Nhật cử quan chức đương nhiệm làm việc tại văn phòng "tùy viên quốc phòng" trên thực tế ở Đài Loan
Trọng Thành, RFI, 13/09/2023
Lần đầu tiên Tokyo bổ nhiệm thêm một quan chức chính phủ "đương nhiệm" vào văn phòng tùy viên quốc phòng trên thực tế tại Đài Loan. Theo giới quan sát, quyết định nói trên có thể khiến Trung Quốc tức giận. Việc Nhật Bản cử quan chức đương nhiệm được đưa ra tiếp theo yêu cầu của phía Đài Loan, theo một nguồn tin của Reuters.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tiếp phó chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ Nhật Bản Taro Aso, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 08/08/2023. AP
Hãng tin Anh Reuters hôm qua, 12/09/2023, dẫn lại bốn nguồn tin, cho biết Nhật Bản quyết định "nâng cấp quan hệ" về an ninh với Đài Loan. Nhật Bản vốn không có cơ quan đại diện ngoại giao chính thức ở Đài Loan. Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - Đài Loan (Japan-Taiwan Exchange Association) là cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức của Tokyo tại Đài Bắc. Trước đây, để tránh bị Trung Quốc phản đối, vai trò tùy viên quốc phòng trên thực tế do một sĩ quan Nhật Bản nghỉ hưu phụ trách. Hồi năm ngoái, sau khi truyền thông Nhật Bản tiết lộ việc cử quan chức quốc phòng "đương nhiệm", Tokyo đã đình chỉ kế hoạch do lo ngại Bắc Kinh.
Theo các nguồn tin nói trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cử một quan chức đương nhiệm đến làm việc cùng với tùy viên quốc phòng hiện tại để cải thiện việc thu thập thông tin và trao đổi với quân đội Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Đài Loan đã từ chối bình luận khi được hỏi về việc Nhật cử "tùy viên quốc phòng" mới, nhưng cho biết Đài Bắc "sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác có cùng quan điểm như Nhật Bản". Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng khẳng định chỉ theo đuổi các mối quan hệ "phi chính phủ" với Đài Loan, không vi phạm tuyên bố chung năm 1972, công nhận Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.
Trả lời Reuters trong cuộc họp báo hàng tuần, phát ngôn viên các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Trần Bân Hoa (Chen Binhua) hôm nay cho biết Bắc Kinh phản đối "bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa các quốc gia mà Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và khu vực Đài Loan của Trung Quốc" và "Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản rút ra bài học từ lịch sử, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, và thận trọng trong lời nói cũng như hành động về vấn đề Đài Loan".
Sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh xung quanh đảo Đài Loan, cách lãnh thổ Nhật Bản, khoảng 100 km, khiến Tokyo lo ngại. Tháng 7/2021, Sách trắng Quốc phòng thường niên của Nhật Bản lần đầu tiên khẳng định Đài Loan "ổn định" là vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật. Theo báo chí Nhật Bản, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản, công bố hồi cuối tháng 7/2023, nhấn mạnh đến "tính cấp bách" của việc Nhật – Mỹ hợp tác nhằm đối phó với kịch bản Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2023 cảnh báo "khoảng cách" về năng lực quân sự trên không và trên biển giữa Trung Quốc và Đài Loan đang gia tăng, nghiêng mạnh về phía có lợi cho Trung Quốc.
Báo cáo Quốc phòng rút bài học từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine
Thông tin về việc Nhật Bản cử một quan chức đương nhiệm tới văn phòng tùy viên quốc phòng tại Đài Bắc được đưa ra đúng vào ngày Quân đội Đài Loan công bố Báo cáo Quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Theo hãng tin Đài Loan CNA, Báo cáo Quốc phòng Đài Loan khẳng định quân đội nước này đang rút các bài học từ cuộc kháng chiến của Ukraine chống xâm lược Nga, nhằm sẵn sàng đối phó với một đối thủ mạnh hơn gấp bội, trong một cuộc chiến tranh hỗn hợp, "bao gồm can thiệp quân sự và các thách thức phi truyền thống khác, như chiến tranh mạng và chiến tranh tâm lý".
Lần đầu tiên kể từ khi Bộ Quốc phòng Đài Loan bắt đầu công bố báo cáo hai năm một lần từ năm 1992, một phiên bản "sách nói" của Báo cáo Quốc Phòng cũng được phổ biến để văn bản này đến được với nhiều đối tượng hơn, bao gồm những người "khiếm thị".
Trọng Thành
************************
Trung Quốc đề xuất một loạt biện pháp "mới" nhằm hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến
Trọng Nghĩa, RFI, 13/09/2023
Chính quyền Bắc Kinh ngày 12/09/2023 đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy việc hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến, thông qua một số kế hoạch phát triển chung.
Một khu vực ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 03/12/2022. © Alberto Buzzola / Getty Images
Tài liệu do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản và Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc cùng công bố bao gồm hơn 20 "ý kiến" nhằm vạch ra "con đường mới hướng tới phát triển hội nhập" giữa Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến trên đại lục.
