Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2023

Cây rừng và sông suối ở Bình thuận cạn kiệt vì lòng tham

Phạm Văn An

Cây đổ giòn vang như tiếng pháo

Phạm Văn An, RFA, 12/09/2023

Ai từng ở Bình Thuận trước và ngay sau thời điểm 1975 xin làm chứng cho tôi.

binhthuan1

Rừng dầu quý hiếm nằm trong khu vực rừng phòng hộ Sông Móng - ka Pét, Bình Thuận - Nguyễn Thanh - TTXVN

Rừng Bình Thuận trước kia vô cùng rậm rạp. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước (những năm 1980), rừng Tánh Linh còn là đại ngàn hoang dã. Sâu thẳm, bạt ngàn, hoang vu và kỳ bí nên nó chứa rất nhiều truyền thuyết và huyền thoại, trong đó nổi tiếng nhất là truyền thuyết về kho vàng Yamashita, nơi người Nhật chôn vàng bạc Châu báu và các đồ quý giá khai thác được từ các nước bị chiếm đóng. Báo chí Việt Nam từng say mê đăng dài kỳ về các chuyến đi vào rừng Tánh Linh để tìm kho báu này của cố vấn chính phủ Việt Nam Cộng hòa-ông Ngô Đình Nhu.

Khoảng năm 2000, người dân phá rừng làm rẫy ngày càng lấn sâu vào rừng, chiếm mất sinh cảnh của voi khiến đàn voi rừng Tánh Linh tràn xuống phá lại mùa màng. Chính quyền phải quyết định di dời đàn voi quý giá này lên rừng Yok Đôn (Đắc Lắc) để cứu chúng.

Vài chi tiết đủ nói lên sự giàu có và mênh mông của rừng Tánh Linh chỉ mới cách đây vài chục năm.

binhthuan2

Một cánh rừng nguyên sinh ít bị tác động ở Bình Thuận. TTXVN

"Ngày xưa đất cọp"

Thời tiết Bình Thuận nói chung nhờ giàu rừng và biển mà rất điều hòa. Đành rằng có mùa khô và mùa mưa như tất cả các địa phương nằm ở miền Trung và Nam, nhưng mùa mưa không kinh hoàng lũ quét hay bão tố. Mùa nắng thì ngoài trời nắng vàng rát, nhưng gần như lúc nào cũng có gió lồng lộng, chỉ cần vào bóng râm đã mát rượi. Ban đêm còn mát lạnh đến nỗi ngủ phải đắp tấm chăn mỏng.

Rừng Bình Thuận miên man lạc lối. Từ sông Cà Ty trung tâm thành phố Phan Thiết, nhìn qua trái là dãy dãy núi xa mờ xanh biếc. Nhìn qua phải, chỉ một đoạn ngắn sông uốn khúc nữa là đến cửa biển.

"Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận", câu đúc kết nổi tiếng của dân gian ấy cho ta mường tượng một phần về sự bát ngát miên man của núi rừng Bình Thuận.

"Kỳ thực Bình Thuận chính là đất cọp.

Bình Thuận nằm ở cuối Trung, đầu Nam bộ. Rừng và đất rừng chiếm phần lớn. Có các kiểu rừng thường xanh, rừng rụng lá xen trảng tranh… Cọp là loài thú chuộng sinh cảnh như thế.

Phan Sơn là xã miền núi huyện Bắc Bình, tiếp giáp Nam Tây nguyên. Sách Phan Sơn truyền thống kháng chiến 1945 - 1975 do cấp ủy xã Phan Sơn xuất bản năm 1999, tại trang 9, viết : "Trong rừng có nhiều loại chim thú quý : Cọp, báo, gấu, voi, hươu nai, khỉ…".

Anh K’ Bé, cựu Bí thư Đảng ủy xã Phan Sơn, cho hay : "Đồng bào Rắc Lây và K’ho xã Phan Sơn trước đây sống trong các buôn. Nhà nào cũng có hàng rào tre lồ ô vát nhọn, vậy mà cọp mò vô được bắt heo. Có hai người bị cọp vồ, may mắn thoát được, đó là ông Mang Pha. Năm 1977, một lần Mang Pha gặp cọp to bên bờ suối. Nó thấy ông từ trước nên nhảy tới vồ.

Người thứ hai là K’Taan. Một đêm đầu mùa mưa năm 1982. K’Taan, khi ấy là chủ tịch xã, muốn kiếm ít thịt tươi đãi khách nên cầm súng AK ra khỏi nhà. Sau gần một giờ đội đèn đi dọc con suối lớn, K’Taan nghe mùi khét khét rồi đôi mắt đỏ quạch bắt ánh đèn pin trên đầu ông. Thói thường, người đi săn đều hướng mũi súng về phía trước, tay cầm chắc bá súng đề phòng bất trắc. Khi hai con mắt đỏ lừ mỗi lúc một gần, K’Taan càng hướng mũi súng xuống ngang thắt lưng, đề phòng. Đúng vào lúc đó, một con vật lông màu vàng vằn vện phóng thẳng về phía K’Taan. Ngả người bóp cò, khẩu súng trong tay K’Taan giật nhẹ. Một tiếng "bịch" nặng nề, khô khan vang lên. Con cọp dài hai thước bị đạn ngay đầu nằm chết, một chân của nó cách chân K’Taan nửa thước.

