Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/09/2023

Nga - Ấn Độ - Trung Quốc : Khi bạn của bạn lại là kẻ thù

Thùy Dương

Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Ấn Độ và Nga luôn muốn thể hiện gần gũi về lịch sử và xích lại gần nhau về thương mại. Nhưng có một tác nhân thứ ba khiến quan hệ của New Delhi và Moskva phức tạp : Trung Quốc. Trong khi Nga mơ về một liên minh ba nước Á - Âu thì Ấn Độ lại muốn giữ một chân trong khối phương Tây. Căng thẳng giữa Ấn Độ với Trung Quốc cũng không có dấu hiệu hòa dịu.

brics1

(Ảnh minh họa) - Từ trái sang : Tổng thống Nga Valdimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh khối BRICS ở Goa, Ấn Độ, ngày 16/10/2016. AP - Anupam Nath

Trên đây là nhận định của nhà báo Côme Bastin (thông tín viên đài RFI) trên trang mạng Asialyst nghiên cứu về Châu Á, ngày 09/09/2023. RFI Tiếng Việt trích dịch bài viết "Nga - Ấn Độ - Trung Quốc : Khi bạn của bạn là kẻ thù".

Ấn Độ và Nga chú ý thể hiện với thế giới một mối quan hệ không thể lay chuyển, dựa trên một sự tin cậy lẫn nhau và một lịch sử chung. Tuy nhiên, sự thất bại của Nga và thành công của Ấn Độ gần đây trong vụ phóng phi thuyền lên Mặt trăng là điều rất khó khăn đối với Nga, nhất là vì vào thời Liên Xô, chính Moskva đã đóng góp cho sự tiến bộ của chương trình không gian của Ấn Độ. Theo tác giả Côme Bastin, điều này cho thấy quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đang có một sự chuyển đổi lớn, từ mối quan hệ gần như một chiều Nga - Ấn sang một mối quan hệ có nhiều cơ hội hơn, bình đẳng hơn.

Một biểu tượng đáng quan tâm khác là sự mở rộng mang tính lịch sử của khối BRICS. Nhiều người cho rằng việc BRICS đó thêm thành viên mới phản ánh sự chuyển đổi từ khối kinh tế của các nước mới trỗi dậy sang khối chính trị do Trung Quốc dẫn đầu, được xác định là để cạnh tranh với khối G7, phương Tây, đồng đô la hoặc thậm chí là được xem là để xét lại trật tự thế giới được thiết lập sau năm 1945. 

Sự đối đầu với phương Tây là một yếu tố kết nối các thành viên, nhưng đồng thời cũng là một trong những yếu tố gây chia rẽ giữa Nga và Ấn Độ. Từ khi xâm lược Ukraine, Moskva đã hoàn toàn đối đầu với phương Tây. Còn New Delhi duy trì lập trường không liên kết, vừa muốn thể hiện là Ấn Độ thuộc nhóm "Các nước phía nam" (ý nói các nước đang phát triển) và cả khối phương Tây, vừa muốn có thể tiếp tục làm như vậy.

Tại sao Ấn Độ không "buông" Nga ?

Kể từ ngày 24/02/2022, quan hệ Ấn Độ-Nga đã trở thành tâm điểm chú ý. Cho đến nay, điều có thể thấy rõ là một phần thế giới, trong đó có Ấn Độ dưới chính quyền của thủ tướng Narendra Modi, từ chối lên án cuộc chiến xâm lược của Nga. Thế nhưng, vào thời điểm đó, để ngưng cuộc chiến, hay để thuyết phục Vladimir Putin, phương Tây đành trông cậy vào cộng đồng quốc tế, vào các tuyên bố lập trường của Ấn Độ, nước duy trì mối quan hệ ngoại giao, thương mại, lịch sử và quân sự với cả phương Tây và Nga.

Thế nhưng, Narendra Modi dù bày tỏ "nỗi đau buồn sâu sắc" về các thiệt hại nhân mạng và kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức bạo lực", đã từ chối lên án Nga. Đảm nhận chức chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2023, Ấn Độ được dự báo sẽ có đường lối cứng rắn hơn (với Nga). Ngoại giao Ấn Độ cũng hứa hẹn sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải và đạt bước tiến, nhưng cuối cùng cũng chẳng có gì thay đổi.

Theo tác giả bài viết đăng trên Asialyst, đơn giản là Nga và Trung Quốc phản đối một thông cáo chung và thậm chí phản đối việc sử dụng từ "chiến tranh", và Ấn Độ thì không muốn mâu thuẫn với hai nước này. Tại sao New Delhi lại rỏ ta rụt rè như vậy ? Nhiều nhà phân tích và các phương tiện truyền thông đã chỉ ra là Ấn Độ vẫn duy trì sự phụ thuộc lịch sử và gần như là nợ nần đối với Nga cả về quân sự và địa chính trị.