Theo hãng tin Pháp AFP, nội dung các đề xuất bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Đài Loan làm việc, học tập và kinh doanh tại Phúc Kiến, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh thuê nhân viên Đài Loan. Tài liệu cũng kêu gọi thành phố Hạ Môn ở ven biển tăng tốc hội nhập với Kim Môn và Mã Tổ, hai nhóm đảo do Đài Loan quản lý nhưng chỉ cách bờ biển Hoa Lục vài cây số.
Văn kiện cũng nhắc lại rằng "giải quyết vấn đề Đài Loan" và "thống nhất hoàn toàn tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử của Trung Quốc". Theo nhận xét của AFP, việc công bố tài liệu kể trên cho thấy là Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ với hòn đảo tự trị vốn từng bị cắt đứt trong đại dịch Covid-19.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và quan hệ hai bên đã xấu đi đáng kể từ khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016. Quan hệ càng xấu đi thêm khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế về Covid-19, làm gián đoạn hoạt động thương mại và các hoạt động trao đổi khác trong thời kỳ đại dịch.
Đài Loan : Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục cho không quân và hải quân thị uy gần hòn đảo tự trị.
Vào hôm nay 13/09/2023, chính quyền Đài Bắc cho biết đã phát hiện 35 máy bay quân sự của Trung Quốc bay quanh Đài Loan trong vài tiếng đồng hồ, với một số phi cơ hướng tới Tây Thái Bình Dương để đến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc tham gia một "cuộc tập huấn hỗn hợp trên biển và trên không".
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, máy bay chiến đấu và drone Trung Quốc đã bị phát hiện từ 6 giờ sáng giờ địa phương, khoảng 28 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan, và một số máy bay chiến đấu "vượt qua Kênh Bashi để đến Tây Thái Bình Dương".
Trọng Nghĩa
************************
Trung Quốc củng cố phòng không dọc bờ biển đối diện đảo Đài Loan
Thu Hằng, RFI, 13/09/2023
Trung Quốc đã mở rộng các căn cứ không quân dọc bờ biển đối diện với Đài Loan, triển khai thường trực nhiều chiến đấu cơ và drone mới tại đó. Trong bản báo cáo hai năm một lần, được công bố ngày 12/09/2023, Bộ Quốc phòng Đài Loan nhận định Trung Quốc đang củng cố năng lực phòng không, song song với "chương trình huấn luyện và tập trận bắn đạn thật để tăng cường chuẩn bị tấn công Đài Loan".
Tham mưu trưởng Không quân Đài Loan, tướng Tào Tiến Bình (Tsao Chin-ping) họp báo tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 12/09/2023. Reuters – Ben Blanchard
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, được Reuters trích dẫn, nêu rõ "Trung Quốc đã hoàn thiện việc mở rộng các sân bay dọc bờ biển trực thuộc Chiến khu Đông Bộ và Chiến khu Nam Bộ, điều các chiến đấu cơ và drone mới đến thường trú ở đó".
Ngoài ra, các cuộc tập trận thường xuyên của Trung Quốc ở phía bắc và nam Đài Loan, cũng như ở vùng Thái Bình Dương cho thấy Bắc Kinh quyết tâm "hăm dọa" Đài Loan ở cả phía đông và tây. Các cuộc tập trận rầm rộ bao vây Đài Loan đã được Trung Quốc tiến hành tháng 08/2022 và tháng 04/2023 để răn đe "sự thông đồng" giữa chính quyền Đài Bắc và Washington. Đầu tuần này, Trung Quốc cũng huy động vài chục chiến đấu cơ và tầu sân bay Sơn Đông tập trận ở Tây Thái Bình Dương.
Bắc Kinh cũng sử dụng chiến thuật "vùng xám" - phi quân sự, ví dụ các khinh khí cầu khí tượng bay quanh eo biển Đài Loan nhưng thực chất là nhằm do thám hoặc máy bay dân sự được dùng vào mục đích theo dõi.
Trước đối thủ quá mạnh, Đài Loan theo đuổi chiến lược phòng thủ bất đối xứng bằng cách cải thiện các năng lực tầm xa, chính xác, không người lái và trí tuệ nhân tạo. Vẫn theo báo cáo, ngay khi thấy có dấu hiệu Trung Quốc tấn công, quân đội Đài Loan có thể dùng vũ khí chính xác để "đánh phủ đầu các lực lượng tấn công được huy động" của Trung Quốc.
Trả lời Reuters về phát biểu của tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc không tấn công ngay Đài Loan, ông Huang Wen Chi, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Đài Loan, khẳng định chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng và Đài Bắc không thể chủ quan. Theo ông, "cho đến nay, chúng tôi không thấy bất kỳ thái độ thiện chí nào từ phía chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với chúng tôi".
Trung Quốc chưa phản ứng về bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Thu Hằng