"Chiến khu cọp" và rừng ven sông Dinh

Cố Thiếu tướng Phạm Hoài Chương, trong trang hồi ký về Thái An thuộc chiến khu Lê (Bắc Bình) gọi Thái An là "chiến khu cọp". Thời chống Pháp, cọp xông vào bệnh xá, vồ Trưởng đoàn văn công Tiểu đoàn 89, mang đi. Cọp cũng là kẻ thù của lính Pháp. Mỗi trận đánh ở Thái An, Pháp chưa kịp lấy xác cọp liền tha đi.

Ở Hàm Tân, bên phải cầu Láng Gòn (xã Tân Xuân) (năm 1953), bốn bề là rừng. Dân La Gi tản cư lên vùng này, lập nên xóm Đoàn Kết. Nhà dân đều có rào cao. Một tối nọ, cô Hường (15 tuổi), con gái anh Hai Chọn, mở cổng rào ra liền bị cọp vồ. Cả xóm mang đuốc đuổi theo. Tới bìa rừng, họ phát hiện con hổ lớn, chân đạp xác Hường, nhìn về phía đoàn người, gầm gừ. Hàng chục ngọn đuốc phóng về phía cọp, buộc nó bỏ xác phóng đi.

Cựu Bí thư Huyện ủy Hàm Tân (2005 - 2010) Nguyễn Công Sanh cho hay : "Bên kia sông Dinh, năm 1965 - 1970, cọp về thường xuyên. Khoảng 8 - 9 giờ sáng còn nghe tiếng cọp gầm. Có năm cọp còn về cách cầu Láng Gòn hiện nay vài chục mét".

Tây Bình Thuận và Rừng Lá

Anh Lê Thúc Tôn, nhiều năm là giáo viên vùng cao Tánh Linh ; cựu Chủ tịch xã La Ngâu năm 1984, cho biết : "Sau năm 1975, La Ngâu còn cọp. Đồng bào K’ho ở buôn Tà Bạch, Tà Mỹ thuộc xã, có thói quen vứt xác heo chết dịch ra suối, cọp ăn thành quen, sau này cọp mò vô trong buôn bắt heo, dê".

Tánh Linh còn có sự kiện ông Cao Tiến Hộ bắn cọp tại dốc dài thuộc xã Đức Bình 1984. Dốc dài khi đó là đường đất mới. Hai bên là đồi cao. Cọp phục ở chân dốc, vồ một em bé, để lại cái đầu. Dân chúng càng hoang mang vì sau đó cọp mò qua xã Đức Thuận gần đó bắt trâu, bò. UBND huyện Tánh Linh treo thưởng 1.500.000 đồng cho người diệt cọp. Cao Tiến Hộ khi ấy là Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin quyết tâm săn cọp.

Ông điều nghiên nơi cọp có thể mò ra. Và rồi, ông bắn hạ được con cọp cái dài đến 2,4 m, nặng 240 kg. Xã Suối Kiết thuộc Tánh Linh, cũng là nơi nhiều cọp... Trước năm 1975, Suối Kiết là vùng rừng nguyên sinh, trong đó có khu Rừng Lá. Người dân sống bằng nghề khai thác cây gỗ, lá buông, các loại lâm sản phụ khác trong rừng lá. Tại trang 80 cuốn Lịch sử truyền thống xã Suối Kiết 1945 - 2010(4), cho hay : "Giai đoạn 1975 - 1980, người dân ra khỏi nhà là gặp thú rừng, còn cọp thỉnh thoảng quanh quẩn sau nhà dân.."..

Các đoạn trích trên nằm trong bài "Bình Thuận, ngày xưa đất cọp" của tác giả Hà Thanh Tú, đăng trên báo Bình Thuận điện tử ngày 16/1/2022. Tác giả Hà Thanh Tú dẫn nguồn các tư liệu về cọp nói trên trong các cuốn sách : Chi bộ xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, xuất bản năm 1999 ; Phạm Hoài Chương và Trương Công Lý, trang 53, 187, sách Văn học Kháng chiến Bình Thuận, do Hội Văn nghệ Bình Thuận xuất bản. Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ in tháng 5/2020 và Lịch sử truyền thống xã Suối Kiết 1945 – 2010, do Đảng bộ xã Suối Kiết xuất bản, năm 2010, bản PDF.

