàu khảo sát Trung Quốc Xiang Yang Hong (Hướng Dương Hồng) 10 khi tàu này đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý. Ảnh Marine Traffic do RFA chụp lại cho thấy như vừa nêu.

biendao2

Tàu Kiểm ngư Việt Nam 414 đi theo tàu khảo sát Trung Quốc Xiang Yang Hong (Hướng Dương Hồng) 10 vào tối ngày 10/5/2023 trong EEZ của Việt Nam cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý - MarineTraffic

Ngoài tàu khảo sát Xiang Yang Hong, ảnh chụp trước đó còn cho thấy một nhóm gồm hai tàu Tuần duyên Trung Quốc số hiệu 4303, 5305, và bảy tàu dân quân biển nước này bị tàu Kiểm ngư 414 giám sát. Phía Việt Nam còn điều thêm tàu Kiểm ngư 475 từ Cam Ranh ra theo dõi các tàu của phía Trung Quốc.

Như tin Reuters loan ngày 8/5 dẫn hai nguồn của Ấn Độ cho hay, tàu dân quân biển Trung Quốc đi vào khu vực Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nơi mà Hải quân các nước ASEAN và Ấn Độ đang diễn tập trong khuôn khổ hoạt động có tên AIME-2023.

Tin nói rõ vào khi chiến hạm và máy bay của các bên tham gia đang diễn tập, tàu dân quân biển Trung Quốc tiến đến, cả hai phía chạy qua nhau nhưng không xảy ra đối đầu.

Lâu nay, một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc quanh Biển Đông cáo giác Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển cũng như tàu chính thức mang cờ Hoa Lục sách nhiễu, hăm dọa tàu đánh cá cũng như tàu quân sự của họ tại Biển Đông.

***************************

Chiến thuật "cấm đánh cá" của Trung Quốc để cưỡng chiếm biển Việt Nam

Phan Văn Song, Hà Hoàng Hợp, RFA, 09/05/2023

Trung Quốc hiện đang thực hiện lệnh cấm đánh cá trên một loạt vùng biển là Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lệnh cấm này được kéo dài đến tận 16/8/2023 đối với hai vùng biển là Hoa Đông và Biển Đông. Đối với các vùng biển khác, lệnh cấm kéo dài sang tháng 9 năm 2023. Theo một số chuyên gia, lệnh cấm này là một chiến thuật "vùng xám".

biendao3

Tàu cá nằm chờ ở Hong Kong sau khi Trung Quốc cấm đánh cá năm 2000. Reuters

Lệnh cấm mơ hồ : cấm luôn cả vùng biển của Nhật và Hàn Quốc

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Qũy Nghiên cứu Biển Đông, cho biết lệnh cấm này được thực hiện từ 1999 đến nay. Về phạm vi cấm, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, năm nay Trung Quốc có một điểm mới là gộp chung phần phía bắc Biển Đông (12 độ vĩ bắc) với phần phía nam biển Hoa Đông (26’30 độ vĩ bắc). 

Lệnh cấm này chỉ quy định vĩ độ mà không có thông tin về kinh độ, cũng không có bản đồ phạm vi cấm đi kèm. Đây là một điểm mơ hồ. Nếu không có thông tin về kinh độ thì có thể hiểu là theo chiều ngang, trên các vùng biển như Hoàng Hải, biển Hoa Đông, phạm vi cấm có thể kéo dài đến tận lãnh hải Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết vì điểm mơ hồ này của lệnh cấm, một số công ty tư nhân Trung Quốc đã vẽ bản đồ vùng cấm đánh cá này của Trung Quốc trùm lên cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn đối với biển Đông, do Trung Quốc đã có yêu sách đường chữ U bất hợp pháp nên chiều ngang của vùng cấm được hiểu là nằm trong đường chữ U này. 

Như vậy, phạm vi của lệnh cấm vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Philippines, và có thể của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Phạm vi cấm ở Biển Đông

Đối với Biển Đông, lệnh cấm này chỉ cấm đến 12 độ vĩ bắc, tức là chừa vùng biển Trường Sa ra ngoài, chỉ cấm vùng biển Hoàng Sa và vùng biển giữa biển Đông. Ở Biển Đông, hai nước bị lệnh cấm này của Trung Quốc xâm phạm nhiều nhất là Việt Nam và Philippines. Hiếm có ngư dân Indonesia hay Malaysia đánh cá ở khu vực bị cấm. 

