Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2023

Tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines trong vùng EEZ của Manila

Camille Elemia

Thoát chết trong gang tấc khi tàu Trung Quốc một lần nữa quấy rối tàu Philippines trong vùng EEZ của Manila

Chỉ mới sau 7 giờ sáng thứ Sáu 8/9/2023, các tàu Trung Quốc đã bắt đầu bu quanh tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Cabra, di chuyển đến gần và vây quanh một cách khó chịu khi tàu này hộ tống các tàu dân sự đi về phía bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là bãi Ayungin).

phi0

Tàu Hải cảnh Trung Quốc vay tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Cabra trong một cuộc đối đầu ở Biển Đông (Biển Tây Philippines) gần Bãi Cỏ Mây ngày 8/9/2023.

Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu CCG 21616 là chiếc tàu đầu tiên xuất hiện tại hiện trường – nơi cách Bãi Cỏ Mây khoảng 10 hải lý (18,5 km). Bãi Cỏ Mây là một bãi cạn thuộc Biển Đông và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Một phóng viên của tờ BenarNews, một ấn phẩm của Đài Á Châu Tự do (RFA), và một số phóng viên khác đã được cấp phép đặc biệt để đi trên tàu Cabra và một tàu cảnh sát biển khác làm nhiệm bảo vệ cho đội tàu tiếp tế, đã có dịp chứng kiến những khoảnh khắc căng thẳng trên biển.

Những cảnh tượng tương tự cho thấy sự hung hăng của các tàu Trung Quốc đã diễn ra gần đây khi các tàu Philippines thực hiện các chuyến cung cấp hàng tiếp tế cho BRP Sierra Madre – một tàu hải quân cũ kỹ và hoen gỉ được sử dụng làm tiền đồn quân sự của Manila tại bãi Cỏ Mây.

"Tàu Philippines, các bạn đang tiếp cận vùng biển Trung Quốc. Để tránh tính toán sai và hiểu lầm, hãy thông báo ý định của các bạn" – tàu hải cảnh Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo tàu Cabra của Philippines qua tín hiệu phát thanh vào khoảng 6 :30 sáng.

Đáp lại tín hiệu phát thanh, tàu Cabra khẳng định tàu này "đang thực hiện tuần tra thường lệ, hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phù hợp với luật pháp của Philippines và quốc tế".

"Đề nghị hãy tránh xa lối đi của chúng tôi theo quy định về [tránh] va chạm" – người điều hành tín hiệu phát thanh của tàu Cabra nói.

Khoảng 30 phút sau, đã có ít nhất ba tàu hải cảnh và tàu khác từ đội tàu dân quân biển của Trung Quốc tham gia vào cuộc đối đầu.

Sau đó các tàu Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động triển khai nhằm cố chặn lối đi của các tàu dân sự - các động thái được các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines mô tả là quá gần và nguy hiểm.

phi2

Bức ảnh được chụp từ drone ngày 8/9/2023 cho thấy tàu cảnh sát biển Philippines BRP Cabra bị bao vây bởi tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển Trung Quốc ở khu vực Biển Đông gần Bãi Cỏ Mây. Ảnh : Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines

Một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 21551 đã liên tục cố gắng cắt ngang đường đi của tàu Cabra nhằm tách tàu này khỏi một trong số các tàu tiếp tế.

Sau khi không vượt qua được tàu Cabra từ phía bên phải, tàu CCG 21551 sau đó đã tăng tốc để vượt qua Cabra từ phía bên trái. Khi thực hiện thao tác này, tàu Trung Quốc đi về phía Cabra và sau đó đột ngột dừng lại khi chỉ cách tàu Philippines 3 đến 5 mét – các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) cho biết.

Trong cuộc đối đầu này, ít nhất hơn chục cuộc trao đổi qua tín hiệu phát thanh cũng như thách thức và thách thức hồi đáp thách thức đã diễn ra giữa các tàu Philippines và Trung Quốc.

"Hành xử của các bạn đã vi phạm thẩm quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc. Tôi cảnh báo các bạn hãy rời khỏi khu vực ngay lập tức. Mọi hậu quả [có thể xảy ra] sẽ do các bạn gánh chịu" – một giọng nói từ tàu CCG 5305, tàu lớn nhất trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt tại hiện trường, cảnh cáo thủy thủ đoàn tàu Cabra.