Những đám lửa trên núi

Hàm Tân và vùng cao Tánh Linh giáp giới với vùng rừng Ka Pet, nơi có dự án hồ thủy lợi Ka Pet đang gây sóng dư luận mấy ngày nay.

Nhưng, ngay sau 1975, những ai thời ấy hay đi lại trên quốc lộ 1, đoạn từ Ninh Thuận, Bình Thuận vào Sài Gòn sẽ rất quen với cảnh những đám lửa đỏ bập bùng trên các triền núi kéo dài suốt hai bên đường. Thời ấy dân cư thưa thớt hơn bây giờ, giữa những thị tứ nhỏ là mấy chục km đường hoang vắng, hai bên chỉ có đồi núi, rừng và rừng cao su. Điện sinh hoạt còn không có nên tất nhiên chẳng có đèn đường. Giữa đêm đen thăm thẳm của hàng trăm km quốc lộ, những đám lửa trên núi xa đặc biệt trông rõ.

Ai đốt lửa thâu đêm trên núi ?

Là dân. Dân đi chặt củi, hầm than suốt đêm trên núi, mang xuống phố bán, kiếm tiền mua gạo, nước mắm, cá khô.

Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu thốn. Nhiên liệu dùng trong gia đình phổ biến là trấu và mùn cưa. Nhà kha khá mới có tiền mua củi. Nhà nào dùng than là đã sướng lắm rồi, vì than cháy lâu, lửa lớn và không khói, sạch nồi chảo. Than mắc lắm. Tôi nhớ cứ gần Tết, má tôi mới đi mua một bao than lớn về xài. Những tảng than to lớn còn nguyên hình cành cây to tròn, thẳng hoặc cong queo, phải dùng dao chặt nhỏ ra mới cho vừa vô bếp.

Thời bao cấp, đến ăn còn không no, nói gì đến giữ rừng với bảo vệ môi trường. Dân ngoài quốc doanh đói, dân trong quốc doanh càng đói. Thôi thì nông trường, lâm trường mọc lên như nấm, và dân ven rừng thì mặc sức. Cứ vào rừng, ai chặt, kiếm được cái gì bán ra tiền cứ chặt, cứ kiếm.

Bây giờ gỗ đắt lắm, nhưng thời ấy thì trong nhà ai cũng đầy gỗ, chẳng có gì ngoài gỗ : bàn, tủ, ghế, giường, bộ ván, tủ thức ăn, kệ sách… tất tần tật gì cũng gỗ. Vì ngoài gỗ ra thì có vật liệu nào khác nữa đâu ?

Lâm trường nông trường mọc lên chính là sự chính thức hóa và quy mô hóa sự tham gia của Nhà nước vào công cuộc phá rừng.

Phá rừng khai thác gỗ, bán.

Phá rừng để có đất trồng khoai, trồng bắp chống đói cho cả nước.

"Công trường của ta là dốc núi

Chim rừng ríu rít bên khe suối

Xen lẫn tiếng rìu tiếng cưa

Nhịp nhàng khắp trên non ngàn

Cây đổ giòn vang như tiếng pháo

Tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ

Áo thấm bao mồ hôi nhưng lòng rộn bao niềm vui".

Đó là điệp khúc trong bài ca Khúc ca người thợ rừng, được gọi là "Ngành ca" của ngành lâm nghiệp, tác giả là nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác năm 1963.

Tư duy khai thác cạn kiệt tài nguyên để mua thức ăn của một thời xa vắng kéo dài đến hàng chục năm sau ngày thống nhất đất nước.

Nhưng phá rừng kinh khủng nhất là thời kỳ Kinh tế mới.

Ở thành thị, chính quyền sàng lọc người dân theo các quy định chính trị. Theo đó những gia đình/cá nhân bị xếp vào loại lý lịch xấu (tôi không nhớ rõ, hình như có 14 loại. Xếp từ loại 10 trở về sau là lý lịch xấu) bị bắt buộc rời thành thị để "đi Kinh tế mới". Về bản chất, đi kinh tế mới tức là nhổ bật toàn bộ gia đình họ khỏi quê quán, nhà cửa, điều kiện sinh sống, học tập, làm việc với tất cả các mối quan hệ ở thành thị, đưa họ đến những vùng đất hoặc rừng hoang. Họ sẽ được cấp một mảnh đất, phát hai chiếc cuốc xẻng, một ít tiền để sinh hoạt và mua giống, phân bón… trong thời gian đầu, khoảng từ 6 tháng đến một năm.

Những bàn tay quen cầm bút hay cầm bàn tính sẽ phải cầm cuốc cầm rựa để phát cây, đốt rẫy, trỉa bắp, trồng khoai, trồng rau, nuôi heo nuôi gà… tự sản xuất tất cả lương thực và thực phẩm cần thiết để nuôi sống gia đình.