Nhà nghiên cứu Phan Văn Song phân tích rằng đối với Biển Đông, lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc có 2 giai đoạn : 

Giai đoạn đầu từ 1999 đến 2009. Trung Quốc bắt đầu tuyên bố lệnh "cấm đánh cá" theo mùa ở Biển Đông từ 1999. Lúc đó họ chưa công bố đường chữ U trên biển Đông một cách chính thức. (Chính thức công bố trong công hàm gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009.) Trong khoảng 10 năm đó, do lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc còn yếu và họ cũng chưa chính thức đòi hỏi đường chữ U tại Liên Hiệp Quốc, các va chạm lớn liên quan đến đường chữ U ít xảy ra hơn. Giai đoạn đó hầu như chỉ có Việt Nam phản đối còn phản ứng của quốc tế là không đáng kể. 

Giai đoạn hai từ 2009 đến nay. Sau khi công bố đường chữ U trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc năm 2009, Trung Quốc mới bắt đầu tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam, bao gồm cưỡng chế, bắt giữ tàu cá, tịch thu hải sản, phá hủy ngư cụ, tàu thuyền. Ở giai đoạn này, họ chủ yếu thực hiện nghiêm ngặt chế độ cấm đánh cá ở Bột Hải, Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Còn đối với Biển Đông, họ chỉ mở rộng thực thi đến bãi cạn Scarborough của Philippines. Năm 2013, Trung Quốc thành lập chính thức lực lượng cảnh sát biển bằng cách hợp nhất các lực lượng tản mạn như ngư chính, hải giám, hải cảnh, được trang bị nhiều tàu lớn do hải quân chuyển sang. Từ 2013, họ cũng bắt đầu cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ quân sự lớn ở Trường Sa. 

Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa (không cấm nam vĩ tuyến 12° N.) Trước khi xây dựng được các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, thực tế Trung Quốc khó có thể kiểm soát vùng biển này. Đó có thể là lí do họ không cấm đánh cá vùng đó. 

Nhưng từ khi có các căn cứ lớn ở Trường Sa trong mấy năm gần đây, rõ ràng họ đã có thể gửi lực lượng chấp pháp dọc ngang khu vực này. Họ vẫn không cấm đánh cá vùng này, một phần lớn là chừa vùng đó cho ngư dân của họ có chỗ đánh cá khi các vùng khác bị cấm. 

Năm 2018 thì lực lượng cảnh sát biển này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương thuộc Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, với mỗi một bước phát triển lực lượng như vậy, họ mỗi lúc càng hung hăng hơn. 

Chiến thuật vùng xám 

Một trong lý do khiến Trung Quốc không cấm đánh cá ở Trường Sa ngay cả khi đã có các căn cứ lớn ở đó là họ muốn thực thi chiến thuật vùng xám. 

Một phần tương đối lớn của vùng biển Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei, Philippines. Các hoạt động đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác phải được họ cho phép. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, "họ không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa cũng là để cho lực lượng dân quân ngụy trang dưới dạng ngư dân đồng hành với lực lượng chấp pháp chính quy nhằm quấy phá ngư dân nước khác, cản trở các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước khác trong khu vực".

Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết thực ra vào năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã để cho tỉnh Hải Nam ra quy định ngư dân phải có giấy phép mới được đánh cá trong phạm vị họ quy định. Phạm vi này kéo dài tới 4° vĩ độ bắc, tức là bao phủ toàn bộ đường chữ U, thậm chí ở phía nam, có một phần vượt ra khỏi phạm vi đường chữ U và đi vào trong vùng lãnh hải Việt Nam. Quy định này có vẻ để thăm dò phản ứng của các nước trong khu vực. Trung Quốc bị Việt Nam và các nước liên quan phản đối và thực tế họ cũng chưa đủ khả năng kiểm soát toàn khu vực nên cho tới nay họ không còn nhắc lại nữa.

RFA đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Phan Văn Song rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có phải là một chiến thuật để đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông không ? Nếu đúng thì chiến thuật đó là gì ? Nó gây khó khăn gì cho các nước khác xung quanh Biển Đông ?