Nhà báo Côme Bastin nhắc lại là hồi năm 1971, Bangladesh hiện tại, khi đó được gọi là "Đông Pakistan", muốn tách khỏi "Tây Pakistan". Vì nhiều lý do, Ấn Độ ủng hộ sự chia tách giữa hai miền Pakistan, nhưng bị cô lập. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Anh Quốc đều ủng hộ chế độ Pakistan lúc đó. Vì thế, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận phòng thủ với Liên Xô, cho phép nước này bảo vệ hậu cứ của Ấn Độ và ủng hộ về quân sự cho nền độc lập của Bangladesh. Đến năm 1998, New Delhi được Moskva hỗ trợ trong việc thực hiện các vụ thử hạt nhân đầu tiên, bất chấp lệnh tạm ngưng thử hạt nhân (về mặt lý thuyết) và các trừng phạt của Mỹ. Sau đó, Nga còn hỗ trợ Ấn Độ phát triển chương trình hạt nhân, chẳng hạn cung cấp uranium cho New Delhi.

Vào thời Chiến tranh Lạnh, theo chính sách không liên kết của thủ tướng Nehru, Ấn Độ cũng đã từ chối chọn phe. Trên thực tế, Liên Xô (và sau này là Nga) đã hậu thuẫn Ấn Độ trong những thời điểm quan trọng trong quá trình Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập. Do vậy, Moskva là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu và có truyền thống cho New Delhi (gần 80%). Về mặt ngoại giao, cũng như trong tâm tưởng nhiều người Ấn Độ, Nga là một đối tác đặc biệt mà họ không thể bỏ rơi chỉ sau một đêm vì cuộc chiến ở Ukraine mà nhìn từ Ấn độ thì xa xôi và chỉ liên quan đến Châu Âu.

Cuộc chinh phục khôn khéo của Nga tại Ấn Độ

Tuy nhiên, rồi nhanh chóng Ấn Độ sẽ không hài lòng với việc cứ duy trì vị thế thấp hơn chỉ vì sự tôn trọng đối tác lịch sử. Sau các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Moskva tìm kiếm các nước mới mua khí đốt và dầu lửa của Nga, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc Nga phải bán với giá rẻ. Ấn Độ đã nhanh chóng tình nguyện mua dầu khí của Nga cho dù trong những thập niên trước đó, Ấn Độ chủ yếu mua dầu từ Trung Đông. Việc Ấn Độ mua dầu của Nga vừa là một cử chỉ chính trị đối với Moskva, cũng vừa là một cơ hội kinh tế. Hơn nữa, Ấn Độ cũng chẳng ngần ngại thể hiện các mối quan hệ đối tác với Nga.

Các nhà ngoại giao Nga cũng hành xử khéo léo để tiếp tục hưởng sự hỗ trợ của Ấn Độ và để phát triển các quan hệ thương mại ... Xin nhắc lại là trên thực tế, cuộc chiến ở Ukraine khiến Nga phải trì hoãn việc cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, còn New Delhi thì có các quan hệ đối tác mới về quốc phòng, nhất là với Mỹ và Pháp. Nga cũng đang thúc đẩy các cơ chế ngân hàng mới sau khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift. New Delhi đã mở một số tài khoản được gọi là "Vostro" ngay tại Ấn Độ, và các ngân hàng Nga có thể sử dụng để thanh toán bằng đồng rupi.

Cuối cùng thì dường như Nga đang tìm cách quyến rũ Ấn Độ hơn là theo chiều ngược lại. Roman Babushkin, phó đại sứ Nga tại Ấn Độ, gần đây đã không ngần ngại nói đến xung đột biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc, hay mối liên hệ giữa New Delhi và Washington nhưng theo cách làm New Delhi thấy hài lòng.

Một trục Nga - Ấn - Trung mới ?

Hồi tháng 03 vừa qua, Moskva đã công bố một chiến lược mới về chính sách đối ngoại, xem Mỹ và phương Tây là nguồn cơn "các mối đe dọa cho sự tồn vong" và kêu gọi liên minh ba bên với Ấn Độ và Trung Quốc để chống lại trật tự phương Tây. New Delhi không phản hồi bởi không thể đưa ra lập trường cứng rắn như vậy, nhất là vì Ấn Độ là thành viên Bộ Tứ QUAD chống Trung Quốc. Căng thẳng biên giới ở dãy Himalaya và sự cạnh tranh thương mại Ấn - Trung đã ngăn cản New Delhi tham gia liên minh nói trên.