Trong lớp của chúng tôi, thỉnh thoảng lại vắng đi một bạn. Chỉ có một trong hai khả năng : một là đi kinh tế mới, hai là đi vượt biên.

Cụ L.N.H, từng giữ chức vụ khá cao trong bộ máy kinh tế nhà nước tỉnh Thuận Hải nói về thời kinh tế mới :

- Phá rừng nhiều nhất là thời kinh tế mới. Có những cái nhà dựng lên, giữa nhà vẫn còn nguyên cái gốc cây (vì lớn quá, không thể bứng hết cụm rễ đi được, chỉ có thể chặt hoặc đốt bớt - TG).

Song hành với chính sách Kinh tế mới là chính sách Ngăn sông cấm chợ. Người dân không thể đưa bất cứ thứ gì ra khỏi ranh giới địa phương.

- Người ta mang theo một hai ký gạo cũng bị bắt, quy tội buôn lậu lương thực - Cụ H. kể tiếp.

Hai chính sách này như hai cánh tay bóp thít cổ người dân, bắt họ sống tự cấp tự túc trong một khu vực vô cùng hạn hẹp. Không giao thương, không trao đổi hàng hóa. Người dân ở gần rừng chỉ còn một cách là phá rừng mà sống. Như tôi đã kể ở phần đầu, hầm than là cách phổ biến nhất vì nó rất dễ.

Ở giai đoạn sau, khi các chính sách sửa sai đã trả lại khả năng sản xuất lương thực vĩ đại của Nam Bộ để không chỉ nuôi no bụng toàn bộ dân Việt Nam mà còn thừa rất-rất nhiều để xuất khẩu, thì "tiếng rìu tiếng cưa nhịp nhàng khắp trên non ngàn" để bán mua gạo đã biến tướng thành chặt trọc rừng để thành trọc phú.

Những người dân nghèo sống ven rừng, vào rừng hạ cây để hầm than hay đi chặt gỗ lẻ bây giờ thành "thợ rừng", làm thuê cho đủ loại ông chủ giàu lóa mắt, vào rừng bằng xe cơ giới, chặt cây bằng cưa máy, chuyển gỗ công khai giữa ban ngày trên lộ lớn bằng xe tải. Và trong không ít trường hợp, chúng có người bảo kê từ chính cơ quan bảo vệ rừng và/hoặc các cơ quan pháp luật.

Tỉnh Thuận Hải, tiền thân của hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận bây giờ, tận từ thời ông Tám Hiền (Lê Văn Hiền, nguyên Bí thư tỉnh ủy) và Tư Ngọc (Trần Ngọc Trác, Chủ tịch UBND tỉnh) vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước đã nổi tiếng với câu phát biểu "Thuận Hải bây giờ về cơ bản đã… phá xong rừng". Câu này được gán cho một trong hai vị trên, nhưng không biết chính xác đến đâu và nếu có thì trong trường hợp nào.

Vụ án "Đồi hoa mai" nổi tiếng ở Bình Thuận được xét xử vào năm 2005, đầu sỏ là Hai Chi, trùm phá rừng buôn lậu gỗ suốt hàng chục năm. Oái oăm thay, băng đảng Hai Chi bị trừng trị không phải vì thành tích phá rừng lừng lẫy và bền vững, mà do chúng ngang nhiên bạo hành, phá nhà cửa và chém giết những người dân trong vùng dám tỏ thái độ bất bình và tố cáo. Sự đắc chí và lộng hành này bắt nguồn từ mối quan hệ chặt chẽ của Hai Chi với Công an huyện Hàm Tân (Phó Trưởng Công an), Công an tỉnh Bình Thuận (11 cán bộ, chiến sĩ) và một số cán bộ lãnh đạo, cán bộ Viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận thời điểm đó.

Nếu sự ngang ngược này không đến đỉnh điểm là giết chết một người dân thì có lẽ băng đảng Hai Chi vẫn còn sống thoải mái ở ngoài để tiếp tục sự nghiệp phá rừng.

Hai Chi chỉ là một trong những nhóm phá rừng có sừng có mỏ ở địa phương. Có nhiều nhóm phá rừng khác hoặc yếu hơn, hoặc khôn khéo, cáo già hơn, không ra mặt.

Nhưng phá rừng quy mô nhất chính là những kẻ được giao trách nhiệm bảo vệ rừng.

Năm 2013, ngay tại khu vực rừng thuộc xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) - khu vực đang có dự án phá rừng xây hồ thủy lợi Ka Pet, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận và một số cán bộ thuộc Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam đã tiếp tay phá gần 30 ha rừng. Nhưng vụ án hủy hoại rừng kéo dài mãi đến năm 2021 mới có quyết định khởi tố bị can.