Sau khi bị tách khỏi các tàu cảnh sát biển Philippines, như chủ định của các tàu Trung Quốc, các tàu dân sự Philippines đã tự tiếp tục hành trình, cập đến tàu Sierra Madre, đón được người của Lực lượng Hải quân Philippines và giao lương thực và các hàng tiếp tế khác.

phi3

Emmanuel Dangate, sĩ quan chỉ huy tàu BRP Cabra, nhìn ra ngoài từ khoang lái khi các tàu Trung Quốc cố gắng cắt ngang đường đi của tàu Cabra và hoạt động gần tàu này khi ở vùng biển gần Bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippine đánh giá chuyến tiếp tế mới nhất này thành công bất chấp cuộc chạm trán căng thẳng với các tàu Trung Quốc.

"Chuyến tiếp tế và luân chuyển người thường lệ đã tiếp tục gặp phải những triển khai nguy hiểm (hoạt động nguy hiểm), đe doạ sự an toàn của thủy thủ đoàn trên các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và các tàu tiếp tế của Philippines" – Ông Jay Tarriela, người phát ngôn về vấn đề Biển Đông của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines phát biểu trong một tuyên bố báo chí.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết, trong thời gian diễn ra vụ việc ngày thứ Sáu, họ đã ghi lại 10 trường hợp bốn tàu hải cảnh và bốn tàu dân quân biển Trung Quốc đã có những triển khai nguy hiểm (hành động nguy hiểm) đối với hai tàu cảnh sát biển BRP Cabra và BRP Sindangan của Philippines.

Hai tàu chiến Trung Quốc của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng bị phát hiện là đang theo dõi khu vực này.

Tại một thời điểm, tàu hải cảnh CCG 5305 của Trung Quốc đã nhấn còi ba lần trong khi băng qua mũi tàu BRP Sindangan của Philippines ở khoảng cách khoảng 50 đến 60 thước Anh.

Về phần mình, tàu cảnh sát biển BRP Cabra bị quây bởi 05 tàu Trung Quốc : 03 tàu dân quân biển, một tàu hải cảnh ở phía trước và một tàu hải cảnh khác phía sau.

Các thủy thủ đoàn của tàu Cabra và Sindangan - các tàu phản ứng đa năng dài 44 mét của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines - và các nhà báo trên hai tàu này đã rời đảo Palawan của Philippines vào khoảng 9 giờ sáng thứ Năm.

Hai tàu cảnh sát biển này đã được triển khai để hộ tống hai tàu tiếp thế nhỏ, tàu Unaizah May 1 và Unaizah May 2, được Hải quân Philippines giao nhiệm vụ thực hiện các chuyến tiếp tế và luân chuyển nhân sự thường kỳ.

Hai chiếc tàu gỗ chở thực phẩm, vật tư và một đợt thủy thủ mới tới Sierra Madre - một chiếc tàu thời Thế chiến II cũ kỹ. Năm 1999, Philippines đã cố tình đưa nó ra Bãi Cỏ Mây, nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp để đáp trả việc Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn gần đó.

Hai tàu Unaizah May và các tàu cảnh sát biển đã gặp nhau ở gần Bãi Sa Bin vào tối thứ Năm và hai tàu nhỏ này đã đi ở giữa hai tàu cảnh sát biển.

"Bảo vệ các tàu Unaizah May là chỉ lệnh chúng tôi nhận được" – ông Emmanuel Dangate, chỉ huy tàu Cabra nói với các phóng viên trên tàu của mình.

Quang cảnh từ buồng lái

Trong cuộc đối đầu ngày thứ Sáu, không khí trong buồng lái của tàu Cabra khá điềm tĩnh khi các tàu Trung Quốc áp sát vào tàu cảnh sát biển Philippines. Một vài thành viên của thủy thủ đoàn thậm chí còn mỉm cười và trêu đùa nhau.

Dangate - thuyền trưởng của Cabra - bình tĩnh nhìn về phía trước từ khoang lái và đưa ra các hiệu lệnh cho thủy thủ đoàn của mình.

"Những chuyến đi như thế này khơi dậy lòng yêu nước và sự hy sinh của chúng tôi" – vị sĩ quan chỉ huy này nói với nhóm phóng viên được chọn đi theo tàu để có cơ hội hiếm hoi trực tiếp chứng kiến một trong những chuyến đi tiếp tế của tàu Philippines.