Ông Phan Văn Song cho rằng, "ngoài lí do về môi trường như Trung Quốc nói, chắc chắn đó cũng là một hành động thể hiện sự kiểm soát thực tế các khu vực biển này, một yếu tố rất quan trọng để chứng minh chủ quyền trước toà trong khu vực có tranh chấp. Đây là chiến thuật cài bẫy bằng sự mập mờ. Nếu các nước liên quan không phản đối, Trung Quốc sẽ nói là đã ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nếu các nước này phản đối, họ sẽ bị rêu rao là không hợp tác trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc cũng đặt ngư dân Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông vào tình thế có nguy cơ bị lực lượng chấp pháp của Trung Quốc xâm hại, tấn công. Nguy cơ lực lượng chấp pháp của các nước xung quanh Biển Đông phải va chạm với Trung Quốc cũng ngày càng tăng".

Hiện nay, quốc tế chưa quan tâm nhiều đến những lệnh cấm đánh cá đơn phương này của Trung Quốc. Có lẽ vì chưa nắm rõ chiến thuật vùng xám này của Trung Quốc. Việt Nam đã chọn cách phản đối và không tuân theo lệnh cấm đó. Ngư dân Việt Nam phải liều mình vì cuộc sống cũng như để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong khi lực lượng chấp pháp Việt Nam chưa đủ nguồn lực để bảo vệ họ một cách đầy đủ. 

Có thể coi hành vi cướp phá của dân quân biển Trung Quốc là cướp biển

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng các hải đội dân quân biển của Trung Quốc có thể bị coi là cướp biển, khi họ cướp phá tài sản của tàu cá Việt Nam. Tháng 2 năm 2023 một tàu cá ở Quảng Nam khi ghé vào một đảo ở Hoàng Sa tránh gió lớn, đã bị một tàu phi quân sự của Trung Quốc tới cướp bóc hết hải sản và ngư cụ. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp dẫn Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về hành vi "cướp biển" và khẳng định "Việt Nam có thể hành xử với họ như là đối với cướp biển, tức là có thể trấn áp bằng vũ lực". 

Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về "cướp biển" như sau :

"Bất kỳ hành vi bất hợp pháp sử dùng bạo lực hay bắt giữ, hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một tàu tư nhân, hay một phương tiện bay tư nhân thực hiện, vì những mục đích riêng tư, và nhằm : (i) Chống lại một tàu hay một phương tiện bay khác, hay chống lại những người hay tài sản trên tàu hoặc phương tiện bay đang trên biển cả ; (ii) Chống lại một tàu, phương tiện bay, người hay tài sản đang ở khu vực nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh rằng hành vi của các tàu dân quân biển Trung Quốc tương ứng với định nghĩa về "cướp biển" nói trên. Do đó, việc Việt Nam sử dụng lực lượng chấp pháp căn cứ theo Luật biển Quốc tế và Luật biển Việt Nam để trấn áp cướp biển, hoặc hành vi ăn cướp trên biển, để bảo vệ ngư dân Việt Nam, cũng là một cách thức hiệu quả để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. 

Tuy vậy theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, Việt Nam cũng có vấn đề của mình, khi họ không thể bảo vệ ngư dân Việt Nam vào các vùng biển nước khác, như Indonesia và Malaysia, để đánh cá, dù phần lớn là do không xác định được ranh giới trên biển. Ông nói Việt Nam và Indonesia đã ký thỏa thuận phân chia ranh giới trên biển, vì vậy có thể hy vọng sẽ không còn xảy ra việc các tàu đánh cá của Việt Nam xâm phạm biển của Indonesia và với các nước khác cũng vậy.

Còn nhà nghiên cứu Phan Văn Song suy nghĩ về việc sử dụng công cụ pháp lý quốc tế. Ông nói :

"Tôi nghĩ chưa sâu nhưng có một vài suy nghĩ bước đầu như sau để cùng thảo luận. Về mặt câu chữ, phán quyết năm 2016 của Tòa Thường trực chỉ áp dụng cho Philippines. Việt Nam xác định Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống. Nhưng điều này chưa được công nhận như vùng biển Scarborogh của Philippines. Do đó, Trung Quốc sẽ lập luận là họ chỉ cấm trong vùng biển của mình. 

Có lẽ Việt Nam nên tìm cách, tìm dịp nào đó kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để có được một phán quyết vô hiệu hóa phạm vi của đường chữ U trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của phía mình, cũng như nhận được phán quyết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống. Tất nhiên việc này không dễ vì Việt Nam phụ thuộc kinh tế Trung Quốc khá nhiều nên có thể bị họ trả đũa ở mức vượt quá khả năng chống đỡ". 

Nguồn : RFA, 09/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Vạn Lý, Phan Văn Song, Hà Hoàng Hợp
Read 555 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)