Và chỉ cuối năm 2022 đây thôi, 20.000 m2 rừng ngay trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã bị phá. Số cây bị đốn hạ có đường kính gốc từ 10 cm-40 cm vẫn chưa được đếm hết, nhưng ước tính lên tới hàng ngàn cây. Đáng nói là số lượng gỗ bị chặt và diện tích rừng bị phá có chênh lệch rất lớn với báo cáo của Ban quản lý Khu bảo tồn.

Kể thì không hết.

Hậu quả của tất cả chuỗi chính sách và việc làm suốt những năm sau 1975 đã dẫn đến hậu quả rừng ở Bình Thuận và Ninh Thuận gần như bị gọt trọc toàn bộ.

Đó cũng là tình trạng chung của cả nước.

Phạm Văn An

Nguồn : RFA, 12/09/2023

Tham khảo :

https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-ngay-xua-dat-cop-94552.html

https://www.vietnamplus.vn/lam-tac-don-ha-lim-xanh-co-thu-o-khu-bao-ton-thien-nhien-nui-ong/750440.vnp

https://nld.com.vn/phap-luat/ai-giup-hai-chi-thoat-khoi-danh-sach-den-lam-tac-122684.htm

https://kinhtenongthon.vn/bi%CC%80nh-thua%CC%A3n-lan-theo-dau-vet-lam-tac-tan-pha-rung-phong-ho-la-nga%CC%80-post15712.html

https://thanhnien.vn/xu-vu-lam-tac-sat-hai-nhan-vien-lam-truong-cach-day-18-nam-185252705.htm

https://baobinhthuan.com.vn/de-nghi-kiem-diem-tap-the-ca-nhan-lien-quan-vu-pha-rung-keo-dai-o-ta-cu-105571.html

https://thanhnien.vn/khoi-to-nguyen-tong-giam-doc-va-pho-tong-giam-doc-cong-ty-lam-nghiep-binh-thuan-1851393613.htm

https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-kiem-tra-lap-chot-tai-khu-vuc-thuong-xay-ra-pha-rung-106054.html

https://thanhnien.vn/san-ui-rung-gay-thiet-hai-cho-nha-nuoc-gan-6-2-ti-dong-1851393852.htm

https://www.vietnamplus.vn/vu-pha-rung-o-binh-thuan-dieu-tra-nguyen-giam-doc-cong-ty-lam-nghiep/748377.vnp

https://plo.vn/chuyen-cong-an-dieu-tra-vu-pha-rung-tai-khu-bao-ton-thien-nhien-ta-cu-post718898.html

https://thanhtravietnam.vn/thoi-su/binh-thuan-dieu-tra-kiem-lam-ban-rung-139578.html

https://phanri.plus/ho-bien-lac.html

https://nhandan.vn/mat-rung-co-lam-chung-ta-thuc-tinh-post367660.html?fbclid=IwAR3Mln93kGraAZJD9AWo0WAKTqzz16-AynDHnmziDRmT2IZdjmvkxK2lMzs

https://thanhnien.vn/vu-an-doi-hoa-mai-o-binh-thuan-ong-hoang-dinh-loan-bi-to-cao-lam-theo-chi-dao-cua-hai-chi-185166500.htm

https://nld.com.vn/phap-luat/sau-vu-an-hai-chi-tro-lai-doi-hoa-mai-141035.htm

https://nhandan.vn/vu-an-doi-hoa-mai-tai-binh-thuan-hai-chi-phai-nhan-them-toi-moi-gioi-hoi-lo-post494596.html

https://thanhnien.vn/luc-luong-kiem-lam-trong-vu-an-doi-hoa-mai-biet-hai-chi-buon-lau-nhung-co-lam-gi-duoc-dau-185170093.htm

https://tienphong.vn/hai-chi-12-nam-pha-rung-chi-dinh-10-vu-co-post17372.tpo

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-95-CP-chinh-sach-xay-dung-vung-kinh-te-moi-44156.aspx

https://www.hinhanhlichsu.org/2020/05/di-vung-kinh-te-moi-o-viet-nam-sau-nam-1975.html

**************************

Quý lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ra mà xem này

Phạm Văn An, RFA, 12/09/2023

Bây giờ chỉ cần ngồi trên xe hay trên tàu đi từ Bắc vào Nam, ai cũng có thể tận mắt trông thấy rừng trên các dãy núi gần đã hoàn toàn biến mất. Trước kia xanh biếc một màu thì giờ chỉ còn trơ đá tảng xám ngắt, lơ thơ cây bụi. Những dãy núi đất mới nhìn có vẻ xanh rì nhưng khi đến gần cũng chỉ toàn cây bụi. Những vùng rừng cực kỳ rậm rạp trước chiến tranh như ở Quảng Bình, giờ chỉ còn một khoảnh nhỏ ngay sát biên giới Lào là có vẻ còn giữ được dáng rừng già.

binhthuan3

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát thực tế tại vị trí dự kiến xây dựng công trình Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Nhân Dân

Rừng tự nhiên Việt Nam đã bị tàn phá khủng khiếp. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại cả nước và từng vùng diễn ra mãnh liệt. Nguyên nhân sâu xa cũng chính là nó.