Thỉnh thoảng, ông lại nhìn qua ống nhòm và hỏi nhanh thủy thủ đoàn của mình.

"Tàu kia có Hệ thống Nhận diện Tự động [AIS] không ?" - ông hỏi và chỉ vào một con tàu ở xa, trông có vẻ là tàu dân quân biển Trung Quốc.

"Dạ, không" – một thủy thủ trẻ trả lời. Điều này có nghĩa là một số tàu Trung Quốc đã tắt AIS để che dấu vị trí và các thông tin kỹ thuật của mình với các tàu khác trong khu vực.

phi4

Một tàu dân quân biển và một tàu hải cảnh Trung Quốc bơi gần tàu cảnh sát biển BRP Cabra của Philippines, ở vùng biển gần bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews

Khi của chạm trán xảy ra, một chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ - đồng minh quốc phòng chính của Manila - liên tục bay lượn trên khu vực biển này trong và sau thời gian diễn ra vụ việc. Theo các quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Phillippines, một chiếc máy bay trực thăng Black Hawk không rõ lai lịch, đã cố gắng tiếp cận những chiếc tàu gỗ. Một chiếc máy bay màu trắng không rõ lai lịch khác cũng được phát hiện.

Các tàu dân quân biển và tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục theo dõi các tàu cảnh sát biển Philippines một cách sát sao trong nhiều giờ khi các tàu Philippines chờ các tàu tiếp tế trở về từ Bãi Cỏ Mây. Các tàu Trung Quốc cuối cùng đã giải tán khi các tàu Philippines lên đường trở về Palawan vào khoảng 3 giờ chiều ngày thứ Sáu.

Giới chức Philippines đã chỉ ra rằng khác với ở các chuyến tiếp tế trước kia, Trung Quốc giờ đây triển khai các tàu hải cảnh nhỏ hơn, do đó, có thể nhanh chóng triển khai việc chặn tàu Philippines.

Trong chuyến tiếp tế ngày 22/8, hai tàu cảnh sát biển của Philippines đã có thể hộ tống các tàu dân sự tới gần Bãi Cỏ Mây hơn một chút bất chấp các động thái của Trung Quốc. Nhưng lần này, tàu cảnh sát biển Philippines chỉ có thể tới khu vực cách bãi cạn này 10 hải lý, mà theo phát ngôn viên Jay Terriela, một nguyên nhân có thể là do việc Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh nhỏ và nhanh hơn.

Cũng đáng chú ý là sự tham gia một cách chủ động hơn của các tàu dân quân biển trong việc quấy rối các tàu của Philippines trong các chuyến tiếp thế gần đây, các quan chức này cho biết.

phi5

Các tàu dân quân biển Trung Quốc bao vây cảnh sát biển BRP Cabra của Philippines, ở vùng biển gần bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews

 Tranh chấp với Trung Quốc về đảo Trường Sa là nguyên nhân chính dẫn tới việc Manila quyết định khởi kiện Bắc Kinh ở một tòa án quốc tế vào năm 2012.

Vụ kiện của Philippines được coi là bước đột phá vì trước đây chưa từng có một quốc gia nào chất vấn và thách thức Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền biển của nước này tại một tòa án quốc tế.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã tuyên bố Philippines thắng kiện với một phán quyết mang tính bước ngoặt, không công nhận các yêu sách lãnh thổ rộng khắp của Bắc Kinh ở Biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng trong thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên Bắc Kinh đã không thừa nhận phán quyết này, trích dẫn lịch sử và khăng khăng cho rằng Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ.

Tháng 8 năm nay, Bắc Kinh đã công bố bản đồ đường 10 đoạn mới bao phủ cả Đài Loan và gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối của các quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan.

Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia cũng là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với quần đảo Trường Sa. Đài Loan cũng là một bên tuyên bố chủ quyền.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Jakarta hôm thứ Năm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã kêu gọi các quốc gia ASEAN và các đồng minh lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hành động không an toàn của lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển của nước này. 

Philippines hoàn toàn ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ" - ông Marcos nói trong cuộc họp mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng tham dự.

"Chúng tôi phải phản đối việc sử dụng các tàu cảnh sát biển và dân quân biển một cách nguy hiểm ở Biển Đông".

Camille Elemia/BenarNews

Nguồn : RFA, 12/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Camille Elemia
Read 1649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)