Dù liên minh ba nước chỉ là ảo tưởng, chúng ta không nên đánh giá thấp sự gần gũi về ý thức hệ của Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Về cơ bản, ba cường quốc này có nhiều điểm chung. Ngoài những khác biệt về địa chính trị, họ gắn kết với nhau do có những yêu sách hoặc mối hận thù chung, họ đều coi mình là những nước lớn từng bị phương Tây lừa dối.

Ấn Độ từng có thời gian làm thuộc địa lâu nhất tại Châu Á và nay thì đang do phe dân tộc chủ nghĩa dẫn dắt, muốn quay trở lại thời kỳ hoàng kim. Do đó, lập trường của Ấn Độ không chỉ đơn giản là thực dụng mà còn là ý thức hệ. Chỉ cần nói chuyện với người dân Ấn Độ trên phố là thấy phương Tây không được coi là một tác nhân đáng tin cậy liên quan đến các bài học về luật pháp quốc tế. Châu Âu bị xem là đạo đức giả khi mua dầu của Nga do Ấn Độ tinh chế.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thẳng thừng nói : "Châu Âu phải ngừng nghĩ rằng các vấn đề của họ cũng là vấn đề của thế giới, nhưng lại cho rằng các vấn đề của thế giới không phải là vấn đề của Châu Âu". Ngoại trưởng Jaishankar cũng đề cập đến một lập trường chung khác của ba nước : thay đổi trật tự thế giới ra đời từ năm 1945. Từ lâu nay, Ấn Độ yêu cầu có ghế thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ba cường quốc có chung cảm giác là những nước chiến thắng đã chia cắt thế giới theo kiểu thuộc địa mới, đây cũng là động lực thúc đẩy sự năng động của khối BRICS.

Tư tưởng bài phương Tây ở Ấn Độ đã tăng lên đến mức chưa từng có. Nhà báo Côme Bastin nhận thấy Ấn Độ có nhiều tuyên bố bài Châu Âu hoặc bài phương Tây hơn là bài Trung Quốc. Lập trường của Ấn Độ về cuộc chiến ở Ukraine không phải chỉ có ở những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. Rahul Gandhi, nhà đối lập chính của thủ tướng Narendra Modi, từng nói là chính sách ngoại giao của Ấn Độ về những vấn đề này sẽ không có sự thay đổi mang tính cách mạng nếu có đảng phái khác lên lãnh đạo đất nước.

Trục Nga - Ấn - Trung mới này gây lo ngại nhưng hiện tại vẫn chỉ là trong suy nghĩ của phương Tây. Trên thực tế, mục tiêu Ấn Độ và Trung Quốc nối lại quan hệ hữu nghị như lời kêu gọi của Nga vẫn còn rất xa. Cường quốc đang ngăn cản điều đó chính là Ấn Độ. Sự đối nghịch giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng xuyên suốt khối BRICS mới được mở rộng gần đây. Hai cường quốc này không đồng ý với nhau về nhiều điểm, bắt nguồn từ đường biên giới trên dãy Himalaya.

Về lý thuyết, việc xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có lợi cho họ, nhưng như vậy là đánh giá thấp thực tế rằng hai gã khổng lồ Châu Á đều có lợi khi giữ nguyên trạng. Về phía Ấn Độ, việc tấn công chỉ trích Bắc Kinh luôn mang lại kết quả trong các kỳ bầu cử, cho dù trên thực tế, Ấn Độ vẫn nhập siêu hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc, nhiều hơn đến 77 tỷ euro so với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến thâm hụt thương mại ngày càng tăng.

Về phía Trung Quốc, do vẫn bảo đảm chiếm được ưu thế về quân sự và kinh tế nên không muốn thỏa hiệp với Ấn Độ. Trái lại, mới đây Bắc Kinh đã công bố bản đồ mới của Trung Quốc gồm một phần lớn lãnh thổ Ấn Độ. Qua trường hợp Ấn Độ, thông điệp mà Trung Quốc gửi đi toàn thế giới : sẽ không có sự thỏa hiệp nào.

Thế nhưng, trong công luận Ấn Độ, nghịch lý là vấn đề Trung Quốc lại được viện dẫn như một lý do để nối lại quan hệ hợp tác với phương Tây, cũng như với Nga. Nối lại quan hệ với phương Tây để New Delhi tham gia vào một liên minh lớn, nhằm răn đe Trung Quốc không tấn công Ấn Độ. Còn Ấn Độ liên kết với Nga là tránh để Moskva ngã vào vòng tay của Bắc Kinh. Lập trường của Ấn Độ là khôn khéo hay khó hiểu ? Ấn Độ có đang bảo vệ lợi ích của họ hay đang mạo hiểm chọc giận các đồng minh về lâu dài ? Hiện đang có rất nhiều câu hỏi mở và chỉ liên quan đến chủ nghĩa đa phương kiểu Ấn Độ.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 361 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)