Năm 2020, trong kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 1990 Việt Nam chỉ có chín triệu ha rừng, hệ số che phủ chỉ đạt 27%. Đến nay hệ số che phủ rừng đã tăng lên 42% với 14,6 triệu ha rừng.

Ông Cường so sánh tỷ lệ này cao hơn hẳn so với thế giới : bình quân chỉ đạt 29%.

Nhưng các chuyên gia về rừng không bị gây ấn tượng như ông Cường. Họ nói chất lượng rừng mới là đáng bàn.

"Rừng" cao su, keo lai… không thể tính là rừng

Trong tổng số hơn 14 triệu ha "rừng" hiện nay của Việt Nam, rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha, còn hơn nửa là rừng sản xuất.

"Rừng" sản xuất chủ yếu trồng thuần cây, như cao su, tràm, keo lai, v.v. để lấy nguyên liệu sản xuất.

Vẫn số liệu này cho biết 10 năm qua, trung bình mỗi năm toàn quốc trồng được khoảng 230 nghìn ha nhưng có 215 nghìn ha là rừng sản xuất. Gọi đúng tên, đây chỉ là diện tích cây công nghiệp dài ngày nhưng đã được nhiều địa phương tính vào độ che phủ rừng.

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về con số ấn tượng của ông Cường.

"Cây công nghiệp dài ngày đúng là có độ che phủ, nhưng không bền vững, đặc biệt không có tính đa dạng sinh học và không thể giúp chống mưa lũ, hay trở thành hồ chứa nước ngầm như rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng"-họ nói.

Mạng báo điện tử Tài nguyên và môi trường, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường từng trích dẫn nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu về nước để giải thích tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng của người dân vùng cao.

Trích : "Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy rừng đầu nguồn có vai trò lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, cân bằng về mặt sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiên tai, lũ lụt. Ở các khu vực rừng rậm có thảm mục và lớp mùn khá dầy, khả năng lưu giữ lượng nước mưa rất lớn. Tại đây, lượng nước mưa rơi xuống chảy ra khỏi rừng chỉ từ 3% đến 34%. Rừng trở thành hồ chứa tự nhiên, có tác dụng trữ nước vào mùa mưa và là nguồn cung cấp nước cho sông suối vào mùa khô. Nếu rừng bị suy thoái, chất lượng nước suy giảm, ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước cho người dân tại chỗ và người dân vùng hạ lưu, chưa nói đến rủi ro về thiên tai, lũ lụt. Chẳng hạn như ở Tây Nguyên hay tại Quảng Nam, nơi nào phá rừng nhiều thì nguồn nước bất ổn, nơi nào rừng được bảo vệ thì nước có quanh năm".

Còn Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng từng cảnh báo từ năm 2016 : "Tôi đã nhiều lần nói Việt Nam đang bơi ngược dòng so với thế giới. Thế giới họ ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta cố phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Vấn đề phải thấy rõ là rừng tự nhiên dù có nghèo kiệt thế nào chăng nữa thì về đa dạng sinh học cũng gấp nhiều lần rừng trồng vì tác dụng bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, bảo vệ không khí không nóng lên, làm cho nước được bảo tồn, chuyển nước mưa thành nước ngầm. Vì thế các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ một ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10 ha rừng trồng. Ở Việt Nam dù độ che phủ rừng đã tăng lên nhưng chúng ta còn rất ít rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng, chất lượng rừng rất thấp, các loài gỗ quý không còn, thể tích gỗ bé.

Thủ tướng (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng-TG) nói rất đúng : Nếu mất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì Tây Nguyên mất dần. Tây Nguyên không có nước thì đất bazan cũng bằng không. Mất rừng thì mất môi trường sinh thái. Sự trả giá cũng thấy rất rõ rồi. Ông trời đã dạy cho bài học về lũ khi mất rừng. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu, người chết, thủy điện vỡ, đồng lúa bị ngập" (báo Tuổi Trẻ, ngày 26/6/2016).

Chính quyền Bình Thuận : Dân Mỹ Thạnh khô khát là do điều kiện tự nhiên.

Quay trở lại tranh luận về việc xây dựng hồ thủy lợi Ka Pet tại vùng rừng xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Chiến đấu với dư luận khắp nơi đang lên án việc định phá hơn 600 ha rừng nguyên sinh để làm hồ chứa nước, báo Bình Thuận đăng liên tục nhiều bài nói về nhu cầu xây hồ thủy lợi của người dân bản địa.

Bài báo  ngày 04/9/2023 : "Bao năm qua, khát, khô là điều hiển nhiên của người dân Hàm Cần, Mỹ Thạnh... Do vậy, khi Quốc hội thông qua việc xây dựng hồ Ka Pet để mang nước về cũng là mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, đã khơi dậy niềm khát khao cháy bỏng và tiếp thêm động lực sống trong họ"-tờ báo viết.

binhthuan4

Hình chụp bài báo trên báo Bình Thuận

Xin mời cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Bình Thuận đọc kỹ phát biểu của Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn và Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung ngay bên trên.

Dân Mỹ Thạnh nhiều năm khát khô, đúng thế. Nhưng ai là thủ phạm tạo ra cơn khô khát đó ?

Xin các quý lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hiện tại đừng né tránh hiện trạng "phá rừng cơ bản đã xong" của tỉnh mình suốt hàng chục năm qua, và liên hệ nó với hậu quả hạn hán về mùa khô và lũ dữ về mùa mưa như hiện nay.

Kính thưa các vị, rừng Bình Thuận ngày trước không khô khát đến thế. Suối chảy dọc ngang khắp vùng, và khi rừng già vẫn còn phủ rậm thì ngay trong mùa khô, suối vẫn có nước.

Cũng xin nói thêm với cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Bình Thuận rằng, trong nỗi niềm thương dân bùng cháy, các vị mau quên quá.

Chỉ mới ngày 18/3/2016, chính báo Bình Thuận hồ hởi loan tin "Hàm Thuận Nam : Mỹ Thạnh không lo thiếu nước" .

Dòng đề từ đầy tự hào : "Nhiều vùng trong tỉnh, đặc biệt là các xã vùng núi, vùng cao đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Thế nhưng điều này không xảy ra ở Mỹ Thạnh".

Trích : "Trước đây, cứ đến đầu mùa khô thì núi rừng quanh Mỹ Thạnh đều khô khốc và kèm theo đó là tình trạng người dân thiếu nước dùng trong nhiều ngày, lắm khi kéo dài cả tháng (…). Thế nhưng từ năm 2010, huyện Hàm Thuận Nam quyết tâm giúp người dân vùng sâu Mỹ Thạnh thoát khỏi nỗi lo về nước sạch, nước sinh hoạt trong mùa khô. Trạm nước sạch được xây dựng sau đó có chiều dài đường ống 6.320 m, lấy nước của 7 giếng ngầm, đưa về cung cấp nước cho dân với công suất 150 m3/ngày (…) Nước máy về tận nhà, bà con mừng húm (…)".

Tổng cộng có 9 giếng ngầm khai thác quanh năm, trong đó có 2 giếng dự phòng, đã được thử thách cấp đủ nước qua mùa khô 2015.

Từ năm 2010 người dân Mỹ Thạnh đã không lo thiếu nước sinh hoạt, thế thì lấy đâu cảnh đào hố gạn từng lon nước như báo Bình Thuận đã kể khổ ?

binhthuan5

Bài báo trên báo Bình Thuận

Thôi cứ cho công trình cấp nước cho Mỹ Thạnh vào năm 2016 đã lạc hậu đi, thì đây, vẫn bài trên báo Bình Thuận ngày 10/10/2022 :

"Từ tờ mờ sáng anh Hồ Văn Thủy ở thôn 2, xã Mỹ Thạnh đã lùa đàn bò lên rừng chăn thả đến tối mịt mới về. Từ 2 con bò mua ban đầu nay phát triển đàn lên đến 10 con. Cứ 1 năm đàn bò sinh sản, xuất bán cho thu về lãi kha khá. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu ổn định từ 1,5 ha đất trồng điều, cây mì, bắp lai. "Đất đai trên này màu mỡ nên cây trồng tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi (…)- anh Thủy nói".

Chà, đọc lại câu cuối của anh Thủy nhé. Tự mâu thuẫn thế này thì gọi là gì Bình Thuận ơi ?

Vậy còn khó khăn chung của bà con xã Mỹ Thạnh ?

Tiếp tục trích bài báo nói trên :

"Theo đánh giá của UBND xã Mỹ Thạnh, khó khăn của xã do đa số bà con nơi đây đều làm nông nghiệp thu nhập thấp, hàng năm thương lái thu mua các loại nông sản giá cả bấp bênh. Trong khi đó, đa số đồng bào nơi đây trình độ thấp nên kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn hạn chế, thiếu thông tin, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian. Các loại cây trồng chủ yếu là bắp lai, cây mì, cây thanh long, điều, lúa và chăn nuôi bò, trâu… năng suất, hiệu quả mang lại chưa cao. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hiện xã vẫn chưa có hệ thống tưới tiêu mà chủ yếu lấy từ nước mưa, mỗi năm vụ mùa kết thúc bà con thường không có việc làm phải đi làm thuê".

Vậy vấn đề đã rõ.

Bà con Mỹ Thạnh nghèo thật, nhưng không phải một mực do thiếu nước. Vẫn có những người khá lên như anh Thủy do biết siêng năm chăm chỉ và biết dắt bò đi ăn hàng ngày.

Ai từng lăn lộn với bà con miền núi đều hiểu bà con được Nhà nước và các tổ chức dân sự hỗ trợ rất nhiều. Nhưng phần đông bà con không hiểu biết cách chăn nuôi, trồng trọt. Nhà nước cho trâu bò thì cột nó vào sợi dây ngắn ngay trong vườn nhà. Con trâu, con bò chỉ có thể bước vài bước loanh quanh gặm cỏ ngay gần chân. Bà con không biết dắt trâu bò đi ăn, không biết cắt cỏ hay ủ rơm cho bò ăn thêm, cũng không biết làm chuồng, ủ ấm cho trâu bò khi trời lạnh. Trâu bò đói, lạnh, ốm… chết thì chết, sang năm lại được cho tiếp.

Cho nên bà con được cho bao nhiêu lại gần như sạch trơn bấy nhiêu, không thể khá lên được, cứ nghèo khó hoài hoài. Thiếu nước vài tháng trong mùa khô không phải là lý do duy nhất dẫn đến cái nghèo nơi này.

Cuối cùng của bài này, tặng thêm các đồng chí Bình Thuận quý mến kết luận được nêu trong Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Bình Thuận năm 2020, do chính Sở Tài nguyên và môi trường của tỉnh chủ trì, Phân viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tư vấn.

Báo cáo viết : "Vai trò của thảm bụi là cùng với đất làm tăng khả năng điều tiết dòng chảy của sông ngòi. Hạn chế dòng chảy lũ, biến dòng chảy lũ thành dòng chảy ngầm bổ sung cho sông ngòi, nuôi dưỡng sông ngòi vào mùa khô. Những năm trước đây, tài nguyên đất đai nhiều nơi chưa được khai thác, phần lớn là rừng tự nhiên, một mặt do dân cư sống còn thưa thớt cộng với nền kinh tế chưa phát triển nên thảm phủ nhìn chung còn khá, nhiều sông suối nhỏ về mùa khô vẫn còn nước. Trong những năm gần đây do nền kinh tế phát triển, cư dân nhiều nơi đã tụ tập về đây lập nghiệp, đất đai được khai phá để phát triển và sản xuất. Nhiều vùng đồi gò nơi mà trước đây là những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn, nay đã được khai phá và thay thế vào đó là những cây lâu năm như keo lá tràm, cây điều và các loại cây ăn trái khác. Chính điều này đã làm cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp lại còn lại rất ít, lớp che phủ trên bề mặt lưu vực giảm đi đáng kể. Những thay đổi trên đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khả năng trữ nước và cấp nước cho nước dưới đất trên đồi cát bị giảm đi đáng kể, nhất là về mùa khô".

Quý Sở làm nghiên cứu tốt thật.

Đề nghị khen thưởng và nhớ đừng đổ riệt tình trạng thiếu nước ở Mỹ Thạnh cho điều kiện tự nhiên nữa nhé, các quý lãnh đạo Bình Thuận !

Phạm Văn An

Nguồn : RFA, 12/09/2023

Tham khảo :

https://binhthuan.gov.vn/SiteFolders/stnmt/4806/2020/GopY/2.%20BCTK%20DGKH%20100820.pdf

https://tuoitre.vn/viet-nam-dang-boi-nguoc-dong-voi-the-gioi-1125097.htm

https://nhandan.vn/mat-rung-co-lam-chung-ta-thuc-tinh-post367660.html?fbclid=IwAR3Mln93kGraAZJD9AWo0WAKTqzz16-AynDHnmziDRmT2IZdjmvkxK2lMzs

https://kinhtemoitruong.vn/ti-le-che-phu-rung-cua-viet-nam-va-nhung-con-so-biet-noi-51229.html

https://nhandan.vn/he-so-che-phu-rung-cua-viet-nam-dat-42-cao-hon-muc-binh-quan-cua-the-gioi-post623083.html

https://kinhtemoitruong.vn/tang-do-che-phu-rung-de-nang-cao-chat-luong-moi-truong-song-55265.html

http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hoat-dong-cua-dia-phuong/Nuoc-sinh-hoat-cho-nguoi-dan-mien-nui-cac-tinh-mien-Trung-Bai-5-Giu-rung-de-giu-nguon-nuoc-11408

https://baobinhthuan.com.vn/xay-ho-ka-pet-dan-noi-day-kho-vi-thieu-nuoc-qua-lau-111857.html

https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-my-thanh-khong-lo-thieu-nuoc-19128.html

https://baobinhthuan.com.vn/ghi-o-vung-cao-xa-my-thanh-101634.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Văn An
Read 238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)